Phật Học Online

Nghệ thuật thưởng trà: Đi tìm nguồn thủy liệu

      “Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm” câu nói ấy tưởng chừng bị phôi pha, hoán đổi vị trí theo năm tháng, nhất là trong giai đoạn đất nước đang đổi mới theo xu hướng “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trong thời buổi hiện đại, công nghiệp ấy, hóa ra nguồn thủy liệu thiên nhiên ban tặng cho chúng ta càng trở nên quí giá hơn bao giờ...

UV 2.jpg
“Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm”

     Vào mùa Vu lan năm Giáp Ngọ - 2014, nhóm thân hữu tại Sài Gòn quan tâm và yêu mến nghệ thuật thưởng trà chúng tôi sau khi thảo luận đã quyết định đi tìm nguồn nước thiên nhiên dùng để pha trà (thủy liệu).

     Mỗi người một ngành nghề trong xã hội, nhưng cả nhóm có chung một niềm đam mê về trà, đặc biệt là vùng trà cổ thụ Tây Bắc ở nước ta. Đã có trà ngon, cần phải có nước ngon dùng để pha. Vậy nguồn thủy liệu ngon ở đâu nằm ở khu vực phía Nam? Để tìm ra câu trả lời cụ thể và đó cũng chính là lý do để gắn kết bốn thành viên lại với nhau.

     Gắn bó và hiểu nhau, mỗi người chủ động và tự phát huy sở trường của mình để đi tới mục tiêu tìm về những nguồn thủy liệu quí hiếm của nước Việt. Thông qua tài liệu, sách vở sưu tầm được và các nguồn tin, họ đã lập kế hoạch chi tiết cho mỗi chuyến đi tìm nguồn thủy liệu.

     Tại mỗi điểm đến có nguồn thủy liệu thiên nhiên quý hiếm, tất cả thông tin đều được ghi lại bằng cách nhiếp ảnh do hai tay bấm máy P.T và V.A.H thực hiện, về nhật ký chuyến đi do T.H ghi chép tỉ mỉ. Đến khi tiếp xúc được với nguồn thủy liệu, anh N.T sẽ đảm trách khâu thử nước, pha trà. Sau khi thưởng trà xong, cả bốn thành viên cùng đánh giá chất lượng của nguồn thủy liệu. Cùng nhau rong ruổi với bộ tứ này còn có những vị khách mời, trong đó có lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP.HCM.

     Ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch, mùa Vu lan báo hiếu năm Giáp Ngọ là chuyến đi đầu tiên của nhóm khám phá núi Thị Vải (Linh Sơn Bửu thiền tự), huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

     Vượt qua trên 1.440 bậc đá từ chân núi, chùa hạ Liên Trì, đến chùa trung Hồng Phúc, rồi lên tới chùa thượng Linh Sơn Bửu Thiền nơi mạch nước từ núi lộ thiên xuất hiện. Tại đây lại có hai đụn cát lớn ngay giữa sườn núi, toàn bộ mạch nước được lọc qua lớp cát, từ nhiều năm qua quý thầy đã dẫn nguồn thủy liệu này về dùng cho cả quần thể chùa thượng, chùa trung và chùa hạ.

    Nguồn thủy liệu trên núi Thị Vải có vị ngọt và thanh. Khi dùng nước này để pha trà cổ thụ, những người thưởng thức có cảm giác mình đang thưởng chén trà trên cổng trời vùng Tây Bắc. Nếu dùng nguồn thủy liệu này pha với trà Thái Nguyên thì nước sẽ có màu xanh biêng biếc của vùng núi đồi trung du, đặc biệt vẫn còn hương vị cho tới lần pha nước thứ năm, thứ sáu. Dùng nước suối núi Thị Vải pha trà Oolong thì trong chén trà có lẫn hương nhân sâm của rừng già.

     Phần tiếp theo của chuyến đi là thăm viếng thiền viện Viên Chiếu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có giếng nước đào từ năm 1974, ngay những ngày đầu mới xây dựng. Ngôi thiền viện này có trên 120 vị Ni, nằm ẩn sâu trong những con đường đất đỏ, cách Quốc lộ 51 khoảng 2km.

    Thật đặc biệt cùng với giếng nước, trong thiền viện Viên Chiếu còn có hai cây vối cổ thụ cao gần chục mét. Theo Ni sư Thích nữ Như Đức, trụ trì thiền viện, hàng ngày đại chúng vẫn dùng nước giếng để ủ lá vối tươi để uống. Cả nhóm thân hữu đi tìm nguồn thủy liệu đã được Ni sư trụ trì mời thưởng thức trà lá vối cổ thụ tươi xanh, đượm chút vị chát, trong khung cảnh bình an, trầm mặc khi hoàng hôn buông xuống.

UV 1.jpg
Thưởng trà với nguồn nước tinh khiết trong không gian thiền vị trên núi Thị Vải

     Chuyến đi thứ hai của nhóm tìm nguồn thủy liệu đã diễn ra vào ngày 2-8-2014, điểm đến là thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

    Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác đang trong giai đoạn xây dựng, với tổng diện tích 30ha nằm giữa rừng tràm ngập mặn tiếp giáp với Di tích Đồng Tháp Mười. Hơn hai năm trước, chư Tăng tu tập tại đây tìm ra nguồn thủy liệu quý hiếm nằm ở độ sâu 412 mét và đã được Viện Pasteur TP.HCM cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn.

     Nếu như nguồn thủy liệu trên núi Thị Vải có vị ngọt hoang dã của núi rừng, thì tại thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, nước ngầm pha trà có vị đậm đà, thanh khiết của chốn thiền môn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đại đức Thích Trúc Thông Kim, Phó trụ trì thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, cho biết đã vận hành quy trình khai thác, xử lý, lọc nước và đóng chai tiệt trùng để phục vụ miễn phí cho tất cả đại chúng từ khắp nơi về đây thực tập tu thiền.

      Có thể nói mỗi nguồn thủy liệu mà nhóm thân hữu Sài Gòn tìm đến, dùng thử đều cho hương và vị trà một sự độc đáo khác nhau. Chúng tôi được sự trải nghiệm như vậy là nhờ nhiều nhân duyên kết hợp, đó là điều thú vị vô cùng sau nhiều năm gắn bó với trà và quý nước.

     “Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm” câu nói ấy tưởng chừng bị phôi pha, hoán đổi vị trí theo năm tháng, nhất là trong giai đoạn đất nước đang đổi mới theo xu hướng “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trong thời buổi hiện đại, công nghiệp ấy, hóa ra nguồn thủy liệu thiên nhiên ban tặng cho chúng ta càng trở nên quý giá hơn bao giờ.

    Cả nhóm sẽ tiếp tục lên đường, ghi chép lại đầy đủ thông tin liên quan đến những nguồn thủy liệu quý hiếm trên khắp mảnh đất hình chữ S này. Tất cả những việc làm đó là để chia sẻ cùng với tất cả mọi người, nhất là những ai biết yêu trà, quý nước.

Sài Gòn, mùa thu 2014
Phổ Hiếu - Tuấn Hoàng


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage