Mục Lục
Lời Tri Ân
Lời Tựa
Tiểu sử Đại đức Narada (I)
Tiểu sử Đại đức Narada (II)
Lời Mở Đầu
Phần I - Đức Phật
[01] Từ Đản sanh đến Xuất gia
[02] Chiến đấu để thành đạt Đạo Quả
[03] Đạo Quả Phật
[04] Sau khi Thành Đạo
[05] Cung thỉnh Đức Phật truyền bá
Giáo Pháp
[06] Kinh Chuyển Pháp Luân - Bài Pháp
đầu tiên
[07] Truyền bá Giáo Pháp
[08] Đức Phật và Thân quyến (I)
[09] Đức Phật và Thân quyến (II)
[10] Những người Chống Đối và những vị
Đại Thí Chủ
[11] Những Đại Thí Chủ trong hàng
vua chúa
[12] Con Đường Hoằng Pháp
[13] Đời sống hằng ngày của Đức Phật
[14] Đức Phật nhập Đại Niết Bàn
Phần II - Phật Pháp
[15] Phật Giáo là gì?
[16] Vài đặc điểm của Phật Giáo
[17] Bốn Chân lý Thâm diệu, hay Tứ Diệu
Đế
[18] Nghiệp báo
[19] Nghiệp là gì?
[20] Sự báo ứng của Nghiệp
[21] Tính chất của Nghiệp
[22] Khởi thủy của đời sống là gì?
[23] Đức Phật và vấn đề Thần Linh Tạo
Hóa
[24] Do đâu tin có tái sanh
[25] Thập Nhị Nhân Duyên
[26] Những hình thức Sanh và Tử
[27] Những cảnh giới
[28] Hiện tượng Tử Sanh
[29] Cái gì đi tái sanh? - Lý Vô Ngã
[30] Trách nhiệm tinh thần
[31] Nghiệp chuyển lên và Nghiệp chuyển
xuống
[32] Nghiệp báo và Tái sanh với người
phương Tây
[33] Niết Bàn
[34] Đặc tánh của Niết Bàn
[35] Con đường Niết Bàn (I)
[36] Con đường Niết Bàn (II)
[37] Chướng ngại tinh thần
[38] Con đường Niết Bàn (III)
[39] Phẩm hạnh A-la-hán
[40] Lý tưởng của Bồ Tát hay Bồ Tát Đạo
[41] Ba-la-mật
[42] Tứ Vô Lượng Tâm
[43] Tám Pháp Thế Gian
[44] Những vấn đề của kiếp Nhân sinh
Phụ bản:
[A] Kinh Hạnh Phúc
[B] Kinh Suy Đồi
[C] Kinh Cùng Đinh
[D] Kinh Tam Bảo
[E] Kinh Từ Bi
[F] Kinh Tứ Niệm Xứ
[G] Vài nét
về Dịch giả, Cư sĩ Phạm Kim Khánh
Tri ân
Bản dịch quyển "The Buddha and
His Teachings -- Đức Phật và Phật Pháp" được tu chỉnh và bổ túc lần thứ ba
theo bản Anh ngữ cuối cùng của Ngài Narada, xuất bản năm 1980, vừa được hoàn
tất.
Chúng tôi xin chân thành cảm tạ toàn
thể quý liệt vị từ khắp nơi đã hoan hỷ đóng góp vào công trình ấn hành nầy. Đây
là công đức chung của tất cả chúng ta.
Đức Phật dạy:
"Bố thí Giáo Pháp là cao thượng hơn tất cả bố
thí.
Hương vị của Giáo Pháp cao thượng hơn tất cả hương vị.
Hoan hỷ trong Giáo Pháp cao thượng hơn tất cả hoan hỷ.
Người đã tận diệt ái dục vượt khỏi mọi đau khổ." -- Kinh Pháp Cú, câu 354
Chúng tôi xin cùng với quý vị thành
tâm kính dâng quả phúc thanh cao của pháp thí nầy đến:
- Các bậc Thầy Tổ, từ ngàn xưa đã
bước theo dấu chân của Đức Bổn Sư, bảo tồn Giáo Pháp và trao truyền nguyên vẹn
đến chúng ta;
- Các bậc Tiền Bối đã dày công hộ
trì Tam Bảo, giúp cho Giáo Pháp được truyền thừa đến ngày nay;
- Tất cả chư Phạm Thiên, chư Thiên
và chư vị Long Vương cùng khắp mười phương thế giới;
- Các đấng ông bà, cha mẹ, cữu huyền
thất tổ của toàn thế chúng ta, còn tại tiền hay đã quá vãng;
- Tất cả chúng sanh trong ba giới
bốn loài;
Ngưỡng
nguyện tất cả đều an lành, hạnh phúc trong Chánh Pháp.
Chùa Kỳ Viên
1400 Madison St, N.W.
Washington D.C.
- 20011
U.S.A.
|
Thích Ca Thiền
Viện
15950 Winters Lane
Riverside. - CA 92504
U.S.A.
|
Lời Tựa
Quyển "The
Buddha and His Teachings" (Đức Phật và Phật Pháp) được ấn hành tại Sài gòn
năm 1964 nhờ sự phát tâm bố thí của liệt vị Phật tử Việt Nam.
Đạo hữu Phạm Kim Khánh, pháp danh
Sunanda, đã dày công phiên dịch thiên khái luận nhỏ bé này ra tiếng mẹ đẻ với
mục đích đáp lại phần nào lòng mong ước của những ai muốn hiểu Đức Phật và giáo
lý của Ngài. Công đức này được hàng Phật tử Việt Nam ghi nhận.
Trong hiện tình, nước Việt Nam không mấy được
yên ổn. Bao nhiêu người đang đau khổ, về vật chất cũng như tinh thần. Không khí
căng thẳng này quả không thích hợp với việc làm có tánh cách tinh thần và đạo
đức.
Giữa hoàn cảnh một nước Việt Nam
đang trải qua giai đoạn cực kỳ đau thương do chiến tranh gây nên, dịch giả đã cố
gắng nhen nhúm thì giờ và lắng tâm thanh tịnh để thực hiện công tác từ ái này
với lòng ước mong quảng bá giáo huấn của Đức Thượng Sư trên đất Việt. Đó là việc
làm đáng được ngợi khen. Do oai lực của Pháp thí này, xin chú nguyện hoà bình
sớm vãn hồi trên toàn cõi Việt Nam.
Thưa quý vị đạo hữu, quý vị được
kể là hàng Phật tử trung kiên và thuần thành không kém bất luận dân tộc nào trong
các dân tộc theo Phật Giáo. Lòng dũng cảm của quý vị trước bao nhiêu nghịch
cảnh đáng được tán tụng. Mặc dầu tâm đạo rất nhiệt thành, là hạng người trí
thức, quý vị luôn luôn dùng trí phán xét, suy luận trước khi chấp nhận điều gì.
Xin quý vị ghi nhớ, cũng như nhiều
dân tộc Phật giáo khác ở Á Châu, dân tộc Việt Nam đã trưởng thành trong tổ ấm
của Phật Giáo, di sản tinh thần vô giá của quý vị.
Dầu theo Bắc Tông hay Nam Tông, tất
cả quý vị đều là giáo đồ nhiệt thành, là đàn con chung của Đức Từ Phụ Gotama.
Giáo lý duy nhất của Ngài căn cứ trên Tứ Diệu Đế, hay Bốn Chân Lý Thâm Diệu căn
bản, là điều mà không có người Phật tử nào bị cưỡng bách phải mù quáng tin
theo.
Bổn phận của tất cả những người Phật
tử Việt Nam là học Phật Pháp
và điều hoà tác hành Phật sự, nhằm vào lợi ích cho quốc gia Việt Nam.
Quả thật người Phật tử Bắc Tông đặt
trọng tâm vào sứ mạng phục vụ, còn Nam Tông thì chú tâm vào việc hành thiền.
Tuy nhiên, trong khi để ra vài phút hành thiền ta cũng có thể tìm cơ hội phục
vụ. Và trong khi phục vụ một cách vị tha, bất cầu lợi, ta cũng có thể dùng đủ
thì giờ thích đáng để ngồi lại tịnh tâm, mưu tìm tiến bộ tinh thần. Cả hai đặc
tánh chánh yếu này của Phật Pháp - phục vụ và hành thiền - có thể dung hoà và
phối hợp dễ dàng.
Nếu được sống thanh bình và hoà đồng
trong công tác Phật sự, chắc chắn quý vị sẽ đạt được nhiều tiến bộ, về phương diện
vật chất cũng như về phương diện tinh thần đạo đức. Như thế, quý vị sẽ góp mặt
xứng đáng cùng với những quốc gia tân tiến khác.
Nước Việt Nam tương đối bé nhỏ, nhưng
người Việt Nam dũng cảm, cần mẫn, tinh xảo, đủ trí năng và đạo hạnh. Chia rẽ,
quý vị sẽ yếu dần. Đoàn kết, quý vị sẽ mạnh lên.
"Samagga hotha" - Hãy đoàn
kết lại - là lời kêu gọi thiết tha của Đức Phật.
Được một vị Phật ra đời là hy hữu!
Được một giáo lý cao minh là hy hữu!
Được tái sanh làm người là hy hữu!
Đời sống mặc dầu quý, quả thật là
bấp bênh, vô định. Cái chết, trái lại, là điều không thể cưỡng, và nó sẽ đến,
chắc như thế. Vậy, quý vị hãy sử dụng xứng đáng khoảng thời gian ngắn ngủi của
kiếp sống này, cố gắng trở thành nguồn hạnh phúc cho chính mình, cho quê hương
mình và cho toàn thể nhân loại.
Phục vụ để trở nên hoàn toàn. Hoàn
toàn để phục vụ.
Với từ bi, Narada
Phật Đản, 1970
Tiểu Sử Đại Đức Narada
Đại Đức Narada
Maha Thera, người Tích-Lan, lúc thiếu thời theo học trường St Benedicts College,
là một trường Thiên Chúa Giáo. Vào năm mười tám tuổi, Ngài xuất gia và nhập
chúng dưới sự dẫn dắt của vị Đại Lão Tăng Pelene Vajiranyana. Chính ở dưới chân
của vị cao tăng lỗi lạc này mà Đại Đức Narada được đào luyện châu đáo và thấm
nhuần Giáo Pháp.
Kế đó, Ngài vào Đại Học Đường Tích
Lan và về sau được bổ làm giảng sư về môn Đạo Đức Học và Triết Học tại Đại Học
này.
Đại Đức Narada nổi tiếng về kiến
thức sâu rộng, nhất là về đạo hạnh và từ bi.
Ngài là tác giả của nhiều quyển sách
Phật giáo cô giá trị: Quyển "The Manual of Abhidhamma" (Khái luận về
Vi Diệu Pháp) là bản dịch ra Anh văn phần uyên thâm nhất của giáo lý nhà Phật.
Quyển "Dhammapada" (Kinh Pháp Cú) cũng được Ngài phiên dịch ra Anh
văn và chú giải. Còn quyển "The Buddha and His Teachings" (Đức Phật
và Phật Pháp) là một tác phẩm xuất sắc của tác giả. Riêng quyển sau cùng này có
thể được xem là sách căn bản cho những ai muốn tìm hiểu Phật giáo.
Đại Đức Narada đã nhiều lần đi vòng
quanh thế giới với mục đích hoằng khai Phật Pháp. Ở nhiều nơi, Ngài nói lên
tiếng nói trung thực của Giáo Pháp, tức là lời dạy rõ ràng và minh bạch của Đức
Phật. Ngài có thể được liệt vào hàng sứ giả tiền phong của đạo Phật, mở đường
dọn lối cho những sứ giả khác.
Đại Đức Narada cũng là người sáng
lập ra nhiều Trung Tâm và Hiệp Hội Phật Giáo ở Đông cũng như ở Tây Phương.
Ngài là Tăng Trưởng chùa Vajirarama
ở Tích Lan (Sri Lanka)
và là một Pháp sư nổi tiếng khắp nơi, chí đến trong chốn bình dân.
Đại đức Hoà thượng Piyadassi Maha Thera
Hòa thượng Narada(1898-1983)
Hòa thượng
Narada (Narada Maha Thera) có thế danh là Sumanapala. Ngài sinh vào ngày 17
tháng 7, 1898 tại Kotahena, ngoại ô thành phố Colombo, thủ đô của nước Tích Lan
(Sri Lanka). Ngài xuất thân từ một gia đình trung lưu trí thức, và được gửi đi
học cấp tiểu học và trung học của nhà dòng La-san đạo Gia-tô. Dù rằng ngài đã
được đào tạo trong môi trường đạo Thiên Chúa, ngài lúc nào cũng hâm mộ đạo Phật
và học tập Phật Pháp từ một người chú, và ngài học thêm tiếng Sanskrit từ Hòa
thượng Palita, tham dự nhiều khóa giáo lý vào các ngày cuối tuần tại chùa
Paramananda trong vùng.
Năm 18 tuổi ngài quyết định xuất
gia, thọ giới Sa di với pháp danh là Narada, vị thầy bổn sư là Hòa thượng Vajiranana,
một vị danh tăng vào thời đó. Thầy truyền giới là Hòa thượng Revata, và thầy
truyền pháp là Tỳ kheo Pelene. Sau đó, ngài theo học các khóa Vi Diệu Pháp và
Ngữ học Đông phương.
Sa di Narada thọ giới cụ túc (tỳ
kheo) vào năm lên 20 tuổi. Ngài được gửi đi học các khóa Đạo đức học và Triết học
tại Đại học Tích Lan (Ceylon University College), với nhiều giáo sư danh tiếng
như Đại đức Sumangala, Tiến sĩ Chandrasena, và Bác sĩ Pereira (về sau xuất gia,
và trở thành Đại đức Kassapa rất nổi tiếng).
Năm 30 tuổi, ngài được cử đi tham
dự lễ khánh thành chùa Mulagandhakuti tại Saranath (Xa-nặc), Benares (Ba-na-lại),
Ấn Độ, và tham gia các công tác hoằng pháp tại đó. Trong thời gian này, ngài có
dịp công tác với ông Jawaharial Nehru mà về sau trở thành vị thủ tướng đầu tiên
của Ấn Độ.
Ít lâu sau ngài được cử đi truyền
giáo tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á -- Cam Bốt, Lào, Việt Nam, Nam
Dương, Mã Lai. Tại những nơi này, ngài thường được tiếp đón rất nồng hậu. Quốc
vương Cam Bốt tôn vinh ngài là Đức Đại Tôn Giả (Sri Maha Sadhu).
Ngoài ra ngài còn có nhiều chuyến
đi truyền đạo tại các nước Tây phương. Năm 1955, ngài sang Úc, và giúp tổ chức
các hội Phật Giáo địa phương tại các bang New South Wales, Victoria, Tasmania
và Queensland. Năm 1956, ngài du hành sang Anh quốc, tổ chức cử hành lễ Tưởng
Niệm 2.500 năm sau ngày Đại Bát Niết Bàn của Đức Phật. Sau đó ngài giúp củng cố
Phật sự và xây dựng ngôi chùa danh tiếng mang tên Chùa Phật Giáo Luân Đôn
(London Buddhist Vihara). Ngài sang Hoa Kỳ hoằng pháp, và được cung thỉnh
thuyết giảng về đề tài "Đức Phật và Triết lý đạo Phật" tại đài kỷ
niệm Washington (Washington Memorial) trước một cử tọa rất đông đảo. Ngài là một
sứ giả Như Lai rất hăng hái và nhiệt tình, thu hút được nhiều người nghe, và
lúc nào cũng khuyến khích thành lập các hội Phật Giáo địa phương để bồi đắp công
trình hoằng dương đạo pháp.
Ngài có nhiều gắn bó với đất nước
và Phật tử Việt Nam.
Ngài đã từng đến Việt Nam vào đầu thập niên 1930, mang theo nhiều nhánh cây bồ đề
để trồng tại nhiều nơi trong nước: Phú Lâm (Chợ Lớn), Cần Thơ, Châu Đốc, Vĩnh
Long ở miền Tây Nam bộ, Biên Hòa, Phước Tuy, Vũng Tàu ở miền Đông Nam bộ, ra
đến miền Trung (Đà Lạt, Huế) và miền Bắc (Vinh, Hà Nội). Trong thập niên 1950,
khi Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam được thành lập, ngài đến Việt Nam
nhiều lần để thuyết pháp, hằng tuần tại chùa Kỳ Viên (Quận Ba, Sài Gòn) thu hút
đông đảo Phật tử đến nghe, và có rất nhiều người đến xin quy y với ngài. Đặc
biệt là vào năm 1963, ngài đã khuyến khích ủng hộ công tác xây cất bảo tháp Thích
Ca Phật Đài tại Vũng Tàu, ngày nay được xem như là một di tích lịch sử. Ngoài
ra, ngài còn giúp xây dựng một bảo tháp khác ở Vĩnh Long.
Ngoài các thời thuyết pháp và công
tác tổ chức Phật sự, ngài còn hướng dẫn các lớp Vi Diệu Pháp và các khóa hành
thiền, khuyến khích việc phiên dịch các sách Phật Pháp sang Việt ngữ để truyền
bá rộng rãi. Các tập sách nhỏ sau đây đã được chuyển dịch:
- Hạnh Phúc Gia Đình (Parents and Children),
- Phật Giáo - Di Sản Tinh Thần của Dân Tộc Việt Nam (Buddhism - Heritage of
Vietnam),
- Phật Giáo Tóm Lược (Buddhism in a Nutshell),
- Tứ Vô Lượng Tâm (Brahma Vihara),
- Những Vấn Đề của Kiếp Nhân Sinh (The Problems of Life),
- Những Bước Thăng Trầm (The Eight Worldly Conditions),
- Kinh Niệm Xứ (Satipatthana Sutta),
- Kinh Pháp Cú (The Dhammapada)
- Vi Diệu Pháp Toát Yếu (The Manual of
Abhidhamma)
- v.v.
Đặc biệt nhất là quyển "Đức Phật
và Phật Pháp" (The Buddha and His Teachings) đã được xuất
bản tại Sài Gòn bằng hai thứ tiếng: Anh và Việt. Bản Việt ngữ do ông Phạm Kim
Khánh chuyển dịch, với 4.000 quyển đầu tiên được in ra vào năm 1970, và sau đó
một năm, lại được tái bản thêm 4.000 quyển. Từ đó đến nay, quyển này đã được in
lại rất nhiều lần, trong nước cũng như tại hải ngoại, và đã được xem như là một
trong những tài liệu căn bản quan trọng trong các khóa Phật học. Gần đây (1998),
ông Khánh đã hiệu đính lại bản dịch đó, dựa theo ấn bản Anh ngữ cuối cùng trước
khi ngài viên tịch.
Ngài viên tịch vào ngày Chủ Nhật
2 tháng 10, 1983, hưởng thọ 85 tuổi, tại chùa Vajirarama nơi ngài làm Tăng trưởng
Chưởng quản trong những năm cuối của đời ngài. Tang lễ được chính phủ và Phật
tử Tích Lan cử hành trọng thể như là một quốc táng.
Ông Phạm Kim Khánh viết: "...Phần
đóng góp của ngài vào công trình hoằng dương giáo pháp thật mênh mông rộng lớn.
Ngài là một vị cao tăng nổi tiếng là một nhà truyền giáo lỗi lạc, một giảng sư
có tài diễn giải những điểm thâm sâu của Phật Giáo một cách giản dị và rõ ràng.
Ngài làm việc không biết mệt để rải khắp mọi nơi bức thông điệp hòa bình đượm
nhuần từ bi và trí tuệ của Đức Bổn Sư. Ngài cũng là tác giả của nhiều quyển
sách Phật Giáo đã được truyền bá rộng rãi khắp thế giới." Và ông
Premadasa, thủ tướng Tích Lan năm 1979, kết luận: "...Ngài đã dành trọn
cuộc đời mình -- qua một cách vị tha bất cầu lợi -- để phụng sự cho hòa bình
trên thế giới và đem lại hạnh phúc an lành cho nhân loại."
Bình Anson
Perth, Western Australia,
tháng 07-2000
Lời Mở Đầu
Để trình bày
đời sống và giáo huấn của Đức Phật cho những ai muốn hiểu Phật giáo, nhiều
quyển sách quý giá đã được ấn hành, do những học giả Đông, Tây, trong hàng Phật
tử, cũng như những người không theo đạo Phật.
Trong rừng thư mênh mông ấy, quyển
"Ánh Sáng của Á Châu" (The Light of Asia), do tác giả Sir Edwin Arnold,
được chú trọng và ưa thích nhất. Nhiều người phương Tây muốn tìm hiểu chân lý
đã hướng về đạo Phật sau khi đọc tập thơ trứ danh này.
Người Phật tử, ở phương Đông cũng
như ở phương Tây, hết lòng ca ngợi công đức của các nhà học giả đã viết ra những
thiên sách hữu ích để rọi sáng Giáo Pháp.
Bản khái luận mới mẻ này là một cố
gắng khiêm tốn khác của một hội viên Giáo Hội Tăng Già, căn cứ trên kinh điển
Nam Phạn (Pali) các chú giải, và các tập tục cổ truyền nhởi bật nhất trong những
quốc gia Phật giáo, nhất là ở Tích Lan (Sri Lanka).
Phần đầu quyển sách này đề cập đến
đời sống của Đức Phật, phần nhì là Phật Pháp, giáo lý của Ngài, danh từ tiếng
Phạn (Pali) là Dhamma.
Phật Pháp là một hệ thống triết học
và luân lý truyền dạy con đường duy nhất dẫn đến Giác Ngộ, và như vậy, không
phải là một đề tài để học hỏi hay nghiên cứu suông, hay để thỏa mãn tri thức.
Giáo Pháp chắc chắn phải được học,
nhưng hơn nữa, phải được thực hành, và trên hết, phải được tự mình chứng ngộ.
Học suông mà không thật sự mình thực
hành thì không bổ ích. Đức Phật dạy rằng người có pháp học mà không có pháp
hành cũng tựa hồ như tai hoa lộng lẫy mầu sắc, nhưng không hương vị.
Người không học Giáo Pháp như mù.
Nhưng người học mà không hành thì chẳng khác nào một thư viện.
Có vài lời phê bình vội vã cho rằng
Phật Giáo là một tôn giáo tiêu cực và thụ động. Lời chỉ trích vô căn cứ ấy hẳn
còn xa sự thật.
Đức Phật là nhà truyền giáo đầu tiên
hoạt động tích cực nhất lịch sử nhân loại. Trải qua bốn mươi lăm năm trường,
Ngài đi từ nơi này sang nơi khác để hoằng dương giáo lý, đến hàng đại chúng
cũng như các bậc thiện trí. Chí đến giây phút cuối cùng Ngài phục vụ nhân loại
bằng gương lành trong sạch và giáo huấn cao thượng. Hàng môn đệ lỗi lạc của
Ngài cũng bước đúng theo dấu chân Ngài. Không một xu trong túi, các vị ấy đi
đến những phương trời xa lạ để truyền bá Giáo Pháp mà không bao giờ cầu mong đền
đáp.
"Liên tục và kiên trì nỗ lực"
là di huấn tối hậu của Đức Phật. Không có sự giải thoát nào, không có sự thanh
lọc nào có thể thực hiện được nếu không có cố gắng cá nhân. Như vậy, Phật giáo
không chủ trương van vái nguyện cầu mà thay vào đó, dạy thực hành thiền tập, là
một phương pháp tự kiểm soát, tự thanh lọc và giác ngộ. Hai đặc điểm nổi bật
nhất của Phật giáo là hành thiền và phục vụ. Trên thực tế, tất cả những quốc
gia Phật giáo đã vươn mình trưởng thành trong tổ ấm của Phật giáo và dưới tàng
bóng mát mẻ của Đức Phật.
"Không hành ác", tức không làm cho mình trở thành một tội khổ cho
mình và cho kẻ khác, là lời khuyên nhủ đầu tiên của Đức Phật. Lời dạy tiếp theo
- " hành thiện" - là
hãy trở nên một phước lành, cho mình và cho kẻ khác, và lời kêu gọi cuối cùng -
"thanh lọc tâm" - thật
vô cùng quan trọng và cực kỳ thiết yếu.
Có thể gọi một tôn giáo như vậy là
thụ động và tiêu cực không?
Cũng nên ghi nhận là trong ba mươi
bảy yếu tố dẫn đến Giác Ngộ (Bhodhipakkhiya Dhamma, ba mươi bảy pháp Trợ Đạo,
hay ba mươi bảy Bồ Đề Phần), tinh tấn (viriya) được nhắc đến chín lần.
Để minh định rõ ràng mối tương quan
giữa Ngài và hàng tín đồ, Đức Phật dạy:
"Các con hãy tự mình cố gắng,
Các đấng Như Lai chỉ là những đạo sư".
Đức Phật vạch ra con đường. Phần
chúng ta là có noi theo con đường ấy để tự thanh lọc hay không. Cố gắng là rất quan
trọng trong Phật Giáo.
"Chính ta làm cho ta trong sạch;
Chính ta làm cho ta ô nhiễm."
Phải khép mình vào khuôn khổ kỷ cương,
chư vị tỳ khưu chỉ có thể hoạt động trong phạm vi giới luật của các ngài. Hàng
cư sĩ thì có thể phục vụ đạo pháp, quốc gia, và thế gian một cách khác, nhưng
vẫn theo tinh thần của những nguyên tắc Phật Giáo.
Phật Giáo vạch ra một lối sống cho
bậc xuất gia và một lối sống khác cho hàng cư sĩ.
Hiểu một cách, tất cả Phật tử là
những chiến sĩ can đảm. Họ chiến đấu, nhưng không phải bằng súng ống và bom đạn.
Họ giết chóc, nhưng không giết đàn ông, đàn bà và trẻ con vô tội.
Vậy người Phật tử chiến đấu chống
ai, và bằng khí giới nào? Người Phật tử giết ai một cách tàn nhẫn?
Họ chiến đấu chống chính họ, bởi
vì con người là kẻ thù tệ hại của con người. Tâm là địch thủ nguy hiểm nhất, mà
cũng là người bạn tốt nhất. Không chút xót thương, người Phật tử tàn sát và tận
diệt những khát vọng tham ái, sân hận và si mê ở trong tâm họ bằng võ khí Giới,
Định và Tuệ.
Những ai thích một mình chiến đấu
chống lại khát vọng của mình trong cảnh tịch mịch vắng vẻ, hoàn toàn được tự do
làm theo ý mình. Chư tỳ khưu sống ẩn dật là những gương lành đáng được kính nể.
Đối với hạng người biết tri túc, trạng thái cô đơn là một nguồn hạnh phúc.
Những vị nào muốn chiến đấu với những vấn đề khó khăn của đời để cố gắng tạo
nên một thế gian hữu phúc trong ấy con người có thể sống như những công dân lý
tưởng, thanh bình và hoà hợp, cũng có thể nhận lãnh trách nhiệm, dấn thân trên
con đường gian truân ấy.
Con người
được sanh ra, không phải để phục vụ Phật Giáo. Nhưng Phật Giáo được thành lập
để phục vụ con người.
Hiểu đúng theo giáo lý của Đức Phật,
tình trạng giàu hay nghèo không thể là một trở ngại cho việc trở thành Phật tử
lý tưởng. Ông Anathapindika (Cấp Cô Độc), vị thí chủ trung kiên nhất của Đức
Phật, là một triệu phú gia. Ghatikara, được kính nể còn hơn một vì vua, chỉ là
người thợ đồ gốm nghèo nàn.
Phật Giáo thích hợp với cả hai giai
cấp, nghèo và giàu. Phật Giáo cũng thích hợp với cả hai hạng người, đại chúng
và tri thức.
Hạng người kém học hướng về Phật
Giáo do phần tình cảm nhiệt thành với đạo pháp và phần luân lý giản dị. Người tri
thức thì say mê trong giáo lý thâm diệu và phương pháp trau giồi tâm trí.
Một du khách không quen thuộc với
tập tục của các dân tộc Phật Giáo ắt có những cảm nghĩ lầm lạc khi bước chân
vào chùa lần đầu tiên, và cho rằng Phật Giáo chỉ là những nghi thức lễ bái, là
một tôn giáo có tánh cách dị đoan, chứa đựng những hình thức cúng tế sùng bái
tượng gỗ và cây cối.
Là một tôn giáo khoan hồng, Phật
Giáo không phủ nhận hay bác bỏ những hình thức kỉnh mộ bề ngoài ấy, vì nó cần thiết
cho đại chúng. Ta có thể nhìn thấy phần đông thiện tín thành tâm kính cẩn như
thế nào lúc đến chùa dự lễ. Do thái độ tôn kính ấy đức tin càng tăng trưởng.
Người Phật tử quỳ lạy trước pho tượng
Phật và tỏ lòng kỉnh mộ của mình đối với lý tưởng mà pho tượng ấy biểu hiện.
Người Phật tử hiểu biết suy niệm về những phẩm hạnh cao cả của Đức Phật và
không cầu mong một ân huệ vật chất hay tinh thần nào. Cây bồ đề, đàng khác, tượng
trưng sự giác ngộ.
Đức Phật không trông chờ hàng tín
đồ mãi sống trong những nghi lễ mà trái lại, khuyên dạy nên thực hành đúng theo
Giáo Huấn của Ngài. "Người thực
hành đúng theo giáo huấn của Như Lai nhất là tôn sùng Như Lai nhất",
là lời dạy của Đức Phật.
Một người Phật tử hiểu biết có thể
thực hành Giáo Pháp (Dhamma) mà không cần những hình thức lễ bái bề ngoài ấy.
Chùa chiền và tượng Phật không tuyệt đối cần để hành Bát Chánh Đạo.
Có đúng không nếu nói rằng Phật Giáo
chỉ đề cập đến những việc hoàn toàn ngoài thế gian, mặc dầu Phật Giáo chủ trương
có một chuỗi dài những kiếp sống, trong quá khứ và ở vị lai, và một số cảnh
giới vô tận trong ấy chúng sanh có thể sống?
Sứ mạng của Đức Phật nhằm vào sự
giải thoát chúng sanh ra khỏi khổ đau phiền não bằng cách tận diệt nguồn gốc của
nó và vạch ra con đường để cho ai muốn, có thể chấm dứt cả sanh lẫn tử. Tuy nhiên,
đôi khi Đức Phật cũng truyền dạy những bài kinh hướng tiến bộ vật chất. Cả hai
tiến bộ - vật chất và tinh thần - đều cần thiết cho sự phát triển của một quốc
gia. Không nên tách rời cái này ra khỏi cái kia. Cũng không nên hy sinh tiến bộ
tinh thần để thành đạt những mức tiến vật chất như chúng ta đang mục kích tại
một vài quốc gia quá thiên về đời sống vật chất. Nhiệm vụ của các chánh phủ và
các hội từ thiện là phát triển sống vật chất và tạo điều kiện thuận lợi cho dân
chúng. Trong khi ấy, các tôn giáo, như Phật Giáo chẳng hạn, có phận sự chăm lo
phát huy tinh thần đạo đức, giúp cho mỗi người có thể trở thành một công dân lý
tưởng.
Phật Giáo đi ngược chiều với phần
đông các tôn giáo khác khi khai quang con đường "Trung Đạo" và truyền
bá giáo lý lấy nhân bản làm trung tâm thay vì giáo điều lấy thần linh làm trụ
cốt. Như vậy, Phật Giáo hướng nội và
nhằm giải thoát từng cá nhân. Giáo Pháp (Dhamma) phải được tự mình chứng ngộ
(sanditthiko).
Theo thường, cứu cánh của phần đông
nhân loại là "tuyệt diệt hoàn toàn" hoặc "trường tồn vĩnh cửu".
Người theo chủ nghĩa vật chất tin rằng sau khi chết con người hoàn toàn trở
thành hư vô, không còn gì nữa. Một vài tôn giáo chủ trương rằng mục tiêu cứu
cánh chỉ có thể thành tựu sau kiếp sống trong sự hợp nhất vĩnh viễn với một
Thần Linh Vạn Năng, hoặc một sinh lực không thể giải thích, hay nói cách khác,
một hình thức trường tồn vĩnh cửu.
Phật Giáo dạy con đường "Trung
Đạo". Mục tiêu cứu cánh của Phật Giáo không phải là trạng thái tuyệt diệt
bởi vì không có cái chi thường còn để tuyệt diệt, cũng không phải sự trường tồn
vĩnh cửu bởi không có một linh hồn trường cửu để vĩnh viễn hoá. Mục tiêu cứu
cánh của Phật Giáo có thể thành đạt ngay trong chính kiếp sống này.
Việc gì xảy đến một vị A La Hán sau
khi Ngài viên tịch? Đó là một câu hỏi tế nhị và khó giải đáp, vì Niết Bàn là
pháp siêu thế, ngoài không gian và thời gian, và ngôn ngữ của con người không
thể diễn tả. Nói một cách chính xác, có
Niết Bàn nhưng không có người chứng đắc Niết Bàn. Theo lời Đức Phật dạy,
nói rằng một vị A La Hán còn sống hay không còn sống, "tại" hay
"bất tại", sau khi Ngài viên tịch, đều không đúng. Tỷ như ngọn lửa
đang cháy bỗng nhiên tắt, không thể nói khi tắt, ngọn lửa ấy đi về phía nào trong
bốn phương tám hướng. Khi nhiên liệu hết thì lửa tắt. Đức Phật nêu ra thí dụ
ngọn lửa và thêm rằng câu hỏi đặt như thế không đúng. Chúng ta có thể bối rối
và không hiểu gì. nhưng điều đó cũng không lạ.
Sau đây là một thí dụ khác của nhà
khoa học hiện đại, Robert Oppenheimer:
"Thí dụ, nếu hỏi hột điện tử
có giữ nguyên một vị trí không? Ta phải nói "không". Nếu hỏi, với thời
gian, hột điện tử có thay đổi vị trí không? Ta phải nói "không". Nếu
hỏi, hột điện tử có ở yên không? Ta phải nói "không". Nếu hỏi, hột
điện tử có di động không? Ta phải nói "không".
"Đức Phật đã giải đáp tương
tợ khi có người hỏi Ngài về điều kiện của một người sau khi chết. Nhưng đó là câu
trả lời không quen thuộc với truyền thống khoa học của hai thế kỷ XVII và
XVIII."
Lẽ dĩ nhiên nhà học giả uyên thâm
muốn ám chỉ một người đã đắc quả A La Hán.
Đạt đến trạng thái ấy thì có lợi
ích gì? Tại sao phải chấm dứt mọi cuộc sinh tồn trên thế gian? Tại sao không xác
nhận rằng đời sống trên thế gian này đầy lạc thú?
Đó là những câu hỏi điển hình thường
được nêu lên do người, hoặc muốn tận hưởng khoái lạc của đời sống, hoặc muốn
phục vụ nhân loại, đảm đương trách nhiệm, và chấp nhận mọi đau khổ.
Đối với hạng trên, người Phật tử
có thể nói: - "Nếu thấy thoả thích, ông cứ hưởng thọ khoái lạc của đời sống,
nhưng chớ nên làm nô lệ cho những thú vui tạm bợ và huyền ảo. Dầu có thoả thích
hay không, ông cũng phải gặt hái hậu quả của những gì mà ông đã gieo".
Đối với hạng sau, người Phật tử có
thể nói: - "Ông hãy cố gắng tận dụng mọi phương tiện để kiến tạo hạnh phúc
cho nhân loại và hãy thoả thích với tinh thần phục vụ vị tha ấy".
Phật Giáo trình bày mục tiêu Niết-Bàn
cho những ai cảm thấy cần đến và không bao giờ có ý cưỡng bách ai. "Hãy
đến và xem", Đức Phật khuyên như vậy.
Cho đến khi đạt được mục tiêu cứu
cánh, người Phật tử phải sống đời thanh cao hữu ích.
Phật Giáo có những nguyên tắc luân
lý tốt đẹp, thích hợp với người sơ cơ trên đường đạo pháp cũng như người đã
tiến triển khá xa. Đó là:
a. Năm giới (Panca Sila): Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm,
không vọng ngữ và không dùng chất say.
b. Bốn Trạng Thái Cao Thượng (Brahma Vihara, Tứ Vô Lượng Tâm): Từ, Bi,
Hỷ và Xả.
c. Mười Phẩm Hạnh Siêu Thế (Paramita, Ba La Mật): Bố thí, trì giới, xuất
gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, tâm từ và tâm xả.
d. Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh
mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Những ai có nguyện vọng đắc Quả A
La Hán nhân cơ hợi sớm nhất có thể suy niệm về lời Đức Phật khuyên dạy Rahula (La
Hầu La) như sau:
"Thân này không phải của ta;
cái này không phải là ta; đây không phải là linh hồn của ta."
("N'etam mama, n'eso' hamasmi, na me so atta").
-oOo-
Phải nói lên một cách từ tốn rằng
quyển sách này không phải được viết ra cho hàng học giả, mà cho các sinh viên,
những người muốn tìm hiểu đời sống và giáo lý căn bản mà Đức Phật đã ban truyền.
Khi soạn thảo, tôi có dùng những
bản dịch của hội "Pali Text Society" và nhiều văn học phẩm khác mà tác
giả có thể là Phật tử, có thể không. Đôi khi tôi chỉ phụ họa suông quan điểm và
dùng từ ngữ thích ứng của tác giả. Mỗi khi có thể được, tôi đều có ghi xuất xứ.
Bản thảo đầu tiên của quyển sách
này được xuất bản vào năm 1942. Ấn hành lần này, bổn chánh đã được duyệt sửa và
thêm bớt nhiều.
Tôi rất lấy làm cảm tạ ông V.F. Gunaratna,
mặc dầu hết sức bận rộn với công việc phức tạp hằng ngày trong chức vụ Chưởng
Lý Toà Án quốc gia Sri Lanka (Tích Lan), đã dầy công duyệt lại cẩn thận và xuất
bản toàn bộ bản thảo với một niềm tin vững chắc và tâm đạo nhiệt thành. Tuy
không mang lại chút lợi lộc vật chất nào, đối với ông, đây là một phần việc mà
ông thích thú làm với tất cả tâm thành vì ông là một Phật tử thuần thành, có
thực hành, và có sự hiểu biết rộng rãi về Phật Pháp.
Nhưng nếu không có lòng quảng đại
của Ông Bà Trương Đình Dzu, Ông Bà Ong So, Cô Tiến sĩ B. Pleyer và những thiện
tín giàu lòng bố thí của chùa Kỳ Viên (Jetavana Vihara), Sài Gòn, quyển sách
này cũng không thể ấn hành được ở Việt Nam. Ước mong rằng công đức Bố Thí Chân
Lý này sẽ đem đến các vị ấy hạnh phúc trường cửu!
Tôi cũng có lời cảm tạ các đệ tử
chân thành của tôi ở Việt Nam, Ông Phạm Kim Khánh (Sunanda), các cô Lê Thị Sanh
(Jhayini), Cao Thị Cúc (Citra), Lương Tú Xuân (Karuna) và Nguyễn Thị Phấn (Shanti),
nhất là hai cô Sanh và Cúc, đã góp sức giúp tôi hoàn thành tốt đẹp quyển sách
này.
Narada - Kỳ Viên Tự (Jetavana)
Sài Gòn, 14-7-1964/2508
Ghi chú về hình bìa của quyển sách Việt ngữ: -- Phần trên
một tượng Phật bề cao 1.20 thước, do Phạm Kim Khánh chụp tại tư gia nhà điêu
khắc Phúc Điền. Hình được dùng làm mẫu để tạo pho tượng ở Thích Ca Phật Đài,
Vũng Tàu.