Phật Học Online

Luận giải kinh Chí Biên

Luận giải về Kinh này, chúng tôi chỉ trình bày vắn tắt bao gồm trong hai phần: Tóm lược nội dung Kinh và luận giải.

I. Tóm lược nội dung Kinh.

Thế Tôn đang du hoá tại Xá-vệ, lưu trú tại vườn của ông Cấp-cô-độc. Bấy giờ, đến thời thuyết pháp, Thế Tôn dạy pháp thoại này.

Thế Tôn hỏi các Tỷ-kheo rằng, phải chăng các thầy vì nhàm tởm, ghê sợ sự sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu não; vì muốn đoạn tận nỗi khổ đau lớn lao ấy; và vì muốn đạt được cứu cánh giải thoát mà xuất gia học Đạo, để chấp nhận sự nuôi sống bằng cách đi ăn xin (khất thực), cách nuôi sống thấp hèn nhất của xã hội, mà mọi người đàm tiếu rằng: “Đầu trọc, tay ôm bình bát bước đi!” - Các Tỷ-kheo trả lời: “Thật sự như vậy. Bạch Thế Tôn!”

Thế Tôn bảo rằng, có những người khi mới xuất gia với tâm niệm như thế; nhưng rồi, họ lại chìm đắm tận cùng trong tham dục. Tâm niệm của họ đầy ô-nhiễm, như thù hận, bất tín, lười biếng, thất niệm, tà định, tà kiến, cuồng tâm, các căn rối loạn; nói chung là không tinh tấn tu tập hạnh Sa-môn.
Cách sống của họ giống như cách tẩy: “Vật dính mực bằng mực, vật dính máu bằng máu..., vật dính phẩn bằng phẩn”, chỉ tăng thêm sự dơ bẩn mà thôi. Cách sống đó cũng tợ như đống tro tàn của xác người được thiêu đốt trong rừng vắng, chẳng ích lợi gì cả. Và, đó là cách sống bỏ chỗ tối tăm, mịt-mù đi vào chỗ mịt-mù, tối tăm hơn nữa.

Thế Tôn kết luận:
“Người ngu muội hỏng đời dục lạc,
Và hư luôn cứu cánh Sa-môn,
Đạo và Tục cả hai đều mất.
............................................”
Được nghe Thế Tôn dạy, các Tỷ-kheo hoan hỷ phụng hành.

II. Luận giải.

Qua nội dung của Kinh, chúng ta nhận ra rằng, đức Thế Tôn đã xác minh năm điểm như sau:

1) Lý do xuất gia chân chánh.

Đức Thế Tôn dạy rằng, lý do xuất gia chân chánh phải được phát xuất từ tâm-ý nhàm tởm, ghê sợ sự sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.

Qua ý nghĩa câu trên, chúng ta có thể hiểu một cách khác, là nhàm tởm, ghê sợ sự có mặt của mình theo dòng sanh tử khổ đau trong Tam giới; hay nhàm tởm, ghê sợ hết thảy các pháp hữu vi, hữu lậu.

Người có được lý do chân chánh trước và khi xuất gia, là người có Chánh kiến về lý do xuất gia. Đây chỉ là Chánh kiến sơ khởi cho quá trình xuất gia, nhưng đóng một vai trò rất quan trọng, là hướng đạo những bước tu tập kế tiếp khỏi lệch hướng. Tức là, nhờ Chánh kiến này, mà người xuất gia kham nhẫn, hoan hỷ đón nhận đời sống mà về vật chất lẫn tư tưởng hoàn toàn trái ngược với đời sống người thế tục; đó là đời sống thiểu dục tri túc, ly dục, hay đời sống yểm ly thế gian, xuất thế gian. Và nhờ vậy mà đạt được mục đích của sự xuất gia.

Với ý nghĩa này cho chúng ta một cái nhìn đúng Pháp; đó là, bất cứ vị xuất gia nào mà không có cuộc sống thiểu dục tri túc, ly dục..., tức là, không có cuộc sống giản đơn, đạm bạc và hành trì Oai nghi, Giới luật... thì chính vị xuất gia đó chưa có Chánh kiến về lý do xuất gia của mình.

2) Mục đích xuất gia chân chánh.

Theo đức Thế Tôn, mục đích xuất gia có hai điểm:

Thứ nhất, là vì muốn đoạn tận nỗi khổ đau lớn lao.

Nỗi khổ đau lớn lao ấy chính là nỗi khổ đau bị sanh tử luân hồi triền miên trong Tam giới. Để đoạn tận, nhờ có Chánh kiến mà người xuất gia thấy rõ nguyên nhân chủ yếu của nỗi khổ đau chính là tham ái, hay nói đủ là tham-sân-si. Qua nhận diện đích xác này, hành giả tinh tấn vận dụng Chánh pháp xuất thế Giới-Định-Tuệ biểu hiện qua ba nghiệp của mình với năng lực từ hữu lậu đến vô lậu để chế ngự, rồi đoạn tận từ thô đến tế tà pháp thế gian Tam độc đó. Tam độc được đoạn tận hoàn toàn chính là nỗi khổ đau lớn lao được đoạn tận vậy.

Thứ hai, là vì muốn đạt được cứu cánh giải thoát.

Cứu cánh giải thoát chính là đạt quả vị Đại A-la-hán (theo hệ Thanh-văn) hay Phật-đà (theo hệ Bồ-tát). Thời điểm người xuất gia đạt cứu cánh giải thoát, chính là thời điểm thành tựu viên mãn Giới-Định-Tuệ vô lậu, cũng là thời điểm đoạn tận hoàn toàn tham-sân-si, tức thời điểm: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa” (Khế Kinh).

Mục đích xuất gia được đức Thế Tôn phương tiện chia thành hai điểm như trên. Trong đó, một điểm thuộc “Hành”, điểm còn lại thuộc “Quả”. Tuy vậy, ý thú của Ngài là dạy chúng ta phải hiểu chỉ có một mục đích mà thôi. Bởi lẽ, “nhân quả đồng thời”, thực hiện sự đoạn tận khổ đau (Hành) chính là thực hiện sự chứng đạt cứu cánh giải thoát (Quả).

Qua ý nghĩa của mục đích xuất gia vừa đề cập trên, cho chúng ta một nhận xét đứng đắn về mình và đạo bạn. Nếu ai trong chúng ta (những người xuất gia) qua cuộc sống hằng ngày mà không tu tập Giới-Định-Tuệ (tối thiểu là Giới) thì đó là một bảo chứng cụ thể xác minh rằng, vị ấy không có Chánh kiến về mục đích lẫn lý do xuất gia. Và, kết quả sự có mặt của vị ấy trong hàng ngũ xuất gia sẽ như thế nào, thì bất cứ ai cũng biết rõ rồi.

3) Cách nuôi sống chân chính.

Đức Thế Tôn dạy rằng, cách nuôi sống chân chính của người xuất gia, đó là đi ăn xin (khất thực).

Cách nuôi sống chân chính tối thiểu của người xuất gia nói đủ thì gồm có bốn thứ, gọi là “Hành tứ y” (bốn thứ y cứ để hành động). Đó là, về ăn thì đi khất thực, về mặc thì mặc y phấn tảo, về ngủ thì ngủ dưới gốc cây và về thuốc thì dùng thuốc hủ lạn. Đây là cách nuôi sống thân thể vật lý trong tinh thần thiểu dục tri túc nghiêm minh nhất, cao đẹp nhất, và đã được đa phần hàng xuất gia áp dụng triệt để vào thời đức Thế Tôn tại thế và thời Chánh pháp.

Với cách nuôi sống này, người xuất gia mới có đủ tâm ý và thời giờ nhằm thực hiện mục đích xuất gia chân chánh của mình, để kết quả mục đích ấy sẽ hiện hữu ngay trong đời này. Như vào thời đức Thế Tôn và thời Chánh pháp, hầu hết các vị xuất gia đều chứng quả vị cao, mà nhiều nhất là quả vị A-la-hán.

Ngày nay, cách nuôi sống này khó tìm thấy trong hàng ngũ xuất gia. Hoạ hoằn, có một thiểu số với cách sống về ăn, mặc, ở, và phương tiện sinh hoạt khá khiêm tốn, đơn giản là đã cao đẹp lắm rồi. Như thế, khi đã không có Chánh kiến về cách nuôi sống; hẳn nhiên, Chánh kiến về lý do và mục đích xuất gia cũng không thể có được.

4) Hiện tượng đánh mất Chánh kiến.

Đức Thế Tôn dạy rằng, trong những người có Chánh kiến khi mới xuất gia, nhưng sau đó lại có một thiểu số đánh mất Chánh kiến ấy, để chìm đắm vào cuộc sống thế tục.

Sự kiện này đã xảy ra vào thời đức Thế Tôn còn tại thế. Thời đó, hầu hết những vị khi xuất gia đều có Chánh kiến vững mạnh; dù vậy, sau đó cũng có một số thối thất Chánh kiến của mình, rồi chìm đắm trong tham dục, tâm niệm đầy ô-uế, các căn bị rối loạn; chẳng tu tập được gì về hạnh nguyện của một người xuất gia. Sở dĩ có hiện tượng này, một phần là do Chánh kiến của các vị ấy chưa kiên cố, một phần là sau khi xuất gia các vị ấy thiếu năng lực tỉnh giác để duy trì và phát triển Chánh kiến đó, cọng với sự dẫn dắt của nghiệp xấu quá khứ. Trường hợp này, tiêu biểu như Tỷ-kheo Arittha, lục quần Tỷ-kheo hay lục quần Tỷ-kheo ni...

Ngày nay, đa phần người mới xuất gia hầu như hiếm có Chánh kiến, và trong nhóm thiểu số có được Chánh kiến, nhưng sau khi xuất gia lại đánh mất cũng chiếm tỷ lệ cao hơn. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu làm cho Phật pháp vốn đang suy yếu lại càng suy mạt nhanh hơn. Điều này, chúng ta hãy nhìn kỹ vào sự sinh hoạt hàng ngày của mỗi Tăng, Ni hiện tại, thì quá rõ ràng.

5) Hậu quả của cuộc sống tà đạo.

Đức Thế Tôn dạy rằng, người xuất gia tà kiến sẽ dẫn đến cuộc sống tà đạo, tức là cuộc sống bỏ chỗ tối tăm, mịt-mù đi vào chỗ mịt-mù, tối tăm hơn nữa. Và, chẳng có kết quả tốt đẹp gì về mặt Đạo cũng như mặt Đời.

Vì sao người xuất gia có cuộc sống tà đạo là bỏ chỗ tối tăm, mịt-mù đi vào chỗ mịt-mù, tối tăm hơn nữa? - Điều này thì trong chúng ta ai cũng hiểu rõ. Như đức Thế Tôn đã dạy về lý do xuất gia chân chánh ở trên, đó là lý do vì nhàm tởm, ghê sợ hết thảy mọi sinh hoạt mang tính chất ô-uế, tối tăm, mịt-mù của thế tục, để đi vào đời sống trong sáng, thánh thiện, xuất thế tục gia. Nhưng khi chính thức sống trong môi trường xuất gia, vị ấy vẫn tiếp diễn cuộc sống theo nội dung thế tục; tức là, tâm ý vị ấy vốn đang chất chứa những chủng tử ô-uế, tối tăm... nay lại huân tập những chủng tử tối tăm, ô-uế thêm nữa, để tương lai càng mịt-mù, đen tối gấp bội.

Bởi thế,

- Về mặt Đạo: Một người xuất gia là đang sống với Đạo, nhưng người ấy không tu tập về nội dung của Đạo, mà lại sống theo hướng thế tục, thì kết quả tốt đẹp về mặt Đạo không có gì là việc đương nhiên.

- Về mặt Đời: Người xuất gia thì không còn sống trong phạm vi thế tục, nên những việc làm hiền thiện như chăm sóc cha mẹ, ông bà; góp công sức xây dựng xóm làng, xứ sở... không có cơ hội thực hiện. Như thế, người xuất gia đã không gieo nhân tốt ở thế gian thì làm sao có kết quả tốt đẹp ở mặt Đời được!
Với nội dung điểm này, nếu ai trong chúng ta không muốn “trên dinh cũng hỏng, dưới làng cũng không”, thì hãy tinh tấn sống đúng bổn phận và danh xưng của mình.

Tóm lại, qua năm điểm mà đức Thế Tôn đã từ bi chỉ dạy cho hàng đệ tử xuất gia trong kinh Chí Biên, là những Tu sĩ, chúng ta cần tiếp nhận sâu sắc, tư duy đứng đắn, rồi đối chiếu với sự tu tập của mình, nhằm điều chỉnh và phát huy cách sống của tự thân khế hợp với Pháp, Luật đã lãnh thọ và danh xưng đang sử dụng. Có như vậy mới khỏi rơi vào hiện tình: “... lời nói, việc làm trống rỗng, sơ suất; hưởng thọ phẩm vật của tín đồ một cách vô bổ; đường đi năm cũ chẳng đổi thay một bước, một tấc; quờ quạng suốt đời thì lấy gì để cậy nhờ, nương tựa!”(Văn Cảnh Sách của thiền sư Đại Viên).

Rất mong!

HT. Thích Giác Quả
http://www.thuvienhoasen.org


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage