Trong cuộc sống, không ít người cảm thấy rất sợ trước
một số đối tượng, hoàn cảnh hay tình huống cụ thể nào đó. Những sự lo
sợ ấy thường tồn tại rất lâu và chúng trở thành nỗi ám ảnh trong đời
sống của họ. Có những sự sợ hãi là kết quả của những sự kiện tổn thương,
bất hạnh ở trong quá khứ. Tuy nhiên, hầu hết những sự lo sợ đó đều rất
vô lý. Các nhà tâm lý học gọi những nỗi sợ ấy là sự sợ hãi.
Sự sợ hãi có thể được hiểu là nỗi lo sợ quá mức và
kéo dài về những đối tượng, hay những tình huống, hoàn cảnh cụ thể nào
đó, và nó trở thành nỗi ám ảnh, khiến người ta tìm cách né tránh những
đối tượng, hoàn cảnh gây ra nỗi sợ hãi cho họ. Nhìn chung, sợ hãi được
hình thành bởi sự phóng đại sự thật, bởi suy luận thiếu cơ sở về những
thứ mà người ta tiếp thu trong thế giới hiện tượng.
Sự sợ hãi thường khiến cho người bệnh lo âu và cảm
thấy bất an. Vì lo sợ nên họ thường tìm cách né tránh những tác nhân
khiến họ sợ hãi, và điều này gây ra những rối loạn, ảnh hưởng tiêu cực
đến sinh hoạt thường nhật trong cuộc sống của họ. Sự sợ hãi có thể gây
ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng và sự tự tin của người bệnh. Khi
sợ hãi quá mức và dai dẳng, nỗi sợ hãi ấy sẽ trở thành nỗi ám ảnh
thường trực. Nếu như không có biện pháp hóa giải thích ứng thì người
bệnh dễ bị rơi vào trạng thái stress nặng.
Những nguyên nhân gây ra sợ hãi
Các nghiên cứu trong tâm lý học đã chứng tỏ rằng, sự
sợ hãi được hình thành bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể là:
- Do tích lũy kinh nghiệm từ cuộc sống. Những thông
tin, kiến thức và kinh nghiệm mà chúng ta thu thập được trong đời sống
xã hội có thể là những nhân tố khá quan trọng trong sự hình thành các
nỗi sợ hãi. Ví dụ, một người thường nghe tin về tai nạn máy bay có thể
tạo ra ở người đó nỗi sợ đi máy bay. Những điều kiện và hoàn cảnh sinh
hoạt mà ở đó tạo ra các phản ứng khó chịu, khiến người ta cảm thấy bất
an và sự tiếp xúc dần dần với điều kiện, hoàn cảnh sinh hoạt đó cũng là
nhân tố gây nên sự sợ hãi.
- Do những sang chấn tâm lý. Những sang chấn tâm lý
là nhân tố quan trọng gây ra các nỗi sợ hãi. Ví dụ, một người bị chó cắn
có thể khiến cho người đó sợ chó.
- Do những động lực tâm lý. Các động lực tâm lý đóng
vai trò quan trọng trong việc gây ra sự rối loạn tâm lý. Các động lực
tâm lý ấy thường là các ham muốn thuộc về bản năng của con người.
- Do các yếu tố sinh học. Một số nghiên cứu đã chỉ ra
rằng, tính hoạt hóa cao của các đường mòn trên não bộ tương ứng với
những yếu tố cấu thành nhận thức, xúc cảm của sự lo âu, và về mặt sinh
học thì chúng khiến cho cá nhân dễ bị những nỗi sợ hãi cụ thể.
- Bẩm chất của gen di truyền và quan hệ huyết thống
gia đình cũng ảnh hưởng đến tâm lý của con người, gây ra các nỗi sợ hãi.
Một cá nhân có một thành viên trong gia đình bị chứng sợ hãi cụ thể thì
nguy cơ bị mắc chứng sợ hãi cụ thể ở người đó cao hơn. Nghiên cứu khoa
học đã cho thấy rằng, có sự tương tự về các chứng sợ hãi giữa các thành
viên trong gia đình. Đặc biệt là chứng sợ máu, sợ kim tiêm, chúng chịu
sự ảnh hưởng lớn từ gia đình.
- Yếu tố văn hóa xã hội cũng đóng một phần nhỏ trong
quá trình hình thành nên các chứng sợ hãi. Một số nghiên cứu chỉ ra
rằng, người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị các chứng sợ hãi cụ thể cao hơn so
với người da trắng.
- Các thay đổi về phương diện cá nhân cũng là một
trong những nhân tố ảnh hưởng đến sự sợ hãi. Các nghiên cứu cho rằng có
sự liên hệ giữa độ tuổi với những sợ hãi cụ thể và sự hiểu biết sâu sắc
về chứng sợ hãi của bản thân. Sự hiểu biết sâu sắc ấy tăng lên cùng với
tuổi tác. Sợ các loài động vật và sợ các yếu tố môi trường là những
chứng sợ hãi rất phổ biến ở trẻ em. Và nghiên cứu còn cho thấy rằng
chứng sợ động vật ở nữ phổ biến hơn so với nam, người nữ bị các chứng sợ
hãi và tìm đến các phương pháp chữa trị nhiều hơn so với nam.
Quan điểm của Phật giáo về sự sợ hãi
Theo Phật giáo, sợ hãi là một loại cảm giác không dễ
chịu, không làm cho chúng ta hài lòng. Hay nói cách khác, sợ hãi là một
dạng của khổ đau. Và nguyên nhân sâu xa của sự sợ hãi là do tâm chấp
ngã, do nhận thức sai lầm của con người. Vì chấp ngã, vì nhận thức và tư
duy theo đường hướng sai lầm khiến cho lòng vị kỷ, tâm tham luyến, sân
hận càng ngày càng lớn mạnh. Đấy là những chất liệu tiềm tàng, và là
nguyên nhân căn bản gây nên sợ hãi và làm cho lòng sợ hãi càng ngày càng
nhiều và càng sâu nặng thêm. Tại sao như vậy? Tại vì cuộc sống là vô
thường, tất cả mọi sự vật hiện tượng trong thế giới này đều luôn luôn
vận động và biến đổi không ngừng. Con người không thể nào kiểm soát và
làm chủ hết được trong tất cả các tình huống, hoàn cảnh sống. Chính vì
không làm chủ được, không kiểm soát được, lại không muốn mất đi những gì
người ta quý mến, yêu thích, những gì người ta đang sở hữu, và không
muốn cái ngã của mình bị tổn thương cho nên sợ hãi.
Tương tự như trong tâm lý học, ngoài những nguyên
nhân căn bản, sâu xa và ẩn tàng trong tâm thức của con người, Phật giáo
cũng cho rằng sự sợ hãi được hình thành do các tác nhân trực tiếp gây
ra, như là những thông tin, tri thức mà chúng ta thu lượm được qua các
kênh thông tin xã hội trong đời sống hàng ngày; do hoàn cảnh, điều kiện
sống mà sự sợ hãi dần dần được hình thành; do những tổn thương tinh
thần, những sang chấn tâm lý. Và Phật giáo cũng không phủ nhận sự góp
phần của các yếu tố sinh học, yếu tố di truyền, quan hệ huyết thống,
cũng như các nhân tố văn hóa xã hội trong việc hình thành sự sợ hãi và
làm cho chúng càng ngày càng sâu nặng.
Theo Phật giáo thì tất cả những gì chúng ta suy nghĩ,
những đối tượng, hoàn cảnh chúng ta tiếp xúc hàng ngày, tất cả những
tác nhân bên ngoài tác động, ảnh hưởng đến chúng ta đều để lại dấu ấn
trong tâm thức của mình. Nói cụ thể hơn là chúng được lưu trữ trong tàng
thức của chúng ta. Những thứ được lưu giữ trong tàng thức này sẽ tồn
tại khá lâu, có thể là vài năm, và chục năm, thậm chí là vài trăm năm,
hoặc kéo dài từ đời này sang đời khác, và chúng có ảnh hưởng không nhỏ
đến đời sống của chúng ta. Dấu ấn càng sâu đậm thì sự lưu trữ càng lâu
dài và càng khó bị phai mờ trong tâm thức của chúng ta. Điều này giúp
cho chúng ta hiểu được tại sao những sang chấn tâm lý, những tổn thương
tinh thần có thể hình thành nên sự sợ hãi và chúng ám ảnh chúng ta mãi.
Tại vì những sang chấn, tổn thương ấy đã tạo ra dấu ấn trong tâm thức
của chúng ta, và chúng được lưu trữ trong tàng thức, khi gặp cảnh thì
những dữ kiện được lưu trữ ấy sống dậy, toàn bộ những gì đã diễn ra liên
quan đến sự sang chấn, tổn thương trước đó được tái hiện lại trong tâm
trí chúng ta như là một bộ phim quay chậm lại, và chúng tác động lên tư
duy, hành động của chúng ta, khiến chúng ta sợ hãi và tìm cách né
tránh.
Không những thế, sự lưu trữ dữ liệu trong tàng thức
còn là cơ sở để chúng ta lý giải về những sự sợ hãi vô lý. Tại sao từ
nhỏ một số người đã sợ bóng tối, sợ đi trong đêm, trong khi họ chưa hề
bị tổn thương, bị sang chấn gì do bóng tối gây ra, và cũng chưa nghe
thông tin gì về những nguy hiểm trong bóng tối kể từ khi họ sinh ra?
Điều này chỉ có thể giải thích là có lẽ họ đã bị tổn thương, bị những
sang chấn tâm lý bởi bóng tối gây ra từ trong kiếp quá khứ, và những tổn
thương, sang chấn ấy đã được lưu giữ trong tàng thức của họ, chúng đã
không mất đi khi họ tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác, cho nên sự ám
ảnh về nỗi sợ bóng tối vẫn không hề mất đi.
Trong nhiều nỗi sợ hãi thì theo đạo Phật, sợ chết là
một sự sợ hãi lớn mà hầu như ai cũng có, và những liệu pháp tâm lý bình
thường không thể nào giúp cho người ta hết sợ chết được. Chết là một sự
thật mà không ai có thể trốn chạy được. Mọi sự vật hiện tượng trong cõi
đời này đều tuân theo quy luật vô thường, hễ có sinh ra thì ắt phải có
sự hoại diệt. Sở dĩ con người sợ chết là vì người ta còn có chấp thủ,
còn luyến ái, không muốn nếm mùi khổ đau do sự quằn quại thân xác trong
giờ phút lâm chung, không muốn mất đi những gì đem đến niềm vui và hạnh
phúc cho cuộc đời họ, không muốn mất đi những thứ mà họ đã khổ công gầy
dựng, đeo đuổi. Có nhiều người bị cái chết ám ảnh đến độ hễ nghe đến từ
chết là nổi da gà, hồn xiêu phách lạc.
Nhận chân được căn nguyên của sự sợ hãi mà con người
thường mắc phải, cho nên đức Phật đã dạy nhiều phương pháp rất hữu hiệu
cho việc hóa giải các chứng sợ hãi.
Vận dụng giáo lý đạo Phật để hóa giải sự sợ
hãi
Giáo lý đạo Phật được gọi là khế cơ và khế lý, cho
nên khi vận dụng vào việc hóa giải sự sợ hãi cũng tùy theo đối tượng,
tùy theo chứng bệnh mà áp dụng những phương pháp tương ứng. Nhìn chung,
có ba phương pháp hóa giải cơ bản:
Trước hết là phương pháp thay đổi nhận thức và cách
tư duy. Có thể khẳng định rằng, đây là phương pháp quan trọng nhất và áp
dụng cho hầu hết các trường hợp bị chứng sợ hãi. Theo quan điểm của đạo
Phật, tâm là yếu tố đóng vai trò quan trọng, quyết định đến đời sống
tinh thần, đến tính chất của đời sống con người. Phần lớn các chứng sợ
hãi đều có yếu tố nhận thức, tư duy lệch lạc của cá nhân góp phần vào.
Thậm chí ngay cả những sợ hãi do sang chấn, tổn thương trong quá khứ gây
ra cũng có sự góp phần của yếu tố nhận thức. Phương pháp thay đổi nhận
thức, điều chỉnh lối tư duy này đã được các nhà tâm lý học sử dụng rộng
rãi trong quá trình điều trị các chứng bệnh tâm lý, phương pháp ấy được
gọi là liệu pháp nhận thức. Với phương pháp này, những người trợ
giúp (có thể là các chuyên gia tâm lý, hoặc là những người bình thường
nhưng có hiểu biết nhất định về tâm lý học lẫn Phật học) sẽ giúp cho
người mắc chứng sợ hãi nhận thấy sự vô lý, sai lệch và phóng đại của họ
về tác nhân khiến cho họ sợ hãi thông qua sự tiếp xúc, trao đổi cởi mở
với nhau. Sau khi đã biết được những yếu tố gây nên sự sợ hãi thì người
trợ giúp sẽ tùy theo đó mà đưa ra những luận điểm, luận chứng thích hợp
để giúp người bệnh điều chỉnh sự nhận thức và lối tư duy lệch lạc của
họ.
Thứ hai là phương pháp tiếp cận dần dần với đối tượng
gây sợ hãi. Với phương pháp này thì người mắc chứng sợ hãi phải đối
diện với đối tượng sợ hãi của họ. Tuy nhiên không phải là đối diện một
cách trực tiếp, đường đột, mà là tiếp cận từ từ, đối diện từ gián tiếp
rồi dần dần chuyển qua trực tiếp. Có ba lối tiếp cận khác nhau: một là
chính bản thân người bị sợ hãi tiếp cận dần dần với đối tượng làm cho họ
bị sợ hãi, hai là người bị sợ hãi tiếp cận đối tượng gây sợ hãi với sự
trợ giúp, cùng tham gia của người khác, và ba là kết hợp cả hai cách
tiếp cận trên cùng một lúc. Tại sao sự tiếp cận dần dần này có thể đem
lại hiệu quả trong quá trình hóa giải sự sợ hãi? Bởi vì trong quá trình
tiếp cận dần dần như thế, chúng ta làm suy giảm sự sợ hãi bằng cách kết
hợp giữa sự kích thích gây ra sự sợ hãi ấy với một phản ứng mới xung
khắc với nó. Và phản ứng này sẽ dần dần thay thế cho sự sợ hãi đó. Hơn
nữa, khi tiếp cận dần dần như thế thì sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh
trong nhận thức của người bệnh. Họ sẽ ý thức một cách đúng đắn, thích
hợp hơn về đối tượng gây sợ hãi, và sự phóng đại về các mối nguy hiểm,
về những đặc tính tiêu cực của các đối tượng gây sợ hãi ấy được giảm
xuống. Chẳng hạn như một em bé bị chứng sợ mèo, chúng ta có thể cho em
bé đó tiếp cận dần dần với mèo bằng cách cho em nhìn hình ảnh các con
mèo qua bức tranh, hoặc cho xem hình ảnh các con mèo trên truyền hình,
đồng thời cho em bé ăn loại bánh kẹo mà em thích. Khi em bé đã quen với
hình ảnh các con mèo rồi thì chuyển qua một giai đoạn khác, đặt con mèo
trong tầm nhìn của em bé, không khiến cho em bé sợ hãi, cùng lúc, cho em
bé ăn bánh kẹo, tập như thế dần dần và càng ngày thì khoảng cách giữa
em bé với con mèo càng rút ngắn lại. Tập luyện như thế một thời gian thì
em bé sẽ không còn sợ hãi khi nhìn thấy con mèo bên cạnh mình nữa.
Trong trường hợp này, cảm giác thích thú, dễ chịu được tạo ra do ăn bánh
kẹo xung khắc với cảm giác sợ mèo. Cảm giác sợ mèo bị suy yếu và dần
mất đi do cảm giác thích thú, dễ chịu đã thay thế thông qua quá trình
tiếp cận dần dần.
Phương pháp tiếp cận dần dần, dùng đối tượng khác để
thay thế này đã được Đức Thế Tôn chỉ dạy rất rõ trong các phương pháp tu
tập để đối trị, chuyển hóa các tâm bất thiện. Ví dụ như để đối trị tâm
tham lam, Đức Phật dạy thực hành pháp bố thí. Khi tâm hạnh bố thí được
lớn mạnh thì tâm tham lam sẽ bị yếu đi. Hoặc là để trải tâm thương yêu
đến với những người chúng ta ghen ghét, thù hận thì Đức Phật dạy chúng
ta cách tu tập tâm từ bi một cách có thứ tự, trước hết là đối với những
người thân yêu nhất của chúng ta, rồi sau đó mới phát triển dần dần cho
đến những người chúng ta ghen ghét. Việc hóa giải sự sợ hãi cũng dựa
trên nguyên tắc tiếp cận dần dần này.
Qua đây chúng ta có thể kết luận rằng, đối với những
trường hợp sợ hãi cụ thể, sợ hãi một cách vô lý, và nhiều khi chính
những người mắc chứng sợ hãi ấy cũng cảm thấy sự sợ hãi của họ là vô lý,
là không có căn cứ, thì tiếp cận dần dần là một phương pháp phù hợp và
hiệu quả nhất cho việc hóa giải chúng.
Và phương pháp thứ ba là hành thiền hoặc niệm danh
hiệu Phật, danh hiệu Bồ tát hay trì chú, cầu nguyện. Đây là phương pháp
đặc thù của Phật giáo. Khi chúng ta sợ hãi, có nghĩa là nội lực của
chúng ta chưa đủ mạnh, chúng ta thiếu tự tin. Phương pháp thứ ba này sẽ
làm cho nội lực của chúng ta mạnh hơn, tự tin hơn. Người mắc chứng sợ
hãi có thể chọn một trong số những biện pháp cụ thể trong phương pháp
thứ ba này để áp dụng sao cho thích hợp với tình huống, hoàn cảnh của
bản thân. Chẳng hạn như đối với người bị chứng sợ đi máy bay, để hóa
giải nỗi sợ hãi này, người ấy có thể trì niệm danh hiệu của Bồ tát Quán
Thế Âm, vị Bồ tát đã phát nguyện cứu khổ, cứu nạn cho mọi loài chúng
sanh. Khi niệm danh hiệu của Bồ tát một cách chuyên chú, tâm không còn
nghĩ tưởng, không còn bị chi phối bởi những tạp niệm khác nữa, ngay cả ý
niệm sợ đi máy bay cũng không xen vào trong tâm trí được. Hơn nữa, khi
người ấy trì niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, nhờ lòng tin sâu sắc vào
tâm nguyện cứu khổ, cứu nạn của Bồ tát, tin vào tha lực của Bồ tát, cho
nên nội lực của người ấy cũng được vững vàng hơn, tự tin hơn. Để tiến
thêm một cấp độ nữa, người sợ đi máy bay ấy có thể thực tập từ bi quán,
phát khởi tâm từ bi và trải rộng đến tất cả những người trên chuyến bay
mà vị đó đang đi. Niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm và cầu nguyện Ngài
gia hộ cho tất cả mọi người được an toàn trong suốt chuyến bay, chứ
không chỉ cho riêng bản thân mình. Với định lực trì niệm danh hiệu Bồ
tát và lòng từ bi tràn ngập như thế thì không còn chỗ cho nỗi sợ đi máy
bay tồn tại nữa.
Phương pháp thứ ba này có phạm vi áp dụng rất rộng,
có thể áp dụng cho tất cả các nỗi sợ hãi mà con người thường mắc phải,
như là sợ bóng tối, sợ những nơi quá vắng vẻ, sợ các con vật, sợ độ cao,
sợ nước,... và ngay cả sợ chết.
Hầu hết các chứng sợ hãi đều có thể hóa giải bằng các
liệu pháp tâm lý. Chỉ có một nỗi sợ mà tâm lý học không thể nào hóa
giải được, đó là sợ chết. Chỉ có giáo lý đạo Phật mới có thể giúp cho
người ta thoát khỏi nỗi ám ảnh của cái chết. Chúng ta sợ chết vì chúng
ta còn chấp thủ, còn luyến ái. Chúng ta sợ phải rời xa những người chúng
ta yêu quý, sợ mất đi những tài sản, công danh, địa vị,... Thế nhưng,
một khi thần chết gõ cửa thì ngay cả sinh mạng của chúng còn không giữ
được, huống gì những thứ bên ngoài. Chính vì vậy mà hầu như ai cũng sợ
chết. Sự chấp thủ và luyến ái càng nặng thì càng sợ chết. Với phương
pháp quán chiếu về vô thường, vô ngã, sống trọn vẹn trong giờ phút hiện
tại, bây giờ và ở đây, và quán chiếu về vòng luân hồi sanh tử của kiếp
sống, Phật pháp có thể giúp cho mọi người thoát ra khỏi nỗi sợ chết,
không còn bị cái chết ám ảnh nữa.
Tất cả mọi người đều có thể có được sự lợi ích khi áp
dụng các phương pháp này để hóa giải sự sợ hãi của bản thân. Người bị
sợ hãi có thể vận dụng một hay hai, hoặc thậm chí là cả phương pháp ấy
để hóa giải sự sợ hãi của mình. Tuy nhiên, người nào có hiểu biết về đạo
Phật, càng có niềm tin sâu sắc vào đạo Phật thì tính hiệu quả càng
cao.
Quảng Trí (Nguyệt San Giác Ngộ
số 171)
Tài liệu tham khảo:
1. Bonnie Strickland (Executive editor) (2001). The Gale encyclopedia of
psychology. 2nd edition, Gale group, New York.
2. Ellen Thackery and Madeline Harris (2003). The Gale encyclopedia of
mental disoders. Thomson Gale, New York.
3. Eric Wilinski (2007). A Buddhist view of fear and phobia.
http://panicanddepression.blogspot.com.
4. Peter Strong (2009). Mindfulness meditation therapy: Treating
phobias. http://stanford.wellsphere.com.
5. S. Reber and Emily S. Reber (2001). Dictionary of Psychology. Third
edition, Penguin Reference.