Phật Học Online

Luận về Mười điều lành trong Kinh "Hành thập thiện"!

 Đức Phật đã dạy chúng ta tu thập thiện cốt là để tạo nhân duyên, có đầy đủ phước báo để đời này được an vui, và kiếp sau cũng được giàu sang, sung sướng, thỏa mãn mọi nhu cầu của cuộc sống. Vì vậy Hành thập thiện đem lại lợi ích vô cùng to lớn

Muốn chấm dứt hoàn cảnh khổ đau trong cuộc sống, vượt thoát cảnh tù tội của thế gian, hoặc những tai nạn hiểm nghèo, những bệnh tật khó trị, những xung đột tỵ hiềm, nhỏ mọn, ích kỷ, dối trá, xảo quyệt, v.v... Đức Phật đã dạy chúng sinh phải biết tu mười điều lành tức Hành thập thiện!

Thập Thiện hay còn gọi là Thập Thiện Nghiệp, Thập Thiện Giới, Thập Thiện Pháp. Tên gọi khác nhau là do tùy cách diễn nghĩa theo các phương diện ứng dụng, tùy theo cách nói về nghiệp, nói về giới luật hay nói về pháp tu.   

Hành thập thiện là những điều mà Đức Phật giảng tại Long cung Sa Kiệt La, trước tám ngàn Đại tỳ kheo, ba vạn hai ngàn các vị Bồ tát. Đó là bản Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Kinh này do Ngài Thực Xoa Nan Đà, đời Nhà Đường (618 – 907) bên Trung Quốc dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán. Ở Việt Nam ta, hiện nay đã có những bản dịch ra tiếng Việt của Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ[1], một bản dịch khác do Cố Đại lão Hòa thượng Thích Hòan Quan[2] và có thể còn có một vài vị khác nữa đã dịch ra tiếng Việt như của Hòa thượng Thích Tâm Châu[3].

Hành thập thiện là phương pháp tu đưa nhân loại đến với hạnh phúc chân thật, giúp con người thoát cảnh đau khổ trên trần thế, rèn luyện con người tu tập để trở thành những nhân tố tốt cho xã hội. Tu thập thiện  giúp cho người ta trở nên điềm đạm, có đức tính khiêm hạ, giản dị, có nhân cách cao đẹp và có đủ sức kiên trì nhẫn nại để vượt qua những khó khăn của đời sống. Tu thập thiện sẽ chuyển cảnh khổ đau, đói rét thành cảnh an vui, no ấm, giúp cho cuộc sống của chúng ta trở thành cuộc sống có đạo đức, chân thật, làm gương tốt cho mọi chúng sinh. Tu thập thiện giúp chúng ta tránh mọi tham lam, sân hận, si mê, không tham đắm ngũ dục, do đó giúp cho con người không thể trở thành những kẻ hung ác, giết người, trộm cướp, hiếp dâm. Nhờ thế tâm hồn con người sống trên trần thế không còn lo sợ phải tù tội và đọa lạc vào ba đường ác. Thập thiện giúp cho thân, khẩu, ý thanh tịnh, không phạm lỗi lầm, không tạo nghiệp ác.

Người không biết tu thập thiện thì ba nghiệp (thân, khẩu, ý) tạo đủ mười điều ác do đó sẽ phải gánh mọi nghiệp quả khổ đau, sẽ bị đọa vào địa ngục là con đường khổ đau nhất trong sáu nẻo luân hồi. Những người như thế ngay khi còn sống họ cũng đã phải chịu một cuộc đời đau khổ, nếu họ không làm mười điều lành mà chỉ làm mười điều ác (sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, tham lam, sân hận, và si mê). Những kẻ một đời làm ác, sẽ không có lúc nào được an vui, dù họ ở vào địa vị nào trong xã hội, dù có quyền lực, giàu sang hay nghèo hèn thì bản thân và tâm hồn của họ vẫn luôn đen tối và đau khổ triền miên.

Đức Phật đã dạy chúng ta tu thập thiện cốt là để tạo nhân duyên, có đầy đủ phước báo để đời này được an vui, và kiếp sau cũng được giàu sang, sung sướng, thỏa mãn mọi nhu cầu của cuộc sống. Vì vậy Hành thập thiện đem lại lợi ích vô cùng to lớn không những cho kiếp này mà còn cho những kiếp mai sau.

Đó là nói về con người thế gian nói chung. Còn đối với hàng xuất gia, tức là các nhà tu hành thì Hành thập thiện không những sẽ giúp cho các hành giả hưởng một cuộc sống an lạc trong hiện tại và đời sau sẽ sinh lên sáu cõi tầng trời[4] hưởng cảnh vui thú, an nhàn hoặc đạt đến quả vị cao hơn.

Để vượt ra khỏi ba cõi thế gian, đạt đến các quả vị Thanh văn, Duyên giác thuộc hàng Nhị thừa, hành giả phải tu theo các pháp Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên[5] và để đạt đến hàng Bồ tát Đại thừa, cần phải qua pháp Lục Độ[6] mới đi đến giác ngộ hoàn toàn. Muốn thực hiện được các pháp môn đó, hành giả không thể bỏ qua được pháp môn Tu thập thiện. Tu Thập thiện nghiệp như một nấc thang quan trọng cần phải vượt qua nếu muốn đạt được thành quả cao hơn nữa. Vì lẽ đó, người ta nói Hành thập thiện là cái gốc của các pháp lành thế gian và xuất thế gian.

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo (kinh về Mười nghiệp lành) do Đức Phật thuyết giảng về việc tu tập thực hành mười nghiệp lành. Nghiệp là hành vi tạo tác. Thập thiện nghiệp là mười hành vi lành. Bộ kinh dạy chúng sinh biết làm mười điều lành, tránh mười điều ác. Mười điều lành này không những dạy cho hàng tại gia mà cho cả hàng xuất gia. Trong hàng xuất thế gian, muốn đạt đến phẩm hạnh cao như Thanh văn, Duyên giác và Bồ Tát cũng đều phải qua kinh qua tu hành thập thiện.

 

Đức Phật nói kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo (kinh Mười điều lành) bao gồm:    

          - 3 nghiệp về thân : không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm

          - 4 nghiệp về miệng (tức về khẩu ngữ) : không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói ác khẩu, không nói lời thêu dệt,

          - 3 nghiệp về ý : không tham lam, không sân hận, không si mê tà kiến.

Sau đây là nội dung của hành thập thiện:

A. Ba điều lành về thân nghiệp:

1. Không sát sinh :

+ Sát sinh là diệt mạng sống của kẻ khác hoặc loài khác, nói chung là chúng sinh hữu tình. Sát sinh là tự mình cầm khí giới trực tiếp sát hại hoặc dùng phương tiện như bẫy, thuốc độc giết hại, hoặc sai bảo người khác giết hại, hoặc thấy sự giết hại mà trong tâm mình hoan hỷ, đều là nghiệp sát sinh cả. Nghiệp sát sinh này tùy theo tâm trạng khi sát sinh, tùy theo đối tượng bị sát sinh và tùy theo thời gian thực hiện mà phân biệt tội nặng nhẹ khác nhau.

Theo tâm trạng, thì nặng nhất là tội do tâm sân hận, biết phạm pháp luật mà vẫn cố ý giết hại kẻ khác, tội này phải bị đày vào địa ngục Vô gián, A Tỳ. Thứ đến là tội tuy có sân hận kích động, nhưng nội tâm không rõ ràng hoặc trong tâm tuy rõ ràng mà không sân hận trong khi thực hiện việc sát sinh. Tội nhẹ là không sân hận, không hiểu biết mà giết lầm.

Theo đối tượng bị giết cũng có nặng nhẹ khác nhau. Như phá hủy thân Phật, giết hại các bậc thánh nhân, A La Hán, giết hại cha mẹ và các ân nhân của mình là tội nặng nhất, phải đọa vào địa ngục A tỳ. Thứ đến là phạm tội giết các người khác và tội giết hại các loài chúng sinh để ăn thịt. Tất cả đều là tội sát sinh.

Theo thời gian thực hiện giết hại cũng có tội nặng nhẹ khác nhau. Nếu trước khi giết hại mà tâm thấy vui, khi đang giết và sau khi giết rồi, tâm vẫn vui vẻ không có lòng hối hận là tội nặng nhất. Nếu sau khi giết rồi mà sinh tâm hối hận là tội bậc trung. Còn không có lòng sân hận mà giết lầm và sau khi giết rồi, sanh lòng hối hận là tội nhẹ.

+ Các hình thái sát sinh : Tội sát sinh thể hiện nhiều hình thái khác nhau trên hai đối tượng chính là con người và loài vật.

- Như trên đã nói, giết người là tội vô cùng nặng, nhất là tội giết cha mẹ anh em ruột thịt, giết đồng loại vì lòng tham, vì sân hận. Ở phạm vi hẹp là giết một người hoặc một vài người. Ví dụ một đứa con ngỗ ngược, ăn chơi, nghiện hút không có tiền, xin cha mẹ tiền không được đã đang tâm giết cha hoặc mẹ để lấy tiền, hoặc người tình giết người tình vì ghen tuông, hoặc cướp của giết người lấy tiền ăn chơi, thỏa mãn dục vọng dưới mọi hình thức như cầm dao búa, súng đạn, bóp cổ, dùng thuốc độc, chẹt xe, gây tai nạn, dìm chết dưới nước v.v… Ở phạm vi rộng là gây chiến tranh chiếm đoạt tài sản, lãnh thổ của cả một đất nước, một dân tộc, giết hại dân lành một cách phi nghĩa dưới mọi hình thức bom đạn, bắn giết ngoài chiến trường, tàn sát làng mạc, rải thuốc độc hóa chất, phá hồ tháo nước, thiêu đốt làng xóm núi rừng…

- Tội giết loài vật để ăn thịt nhằm thỏa mãn chút vị ngon, hoặc giết loài vật, mổ xẻ khác đem đi bán dưới mọi hình thái như giết bằng dao, bằng búa, bằng điện, bằng bẫy, cung nỏ, súng đạn, nhấn chìm dưới nước, hoặc lấp hang phá ổ v.v… Cần phải thấy rằng ngày nào con người còn giết hại thú vật để ăn là ngày đó còn có chiến tranh, còn có cảnh con mất cha, mẹ mất con vì chiến tranh tàn phá. Chiến tranh không bao giờ chấm dứt bởi con người còn nghiệp sát sinh hại vật.

Tất cả những tội sát sinh đó, kinh Phật đã dạy : Tội giết hại thường làm chúng sinh đọa vào địa ngục, ngạ quỷ để chịu khổ báo. Nếu đầu thai trong loài súc sinh phải chịu làm thân hùm beo, chó sói, hoặc làm thân rắn độc, rết độc, ôm lòng hiểm ác, hoặc làm thân hươu nai, thỏ beo, luôn luôn sợ hãi. Nếu được làm người mắc phải hai thứ quả báo : một là nhiều bệnh hai là chết yểu.

Vì vậy, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy con người không được có hành động sát sinh bởi vì :

Mọi vật sinh ra trong vũ trụ kể cả con người đều sợ chết, sợ khổ đau và bệnh tật. Con vật sắp bị giết mà được tha thì nỗi vui mừng không thể tả được, vì thế tha mạng chết cho người (ân xá), tha nạng chết cho vật (không sát sinh) là một ân huệ lớn. Thực hiên không sát sinh mà còn phóng sinh, là nghiệp lành đứng đầu trong việc Hành thập thiện nghiệp.

Con ngưởi ta ai cũng ham sống, sợ chết, lẽ đâu lại cướp mạng sống của loài vật. Con vật khi bị giãy giụa trên thớt, dưới dao còn khổ hơn con người ta lăn lộn trong cơn bệnh ngặt nghèo, cơ thể rã rời, đau nhức. Niềm đau, nỗi khổ của con người và loài vật cũng giống nhau không khác!

Muốn không sát sinh, chúng ta hãy chế ngự và khắc phục tâm mình, đừng chạy theo sự ăn ngon mà tạo nên tội lỗi, máu đổ thịt rơi. Hãy quán chiếu nỗi khổ của chúng sinh cũng là nỗi khổ của mình để tránh sát sinh. Người tu hành còn phải biết quán chiếu ăn thịt chúng sinh như ăn thịt con mình hay cha mẹ trong tiền kiếp của mình.

Đức Phật đã chỉ ra rằng tất cả các chúng sinh từ vô lượng vô biên kiếp trước đã là cha mẹ, anh em hoặc đã là bà con quyến thuộc, nhưng bởi nhân duyên nghiệp báo nên phải sinh tử luân hồi sáu nẻo[7], thay hình đổi dạng không còn nhận biết lẫn nhau. Đang tâm giết hại để ăn thịt rất tổn hại lòng từ bi, đang tâm giết hại, sát sinh để ăn thịt là cái nhân gây ra bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn. Nợ máu xương phải đền bằng máu xương, dù trốn đi đâu cũng không tránh khỏi.

Trong kinh Bổ Tát Giới, Phật nói: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính như nhau không khác, nếu chúng ta giết chết một con vật tức là bóp chết lòng từ bi của mình, giết luôn vị Phật tương lai và giết lộn ăn lầm người thân trong quá khứ. Có chuyện kể rằng ở thành Vương Xá có một ông trưởng giả nghe lời người Bà la môn giết rất nhiều loài vật để tế thần, Ngài Mục Kiền Liên đi qua thấy thế nói với ông trưởng giả rằng ông đã giết cha mẹ anh em người thân của mình trong quá khứ chứ không ai xa lạ. Ông trưởng giả không tin, Ngài Mục Kiền Liên bèn dùng phép thần thông trình bày những kiếp trước giữa ông trưởng giả và những con vật bị giết đều là quyến thuộc. Trưởng giả thấy thế, vô cùng sợ hãi, ăn năn sám hối, phát tâm quy y, ăn chay, nguyện trọn đời từ bỏ nghiệp sát hại súc vật.

Trong kinh Địa Tạng có nói đến một chuyện: Trong thời kỳ Đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai ra đời, cách đây a tăng tỳ kiếp (vố số kiếp), từ rất xa xưa, có một nữ nhân tên là Quang Mục do thương xót người mẹ sau khi mẹ chết, đã đi lễ và được vị La Hán cho biết người mẹ khi còn sống thường sát sinh, ăn cá, ba ba và rất nhiều trứng của loài đó nên đã bị đọa vào địa ngục. Quang Mục liền chí thành tô đắp tượng Phật, một lòng cung kính lễ bái thì chiêm bao thấy Phật báo rằng: Chẳng bao lâu nữa, mẹ con sẽ sinh vào nhà con. Quả nhiên sau đó, người đầy tớ gái trong nhà sinh được một bé con chưa được ba ngày mà đã biết nói, và đứa bé đã nói với Quang Mục rằng xưa là mẹ của Quang Mục do nghiệp sát sinh hại vật đã bị đọa vào địa ngục, may nhờ con thành tâm cung kính lễ bái mới được đầu thai làm kẻ hèn hạ, sống ngắn ngủi đến mười ba tuổi rồi bị chết non lại đọa vào đường ác.

Muốn tránh xa nghiệp sát sanh cần phải tu theo ba pháp môn: giới, định, tuệ. Trước tiên tu theo giới mà bỏ nghiệp sát sanh, thân không hành động giết hại. Thứ hai, tu thiền định làm cho tâm không khởi lên việc giết hại nhưng cũng chưa dứt hẳn. Cuối cùng là tu tập theo định huệ, dứt sạch chủng tử thói quen từ vô thủy kiếp đến nay. Chỉ khi chứng đến quả Phật mới hoàn toàn dứt hẳn nghiệp sát sinh mà thân tâm được thanh tịnh.

Ngày xưa đức Phật khi còn tại thế, đã cùng Xá Lợi Phất đứng xem một đàn chim. Bầy chim thấy Phật thì không sợ hãi mà thấy ngài Xá Lợi Phất thì cuống cuồng bay đi. Ngài Xá Lợi Phất hỏi Phật vì lẽ gì? Đức Phật dạy: "Ngươi dù đã chứng đến A La Hán, tuy không còn tâm sát hại nhưng vì thói quen chủng tử sát hại từ vô thủy đến nay chưa dứt hẳn, cho nên loài chim lại gần thì sinh lòng sợ hãi". Trong các kinh và sách về Phật học, có rất nhiều câu chuyện nói về những kẻ phạm vào tội sát sinh thì ngay trong đời này hoặc trong các kiếp sau phải gánh nghiệp nặng, hoặc phải lấy mạng đền mạng hoặc bị đọa vào ba đường ác không biết bao giờ mới thoát ra được. (Một số chuyện kể về nghiệp sát sinh, xin xem trong Phần thứ Ba của sách này)

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy: Nếu ai không sát sinh thì sẽ được mười điều lợi ích như sau:

1/. Tất cả chúng sinh đều kính mến.

2/. Lòng từ bi mở rộng đối với tất cả chúng sinh.

3/. Trừ sạch thói quen giận hờn.

4/. Thân thể thường được mạnh khỏe

5/. Tuổi thọ được lâu dài.

6/. Thường được Thiên Thần hộ trì.

7/. Ngủ ngon giấc và không chiêm bao, ác mộng.

8/. Trừ được các mối thù oán.

9/. Khỏi bị đọa vào ba đường ác.

10/. Sau khi chết được sinh lên cõi Trời.

Những người thường giúp đỡ, săn sóc người nghèo khổ, bệnh tật, tai nạn, khổ đau, v.v... thì bản thân họ ít bệnh tật, ít tai nạn. Nếu ai biết lo tạo phúc lành thì ngay trong đời hiện tại chắc chắn họ được khỏe mạnh, tinh thần được thư thái và an vui. Không sát sinh là hành động từ bi, là học theo hạnh nguyện từ bi của Bồ Tát đối với vạn vật trong vũ trụ. Để trau dồi tâm từ bi thì chẳng những chúng ta không sát sinh hại vật, mà còn phải thực tập ăn chay. Ăn chay tức là không ăn thịt chúng sinh, không ăn thịt người thân quyến thuộc của mình trong nhiều đời kiếp trước. Sự nghiệp ăn chay đem lại rất nhiều điều lợi, về mặt khoa học sẽ tránh được việc ăn phải những chất độc tiết ra trong máu thịt con vật khi chúng bị giết do sợ hãi kêu khóc. Không những cần ăn chay, để phát triển hạnh nguyện từ bi, người Phật tử còn cần thường xuyên thực hiện phóng sinh thì phúc đức sẽ vô cùng to lớn. Việc phóng sinh tức là cứu được nhiều mạng sống của chúng sinh khi chúng sắp bị sát hại, tức là đem lại phúc đức cho chúng sinh và cho bản thân người thực hiện việc phóng sinh.

Ngoài ra, ở mức độ cao hơn, hành giả và Phật tử khi đi kinh hành còn phải lưu ý tránh giẫm đạp, làm chết cỏ cây và những sinh vật nhỏ bé nằm dưới đất. Đó cũng là hạnh nguyện từ bi tránh sát sinh hại vật mà Đức Phật răn dạy.

Giết mạng thì phải đền mạng, đó là luật nhân quả. Thế nên Đức Phật dạy cho hàng cư sĩ Phật tử, sau khi qui y thì phải từ bỏ những nghề có làm tổn hại tâm từ bi như nghề đổ tể giết súc vật, nghề buôn bán vũ khí, cung tên, dao kiếm, súng đạn, buôn bán rượu và thuốc độc, nghề săn bắn hại vật, những nghề liên quan đến sát sinh, hại người, hại vật v.v..cũng là để trau dồi hạnh từ bi và đức hiếu sinh vậy.

2. Không trộm cắp:

+ Trộm cắp là lấy những vật chất, tiền tài, của cải thuộc quyền sở hữu của người khác. Trong cuộc đời, người ta phải có nhu cầu để sống như phải có cơm ăn, áo mặc, nhà cửa để ở và những nhu cầu khác về vật chất và tinh thần. Do đó phải có đồng tiền để tiêu, để trang trải những nhu cầu của cuộc sống, để học tập, để chữa bệnh khi ốm đau, để giải trí nghỉ ngơi nhằm phục hồi sức khỏe, dành cho lao động. Vì vậy mọi người ai cũng cần phải nỗ lực làm việc để có tài sản đảm bảo cho đời sống hiện tại và tương lai cho mình, cho con cháu mình. Do phải bỏ nhiều công sức lao động mới có điều kiện sống cho nên con người ta rất quý trọng tài sản của mình. Chính vì vậy quyền tư hữu tài sản là một quyền thiêng liêng và quan trọng. Nếu vì một lý do gì, người ta bị đoạt mất tiền tài của cải hoặc tài sản thì người ta sẽ vô cùng đau khổ, buồn phiền như cảm thấy chính mình bị mất một phần sinh mạng. Họ sinh ra thất vọng, buồn bực đến nỗi có khi đau ốm bệnh tật, có khi nghĩ đến tự tử, và trên thực tế cuộc đời đã có những sự việc đau buồn như vậy.

Theo lẽ công bằng, đã không muốn ai lấy của mình, thì đừng lấy bất cứ cái gì của người khác. Không muốn người khác trộm cắp của mình, làm cho mình đau khổ, thì mình cũng đừng làm đau khổ cho người. Xã hội chỉ tồn tại được, khi mọi người đều tôn trọng lẽ công bằng.  Trong kinh Phật có nói : "Vật của người khác thì người đó giữ. Dù một lá rau cọng cỏ mà họ không cho cũng không được lấy, huống chi trộm cướp". Của trộm cướp là của phi nghĩa, thường vào cửa trước ra cửa sau, tiêu hao nhanh chóng không được bền lâu, nó đến rất nhanh rồi đi cũng rất nhanh, rốt cục thì tay trắng cũng hoàn tay trắng mà còn bị người đời khinh bỉ, phỉ báng, xấu hổ cho mình và cho con cháu về sau.

+ Các loại hình trộm cắp : Tội trộm cắp (hay nói ở mức độ cao hơn là trộm cướp), có nhiều loại hình khác nhau và cũng theo từng loại hình mà tội sẽ nhẹ hay nặng khác nhau :        

- Do vô tình, không cố ý hoặc do người có của đánh rơi hay vô ý để quên mà nhặt được rồi sinh lòng tham không trả người ta, lấy làm của riêng cho mình.

- Tội do buôn bán gian lận, đổi chác hàng hóa, đem của xấu trộn lẫn vào của tốt, cân non cân thiếu, giảm bớt kích thước vật bán, nói chung là tội gian dối trong buôn bán để mong cầu chút lợi một cách không hợp tình, hợp pháp cũng là một loại hình trộm cắp.

- Do nghèo túng hoặc do chơi bời, cờ bạc, hút nghiện mà cố tình đi ăn trộm, ăn cướp của người khác như đột nhập vào nhà lấy của, cướp chặn ngoài đường mà không hại đến tính mạng của người mất của, đó là tội trộm cướp cố ý nhưng không bị thêm tội sát sinh. Nếu hại đến sinh mạng người bị mất của khi trộm cướp thì thêm tội sát sinh.

- Tội lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người khác, hoặc lợi dụng lòng ham muốn có nhiều tiền bạc một cách nhanh chóng của người khác mà lừa gạt họ để lấy tiền tài hoặc của cải của họ mà không trả, tức là tội lừa đảo chiếm đoạt cũng là một dạng của tội trộm cắp.

- Tội do dùng quyền lực, cậy thế vay mượn không trả, tội dùng mưu mẹo và quyền lực làm cho người quen, xóm giềng bị thiệt hại như lấn đất, chiếm nhà người khác, hoặc cậy thế vu khống người khác để đoạt tài sản, ao vườn của họ làm cho họ khuynh gia bại sản. Tội lợi dụng quyền lực dung túng hoặc tạo điều kiện cho kẻ khác ăn cắp của riêng hoặc của công để mình được hưởng lợi hoặc lợi dụng chức vụ ăn cắp của công và của các tổ chức kinh tế, của cá nhân khác. Đó là những tội tham nhũng, đều thuộc loại hình trộm cắp.

Tất cả các tội trộm cắp đó đều là nghiệp ác gây ra phải nhận quả ác ngay trong đời hiện tại hoặc trong các kiếp sau. Bởi thế trong kinh Phật đã nói: "Tội trộm cướp làm chúng sinh bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, chịu khổ vô cùng. Nếu đầu thai trong đường súc sinh, phải chịu làm thân trâu, ngựa, la, lừa, lạc đà v.v…đem máu thịt của mình trả nợ kiếp trước cho người. Nếu được làm người, phải chịu làm thân tôi mọi cho kẻ khác, áo không đủ che thân, cơm ăn không đủ bữa, bần cùng khốn khổ…". Vì vậy Phật cấm trộm cướp là để trưởng dưỡng lòng từ bi cho chúng sinh. Người mắc tội trộm cướp là người nhẫn tâm lấy đi tiền của, tài vật của người khác làm cho họ phải lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đứng ngồi không yên, âu sầu tìm kiếm, bỏ dở công việc làm ăn, có khi vì bị mất quá nhiều mà sinh ra buồn rầu, đau ốm, tuyệt vọng, tâm trí rối loạn, điên cuồng, dẫn đến tự tử. Người gây ra như vậy phạm tội rất nặng. Người đời thường nói : "Tiền của là huyết mạch", nếu ai đó nhẫn tâm lấy đi tức là cướp đoạt xương máu, giết chết sinh mạng của người khác rồi. Do đó tội trộm cướp không những gây ra cái nhân xấu cho tâm từ mà còn gây nhân xấu trong đời sống hiện tại, gây ra cảnh tù tội. Họ làm cho mọi người khinh bỉ, phỉ nhổ, xa lánh, tự làm xấu hổ cho bản thân mình và con cháu. Họ tự làm mất tất cả nhân phẩm đạo đức, làm cho uy tín bị chôn vùi, công danh sự nghiệp bị sụp đổ, tương lai chắc chắn đen tối.

(Một số chuyện kể về nghiệp trộm cướp, xin xem trong Phần thứ Ba của sách này).

Con người ta sống theo Hành thập thiện, không những không trộm cắp mà cần phải chuyên tâm thực hành hạnh bố thí., nghĩa là không lấy của người khác mà còn đem tiền tài của cải của mình cứu giúp người nghèo khổ hoạn nạn. Hạnh bố thí là hạnh tu chủ yếu mà chư Phật, chư vị Bồ Tát dạy chúng ta thực hành để đem lại ích lợi, đem lại an lạc cho tất cả chúng sinh, ngay trên thế giới ta bà này. Bố thí là hạnh tu hàng đầu trong "Lục Độ Ba La Mật", gồm có: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Bố thí cũng là hạnh tu hàng đầu trong "Tứ Nhiếp Pháp", gồm có: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Người tu tâm dưỡng tính theo đạo Phật, cần nên biết một cách rõ ràng về hạnh bố thí, để thực hành đúng theo chính pháp, để thực hành một cách liên tục, một cách hoan hỷ, để được phước báu vô lượng vô biên và để đem an lạc và hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Hạnh bố thí gồm có ba phần : tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí là đem tiền tài, của cải, vật chất biếu tặng người có hoàn cảnh khó khăn. Pháp thí là đem những điều đã học về Phật pháp giảng giải cho mọi người được biết, để áp dụng trong cuộc sống. Điều đó chẳng những có thể giúp người ta sống an lạc và hạnh phúc ngay trong đời hiện tại, ngay trong kiếp này, và cao hơn nữa là giúp con người được giác ngộ và giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi khổ đau trong muôn kiếp sau.Vô úy thí là đem lại cho người khác sự không sợ hãi; hay nói cách khác, vô úy thí là làm sao giúp đỡ cho người khác bớt sự lo âu, giảm thiểu phiền muộn và  không còn sợ hãi.

Vì vậy, người thực hiện hành thập thiện không trôm cắp thì thì theo Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo sẽ được hưởng những phúc lành

1/  Của cải đầy nhà, không sợ giặc, nước, lửa và con hư phá mất.

2/. Được nhiều người yêu mến.

3/. Không bị người đời lừa gạt.

4/. Được mười phương khen ngợi.

5/. Không lo tổn hại.

6/. Tiếng lành đồn xa.

7/. Ở chốn đông người không sợ.

8/. Của cải, mệnh thọ, sức lực, yên vui, biện tài đầy đủ                      

9/. Thường sẵn lòng bố thí, làm phúc

10/. Sau khi mệnh hết được sinh lên cõi trời.

Những người thực hành hạnh lành, không trộm cắp bao giờ lòng dạ cũng được thảnh thơi, thoải mái, không phải trông trước nhìn sau, không phải lo nghĩ sợ hãi bị luật pháp truy tìm trừng phạt. Những người như thế chẳng phải lo ai thù oán mình. Một xã hội không có tình trạng trôm cắp thì không có cảnh tượng giành dựt, cướp đường, cướp chợ, mọi người không phải lo nghĩ vì sợ mất của, của đánh rơi ngoài đường không bị mất và sẽ được trả lại, nhà nhà không phải cửa kín then cài, xã hội sẽ được thái bình, an lạc, hạnh phúc.

Thực hiện hạnh nguyện này, con người ta không những có cuộc sống an vui, hạnh phúc mà còn đem lại phúc đức cho mình, cho con cháu mình và cho người mà mình cứu giúp.

4. Không tà dâm :

Tà dâm là cái nghiệp gây ra sinh tử luân hồi. Đối với người tại gia, hàng Phật tử, cư sĩ thì không được tà dâm. Còn trong hàng xuất gia, Phật dạy phải đoạn trừ với dâm dục.

Trong đời sống hằng ngày của con người, Phật chỉ ngăn nạn tà dâm, nghĩa là vợ chồng có cưới hỏi chính thức mới được ăn ở với nhau, nhưng phải có tiết độ và không được lang chạ, ngoại tình.

Còn trong hàng xuất gia, dâm dục là ma chướng làm ngăn trở  bước đường tu tập đi đến giải thoát. Bởi vậy người xuất gia muốn chứng thành đạo quả thì phải đoạn trừ với dâm dật ngay từ trong tâm, phải diệt trừ ngay những ý nghĩ dâm dục phát ra không cho nó biểu hiện một chút nào trong suy nghĩ cũng như trong hành động. Vì thế Kinh Lăng Nghiêm có nói : "Lòng dâm không trừ, thì không thể ra khỏi trần lao".

Còn đối với người tại gia, do trong đời sống thường ngày, nhu cầu gần gũi vợ chồng, sinh con đẻ cái là một nhu cầu tất yếu của xã hội để duy trì nòi giống. Đó  cũng là một nhu cầu để gây tạo hạnh phúc và đời sống ấm cúng gia đình, nhưng phải theo chính pháp. Trong Thập Thiện Nghiệp Đạo, Đức Phật chỉ ngăn cản tà dâm đối với người tại gia. Trong gia đình, vợ chồng có cưới hỏi chính thức, được họ hàng và pháp luật công nhận, nếu người chồng không thực hiện việc tà dâm, người vợ không có tính lang chạ, thì hạnh phúc gia đình được bền vững, không khí gia đình được đầm ấm. Trong những điều kiện như vậy, sự làm ăn ngày càng phát đạt, sự nghiệp ngày càng  bền vững, họ hàng êm ấm vui vẻ, làng xóm quý mến tôn trọng. Tuy nhiên trong sinh hoạt vợ chồng, cần phải thực hành một cách đúng đắn tức là không được thực hành phi đạo (không đúng đường hành dục), phi xứ (không đúng chỗ, không phải nơi phòng the của riêng vợ chổng) và phi thời (không đúng thời gian sinh hoạt).

Những người có thói tà dâm, cả vợ lẫn chồng đều gây ra ác nghiệp. Nhất là đối với người vợ, khi lạng chạ với người khác mà thụ thai thì con mình không phải là con của chồng mình, tức không phải là con của dòng họ chồng mình, không thuộc huyết thống của gia đình, dòng họ. Nếu người chồng biết đứa con do lang chạ không phải là con mình, thì hạnh phúc gia đình dễ đổ vỡ, gây đau khổ không chỉ cho vợ và chồng mà cho cả cha mẹ và con cái nữa. Người chồng khi thực hiện việc tà dâm với nhiều phụ nữ khác thì gây rất nhiều nghiệp nặng. Những đứa con do người nữ mà người chồng chung chạ được đẻ ra sẽ không có cha hoặc không biết cha, chúng sẽ có những đau khổ dằn vặt suốt đời. Nạn tà dâm còn gây ra cho xã hội những khó khăn phải giải quyết như việc nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi. Xã hội phải giải quyết những hậu quả của tệ nạn do những đứa trẻ không cha hoặc không mẹ, không được nuôi dưỡng dạy dỗ đầy đủ để thành người lương thiện, đã gây ra cho xã hội như nạn trộm cướp, nạn xì ke ma túy, nạn đĩ điếm, nạn xã hội đen v.v...

Hiện nay xã hội nước ta nạn tà dâm phát triển rất mạnh. Có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó là do ảnh hưởng của cuộc sống văn hóa phương Tây, lấy thỏa mãn dục vọng của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ làm tối thượng. Một lý do nội tại trong nước là kinh tế xã hội phát triển làm phân hóa khoảng cách giầu nghèo quá nhanh và quá lớn. Những người nghèo rất khó khăn trong cuộc sống do không tìm được nghề nghiệp chính đáng để nuôi thân, nhất là đối với phụ nữ nông thôn, nên đã đẩy họ theo đường làm nghề mãi dâm. Mặt khác những người quá giầu, có quá nhiều tiền, ăn tiêu phung phí, chơi bời trác táng, đam mê tửu sắc, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân nên nạn mại dâm lại càng phát triển. Do đó, ngày nay có rất nhiều kẻ chỉ mải lo kiếm tiềm để hưởng thụ lạc thú gây nhiều tệ nạn, mà không chịu lo tu tâm làm việc tốt gây khó khăn cho xã hội, họ đã góp phần đưa xã hội đến suy thoái đạo đức.

Những người biết tu tập thực hành viêc tốt, thực hành Thập thiện nghiệp, không những tránh được mọi nghiệp ác và gây được nhiều quả lành trong đời sống hiện tại. Người không tà dâm thì thân thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, sáng suốt, gia đình được hạnh phúc, an vui, con cái được nuôi dưỡng đầy đủ. Không những thế họ còn được được hưởng nhiều quả lành ở trong các kiếp sau này. Trái lại những kẻ do thỏa mãn dục vọng cá nhân phạm vào tội tà dâm sẽ bị đọa vào ba đường ác. Nếu được sinh vào loài người thì gặp hai loại quả báo là vợ không trinh tiết, gia đình không hạnh phúc.

Đức Phật ngăn cấm nạn tà dâm là để tôn trọng sự công bằng và bảo vệ hạnh phúc gia đình, đặc biệt là tránh oán thù và quả báo xấu trong tương lai. Về mặt xã hội không gây ra những suy thoái về phong tục, đạo đức, không tạo những mối thù hận chém giết nhau gây mất an ninh cho xã hội.

(Một số chuyện kể về tội tà dâm, xin xem trong Phần thứ Ba của sách này).

Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có nói : Người giữ được hạnh không tà dâm sẽ được bốn điều lợi ích sau :       

1. Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều được vẹn toàn.

2. Đoạn trừ hết những sự phiền não, quấy nhiễu.

3. Không ai dám xâm phạm vợ chồng con cái.

4. Được tiếng tốt, người đời khen ngợi.

Ba nghiệp trên đây: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm thuộc về thân nghiệp. Đó là ba giới cấm về thực hành tu thân nghiệp, giữ cho thân nghiệp được thanh tịnh, không để thân làm điều ác, làm hại người khác biểu hiện bởi ba sự xâm đoạt : đoạt mạng (sát sinh), đoạt của cải (trộm cướp) và đoạt tình (tà dâm). Người thực hành thân nghiệp thanh tịnh không có bất kỳ hành động xâm đoạt nào tổn hại đến tính mạng, tài sản, tình cảm của người khác. Họ sẽ hưởng được quả báo tốt đẹp, sống yên ổn và thành tựu thân thiện nghiệp viên mãn.

Bốn nghịêp sau đây : Không vọng ngữ (không nói dối), Không lưỡng thiệt (Không nói lưỡi hai chiều), Không ác khẩu (Không nói lời độc ác) và Không ỷ ngữ (Không nói lời thêu dệt) là thuộc về khẩu nghiệp, sẽ được trình bày sơ qua dưới đây và sẽ nói kỹ trong Phần thứ 2 của cuốn sách này.

B. Bốn điều lành về khẩu nghiệp :

1. Không nói dối (không vọng ngữ) :

Không nói dối tức là nói đúng sự thật, sự việc như thế nào thì nói như thế. Nghĩ thế nào thì nói đúng như ý nghĩ, điều suy nghĩ và lời nói không trái ngược nhau. Không nên cho rằng nói dối là chỉ để đùa vui hoặc lừa phỉnh nhau, không hại gì. Dù thế nào đi nữa thì nói dối đều có hại vì nó làm cho thành quen với thói xấu ấy, thậm chí có hại khi nói thật vì nhiều người sẽ không tin nữa.

Có nhiều loại nói dối : Nói dối vì đùa vui, nói dối vì lừa phỉnh, nói dối để khoe khoang, nói dối vì sợ hãi khiếp nhược, nói dối để thu lợi bất chính v.v…tất cả những tội nói dối ấy đều mắc tội mà nhà Phật gọi là tội vọng ngữ, sẽ bị đọa vào ba đường ác tùy theo tội nặng hay nhẹ.  Vì vậy kinh sách Phật đều dạy ta không được nói dối.

Tuy nhiên, chỉ có trường hợp nói dối với mục đích cứu khổ độ nguy, giải cứu nguy nan cho chúng sinh, cho người và vật, mới không phạm tội. 

Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có nói : Người giữ được hạnh không nói dối sẽ được tám điều lợi ích sau :

1/. Được thế gian kính phục.

2/. Lời nói nào cũng đúng lý, được người, trời kính yêu.

3/. Miệng thường thơm sạch, nói ra có mùi thơm như hoa.

4/. Thường dùng lời êm ái, an ủi chúng sinh.

5/. Được hưởng lạc thú như ý nguyện, và ba nghiệp đều trong sạch.

6/. Lời nói không buồn giận, mà còn tỏ ra vui vẻ.

7/. Nói lời tôn trọng, được người trời đều vâng theo.

8/. Trí tuệ hơn người. 

Không vọng ngữ (không nói dối) sẽ được trình bày kỹ trong Phần thứ 2 của cuốn sách này.

2. Không nói lưỡi hai chiều (không lưỡng thiệt) :

Không nói lưỡi hai chiều hay không nói hai lưỡi là không nói dèm pha, nói xấu người này trước mặt người khác hoặc ngược lại, làm cho hai bên hiểu lầm nhau. Không đem chuyện người này ra nhạo báng, khích bác người nọ làm cho đôi bên oán giận, sân hận nhau và cũng không làm trung gian đưa chuyện gây hiềm khích cho hai bên. Người nói lưỡi hai chiều là người có tà tâm, không trong sáng, có ác cảm, hay gây cho hai bên thù oán nhau.

Người không nói lưỡi hai chiều là người luôn luôn tôn trong sự thật, tôn trọng sự đoàn kết, không có dã tâm làm cho những kẻ thân thành thù hận, không có ác tâm làm cho anh em bà con láng giềng xa nhau. Người không nói lưỡi hai chiều luôn luôn là người nói sự thật đúng đắn, nói những lời êm ái hòa thuận làm cho bạn bè thêm tôn trọng nhau, bà con thêm tin yêu nhau, mọi người quý mến nhau.

Vì vậy kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có dạy ta không được nói lưỡi hai chiều để không phạm tội. Nếu xa lìa nghiệp nói lưỡi hai chiều thì được năm pháp không thể bị hại.

1. Được thân không bị ai hại vì không có ý hại người; 
2. Được bà con dòng họ không bị hại, không ai phá hại;  
3. Được lòng tin không bị hại, do thuận theo bổn nghiệp;  
4. Được pháp hạnh không bị hại, vì tu kiên cố;  
5. Được thiện tri thức không bị hại vì không dối lừa người. 

Không lưỡng thiệt (không nói lưỡi hai chiều) sẽ được trình bày kỹ trong Phần thứ 2 của cuốn sách này.

3. Không ác khẩu (Không nói lời thô ác) :

Không nói lời thô ác hay không ác khẩu tức là nói những lời nói đem lại sự mát dịu cho người nghe, là nói những lời nói nhẹ nhàng, dịu dàng, dễ thuyết phục, dễ cảm mến, làm cho người nghe dễ chịu, ưa thích. Người không ác khầu tức là những người nói những lời nói làm cho người nghe dễ chịu, tạo được sự tin tưởng và thân mến của mọi người và như vậy tâm hồn thư thái, vui vẻ, bình yên, ít khổ và dễ thành công trong mọi công việc thông qua lời nói cùa mình.

Trái lại, người nói lời thô ác không thể làm người nghe vừa lòng, và như vậy không thể đạt được hiệu quả công việc của mình. Công việc sẽ không được thuận lợi, sự nghiệp khó thành công. Người hay nói lời thô ác là người cứ mở miệng ra là nói những lời nói khó nghe, hoặc đay nghiến, hoặc thô lỗ, khích bác, châm chọc, cộc cằn, thô tục, không thân thiện. Người nói ác khẩu không chỉ khó nghe về nội dung lời nói mà ngay cả sắc thái giọng nói cũng làm cho người nghe khó chịu. Khi nói những lời thô ác, sắc thái giọng nói của họ nghe mỉa mai, chát chúa, dè bỉu, hạch xách hoặc đành hanh, la mắng kẻ khác, giọng như ra lệnh làm người nghe cảm thấy như dao đâm, như kim châm, làm cho người nghe tổn thương về tâm lý, gây nhức đầu, đau xót, khó chịu, mất ngủ, trằn trọc.

Trong cuộc sống có những người khi nói dù chỉ nói một ít lời mà người nghe ai cũng ưa, cũng thích, cũng có cảm tình, cũng tin tưởng và thường nghe theo. Những lời nói của họ thường đem lại sự mát dịu, sự nhẹ nhàng, êm ái trong tâm hồn người nghe. Trái lại, cũng có những người khi mở miệng nói dù có nói nhiều cũng không ai tin, cũng không ai ưa thích. Những lời nói của họ gây cảm giác khó chịu, khó chấp nhận thậm chí nhức đầu, ngất xỉu.

Như vậy, ta thấy rằng: lời nói rất là quan trọng, lời nói có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống hằng ngày của tất cả mọi người. Nếu ai cảm thấy cuộc đời nhiều đau khổ, lắm thương đau, họ luôn luôn không vui vẻ, không an lạc tức là chính họ cần phải điều chỉnh lại lời nói, cho vừa dễ nghe, cho vừa dễ thương. Vì sao vậy? Bởi vì, chính họ cũng muốn nghe những lời nói dễ nghe, dễ thương, không phải chỉ là ở nội dung của lời nói mà ngay cả ở sắc thái giọng nói, để khỏi làm phiền lòng người khác đang cần sự yên tĩnh trong tâm hồn.

Vì thế, không nói lời độc ác, hay không ác khẩu (về cả mặt nội dung lời nói và sắc thái giọng nói) là một hạnh tu trong Hành Thập thiện. Đó là hạnh tu nói lời dễ nghe, dịu dàng, dễ cảm mến để tránh mang tội ác.

Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, nói: người không nói  lời độc  ác sẽ  được tám điều lợi ích : 
1. Lời nói không sai pháp, không trái lẽ thường
2. Lời nói luôn luôn có lợi ích  
3. Lời nói luôn đúng chân lý
4. Lời nói nào cũng khôn khéo,đẹp đẽ 
5. Lời nói dễ lĩnh hội nghe theo được  
6. Lời nói được mọi người tin dùng  
7. Lời nói không ai có thể chê  
8. Lời nói được ưa thích, yêu mến. 

Không ác khẩu (không nói lời độc ác) sẽ được trình bày kỹ trong Phần thứ 2 của cuốn sách này.

4. Không nói lời thêu dệt (Không ỷ ngữ) :

Không nói lời thêu dệt (không ỷ ngữ) tức là không nói lời văn hoa trau chuốt mỹ miều. Người không ỷ ngữ thì lời nói của họ không như hoa thêu, gấm dệt, không ngọt ngào, đường mật với dụng tâm làm lung lạc lòng người. Lời nói của họ không quyến rũ người khác để làm những điều sai trái.

Những kẻ nói lời thêu dệt là những kẻ có tâm bất chính. Họ thường lợi dụng lòng tin của người để lừa gạt, phỉnh phờ trục lợi. Những người này thường xuất phát từ lòng tham và ý nghĩ đen tối mà nói ra những lời đẹp đẽ, êm tai, ngọt ngào để dễ chinh phục người nghe vì lợi ích của mình. Người nói lời thêu dệt thường bị người đời coi rẻ chê cười, và xa lánh để khỏi bị tổn hại tài sản, danh giá và ngày cả đến tính mạng nữa. 

Theo kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, người không nói lời thêu dệt sẽ được hưởng ba điều lợi ích :

1. Được mọi người yêu mến; 
2. Dùng trí tuệ thành thật đáp lời người hỏi;  
3. Có oai đức tốt đẹp, không hư vọng. 

Không ỷ ngữ sẽ được trình bày kỹ trong Phần thứ 2 của cuốn sách này.

Trên đây là bốn nghiệp về khẩu, tức là các nghiệp về lời nói do miệng gây ra. Cổ nhân thường nói : Họa tòng khẩu xuất, bệnh tòng khẩu nhập nghĩa là tai họa do miệng mà ra, còn bệnh tật theo đường miệng vào. Bốn nghiệp về khẩu này sẽ được trình bày kỹ ở Phần 2  của cuốn sách này.

Tiếp theo đây là ba nghiệp về ý, nghĩa là ba nghiệp do ý gây ra đó là tham lam, sân hận và si mê.

C. Ba điều lành về ý nghiệp :

1. Không tham lam :

Lòng tham là cái gốc của sinh tử luân hồi. Lòng tham hay sự ham muốn dục lạc bao gồm năm thứ gồm : tài (tiền của), danh (danh vọng), sắc (sắc đẹp), thực (sự ăn uống) và thùy (ngủ nghỉ). Năm điều này người ta không ai có thể tránh khỏi. Lòng tham được thỏa mãn thì vui mừng, sung sướng. Còn ngược lại khi lòng tham không được toại nguyện thì sinh tâm đau khổ, sầu não.

Lòng tham của con người là vô cùng vô tận, nó như một cái thùng không đáy, có bao nhiêu cũng không đủ. Khi không có thì muốn có, khi có rồi, lại muốn có nhiều hơn. Do đó con người ta phải cả đời làm lụng nhọc nhằn, vất vả để được sung sướng để thỏa mãn lòng tham muốn. Nhưng vì lòng tham là vô tận, người không biết dừng thì không bao giờ thấy đủ, do vậy cả đời là khổ, nhiều khi gây vạ vào thân.

Sau đây là 5 loại tham :

+ Tham tài tức là ham muốn có nhiều tiền bạc, của cải giàu sang, nhà cao cửa rộng, ăn sung mặc sướng. Do đó, muốn có những cái đó, phải làm lụng vất vả đầu tắt mặt tối, làm không biết nghỉ. Những người làm ăn ngay thẳng thì đem sức lao động của mình để kiếm thật nhiều tiền bạc, nên cũng không được nghỉ ngơi thanh thản, không đủ thì giờ lo cho mọi khía cạnh của cuộc sống gia đình hạnh phúc. Còn những người tham tài mà giảo quyệt muốn có nhiều tiền lại phải dùng mưu kế, tính toán đủ điều, ăn không ngon, ngủ không yên để luôn luôn tìm cách dành phần lợi về mình. Nhẹ thì như những người buôn bán, tìm cách nói dối, mua rẻ bán đắt để được lãi nhiều. Nặng thì tìm cách lừa gạt, hại người để đem lại nhiều tiền bạc cho mình. Những người như vậy không thể nào sung sướng được, họ luôn luôn tìm cách để dành phần lợi về mình, phải lo nghĩ, mưu tính nên đã tự làm khổ xác thân mình thậm chí còn gây thêm tội ác do lòng tham.

Trái lại người không ham có nhiều tiền của là những người ít muốn, biết đủ (thiểu dục, tri túc), không có nhiều nhu cầu, chỉ cần ăn uống vừa đủ, không cần phải nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi.  Cuộc sống của họ tuy đơn giản nhưng tinh thần thư thái, an lạc, không bị đồng tiền làm khổ xác thân.

Những người không tham tài, chẳng những không tìm cách mưu toan để có nhiều tiền mà họ lại còn thể hiện tâm từ bi hỷ xả để làm việc thiện bằng cách đem tiền của giúp đỡ người nghẻo khổ và những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

+ Tham danh vọng là lòng tham muốn có địa vị, quyền cao, chức trọng, ăn trên ngồi trốc. Có những người tham danh vọng muốn có địa vị xã hội hơn người để chứng tỏ ta thông minh, tài giỏi hơn người khác và hãnh diện với họ hàng, bạn bè, làng xóm. Nhưng cũng có nhiều người ham muốn có địa vị, chức trọng quyền cao để có điều kiện và cơ hội thỏa mãn lòng tham khác như tham tiền tài do có điều kiện về quyền hành để thực hiện tham nhũng. Tất cả những người có lòng tham danh đều phải chịu khó vào luồn ra cúi, lo lót, hối lộ, chạy quyền, chạy chức nhưng luôn luôn vẫn lo sợ một ngày nào đó bị mất địa vị, chức vụ. Cổ nhân đã có câu : Càng cao danh vọng càng nhiều gian nan. Vì vậy những người tham danh vọng vẫn luôn luôn khổ sở, lo lắng, luôn luôn phải tìm cách để bảo vệ địa vị, quyền hành mà mình có được và cũng để thỏa mãn lòng tham danh vọng của mình.

Những người tham danh vọng vì thường phải luôn luôn bận rộn suy nghĩ lo toan để giữ địa vị danh vọng của mình nên trong cuộc sống gia đình dễ có những khiếm khuyết. Những Phật tử dù tại gia hay xuất gia khi đã ở vào địa vị xã hội cao, thường bị bệnh háo danh làm lu mờ nên cũng khó mà rời bỏ chức vụ và thường bị hạn chế trên bước đường tu tập của mình.

+ Tham sắc là ham mê sắc đẹp và nhục dục. Tham sắc nói ở đây là nói theo khía cạnh tiêu cực, khác với sự yêu thích vẻ đẹp của thiên nhiên, cái đẹp nghệ thuật văn hóa, vẻ đẹp của những tác phẩm nghệ thuật hay những công trình kiến trúc. Người có lòng tham sắc muốn thỏa mãn lòng tham sắc của mình phải tốn nhiều tiền bạc, sức khỏe và tinh thần suy nhược, nhiều khi lại tìm những mưu chước tồi tệ để thỏa lòng ước muốn. Nếu không được, lại đâm ra ghen tuông, thù hận, giết chóc. Có những người say mê sắc dục, suốt đời chạy theo hình bóng người đẹp làm cho gia đình tan nát, vợ con chia lìa nhiều khi dẫn đến cuộc đời tàn lụi. Những người như thế chưa thấy được cái lẽ vô thường của cuộc đời. Cuộc đời thay đổi không ngừng, cái thân sắc ngày nay đẹp đẽ  đấy, nhưng hàng ngày hàng giờ, thời gian sẽ làm phai mòn nó rồi trở thành tiều tụy.

Muốn diệt trừ lòng tham sắc, Đức Phật dạy rằng hãy quán cái thân con người chứa nhiều thứ bất tịnh, nó như một cái đẫy da hôi thối chứa đầy nước miếng, đờm, dãi, ghèn, ráy, phân, nước tiểu, mồ hôi….Nếu quán như thế chưa đủ sức diệt trừ tâm ái dục thì phải tập cửu tưởng quán (tử thi sình thối, dòi bọ rút tỉa, chó sói, kiền kiền đến rỉa thịt, con người chỉ còn là bộ xương, cuối cùng thì cái xương ấy cũng rã tan và một cơn gió thổi là lớp bụi trắng tung bay, không còn lại dấu vết).

+ Tham thực là lòng ham muốn được ăn của ngon vật lạ, những đồ hải sản, thú rừng hiếm quý. Việc ham ăn những của ngon vật lạ ấy dẫn đến việc càng ngày càng nhiều cảnh sát sinh loài vật, gây ra nhiều cảnh đâm chém, sẻ thịt thân mạng xúc sinh, gây ra cảnh oan oan tương báo đời đời kiếp kiếp. Việc ăn nhiều của ngon vật lạ dễ dẫn đến cảnh bị ngộ độc tử vong, ngoài ra do ăn nhiều đồ thịt cá thì các cơ quan tiêu hóa của con người như dạ dày, gan, ruột phải làm việc quá nhiều, ảnh hưởng đến các hệ tim mạch và thận, làm cho con người bị nhiều bệnh tật.

Người không tham thực, không những ít ăn thịt xúc sinh, hải sản mà còn thực hiện việc ăn chay tùy theo điều kiện thực tế của mình như ăn chay theo ngày, theo một số ngày hoặc ăn chay trường. Những người đó đã thể hiện tính từ bi, thể hiện tình thương đối với loài vật mà còn có ích lợi cho bản thân. Không ăn thịt cá sẽ tránh được nhiều bệnh tật bởi vì, về mặt khoa học, khi loài vật bị giết thịt, chúng đau đớn khổ sở đem lòng thù hận, tự nó sản sinh ra những chất độc hại lan trong máu thịt của chúng mà ta ăn phải. Về quan điểm của đạo Phật, ăn chay là ăn thịt các tiền kiếp người thân là ông bà cha mẹ của mình trong nhiều đời nhiều kiếp trước.

+ Tham thùy tức là lòng ham muốn ngủ, nghỉ, vui chơi, giải trí quá độ. Những người tham ngủ hay ngủ nhiều, ngủ sớm, dậy muộn sinh ra tính lười biếng, bệnh béo phì, trí tuệ kém phát triển do trì trệ, ý chí dễ giảm sút. Những người như thế dễ trở thành kẻ ăn bám, không chịu lao động, làm việc để kiếm sống cho bản thân mình. Tính tham thùy, ngoài ham muốn ngủ nghỉ, còn biểu hiện có những ham muốn vui chơi giải trí dẫn đến đua đòi mải chơi, xa lánh lao động, hạn chế và kìm hãm sức phát triển xã hội.

Tất cả các lòng tham trên đây (danh, tài, sắc, thực, thùy) đều là nghiệp tham, đều là nghiệp bất thiện. Nghiệp tham thuộc về ý nghiệp (là một trong ba nghiệp do ý gây ra).

Muốn diệt nghiệp tham, tức khắc phục lòng ham muốn dục lạc ở thế gian, hành giả phải thực hành quán chiếu để thông suốt và để trí tuệ minh mẫn mới mong đạt được hạnh thiểu dục (ít ham muốn). Ý thức rõ sự tác hại của lòng tham dục lạc, hiểu rõ lợi ích của tâm ly dục để xóa bỏ lòng tham, ta phải làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng cạm bẫy cám dỗ quanh ta.  Tu tập để diệt trừ lòng tham dục thế gian, không tham đắm, say mê, không dính mắc sẽ đem lại cuộc sống an lạc, thanh thản.

Người Phật tử không những từ bỏ lòng tham lam, mà còn thực hiện  hạnh cúng dường, bố thí. Bố thí tức là hạnh buông xả, đem một phần tài sản hoặc của cải của mình chia xẻ cho những người nghèo khổ, bất hạnh. Phật tử tại gia cũng như xuất gia không màng công danh, phú quí, không bận tâm tranh danh đoạt lợi, hằng sống với tâm buông xả thì tâm trí thảnh thơi, thanh thản, đời sống an lành, an nhiên tự tại, ít bệnh tật, ít khổ đau.

Trái lại, những kẻ phạm vào tội tham lam thì ngay trong kiếp này phải gánh chịu quả báo của nghiệp ác hoặc trong các kiếp sau phải gánh nghiệp bị đọa vào ba đường ác.  (Một số chuyện kể về nghiệp tham lam, xin xem trong Phần thứ Ba của sách này).

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy rằng : Kẻ nào không tham đắm dục lạc thế gian sẽ được năm công đức tự tại sau:

1. Ba nghiệp thân, khẩu, ý được tự tại, vì nhân các căn được đầy đủ.

2. Của cải được tự tại, vì tất cả giặc thù đều không làm hại được.

3. Phước đức tự tại, vì khi tâm muốn gì đều được như ý.

4. Ngôi vua tự tại, vì các của cải quí báu đều được người đem đến dâng hiến.

5. Được hưởng phần lợi gấp trăm lần mình đã định, vì kiếp trước mình không có lòng bỏn xẻn.

2. Không sân hận :

Người không có lòng sân hận thường không để tâm vào những việc trái ý, nghịch lòng. Trước những điều sảy ra không hay cho mình, họ không biểu lộ sự hờn giận, họ luôn luôn giữ sắc mặt bình thường, hiền hòa, không cau có, không đỏ mặt, không bực bội, không nổi cơn hung ác mà vẫn thản nhiên như không có điều gì sảy ra, thậm chí có khi tươi tỉnh đón nhận sự không vừa lòng cho mình. Người không sân hận nhận biết được rằng dù có cau có, khó chịu thì sự việc cũng đã sảy ra và chỉ còn tìm cách để mọi việc được ổn thỏa. Mà để cho ổn thỏa thì trước hết là thái độ của mình biết nhẫn nhịn, thậm chí tha thứ thì kẻ gây ra điều trái ý mới có thể nhận ra những điều họ gây ra trái ý với mình. Người không có lòng sân hận không bao giờ biểu thị thái độ tức giận, hờn mát, ghen ghét, đố kỵ, buồn bực, mà còn biểu lộ cái tâm tùy hỷ trước mọi thành công và thắng lợi của người khác.

Trái lại, người có lòng sân hận là người luôn luôn biểu lộ bằng nét mặt, bằng lời nói hoặc bằng hành động trước những sự việc mà họ không vừa lòng. Trên khuôn mặt thì ngay từ ánh mắt, sự cau có, đỏ mặt, nét bực bội, khó chịu đều biểu lộ một cách rõ ràng. Bằng cửa miệng, họ tuôn ra những lời nói giận giữ, lời nói ác độc, thậm chí đay nghiến, chửi rủa. Với hành động, họ vung tay vung chân một cách giận giữ, thậm chí muốn đánh người hay hành hung người khác.

Tính chất sân hận hoặc hay giận hờn là một tính xấu rất tai hại, nó như một ngọn lửa dữ, nó thiêu đốt cả mình lẫn người quanh mình. Nó gây tác hại rất lớn đến sự hòa hợp, đoàn kết, thậm chí ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình vì khi sân hận không giữ được bình tĩnh, mất trí khôn, thường dẫn đến lời nói dại dột, lời nói độc ác làm cho người nghe không thể nào chịu đựng được. Vì thế có khi chỉ vì sân hận mà gây ra án mạng, đưa đến cảnh phạm pháp, tù tội. Người có lòng sân hận thường làm cho không những bản thân mình mà còn làm cho cả những người xung quanh phiền não hoặc đau khổ.

Trong quan hệ xã hội và nhất là trong quan hệ gia đình, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em với nhau, giữa vợ và chồng, nếu không kìm lại lòng sân hận thì dễ đưa đến tổn hại tình thương, dẫn đến sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Người chồng có tâm sân hận, thì chỉ với một việc sơ xuất nhỏ của người vợ cũng dễ đưa đến lời nói cục cằn, thô lỗ, thậm chí phỉ báng vợ làm tổn hại đến tình nghĩa vợ chồng, làm tác nhân lâu dài cho sự đổ vỡ hạnh phúc. Họ sân hận đến mức xúc phạm và làm tổn hại nhân phẩm của vợ, chửi mắng vợ với những lời lẽ thô tục, thậm chí họ dang tay đánh đấm vợ bằng những hành động vũ lực.Và ngược lại, người vợ sân hận, hay nóng tính thường nói những lời nặng như chì, sắc như dao, đay nghiến người chồng cũng dẫn đến sự sói mòn tình thương yêu, nghĩa vợ chồng, ảnh hưởng xấu không những đối với hai vợ chồng mà còn tác động xấu đến con cháu.

Người đàn bà có tính sân hận, tinh thần luôn luôn ở trạng thái không thanh thản, mà thường nói nặng lời không chỉ đối với chồng mà còn đối với các con và các cháu mỗi khi con cháu có một điều gì dù sơ xuất nhỏ. Lẽ ra, trước những sơ xuất nhỏ của con cháu, chỉ cần nói lời nhẹ nhàng khuyên nhủ thì họ lại tuôn ra những lời phỉ báng nặng nề, việc đó không những không làm cho con cháu sửa đổi được mà còn gây trong tâm hồn con cháu những ý nghĩ không thiện cảm, những ý nghĩ xấu, tổn hại đến hạnh phúc gia đình. Nói chung, người có tâm sân hận dễ đi đến mất khôn, không tỉnh táo và gây ra biết bao nghiệp ác.

Ngoài ra, người có tính sân hận có khi chỉ biết coi trọng mình mà không biết coi trọng người khác, do cái tôi (cái ngã) quá lớn, nên khi có ai động đến dù chỉ một sơ xuất nhỏ là đã nổi khùng.

Sân hận hiểu theo nghĩa thông thường là tức giận, bực mình. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng, theo giáo lý đạo Phật, thì sân hận bao gồm cả các nghĩa phẫn nộ, tức giận (phẫn), hờn giận, hờn mát (hận), tức bực mà che dấu có ác ý (phú), buồn bực vì một điều gì đó (não), ghen ghét, đố kỵ (tật đố) v.v...Tính ganh ghét đố kỵ hay ganh tỵ cũng là một biểu hiện của lòng sân hận.

Nhiều người thấy người khác thành tựu được một việc gì mà mình không làm được, thường nảy ra tính ganh ghét đố kỵ, bực mình, chê bai. Vì vậy, kinh Phật dạy rằng : Một niệm sân tâm nổi lên thì trăm ngàn tai họa đến (Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai). Do đó, người học Phật phải biết dằn tâm trước cơn nóng giận vì rất có thể chỉ một đốm lửa sân hận cháy bùng lên sẽ thiêu đốt hết cả rừng công đức. Phải biết chiến thắng những cơn sân hận nổi lên, phải biết làm chủ tinh thần của mình. Muốn thế phải dùng trí tuệ quán chiếu sự việc sảy ra để cảm thông và thực hành hạnh từ bi, tha thứ cho nhau, coi như không có gì sảy ra, coi như gió thoảng, mây trôi.

Trên thực tế, muốn diệt trừ tâm sân hận, ngoài việc phát khởi hạnh từ bi hỷ xả thì phải biết diệt cái ngã, dẹp bớt cái Tôi của mình xuống. Đôi khi còn phải thấy mình có trách nhiệm và có lỗi trong sự việc mà người khác gây sân hận cho mình. Cần phải thực tập để có nghị lực nói lời xin lỗi thì mọi vướng mắc sẽ nhanh chóng được giải tỏa. Đức Phật còn dạy rằng chỉ nên thấy cái đúng, cái tốt  của người khác và phải biết thấy cái xấu, cái sai của mình. Trong trường hợp sảy ra sân hận cần phải biết xin lỗi người gây ra cho mình lòng sân hận và tốt hơn là cần phải cảm ơn họ một cách thành thật vì họ đã tạo cho mình cơ hội để rèn luyện, để tu thân, tích đức. Có như vậy mới loại trừ lòng sân hận, mới tạo được nghiệp lành.

Những người không có lòng sân hận luôn luôn sống thanh thản, tùy hỷ công đức, được mọi người quý mến, kính trọng. Trái lại người có lòng sân hận thường gây ra nghiệp báo không lành, nên phải chịu hậu quả không tốt ngay trong cuộc sống và tùy theo nghiệp gây ra nặng nhẹ mà các kiếp sau sẽ bị đọa vào ba đường ác hoặc nếu được sinh làm người cũng bị quả báo tổn hại đến cuộc sống của mình. (Một số chuyện kể về nghiệp sân hận, xin xem trong Phần thứ Ba của sách này).

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy rằng: Kẻ nào làm chủ được tâm không sân hận thì sẽ được tám điều công đức:

1. Tâm không tổn não.

2/. Tâm không giận hờn.

3/. Tâm không tranh giành.

4/. Tâm được nhu hòa, ngay thẳng.

5/. Tâm được từ bi như Phật.

6/. Tâm thường làm lợi ích và an ổn cho chúng sanh.

7/. Thân tướng được trang nghiêm, mọi người đều tôn kính.

8/. Có đức nhu hòa, nhẫn nhục, sau được lên cõi Trời Phạm Thiên.

Chỉ có hành giả nào phá gạt được cái tâm sân hận mới chứng được quả Tư đà hàm, bậc thứ hai của quả thánh Thanh Văn.

3. Không si mê:

Người không si mê là người có sự hiểu biết đúng đắn (chính kiến) và suy nghĩ đúng đắn (chính tư duy), không nhận định một cách mê mờ, không cố chấp vào kiến thức chủ quan của mình, không che đậy sự dốt nát của mình, không tin vào những tà thuyết, những điều không hợp lý, phản khoa học (nghĩa là không mê tín dị đoan). Người không si mê là người có trí tuệ thông minh, hiểu biết những giáo lý của Đức Phật như vô thường, luật nhân quả, thuyết luân hồi, biết làm điều lành tránh điều ác. Họ thường có tâm tỉnh giác cao, không bị hôn trầm, trạng thái tâm trí không mờ mịt. Người không si mê là người biết phá trừ mọi chấp trước, biết tìm rõ nguồn gốc vô minh.

Trái lại người si mê là người thiếu hiểu biết, trí tuệ hạn hẹp, cố chấp, tin vào sự mê mờ, kiến thức kém phát triển và hay chủ quan theo sự hiểu biết kém cỏi của mình. Họ thường hay tin vào tà thuyết, những điều phi lý về khoa học, bị đám mây mù che phủ không phân biệt rõ đâu là chính, đâu là tà nên họ hay sa đà vào những tà kiến, dễ bị đi vào con đường mê tín dị đoan. Si mê trên thực tế là sự si mê cái Tôi, cái Của Tôi và cái Tự ngã của tôi. Người si mê là người thường thiếu bản lĩnh và kém trí tuệ nên hay nghe theo những điều không đúng đắn, ai nói gì cũng nghe và tin theo một cách mù quáng, không suy xét. Chính vì vậy, người Phật tử nếu có đầu óc si mê thường bị lôi kéo vào con đường mê tín dị đoan làm tổn hại đến tín ngưỡng giáo lý đạo Phật, xa lìa chính pháp của Đức Thế tôn. Những người như vậy, trong khi tu tập thường hay bị hôn trầm, thùy miên, ngủ gục. Những điều đó thường là những chướng ngại trên con đường tu tập.

Vì vậy Đức Phật dạy muốn diệt trừ nghiệp si mê phải trải qua tam vô lậu học tức là giới, định, tuệ. Nhờ nghiêm trì giới luật mới phá trừ được si mê, mới thành tựu được nhiều công đức. Muốn tránh tâm si mê, tà kiến, muốn có sự hiều biết và suy tư đúng đắn thường phải quán chiếu vạn vật, thấy rõ nguồn gốc vô minh, dứt bỏ mọi chấp trước để tâm tĩnh định, tiến lên giải thoát nội tâm. Để tránh mọi hôn trầm, thùy miên dẫn đến si mê tà kiến và để làm cho tỉnh táo trong suy tư, về mặt đời sống cần phải tu tập công phu, ăn uống điều độ, không rượu chè, không để cho thân thể mệt nhọc rã rời.

Người không si mê có cuộc sống trí tuệ sáng suốt, tỉnh táo, sống hòa hợp đúng đắn, được mọi người nể trọng. Trái lại người si mê thường bị người đời coi thường. Do mê tín dị đoan, họ hay phạm vào điều ác vì si mê tà kiến, nên họ thường gánh những hậu quả không tốt, các kiếp sau dễ bị đọa vào ba đường ác. (Một số chuyện kể về nghiệp si mê, xin xem trong Phần thứ Ba của sách này).

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy rằng người phá trừ được si mê tà kiến sẽ thành tựu được mười công đức sau:

1.Được niềm vui chân thiện và bạn bè chân thiện.

2.Tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng chớ không làm điều ác.

3.Chỉ quy y theo Phật, không quy y theo ngoại đạo.

4.Tâm được ngay thẳng chính kiến.

5.Thường sinh lên cõi Trời, khỏi bị đọa ba đường ác.

6.Phước huệ không lường, thường tăng lên mãi.

7.Dứt hẳn đường tà, chăm tu chính đạo.

8.Không còn lòng chấp ngã, bỏ hết các nghiệp ác.

9.Trụ nơi chính kiến.

10.Khỏi bị nạn dữ.

Trên đây là ba nghiệp về ý (tham lam, sân hận, si mê). Đó là ba nghiệp cuối trong mười nghiệp mà Đức Phật đã dạy trong kinh Thập Thiện Nghiệp đạo.

D. Lợi ích về hành thập thiện

Thập thiện là một pháp môn giúp cho người học Phật từ kẻ sơ cơ đến người xuất gia tu hành đạt được kết quả tiến bộ trên con đường giải thoát. Phật tử kiên tâm thực hiện được việc hành thập thiện, chắc chắn sẽ được giải thoát khỏi những nỗi đau khổ thế gian, bởi vì hành thập thiện là cái mấu chốt tránh được mọi nghiệp ác, tránh khỏi bị đọa lạc vào ba đường khổ. Không những thế, còn được hưởng mọi an vui trong cuộc sống.

Chỉ có những người theo Phật, hiểu được giáo lý của đạo Phật, ý thức rõ rệt lợi ích của Hành thập thiện đối với cuộc sống mới quyết tâm thực hành được mười nghiệp lành. Phải tinh tấn tu hành thập thiện, giải trừ mười nghiệp ác, có như thế mới đem lại tươi vui cho cuộc sống, mới thoát được vòng đau khổ. Pháp tu Thập thiện có công năng giúp cho Phật tử và hành giả ngăn ngừa được các hành vi độc ác, nhờ vậy tất cả hoàn cảnh đều được yên lành vui tươi. Pháp tu Thập thiện giúp cho thân, khẩu, ý người tu được thanh tịnh. Do tâm hồn thanh tịnh nên con người mới thoát ly sinh tử và cuộc sống mới được hoàn toàn an vui trong mọi cảnh. Do thanh tịnh, thanh thản thì cơ thể sẽ không bệnh tật, tâm luôn thư thái an lạc, không hề bị chướng ngại trong cuộc sống.

Thực hiện nghiêm mật Hành Thập Thiện sẽ đạt được những lợi ích mà kinh Thập Thiện Nghiệp Đao dạy là:

1. Thân và tâm trở thành tốt đẹp, hành động thân, khẩu, ý biểu lộ đầy đủ đạo đức, từ bi bác ái phát triển. Chúng sinh đều bình đẳng, thương xót lẫn nhau.

2. Không còn lòng hận thù do lấy ân trả oán, vì thế từ oán thù sẽ trở thành ân nghĩa, thương yêu. Có tinh thần nhẫn nhục để biến đổi sự hung dữ thành hiền lành

3. Con người không còn tranh đấu giết hại lẫn nhau mà chỉ có một lòng tương thân, tương ái mà thôi.

4. Khi hành giả quyết tâm thực hiện mười điều lành, chắc chắn sẽ được sinh lên cõi Trời hay cõi Phật, được hưởng phúc đức đời đời, bởi vì Đức Phật đã chỉ ra rằng Mười phương ba đời chư Phật và các bậc Thánh hiền thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, chứng quả Vô Thượng Bồ Đề đều phải tu Thập Thiện và lấy Thập Thiện làm nền tảng cho sự tu hành của mình.


Còn nữa...
Phạm Đình Nhân

[1] Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1981 (Khóa 1) , thế danh là Nguyễn Văn Kinh, pháp danh Tâm Như, pháp tự Đạo Giám, pháp hiệu Thích Trí Thủ. Hòa thượng sinh ngày 19.9.Kỷ Dậu (1.11.1909) tại Trung Kiên, Quảng Trị, viên tịch ngày 2.3.Giáp Tý (2.4.1984), trụ thế 76 tuổi đời, 56 tuổi đạo

[2] Cố Đại lão Hoà thượng Thích Hoàn Quan thế danh Phạm Ngọc Thơ. Pháp danh Như Cụ Thiện, Pháp tự Giải Toàn Năng, Pháp hiệu Thích Hoàn Quan, là vị khai Sơn Chùa Khánh Vân, Quận 11, Sài Gòn. Hòa thượng sinh ngày 16-09-1928 (Mậu Thìn) tại làng Phước Long, nay là thôn Hoà Bình xã Nghĩa Hoà huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Hòa thượng viên tịch vào lúc 15giờ 15 phút ngày 17 tháng 6 năm Ất Dậu (nhằm ngày 22 tháng 07 năm 2005).Trụ thế  78 năm, 58 tuổi đạo

[3] Hòa thượng Thích Tâm Châu, sinh năm 1921, quê Ninh Bình, xuất gia từ năm 11  tuổi, đã từng là thành viên sáng lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Huế năm 1951, sau được tôn là Phó chủ tịch hội đồng trị sự Giáo hội Tăng già Việt Nam. Sau năm 1975, ông sang Pháp trụ trì chùa Hồng Hiên rồi qua Canada định cư tại Montréal, nơi ông sáng lập Tổ đình Từ Quang. Hòa thượng hiện là Thượng thủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên Thế giới.

[4] Trong 33 cõi tầng trời, ở đây chỉ 6 cõi tầng trời dục giới (dục thiên) thường được các kinh điển Phật nói tới bao gồm cõi Tứ Thiên vương (cõi trời thấp nhất, chỗ ở của các vị thiên vương), Đao Lợi thiên (tầng thứ 2, chỗ ở của vua Đế Thích), tầng 3:Tu Dạ Ma thiên, Tầng 4: Đâu Xuất Đà thiên, Tầng 5: Lạc Biến Hóa thiên và Tầng 6: Tha Hóa Tự Tại thiên (chủ của dục giới, là cõi dục giới cao nhất, chỗ ở của thiên ma),

[5] Xem “Con người với Giáo lý Mười Hai Nhân Duyên – Phạm Đình Nhân – NXB Tôn giáo - 2012

[6] Lục độ hay còn gọi là Lục Ba la mật gồm có : Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định và Trí tuệ. Đây là pháp tu đạt đến giác ngộ hoàn toàn của  chư Phật và các vị Bồ tát Đại thừa.

[7] Luân hồi sáu nẻo : Địa ngục, Ngạ Quỷ, Súc sinh, A Tu la, cõi Người, cõi Trời. Sau khi chết, do nghiệp lực lại tái sinh luân hồi vào một trong 6 đường trên


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage