Triệu mồ côi mẹ rất sớm, khi
chưa tròn năm tuổi. Mẹ Triệu vốn thuộc một gia đình công chức khá giả, lớn lên
ở Sài Gòn nhưng sau khi có chồng thì về làm dâu ở Mỹ Long, một làng nhỏ thuộc
quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Ðéc, ven biển Ðồng Tháp Mười. Nơi đây là một nơi thực sự
quê mùa, xa thành phố Sa Ðéc cách hai nhánh sông lớn Hậu Giang. Từ Sài Gòn
xuống, đường bộ không đi ngang qua làng. Thuở đó con đường từ An Hữu, sau khi
qua bến Bắc Mỹ Thuận, đi đến quận Hồng Ngự chưa được xây cất như trong thời Ðệ
nhất Cộng Hòa. Dân trong làng nếu không có dịp ra tỉnh thì chưa biết được hình
dáng một chiếc xe hơi ra làm sao
Ông nội Triệu là một nhà nho,
quê ở Hà Tĩnh vào Nam để theo ông Bác của Triệu bị Pháp xử lưu đày ở Nha Mân
(Sa Ðéc) vì tham gia hoạt động trong phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục. Nhiều nhà
cách mạng khác cũng bị Pháp chỉ định cư trú như cụ Vũ Hoành ở Sa Ðéc, cụ Dương
Bá Trạc ở An Giang, cụ Phan Tây Hồ ở Ðịnh Tường... Từ Hà Tĩnh, ông nội Triệu đã
đi bộ vào Nam
tìm người anh cả. Cuộc hành trình này là một giai thoại được con cháu thường
nhắc nhở trong gia đình. Ông nội Triệu đã lãnh trách nhiệm dạy học ở làng và đã
lập nghiệp ở đây, vừa làm vườn vừa làm ruộng. Cả làng đều gọi ông là Ông Giáo.
Cha Triệu là một tư chức làm
việc với Pháp có được cơ hội giúp việc khi Pháp thành lập các khách sạn lớn như
Continental, Majectic ở Sài Gòn, Langbiang Palace, Hôtel du Parc ở Ðà Lạt. Lúc
Triệu ra đời thì cha Triệu đã trở thành chuyên viên nên được chỉ định phụ trách
các khách sạn ở Siemréap, Ðế Thiên Ðế Thích và nhà hàng Bokor ở Campuchia. Mẹ
Triệu vì có hai con còn nhỏ nên chưa theo chồng được, phải về quê làm dâu. Từ
một nơi phồn hoa là Sài Gòn về chốn quê mùa, mẹ Triệu vẫn thích nghi được với
cuộc sống mới. Từ một cuộc sống tương đối theo lối Âu tây trong một gia đình
công chức, mẹ Triệu vẫn sinh hoạt bình thường trong một gia đình Nho giáo theo
lề lối sống khắt khe.
Vì mất mẹ khi còn quá nhỏ,
Triệu chỉ còn nhớ mang máng được hình ảnh mẹ như khi mẹ xắt chuối nuôi heo hay
xay lúa, giã gạo, sàng gạo với các cô... Chỉ có một lần được mẹ tắm ở giữa sân,
khi gội đầu bằng xà bông, Triệu đã nhắm chặt mắt chờ khi mẹ xối nước xong mới
dám vuốt mặt, mở mắt ra. Nắng chiều chiếu qua các giọt nước còn đọng trên mi,
mặt mẹ Triệu cúi gần mặt Triệu, nên khi mở mắt Triệu thấy hình ảnh mẹ lung linh
tuyệt đẹp. Bảy chục năm về sau, mỗi lần hồi tưởng nhớ mẹ, Triệu vẫn còn giữ mãi
nét mặt của mẹ qua ánh nước lóng lánh của buổi chiều ngày đó.
Nhưng rồi, một hôm, mẹ Triệu
trở bịnh nặng, hôn mê nhiều ngày. Triệu và em được cho ngủ riêng với các cô.
Một buổi chiều, mẹ Triệu hồi tỉnh lại, các cô đưa anh em Triệu khép nép vào
thăm mẹ. Nhưng đó có lẽ là những phút hồi dương ngắn vì sáng hôm sau, các cô
khóc sướt mướt đánh thức anh em Triệu dậy và cho hay “Mẹ đã mất rồi”. Vào tuổi
đó Triệu thấy người lớn khóc nên cũng khóc theo, nào có hiểu mất mẹ là gì! Cả
nhà rộn rịp, rối rắm lo việc tẩm liệm. Trưa hôm đó, không ai còn thì giờ lo cho
anh em của Triệu. Hai anh em đều thấy bụng đói cồn cào nhưng không dám nói cho
ai biết đành rủ nhau nằm vắt vẻo ở cầu thang vì nhà ông nội Triệu được cất theo
loại nhà sàn cao, theo lối nhà người Miên. Sau cùng có người nhận thấy, nhớ là
quên cho anh em Triệu ăn mới lo cho hai đứa nhỏ vừa mất mẹ. Ðó là lần đầu tiên
Triệu mới nhận thức được thân phận mồ côi của mình!
Mẹ Triệu được chôn ở thửa ruộng
trước nhà không xa. Chiều chiều Triệu vẫn ngồi trước nhà nhìn ra mả mẹ. Bên mộ
thấy có trồng một cây chuối, vì hình như mẹ Triệu chết trong lúc đang mang
thai. Nghe người lớn bàn: khi chuối trổ buồng, lúc đó là em Triệu sẽ được sanh
ở cõi âm? Trước mộ, Triệu còn thấy con chó tên Nết mà mẹ Triệu thường chăm sóc
cho ăn mỗi ngày đang nằm ủ rũ. Con chó trung thành đó vẫn ra nằm nhiều ngày bên
mộ mẹ Triệu!
Khi mẹ Triệu trở bịnh nặng, ông
ngoại Triệu được thông báo nên hấp tấp về thăm, nhưng khi đến nơi đã thấy áo
quan đang được chuẩn bị sơn đỏ khiến ông đã ngất xỉu, bộ Âu phục đang mặc bê
bết màu sơn. Sau buổi chiều mẹ Triệu đã được chôn cất, ông đã ở lại đêm để chờ
đến sáng đáp chuyến đò trở qua Sa Ðéc. Ðêm đó ông đã thao thức không ngủ được,
đưa mắt nhìn ánh đèn dầu trên bàn thờ vừa mới dựng lúc ban chiều cho mẹ Triệu.
Chiếc đèn đó là một loại đèn dầu rất tốt, hiệu Hirondelles mà ông ngoại Triệu
đã mua của hãng Armes et Cycles de Saint Étienne ở Pháp để tặng mẹ Triệu vì
biết mẹ phải về sống ở nơi quê mùa, không có ánh đèn điện. Ánh đèn tốt như thế
lại bỗng nhiên bị tắt. Ông ngoại Triệu đang thức nên đã đốt lại đèn hơn hai lần
trong đêm, nghĩ rằng có lẽ bướm đêm đã lọt vào bóng đèn làm đèn tắt, nhưng rồi
ông lại nhớ khi chưa về nhà chồng, mẹ Triệu ngày trước cũng thường hay tắt đèn
như thế để ông được ngủ an giấc. Cả nhà vì thế thường tin tưởng là mẹ Triệu đã
chết khi còn quá trẻ, chưa đến 24 tuổi, mà lại đang mang thai nên rất linh
hiển!
Năm mẹ Triệu chết là lúc thế giới đang ở vào thời kỳ khủng khoảng kinh tế trầm
trọng. Thương mãi, mùa màng ruộng vườn... đều không đem lại đủ lợi tức cho dân
chúng. Cha Triệu đang có được chỗ làm ăn tốt phải trở lên Cam Bốt tiếp tục hành
nghề. Ông, Bà ngoại Triệu đã thuyết phục bên nội Triệu để đem hai anh em Triệu
về nuôi nấng.
Thế là Triệu có được cơ hội từ
biệt nơi thôn dã để đến sinh sống trong một môi trường mới, nhộn nhịp tiếng
người và xe cộ. Ông ngoại Triệu lúc ấy được thuyên chuyển về tỉnh Vĩnh Long,
không xa Sa Ðéc bao nhiêu nhưng đối với tuổi thơ của hai anh em Triệu, đó là cả
một cuộc thay đổi to lớn.
Thành phố Vĩnh Long không lớn
lao gì, xe hơi không có được bao nhiêu chiếc, phần nhiều là xe của các cơ quan
chánh phủ hoặc các xe lô, xe đò... Hai anh em Triệu rất thích ra trước nhà ngắm
các loại xe tự động, nhất là những ngày mưa để nhìn các quạt nước nhịp nhàng
đều đặn lau các kính xe. Ðặc biệt vào thuở ấy, phương tiện di chuyển, ngoài
loại xe kéo, tư nhân còn có thể mướn một loại xe ngựa, được gọi là xe song mã. Loại
xe có hai ngựa kéo này trông rất thanh nhã, nay còn được thấy ở Pháp hay Mỹ,
nơi các thắng cảnh có nhiều du khách muốn được ngồi xe rong chơi theo lối nhàn
hạ thời xưa. Loại xe này được trang bị loại chuông báo hiệu do người lái xe đạp
bằng chân, tiếng chuông ngân lớn nhưng rất êm tai!
Triệu không quên được buổi cơm
chiều đầu tiên khi được đưa về sống bên ngoại. Ông Tám, người bếp già của ông
ngoại Triệu, rất vui mừng khi thấy trong nhà có thêm hai đứa trẻ thay vì chỉ
toàn là người lớn như từ trước đến nay. Triệu được cho ăn món súp đầu tiên,
trong súp có bỏ thêm nhiều miếng bánh mì nhỏ chiên; nhưng cả hai anh em Triệu
đều ngồi ngẩn ngơ, chỉ vớt ăn các miếng bánh mì nào còn giòn, chưa thấm nước
súp nhiều. Ông bếp Tám thất vọng khi thấy hai thực khách tí hon không biết
thưởng thức món súp đặc biệt của ông. Triệu thú thật là ăn không được vì vị quá
lạ, nuốt không vô. Lúc ấy cả nhà mới vỡ lẽ là hai đứa nhỏ nhà quê ở làng nên
chưa bao giờ miệng lưỡi lại được nếm mùi thịt bò và mỡ bò! Từ đó, cả nhà thỉnh
thoảng vẫn hay đùa gọi anh em Triệu là các cháu nhà quê. Mà quả thật anh em
Triệu quá quê vì đã sống trong một làng nhỏ, ít khi được đưa đi chợ, mặc dầu là
chợ làng. Lần đầu tiên được bà ngoại dẫn đi ăn mì, Triệu thấy món ăn này sao mà
mùi vị ngon đến thế. Cả đến hôm được dẫn đi mua sách vở và cặp để chuẩn bị nhập
học, ông chủ tiệm bán cặp da tặng cho một viên kẹo caramel sửa-cà phê. Khi ngậm
viên kẹo mới nhận thức được hương vị thần tiên của viên kẹo ngoại quốc đầu đời!
Ba năm theo học các lớp tiểu
học ở Vĩnh Long là ba năm được tiếp xúc với các bạn bè nhiều giới. Triệu lại có
tánh hay thích kết bạn, gặp ở lớp chưa đủ, ngày nghỉ thế nào cũng tìm cách đến
nhà để tiếp tục bày trò. Triệu rất thích một anh bạn có cha làm nghề sửa xe hơi
vì nhà anh có bao nhiêu là viên đạn sắt đủ cỡ, bao nhiêu cơ phận máy móc hư phế
thải... Triệu còn một anh bạn khác tên Long, cũng mồ côi mẹ, cha là một y sĩ
phải đi hành nghề xa quê. Long cũng như Triệu, được gởi ở với bà ngoại. Vì cùng
cảnh ngộ nên Long và Triệu thường gặp nhau trong các ngày nghỉ. Thật ra, việc
tình cảnh gia đình Long là do bà ngoại Triệu tìm ra. Như đã nói ở trên, Triệu
có tánh thích kết bạn nên cuối tuần là tìm đến nhà các bạn. Vì tánh mê chơi nên
quá buổi trưa thường hay quên trở về nhà. Có lẽ vì Vĩnh Long là một thành phố
nhỏ, mà bà ngoại Triệu lại có nhiều người quen nên những lần Triệu đi quá giờ
như vậy, tuy không cho nhà hay trước nhưng rồi bà ngoại Triệu cũng tìm ra được
nhà các bạn Triệu. Mỗi lần đi tìm cháu, bà ngoại Triệu thường hay ở lại chuyện
trò nên thường biết thêm gia cảnh của các bạn Triệu.
Việc người lớn quen nhau qua
con cháu nhiều khi cũng giúp bạn bè Triệu được thuận lợi. Như có một lần, Triệu
đã tìm cách lân la với một bạn học chỉ vì biết anh bạn này có nuôi nhiều gà
tre, loại gà rừng nhỏ con mà giới trẻ rất thích. Có một lúc vào ngày lễ, thầy
giáo lại cho một lô bài toán cho học sinh phải làm trong các ngày nghỉ. Anh bạn
này vốn yếu về toán nên rủ Triệu đến nhà để cùng làm bài. Anh cũng có hứa sẽ
tặng cho Triệu một con gà để đem về nuôi. Ðến mãi xế trưa, sau khi đã giúp làm
xong các bài toán, anh bạn này mới lựa cho Triệu một con gà bé tí teo, mà lại
là một con gà mái! Triệu thất vọng quá nhưng không dám nói ra. Nhằm lúc ấy bà
ngoại Triệu lại đi tìm cháu và được hướng dẫn đến đúng nhà bạn Triệu. Như
thường lệ, bà ngoại Triệu bắt chuyện với gia đình bạn Triệu. Trong câu chuyện
ngoại Triệu có cho gia đình bạn biết là sáng trước khi đi, Triệu có cho bà biết
là hôm đó Triệu có một bạn hứa đến nhà anh ấy “lấy gà”. Ngoại Triệu đã dạy
Triệu là phải nói “đến nhà bắt gà, chớ không ai lại nói: đến để lấy gà”. Mọi
người đều cười ồ về việc dùng sai danh từ của Triệu và kết cuộc câu chuyện là
gia đình bạn Triệu bắt anh phải tặng thêm cho Triệu một anh gà trống đàng hoàng
cho “đủ cặp”!
Ông ngoại Triệu là một trong
những người được huấn luyện đầu tiên về nghành họa đồ nên thường được đổi đi
rất nhiều tỉnh để đo đạc đất đai ở miền Nam. Vì vậy nên Triệu tuy còn nhỏ
tuổi nhưng trong các câu chuyện nghe được trong gia đình, nhiều địa danh các
làng mạc, sông ngòi, kinh lạch... đã in vào tiềm thức Triệu. Sau này khi phải
di chuyển đó đây trong thuở Kháng chiến Nam bộ hay trong thời gia nhập Hải
Quân, những nơi như Cầu Kè, Cầu Ngang ở Trà Vinh, Hàm Luông, Mõ Cày, Giồng Trôm
ở Bến Tre, Ðầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước, Sông Ông Ðốc ở Cà Mau..., các nơi đó đối
với Triệu tưởng chừng như là những nơi đã từng biết trước!
Khi đáo tuổi hồi hưu, ông ngoại
Triệu trở về quê quán ở Biên Hòa. Từ nơi đô thị tỉnh nhỏ là Vĩnh Long, Triệu
bắt đầu làm quen với lối sống nửa tỉnh, nửa quê ở Phước Lư, một ấp nhỏ bên dòng
sông Rạch Cát, cách tỉnh lỵ Biên Hòa khoảng bốn cây số. Ông ngoại Triệu quê
quán nhiều đời ở Cù Lao Phố, bên kia bờ Rạch Cát và được thừa kế nhiều ruộng
vườn ở đó. Tuy nhiên vì là một công chức thường phải luân lưu sống xa quê nên ruộng
vườn ông ngoại Triệu đã nhường cho các cháu canh tác. Khi về hưu, ông tậu một
mảnh vườn ở Phước Lư, bên kia bờ của Cù Lao Phố, một nơi gần tỉnh lỵ Biên Hòa
hơn.
Khi di chuyển từ Vĩnh Long về
Biên Hòa, ông ngoại Triệu được một người bạn có xe hơi riêng giúp cho mượn để
về lại quê. Lần đầu tiên được đi xe Citroen, Traction 15, hai anh em Triệu sung
sướng được ngồi xe có nệm êm, không như lúc di chuyển từ Sa Ðéc qua Vĩnh Long
bằng xe đò, phải ngồi chật như nêm mà lại bị xốc nhảy dựng khi xe qua các cầu nhỏ!
Triệu học hết chương trình Sơ
học ở trường tỉnh Biên Hòa. Vào thuở đó, chỉ có ở tỉnh lỵ mới có đèn điện.
Phước Lư chỉ cách tỉnh có độ ba, bốn cây số nhưng ban đêm phải thắp đèn dầu để
học. Triệu được ông ngoại theo dõi việc học hành và sáng sớm nào ông cũng bắt
phải vặn đồng hồ báo thức vào 5 giờ rưỡi để ôn lại bài trước khi ăn sáng và lội
bộ đến trường. Trong khi đó thì ngoại đi hâm cơm, một phần để ăn sáng, một phần
gói ép vào một tấm mo cau để đem theo ăn trưa. Mỗi khuya thức dậy, quẹt diêm
thắp đèn học bài, diêm sanh cháy trong không khí trong lành buổi sáng tỏa ra
một mùi hương thật đặc biệt. Biên Hòa là xứ núi đá nên buổi sáng nhiều khi rất
lạnh. Ép mo cơm nóng vào ngực khi đi đường vào sáng sớm, nghe hơi ấm chuyền vào
mình là một thú vị khó quên của Triệu.
Về được Biên Hòa, khác với lúc
ở Vĩnh Long, Triệu có được cơ hội cùng với các bạn, đi xa hơn vào các thôn xóm,
sông rạch. Vớt cá thia thia thì được các bạn hướng dẫn đến vớt ở con suối chảy
quanh chùa Xóm Hóc Măng Tre vì cá ở suối đá hay hơn cá vớt ở ruộng. Trái cây
rừng như gùi, bứa, sim, dâu... có thể kiếm ê chề nếu biết tháp tùng các thợ đi
đốn củi ở rừng Vĩnh Cửu. Nước sông Ðồng Nai đặc biệt rất trong xanh, so với
nước đục nhiều phù sa của sông Cửu Long. Nhìn nước là đã muốn lội tắm rồi. Nhà
ở ven sông, đặc biệt khúc sông Ðồng Nai bao quanh Cù Lao Phố rất hiền hòa nên
Triệu đã mau chóng bơi lội khá giỏi. Sau này vào Hải Quân, được huấn luyện
thành thạo hơn nên Triệu đã giúp trường Quân y Hải Quân Pháp đoạt nhiều giải.
Khi ở Biên Hòa, Triệu đã nhiều lần lén nhà lội ra Cù Lao Rùa tìm các “lưỡi tầm
sét” đem về nhường lại cho các gia đình có con mắc bịnh kinh phong! Dân chúng
thường vẫn hay tin tưởng là đặt lưỡi tầm sét trên đầu giường hay mài lấy nước
uống sẽ giúp các trẻ tránh được bịnh này? Cù lao Rùa trên sông Ðồng Nai là nơi
trú ẩn an toàn cho những người tiền sử sử dụng đồ đá làm khí giới nên ở nơi
đây, lưỡi tầm sét rất dễ tìm.
Cũng vì mê đi chơi như vậy,
nhất là đi bắn chim bằng ná thung nên có một lần Triệu đã bị một trận đòn nhớ
cả đời. Vào thời ấy Triệu có một bạn là Lương Khánh Chí, có biệt tài bắn ná. Ði
bắn chim với anh đó thì không bao giờ trở về tay không vì nếu Triệu bắn trật
thì anh sẵn lòng tặng chim lúc trở về nhà. Vào một thời nghỉ lễ Tết, hết việc
đi đánh bầu cua cá cọp Triệu lại chỉ lo vò đạn đi bắn với anh Chí, quên lo việc
làm bài thầy giáo đã ra đề trước để làm trong các ngày nghỉ lễ.
Hôm hết lễ đi học trở lại, bài
không làm kịp nên sáng đó Triệu than bị đau bụng để khỏi đi học. Bà ngoại cưng
cháu nên đồng ý nhưng ông ngoại đang làm việc ngoài vườn, thấy Triệu còn nằm
nhà nên hỏi lý do. Ông bảo đưa tập vở ra xem, khi thấy Triệu chưa làm xong các
bài, ông bắt Triệu phải đi học ngay. Ông căn dặn khi đến trường phải ghi sổ xin
đi khám bịnh viện nếu thật sự còn đau. May thay hôm đó thầy giáo không xét bài
của Triệu nên Triệu cũng khỏi xin đi “khám bịnh”. Chiều hôm đó về nhà, Triệu
tưởng là thoát nạn, đâu có ngờ ông ngoại vẫn hạch hỏi xem thuốc nhà thương cho
cất đâu? Triệu phải ăn một trận đòn về hai tội: tội nói láo để trốn học vì
không làm bài và tội thứ hai là ham bắn chim, mê cờ bạc, đỏ đen ngày Tết.
Nhờ được uốn nắn như vậy nên
sau này Triệu mới học đến nơi đến chốn. Lúc còn là sinh viên ở Pháp, Triệu có
một bạn người xứ Ba Tư tên Charroki, rất thông minh, hoạt bát, sành đời. Anh ta
là một tay biết nhiều mánh lới cờ bạc nhưng anh có chủ trương chỉ cốt ăn thua
đủ để có tiền đi coi Ciné với Triệu mà thôi. Anh đã truyền nghề cho Triệu nhưng
Triệu chỉ tham dự đánh bài nếu đó là cuộc chơi để vui, không có ăn thua tiền
bạc. Mặc dầu có thể bị bạn chê là keo kiệt, nhát gan, Triệu đã giữ được lời hứa
với ngoại.
Sự lo lắng theo dõi việc học
hành của ngoại đã giúp Triệu thi đậu trong kỳ thi tuyển vào Trung học Pétrus
Ký. Vì đỗ được hạng cao nên Triệu có được học bổng ở nội trú. Sau khi thi đậu
được bằng Thành chung, nhiều người trong họ hàng khuyên Triệu nên đi kiếm việc
làm để nuôi nấng lại ông bà nhưng ngoại nhất định không chấp thuận, khuyên hãy
tiếp tục vì có đà học đang tiến. Ông bà chấp nhận vẫn có thể sống với huê lợi
ít ỏi của vườn bưởi! Khi Triệu thi đỗ được bằng Tú tài, vì có cơ hội tiếp tục
lên Ðại học nếu chịu theo học nghành quân y hiện dịch nên Triệu đã được ngoại
khuyến khích đầu quân vào Hải Quân.
Ðây là một cơ hội hi hữu để
được xuất ngoại sang Pháp du học. Ông bà ngoại lúc ấy đã già, không thể qua Sài
Gòn đưa cháu nhưng đã tổ chức một bữa cháo vịt là món cháu thường ưa thích để
tiễn cháu ra đi!
Ba năm sau thời gian đang du
học, Triệu được tin ông ngoại trở bịnh nặng. Sức ông càng ngày càng yếu vì đã
phải mang nhiều bịnh khi băng rừng, lội suối lo việc đo đạc khi hành nghề họa
đồ. Triệu được em cho hay là ngày ông ngoại Triệu mất, ông vẫn nhắc đi nhắc lại
là ông vẫn chưa chết đâu, vì ông còn chờ cháu ông du học trở về! Một tuần sau
đám tang, bà ngoại vốn có bịnh yếu tim có lẽ vì buồn não nên đã vĩnh viễn ra đi
trong khi nằm nghỉ trên võng!
Triệu được tin buồn trong thời
gian hè, đang đi thực tập học môn học bắt buộc của Hải Quân về thuyền buồm ở
Trung tâm Huấn luyện ở Socoa, trong vịnh Gascogne miền Tây-Nam nước Pháp. Thấy
Triệu bỏ ăn trong nhiều ngày mặc dầu trong phiên học phải có sức đương dầu với
sóng, gió biển, Nguyễn Sanh Nghĩa, một anh bạn người miền Trung rất am tường
Phật Pháp đã an ủi Triệu bằng cách nhắc lại những lời Phật dạy về lẽ Vô thường.
Anh đã đem các tư tưởng Phật giáo dạy lại Triệu về Sinh, Lão, Bịnh, Tử, về
thuyết Luân Hồi, Nhân Quả, Tứ Diệu Ðế, v.v..
Vào thời ấy ở miền Nam nước Pháp không có chùa Phật. Chỉ ở Paris và ở Marseille mới
có chùa mà thôi. Anh Nghĩa nhắc lại Triệu về các lễ Cầu Siêu mà Triệu đã có cơ
hội tham dự lúc còn ở bên nhà. Anh đã theo lời hướng dẫn trong quyển Kinh Nhật
Tụng nhỏ anh vẫn thường đem theo bên mình để cùng giúp Triệu làm một lễ Cầu
Siêu đơn giản.
Sáng sớm Chủ nhật trong tuần
đó, Triệu đã lấy xe đạp đi về phía Bắc, lên một cánh đồi ở Guétary. Trong cảnh
mặt trời lên buổi sáng, ngồi nhìn về phương Tây, để tâm hồn lắng dịu, vượt qua
Ðại Tây Dương và cả Thái Bình Dương, Triệu chú lòng làm lễ Cầu Siêu cho ông và
bà ngoại. Mặc dầu biết rằng trong các lễ cầu nguyện nên cần có tha lực của
nhiều người cùng chú nguyện, nhưng cho đến nay, Triệu vẫn tin rằng lần cầu
nguyện đơn côi ấy là lần Triệu thực sự được cảm thông trực tiếp với ông bà
ngoại của Triệu.
Sau buổi cầu nguyện, Triệu tiếp
tục ngồi lặng yên, tận hưởng những giây phút hiện tại đang được sống giữa cây
cỏ, núi đồi, ánh sáng trong suốt buổi ban mai. Triệu lắng nghe tiếng chim hót,
Triệu nhìn những con dế hút nước sương trên các cọng cỏ, lá cây... Triệu chợt
thức tỉnh, nghĩ đến những lời dạy của Ðức Phật về Luân Hồi, về Duyên Khởi. Những
cảnh vật quanh Triệu, từ ánh sáng ban mai đến cơn gió lạnh ở đại dương thổi
vào, từ côn trùng đến chim chóc, từ hơi thở đến nhịp tim đang đập mạnh trong
Triệu... tất cả đều như hòa hợp duyên khởi nhịp nhàng. Triệu cảm thấy hình ảnh
của ông, bà ngoại Triệu vẫn còn tiếp tục sống trong Triệu cũng như huyết mạch
của ông bà nhiều kiếp vẫn luân lưu trong thân thể Triệu.
Buổi sáng tinh sương trên đỉnh
đồi Guétary hôm đó đã đưa Triệu đến con đường vào ánh sáng đạo Phật và kể từ
đó, đã giúp Triệu có một cuộc sống an lạc trong thân tâm.
Trở về Việt Nam
hành nghề, Triệu đã có dịp chứng kiến các tàn phá, đổ nát, chết chóc trong cuộc
chiến tương tàn vì ý thức hệ. Triệu cũng phải như các đồng hương khác, bỏ xứ
sau sự thất bại ở miền Nam
để ra đi tìm được cuộc sống trong khung cảnh tự do. Trong nỗi đau lòng xa xứ,
Triệu nhận thức thấy trong sự rủi cũng có cái may khi chứng kiến sự thành công
vẻ vang của giới trẻ về học vấn, sự thành đạt về phát triển kinh tế của những
đồng hương đến xứ người với hai bàn tay trắng, sự phát huy Phật Pháp và Thiền
Ðạo ở hải ngoại...
Sự hủy hoại đau thương trong
chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc, sự bắt buộc đành bỏ xứ ra đi của dân chúng
miền Nam, phải chăng đấy là một cộng nghiệp mà Triệu phải cùng gánh chịu với cả
dân tộc?
Ðến đất Mỹ, sau mười tám tháng
làm lao công ở Bịnh viện Tâm trí ở Austin, thủ đô Texas, vừa đi làm vừa tự học,
nhờ ân đức tổ tiên ông bà để lại, Triệu may mắn thi đậu lấy lại được bằng hành
nghề y sĩ. Cuộc sống trở lại bình thường như lúc hành nghề ở Việt Nam ngày trước.
Thực ra nếu so sánh với điều kiện hành nghề tư trong 15 năm ở khu xóm lao động
Thủ Thiêm bên kia bờ sông Sài Gòn, một khu phố nhỏ không có đèn điện, không có
nước máy thì các tiện nghi hưởng được ở Mỹ hơn trước cả trăm lần. Tuy nhiên,
tuy việc hành nghề ở Mỹ với những dụng cụ tối tân, y dược hữu hiệu đã đem lại
nhiều thích thú chuyên môn nghề nghiệp nhưng không thể so sánh với sự mãn
nguyện tinh thần khi còn làm việc trong hoàn cảnh thiếu thốn ở quốc nội.
Mặc dầu biết mình không tài
giỏi trong y nghiệp nhưng Triệu cũng cảm thấy mãn nguyện đã cứu giúp được cho
bao nhiêu trẻ em gia đình lao động. Cha mẹ các em không được hướng dẫn y khoa
thường thức, nên khi các trẻ con bị chứng tiêu chảy lại sợ không cho uống thêm
nước. Bao nhiêu trẻ trước kia đã không được cứu sống vì trạng thái mất nước
trầm trọng khi bị chứng tiêu chảy trong đêm. Cha mẹ không biết cho các em uống
để cầm cự cho đến sáng trong khi không thể đem đến bịnh viện được trong giờ
giới nghiêm, ghe đò bị cấm đoán không được vượt qua sông Sài Gòn. Những lúc may
vá các thương tích cho bịnh nhân dưới ánh đèn dầu “manchon” nóng bức lại đem
lại nhiều mãn nguyện nghề nghiệp hơn là những khi giải phẫu trong phòng mổ tối
tân ở Mỹ có điều hòa không khí vì trong lòng, Triệu vẫn áy náy lo sợ có thể bị
thưa kiện sau này...
Triệu đã chọn một thị trấn nhỏ,
có một bịnh viện 40 giường để hành nghề. Làm việc ở một làng quê ở Mỹ kể ra
cũng có nhiều tiện lợi, ít di chuyển nên tránh được nhiều phiền toái và tai
nạn, mọi người đều biết nhau nên tình người vẫn thấy còn được duy trì... Ðã
từng được dạy dỗ trong tinh thần “tri túc”, nếu “biết đủ là đủ rồi” nên Triệu
thích nghi dễ dàng với cuộc sống ở một thị trấn thôn dã.
Trong các bịnh nhân của Triệu
có một em bé da đen, lễ phép, rất dễ thương, thường được bà ngoại đem đến phòng
mạch chữa trị. Vì được hưởng chế độ xã hội “Medicaid”, khám bịnh miễn phí nên
em bé thường đến phòng mạch. Bà ngoại của em bé là một người đàn bà cao niên,
ăn nói lễ độ, chững chạc, đầy phong cách. Khi nhận thấy tình trạng y tế của cậu
bé không có triệu chứng gì là bất thường nhưng lại thường xuyên xin khám bịnh
nên Triệu đã đoán được là cậu bé chỉ mắc bịnh “sợ đi học”!
Biết chắc là bà ngoại cậu bé vì thương cháu nên nuông chiều, không trị được
việc cháu trốn học nên một hôm Triệu xin phép bà để “lên lớp giảng luân lý”.
Triệu nói với cậu bé da đen tên Robert Ford: “Cậu hãy trông tôi đây. Tôi thuở
nhỏ cũng được bà ngoại nuôi nấng và đã từng được bà ngoại nuông chiều. Tôi cũng
từng có dịp ngán đến trường nên òn ỷ bà ngoại xin khai bịnh để được ở nhà. Ngày
nay tôi đã thành bác sĩ, vì tôi có được một ông ngoại cứng rắn, bắt tôi phải
đến trường khi không có bịnh. Kể từ nay nếu tôi xét thấy anh thật sự bị bịnh
thì tôi sẽ trị bằng thuốc chích cho mau lành, thay vì cho thuốc uống!”. Từ đó
quả thật cậu bé ít thấy đến chữa bịnh hơn trước và Triệu vẫn giữ lời hứa: mỗi
lần đến chữa bịnh Triệu vẫn tìm cách chích thuốc nhưng vẫn cho thêm toa thuốc
uống.
Vào khoảng năm 1997, lúc đó
Triệu đã di chuyển phòng mạch đến thành phố lớn Amarillo trên hơn mười năm. Một buổi trưa sắp
đến giờ nghỉ, y tá cho Triệu hay có một bác sĩ muốn xin vào thăm. Trên danh
thiếp thấy đề tên Robert Ford! Thật đúng là cậu bé da đen của Triệu ngày trước.
Vì có việc qua ngang Amarillo
nên anh đã tạt qua thăm Triệu. Hiện anh còn đang phải thực tập chuyên khoa. Bà
ngoại anh đã mất khi anh chưa ra bác sĩ. Anh lại cho Triệu biết hôm nay anh đến
thăm Triệu tình cờ lại trùng với ngày ngoại anh đã mất, ba năm về trước. Triệu
cũng cho anh hay là ông, bà ngoại Triệu cũng đã mất trước ngày Triệu tốt nghiệp
trở về xứ. Vì vậy, ngày nay mỗi lần ngồi lái xe, nhớ lại thời sung sướng lần
đầu tiên được đi trên chiếc xe Traction Citroen 15 trên đường từ Vĩnh Long về
Biên Hòa, Triệu vẫn thấy lòng hối tiếc không được dịp đưa ông bà ngoại Triệu
bằng chiếc xe nhà để dạo chơi ngắm cảnh.
Triệu mời Robert cùng đi dùng cơm trưa. Triệu cũng nhắc Robert là ngày trước bà
ngoại anh thích món bông cải cauliflower đút lò với sữa tươi và cheese. Triệu
biết như thế vì đã có lần chữa trị cho bà. Bà đã phải khẩn cấp vào bịnh viện vì
không tiêu hóa được món đó khi ăn vào buổi tối nên bị chứng nghẹn thở khi đi
nằm. Triệu đã từng khuyên bà chỉ được ăn món đó vào buổi trưa mà thôi vì theo
lịch sử y khoa, nhiều cụ già đã chết vì ăn cái món khó tiêu ấy trước khi đi
ngủ. Robert cũng đồng ý là bà ngoại anh có bí quyết nấu món ấy rất ngon nhưng
từ ngày suýt chết vì món đó, bà đã ít khi nấu cho gia đình.
Triệu đưa Robert đến một quán
ăn Triệu thường đến và dặn trước nhà bếp: khách có gọi món gì thì gọi, phải có
thêm món bông cải đút lò với phó mát. Triệu căn dặn người dọn bàn là Triệu sẽ
trả thêm cho một phần ăn và phải dọn cho cả ba thực khách. Robert rất ngạc
nhiên khi thấy người dọn bàn sắp xếp muỗng, nĩa, khăn ăn cho ba thực khách và
hỏi Triệu về người thực khách thứ ba chưa thấy đến.
Triệu giải thích cho Robert
biết rằng theo lề lối tín ngưỡng Việt Nam, vì hôm nay đúng là ngày qua đời của
bà ngoại Robert, nên Triệu muốn làm lễ giỗ, cầu Bà về cùng ăn với Robert. Anh
chợt hiểu và khi nhà bếp đem đặt thêm trên bàn món bông cải, anh đã phải cố nén
giữ khỏi khóc khi Triệu lên tiếng khấn mời Bà ngoại Robert cùng dùng bữa.
Sau buổi ăn, Robert đã cảm ơn
Triệu và hứa là trong tương lai anh cũng sẽ làm lễ giỗ bà ngoại mỗi năm và anh
sẽ tự nấu thêm món bông cải đút lò theo phương pháp bí truyền của gia đình anh.
Triệu đã giải thích thêm cho
Robert là chính Triệu mới là người phải cám ơn anh. Việc thành công về sự
nghiệp của anh là niềm hoan hỉ của Triệu. Bà ngoại anh và anh đã giúp Triệu có
thêm được cơ hội trả ơn dưỡng dục của ông, bà Triệu. Sự cố gắng học hành thành
công của anh đã giúp Triệu có được dịp thực thi hạnh Bố Thí của nhà Phật.
***
Năm nay, ngày Ðại Lễ Vu Lan
tháng Bảy cũng sắp đến. Phật giáo Việt Nam nay đã tiếp nhận truyền thống
Nhật Bản thực hành Lễ Hoa Hồng Cài Áo trong ngày Ðại Lễ Vu Lan: Phật tử có phúc
còn được mẹ hiện tiền sẽ được cài một hoa hồng màu đỏ vào áo, Phật tử đã mất mẹ
sẽ được cài một hoa hồng trắng.
Các em trong Gia Ðình Phật Tử,
tình nguyện phụ trách Lễ Hoa Hồng Cài Áo cho các Phật tử tham dự Ðại Lễ Vu Lan,
thường hay thắc mắc hỏi lại khi Triệu xin các em gắn cho hai hoa trắng thay vì
chỉ một hoa: “Bác thật tình muốn gắn hai hoa trắng thật sao?”.
Năm nay chắc cũng lại có em hỏi Triệu như vậy và chắc Triệu cũng phải cố gắng
giữ khỏi khóc để trả lời: “ Cho Bác xin hai hoa, một cho Mẹ và một cho Ngoại”.
(“Gió Mùa Ðông Bắc”)