Phật Học Online

Vượt trên bạo bệnh: Triết lý của sư Từ Nhẫn
Tấn Khôi

Ni sư Từ Nhẫn: “Mình sẽ vượt qua tất cả khi mình khát khao sống, khát khao yêu thương...”
Phát hiện ung thư khi bệnh đã vào giai đoạn 3, bác sĩ bảo phải xạ trị, hóa trị... nhưng khả năng sống không cao. Ý nghĩ đầu tiên của ni sư Thích nữ Từ Nhẫn là bà sẽ sống. Lý do mà bà đưa ra trong đầu mình: “Người nghèo vẫn còn, nhiều người còn khổ lắm, tôi phải lo cho họ, làm sao mà chết được!”.

 

Hãy gieo mầm tích cực!

Những ngày đầu năm 2002, ni sư Từ Nhẫn (trụ trì chùa Phước Viên, Bình Thạnh, TP.HCM) vừa bước qua tuổi 60 thì bị căn bệnh lạ hành hạ. Cơ thể lâu lâu lại lên những cơn sốt, uống thuốc hoài không khỏe. Đi khám ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bà biết mình bị bệnh ung thư hạch nguyên phát loại không Hodgkin, đã bước vào giai đoạn 3. Thông tin quá bất ngờ làm ni sư lo lắng, không phải lo mình chết mà lo “Những chuyến đi nằm trong dự định vẫn chưa thực hiện, đệ tử chưa đủ lớn để tiếp tục sự nghiệp từ thiện mà tôi đeo đuổi” - ni sư nhớ lại.

Đã không thay đổi được thực tế về căn bệnh ung thư chết người thì phải thay đổi suy nghĩ; ni sư bắt đầu thay đổi cách nhìn về căn bệnh: nó cũng bình thường thôi, không lo lắng, còn sống là còn hi vọng và dẫu có sống một ngày cũng phải sống hết mình vì người khác. Ni sư cũng nhập viện điều trị theo toa của bác sĩ. Vô thuốc được vài ngày, mệt lả, ăn không được. Rồi những kế hoạch từ thiện vẫn diễn ra và bà lại gượng ngồi dậy nhập cuộc như thói quen đã trải 20 năm trời. Thật bất ngờ, đang ở tình trạng mệt lả, nhảy vào cuộc từ thiện bà tươi tỉnh và khỏe khoắn hẳn. Thì ra sự mệt mỏi cũng một phần do ni sư bị bứt ra khỏi công việc gắn bó hơn hai thập kỷ. Một cách nghĩ khác đến trong đầu bà: hãy quên đi căn bệnh mà lo chuyện chia sẻ những đau khổ của con người. Chính họ có khi còn khổ hơn căn bệnh mà mình đang gặp phải!”.

Từ thiện - việc của người tu hành mà bà đã làm từ những năm 1985 - cứ như một con đường không bao giờ kết thúc. Những tháng ngày khó khăn chung của đất nước, người dân còn nghèo, ni sư nghĩ: “Chùa mình có dư bao nhiêu gạo cũng nên đem chia sẻ”. Gom góp gạo của chùa và thông tin cho các mạnh thường quân cùng đến các trung tâm như nơi nuôi dưỡng người già và tàn tật tại Ba Thôn, trại phong Bến Sắn, Bình Minh... để chia sẻ những bữa ăn. Năm 1990, khi cơn lũ ở Lai Châu tàn phá một vùng làng quê phía Bắc, ni sư đã cùng đoàn Phật giáo của Thành hội Phật giáo TP.HCM tổ chức cứu trợ gấp rút...

“Bao nhiêu gian khó mình còn vượt qua được thì chiến đấu với bệnh tật cũng xem như một thách thức bình thường. Cuộc chiến nào cũng cần bền chí, kiên gan mới mong thắng được” - ni sư Từ Nhẫn bộc bạch. Nụ cười hiền của ni sư Từ Nhẫn cho thấy một lý do khác đã giúp bà vượt qua căn bệnh quái ác: chính là từ tâm của một người không lấy bản thân mình làm trung tâm cuộc sống, mà ở đó số phận khó nghèo của người khác mới là mối bận tâm của bà. Bà có một triết lý riêng đơn giản: “Khi mình gieo mầm sống, gieo niềm tin cho mọi người thì chắc chắn niềm tin ấy, mầm sống ấy sẽ nảy nở, lan truyền, vươn lên... vượt qua mọi bệnh tật đang ẩn chứa trong từng tế bào”.

Bà lo cho người khác, tự dưng cũng có người khác lo cho bà. Những đồng môn, đệ tử đã đồng tâm hiệp lực lập “đàn dược sư” - một nghi thức tôn giáo nhằm cầu nguyện và gửi gắm thêm năng lượng sống cho một người. “Tôi cảm được sau việc làm của họ chính là tình thương mà các sư đồ, huynh đệ dành cho mình” - ni sư bộc bạch. Bà thấm thía cái tình, cái nghĩa của những đệ tử, những người mà bà coi là những “đứa con” không rứt ruột sinh ra nhưng tình cảm thì không khác gì mẹ con, đã tạo động lực cho ni sư trong cuộc chiến cam go, cuộc chiến của sự sống còn. Ni sư bảo: “Tôi sống được cũng nhờ cái ơn, cái tình của các con và huynh đệ...”.

Sống và khao khát

Bước qua cơn thập tử nhất sinh, sống được sau 20 lần xạ trị, sáu lần hóa trị làm ni sư vừa ốm vừa đen “y như Bao Công”, bà càng hoạt động mạnh hơn trong công tác từ thiện, giúp người nghèo bớt khổ. Từ Bắc đến Nam, 63 tỉnh thành nơi nào cũng có dấu chân ni sư Thích nữ Từ Nhẫn, thậm chí có những chuyến cứu trợ ở Lào, Myanmar, Campuchia ni sư cũng tham gia, tổ chức đi.

Tiêu chí cho những chuyến đi của ni sư là “nơi nào người nghèo, người bệnh, người khổ cần thì tôi sẽ đến”. Những chuyến đi của ni sư Từ Nhẫn thường lỉnh kỉnh đồ đạc, quần áo, mì, gạo và hàng chục mạnh thường quân, phật tử trong nước tháp tùng. Họ đi đến đâu là nơi ấy có nhiều tiếng cười ấm áp, những tấm lòng được sẻ chia, những niềm tin được nhân lên, nhiều người bệnh được cứu qua cơn thập tử nhất sinh...

Bệnh tình dừng lại khi nào chính bà cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng càng ngày càng làm việc thiện, tâm niệm “cháy hết mình sau khi bước qua cửa tử” khiến bà thấy mình thư thả, nhẹ nhàng hẳn.

Hỏi về mong ước sắp tới, ni sư chia sẻ: “Tôi mơ ước sẽ cùng một số bác sĩ xây dựng một bệnh viện để nhiều người an dưỡng miễn phí khi bệnh tật, nhất là những tu sĩ giống mình cũng như người nghèo”. Mơ ước ấy ni sư đã ấp ủ hàng chục năm trước, đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Song ni sư sẽ làm dù bà đã bước sang tuổi 68. “Nếu tôi không làm kịp mong ước ấy thì đệ tử của tôi sẽ làm. Bởi nếu dự án thành hiện thực thì những người nghèo sẽ có lợi!”.

Hiện tại ni sư Từ Nhẫn đang giữ vị trí ủy viên ban từ thiện - xã hội của một tờ báo Phật giáo - báo Giác Ngộ. Hằng năm ni sư thực hiện những chuyến từ thiện, quyên góp từ mạnh thường quân hàng tỉ đồng để chia sẻ cho người nghèo đó đây. Cứ đi như vậy mà vui, không hề mệt dù đã 68 tuổi. Có những chuyến đi vừa về đến thành phố tối nay, sáng hôm sau bà lại lên xe để đến một điểm mới.

Cơn bạo bệnh đã lùi xa, cuộc sống lại tiếp diễn. Ngẫm một tí về nó trong hành trình cuộc đời, bà chỉ nói đơn giản: “Khi mình khao khát sống, khao khát yêu thương thì sẽ vượt qua nghịch cảnh, đau khổ, kể cả bệnh tật hiểm nghèo...”.

 

Theo: Tuổi trẻ Online


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage