Phật Học Online

Phương Châm Kiến Lập Phật Giáo Tại Gia

Phương Châm Kiến Lập Phật Giáo Tại Gia

Bài giảng của Đại sư Ấn Thuận
Thích Pháp Chánh dịch

-o0o-
 
Phục hưng Phật giáo, nói ra tuy là trăm đầu ngàn mối, thế nhưng, nói chung, chúng ta phải nên xem trọng Phật giáo thanh niên, Phật giáo trí thức, Phật giáo tại gia. Bắt đầu từ hôm nay, nếu như Phật giáo cứ tiếp tục hạn chế trong phạm vi của những người lớn tuổi, hoặc những thành phần kém trí thức, hoặc những người xuất gia (không phải nói rằng những người này không cần học Phật, mà muốn nói là không nên quá ỷ lại những nhóm người này), thì tương lai xán lạn của Phật giáo vĩnh viễn sẽ không bao giờ đến với chúng ta. Trong ba điểm nhấn mạnh ở trên, Phật giáo tại gia lại càng quan trọng hơn hết.

          Một sự kiện thực sự là Phật giáo trong quá khứ, trước sau vẫn là ở trong tay của các vị xuất gia. Từ đời Tống, Minh, tức là lúc Phật giáo suy vi đến nay, Phật giáo lại càng bảo thủ và hạn hẹp trong phạm vi chùa chiền. Không chỉ những kẻ không tin Phật pháp hiểu lầm Phật giáo là Phật giáo của những người xuất gia, học Phật tức là đồng với sự xuất gia, mà ngay chính những kẻ hộ trì Phật pháp, cũng thường cho rằng: “Chúng tôi hộ trì pháp của các vị [xuất gia]”. Bọn họ không hiể̉u rằng, Phật giáo là Phật giáo của chính mình, hộ trì Phật giáo tức là hộ trì Phật giáo mà mình tín ngưỡng. Những vị xuất gia, nhất là phái nữ, khi khuyên người nào học Phật, gần như là khuyên người đó xuất gia. Điều này tạo thành một sự ngộ nhận rộng lớn trong quần chúng. Thường thường nghe mọi người nói: “Nếu mọi người học Phật, làm hòa thượng, ni cô, đây không phải là điều làm cho gia đình, quốc gia tiêu tan hay sao?” Điều này, đương nhiên là một sự hiểu lầm nghiêm trọng trong quần chúng, thế nhưng, chịu trách nhiệm cho sự hiểu lầm này, không phải là những người thông thường trong xã hội, mà chính là những vị xuất gia chủ trì Phật giáo. Phật giáo càng ngày càng suy vi, càng ngày càng cách xa quần chúng thì sự hiểu lầm càng ngày càng nghiêm trọng. Cho nên: “Học Phật không phải là xuất gia, học Phật không bắt buộc phải xuất gia.” Đây là một vấn đề rất quan trọng trước mặt, mà chúng ta cần phải tuyên truyền rộng rãi. Hy vọng các vị xuất gia không nên tùy tiện khuyên người khác xuất gia, Không thể đem Phật pháp ra mua chuộc tình cảm, nhiếp thọ những kẻ xuất gia không tín ngưỡng. Không thể đem chùa chiền làm sở cứu tế cho những người già cả, tàn tật. Phải nên phát triển Phật giáo tại gia (với mục đích đề cao phẩm chất người xuất gia), điều này mới có thể tránh được sự hiểu lầm của xã hội, làm cho Phật giáo có thể bước tiến trên con đường bình thản quang minh.

          Tại sao chúng ta lại phải chú trọng đến Phật giáo tại gia? Điều này bao gồm hai quan điểm chủ yếu:  (1) Gia đình Phật giáo hóa, (2) Do Phật tử tại gia chủ trì hoằng dương Phật pháp.

          Phật giáo, xưa nay không chỉ hạn cục vào hàng ngũ xuất gia. Phật giáo Tiểu thừa, có rất nhiều tín chúng tại gia, gọi là ưu bà tắc, ưu bà di. Trong Phật giáo Đại thừa, Bồ tát tại gia, so với Bồ tát xuất gia, lại còn quan trọng hơn; đây là một sự kiện không thể phủ nhận. Phật giáo không phải chỉ dành cho người xuất gia. Trên các phương diện tín ngưỡng, tu học, chứng đắc, bất luận từ quan điểm nào, xuất gia và tại gia, có thể nói là hoàn toàn bình đẳng. Cho nên phát triển Phật giáo tại gia, quyết chắc không phải là một sự suy đồi của Phật giáo. Chúng ta muốn phát triển Phật giáo tại gia, đương nhiên mọi hoạt động phải hướng về quần chúng, và như thế, không thể không tăng gia số tín chúng tại gia. Thế nhưng, một điều hiệu quả hơn hết, vững chắc hơn hết cho tiền đồ Phật giáo tại gia là phải từ sự Phật giáo hóa gia đình, do những Phật tử chánh tín, tự mình từ trong phạm vi gia đình phát động, từ từ khuếch trương đến phạm vi những tổ chức rộng lớn.

          Một đệ tử tại gia chánh tín, nếu như đối với Phật pháp có một sự nhận thức chân chính, một lòng tin chân chính, chắc chắn sẽ phát khởi tâm từ bi “cùng chung thưởng thức pháp vị” (Hán: pháp vị đồng thưởng), làm cho gia đình của chính mình trở thành một gia đình Phật giáo hóa, mỗi người trong gia đình đều tin tưởng Phật pháp, lãnh thọ sự lợi ích của Phật pháp. Đối với điều này, những Phật tử tại gia thông thường, thực hiện còn rất là thiếu sót. Có những người tin Phật pháp, thế nhưng chưa từng nghĩ đến chuyện mong cho mọi người trong gia đình tin Phật. Cha mẹ, con cái, anh em, vợ chồng, hoặc là khác tôn giáo, cho rằng tôn trọng tự do tín ngưỡng, mọi người tự theo đức tin của chính mình. Tín ngưỡng tự do, đương nhiên mình phải tôn trọng người khác, không thể can thiệp vào một cách cuồng vọng được. Thế nhưng, chẳng lẽ quý vị đã hiểu rõ, đã có được niềm tin vào Phật giáo chân chánh, có thể tâm an lý đắc, mà lại nhẫn tâm để cho những người quyến thuộc thân yêu của mình, vĩnh viễn phiêu lưu ở ngoài ánh sáng của đạo Phật, chìm đắm trong sự trói buộc của tà kiến, hoặc chỉ hưởng phước lợi trời người, mà không có một chút hy vọng được tự do giải thoát hay chăng? Không thể can thiệp sự tự do tín ngưỡng của kẻ khác, chẳng lẽ không thể dùng thái độ ôn hòa khéo léo để cảm hóa kẻ khác hay chăng? Tự mình tin tưởng Phật pháp, mà không nghĩ đến việc dẫn dắt quyến thuộc vào  việc tin tưởng Phật pháp, đây là thiếu thốn sự đồng tình, là sự phụ ơn của đức Như Lai. Ngay cả những người trong gia đình mà mình còn không nghĩ đến việc dẫn dắt họ tin tưởng Phật pháp, thì còn nói gì đến chuyện phổ độ chúng sanh!

          Giả sử một vị đệ tử tại gia, sau khi quy y Tam Bảo, ngày trước tính tình thô bạo, ngày nay lại trở nên nhu hòa, ngày trước tính tình khiếp nhược, ngày nay lại trở thành cương nghị, ngày trước biếng nhác, bây giờ siêng năng, ngày trước xa xỉ, bây giờ kiệm ước, ngày trước xảo trá, bây giờ trung tín, ngày trước dị hợm, bây giờ dễ dãi. Ở trong gia đình, đối với cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em mình càng biết lo lắng, thương yêu, càng tỏ ra biết làm tròn hết trách nhiệm của mình trong gia đình. Nếu được như vậy, gia đình do đây mà càng được đầm ấm, càng được hạnh phúc, mọi người trong gia đình, từ sự tịnh hóa thân tâm của chính họ, nhìn thấy được sự tốt đẹp của Phật pháp, tự nhiên sẽ có sự đồng tình, sẽ nhìn những người tin Phật pháp bằng cặp mắt bình đẳng, và sẽ cùng nhau bước vào ánh sáng của đạo Phật. Đây là phương pháp hữu hiệu nhất để Phật giáo hóa gia đình, và là một phương châm mà mỗi người Phật tử phải tuân theo. Điều mà chúng ta cần phải tránh né hơn hết là: tự mình không biết nỗ lực từ sự tịnh hóa thân tâm của chính mình, biểu hiện tinh thần cao cả của một người Phật tử, mà vội vàng yêu cầu, bắt buộc phải làm bàn thờ Phật trong nhà, sáng tối bắt mọi người phải tham dự những thời kinh dài lê thê, hoặc là thời gian đi chùa nhiều quá, một cách vô tình đã lãng quên trách nhiệm của mình đối với gia đình, hoặc bố thí cúng dường quá nhiều làm ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế của gia đình. Điều này làm cho mọi người trong gia đình cảm thấy như người [tin Phật] ấy quá tiêu cực, hoặc quá ư phung phí, sự kiện này không làm cho gia đình cảm thấy đồng ý, không thể đưa họ vào con đường Phật pháp, mà ngược lại làm cho họ có ác cảm, đưa đến sự bất hòa của gia đình.

          Giả như vị Phật tử đó là một vị gia trưởng, tuy rằng con cháu trong nhà không dám nói ra, nhưng lại làm cho họ có một ấn tượng không tốt, trồng một hạt giống nhân duyên làm cho con cháu phản bội Phật giáo sau này. Có nhiều ông chồng, vì muốn giảm thiểu sự đau khổ của gia đình, phần lớn đều chìu lòng các bà vợ, thế nhưng trong tâm vĩnh viễn có một sự cách ngăn đối với Phật giáo. Nếu muốn ái hộ Phật pháp của mình, nếu muốn dẫn đạo gia đình vào sự lợi lạc của Phật pháp, những Phật tử tại gia có niềm tin chân chính, phải luôn luôn kiểm điểm chính mình, làm cho mình trở thành một kẻ báo ơn Phật pháp, chứ không phải là một kẻ gây oan trái cho Phật pháp.

          Thường thấy các bậc cha mẹ, không thể y cứ vào lời Phật dạy (có lẽ cũng chẳng biết điều này), để tạo thành một gia đình tốt lành đầm ấm, làm cho con cái trở thành một kẻ tin tưởng Phật pháp, một công dân tốt trên các phương diện đức tính, tri thức, kỹ năng, v.v..., mà chỉ biết ra lệnh cho con cái làm những việc như lạy Phật, đốt nhang, ra lệnh cho con cái tham dự những thời công phu dài thườn thượt, hoặc là bắt buộc họ ăn chay, v.v... Không chịu hiểu rõ tâm tình của lứa tuổi thanh niên, không chịu bồi dưỡng sự kính ngưỡng của con cái đối với Tam Bảo, mà chỉ biết “cả vú lấp miệng em”, cho rằng như thế là làm cho con cái tin Phật, làm cho chúng hưởng được ơn lành của Tam Bảo. Lúc con cái chưa thành niên, thì vẫn có thể tuân lời một cách ngu ngơ; thế nhưng đến tuổi thành niên, tất cả sẽ thay đổi hết. Phật giáo là một sự tự do tín ngưỡng chân chánh, tín ngưỡng phải là do tự mình phát tâm. Cho nên cha mẹ đối với con cái, phải nên dẫn dắt một cách thích đáng, mà không phải là dùng mệnh lệnh, cưỡng bách. Làm cho con cái, trong tình thương yêu của cha mẹ, tiếp xúc với ánh sáng của Tam Bảo, dẫn phát được sự đồng tình của chúng đối với Tam Bảo. Làm như vậy mới có thể, khi chúng đến tuổi trưởng thành, trở thành một Phật tử chánh tín gương mẫu của Phật giáo.

          Chúng ta phát triển Phật giáo tại gia, không thể bỏ qua phương pháp chánh thường cho sự tiến hành của Phật giáo trong gia đình. Lại còn phải chú ý là, Phật giáo Tiểu thừa, vì mang nặng sắc thái ẩn tu, tự độ, không phải là một mô hình thoả đáng đối với sự Phật giáo hóa gia đình. Phật giáo tại gia, không thể không là Phật giáo Đại thừa, từ Nhân thừa đi thẳng đến Bồ tát thừa của Phật giáo.

          Các vị Phật tử tại gia có thể chủ trì, hoằng dương Phật pháp hay không? Đương nhiên là họ có thể làm việc đó. Nếu nhìn vào kinh điển, chúng ta sẽ thấy nhiều thí dụ điển hình, như trưởng giả Chất Đa trong kinh A Hàm, trưởng giả Duy Ma Cật, phu nhân Thắng Man trong các kinh Đại thừa. Các vị này không phải là bậc long tượng hoằng dương Phật pháp hay sao? Các bậc cổ đức Trung hoa như ngài Pháp Hiển, ngài Trí Mãnh, v.v... tại Ấn Độ đã từng gặp những vị như Thắng Quân luận sư ở Trượng lâm sơn, Trường Thọ bà la môn ở nước Kiệt la, bọn họ chẳng phải là những vị pháp tướng hoằng truyền Đại thừa hay sao? Nếu đem việc gần đây mà nói, các vị cư sĩ Trung Hoa, như Dương Nhân Sơn, Âu Dương Tiệm, hoặc Dhammapala của Tích Lan. Đặc biệt là Dhammapala, hội Maha Bodhi của ông thành lập đã trở thành một cột trụ trong công cuộc phục hưng Phật giáo Tích Lan. Phật tử tại gia, trên nguyên tắc, có thể gáng vác trách nhiệm hoằng dương Phật pháp, thế nhưng, điều này không có nghĩa là bất cứ một vị Phật tử tại gia nào cũng có thể làm được điều này. Vấn đề là các vị Phật tử tại gia có đủ điều kiện, như lòng tin, nguyện lực, kiến giải, thực hành, để chủ trì Phật giáo hay không?

          Đức Bổn Sư, vì muốn thích ứng với hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ mà kiến lập Phật giáo, cho nên trách nhiệm chủ trì thuộc về người xuất gia. Thế nhưng, trong lịch sử phát triển của Phật giáo, Phật giáo Đại thừa đã có khuynh hướng lấy Phật giáo tại gia làm trung tâm. Sau khi đức Phật diệt độ khoảng một ngàn năm, Phật giáo tại các xứ, đều có một sự biến hóa lớn lao, như các vị lạt ma mũ đỏ ở Tây Tạng thành lập gia đình, có vợ có con. Vị quốc sư nhà Nguyên, là ngài Tư Ba, là một thí dụ điển hình. Còn tại Nhật Bổn, trong phái Tịnh Độ Chơn Tông do ngài Thân Loan khai sáng, những vị chủ trì giáo phái đều là người có gia đình. Sau thời Duy Tân của Minh Trị Thiên Hoàng, các tông phái ở Nhật Bổn, có thể nói rằng đều rập theo khuôn mẫu của Tịnh Độ Chơn Tông. Theo cái nhìn thông thường, các vị Lạt ma Mũ đỏ Tây Tạng cùng các vị xuất gia Nhật Bổn, tuy bề ngoài có dáng dấp của người xuất gia, như trên thực tế, nếp sống của họ, trên tất cả mọi phương diện, đều không phù hợp với định nghĩa của người xuất gia. Gọi họ là người xuất gia là một điều rất đáng buồn cười.

          Kiến lập Phật giáo do người tại gia chủ trì, có hai điểm cần thiết phải làm sáng tỏ:

1/ tổ chức,

2/ nhập thế.

Đức Thế Tôn đem trách nhiệm chủ trì Phật giáo giao cho Tăng đoàn. Vào thời bấy giờ, tăng đoàn là một tập thể lớn sinh hoạt trong một kỷ luật chung. Chỉ khi nào có sự hiện hữu của một tăng đoàn kiện toàn (tương đương với giáo hội của các tôn giáo khác), do sự hiệp lực của toàn thể đại chúng, thì Phật giáo mới có thể phát triển rộng lớn một cách nhanh chóng. Còn như Phật giáo Trung Quốc hiện nay, do vì tập thể người xuất gia thiếu tổ chức, chỉ dựa vào uy tín của từng cá nhân mà hoằng pháp một cách bừa bải. Vì thiếu tổ chức, cho nên khó có thế đứng lâu dài trong thế giới hiện đại và tương lai. Nếu như các đoàn thể Phật giáo tại gia cũng lâm vào hoàn cảnh như thế, thì không chắc rằng tại gia hóa Phật giáo là một biện pháp tốt đẹp. Hy vọng các vị Phật tử tại gia nhiệt tâm bảo hộ Phật pháp, sẽ từ những tổ chức cùng kiến giải, cùng chí hướng mà thực thi công cuộc hoằng pháp. Trong quá khứ, các tổ chức Phật giáo tại gia như Phật Giáo Chánh Tín Hội, Phật Giáo Cư Sĩ Lâm …, tuy không hoàn toàn lý tưởng, nhưng cũng đã thể hiện phần nào hình thức của những hội đoàn Phật giáo tại gia. Các tổ chức Phật giáo tại gia cần phải do những Phật tử có nền tảng dựa trên những đức tính như phát tâm chánh xác, động cơ trong sạch đứng ra điều hành. Hơn nữa, tổ chức đó phải càng lúc càng gia tăng lòng tin và sự hiểu biết đối với Phật pháp, để trở thành một giáo đoàn hòa hợp an lạc, vừa tu hành vừa giáo hóa chúng sanh. Những thành viên nòng cốt của tổ chức, lại càng cần phải đặc biệt cẩn thận! Nếu như không coi trọng Phật pháp, mà chỉ vì tranh giành quyền lực cá nhân, quyền lợi kinh tế, kết bè kết đảng, xu thời mị thế, làm rối loạn tổ chức. Thiểu số thành viên thành tín trong tổ chức thì lại không có thế lực, không được xem trọng. Còn kẻ chủ trì tổ chức lại là những nhân vật do bè đảng đưa lên, đối với Phật pháp không tin không hiểu. Nếu có những đoàn thể Phật giáo tại gia thối nát như vậy, thì tương lai Phật giáo cũng chẳng có hy vọng gì! Cho nên, kiến lập Phật giáo tại gia, phải chú trọng đến những tổ chức Phật giáo tại gia vững mạnh (không phải làm chánh trị), đặt nền tảng vững chắc trên lòng tin chân chánh, kiến giải chân chánh, và hành vi chân chánh.

          Phật tử tại gia, bất luận là thuộc Tiểu thừa hay Đại thừa, đều có nghề nghiệp chánh đáng, trong tất cả mọi giai tầng xã hội. Đặc biệt là những nhân vật thuộc thành phần lãnh đạo trong Phật giáo Đại thừa, chẳng hạn như những vị đại thiện tri thức được thấy trong kinh Hoa Nghiêm, hoặc như cư sĩ Duy Ma Cật, tuy biểu hiện những thân phận khác nhau, là những phần tử trung kiên của Phật giáo trong xã hội, và đều cùng chung một mục đích duy nhất là phụng sự Phật pháp. Bởi vậy Phật giáo tại gia, trong các tổ chức Phật giáo cộng đồng, mỗi đơn vị phải tùy cương vị đặc thù của mình mà nỗ lực trong công cuộc hoằng hóa Phật pháp. Sự hiểu biết hành trì của của mỗi người, đều là đạo trường tu học Bồ tát hạnh. Tất cả những người có liên hệ với mình đều là đối tượng để mình nhiếp thọ giáo hóa, có như vậy mới có thể tịnh hóa thế gian, mới có thể lợi ích cho nhân loại. Những pháp sư giảng pháp chuyên nghiệp, hoặc những thành viên quản lý hành chánh giáo hội là thành phần thiểu số, cũng giống như trong đảng có nhân viên hành chánh và nhân viên tuyên truyền. Phát dương Phật giáo và chủ trì Phật giáo không thể nào chỉ là trách nhiệm của một số ít người, thế nhưng vai trò nhóm thiểu số này rất là quan trọng. Phải nên dùng tín (lòng tinh), nguyện (thệ nguyện), giải (sự hiểu biết Phật pháp), và hành (sự đóng góp phục vụ) làm tiêu chuẩn, và phải do đại chúng tuyển cử. Nếu như kiến lập Phật giáo tại gia, không nắm vững những nguyên tắc chủ yếu này, mà lại chỉ nhấn mạnh đến sự yếm ly (lìa bỏ cuộc đời) hoặc là nhấn mạnh đến sự thần bí (chẳng hạn như cầu cơ, lên đồng …) (thì đây là một sự bất hạnh). Về phương diện thực hành, không chịu thực thi những công tác từ thiện xã hội, mà lại chỉ chuyên môn cúng đám, cầu siêu, …, hoặc ngồi đàm luận chuyện xuông, thu nhận đệ tử, tranh giành cúng dường, nếu vậy thì điều này (phát huy Phật giáo tại gia) là điều không đáng bàn đến.

          Trọng tâm của Phật giáo tại gia là từ nhân thừa (tu ngũ giới thập thiện) mà xu hướng đến Bồ tát thừa (cầu thành Phật giải thoát), phải đem tư tưởng của Phật pháp ứng dụng vào tất cả mọi khía cạnh của đời sống hằng ngày. Tín đồ Phật giáo Nhật Bổn tham dự vào các công tác giáo dục, hội Ma Ha Bồ Đề của Tích Lan kiến lập trường học, y viện,  có thể coi đây là những khuôn mẫu cho sự thực thi của hàng Phật tử tại gia!

          Kiến lập Phật giáo tại gia, một mặt từ cá nhân đi lên, tiến đến việc Phật giáo hóa gia đình. Một mặt từ nền tảng của sự liên hệ của những kiến giải tương đồng, hạnh nguyện tương đồng mà tổ chức thành những đoàn thể Phật giáo, từ đó chấp hành các công tác hoằng pháp, giáo hóa, tu trì, từ thiện xã hội. Dùng đây làm mục tiêu để cùng nhau nỗ lực tiến bước, nếu được như vậy, tương lai Phật giáo sẽ được vô cùng xán lạn!

          Nói đến đây, trước tiên phải giải thích hai điều, để tránh đưa đến sự hiểu lầm.

          1/ Những người xuất gia khi nghe rằng những giáo đoàn Phật giáo tại gia sẽ chủ trì những công tác hoằng pháp giáo hóa … có lẽ sẽ vô cùng phản đối. “Bạch y (người tại gia) thuyết pháp, tỳ kheo ngồi bên dưới (để nghe), đây không phải là một hiện tượng mạt pháp hay sao? Nếu người tại gia bước ra đảm nhiệm vai trò chủ trì hoằng pháp thì người xuất gia phải làm việc gì? Nếu như tất cả trở thành Phật giáo tại gia, chả lẽ Tam bảo bị thiếu mất một bảo hay sao?” Điều này cần phải giải thích rõ ràng. Bạch y thuyết pháp, có thể nói đây là một hiện tượng mạt pháp. Thế nhưng không phải do vì người tại gia thuyết pháp mà trở thành mạt pháp, ngược lại, chính là vì Phật giáo xuất gia bị suy vi, cho nên mới có hiện tượng người tại gia thuyết pháp. Nếu như đoàn thể xuất gia đạo đức, học vấn vẹn toàn, đầy đủ công đức tu chứng, đệ tử bạch y (tại gia) làm quái gì mà dám hó hé, mơ tưởng đến việc hiện tướng chồn cáo trong hang sư tử. Do vì đạo đức học vấn của người xuất gia suy vi , cho nên các Phật tử tại gia chân thành mới đứng ra hổ trợ hoằng dương Phật pháp, hay tệ hơn nữa, những phần tử thiếu hiểu biết hoặc dốt nát về Phật pháp cũng dám thò đầu ra tác yêu tác quái. Đối với hạng dốt nát thiếu hiểu biết, giảng nói điên đảo thì hàng xuất gia đương nhiên cần phải đứng lên chỉnh đốn bọn họ, thế nhưng đối với hàng cư sĩ có chánh tín chánh kiến (hoằng dương Phật pháp) thì không nên phản đối, nếu như người xuất gia muốn phản đối thì trước tiên phải nên phản tỉnh chính mình. Tự mình không thể đứng ra phụ trách mà lại cự tuyệt những người có khả năng đến để thay thế mình, đây không phải là Phật pháp. Nói đến hàng tại gia chủ trì sự nghiệp giáo hóa, không có nghĩa tất cả đều để hàng tại gia lũng đoạn, chẳng lẽ người xuất gia không thể an nhiên hoằng dương giáo pháp của mình hay sao? Các vị linh mục, dì phước bên Thiên chúa giáo, là người xuất gia, có thể chủ trì giáo hội, tuyên giảng phúc âm, còn các vị mục sư bên Ky tô giáo (Tin lành), là người tại gia, cũng có thể chủ trì giáo hội. Hai bên không phải là cùng nhau phát huy đạo pháp của họ hay sao? Do đó hàng xuất gia không cần phải lo lắng gì cả! Giả như Phật giáo tại gia càng lúc càng phát triển, trong khi Phật giáo xuất gia càng lúc càng suy vi đến mức diệt vong, đây cũng chẳng có lý do nào khác, vấn đề là do người xuất gia đạo đức yếu kém, tự thân không thể thích ứng thời đại để phát dương Phật giáo. Nếu như hàng xuất gia tự thân hoàn thiện, thâm nhập Phật pháp để thích ứng chúng sinh, thì nhất định sẽ cùng với hàng ngũ tại gia cùng nhau tiến bộ, và hơn nữa, thỉ chung sẽ vẫn nắm vai trò lãnh đạo hàng ngũ Phật giáo.  Như vậy, đương nhiên sẽ không có vấn đề “không còn Tăng bảo”. Hơn nữa, giáo đoàn của Phật tử tại gia sẽ là Tại gia Bồ tát tăng. Đây không phải là sự tôn vinh cá nhân, mà là tập thể tu tập của hàng tại gia, đặt nền tảng trên lục hòa, cùng niềm tin, cùng kiến giải, cùng hạnh nguyện, là một tập thể Phật giáo sinh hoạt trong tinh thần dân chủ tự do.

          2/ Điểm thứ hai, nghe nói đến Phật giáo tại gia, Phật giáo hóa gia đình, mọi người thường liên tưởng đến Phật giáo Nhật Bổn. Có người nghỉ đến việc dùng Phật giáo Nhật Bổn làm mẫu mực, để phát dương Phật giáo tại gia, thế nhưng, nếu như muốn hợp với bổn ý của Phật để thích ứng với Phật giáo tại gia [Trung Quốc], quyết không thể y theo mẫu mực của Nhật Bổn. Thật sự mà nói, Phật giáo Nhật Bổn hiện đại, là từ Phật giáo xuất gia diễn biến trở thành Phật giáo tại gia, trong quá trình diễn tiến, đã đi ngược lại Phật pháp mà xu mị thế tục. Hình thức của Phật giáo Nhật Bổn không phải là Phật giáo hóa gia đình mà là gia đình hóa Phật giáo. Không phải là Phật giáo tại gia mà là Phật giáo xuất gia bị biến chất. Phật giáo hóa gia đình, là do người Phật tử tại gia, xúc tiến việc toàn thể gia đình học Phật, đây là thành phần đa số; còn cách thức biến chùa chiền thành gia đình riêng tư, đây là thành phần thiểu số. Đặc tính tiêu biểu của tăng đoàn là kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân, giới hòa đồng hành.  Các tùng lâm Trung Quốc cổ xưa, ít nhiều cũng có những mỹ đức này, còn như biến chùa chiền thành của riêng cho con cháu mình, đây là điều chúng ta hoàn toàn không tán thành. Chùa chiền ở Nhật Bổn, trừ một số ít tổ đình tông phái (bổn sơn), tất cả đều biến thành gia sản do cha con thừa kế. Tuy nói có sự liên hệ mật thiết giữa tổ đình và các chùa chi nhánh, các chùa chi nhánh phải nghĩa vụ đóng góp hộ trì tổ đình, nhưng trên thực tế, các vị trụ trì của các chùa chi nhánh đều chỉ lo phục vụ, lo lắng sinh kế của cho gia đình mình. Hơn nữa, Phật giáo là sự tín ngưỡng tự do chân chánh, thế nhưng do vì sự thừa kế gia đình, con ông trụ trì sẽ đương nhiên trở thành trụ trì, điều này cũng giống như các thầy tế của đạo Bà La Môn, hoặc như các đạo sĩ Trung Quốc, đâu có gì khác biệt! Hình thức gia đình hóa Phật giáo này, cha con thừa kế, thích ứng với chế độ phong kiến, thích hợp với xã hội với chế độ thừa kế gia nghiệp riêng tư. Phật giáo Nhật Bổn trong quá khứ đã từng có một thời vàng son hiển hách, thế nhưng nếu như không cải tiến chế độ tư hữu chùa chiền, đình trệ tại giai đoạn cố hữu hiện tại, e rằng Phật giáo Nhật Bổn sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn trong tương lai. Dĩ nhiên, Nhật Bổn có tinh thần dân tộc, và truyền thống riêng, họ sẽ biết tìm cách giải quyết vấn đề Phật giáo của chính họ, không cần chúng ta phải quan tâm. Thế nhưng ở Trung Quốc, đặc biệt trong giai đoạn đang trải qua sự khó khăn tái thiết quốc gia, chúng ta phải nên suy ngẫm sâu xa, không nên bắt chước người khác một cách mù quáng.

          Tại sao nói Phật giáo Nhật Bổn là Phật giáo xuất gia biến chất? Bởi vì bọn họ vốn là người xuất gia, đã từ bỏ sinh hoạt xuất gia, trở về đời sống gia đình thế tục, tham luyến vợ con, của cải. Thế nhưng họ lại không hoàn toàn đóng vai trò như một người tại gia, nhân vì tham luyến xả không được tài sản của chùa chiền, không thể bỏ nguồn tài chánh thu thập do hương hỏa, cúng kiến, mà cũng không chịu từ bỏ biểu hiệu của người xuất gia là tấm áo cà sa. Vì lý do này nên gọi họ là Phật giáo xuất gia biến chất, không phải là Phật giáo tại gia đúng nghĩa. Nếu đã gọi là giáo đoàn Phật giáo, thì bất luận là tại gia hay xuất gia, đạo trường, kinh tượng, pháp vật, tài sản, đều phải là của chung của giáo đoàn, còn vị chủ trì phải là người phát tâm hộ trì Tam bảo, có chánh tín, chánh nguyện, chánh hạnh, chánh tinh tiến, và được đại chúng tuyển cử. Giáo đoàn phải đứng ra lo lắng giải quyết vấn đề sinh kế cho những nhân viên phục vụ và những người truyền giáo, và hơn nữa, nguồn lợi kinh tế của những vị này phải phân khai, không lẫn lộn với tài sản của giáo đoàn.

          Tương lai của Phật giáo, chúng tôi vô cùng hy vọng là sẽ nương nhờ vào sự phát triển của Phật giáo tại gia! Thế nhưng, cũng hy vọng rằng họ sẽ là những giáo đoàn dân chủ, tôn trọng quyền lợi chung, chứ không phải là sự tích tụ tài sản riêng tư của một thiểu số nào đó!


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage