Phật Học Online

Thắp sáng tinh thần tri ân, báo ân ở Trường Sa
Kim Oanh

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và tinh thần tri ân, báo ân của Đạo Phật, sáng 28-4, tại Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đã diễn ra Lễ tưởng niệm anh linh liệt sĩ và đồng bào trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo.


Cùng với các nghi thức trọng thể của Lễ tưởng niệm do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Hải quân và Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp tổ chức, các nghi lễ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) chủ trì như hô thần nhập tượng, lễ bắc cầu, lễ cầu siêu cũng đã diễn ra trong dịp này.

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ, Quỹ Hỗ trợ và vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó chính ủy Bộ tư lệnh Hải quân, các nhà tài trợ như Doanh nghiệp Xuân Trường, Công ty Cổ phần chuyển phát nhanh bưu điện EMS thuộc tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam cùng đông đảo tăng ni phật tử của GHPGVN.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn trao số tiền của Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tới cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, chuyến thăm huyện đảo Trường Sa của đoàn công tác số 7 diễn ra đúng thời điểm đất nước nô nức kỉ niệm 35 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 55 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam. “Được có mặt bên cột mốc thiêng liêng, chủ quyền của dân tộc, chúng ta càng thấy tự hào về đất nước, dân tộc và bao thế hệ người Việt Nam đã từng có mặt tại đây, vượt qua mọi thử thách khốc liệt của thiên nhiên, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ sự bình yên và toàn vẹn biển đảo của Tổ quốc trước mọi nguy cơ có thể xảy ra”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ.

Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hồi sinh, đang phát triển và vươn rộng ra tầm cao thế giới trong thời kỳ hội nhập, trong đó có GHPGVN ngày càng phát triển ổn định trang nghiêm trong lòng dân tộc. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội đồng trị sự GHPGVN bày tỏ: “Khi chiến tranh khép lại thì đời sống tâm linh của những người còn sống luôn xót xa khi nhớ về những kỷ niệm thiêng liêng của những người thân, đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi huyện đảo xa xôi, dưới đáy bể cả bốn bề trùng dương sóng vỗ”.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và tinh thần tri ân, báo ân của Đạo Phật là nguyên lý đạo đức muôn đời, là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đạo Phật Việt Nam. Chuyến thăm Trường Sa lần này của GHPGVN mang theo tâm nguyện của hàng triệu tăng ni phật tử trên khắp cả nước và 4 triệu kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài. Chuyến thăm còn có ý nghĩa hơn khi Giáo hội đã thực hiện được tâm nguyện bấy lâu nay. Đó là làm lễ tưởng niệm và cầu siêu cho anh linh liệt sĩ, đồng bào tử nạn trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo.

Nhân chuyến công tác thăm đảo Trường Sa Lớn lần này, đoàn công tác đã trao tặng UBND huyện đảo Trường Sa những món quà là tình cảm của quân dân, tăng ni phật tử trên đất liền cũng như của đông đảo kiều bào Việt Nam đang ở xa Tổ quốc. GHPGVN đã trao tặng UBND huyện số tiền 100 triệu đồng cùng nhiều quà tặng giá trị khác.

Thay mặt 4 triệu bà con kiều bào Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã trao số tiền gồm 21.882 USD, 10.230 HKD, 1960 bảng Anh là số tiền mà bà con kiều bào ở nước ngoài gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.

Dâng hương tại Lễ tưởng niệm

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết, trong những năm qua, cùng với việc thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ đối ngoại, Bộ Ngoại giao đã phát động nhiều cuộc vận động sâu rộng ở trong và ngoài nước về biển đảo Việt Nam, mang lại nhiều kết quả đáng kể, tạo được sự chia sẻ, ủng hộ mạnh mẽ không chỉ của công chức, viên chức ngoại giao Việt Nam mà còn của các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các vùng biển đảo…

Chia sẻ cảm xúc khi dự lễ tưởng niệm, một người dân trên đảo cho biết, ông rất cảm động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với huyện đảo Trường Sa, không chỉ trong cuộc sống đời thường mà cả trong đời sống tâm linh của nhân dân trên đảo. “Lễ tưởng niệm đã làm thỏa lòng mong muốn của chúng tôi từ lâu. Cuộc sống ở đây chính là ước mơ của chúng tôi”, ông bày tỏ.

 

Theo: Quân đội Nhân dân


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage