Phật Học Online

Giải pháp Phật giáo cho vấn đề suy đồi đạo đức

Khóa tu trong dịp đầu Xuân tại chùa Dhammakaya, Thái Lan


Suy đồi đạo đức và nguyên nhân

Một thực tế không thể phủ nhận trong bối cảnh xã hội hiện nay là hiện trạng suy giảm những chuẩn mực đạo đức căn bản. Các kênh truyền thông đã đầy ắp thông tin về những tình trạng: tham nhũng, mua chức bán quyền, đạo đức y tế xuống cấp, đạo đức giáo dục băng hoại, đạo đức kinh doanh thiếu vắng, thái độ cửa quyền trong các tổ chức, hành xử thô bạo giữa người với người, bạo lực học đường, các giá trị thiêng liêng bị xâm hại, và các mối quan hệ xã hội không được tôn trọng,…

Và đâu là nguyên nhân đưa đến sự suy thoái đạo đức trong đời sống cộng đồng hiện nay? Có nhiều ý kiến đưa ra cho vấn đề này: Hậu quả của chính sách giáo dục xem nhẹ đạo đức; các văn hóa ứng xử truyền thống đã không được coi trọng và tiếp nối trong một thời gian dài; xã hội chưa tạo ra được một nền tảng đạo đức văn hóa vững vàng, cân bằng với sự phát triển kinh tế, dẫn đến một đời sống hưởng thụ, ích kỷ; kỷ cương và giáo dục gia đình không được chú trọng; ảnh hưởng sâu nặng lối sống tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân của phương Tây;…

Nhìn từ Phật giáo, vấn đề suy đồi đạo đức hiện nay có thể tập trung vào những nguyên nhân sau: Con người đang dần đánh mất tính hổ thẹn, không tin nhân quả, thiếu lòng từ bi, chấp ngã quá sâu nặng, và thiếu chánh niệm. Những yếu tố này thường đan xen với nhau, và khi cùng nhau sinh khởi thì đưa đến một sự suy thoái đạo đức mang tính tổng thể.

Hổ thẹn, thuật ngữ Phật học là "tàm quý", một tâm thiện trong tâm lý học Phật giáo, là yếu tố không thể thiếu trong việc hoàn thiện nhân cách đạo đức và phát triển đời sống tâm linh. Tâm thiện này, theo Phật giáo, cần được nuôi dưỡng và phát triển một cách liên tục từ lúc còn ấu thơ cho đến khi trưởng thành và thậm chí đến tận cuối đời. Không biết hổ thẹn về những lỗi lầm và khuyết điểm của mình, chúng ta không thể tiến bộ được trong việc phát triển nhân cách cũng như trong con đường tu tập. Có hổ thẹn thì mới có thể sám hối những lỗi lầm cũ và cố gắng không tạo nên những lầm lỗi mới.

Xã hội hiện nay dường như có quá nhiều người không còn biết hổ thẹn. Người ta xả rác bừa bãi hết lần này đến lần khác, bởi vì họ không còn biết hổ thẹn với những việc làm đó. Người ta vặt hoa bẻ cành công khai bởi vì không còn biết hổ thẹn với những người xung quanh. Người ta lớn tiếng và hành xử thô lỗ ở nơi công cộng do vì không biết hổ thẹn với những hành vi gây phiền hà cho người khác. Tham nhũng, dối gạt, cửa quyền cũng đều do không biết hổ thẹn mà ra. Không biết hổ thẹn, có thể vì do không được giáo dục rằng, phải biết xấu hổ về những việc làm sai trái, nhưng cũng có thể đó là thái độ trơ lì với những việc làm được lặp đi lặp lại đến mức trở thành thói quen ngay nơi bản thân và ở những người xung quanh.

Tham nhũng có thể vì do không biết hổ thẹn, cũng có thể biết hổ thẹn nhưng lại do không tin nhân quả; không nghĩ rằng mình phải trả giá cho chính hành vi trộm cắp (tham nhũng) của mình, dù qua mặt được pháp luật. Bất hiếu vì không biết hổ thẹn, vì thiếu tình thương, nhưng cũng vì thiếu niềm tin vào luật nhân quả. Hành xử thô bạo nơi cửa chùa, bày bán đầy dẫy thịt muông thú ngay trong cửa chùa (ở một số điểm du lịch) bởi vì không biết xấu hổ, không hề nghĩ rằng những việc làm như vậy là xúc phạm đến những giá trị truyền thống thiêng liêng, nhưng đúng hơn hết là bất chấp luật nhân quả, không nghĩ rằng những việc làm như vậy sẽ tạo nên những tổn hại phước đức,… Nói tóm lại, nếu tin nhân quả, người ta sẽ không làm những việc xấu ác, và sẽ không có thái độ che đậy hành vi phi đạo đức của mình nhằm qua mặt sự kiểm soát của xã hội.

Tranh giành, chen lấn, thiếu nhường nhịn, thiếu tử tế trong lối hành xử của nhiều người hiện nay là những biểu hiện của thói ích kỷ, một khía cạnh của sự chấp ngã. Ai cũng chỉ biết đến mình, gia đình mình mà không hề hay biết gì đến những người xung quanh, dẫn đến hành vi coi nhẹ và bất chấp lợi ích và hạnh phúc của người khác. Hình như ít ai nghĩ rằng, trong mắt xích nhân quả, làm hại người cũng là đang làm hại mình.

Bạo lực học đường, tình trạng tội phạm gia tăng, những kiểu đánh đập và giết người vô cớ,… là những biểu hiện của tâm thức sân hận, thiếu từ bi, thiếu chánh niệm. Tình trạng phóng xe lạng lách, ẩu đả, bất chấp mạng sống của người đi đường cũng là biểu hiện của những tâm thức xấu ác này. Xã hội hiện nay có quá nhiều người mang tâm thức sân hận; và cũng có quá nhiều yếu tố làm tăng thêm tâm sân hận. Vũ trường, quán rượu được mở ra một cách dễ dàng và càng lúc càng nhiều, trong khi những nơi chốn đào luyện tinh thần và tâm thức lại không được phát triển tương xứng. Thật khó có thể hy vọng ở một người nghiêng ngả với thuốc lắc và rượu mạnh trong các vũ trường thâu đêm sẽ có được lời nói và hành xử tốt vào ngày hôm sau.

Thử tìm giải pháp từ Phật giáo

Phật giáo có những nguyên tắc đạo đức có thể giúp chuyển đổi con người và xã hội. Năm giới căn bản, mười điều thiện, tám con đường chân chính,… là những chuẩn mực sống, những nguyên tắc có thể được áp dụng cho cá nhân và cộng đồng, để chuyển đổi cá nhân và cộng đồng theo chiều hướng tốt. Nhưng ở đây, tôi không đi vào thảo luận về những nguyên tắc tu tập này, mà chỉ đề cập đến một vài khía cạnh Phật học khác mà theo tôi có thể được xem như là một giải pháp có thể ứng dụng cho việc giải quyết sự xuống dốc đạo đức của xã hội hiện nay.

Như đã nói ở trên, những nguyên nhân khiến chúng ta đánh mất đi sự tử tế trong ứng xử và sự suy thoái đạo đức là do không biết hổ thẹn, không tin nhân quả, thiếu lòng từ bi, chấp ngã và thiếu chánh niệm. Như vậy, giải pháp của Phật giáo được đặt ra ở đây là cần phát triển năm đặc tính: thái độ biết hổ thẹn, niềm tin nhân quả, lòng từ bi, tâm vô ngã và chánh niệm ở nơi mỗi người và trong cộng đồng. Mỗi người và cộng đồng cần được khuyến khích thực hành những điều này.

Lòng từ bi là mong muốn tất cả chúng sanh không còn đau khổ, và xa hơn là giúp đỡ họ vơi bớt những khổ đau. Lòng từ bi là một liệu pháp cho sự sân hận và ích kỷ đang hiện diện tràn lan trong xã hội hiện nay. Sân hận trong Phật giáo được hiểu bao gồm nhiều phương diện: ác tâm, giận dữ, ganh ghét, thù hận và sợ hãi. Và cũng chính từ đây nó dẫn đến những hành động gây khổ đau, bạo lực và hành xử hung bạo. Nhưng lòng từ bi chỉ thật sự có mặt khi sự chấp ngã được giảm thiểu. Nói cách khác, nếu sự chấp ngã còn quá sâu nặng, lòng từ bi thật sự khó được phát triển. Và có lòng từ bi thật sự, chúng ta mới không có những việc làm hại mình hại người.

Đức Phật dạy rằng, một việc làm được coi là thiện khi việc làm đó phải lợi mình lợi người. Và không chỉ ở nơi việc làm, ngay ở nơi ý nghĩ cũng không được phép khởi lên ác ý, muốn làm hại người khác: "Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai, có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới. Như vậy, này Tỳ kheo, là bậc Hiền trí, Ðại tuệ" (Kinh Tăng Chi Bộ IV, số 186).

Thường thì chánh niệm được xem như một nguyên tắc tu tập để đạt đến sự định tâm, là một pháp môn thiền tập. Nhưng thực hành chánh niệm cũng là đang thực hành đạo đức, nếu nhìn từ giáo lý Tam vô lậu học. Trong đời sống thực tế, để có được từ bi và thái độ sống vô ngã rất cần đến yếu tố chánh niệm. Có chánh niệm, chúng ta mới sáng suốt nhìn rõ những gì đang xảy ra trong tâm mình và xung quanh mình.

Khi chánh niệm không được thực tập, chúng ta không thể nhìn thấy được bản chất thực của các tư tưởng và cảm thọ. Khi quán chiếu gốc rễ và thấy được được bản chất thật của tri giác và cảm thọ, chúng ta sẽ thấy được tính vô thường, duyên sinh của hết thảy hiện tượng. Và cũng từ đây, chúng ta thấy được bản chất thật của cuộc đời và thân phận con người. Biết rõ hơn về bản thân là thấu hiểu rõ hơn về người khác. Có chánh niệm mới quán chiếu được tính vô ngã của con người. Thấy vô ngã không phải để thấy mình không còn gì, mà để nhận thấy rằng mình và người không hai. Khổ đau của người khác cũng là khổ đau của mình: "Bằng việc bảo vệ mình, chúng ta bảo vệ người khác; bằng việc bảo vệ người khác, chúng ta bảo vệ chính mình" (Kinh Tương Ưng 47, Satipatthana Samy, số 19).

Trong Phật giáo, lòng từ bi được xem như là một phẩm hạnh đạo đức; nhưng chánh niệm cũng có thể được xem như là một phẩm hạnh đạo đức. Việc cố ý gây khổ cho kẻ khác hẳn là do vì thiếu tình thương. Nhưng gây khổ cho người khác cũng vì không có chánh niệm. Xã hội hiện nay dường như có quá nhiều người đang thiếu "chánh niệm", không làm chủ được bản thân và dẫn đến làm khổ người khác.

Việc đào luyện tâm thức, từ bỏ những trạng thái tâm bất thiện và việc chuyển đổi những điều chưa tốt trong xã hội là một quy trình tương tác nội tại, biện chứng. Theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa, mỗi người tìm kiếm sự giải thoát cho bản thân mình qua việc phụng sự người khác, và như vậy sự giải thoát của cá nhân không tách rời khỏi sự giải thoát của tất cả chúng sanh. Đạt đến Phật quả không chỉ là một tiến trình chuyển đổi cá nhân mà còn là một sự chuyển đổi xã hội. Một người thực hành những pháp môn tu tập là đang bước trên con đường thánh đạo tìm đến Phật quả, nhưng chính sự tu tập của vị ấy cũng trao tặng cho cuộc đời những giá trị đạo đức tốt đẹp, thiện lành.

Một xã hội tốt

Một xã hội tốt là xã hội nơi đó những yếu tố văn hóa và đạo đức được đề cao và tôn trọng. Phật giáo rõ ràng cung cấp cho xã hội những chuẩn mực đạo đức và có khả năng hướng con người đến những điều cao thượng. Chấp nhận Phật giáo và những giá trị đạo đức của Phật giáo là điều cần thiết trong việc cân bằng xã hội hiện nay.

Một xã hội tốt, theo Phật giáo, là phải giảm thiểu những yếu tố khổ đau cả về thể xác lẫn tinh thần, là xã hội mà những công dân được khuyến khích phát triển trí tuệ, nhận ra bản chất thực của con người và cuộc đời để vượt qua những nghiệp chướng cá nhân và xã hội. Phật giáo cung cấp cho xã hội những giá trị như từ bi, bình đẳng, bao dung, sự tương ái và tinh thần trách nhiệm. Những giá trị này giúp chuyển đổi cá nhân và xã hội theo chiều hướng tích cực.

Theo Đức Đạt-lai Lạt-ma, trách nhiệm phổ quát và một tấm lòng tốt là hai nguyên tắc căn bản giúp xây dựng một xã hội tốt. Có lòng từ bi, những cá nhân trong cộng đồng sẽ có những hành xử tử tế với nhau, biết giúp đỡ và thương yêu lẫn nhau. Với trách nhiệm phổ quát, mọi người sẽ không sa đà vào vấn đề đổ lỗi, và gây lỗi. Bất kỳ vấn đề chưa tốt nào của xã hội, mọi người cần thấy trách nhiệm và bổn phận của mình trong đó. Nhưng hẳn nhiên những người lãnh đạo phải có trách nhiệm lớn hơn.

Đức Phật dạy rằng, nếu những người lãnh đạo muốn dân chúng của họ hòa hợp, tạo nên một xã hội tốt, thì trước hết họ phải là một người tốt, chân thật và tạo được niềm tin nơi quần chúng. Một người lãnh đạo, ngoài tài năng, có lòng từ bi và có ý thức trách nhiệm, thì niềm tin của người dân đối với họ sẽ tăng trưởng. Lời khuyên của Ngài rất đơn giản: "Hãy làm một tấm gương về tính giản dị, không sống trong sự xa hoa, bởi vì nó sẽ tạo ra một rào cản giữa người cai trị và người bị trị. Những người lãnh đạo không thể có được sự tin tưởng và sự kính trọng của người dân nếu vị ấy không phải là một tấm gương tốt".

Sự hiện diện của tôn giáo trong xã hội là điều cần thiết theo quan điểm của Đức Phật về việc tạo ra một xã hội tốt. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, khi nói đến những nguyên tắc mà một xã hội cần trong việc duy trì sự ổn định của nó, Ngài có đề cập đến sự hiện diện thường xuyên của các Tăng sĩ ở trong cộng đồng, xem như một yếu tố không thể thiếu. Sự hiện diện của tôn giáo trong cộng đồng, theo quan điểm Phật giáo, góp phần tạo nên sự cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần.

Tuy nhiên, những Tăng sĩ hiện diện ở trong cộng đồng phải đảm nhiệm được chức năng chính của mình là đem lại cho dân chúng một đời sống đạo đức thiện lành và một đời sống tâm linh vững chãi. Thời Đức Phật, Tăng chúng với những quy định nghiêm ngặt dành cho họ, không hưởng thụ quá nhiều vật chất đến mức làm tổn hại đời sống của quần chúng, không tạo nên sự khó khăn cho dân chúng về mặt kinh tế. Trong kinhPháp Cú, Đức Phật khuyên các Tỳ kheo khi đi khất thực chỉ nên như một con ong hút mật hoa, không làm tổn hại bông hoa đó. Và hẳn nhiên, một vị Tăng sẽ không nhận được sự hỗ trợ và cúng dường của dân chúng nếu vị ấy vi phạm những chuẩn mực đạo đức dành cho mình.

Những giá trị đạo đức phải luôn được nuôi dưỡng và phát triển suốt theo cuộc đời của một con người. Sự hiện diện thường xuyên của tôn giáo trong một cộng đồng giúp duy trì những giá trị tâm linh và chuẩn mực đạo đức một cách liên tục trong cộng đồng đó. Người Phật tử học Nhân quả, Ngũ giới, Thập thiện, Bát chánh đạo, Lục độ ba-la-mật,… không phải chỉ một lần. Những chuẩn mực sống và tu tập này được lặp đi lặp lại mỗi ngày, trở thành một thứ hành trang, một lẽ sống không tách rời khỏi họ.

Đề cao một tôn giáo và giải pháp của nó cho những vấn đề xã hội không phải để cổ vũ mọi người nên theo hệ thống tín ngưỡng đó. Mà là, chúng ta không thể bỏ qua những giải pháp của một tôn giáo đối với những vấn đề xã hội khi những biện pháp xã hội không thể giải quyết rốt ráo được những vấn đề khủng hoảng đạo đức của xã hội đó. Dù tin hay không tin Phật giáo, chúng ta không nên từ chối những phương pháp chuyển đổi con người mà chúng có mặt trong hệ thống giáo lý vô cùng phong phú này.

Một xã hội chỉ trở nên tốt đẹp khi có nhiều cá thể sống hướng thượng; một cộng đồng chỉ có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực khi những cá nhân có sự thay đổi tích cực. Cải cách xã hội mà không có sự chuyển đổi cá nhân thì khó hy vọng đem lại sự tốt đẹp đích thực. Nói cách khác, phát triển đạo đức không chỉ là phát triển một tập hợp các quy phạm kiểm soát từ bên ngoài, mà trước hết cần phát triển sự nhận thức đạo đức và đào luyện tâm thức nơi mỗi con người. Đức Phật dạy rằng cuộc đời không thể được cải đổi nếu tâm người không được cải đổi. Đạo đức là nền tảng, là xương sống của một xã hội, do đó những giá trị đạo đức của tôn giáo cần phải được nhìn nhận để phát triển đúng mức trong việc phát triển một xã hội thịnh vượng.

Nghiệp Đức

Theo GNO


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage