Phận mỏng
Đến bây giờ sau dăm bảy lần gặp, tôi vẫn chưa dám
chắc chị Kiều Thị Tính có hâm thật không, hay là thiên hạ chỉ thấy cái
gì không mấy giống thứ thường nhật của mình thì gọi là hâm, là hấp,
hấy và chập? Song, có một điều chắc chắn là nỗi khổ của chị thật chẳng
giống một ai. 18 tuổi lấy chồng, phải anh chồng hay rượu chè, giai gái,
trong khi bản thân chị lại chẳng lấy gì làm nhan sắc. Anh ta bỏ nhà đi
buôn ba ba, lươn, ếch tuyến từ Hà Nội theo tàu Lạng Sơn sang Trung Quốc
biền biệt; rồi dan díu với một cô ở Hải Phòng, phải lòng một cô ở Hà
Bắc. Sau chuyến đi hàng đầy lang chạ với người đàn bà kia trở về, anh
chồng lấy cớ chị Tính ngoại tình và cái thai trong bụng chửa chắc là
của anh rồi bất luận thanh minh, anh quày quả bỏ đi với hậm hực giả vờ.
Anh đi mãi từ bấy. Riêng chị, 17 năm nay ở vậy nuôi hai đứa con gái.
Chị
Tính đã trải qua đủ thứ nghề vất vả và lương thiện mà người ta hình
dung ra được: Gánh gạch thuê; đan lưới, vợt, chũm cho thợ đánh cá sông
mương; nhặt chai lọ cũng về cọ sạch bán cho người đóng chai măng, ớt,
giấm, tương, mắm tôm... vay tiền mua bánh trái, hoa quả đi đổ lẻ cho các
quán dọc tuyến đường QL 32...
Một lần, chị đạp xe đi rải hàng
bánh kẹo dọc đường từ Sơn Tây đi Trung Hà, đến phố Mía thì có mấy thằng
ở trần say rượu xông ra xin bà chị mấy chục. Vẫn người đàn bà ít nhan
sắc ấy rút cây gậy phòng thân trong sống lưng ra, bảo: "Các chú đánh
chết được chị thì hãy đánh. Thịt người tanh lắm, không ăn được, không
bán được. Mà các chú có là thuồng luồng nuốt chị đi nữa thì thể nào
cũng còn mắc cái bả vai...". Cuộc ẩu đả kết thúc, chị bị một thằng vác
hòn gạch chỉ ném thẳng vào... mồm. Sáu cái răng bị gẫy cả. Chị nằm
viện, cóp tiền trồng hàm răng giả, cả chục năm qua.
Cũng không
thể không nhìn nhận rằng, lối ứng xử bằng cách rút dao, phang gậy như
chị Tính là có phần tiêu cực. Song chị chưa bao giờ làm hại ai, và
hiện nay, bất kỳ ai cần một cuốn sách thuốc y học cổ truyền của
Việt Nam, hoặc một cuốn kinh Phật, chị Tính sẵn sàng cóp tiền
phô-tô-cop-py gửi tặng. Đó là hai thức bảo bối gối đầu giường giúp chị
vượt qua khốn khó, qua sự lầm bụi của một cuộc sống trên đống sắt phế
liệu, ở cửa nghĩa trang, cạnh bến xe Sơn Tây với rất nhiều con nghiện...
Những
đứa con nuôi và cuốn kinh nhà Phật
Cứu một kẻ lao đầu vào ôtô, nhặt mấy đứa trẻ bị lạc
đường đứng khóc ở bến xe về cho ăn uống rồi vay tiền đi tìm đón bố mẹ nó
đến nhận...; chị Tính làm những việc đó chỉ đơn giản bởi chị không thể
làm khác được. Xóm mạc gán cho bà đồng nát Tính chữ "dang tay độ thế"
với không ít sự mỉa mai; trong khi chị suy nghĩ về câu kinh nhà Phật lại
rất thành tâm. Đêm nào chị cũng đọc kinh nhà Phật.
Chị kể: "...
Hôm ấy, mẹ con chị đang đạp xe từ nhà lên thị xã thì thấy loáng một cái
một bóng người lao thẳng ra giữa đường, chị buông xe lao vào vật người
đàn bà ấy lôi ra vệ đường. Chị thấy cánh tay mình bỏng rát, chắc vì nó
mài xuống đường nhựa trong lúc lăn lộn. Thằng phụ xe vái chị như tế sao.
Chị đưa con Lan Anh về nhà. Nó về, cứ khóc tức tưởi. Sống ở nhà chị
hàng chục ngày, nó mới khai: Tên thật là Võ Thị L, còn tên nữa của nó là
Lan Anh. Sau này, bố nó (ông Võ Văn Th ở xóm 8, xã Nghĩa Đồng, huyện
Tân Kỳ, Nghệ An) viết thư cảm ơn chị, chị mới vỡ lẽ ra nỗi khổ rất đàn
bà của nó. (Thư đề ngày 12.5... Chị Tính ơi, tôi là bố nó, dù sao cũng
là dòng máu cha mẹ sinh ra, vợ chồng tôi đã ấp yêu dưỡng dục để biết
nghĩa lý lễ phép ở đời. Thế mà... Tôi biết làm sao bây giờ, nó cứ khư
khư bướng bỉnh, đã bị người ta lừa rồi sa ngã...). Nó kể, phải lòng một
ông có vợ con đàng hoàng, bị đánh ghen, nó chán đời bỏ đi, đến bến xe
này, chán quá thể, nó tính lao đầu vào ôtô tự tử.
"... Chị cho
chú cái ảnh này của nó, khổ, nói thật với chú, chị lấy trộm của nó để
làm kỷ niệm đấy. Hôm ấy, nó bán quán ngoài kia, chị mới lục cái túi của
nó để xem nó con cái nhà ai trong Nghệ An, tình cờ vớ được cái đơn xin
việc. Có địa chỉ rồi, chị đi vay được 150 nghìn, bắt ôtô, giả vờ đi lấy
hàng, tếch thẳng vào Nghệ An. Cứ dò theo địa chỉ, trời mưa tầm tã, chị
vào đến Yên Lý, ngược Tân Kỳ, rồi bắt xe ôm đi ngót 40 cây số đường toàn
đá hộc mới tìm được nhà nó. Tay xe lai cứ trân trối đòi... quay lại,
kẻo đường thì tối, nhà thì xa, biết là tìm có thấy được không? Cuối cùng
thì cũng tới, nhà nó nghèo vô cùng. Anh trai Lan Anh tên là Huấn theo
chị ra Sơn Tây đón em. Anh này có vợ con rồi, nhưng nghèo lắm, ra đến
Sơn Tây, ăn ở nhà chị, mà vẫn không đủ tiền đi xe khách vào Nghệ, chị
lại cho tiền...".
Chị Tính lật khật những chiếc răng giả vêu vao
thở dài: "Cũng khổ, về quê, vài hôm, nó lại ra nhà chị ở. Nó bảo nó
thích ở với chị, khổ cũng được. Chị bảo tuỳ, nhưng rồi được một thời
gian nó bỏ đi không tài nào ngăn được, chả biết bây giờ bể đời này nó
luân lạc chỗ nào. Bỗng thấy mình công cốc.
Và, còn nhiều mảnh
đời lạc vào căn nhà tin hin của ba người phụ nữ ấy nữa. Bé Hương người ở
Huế, theo một người bạn kết nghĩa của bố mình ngoài Hà Nội, bị lạc
đường, nó bắt xe tìm nhà, ai dè lơ ngơ thế nào họ lại đưa tuột lên Sơn
Tây. Tài xế xua xuống, bé đành ngồi dựa gốc cây khóc. Thế là hơn 1 năm
trời nó sống ở nhà chị. Đường về quê với nó mù mịt coi như chả biết đâu
mà lần. Cho đến một ngày, có ông ghé vào quán bãi tha ma dọc QL 32 ấy
uống nước, ông thấy con bé phụ việc bán quán quen quen. Hỏi ra, ông là
bạn kết nghĩa với bố cháu bé. Một thời gian sau, thấy bố cháu từ Huế bay
ra nhận con. Nhà người ta giàu có, bày vẽ đùi lợn, xôi, gà linh đình
lắm để tạ ơn. Chị Tính thật sự có tình cảm với bé Hương, sống với nhau
hơn 1 năm trời, chị cũng coi bé như con, chỉ buồn rằng hình như chị
nghèo rách quá, gia đình bé chả muốn lôi thôi!
Chị hài lòng nhất
về đứa con nuôi tên là Hiền, sinh năm 1985, cũng bị lạc ở bến xe Sơn
Tây. Bé Hiền nhà ở xã Tây Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Bé ở nhà
chị khá lâu. Chị lại vẫn phải rúc vào đống vỏ chai lọ cũ chỏng chơ khắp
nhà ấy để tìm thư của bé Hiền. Lá thư đã nhàu nát, nếp gấp vẫn cầu kỳ
như hình một con thuyền lướt sóng, cô bé lớp 7 ấy mơ mộng lạ. Hiền gọi
chị Tính bằng mẹ, mẹ nuôi, hai gia đình làm lễ nhận con hẳn hoi. Phần
tái bút, Hiền viết: "Mẹ viết thư cho con mẹ nhớ phải ghi địa chỉ rõ, kẻo
thư trước suýt thì không đến nơi đấy. Con, Nguyễn Thị Hiền A (vì lớp
con có 2 Hiền cùng tên cùng họ, đặt là Hiền A và Hiền B), Trường cấp 2, 3
Tây Hiếu 1, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An".
... Căn nhà sáng hơn
với những bó hoa sinh nhật của hai người thiếu nữ 17 và 20 tuổi. Bé
Hương năm ngoái thi Đại học Ngoại ngữ thiếu mất nửa điểm, vừa rồi lại
thi tiếp. Góc nhà là bức tranh Công chúa Hoàn Châu Triệu Vi do chính tay
Hương vẽ. Chính trong quá trình mày mò đến bong tơi cả da tay ra để
kiếm cơm, chị Tính đã vô tình phát hiện ra một bí quyết cọ chai lọ, rất
sạch mà rất vệ sinh, mẹ con chị cứ là độc quyền. Tuy nhiên, tôi lén ghi
được một đoạn trong sổ xuất hàng của chị: "Bán: 400 vỏ chai nước mắm;
150 chai La Vie nhỏ; 100 chai La Vie to; 130 chai dầu ăn... Tổng cộng
800 cái chai các loại. Thu được: 200.000 đồng"! Thôi thì, lấy công làm
lãi.
Bây giờ, ngày nào chị cũng nón mê, cúi mặt đạp xe đi thu
mua vỏ chai, phế liệu. Trong nhà lúc nào cũng sẵn con dao, chị sống chấp
chới giữa một đống phế liệu và một quyển kinh nhà Phật. Chị chỉ mong
cho hai đứa thi đỗ, học xong được đại học, thế là cái phúc lớn nhất. Vừa
rồi cái Hương thi, sang năm đến lượt con bé Trâm...
Kể ra nghèo khổ như chị Tính trong phóng sự này cũng là điển
hình. Nhưng chị lại làm nghề đồng nát nên có lẽ vì thế không thuộc diện
được hỗ trợ của chương trình xoá đói giảm nghèo. Ấy thế mà chị lại đi
cưu mang, nuôi nấng những đứa trẻ khổ như mình thì phải là người có lòng
vị tha cao cả, có tâm Phật mới làm nổi. Nói chị "dang tay độ thế" như
Phật cũng được. Nhưng "cái lý sự" ở đây đơn giản hơn nhiều. Đó là một
người khổ dễ cảm thông với người khổ hơn là người vốn đã sung sướng, đủ
đầy. Có một điều tôi biết chắc là trong xã hội hiện nay chị Tính thuộc
về thiểu số - thiểu số trong lớp người nghèo, thiểu số trong cả triệu
người đã có một người nhường cơm sẻ áo cho người khác. Mà miếng cơm manh
áo chị kiếm được có nhiều nhặn gì đâu... Trần Chinh Đức |
Theo: Lao động