Vài nét đại cương về nghiệp theo giáo lý Phật
giáo
Nghiệp
tiếng Phạn là karma hay karman, tiếng Pali là kamma, có nghĩa là một "hành động", một "hành vi". Vần kar (car)
trong chữ karma có nghĩa là "hành động", "tác động", và cũng là vần gốc
làm phát sinh ra chữ creare trong tiếng
La-tinh, chữ creare lại biến thành créer khi chuyển sang tiếng Pháp và chữ create trong tiếng Anh, tất cả các chữ này
đều có nghĩa là tạo ra, gây ra... Tóm lại có thể hình dung karma như là một động lực thúc đẩy để
tác tạo một cái gì đó.
Phật giáo Tây phương không
dịch chữ này mà dùng thẳng tiếng Phạn là karma
hay karman hoặc tiếng Pali là kamma. Ngày nay chữ karma đã trở thành một từ thông dụng trong các ngôn ngữ Tây phương
và các tự điển phổ thông đều có nêu lên và giải thích từ này. Nói thế để thấy rằng
ngày nay đối với nền văn hóa phương Tây khái niệm về nghiệp đã trở nên phổ cập.
Thế nhưng đối với quảng
đại quần chúng Tây phương và có thể cả Á đông, nghiệp đôi khi được hiểu như một
thứ định mệnh, một hình phạt đeo sát người "tạo ra" nó như bóng với hình.
Khi nghe nói đến nghiệp họ thường liên tưởng đến một cái gì đó thật tệ hại mà họ
phải gánh chịu. Đối với những người có đôi chút kiến thức về Đạo Pháp thì nghiệp
tượng trưng cho một khía cạnh vận hành nào đó của một quy luật tổng quát gọi là
quy luật "nguyên nhân - hậu quả". Đấy là một quy luật tự nhiên, mang tính
cách toàn cầu và không nhất thiết tượng trưng cho một sự áp đặt. Người tu tập đúng
đắn chẳng những không sợ hãi quy luật ấy mà còn biết dùng nó để hành động một cách
chân chính để thực hiện những quyết tâm và ước vọng của mình hầu mang lại hạnh
phúc cho chính mình và người khác.
Tuy nhiên cách hiểu trên
đây về nghiệp cũng đã được đơn giản hóa rất nhiều, vì thật ra nghiệp hàm chứa
nhiều khía cạnh phức tạp liên quan đến nhiều khái niệm khác trong giáo lý Phật
giáo. Thật vậy đối với Phật giáo, khái niệm về nghiệp không đơn thuần tượng trưng
cho một chuỗi tiếp nối giữa những nguyên nhân ngẫu biến mang lại những hậu quả
tất yếu mà con người phải gánh chịu một cách thụ động, mà cũng không quan niệm
nghiệp là một thứ định mệnh an bài mang tính cách tiền định và thiêng liêng. Thật
vậy, nếu hiểu đúng những lời giáo huấn của Đức Phật thì nghiệp chính là một sự
cảnh giác, một niềm hy vọng lớn lao, một cách ý thức trách nhiệm đối với chính
mình và người khác.
Văn hóa Tây phương chịu
ảnh hưởng nặng nề về một định đề triết học và tôn giáo lâu đời dựa trên nền tảng
chủ nghĩa cá nhân, tức xem con người là duy nhất, khác biệt nhau và tách rời khỏi
thế giới chung quanh. Sự hiểu biết về nghiệp của một số người Tây phương do đó đôi
khi cũng trở nên đơn giản và máy móc. Thật vậy, ta sẽ không thể nào hiểu được nghiệp
nếu chỉ biết đơn giản căn cứ vào sự phân biệt giữa "cái tốt" và
"cái xấu", "cái đúng" và "cái sai". Cách suy luận
như thế quả thật quá đơn sơ và thô thiển để có thể hiểu được khái niệm về nghiệp
một cách thỏa đáng.
Cái Lôgic (hay sự hợp lý)
của nghiệp thực sự không mang tính cách trực tiếp tức hướng theo một đường thẳng
- hoặc tích cực hoặc tiêu cực - mà đúng hơn đấy là một sự tương tác vô cùng phức
tạp giữa vô số hiện tượng, vừa vật-chất và phi-vật-chất, xuyên qua không gian và
thời gian, liên quan đến lãnh vực nội tâm của một cá thể và cả thế giới hiện thực
bên ngoài. Vậy nghiệp thực sự là gì ?
Trước hết nghiệp có nghĩa
là một sự chủ tâm, một ý định (intention), một tác động tâm thần mang
tính cách duy ý còn gọi là tác ý (volition),
tiếng Phạn là cetana. Tác ý hay sự chủ tâm (cetana) là một
trong sáu khả năng căn bản của tâm thức gọi là tri thức tâm thần (manovijnana),
năm tri thức kia là năm tri thức giác cảm.
Tri thức tâm thần luôn luôn sinh động trong tâm trí của một cá thể và hàm chứa
khả năng cảm nhận một vật thể hoặc một biến cố thuộc ngoại cảnh, hoặc một hình ảnh
phát sinh trong tâm thức. Các đối tượng vừa kể khi được cảm nhận bởi tri thức sẽ
làm nảy sinh ra xúc cảm. Xúc cảm hiển lộ dưới thể dạng một hành vi tâm thần, tức
một sự duy ý hay tác ý và đấy chính là nghiệp. Nói cách khác nếu sự cảm nhận của
ngũ giác và tri thức khi tiếp xúc với đối tượng nhưng không làm phát sinh ra ý định, duy ý hay tác ý thì sẽ không tạo
ra nghiệp, chẳng hạn như sự tiêu hóa, bài tiết, kể cả các giác cảm và sự nhận
thức đơn thuần.
Tóm lại sự chú tâm, ý định
hay tác ý giữ vai trò hướng tâm thức
vào một đối tượng thuộc bối cảnh bên ngoài hay một hình ảnh trong tâm thức, do
đó người ta có thể định nghĩa nghiệp là một sự chuyển động hay một động tác.
Sự chuyển động của nghiệp tác động liên tục trên dòng chảy của tâm thức. Vì thế
nếu không chủ động được sự tác động của dòng lưu chuyển đó thì một cá thể sẽ liên tục tạo nghiệp cho chính mình. Thiền định
là một cách làm giảm bớt đi hoặc ngưng hẳn dòng chuyển động và hình thành liên
tục của nghiệp trong tâm thức. Trong quyển sách (L'Enseignement du Bouddha, Seuil, 1961, trang 42) Walpora Rahula có
trích dẫn một lời giảng của Đức Phật trong Tăng
Chị Bộ kinh như sau :
"Này các tỳ kheo, Ta bảo rằng tác ý (cetana) đấy là nghiệp (kamma).
Với ý muốn (chủ đích trong tâm thức) người ta hành động bằng thân xác, bằng ngôn
từ và bằng cơ quan tâm thần của mình", (Tăng Chi Bộ Kinh, Anguttara-nikaya, III, 415, ấn bản
Colombo, 1929, trang 500).
Thiết nghĩ để có thể hiểu
được nghiệp là gì thì có lẽ đây là một trong những lời giảng quan trọng của Đức
Phật. Ý nghĩa trong câu trên đây cho thấy rõ tác ý đã là nghiệp, từ nghiệp sinh
ra hành động trên thân xác, bằng ngôn từ hay trong nội tâm tức cơ quan tâm thần. Chữ cơ quan tâm thần là dịch từ chữ organe mental trong câu tiếng Pháp, tiếng
Phạn là manas, tiếng Pali là mano, kinh sách gốc Hán dịch là mạt-na thức. Mạt-na thức là thức thứ sáu
còn gọi là tri thức (consciousness),
hoặc nếu hiểu theo học phái Duy thức (Yogacara) thì đấy là thức thứ bảy (còn gọi
là nhiễm tâm - klistamanas), các vấn
đề liên quan đến các thuật ngữ này sẽ được trình bày chi tiết trong các phần bên
dưới.
Ý định hay tác ý xảy ra
trong từng khoảnh khắc một, tức mang tính cách nhất thời có nghĩa là không liên
tục, thế nhưng khi khoảnh khắc ấy chấm dứt thì vết hằn hay sự tồn dư vẫn tiếp tục
lưu lại trong khoảnh khắc xảy ra tiếp theo sau đó, đây cũng là cách giải thích
về trí nhớ theo quan điểm của Phật giáo.
Vết hằn của
tác ý lưu lại một dấu vết trên dòng chảy của tâm thức gọi là mầm mống, nghiệp lực, chủng tử, v.v...(tiếng Phạn vasana),
tượng trưng cho một xung năng hay một sức mạnh thúc đẩy. Vào một lúc nào đó
khi một số điều kiện hay cơ duyên hội đủ tạo ra hoàn cảnh thuận lợi thì các vết
hằn của nghiệp sẽ làm phát sinh ra hậu quả mang cùng một bản chất tích cực hay
tiêu cực với các dấu vết ấy. Câu trích dẫn sau đây trong kinh Di-lan-đà (Milandapanha, còn gọi là Na-tiên
Tỳ kheo kinh) có thể tóm lược những gì vừa trính bày trên đây. Trong kinh này
nhà vua Di-lan-đà (Milanda, vua xứ Penjab, thế kỷ thứ II trước Tây lịch) có hỏi
tỳ kheo Na-tiên (Nagasena) như sau :
"Thế thì nghiệp nó nằm ở đâu ?". Tỳ kheo Na-tiên trả lời
như sau : "Thưa Đại vương, không thể
bảo nghiệp được "cất giữ " một nơi nào đó [cố định] trong cái tri thức
luôn luôn chuyển động không thể nắm bắt được, hoặc một nơi nào đó trong thân
xác. Thế nhưng nó lại tùy thuộc vào tâm thức và vật chất (thân xác) và sẽ phát hiện
vào một thời điểm thích nghi. Cũng thế không thể bảo rằng các quả xoài được "cất
giữ" một nơi nào đó trong cây xoài, thế nhưng nó lại lệ thuộc vào cây xoài
và hiện ra (đơm quả) khi mùa màng thích nghi", (dựa theo bản dịch tiếng
Pháp của Louis Finot, Les questions de
Milanda, Ed. Dharmas, 1983)
Khi một vết hằn được lưu
lại trên dòng tri thức của một cá thể, nó sẽ liên kết với vô số các dấu vết khác
tức những ý định hay tác ý khác có sẵn từ trước hoặc sẽ phát sinh sau đó để tạo
ra một sự "kết hợp" mang một "xu hướng chung", thúc đẩy cá
thể ấy phát lộ trong tương lai những tác ý mang một xu hướng nào đó mà cá thể ấy
không cưỡng lại được. Tác ý sẽ xui khiến cá thể ấy "phạm" vào những hành
động mang tính cách tự phát tức có nghĩa là thực thi một cách tự động.
Tóm lại nghiệp gồm có
hai thành phần và cả hai đều thuộc vào lãnh vực tâm thần : thành phần thứ nhất
là ý định tức thuộc cùng một thể loại
phi-vật-chất với tâm thức, thành phần thứ hai là một vết hằn ghi khắc trên dòng tri thức của một cá thể. Vết hằn có thể
hiển hiện và chuyển thành quả bất cứ lúc nào, do đó có thể gọi nó là mầm mống tồn lưu trong tri thức. Mầm mống đó sẽ tác động và chi phối sự hình
thành của một cá thể trong tương lai, tức ảnh hưởng đến sự cấu tạo hình tướng
và tâm thức của cá thể ấy.
Các đặc tính chính yếu của nghiệp dựa vào
kinh sách
Trên
đây là vài nét đại cương về nghiệp và dưới đây là phần trình bày các đặc tính chính yếu căn cứ theo kinh sách.
I-
Bốn đặc tính căn bản của nghiệp (catvari karmasvabhava).
Nghiệp gồm có bốn thể
tánh hay đặc tính như sau :
1- Thể tánh quyết định của nghiệp : nghiệp mang tính cách quyết định tức có nghĩa là quả luôn luôn
mang cùng một bản chất với nghiệp làm phát sinh ra nó.
2- Sự tăng trưởng của nghiệp : nghiệp luôn luôn sinh động, trong trường hợp nếu nghiệp không được tinh khiết hóa thì
nó sẽ liên tục tăng trưởng cho đến khi nào gặp được các điều kiện thích nghi
khiến cho nó phát sinh ra quả.
3- Nghiệp không thực thi (không hoàn tất) : nếu không hề có tác ý, cũng không hề có hành động thì đương nhiên cũng sẽ không có
một hậu quả nào xảy ra.
4- Nghiệp đã hoàn tất : nghiệp khi đã hoàn tất sẽ không thể tan biến đi được và nhất định nó sẽ tạo ra quả vào một thời
điểm nào đó, tất nhiên là trừ trường hợp nghiệp ấy đã được hóa giải hay tinh
khiết hóa bằng sự tu tập.
II-
Bản sắc và cường độ của nghiệp
Tùy theo bản chất của ý định và hành động, nghiệp sẽ mang các sắc thái và cường độ khác nhau :
- Hành động đạo hạnh hay trong trắng (kusalakarma)
: hậu quả mang lại sẽ tốt lành và thuận lợi.
- Hành động tiêu cực hay đen tối (akusalakarma) : hậu
quả mang lại sẽ là khổ đau.
- Hành động trung hòa (avyakrtakarma) : hậu quả mang lại không hạnh phúc cũng không khổ
đau.
Các đặc tính như thuận lợi hay bất thuận lợi không nhất thiết liên hệ hay tương quan với các nguyên
tắc đạo đức quy định bởi nền luân lý quy ước và độc đoán do con người thiết đặt,
mà tùy thuộc vào bản chất đích thực của
chính hành động thực thi. Bản chất đó được xác định căn cứ vào chủ đích của
động cơ thúc đẩy một chủ thể hành động với mục đích tạo ra sự tốt lành hay khổ đau
cho các chúng sinh khác, thí dụ như cứu giúp kẻ khốn cùng vì lòng từ bi hoặc sát
sinh vì hung ác.... Vì thế nếu muốn xác
định bản chất đích thực của nghiệp thì
phải phân biệt thật rõ rệt bản chất của ý
định hay sự chủ tâm là gì và bản
chất của hành động thực thi là gì. Thí
dụ :
- Ý định trong trắng và hành động trong trắng : chẳng hạn như ý định trong trắng phát xuất từ lòng từ bi và hành
động trong trắng nhằm giúp đỡ người
khác tránh khỏi khổ đau.
- Ý định trong trắng nhưng hành động đen tối : Ý định trong thâm tâm mang tính
cách tích cực, thế nhưng hành động phát lộ bên ngoài là sự nghiêm khắc và giận
dữ nhằm mục đích cảnh giác và làm thức tỉnh người khác.
- Ý định đen tối nhưng hành động trong trắng : cho một người nào đó một
thứ gì nguy hại, chẳng hạn như biếu rượu cho người say sưa, hoặc giả vờ hiền lành
và dễ thương nhằm mục đích lường gạt hoặc thực hiện một ý đồ ích kỷ nào đó.
- Ý định đen tối và hành động đen tối : thí dụ một người nào đó bị các
xung năng tiêu cực thúc đẩy làm điều sai trái đối với người khác, chẳng hạn như
nguyền rủa hoặc gây thương tích cho người khác.
Sau đây là bảng liệt kê các hành động tạo ra nghiệp
trong trắng và nghiệp đen tối :
- Nghiệp trong trắng hay thuận lợi : gồm có mười hành vi thiếu đạo đức phải tránh và mười điều
đạo hạnh nên làm :
Ba điều thuộc thân xác :
1- Không tước đoạt sự sống - cứu được một sinh linh
thoát chết.
2- Không trộm cắp - bố thí.
3- Không phạm vào hành vi tính dục thiếu đạo hạnh - biết
giữ gìn sự tiết dục.
Bốn điều thuộc ngôn từ :
4- Không nói dối - nói lời ngay thật.
5- Không gièm pha - nói lời hàn gắn và hòa giải.
6- Không nguyền rủa - nói lời êm ái.
7- Không ăn nói huyên thuyên vô bổ - thường xuyên tụng
niệm.
Ba điều thuộc tâm thức :
8- Không ganh tị - hân hoan khi thấy người khác được hạnh
phúc.
9- Không ác ý - phát lộ lòng nhân từ.
10- Loại bỏ những quan điểm sai lầm - chọn lựa những
quan điểm đúng đắn.
- Nghiệp đen tối hay bất thuận lợi bắt nguồn từ :
Sáu thứ dục vọng căn bản, kinh
sách gốc Hán gọi là lục đại phiền não,
gồm có : bám víu, ghét bỏ, vô minh, tự
kiêu, nghi ngờ, quan điểm sai lầm.
Hai mươi dục vọng thứ yếu, gồm có : thù
nghịch, oán hận, ác ý, ganh tị, lừa lọc, v.v...
Phạm vào mười hành động thiếu đạo hạnh, gồm có :
- Ba hành động thuộc thân xác : sát
sinh, trộm cắp, hành vi tính dục thiếu đạo hạnh.
- Bốn hành động thuộc ngôn từ : nói
dối, vu khống, nguyền rủa, ăn nói huyên thiên vô bổ.
- Bốn hành động thuộc tâm thần : thèm
muốn, ác tâm, nuôi dưỡng những quan điểm lệch lạc.
III-
Nghiệp thúc đẩy và nghiệp bị khích động
Có hai loại nghiệp khác
nhau :
- Nghiệp thúc đẩy : còn gọi là ý nghiệp
(tiếng Phạn cetanakarma) tức là nghiệp
mang tích cách chủ động, giữ vai trò xui khiến và khích động (volition,
intentional action, karma producing impulses). Nghiệp thúc đẩy là nghiệp phát
sinh từ những ý định trong tâm thức.
- Nghiệp bị khích động : (tiếng Phạn cetayitvakarma)
tức là nghiệp thực thi do tâm thức thúc đẩy, tức do ý chí xui khiến. Nghiệp bị thúc
đẩy hay bị khích động gồm có thân nghiệp (kayakarma), khẩu nghiệp (vakkhakarma)
và ý nghiệp (manaskarma) phát sinh trong tâm thức.
Thí dụ : thù ghét một người nào đó (nghiệp thúc đẩy) và lấy gậy đánh người này (thân nghiệp), hoặc chửi rủa
người này (khẩu nghiệp), hoặc không chửi
rủa cũng không đánh người này nhưng lại mưu
đồ trong tâm thức ám hại người này (ý
nghiệp, tâm nghiệp), xin chú ý là trong trường hợp này ý nghiệp trở thành một hành
vi trong tâm thức và có thể xem như là một thứ nghiệp thúc đẩy.
Tóm lại loại nghiệp thứ
nhất tức nghiệp thúc đẩy (cetanakarma) mang tính cách chủ động là loại nghiệp quan trọng hơn cả vì giữ
vai trò khích động, thúc đẩy làm phát sinh ra thân nghiệp, khẩu nghiệp và tâm nghiệp
(ý nghiệp).
IV-
Con đường của nghiệp (Karmamarga)
Con đường của nghiệp nguyên nghĩa tiếng Phạn là karmamarga (marga có nghĩa là con đường) tượng trưng cho sự tiến hành hay quá trình diễn tiến của nghiệp. Con đường của
nghiệp khi được diễn tiến đầy đủ tức có nghĩa là hoàn tất, sẽ gồm có bốn giai đoạn
hay bốn điều kiện tất yếu như sau :
1- Căn bản hay cơ sở (vastu) : tức bắt buộc phải có một đối tượng giúp cho nghiệp hướng vào
đó để hoàn tất. Căn bản hay cơ sở đó là một chúng sinh có giác cảm. Thí dụ nghiệp
sát sinh chỉ có thể hình thành khi có một chúng sinh bị giết, nghiệp do việc săn
bắn chỉ có thể xảy ra khi nào có một con thú bị giết.
2- Tư duy (asaya) : tức phải có một ý định hay ý muốn. Tư duy (ý định, ý muốn) gồm có ba thành phần :
a) sự xác định hay sự nhận dạng
hướng vào một căn bản hay cơ sở nào
đó, (thí dụ : nhận dạng một con thú).
b) sự khích động : tức ý định
hay ý muốn thực thi một hành động hoàn
toàn ý thức, (thí dụ : chủ tâm muốn giết con thú).
c) bản chất của sự khích động : bản chất của sự khích động hay sự ham
muốn có thể mang tính cách tích cực hoặc tiêu cực, (thí dụ sự khích động mang bản
chất tiêu cực : ham muốn được ăn thịt con thú hoặc thèm muốn có tấm da thú).
3- Hành động (prayoga) : tức là giai đoạn khi ý định
hay ý muốn được thực thi một cách cụ thể, (thí dụ : cầm khẩu súng nhắm vào con
thú và bóp cò).
4- Sự hoàn tất (nisthagamana) : tức mục đích của ý định
đã được thực hiện và hoàn tất, có nghĩa là hành động mang lại hiệu quả phù hợp
với ý muốn, (thí dụ : con vật bị giết).
Khi hội đủ bốn yếu tố
hay điều kiện trên đây thì nghiệp được gọi là hoàn tất.
V-
Hậu quả của nghiệp (karmaphala)
Nếu bốn giai đoạn trên đây
xảy ra trọn vẹn thì con đường của nghiệp
sẽ mang lại ba loại hậu quả theo thứ tự như sau :
1- Kết quả hoàn toàn chín muồi (vipakaphala)
: thí dụ trong trường hợp tiêu cực, hậu quả trọn vẹn do nó mang lại sẽ là sự tái
sinh trong một cảnh giới thấp, chẳng hạn như nghiệp do sự giận dữ sẽ khiến tái
sinh trong cõi địa ngục, nghiệp do vô minh và đần độn sẽ khiến tái sinh trong cõi
ngạ quỷ hay súc sinh...
2- Kết quả phù hợp với nguyên nhân (nisyandaphala) : hậu quả mang cùng một thể loại hay bản chất với hành
động, có nghĩa là hậu quả luôn luôn phù hợp với xu hướng hay xung năng thúc đẩy
một cá thể ưa thích một số hành động nào đó. Thí dụ nghiệp do hành động sát nhân
sẽ thúc đẩy một cá thể sau khi tái sinh mang bản tính hung hăng thích việc sát
sinh, hoặc nhận chịu hậu quả cùng một thể loại với hành động mà chính mình đã
thực thi trước kia, chẳng hạn như sẽ bị giết hay sẽ phải tái sinh, hoặc sẽ phải
chết non trong nhiều kiếp liên tiếp.
3-
Kết quả phù hợp với quyền lợi (adhipatihala) : đó là kết quả đưa đẩy một
cá thể tái sinh trong một môi trường sống phù hợp và tương quan với nghiệp của
cá thể ấy. Thí dụ một số nghiệp tiêu cực đưa đến sự tái sinh trong một môi trường
bất thuận lợi, chẳng hạn như một nơi nghèo đói, chiến tranh, chậm tiến, hoặc
trong một gia đình nghèo khổ, bất hạnh... Có ba loại nghiệp tương quan với bản
chất của kết quả như sau :
a) Nghiệp xứng đáng (punyakarma)
: tức nghiệp tích cực khiến tái sinh trong hoàn cảnh thuận lợi thuộc cõi dục giới.
b) Nghiệp không xứng đáng (apunyakarma)
: tức nghiệp tiêu cực khiến tái sinh trong hoàn cảnh bất thuận lợi thuộc cõi dục
giới.
c) Nghiệp tĩnh lặng (aninjyakarma)
: tức là nghiệp mang lại từ sự vắng lặng hay tĩnh lặng của tâm thức, đấy là một
thứ nghiệp tích cực khiến tái sinh trong cõi sắc giới (cõi hình tướng tinh khiết
- rupadathu) hoặc cõi vô sắc giới (cõi
vô hình tướng hay phi-vật-chất - arupadathu).
Tuy nhiên cũng nên hiểu
là chúng sinh trong cả ba cõi trên đây - dục giới, sắc giới và vô sắc giới - vẫn
còn bị trói buộc trong vòng tái sinh vì các chúng sinh ấy vẫn còn vướng mắc
trong vô minh có nghĩa là vẫn còn nhận diện một cái tôi và đồng thời không nhìn thấy bản chất đích thực của mọi hiện tượng.
VI-
Sự tích lũy và hoàn tất của nghiệp
Khi một cá thể bắt đầu phát
lộ trong tâm thức một sự chủ ý hay quyết tâm nhằm thực hiện một hành động
nào đó thì đấy gọi là nghiệp tích lũy
hay tích tụ, có nghĩa là chưa phát hiện
thành hành động trên thân xác hay bằng ngôn từ. Nghiệp được gọi là hoàn tất khi
nào hành động đã hoàn toàn được thực hiện. Cách phân loại nghiệp như trên đây
cho thấy khi vừa có một ý định, một quyết tâm, có nghĩa là tác ý hiển hiện trong tâm thức, thì tức
khắc nghiệp đã bắt đầu hình thành. Khi tác
ý chuyển thành hành động thì khi đó
mới thật sự tạo ra khẩu nghiệp, thân nghiệp hay ý nghiệp. Trong trường hợp này nên hiểu ý nghiệp hay tâm nghiệp là
một "hành động" xảy ra
trong tâm thức, thí dụ như nguyền rủa trong đầu hoặc mưu tính ám hại một người
mà mình thù ghét.
Bốn trường hợp có thể xảy
ra trong quá trình diễn tiến từ nghiệp tích lũy đến nghiệp hoàn tất :
a) Nghiệp tích lũy được hoàn tất : thí dụ ta có ý sát sinh và đem ý định
ấy ra thực hiện (giết được một con thú chẳng hạn).
b) Nghiệp đã được tích lũy thế nhưng không hoàn tất : thí dụ ta có ý
sát sinh thế nhưng lại không giết con vật.
c) Nghiệp không tích lũy thế nhưng được hoàn tất : thi dụ ta không có
ý định sát sinh thế nhưng lại vô ý phạm vào hành động đó.
d) Nghiệp không tích lũy cũng không hoàn tất : thí dụ ta không có ý
sát sinh thế nhưng lại vô tình phạm vào hành động đó, tuy nhiên ta biết hối hận
ngay và tức thời sử dụng bốn sức mạnh
(hối hận, không tái phạm, đạo đức, tu tập) để tinh khiết hóa hành động đó.
VII-
Sức mạnh của nghiệp
Sức mạnh hay cường lực tác
động của nghiệp tùy thuộc vào các yếu tố sau đây :
a) Thời gian : nghiệp tiềm tàng hay chất chứa càng lâu càng trở nên mạnh
mẽ hơn, có nghĩa là khoảng cách giữa thời điểm khi nghiệp được ghi khắc và thời
điểm khi quả phát sinh là một yếu tố khiến gia tăng thêm cường lực của nghiệp.
b) Con đường của nghiệp : sức tác động của nghiệp càng mạnh nếu quá
trình diễn tiến của nghiệp tức là con đường
của nghiệp được tiến hành trọn vẹn (gồm có : căn bản - tư duy - hành động
- sự hoàn tất).
c) Đối tượng của nghiệp : nếu đối tượng của hành động tạo nghiệp tiêu
cực là một thánh nhân, một người đạo đức, một người thân thuộc (chẳng hạn như
cha mẹ), một vị bồ-tát hoặc một chúng sinh đang lâm vào hoàn cảnh khốn cùng và
tuyệt vọng (tạo ra dịp cho ta lợi dụng) thì sức tác động của nghiệp càng trở
nên mãnh liệt hơn.
d) Tính cách thường xuyên : nếu liên tiếp thực thi một hành động cùng
một thể loại và mang cùng một mục đích thì sự tái diễn đó sẽ khiến cho nghiệp lực
của từng hành động gia tăng mạnh mẽ hơn.
e) Cường độ của ý định : nghiệp lực có sức tác động khác nhau giữa sự
bực bội thoáng qua và lòng hận thù sâu đậm, giữa sự thương hại nhất thời và lòng
từ bi lâu bền.
f) Nghiệp đối kháng hay đối nghịch : một nghiệp mang bản chất đối kháng
hay đối nghịch với một nghiệp khác sẽ có khả năng làm giảm bớt, chận đứng hoặc
hóa giải được nghiệp ấy, (thí dụ : tuy tham lam thế nhưng thường xuyên tham gia
vào các công tác từ thiện, hoặc biết sám hối).
VIII-
Sự tinh khiết hoá của nghiệp
Theo Phật giáo Đại thừa
khi một nghiệp cố tình hay cố ý tức duy ý dù đã được ghi khắc trên dòng tiếp nối
liên tục của tri thức, vẫn có thể tinh khiết hóa hay hóa giải được nó. Vì thế nếu
tinh khiết hóa càng sớm thì càng dễ dàng hơn, vì lúc đó nghiệp chưa phát triển quá
mạnh và chưa ăn quá sâu vào dòng tiếp nối của tri thức, tức có nghĩa là lúc mà cá
thể tạo nghiệp còn nhớ được hành động của mình và ý thức được tác động của nó để
tinh khiết hóa nó. Sự tinh khiết hóa cần
đến sự phối hợp của bốn sức mạnh như
sau :
a) Sức mạnh của sự hối
hận.
b) Sức mạnh của lòng
quyết tâm không tái phạm.
c) Sức mạnh do sự giữ gìn
đạo đức.
d) Sức mạnh do sự tu tập
: chẳng hạn như sám hối trước chư Phật, phát động sự giác ngộ, tụng niệm
man-tra, tinh khiết hóa bằng phép tu tập Kim cương Tát đóa (Vajrasattava),....
Ngược lại các nghiệp tích
cực và các phẩm hạnh tích lũy từ trước cũng có thể bị các nghiệp tiêu cực xảy
ra sau đó làm cho tiêu tan. Kinh sách thường cảnh giác người tu tập như sau : "một phút giây nóng giận cũng có thể
làm tiêu tan nghiệp lành tích lũy từ muôn ngàn kiếp". Ngoài ra cũng cần
ghi nhớ là khi cơ duyên đã hội đủ giúp cho nghiệp trở thành chín muồi thì khi
đó sẽ không còn phương cách nào có thể hoá giải được nó và sự phát hiện của quả
trở thành một điều tất yếu.
IX-
Bản chất tâm thần của nghiệp :
Nghiệp luôn luôn mang tính
cách tâm thần. Những gì không mang tính cách duy ý hay chủ tâm thì không tạo ra
nghiệp kể cả những cảm nhận trên thân xác (giác cảm) và sự nhận thức đơn thuần
(không kèm theo sự diễn đạt) trong tâm thức. Xin trích dẫn câu sau đây trong
quyển sách của Walpola Rahula (L'Enseignement
du Bouddha, op. cit., trang 42) :
"Các giác cảm và nhận thức không phải là những hành động duy ý.
Chúng không gây tác động làm phát sinh ra nghiệp. Chỉ có những hành động chủ ý
mới tạo ra nghiệp, chẳng hạn như : sự chú tâm (manasikara), sự tin tưởng
(saddha), sự tập trung (samadhi), trí tuệ (panna), nghị lực (viriya), sự thèm
khát (raga), sự ghê tởm hay hận thù (patigha), vô minh (avijja), sự kiêu căng (mana),
ý nghĩ về cái tôi (sakkaya-ditthi), v.v..."
Câu trên đây cho thấy
chỉ có sự chủ ý trong tâm thức mới lưu lại một vết hằn trên dòng chảy của tri
thức, tất cả những gì xảy ra thuộc ngoại cảnh kể cả các giác cảm trên thân xác
và sự nhận thức tâm thần (không đi kèm với sự diễn đạt) cũng không tạo ra nghiệp
lực. Xin trở lại thí dụ về người đi săn, người này nâng súng nhắm vào con thú
và bóp có, và đấy là một sự chủ tâm chuyển thành hành động. Vậy những gì sẽ xảy
ra sau đó ?
Trường hợp con thú bị
trúng đạn và dẫy chết, người săn bắn thích thú và vui mừng. Sự thích thú và vui
mừng (thật ra chỉ là những phản ứng mang bản chất vô minh) là những gì trực tiếp
tạo ra nghiệp và để lại một vết hằn trong dòng tri thức của người săn bắn. Sự
đau đớn của con thú dẫy chết, vết thương phun máu... thuộc vào bối cảnh bên
ngoài nên không trực tiếp tạo ra nghiệp, sự vui thích (mang bản chất tiêu cực)
trong tâm thức của người săn bắn mới để lại vết hằn trong tâm thức của người ấy.
Trường hợp con thú bị
thương, què một chân và chạy thoát. Người săn bắn tiếc rẻ, đuổi theo và hy vọng
tìm ra nó và bắn được nó. Tiếc rẻ và hy vọng tạo ra nghiệp, con thú bị thương
không tạo ra nghiệp mà chỉ gián tiếp làm đối tượng (cơ sở hay căn bản) cho sự tạo
nghiệp của người săn bắn. Tuy rằng cái chết của một con vật không để lại vết hằn
trong tâm thức của người săn bắn, thế nhưng lại trực tiếp tạo ra tác động đối với
môi sinh. Sự tác động đó (dù vô nghĩa đi nữa) cũng sẽ ảnh hưởng đến sự biến đổi
của môi trường và toàn thể sự sống trong đó có người đi săn. Hậu quả của hành động
sát sinh sẽ dễ nhận thấy hơn nếu đấy không phải là một con vật bị bắn mà là một
con người bị giết. Cái chết ấy sẽ gây ra hận thù và đau thương..., đau thương
và hận thù sẽ nhân lên và tỏa rộng.
Nếu đấy không phải một
con người bị giết mà là một cuộc chiến xảy ra, thì khổ đau và oán hận sẽ khi khắc
trên dòng tri thức của hàng triệu người chiến bại, "hân hoan" và
"hạnh phúc", biểu hiện của vô minh sẽ tràn ngập dòng tri thức của
hàng triệu người chiến thắng. Nghiệp là như thế, khởi đầu chỉ là một chủ ý (cetana) trong tâm thức của mỗi cá thể, hậu
quả là thế giới ta-bà.
Xin nêu lên một thí dụ đối
nghich, chẳng hạn như một người ngồi thiền vẫn nhận biết các giác cảm phát sinh
trên thân xác, các chức năng nhận thức vẫn sinh hoạt trong tâm thức, thế nhưng
không có sự diễn đạt (xúc cảm) hay chủ ý (cetana)
nào xảy ra, sự tạo nghiệp do đó cũng không có. Thế nhưng nếu trí tuệ (sự tập
trung) vụt hiển hiện dù thuộc vào một cấp bậc nào thì đấy là một nhân tố tạo
nghiệp, nhưng lại là một thứ nghiệp mang lại sự giải thoát.
Cộng nghiệp và sự hồi hướng
Ngoài các đặc tính của
nghiệp được liệt kê trên đây, có lẽ cũng cần nêu lên hai khái niệm ít nhiều liên
quan đến các đặc tính của nghiệp, đấy là cộng nghiệp và sự hồi hướng.
Vậy cộng nghiệp là gì ?
Thật ra khái niệm về cộng nghiệp không thấy bàn đến (?) trong các kinh sách và
các tập luận giải xưa, hoặc cũng có thể không hay chưa tìm thấy (?) vì con số
kinh sách quá lớn. Hơn nữa cũng không thấy các học giả Phật giáo ngày nay nhất
là các học giả Tây phương đề cập đến vấn đề này một cách rộng rãi. Do đó có thể
hiểu nghiệp nhất thiết mang tính cách cá thể nhiều hơn.
Thông thường người ta
"hình dung" hay "suy ra" cộng nghiệp khi nhìn vào các hậu
quả xảy ra giống nhau, chung cho nhiều người kể cả một dân tộc. Dù cho một tập
thể thực thi hay biểu lộ một hành động chung nào đó, thí dụ như sinh sống bằng
một nghề giống nhau, nhiều người phản kháng một đạo luật hay một thể chế chính
trị, thực thi một mục đích hay lý tưởng chung, hoặc đổ xô theo một phong trào
hay một giáo phái nào đó..., thì tác động gây ra từ những hành động ấy rất có
thể là không giống nhau trong tâm thức của mỗi cá thể, bởi vì các hành động đó
còn kết hợp và tương tác với các xu hướng, xung năng và quyền lợi cá nhân phát sinh
từ những nghiệp khác có sẵn trong mỗi cá thể.
Hãy lấy một thí dụ cụ
thể, khi nhìn vào một tại nạn phi cơ xảy ra chẳng hạn, người ta có thể nghĩ rằng
đấy là do nơi cộng nghiệp của hành khách và cả phi hành đoàn đã đến lúc chín muồi
và hậu quả tất yếu đã xảy ra chung cho mọi người. Thế nhưng hành khách thì thuộc
mọi lứa tuổi, mang nhiều quốc tịch khác nhau, thừa hưởng những nền văn hóa,
giáo dục và tính ngưỡng khác nhau, mang những cá tính khác nhau, một cách tóm tắt
là thừa hưởng những nghiệp rất khác biệt nhau. Tại nạn phi cơ chỉ là một biến cố
(cơ duyên) phối hợp với nghiệp chín muồi của từng người để tạo ra một thứ quả
trùng hợp cho tất cả.
Khái niệm thứ hai liên
hệ ít nhiều với nghiệp có thể cũng cần nêu lên, đấy là sự hồi hướng nghiệp lành
hay công đức mà mình đã thực hiện được hướng vào người khác. Hồi hướng là một
phép tu tập đặc thù của Phật giáo Đại thừa, thế nhưng ngày nay người ta thấy Phật
giáo Nguyên thủy (Therevada) đôi khi cũng thực thi phép tu tập này, nhất là tại
Thái lan và Miến điện. Vậy hồi hướng có mang lại hiệu quả hay không, có làm
thay đổi được nghiệp của một cá thể khác hay không ?
Trước hết sự hồi hướng
sẽ mang lại cho người tu tập những xúc cảm sâu xa và một sức mạnh vô biên vì đấy
là biểu hiện của lòng từ bi, điều kiện duy nhất là phải quyết tâm, thành thật và
người tu tập đã thực hiện được những hành động hay phát lộ được những tư duy sâu
xa mang lại những điều xứng đáng, có nghĩa là đã từng tạo được những nghiệp lành.
Đối với đối tượng của sự hồi hướng tức là người khác, thì họ có tiếp nhận được
những điều đạo hạnh mà người tu tập hồi hướng cho họ hay không ? Đối với Phật
giáo Tây tạng thì câu trả lời rất dứt khoát là có. Nếu nhìn vào quy luật tương
liên, tương kết của mọi hiện tượng, kể cả những hiện tượng phi-vật-chất trực tiếp
liên quan đến sự vận hành của tâm thức thì cũng có thể hiểu rằng hành động hồi
hướng nhất định phải mang lại một tác động nào đó. Tuy rằng tiếng vỗ tay của một
bàn tay không gây ra tiếng vang, thế nhưng nếu đấy là một bàn tay ngữa ra để bố
thí hoặc là một bàn tay đưa ra phía trước để che chở cho một chúng sinh gặp cảnh
khốn cùng không phương tự vệ, thì biết đâu tiếng vỗ của một bàn tay cũng có thể
vang ra tám phương trời mười phương Phật.
Trên phương diện hoàn
toàn duy lý thiết nghĩ cũng có thể suy ra hiệu quả của sự hồi hướng. Nghiệp
không tượng trưng cho một định mệnh tuyệt đối mà luôn luôn tương tác và biến động
dưới sự chi phối của quy luật tương liên. Vì thế trên nguyên tắc một sự tác động
hổ tương giữa nghiệp của chủ thể hồi hướng và nghiệp của đối tượng hồi hướng cũng
có thể xảy ra được, tất nhiên là với điều kiện các nghiệp ấy phải gặp được cơ
duyên thích nghi để tương tác với nhau.
Ngoài ra cũng có một
chi tiết cần được nêu lên, theo kinh sách và sự tin tưởng thì sau khi chết một
cá thể sẽ phải tái sinh trong vòng 49 ngày. Vậy thí dụ ta hồi hướng nghiệp lành
cho cha mẹ mình đã chết từ lâu thì việc gì sẽ xảy ra ? Dù cho cha mẹ đã tái
sinh và đã mang hình tướng khác dưới thể dạng của những thể loại chúng sinh khác,
thì ta cứ hồi hướng cho các chúng sinh ấy như chính cha mẹ mình. Đó là một cách
mở rộng lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh trong sáu cõi luân hồi. Trong sáu
cõi ấy, mỗi chúng sinh đều có thể là cha hay mẹ của ta một lúc nào đó trong quá
khứ.
Quá trình tiến hóa của khái niệm về nghiệp
Trên đây là phần tóm lược
các đặc tính căn bản của nghiệp mang tính cách "thực dụng" giúp vào việc
tu tập, do đó chúng ta có thể cũng cần mở rộng thêm tầm nhìn để tìm hiểu sâu xa
hơn về khái niệm này trong Phật giáo. Thật vậy trên dòng tiến hóa sinh học nếu
tổ tiên con người được hình thành cách nay vài triệu năm tại phía đông lục địa
Phi châu và sau đó lan tràn khắp địa cầu, thì thung lũng sông Hằng lại chính là
nơi mà tôn giáo và các trào lưu tâm linh cũng như triết học lâu đời nhất của
nhân loại đã được hun đúc và phát sinh.
Ý niệm phôi thai về nghiệp
hay karma thật ra phát sinh trước Phật
giáo rất lâu trong thung lũng sông HHằng
qua kinh Vệ-đà (khoảng giữa thế kỷ XVIII và XVI trước Tây lịch), kinh Rig-Veda
(khoảng giữa thế kỷ XVIII và IX trước Tây lịch), kinh Bramana (khoảng giữa thế
kỷ thứ X và VIII trước Tây Lịch), và sau đó là các kinh Upanisad tức các kinh Vệ-đà
"cải tiến" (khoảng giữa thế kỷ thứ VII và thứ VI trước Tây lịch).
Chữ karma đề cập trong các kinh sách vừa kể chỉ
đơn giản có nghĩa là một hành động hiến
sinh hay một hình thức lễ bái nhằm
mục đích cầu xin cho cuộc sống của mỗi người được cải thiện hơn và xã hội được trật
tự hơn. Nói cách khác karma trong các
kinh sách này không mang một ý nghĩa luân lý hay triết học nào cả, nếu không thì
đấy chỉ là bổn phận của tập thể con người trong xã hội và của các vị Bà-la-môn,
tức là các vị giáo sĩ hướng dẫn và đại diện cho các tập thể đó, vì chỉ có các vị
này mới nắm vững được các nghi thức cúng bái để đứng ra làm chủ tế các lễ hiến
sinh.
Suốt hơn mười thế kỷ toàn
thể thung lũng sông Hằng chịu ảnh hưởng của các tín ngưỡng tạm gọi chung là đạo
Bà-la-môn trên đây, chỉ trừ ra một lãnh thổ rộng lớn và khá biệt lập là xứ
Ma-kiệt-đà (Magadha), ngày
nay là tiểu bang Bihar của Ấn độ. Tuy lọt
trong bối cảnh đó thế nhưng xứ Ma-kiệt-đà hầu như không hề chịu ảnh hưởng nặng
nề của các tôn giáo trên đây. Tại lãnh thổ này vào khoảng thế kỷ thứ VI và V
trước Tây lịch có ba tôn giáo vô thần được hình thành là Phật giáo, đạo Ja-in
(Jaïnism) và đạo Ajivika và cả ba đều chủ trương khái niệm karma, tuy thế ý nghĩa của chữ này thì lại hoàn toàn khác biệt nhau
giữa ba tôn giáo. Trong số các tôn giáo này chỉ có Phật giáo trở thành một tôn
giáo lớn phát triển ra khỏi biên giới thung lũng sông Hằng và ngày nay đang bành
trướng trên thế giới. Trong khi đó đạo Ja-in chỉ còn khoảng 12 triệu tín đồ
trên toàn thể nước Ấn và đạo Ajivika thì đã mai một.
Đạo Ja-in tin rằng bất
cứ hành động nào cũng trở thành một nguyên nhân và bất cứ nguyên nhân nào cũng
đều đưa đến tái sinh và khổ đau, không có một ngoại lệ nào cả. Vì thế đạo Ja-in
chủ trương phải chận đứng tất cả mọi hành động phát sinh từ thân xác, ngôn từ
và tâm thức, đấy là cách duy nhất ngăn chận không cho nguyên nhân phát sinh, vì
nếu không tạo ra nguyên nhân thì hậu quả là sự tái sinh và khổ đau cũng sẽ không
phát sinh. Do đó tu tập đối với đạo Ja-in là phải giữ cho thân xác bất động, chẳng
hạn như đứng bằng một chân, hai tay chắp vào nhau và đưa thẳng lên trời, tuyệt
đối phải giữ yên lặng ở thế bất động đó cho đến khi kiệt lực. Phép tu tập giữ
cho thân xác bất động sẽ không tạo ra nghiệp mới, thế nhưng các nguyên nhân đã
có từ trước thì vẫn còn, do đó phải hành xác để tinh khiết hóa các dấu vết tồn
dư của nghiệp trong quá khứ. Đấy là nguyên tắc căn bản của phép tu tập của đạo
Ja-in hầu giúp một cá thể tự giải thoát khỏi chu kỳ của sự hiện hữu.
Ngược lại với đạo Ja-in,
đạo Ajivika chủ trương không có một phương cách nào tránh khỏi sự tái sinh vì đấy
là một hiện tượng tự nhiên, tất yếu, mang tính cách "máy móc", có nghĩa
là một sự chuyển vận tự nhiên và tất yếu của sự sống. Dù giữ gìn đạo đức hay thực
thi những điều kém phẩm hạnh thì cũng đều vô ích như nhau vì những hành động đó
không gây ra một tác động nào đối với chu kỳ tái sinh của một cá thể. Đạo
Ajivika chủ trương định mệnh (niyati)
mang tính cách tuyệt đối, đấy là một động lực vận hành mang tính cách "cơ
học" và chức năng của nó là thúc đẩy sự tái sinh hay luân hồi của một thể dạng sinh động gọi là linh hồn (tiếng Phạn jiva - the life-pinciple) thuộc "sự sống" tạm bợ này. Linh hồn
(jiva) của một cá thể lệ thuộc vào số
phận (niyati - destiny) của cá thể ấy,
do đó không thể thay đổi hay cải thiện được. Tuy thế đạo Ajivika cũng cho rằng dòng
luân hồi không mang tính cách bất tận mà chỉ kéo dài 84 000 kiếp sống, trên
dòng luân hồi đó một cá thể sẽ được tự động tinh khiết hóa dần dần trong từng
kiếp một cho đến lúc đạt được sự giải thoát vào kiếp cuối cùng. Sự tiến hóa (parinama) tự nhiên và tuần tự từ sự hiện
hữu này sang sự hiện hữu khác tượng trưng cho một quá trình tinh khiết hóa nhằm
"tẩy sạch" karma, bởi vì
nghiệp bị một yếu tố "vật lý" mang "màu sắc" (lesya) làm cho ô nhiễm. Vì lý do ô nhiễm
bởi "màu sắc" cho nên có tất cả năm thể loại cá thể (chúng sinh), mỗi
loại cá thể mang một màu sắc khác nhau : đen, xanh, đỏ, vàng và trắng, tương
quan với năm cấp bậc tinh khiết hóa : từ cõi địa ngục tối tăm cho đến cõi trong
sáng của thể dạng giải thoát. Các giá trị đạo đức chỉ đơn giản là các "dấu
hiệu" bên ngoài chứng tỏ cấp bậc tiến hóa của một cá thể trên dòng tái
sinh, nhưng tuyệt nhiên không tham gia hay liên hệ gì đến quá trình tiến hóa
qua các kiếp sống. Quan điểm cho rằng hành động không mang lại một hiệu quả nào
và định mệnh mang tính cách tuyệt đối của đạo Ajivika hoàn toàn khác biệt và đối
nghịch với giáo lý Phật giáo và cả với đạo Ja-in.
Thế nhưng cả hai tôn
giáo Ajivika và Ja-in đều chủ trương các phép tu tập khá giống nhau đấy là cách
sống khổ hạnh và hành xác. Khổ hạnh đối với đạo Ja-in nhằm vào mục đích tẩy sạch
nghiệp trong quá khứ, đối với đạo Ajivika là cách chứng tỏ giai đoạn thuộc các
kiếp sống cuối cùng mà người tu tập sắp đạt được, tức là thời điểm sắp được giải
thoát khỏi chuỗi dài của sinh tử. Cách sống trần truồng và khất thực của đạo
Ajivika là để chứng tỏ người tu tập không còn màng gì nữa đến các giá trị xã hội
của cuộc sống thế tục. Điểm tương đồng thứ hai là cả hai tôn giáo Ja-in và
Ajivika đều chủ trương sự hiện hữu của một cái ngã (atman) hay linh hồn (jiva). Cái ngã hay linh hồn là một thực thể hay một chất liệu (dravya) có thật, mang tính cách trường tồn và sáng suốt, giúp bảo
toàn một cá thể xuyên qua những thử thách của sự biến đổi là cái chết. Tuy
không thuộc thành phần của thể xác thế nhưng cái ngã hay linh hồn có
khả năng duy trì sự sống cho thân xác. Cũng xin nhắc thêm là đối với hai tín
ngưỡng trên đây cái ngã hay linh hồn mang tính cách cá nhân tuyệt đối,
khác với quan điểm của Ấn giáo xuất hiện sau này, vì Ấn giáo tin rằng cái ngã hay linh hồn (atman) của một
cá thể chỉ là một phần nhỏ hay một đơn vị của một thể dạng linh hồn "tập
thể" rộng lớn mang tính cách vũ trụ (paratman).
Trên đây là phần trình bày sơ lược về nghiệp theo quan điểm của đạo Ja-in và đạo
Ajivika, hai tín ngưỡng này hình thành gần như đồng thời với nhau và đã từng
"cạnh tranh" với Phật giáo trong lãnh thổ Ma-kiệt-đà. Sau đây là quan
điểm của Phật giáo về nghiệp.
Khái niệm về nghiệp trong
Phật giáo khác hẳn với quan điểm của hai tín ngưỡng trên đây. Đức Phật nêu lên
khái niệm về nghiệp trong khuôn khổ của một nguyên tắc toàn cầu, đấy là quy luật tương liên và tương tạo, chi phối tất
cả mọi hiện tượng trong vũ trụ (pratityasamutpada).
Kinh sách gốc Hán gọi quy luật này là lý
duyên khởi, ngôn ngữ Tây phương thì gọi là interdependence hay coproduction
conditionnée, hay conditioned
co-production (cũng có học giả đề nghị nên dịch là coproduction conditionnelle - conditioning co-production thì đúng
hơn, thế nhưng cách dịch trước đây đã trở thành quen thuộc trong kinh sách Tây
phương) . Lời giảng nổi tiếng sau đây
của Đức Phật tóm lược thật minh bạch quy luật đó :
"Imasmim
sati, idam hoti [bhavati];imassuppâdâ,
idam uppajjati.Imasmim
asati, idam na hoti;imassâ
nirodha, idam nirujjhati.""Cái này có, cái kia hình thành;Cái này hiển hiện, cái kia sinh ra.Cái này không có, cái kia không hiển hiện;Cái này đình chỉ (biến mất), cái kia không sinh
ra." (Trung
Bộ kinh, Majjhima-nikaya, III, trang 63)
Câu trên đây là một
trong những câu đơn giản nhất và đồng thời cũng thâm sâu nhất trong số các lời
giảng huấn của Đức Phật, tuy hết sức đơn giản nhưng câu ấy đã giải thích trọn vẹn
bản chất của vũ trụ này. Các nhà khoa học và các triết gia Tây phương đều vô
cùng khâm phục ý nghĩa sâu xa hàm chứa trong câu nói thật đơn sơ trên đây.
Thật vậy quy luật tương
liên và tương kết cho thấy tất cả mọi hiện tượng đều mang tính cách cấu hợp,
liên kết và lệ thuộc vào nhau để hiện hữu và biến động, dù đấy là những hiện tượng
thuộc lãnh vực vật-chất hay phi-vật-chất, thuộc sự sống hay chỉ là vật chất đơn
thuần. Trong bối cảnh chung của quy luật tương liên mang tính cách vũ trụ đó, karma hay nghiệp chỉ là một khía cạnh đặc
thù, một trường hợp cá biệt liên
quan mật thiết đến sự sống của chúng sinh (sattva)
hàm chứa một thể dạng hay một cấp bậc tâm
thức nào đó, đấy là các chúng sinh có
giác cảm thuộc vào sáu cõi luân hồi
(lục đạo). Kinh sách gốc Hán gọi đấy
là các chúng sinh hữu tình, mặc dầu chữ hữu tình không được chính xác lắm và dễ
gây ra hiểu lầm. Vậy một cách cụ thể phải hiểu nghiệp như thế nào ?
Nghiệp là gì ?
Xin nhắc lại nghiệp là
một hành động thế nhưng phải hiểu rằng
đấy không phải là một hành động bằng cử chỉ có thể quan sát được hay là một lời
nói có thể nghe thấy được, mà đúng hơn là một tác động hay một xúc cảm
xảy ra trong tâm thức. Một số kinh sách phân chia nghiệp thành ba loại là thân
nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, tuy nhiên cách phân loại này cần phải được giải
thích thêm vì dễ gây ra hiểu lầm. Nghiệp trước hết là một tác ý (cetana) tức là một
sự chủ tâm, một ý định, một ý muốn trong
tâm thức, sau đó từ nghiệp tác ý mới sinh ra hành động (trên thân xác), ngôn từ và
tâm ý (thuộc cơ quan tâm thần, thí dụ : mưu đồ, dự tính... phát sinh trong tâm
thức). Tóm lại chỉ có hành động trên thân xác và ngôn từ là những biểu hiện của
nghiệp "quan sát" được vì thuộc vào thế giới bên ngoài. Vì thế các thuật
ngữ như tác ý (cetana), ý nghiệp (cetanakarma) hay tâm nghiệp (manakarma) đều
chỉ định nghiệp thuộc lãnh vực tâm thần và mang ý nghĩa khá gần nhau. Bản chất tâm
thần của nghiệp rất quan trọng vì sẽ giúp tìm hiểu sự chống đỡ và vận hành của nó
trong tâm thức. Dưới đây xin trích dẫn bốn câu song hành đầu tiên trong kinh
Pháp Cú cho thấy vai trò tiên khởi và chủ động của tâm ý tức là ý nghiệp hay tâm
nghiệp :
"Mọi
hiện tượng đều do tâm ý mà ra,Tất cả đều
sinh ra từ tâm ý.Một người
ăn nói và hành động với tâm ý xấu,Khổ đau sẽ
lăn theo người ấy như bánh xe lăn theo bước chân của con vật kéo xe.Mọi hiện
tượng đều do tâm ý mà ra,Tất cả đều
sinh ra từ tâm ý.Một người ăn nói và hành động với
tâm ý tinh khiết (tốt),Hạnh phúc sẽ lăn theo người ấy
như bánh xe lăn theo bước chân của con vật kéo xe".
Tâm ý (tri thức) vừa là nơi phát
sinh ra nghiệp cũng vừa là trung tâm phát tán của nghiệp. Ngôn từ và hành động
trên thân xác chỉ là những cách phát lộ hay những phương tiện biểu lộ của tâm ý.
Kinh A-tì-đạt-ma (Abhidharma - Luận tạng) phân loại nghiệp rất minh bạch : "ý nghiệp" là loại nghiệp khơi động (thúc đẩy) mang tính
cách chủ động, "khẩu nghiệp" và
"thân nghiệp" là các nghiệp bị thúc đẩy tức bị xui khiến bởi tâm
ý, các nghiệp này mang tính cách lệ thuộc và "thụ động". Tác ý (cetana), ý nghiệp (cetanakarma) và tâm nghiệp (manakarma) đều mang bản chất chủ động, vì thế sự
phân biệt ba "thể dạng" tâm thần này trở nên khá tế nhị, tuy nhiên với
mục đích đơn giản hóa chúng ta có thể tạm xem sự khác biệt ấy thuộc vào lãnh vực
thuật ngữ. Tóm lại nghiệp là một hành vi kích động của tâm thức hướng vào các phẩm
tính hay các khuyết điểm của một đối tượng nào đó.
Thiết nghĩ cũng cần nhắc lại là tâm ý hay hành vi tâm thần hoàn toàn không lệ thuộc vào ý chí hay một sức mạnh
bên ngoài mang tính cách thiêng liêng mà đấy chỉ là một hiện tượng tâm thần lệ thuộc vào những kinh nghiệm quá khứ và những xu
hướng hay thói quen của một cá thể,
tượng trưng cho một phản ứng mang tính cách đạo hạnh hay kém đạo hạnh. Tóm lại tác ý hay tâm ý (volition) là một phản ứng
của một cá thể khi tiếp xúc với một đối tượng và đối tượng này khơi động lại những
kinh nghiệm cảm nhận mà cá thể ấy đã có từ trước trong quá khứ đối với một đối
tượng cùng loại.
Trong bất cứ trường hợp nào, tâm ý hay
hành vi tâm thần tức là tác ý hay nghiệp luôn luôn kết nối với sự cảm nhận về cái tôi hay cái ngã đứng phía sau mọi ý nghĩ và hành động. Nói cách khác nghiệp
được định nghĩa như một hành vi mang nặng
hậu ý của một cái ngã làm chủ thể cho hành vi ấy. Dưới một góc nhìn nào đó nghiệp
có thể xem là một phương cách gián tiếp biểu lộ cái tôi và xác định sự hiện hữu vững chắc của nó. Sự cảm nhận cái tôi
ấy là biểu hiện của vô minh và vô minh thì lại là động lực tất yếu đưa đến sự
tái sinh.
Sự tạo nghiệp
Phần trình bày trên đây cho thấy tác
động và sự vận hành của nghiệp như thế nào, vậy chúng ta thử tìm hiểu thêm xem cơ
sở nào hay chức năng nào đã làm phát sinh ra các tác động tạo nghiệp trên đây ?
Để trả lời cho câu hỏi này cần phải nhờ đến khái niệm về ngũ uẩn (panca skandha) tức
là năm thứ cấu hợp tạo ra cá thể con
người. Trong số ngũ uẩn thì uẩn thứ tư gọi là hành (samskara) là uẩn giữ
chức năng tổng kết và diễn đạt các giác cảm. Chữ samskara gồm có hai vần : vần thứ nhất là sam có nghĩa là sự kết hợp
(tiếng Hy lạp là Syn- , tiếng La tinh
là Cum- , tiếng Pháp và Anh là Con- ), vần thứ hai là kra và cũng là vần tạo ra chữ karma. Do đó các ngôn ngữ Tây phương dịch chữ samskara là formation
karmique, formation volitionnelle, facteurs de composition, forces
concrétisantes du karma, mental formation impulses, v.v..., một cách vắn tắt
các cụm từ ấy có nghĩa là sự tạo nghiệp.
Mạn phép dài dòng như trên đây vì chữ hành
trong kinh sách tiếng Việt không diễn tả được đầy đủ ý nghĩa của chữ samskara. Vậy samskara hay sự tạo nghiệp
thật sự là gì ?
Samskara
hay uẩn thứ tư gồm có 49 yếu tố tâm
thần, chẳng hạn như : ham muốn, ganh tị, hiểu biết, bám víu, giận dữ, sao lãng,
đờ đẫn, hối hận, lý luận, v.v. và v. v. Tập A-tì-đạt-ma
tập luận (Abhidharma-samuccaya) của
Vô Trước (Asanga) có liệt kê đầy đủ các yếu tố này. Riêng Phật giáo Tây tạng thì
đưa ra một danh sách gồm đến 51 yếu tố. Đấy là các yếu tố hay nhân tố tâm thần nối
kết tri thức (consciousness) với đối tượng mà nó cảm nhận được, nói cách khác đấy
là sự diễn đạt của tri thức khi tiếp
xúc với một đối tượng nào đó. Sự diễn đạt này tạo ra một xu hướng hay xung năng
thúc đẩy dưới hình thức một tác ý (volition) phát sinh trong tâm thức. Tác ý ấy
liên quan đến các thói quen và phản ứng có sẵn trong "tiềm thức" của
một cá thể nhằm khích động hay xui khiến cá thể ấy thực thi một hành động nào
đó mang tích cách tích cực, tiêu cực hay trung hòa. Năng lực thúc đẩy hay khích
động trên đây liên hệ mật thiết với nghiệp trong quá khứ, đồng thời cũng nhất
thiết phù hợp với tác ý của cá thể ấy. Năng lực thúc đẩy đưa đến tác ý và hành
động đều thuộc vào một thể loại chung tức có cùng một bản chất như nhau : hoặc tích
cực, tiêu cực hay trung hòa.
Để cụ thể hóa cách trình bày bao
quát và trừu tượng trên đây xin đơn cử một một thí dụ như sau. Người ta thường nói đến một hiện
tượng si mê hay đam mê gọi là "tiếng sét ái tình" xảy ra một cách đột
ngột đối với một cá thể hay chung cho hai cá thể, hoặc khác phái hoặc đồng tính
khi họ gặp nhau. Tác động gây ra tiếng sét "ái tình" thuộc vào chức
năng diễn đạt của samskara, tức cấu hợp thứ tư trong ngũ uẩn.
Tiếng sét ấy là xung năng của nghiệp lực ghi khắc trên dòng tri thức của cá thể
ấy phù hợp với đối tượng là một cá thể khác. Nếu một cá thể nào đó bị
"giáng cho một cú" thì đấy là quả do nghiệp từ trước đã chín muồi và
gặp được cơ duyên. Cú sét có thể bị "tịt ngòi" và trong trường hợp này
cá thể có thể bị khổ sở, đau buồn, nhớ nhung... nôm na là "thất
tình", hoặc có thể được "thoả mãn" trong nhất thời sau đó thì
sinh con đẻ cái, hạnh phúc "lâu bền", hoặc cũng có thể phía sau tiếng
sét đó là khổ đau, là những trận cãi vã, kể cả những xung khắc nặng nề... Nghiệp
có thể "rất lớn" và "lan rộng", thế nhưng khi khởi sự thì chỉ
là "một tia chớp" tức là một tác
ý (cetana) phát sinh từ một vết hằn
trong tâm thức (nghiệp) khi nó bị một đối tượng bên ngoài (cơ duyên) "châm
ngòi".
Tóm lại những gì vừa trình bày trên đây
cho thấy nghiệp mang hai sắc thái khác biệt nhau và có thể xem là đối nghịch với
nhau nữa : nghiệp vừa là một hành vi lệ
thuộc, tức phải gánh chịu sự chi phối của tác ý (cetana), vừa tượng
trưng cho một hành động tâm thần mang
tính cách chủ động (samskara), tức
là hành động bám víu - tiêu cực hay tích cực - hướng vào đối tượng cảm nhận xuyên
qua các xung năng phát sinh từ các hành vi trong quá khứ.
Trong một bài viết của Philippe
Cornu (Une petite histoire du Karman en
Inde, Les Cahiers bouddhiques N°6, Université Bouddhique Européenne, 2011,
trang 46), nhà học giả Phật giáo lỗi lạc này đã giải thích rất rõ hai đặc tính trên
đây của nghiệp bằng cách dùng các chữ bị trói
buộc hay bị quy định (conditionné
- conditioned) để giải thích tính cách lệ
thuộc của tác ý, và chữ quy định hay tạo điều kiện (conditionnant - conditioning) để giải thích tính cách
chủ động của nghiệp. Tóm lại nghiệp thể
hiện dưới hai thể dạng khác biệt nhau : thể dạng thứ nhất là một tác ý (cetana) mang tính cách lệ thuộc
(conditioned) phát sinh từ những thói quen và xu hướng do nghiệp trong quá khứ
khơi động, thể dạng thứ hai là một tác động
(samskara) hàm chứa khả năng tạo dựng, thiết kế hay thực hiện một
cái gì đó (conditioning).
Đức Phật cũng đã giải thích rất tường
tận sự khác biệt giữa hành động tiên khởi giữ vai trò nguyên nhân thúc đẩy (chủ
động) và sự phát hiện sau đó của hậu quả (phala)
khi nguyên nhân đã trở thành "chín muồi" (thụ động). Hậu quả có thể xảy
ra trong tức khắc hoặc hoãn lại trong một thời gian lâu dài hơn, dù sao thì sự
chín muồi đó không phải là một phần thưởng cũng không phải là một thứ hình phạt
mang tính cách thiêng liêng. Thể dạng "chín muồi" ấy chỉ là giai đoạn
cuối cùng (quả) của một quá trình diễn tiến tự nhiên của một năng lực tồn dư
phát sinh từ một hành động trước đó (nhân).
Sau đây là một đoạn ngắn trích dẫn từ
một bài viết của Mahathera Narada (1898-1993) trong một quyển sách do học giả
René de Berval làm chủ biên, gom góp các bài viết bằng Pháp ngữ hoặc đã được dịch
sang Pháp ngữ của một số học giả và triết gia Phật giáo nổi tiếng nhất của tiền
bán thế kỷ XX trên toàn thế giới. Sách được xuất bản tại Sài gòn năm 1959 để kỷ
niệm lễ Phật đản thứ 2500, tái bản lần thứ nhất tại Pháp năm 1987, và lần thứ
hai năm 2008. Mahathera Narada viết như
sau:
"Hân hoan hay khổ đau là số phận chung của nhân loại, đấy là hậu
quả không tránh khỏi của một hay nhiều nguyên nhân nào đó. Đối với quan điểm của
Phật giáo, đấy không phải là một phần thưởng hay một sự trừng phạt do một sức mạnh
thống trị siêu nhiên và toàn năng phân phát cho một linh hồn đã thực hiện được
một việc tốt hay xấu. Những người theo các tôn giáo hữu thần chỉ tìm cách giải
thích tất cả mọi thứ trong cuộc sống hiện tại và cuộc sống tương lai, nhưng lại
mù tịt những gì thuộc về quá khứ. Họ tin vào một thứ công lý sau khi chết (post
mortem) và xem những phút hân hoan hay đau khổ trong hiện tại là sự ban thưởng
hay trừng phạt do một vị Trời tối thượng, siêu nhiên và toàn năng ban xuống cho
họ, sau khi họ được sáng tạo [làm người]. Phật giáo không chấp nhận một vị Trời
sáng tạo như thế, và chỉ tin vào một quy luật tự nhiên và một nền công lý tự
nhiên, diễn tiến một cách vững chắc và vận hành một cách tự nhiên. Các vị trời,
chư Phật hay con người, không một ai có thể chận đứng dù chỉ tạm thời sự vận
hành của quy luật đó. [...] Thế nhưng giáo lý nhà Phật về nghiệp không hề đưa
ra một cái nhìn khôi hài mang tính cách số mệnh đại loại như : "Bạn sinh
ra nghèo đói, chẳng qua vì nghiệp của bạn xấu. Bạn sinh ra giàu có, ấy là nhờ
nghiệp của bạn tốt. Vậy bạn hãy an phận với phần số của bạn đi và cố gắng làm
điều tốt để kiếp sau được giàu có". Đức Phật vô cùng từ bi không thuyết giảng
quy luật về nghiệp để bào chữa cho người giàu và an ủi người nghèo bằng cách hứa
hẹn một niềm hạnh phúc phù du trong kiếp sau".
(Mahathera
Narada - La doctrine du Kamma,
Présence du Bouddhisme, chủ biên René de Berval, Gallimard, tái bản lần thứ
hai, 2008, trang 139).
Những
gì vừa trình bày trên đây cho thấy tác ý phát sinh từ vết hằn của nghiệp như thế
nào và sau đó hành động được phát sinh từ tác ý ra sao. Vậy
chúng ta thử trở ngược xa hơn các quá trình này để tìm hiểu vết hằn của nghiệp đã
được ghi khắc như thế nào và đã được chuyển tải ra sao trước khi trở thành tác
ý và hành động. Nếu muốn tìm hiểu các vấn đề này thì trước hết phải nắm vững tri
thức (consciousness) là gì ?
Dòng lưu chuyển của tri thức là gì ?
Theo quan điểm Phật giáo tri thức là
tác động tâm thần mang lại sự hiểu biết
(acte de connaissance - act of knowledge). Sự sinh hoạt của tri thức gồm có nhiều
tác động nối tiếp nhau, mỗi tác động tượng trưng cho một "đơn vị" cảm
nhận thật ngắn, xảy ra thật nhanh, tương tợ như hình ảnh của một đoạn phim chiếu
trên màn ảnh. Sự xuất hiện và biến mất liên tục của các hình ảnh rời rạc tạo ra
sự chuyển động, đối với một đoạn phim thì tốc độ là 24 hình ảnh tiếp nối nhau
trong một giây, hoặc cũng có thể so sánh với một máy chụp ảnh kỹ thuật số mà
người ta có thể sử dụng để chụp từng tấm ảnh một hoặc ghi liên tục nhiều hình ảnh
liên tiếp để tạo ra một đoạn phim. Tóm lại tri thức là một dòng chảy liên tục
ghi nhận nhiều hình ảnh nối tiếp nhau.
Do đó có thể định nghĩa tri thức như
một dòng tiếp nối liên tục
(continuum) của những khoảnh khắc hiểu biết. Các khoảnh khắc tiếp nối của tri
thức thường được xem như những đơn vị hiểu
biết, do đó tri thức là một cấu hợp, vì thế nó cũng vô thường và mang tính
cách lệ thuộc như tất cả các hiện tượng hay những thứ cấu hợp khác. Mỗi đơn vị
hiểu biết dù cho thuần nhất đi nữa thì nó vẫn lệ thuộc vào đơn vị trước nó và đồng
thời làm nguyên nhân tạo ra điều kiện cần thiết để làm phát sinh ra đơn vị hiểu
biết xảy ra sau nó. Là một cấu hợp nên dòng tiếp nối liên tục đó tự luân lưu
khi hội đủ một số điều kiện cần thiết.
Phật Âm (Buddhagosa, thế kỷ thứ IV) một
đại luận sư của học phái Thượng Tọa bộ (thuộc Phật giáo Nguyên Thủy Therevada)
có viết như sau trong tập Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) (Bản dịch tiếng Pháp : Le chemin de la Pureté, Fayard, 2002,
trang 668) để giải thích nguyên nhân làm phát sinh ra dòng lưu chuyển của tri
thức : "Chẳng có một vị trời nào hay một vị Brahma (thượng đế của Ấn giáo)
nào tạo ra dòng chuyển động liên tục đó ; đơn giản đấy chỉ là những nhân tố hiển
hiện khi hội đủ một số điều kiện [cần thiết]". Tóm lại tri thức là một cấu hợp vô thường, luân lưu như một dòng
chảy khi hội đủ một số điều kiện nhất định. Vì thế tri thức nhất thiết không phải
là một linh hồn trường tồn do một sức mạnh thiêng liêng sáng tạo. Tri thức có
thể hoạt động rất tốt biểu hiện cho trí thông minh hoặc kém bình thường làm
phát sinh những sự rối loạn mà người ta gọi là bệnh tâm thần.
Ngoài ra tri thức (vijnana) còn được định nghĩa là cấu hợp thứ năm của ngũ uẩn (vijnana-skandha). Cũng xin nhắc lại là một
cá thể được hình thành từ sự kết hợp của năm thứ cấu hợp gọi là uẩn : uẩn thứ
nhất là cấu hợp vật chất (thân xác) và bốn uẩn còn lại tương trưng cho bốn chức
năng sinh hoạt của tri thức tạo ra tâm thần. Cấu hợp tri thức tức uẩn thứ năm là
biểu hiện của sự nhận biết cao nhất tức là khoảnh
khắc nhận thức minh bạch một đối tượng căn cứ vào sự cảm nhận toàn bộ của bốn
uẩn khác. Hầu hết các học phái xưa như Tì-bà-sa luận (Vaibhasika), Kinh lượng bộ (Sautrantika), Cụ duyên tông (Prasangika)...và
một số các tông phái Đại thừa quan niệm rằng cấu hợp tri thức (vijnana) gồm có sáu thể loại tri thức như sau :
1- tri thức thị giác (caksurvijnana)
2- tri thức thính giác (srotravijnana)
3- tri thức vị giác (ghranavijnana)
4- tri thức khứu giác (jihvavijnana)
5- tri thức xúc giác (kayavijnana)
6- tri thức tâm thần (manovijnana)
Năm tri thức đầu tiên là các tri thức giác cảm giữ vai trò cảm nhận các
đối tượng thuộc thế giới bên ngoài (ngoại cảnh). Các loại cảm nhận này mang tính
cách phiến diện và rời rạc, tương tợ như trường hợp năm người mù sờ con voi.
Tri thức thứ sáu là tri thức tâm thần
(manovijnana) giữ vai trò tiếp nhận,
phối kiểm và tổng kết các cảm nhận rời rạc trên đây để tạo ra một tổng thể hiểu
biết có tính cách mạch lạc hơn (toàn bộ hình tướng một con voi), giúp một cá thể
mở rộng sự nhận thức của mình đối với thế giới nên ngoài. Tri thức này còn được
gọi là mạt-na thức hay tri thức (consciousness) theo định nghĩa
của người Tây phương. Tóm lại thế giới mà một cá thể nhận thức hay hình dung trong
tâm thức tùy thuộc vào sáu thể loại tri thức trên đây. Đồng thời, cái "thế
giới" hiện ra với từng cá thể hoàn toàn mang tính cách chủ quan. Nhờ vào giáo
dục (học hỏi) và tính cách quy ước của ngôn từ mà mọi người hình dung ra thế giới
"giống nhau", thế nhưng trên thực tế mỗi người nhìn thấy thế giới
"hoàn toàn khác nhau" vì cái nhìn ấy bị ảnh hưởng bởi giáo dục, sự bén
nhạy của các cơ quan giác cảm và nghiệp lực chi phối tâm thức của mỗi cá thể.
Vết hằn của nghiệp
Mỗi khoảnh khắc hiển hiện trong tri
thức tương quan và liên kết với đối tượng do nó cảm nhận được và đồng thời lệ
thuộc vào những kinh nghiệm quá khứ tồn lưu trong tri thức. Các kinh nghiệm quá
khứ tô thêm "màu sắc" cho đối tượng cảm nhận, tức có nghĩa là ghép
thêm vào sự cảm nhận của tri thức một số "xúc cảm" nào đó. "Màu
sắc" hay "xúc cảm" tô thêm và ghép thêm vào sự cảm nhận của tri
thức liên hệ trực tiếp đến các vết hằn (cetana)
của quá khứ. Xin trở lại thí dụ về "tiếng sét ái tình", "tiếng
sét" là kết quả phát sinh từ sự diễn
đạt của tri thức khi nó góp nhặt và tổng kết các cảm nhận của giác cảm (hình
dáng, tóc tai, mặt mũi, cử chỉ, giọng nói, v.v... của đối tượng cảm nhận) và sau
đó thì ghép thêm vào các sự cảm nhận ấy các xúc
cảm và màu mè phát sinh từ nghiệp
trong quá khứ. Vì thế các sự cảm nhận
và diễn đạt đó mang tính cách chủ
quan rõ rệt, nói cách khác là một cá thể "nhìn" các đối tượng xuyên
qua cái tôi hay cái ngã của mình, tương tợ như chúng ta "nhìn" thế giới
xuyên qua các lăng kính của một ống nhòm, các lăng kính của ống nhòm tượng
trưng cho các xu hướng hay xung năng tâm thần tức là các nhân tố phát sinh từ
các vết hằn của nghiệp.
Tóm lại nghiệp lưu lại các dấu vết trên
dòng tiếp nối liên tục của tri thức. Tuy mỗi khoảnh khắc tạo ra dòng tiếp nối của
tri thức được xem như một "đơn vị", thế nhưng bản chất của từng
"đơn vị" vẫn là một sự cấu hợp (lệ thuộc vào đơn vị trước đó và tạo
ra các điều kiện làm phát sinh ra đơn vị tiêp theo sau, và đồng thời cất chứa vô
số vết hằn của nghiệp), vì thế mỗi đơn vị và toàn bộ tri thức đều mang bản chất
vô thường tức luôn luôn biến động. Nghiệp được ghi khắc hay tồn dư trong từng
đơn vị tri thức dưới thể dạng các vết hằn (cetana)
và tự nó cũng chuyển động theo với dòng tri thức, tức phát triển trong từng khoảnh
khắc để trở thành thể dạng chín muồi một lúc nào đó. Tuy nhiên quá trình chín
muồi đó cũng có thể tạm thời diễn tiến "chậm lại", hoặc bị "chận
đứng" trong một thời gian, hoặc cũng có thể hoàn toàn bị hóa giải, tất cả đều
tùy thuộc vào tác động của những nghiệp khác có sẵn hoặc sẽ phát sinh sau đó trên
dòng lưu chuyển không ngưng nghỉ của tri thức.
Các quan điểm khác về nghiệp
Trên đây là cách giải thích tác động
của nghiệp và sự vận hành của tri thức theo quan điểm của các học phái Nguyên
thủy (tức các học phái xưa) và một số học phái Đại thừa. Thế nhưng hai học phái
Duy thức (Yogakara-Cittamatra) và Trung
quán - Duy thức tông (Yogakara-madhyamika)
là hai học phái Đại thừa nghiêng nhiều về triết học nhất là tâm lý học, lại còn
đi xa và chi tiết hơn. Trong Nhập
Lăng-già kinh (Lankavatarasutra)
và trong các tập luận của Vô Trước (Asanga, sinh vào thế kỷ thứ IV) và của người
em là Thế Thân (Vasubandhu), người ta thấy tri thức (consciousness) được chia
làm tám thể loại, có nghĩa là ngoài sáu thể loại tri thức tạo ra một tổng thể
tri thức chung (vijnana) theo cách mô
tả trong Luận Tạng (Abhidharma), còn có hai thể loại tri thức
khác nữa là : tri thức ô nhiễm (klistamanas) mà kinh sách gốc Hán gọi là
nhiễm tâm, và tri-thức-căn-bản-của-tất-cả (alayavinana)
dịch âm là a-lại-da thức. Kinh sách
Hán ngữ dịch chữ alayavinana là tàng thức, có
nghĩa là tri thức cất chứa tất cả. Thật
ra hai cách phân chia tri thức thành sáu và tám thể loại trên đây không gây ra
một sự mâu thuẫn nào, sở dĩ có sự khác biệt là do hai cách giải thích khác nhau
về sự vận hành của tri thức, cách giải thích bằng tám thể loại có phần chi tiết
và tinh tế hơn so với cách giải thích bằng sáu thể loại.
Vậy tri thức thứ bảy và thứ tám
trong kinh Lăng-già và học phái Duy
thức của Vô Trước và Thế Thân là gì ? Tri thức thứ bảy hay nhiễm tâm (klistamanas) cũng
có khi được gọi là mạt-na thức là thể
loại tri thức làm phát hiện sự cảm nhận về cái
tôi hay cái ngã luôn luôn "ẩn
nấp" phía sau mọi sự nhận thức với tư cách là một chủ thể đứng ra nhận thức.
Thế nhưng cái tôi hay cái ngã thật ra chỉ là ảo giác và không
hề hiện hữu, do đó sự cảm nhận của tri thức thứ bảy là một sự sai lầm, và đấy là
lý do giải thích tại sao lại gọi tri thức thứ bảy là tri thức ô nhiễm.
Tri thức thứ tám gọi là a-lại-da thức nguyên
nghĩa tiếng Phạn là tri-thức-căn-bản-của-tất-cả
và cũng là tri thức quan trọng hơn hết. Với mục đích đơn giản hóa cho dễ hiểu có
thể tạm so sánh a-lại-da thức với tiềm thức (subconscious) trong khoa Tâm lý học
hiện đại. A-lại-da thức là nền tảng chống đỡ và cất chứa các vết hằn của nghiệp,
tượng tợ như tầng hầm của một căn nhà dùng để cất giữ tất cả những gì chưa cần
dùng đến ngay. Tuy nhiên a-lại-da thức không phải chỉ giữ chức năng cất chứa những
tồn tích từ các cảm nhận của một cá thể mà còn ghi khắc các xu hướng và xung năng
phát sinh từ những tồn tích ấy dưới dạng những vết hằn. Các vết hằn tiếp tục sinh
hoạt, thăng tiến và tương tác với nhau một cách kín đáo trong a-lại-da thức và
bất chợt vọt lên trên và ra khỏi a-lại-da thức bất cứ lúc nào để trở thành các chủng
tử (vasana) làm phát sinh ra tác ý (cetana). Tác ý tham gia vào sự sinh hoạt
của tri thức thông thường (vijnana) để
đưa đến các hành động tạo nghiệp (karma).
Hãy trở lại với sáu tri thức thứ nhất.
Năm tri thức đầu tiên lệ thuộc vào sự bén nhạy của năm cơ quan giác cảm. Các cơ
quan này ghi nhận các "cảm giác" khi tiếp xúc với các đối tượng bên
ngoài, tiếp theo đó tri thức thứ sáu tức tri
thức tâm thần (manovijnana) sẽ phối
kiểm, kết hợp và diễn đạt các cảm giác ấy. Sự hoạt động của tất cả sáu thể dạng
tri thức trên đây lệ thuộc vào các đối tượng của ngoại cảnh do đó sự sinh hoạt của
chúng mang tính cách "thô thiển" và "giai đoạn" tức không
thường xuyên và liên tục. Thí dụ đối với trường hợp một người mù thì thị giác bị
hỏng và tri thức thị giác không hoạt động. Trái lại sự sinh hoạt của tri thức
thứ bảy và thứ tám luôn luôn sinh động. Trong giấc ngủ, các cơ quan giác cảm kể
cả tri thức thứ sáu không hoạt động, thế nhưng tri thức thứ bảy và thứ tám vẫn
hoạt động bình thường không ngưng nghỉ, vì thế những gì xuất hiện trong giấc mơ
chỉ là những hình ảnh tâm thần tức không liên hệ với các đối tượng thuộc bối cảnh
bên ngoài. Kể cả trong giấc ngủ thật sâu hoặc những lúc hôn mê (coma) tri thức
thứ bảy và thứ tám vẫn tiếp tục hoạt động, nhờ đó thân xác không trở thành một
xác chết và khi tỉnh lại ta vẫn nhớ được những gì trước khi ngủ. Tóm lại tri thức
thứ bảy là một thể dạng tri thức làm nhịp cầu trung gian liên kết sự sinh hoạt
của tri thức thứ sáu mang tính cách nhất thời và thứ tám mang tính cách thường
xuyên.
Tri thức thứ bảy là một thể dạng tri
thức bấn loạn làm hiển lộ cái ngã. Sự
hoạt động vô minh của nó trực tiếp liên kết với a-lại-da thức vì thế nó cũng gây
ra ô nhiễm cho a-lại-da thức bằng cách để lại dấu tích của một cái tôi do chính nó làm phát lộ và cả các
vết hằn của nghiệp phát sinh từ sự diễn đạt của tri thức thứ sáu. Sự sinh hoạt của
a-lai-da thức mang tính cách thường xuyên và liên tục và nhờ đó mà a-lại-da thức
đã giữ vai trò chuyển tải các vết hằn của cái tôi và của các nghiệp khác từ kiếp
sống này sang kiếp sống khác. Nói cách khác a-lai-da thức là một thể dạng tri
thức luôn luôn năng hoạt, tiềm ẩn và sâu kín, nối liền cái chết và sự tái sinh
và mang theo với nó tất cả các dấu vết của nghiệp. Tóm lại chức năng của
tri thức thứ bảy là làm hiển lộ cái tôi tức là một biểu hiện của vô minh, một
thứ vô minh tuy tối tăm nhưng lại mạnh mẽ nhất trói buộc một cá thể trong vòng
luân hồi. Vậy nghiệp và luân hồi liên quan với nhau như thế nào
?
Nghiệp và luân hồi
Trong số trùng trùng điệp điệp những
mối dây liên kết và buộc chặt mọi hiện tượng trong vũ trụ qua quy luật tương liên
và tương kết (pratityasamutpada) Đức
Phật đã chọn ra mười hai mối dây kết nối nhau (dvadasanga pratityasamutpada) trực tiếp liên quan đến các chúng
sinh có giác cảm, có nghĩa là trong số này có cả chúng ta. Sự hiện hữu của chúng
ta là một chuỗi dài tiếp nối giữa nguyên nhân và hậu quả : nguyên nhân này sinh
ra hậu quả kia, hậu quả kia lại sinh ra nguyên nhân khác, (chữ lý duyên khởi trong kinh sách Hán ngữ dùng
trong trường hợp này rất phù hợp, thế nhưng nếu dùng để chỉ một thể dạng bao quát
hơn tức là sự tương liên giữa mọi hiện tượng - pratityasamutpada - thì không được thích nghi lắm). Chuỗi tiếp nối đó
biểu hiện những hành động (nghiệp) của chúng ta trong quá khứ và trong hiện tại,
và đồng thời tạo ra các nguyên nhân mới đưa đến sự hiện hữu của chúng ta trong
tương lai. Chuỗi dài tiếp nối của mười hai "nút thắt" hay mối dây nhân-quả (nidana) đó gọi là thập nhị nhân
duyên và thường được tượng trưng bằng một bánh xe gọi là bánh xe luân hồi,
bánh xe của sự sống, bánh xe của sự hiện hữu, bánh xe xoay vần của nghiệp lực,v.v...,
tiếng Phạn là bhavacakra
Vòng ngoài cùng của bánh xe luân hồi
(bhavacakra) được tượng bằng 12 hình ảnh
(xem hình). Tuy nhiên trong khuôn khổ tìm hiểu sự vận hành của nghiệp đưa đến sự
tái sinh thì chúng ta chỉ cần quan tâm đến ba mối dây nhân-duyên (nidana) đầu tiên cũng đủ giải thích tại
sao chúng ta lại đang hiện hữu trong cảnh huống như thế này. Ba mối dây ấy như
sau :
Bánh xe của sự hiện hữu
trói buộc
(tượng trưng cho thế giới
ta-bà)
1- Vô minh (avidya) : là mối dây thứ nhất, tựng trưng bởi một
người mù đang chống gậy (hình phía dưới bên trái). Đó là khởi điểm của tất cả mọi
thứ nghiệp, tượng trưng cho sự thiếu hiểu biết về Tứ Diệu Đế và không thấu triệt
bản chất của sự hiện hữu là gì. Kinh sách gọi sự thiếu hiểu biết và không thấu
triệt ấy là vô minh tự tại (sahajavidya), Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thì gọi
đấy là vô minh nguyên thủy. Đấy là một
thể dạng hoang mang và xao lãng tâm thần khiến ta không nhìn thấy bản chất đích
thực của chính mình. Dưới sự chi phối của thể dạng vô minh đó ta không nhận ra
bản chất ảo giác của mọi hiện tượng và nhất định cho chúng là thật, và từ sự lầm
lẫn hay vô minh đó ta tưởng tượng ra một "cái tôi" làm chủ thể để nắm
bắt các hiện tượng ảo giác ấy. Sự "tưởng tượng" đó phát sinh từ sự sinh
hoạt của tri thức thứ bảy (klistamanas)
và khiến cho tri thức thứ tám là a-lai-da
thức bị ô nhiễm. Sự ô nhiễm gây ra bởi "cái tôi" ảo giác trong
a-lại-da thức chính là nguyên nhân nguyên
thủy đưa đến sự tái sinh.
2- Sự tạo nghiệp (samskara)
: là mối dây thứ hai trong thập nhị nhân duyên gọi là hành tiếng Phạn là samskara,
tức có nghĩa là sự tạo nghiệp, và đấy
cũng là chức năng diễn đạt của cấu hợp thứ tư hay uẩn thứ tư (cũng gọi là samskara)
trong ngũ uẩn đối với các cảm nhận của
ngũ giác. Mối dây tạo nghiệp được tượng trưng bởi một người thợ đồ gốm (hình ảnh
thứ hai sau người mù, nhìn theo chiều kim đồng hồ) đang nắn một cái bình bằng đất
sét đặt trên một bàn quay. Hình ảnh nhào nặn tượng trưng cho xung năng hay xu
hướng phát sinh từ nghiệp trong quá khứ, thúc đẩy người thợ đố gốm nặn ra một cái
bình phù hợp với xung năng của mình. Hành động nắn một cái bình tượng trưng cho
ý chí hay ý định tức là tác ý trong tâm thức. Hành động đó vừa lệ thuộc vào
nghiệp lại vừa mang tính cách chủ động (hai khía cạnh này của nghiệp cũng đã được
trình bày trong phần trên đây).
3- Tri thức (vijnana) : là
mối dây thứ ba tượng trưng bởi một con khỉ trèo trên cây (hình thứ ba, sau người
thợ đồ gốm), nhảy từ cành này sang cành khác, vừa buông quả này lại với đến quả
kia. Đấy là hình ảnh tượng trưng cho sự đòi hỏi, ham muốn đưa đến sự "nhận
biết" về thế giới này dưới sự chi phối và kiềm tỏa của nghiệp. Đấy là thể
dạng tri thức gắn liền với sự tái sinh hàm chứa những xung năng của nghiệp
trong kiếp sống trước. Do đó tri thức là mối dây kết nối giữa các sự hiện hữu với
nhau, từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, và tượng trưng cho một dòng tiếp nối
liên tục (continuum).
Tóm lại vô minh (avidya) đưa đến tạo nghiệp (samskara), tạo nghiệp tạo
ra tri thức (vijnana). Tri thức đồng thời cũng là chức năng của uẩn thứ tư trong
ngũ uẩn giữ vai trò diễn đạt mọi sự cảm
nhận tạo ra tình trạng tâm thần hay tâm thức của chúng ta trong cảnh huống
hiện tại.
Kinh Pháp Cú bắt đầu bằng hai câu
sau đây :
« Mọi hiện tượng đều do tâm ý mà ra,Tất cả đều sinh ra từ tâm
ý..."
Vì thế nên sự diễn tiến của ba mối
dây đầu tiên trong thập nhị nhân duyên xảy ra như sau : vô minh (1) sinh tạo nghiệp (2), tạo
nghiệp (2) sinh tri thức (3), và tri
thức (3) (consciousness) chính là tâm
thần (mental) hay tâm thức (spirit)
mà chúng ta đang có trong lúc này, nói cách khác đấy vừa là căn nguyên vừa là nền
móng của sự hiện hữu của chính chúng ta trong hiện tại. Kinh sách gọi chung ba mối
dây ấy là các yếu tố phóng tưởng hay tạo dựng (projective factors - tiếng Phạn : aksepakanga) tạo ra cảnh huống quy định cuộc sống hiện tại của mỗi chúng
ta và đồng thời chuẩn bị tạo ra cảnh huống mới cho các kiếp sống tiếp theo. Tóm
lại nghiệp không nhất thiết là những gì thuộc quá khứ mà thật ra còn là những
hành động đang xảy ra trong từng giây phút của hiện tại để góp phần vào việc kiến
tạo tương lai.
Sự tiếp nối của nghiệp qua các kiếp sống
Sau
hết xin nêu lên một khía cạnh khá "gai góc" nếu không muốn nói là "nghịch
lý" liên quan đến khái niệm về nghiệp. Đó là cái "cảm giác" của
một cá thể trong kiếp sống hiện tại phải nhận chịu hậu quả phát sinh từ một
hành động do một "cá thể khác" đã thực thi trong kiếp sống trước. Vậy
phải nhìn vấn đề này như thế nào ?
Xin nêu lên hai giả thuyết như sau :
1- Nếu một cá thể (pugala) nào đó thực thi một hành động và
sau đó cũng chính cá thể ấy "đầu thai" để nhận lãnh hậu quả phát sinh
từ hành động trước đó của nó thì trong trường hợp này sẽ không có gì biến đổi hay
thay đổi giữa hai kiếp sống : "cái tôi" hay "cái ngã" đương
nhiên trở thành trường tồn và bất biến và mang tính cách hoàn toàn cá thể.
2- Nếu có một cá thể thực thi một
hành động và lại có một cá thể khác, hoàn toàn ngoại lai không liên hệ gì với
cá thể thực thi hành động trước đây phải đứng ra nhận lãnh hậu quả của hành động
ấy, thì trong trường hợp này sẽ xảy ra một sự nghịch lý hay phi lý đối với quy
luật tương liên và tương tác giữa mọi hiện tượng (pratityasamutpada, interdependence hay lý duyên khởi), bởi vì cá thể
hành động và cá thể nhận lãnh hậu quả không liên hệ gì với nhau, mỗi cá thể tượng
trưng cho một sự chấm dứt trọn vẹn. Đó là một cách phá vỡ cấu trúc của hiện thực,
tức không tôn trọng quy luật nối kết giữa mọi hiện tượng. Đấy là chưa nói đến sự
mâu thuẫn trong cách biện luận vì giữa hai cá thể thì không có sự tương liên thế
nhưng hành động thì lại tạo ra hậu quả.
Trường hợp thứ nhất tượng trưng cho chủ nghĩa trường tồn (eternalism) và trường
hợp thứ hai tượng trưng cho chủ nghĩa hư
vô (nihilism), Trong khi đó Phật giáo luôn luôn chủ trương con đường Trung Đạo
tức đứng giữa hai cực đoan trên đây. Vậy thì theo Phật giáo "ai" đứng
ra nhận lãnh cái gánh nặng phát sinh từ một hành động do một cá thể "khác"
thực thi ?
Trước hết xin trích dẫn một lời thuyết
giảng của Đức Phật trong Kinh người vác
gánh nặng (Bhara-sutta) như sau :
"Này
các tỳ kheo, vậy cái gánh nặng là gì ? Cái ấy được diễn đạt (giải thích) bằng
danh xưng gọi là sự chiếm hữu (bám víu) của năm thứ cấu hợp (ngũ uẩn) [...].Đấy
gọi là gánh nặng. Vậy ai là người vác cái gánh nặng ấy ? Cái ấy (cá thể ấy) được
diễn đạt bằng danh xưng của một nhân dạng mang tính cách cá thể. [Thí dụ] người
này hay người kia, mang tên như thế này hay như thế kia, xuất thân từ gia đình
này hay gia đình nọ, v.v... Đấy chính là người vác gánh nặng. Vậy khuân vác cái
gánh nặng là gì ? Ấy là sự thèm khát (tanha), nó sẽ mang lại sự tái-hiện-hữu và
tái-hình-thành [...]. Vậy ném bỏ cái gánh nặng là gì ? Đấy là sự chấm dứt (đình
chỉ) hoàn toàn sự thèm khát ấy, vứt bỏ nó, từ bỏ nó, tự giải thoát ra khỏi nó,
loại bỏ nó..."
(dựa
theo bản dịch của Môhan Wijayaratna (Samyuta-Nikaya,
Bhara-sutta, Les entretiens du Bouddha, Sueil, 2001, trang 187-188).
Khi năm thứ cấu hợp chiếm giữ một vật
thể thì vật thể ấy mang một danh xưng gọi là gánh nặng (nghiệp) và năm thứ cấu hợp cũng trở thành một cá thể (nhân dạng) để vác cái gánh nặng ấy.
Năm thứ cấu hợp không khuân vác gì cả, chỉ có một cá thể dưới hình thức một nhân
dạng mới vác cái gánh nặng mà thôi. Vậy cái gánh nặng ấy là gì ? Đấy là nghiệp
hay là sự hiện hữu trói buộc trong cõi ta-bà.
Cao siêu lắm thay một một lời giảng.
Suy tư về lời giảng ấy để mở rộng tầm nhìn thì ta sẽ không còn thắc mắc cá thể
nào là tác giả của một hành động và cá thể nào nhận lãnh tác động do hành động ấy
gây ra. Hành động và tác động liên hệ mật thiết với nhau, cá thể hành động và cá
thể nhận lãnh tác động cũng chỉ là một, bởi vì cá thể chỉ hình thành khi nào xảy
ra hành động. Sự hình thành của một cá thể không bao giờ ngưng nghỉ, nó liên tục
phát sinh từ những hành động tạo nghiệp, sự hình thành liên tục ấy chính là sự
hiện hữu của chúng ta trong thế giới này.
Sau đây xin trích dẫn thêm một câu
phát biểu của một triết gia lỗi lạc chuyên về triết học Ấn độ là Paul
Masson-Ourel (1882-1956). Lời phát biểu tuy không thể so sánh kịp với lời giảng
của Đức Phật trên mọi phương diện, thế nhưng cũng cho thấy cá thể nhận lãnh hậu
quả của một hành động cũng chính là cá thể đã thực thi hành động ấy :
"Số
phận nằm bên trong mỗi con người, số phận ấy là do mình tự tạo ra cho mình. Hiện
tại phản ảnh quá khứ của chính mình ; cả hiện tại lẫn quá khứ lại kiến tạo
tương lai cho chính mình. Quy luật chi phối cả hai lãnh vực đạo đức và vật lý ấy
thật chặt chẽ, không cho phép bất cứ ai thoát khỏi hậu quả phát sinh từ hành động
của chính mình, không có một sự may mắn hay tình cờ nào có thể giúp vượt ra
ngoài quy luật ấy, không có một sự tha thứ hay ân huệ thiêng liêng nào có thể
làm nhẹ bớt gánh nặng quá khứ của chính mình. Thật thế định mệnh là do mỗi người
tự tạo ra cho mình, vì trong từng giây phút một, mỗi người tự lèo lái cái định
mệnh của mình theo một chiều hướng nào đó để kiến tạo tương lai cho chính mình,
hậu quả phát sinh từ những hành động từ trước của mình (nghiệp) cũng tham dự vào
sự lèo lái ấy".
(P.
Masson-Ourel, La notion indienne de
liberté, Revue d'histoire de la Philosophie, avril-juin 1930, trang 3).
Thật vậy, một người tu tập không bao
giờ nên tự nhìn mình như một thực thể cố định. "Chúng sinh" (être - being) chỉ là một danh xưng, một tên
gọi mang tính cách quy ước vì chữ "chúng sinh" chỉ có nghĩa là năm
thứ cấu hợp gồm thân xác vật chất và bốn thể loại sinh hoạt của tri thức gọi
chung là tâm thần (mental- spirit). Hình
tướng hay nhân dạng mà ta đang có chẳng qua là những biểu hiện tạm thời của
nghiệp. Nghiệp và chúng ta níu kéo nhau để cùng nhau liên tục hình thành, vì thế
không thể nào quy định cho "nhân dạng này" tạo nghiệp và "nhân dạng
kia" hưởng quả. Đấy chỉ là một cách nhìn quá đơn giản và thô thiển. Một nhân
dạng trong hiện tại là kết quả của một sự kết hợp gồm vô số nghiệp phát sinh từ
thật nhiều nhân dạng đã tái sinh liên tục trước đó. Một nhân dạng đang tạo nghiệp
- dù tích cực hay tiêu cực - trong kiếp sống sau có thể chưa gặp được ngay cơ
duyên thuận lợi để nhận lãnh quả, bởi vì còn có sự tác động của vô số các nghiệp
khác chen vào để hóa giải hay hoãn lại sự tạo quả của các nghiệp ấy.
Trên đây là hai trích dẫn : một là lời
giảng huấn của Đức Phật và một là lời phát biểu của một triết gia Tây phương.
Thế nhưng trong suốt lịch sử phát triển của Đạo Pháp đã từng có vô số các vị đại
luận sư đại diện cho thật nhiều học phái đã đưa ra những lời giải thích về vấn
đề này. Vậy các vị ấy đã giải thích như thế nào ?
Trong Di-lan-đà kinh (còn gọi là Na-tiên
Tỳ kheo kinh - Milandapanha) chép
lại rằng nhà vua Di-lan-đà (Milanda thế kỷ thứ II trước Tây lịch) hỏi nhà sư
Na-tiên (Nagasena) như sau :
"-
Nếu người ta đốt một ngọn đuốc, thì nó có cháy được suốt đêm hay chăng ?
-
Nhất định là có.
-
Ngọn lửa vào canh cuối cùng trong đêm có phải là ngọn lửa vào canh hai hay
chăng, và ngọn lửa vào canh hai có phải một thứ với ngọn lửa vào canh một hay
chăng ?
-
Không.
-
Thế thì trong ba canh, mỗi canh phải có một ngọn đuốc khác, có phải thế không ?
- Không. Chỉ
có một ngọn đuốc duy nhất đã cháy suốt đêm.
-
Cũng thế, thưa Đại vương, sự tiếp nối của các hiện tượng (dhamma) không ngưng
nghỉ : hiện tượng này biến đi thì hiện tượng kia sinh ra ; tương tợ như giữa
hai hiện tượng không có cái nào trước, cái nào sau. Vì thế không phải cùng một
người, cũng không phải là một người khác đã nhận lãnh hậu quả tác động sau cùng
của tri thức".
(theo
bản dịch tiếng Pháp của Louis Finot, Les
questions de Milanda, Ed. Dharma,
1983, tập II).
Trong một đoạn khác nhà vua
Di-lan-đà lại hỏi :
"-
Này tỳ kheo Na-tiên, thế cái gì tái sinh ?
-
Danh-xưng-và-hình-tướng.
- Có
phải là Danh-xưng-và-hình-tướng hiện tại tái sinh hay không ?
-
Không. Danh-xưng-và-hình-tướng hiện tại thực thi một hành động tốt hay xấu ; và
chính vì hậu quả của hành động ấy mà một Danh-xưng-và-hình-tướng khác tái sinh.
- Nếu
không phải là Danh-xưng-và-hình-tướng trước kia tái sinh, thì
Danh-xưng-và-hình-tướng sau này đâu có vướng mắc vào những tội đã vi phạm từ
trước.
- Nếu
không phải [đúng] cái Danh-xưng-và-hình tướng trước kia tái sinh [trở lại], thì
trên thực tế Danh-xưng-và-hình-tướng ấy vẫn tái sinh ; bởi vì nó tái sinh, cho
nên đấy không còn phải là Danh-xưng-và-hình-tướng của chính nó [trước kia].
- Hãy nêu lên cho trẫm
một thí dụ.
[...]
-
Vào mùa đông có một người nhóm một đống lửa trong ruộng của mình để sưởi, khi hắn
bỏ đi lại quên tắt. Lửa cháy lan sang ruộng người khác. Người này xin Đại vương
xét xử kẻ đốt ruộng mình. Nếu người bị kiện tự biện hộ như thế này : "Nào
tôi có đốt ruộng của người ấy đâu : đấy không phải là lửa mà tôi để lại vì quên
tắt, không phải [chính cái] lửa ấy đã làm cháy ruộng của hắn, vậy tôi không có
tội tình gì cả.
- Hắn
có tội.
- Tại
sao lại thế ?
- Bởi
vì dù cho hắn có nói gì đi nữa thì ngọn lửa sau cùng (đốt cháy ruộng của người
khác) vẫn liên hệ với ngọn lửa lúc khởi đầu (mà hắn quên dập tắt).
-
Thưa Đại vương, đối với Danh-xưng-và-hình-tướng thì cũng tương tợ như thế."
(theo bản dịch tiếng Pháp của Louis Finot, op. cit.)
Nếu nhìn vấn đề dưới một
khía cạnh khác thì chúng ta thấy các luận sư Phật giáo cho rằng tri thức
(consciousness) nói chung đã giữ vai trò tiếp nối liên tục giữa các sự hiện hữu.
Một cách tổng quát có hai cách giải thích sự liên tục đó : cách thứ nhất hình
dung một dòng tri thức không gián đoạn (continuum) gồm những khoảnh khắc tiếp nối
nhau, cách thứ hai là mô tả một thứ tri thức sâu kín (a-lại-da thức) hoạt động liên tục và làm căn bản cho các kiếp sống liên
tiếp. Vấn đề này đã được trình bày trong phần trước đây và chỉ xin tóm lược lại
vài quan điểm chính do các học phái khác nhau chủ trương.
Theo học phái
Tì-bà-sa-luận (Vaibhasika) thì dòng lưu chuyển liên tục của tri thức giữ vai
trò chống đỡ cho chuỗi tiếp nối không ngưng nghỉ, liên kết giữa hành động và hậu
quả, hết kiếp này sang kiếp khác. Học phái này cho rằng sự hoạt động của tri thức
tâm thần khác với sự hoạt động của năm tri thức giác cảm, vì tri thức tâm thần hoạt
động liên tục kể cả trong giấc ngủ thật sâu, trong lúc hôn mê và trong những
lúc thiền định về sự tĩnh lặng tức là sự đình chỉ của tâm thức, kể cả trong
giai đoạn xảy ra cái chết, trong khi đó năm tri thức giác cảm chỉ hoạt động khi
nào có sự tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài. Các học phái xưa khác, trong số
này có học phái Kinh lượng bộ (Sautrantika) thì cho rằng nghiệp hình thành dưới
một thể dạng không hẳn là tâm thần cũng không hẳn là vật chất, thể dạng này giữ
vai trò liên kết giữa hành động và hậu quả, đó là một nhân tố "tồn lưu"
hay "tồn tích" trong tri thức giữ vai trò tạo ra quả trong tương lai
và nối liền các sự hiện hữu.
Theo Pháp Xứng
(Dharmakirti, thế kỷ thứ VII) thuộc học phái Duy thức (Cittamatra) thì dòng tiếp
nối liên tục của tri thức tâm thần giữ vai trò chống đỡ và chuyển tải các vết hằn
của nghiệp từ sự hiện hữu này sang sự hiện hữu khác. Vô Trước (Asanga) sáng lập
học phái Duy thức (Yogacara) và người em là Thế Thân (Vasubhandu) cả hai giải
thích rằng các dấu vết hay tồn dư của nghiệp được cất chứa trong tri-thức-căn-bản-của-tất-cả tức là a-lại-da thức (alayavijnana). Các dấu vết hay tồn dư đó sẽ chuyển thành các chủng
tử làm phát sinh ra quả. Sự sinh hoạt liên tục của a-lại-da thức giữ vai trò liên
kết giữa các sự hiện hữu. Cách giải thích của Vô-Trước và Thế thân được chấp nhận
một cách rộng rãi trong các học phái Đại thừa nhất là Phật giáo Tây tạng.
Tuy nhiên chúng ta cũng
có thể nghĩ rằng chỉ có Đức Phật mới hiểu được nghiệp là gì và sự tái sinh của
một cá thể là gì. Trí thông minh quy ước của chúng ta chỉ đủ để suy ngược trở lại
nguồn gốc của mình kể từ thế hệ cha mẹ đến ông cố bà cố, cha mẹ của ông cố bà cố...,
và nếu được như thế cũng đã là nhiều. Trong khi đó trong đêm giác ngộ, vào canh
hai Đức Phật quán thấy tất cả tiền thân của Ngài trong quá khứ và của từng chúng
sinh một cũng như hoàn cảnh mà họ sẽ tái sinh... Sau đây là một đoạn tóm lược trích
dẫn từ kinh Trung A Hàm :
..."Sang canh hai, Tất-đạt-đa lần lượt hội nhập vào tất cả sáu cõi
chúng sinh trong thế giới ta-bà, quán thấy thật chi tiết các kiếp sống của
chính mình trong quá khứ và đồng thời cũng nhìn thấy trước hoàn cảnh sẽ tái
sinh của từng chúng sinh một trong tương lai, dù đấy là các chúng sinh tầm thường
hay lừng danh, xinh đẹp hay xấu xí, dù các chúng sinh ấy sẽ tái sinh trong một
kiếp sống thuận lợi hay khó khăn", (Trung A Hàm, 36).
Chỉ có trí tuệ siêu nhiên
và trực tiếp của Đức Phật mới quán thấy được sự vận hành trọn vẹn của nghiệp, cái
"thông minh" quy ước, hạn hẹp và thô thiển của chúng ta nhiều lắm thì
cũng chỉ đủ để suy luận một cách gián tiếp để cố gắng tìm hiểu sự vận hành ấy là
gì. Dù sao thì chúng ta cũng cứ cố gắng sử dụng những ngôn từ quy ước mà chúng
ta học hỏi được mà trao đổi với nhau để cầu mong tìm hiểu được phần nào những lời
giảng huấn của Đức Phật hầu giúp đỡ nhau trong việc tu tập. Một ứng dụng thực tế
nhất là người tu tập mỗi khi có một tác ý hiển hiện trong tâm thức thì phải quán
xét ngay xem đấy là một tác ý do vết hằn mang bản chất tích cực hay tiêu cực làm
phát hiện ra tác ý ấy. Nếu tác ý ấy biểu hiện cho một xung năng tiêu cực và đen
tối thì phải tức khắc chận nó lại, không cho nó phát hiện thành hành động trên
thân xác, ngôn từ hay trong tâm thức. Nếu tác ý ấy biểu hiện cho một xung năng
tích cực mang bản chất từ bi, thì nên phát động sự hân hoan và sung sướng trong
lòng để chuyển ngay nó thành những hành động cụ thể.
Lời
Kết
Nghiệp phát sinh trong tri
thức, in dấu trong tri thức, lưu giữ trong tri thức và được chuyển tải nhờ dòng
tiếp nối liên tục của tri thức. Sau đó nghiệp phát hiện trở lại trong tri thức,
tác động và làm phát lộ những ý định và chủ đích trong tri thức và chuyển những
ý định hay chủ đích ấy thành ngôn từ hay hành động hướng vào các đối tượng bên
ngoài. Tri thức lại tiếp nhận những phản hồi của
những hành động đó để ghi lại những vết hằn mới trên dòng lưu chuyển bất tận của
nó.
Trên dòng trôi chảy liên tục đó của
tri thức, tư duy (samskara) thúc đẩy
nhau như những gợn sóng trên mặt một dòng sông, và tác ý (cetana) theo đó cũng cũng bị cuốn trôi để hòa nhập và trôi chảy
theo. Kết quả là nghiệp (karma) không
ngừng hình thành, tương tợ như những gợn sóng trên mặt một dòng nước.
Nếu hiểu theo học phái Duy thức thì
tri thức thứ sáu liên tục kết hợp, hệ thống hóa và diễn đạt mọi sự cảm nhận hầu
mang lại sự hiểu biết quy ước và phía sau sự hiểu biết đó tri thức thứ bảy làm
hiển hiện thường xuyên một "cái tôi" trường tồn. Sự hiện hữu của
"cái tôi" hiện ra một cách kín đáo hay lộ liễu phía sau mọi sự diễn đạt
quy ước tượng trưng cho vô minh. "Cái tôi" ấy và những sự diễn đạt của
nó dưới thể dạng tác ý (cetana) lưu lại
dấu vết trong thể dạng tri thức thứ tám là a-lại-da
thức. Nếu "cái tôi" không hiện hữu và cũng không có một sự diễn đạt
nào thì a-lại-da thức (alaiyavijnana) cũng sẽ trở nên trong suốt
tương tợ như nước thật tinh khiết trong một dòng sông im lìm, không một gợn sóng,
không chuyển tải một cọng rác, một chiếc lá khô hay một hạt phù sa nào.
Đức Đạt-lai Lạt Ma thường giải thích
là dòng tri thức của mỗi cá thể gồm những khoảnh khắc tiếp nối nhau liên tục từ
kiếp sống này sang kiếp sống khác, xuyên qua giai đoạn trung gian là cái chết,
kể cả sau khi đã đạt được thể dạng giác ngộ. Vì thế thiết nghĩ có thể tạm mượn
hình ảnh cụ thể và đơn giản của một dòng sông yên lặng trên đây để tượng trưng
cho mục đích tu tập. Thật vậy trên đường tu tập đôi khi cũng có thể xảy ra trường
hợp nhầm lẫn giữa phương tiện và cứu cánh. Phật giáo có 84 000 phương tiện thiện xảo (upaya), con số này mang tính cách tượng
trưng trong truyền thống văn hóa Ấn độ, do đó cũng có thể nghĩ rằng mỗi chúng
sinh phải cần đến một phương tiện thiện xảo riêng cho mình, vì thật ra không có
hai chúng sinh hoàn toàn giống nhau. Trong khi đó cứu cánh thì chỉ có một tức là
sự Giải thoát. Đức Phật có nói : "Nước biển chỉ có một vị mặn, Đạo Pháp
của Như Lai cũng chỉ có một vị duy nhất, đấy là sự Giải thoát". Vậy
hãy đơn cử một thí dụ cụ thể, Tây phương cực lạc là một phương tiện thiện xảo, thế nhưng nhiều người lại cứ tưởng đấy là cứu cánh. Vậy cực lạc trong cõi Tây phương
có nghĩa là gì ?
Cực lạc là sướng tột đỉnh, sướng vô
cùng, sướng tối đa. Vậy thì ai sướng hay cái gì sướng ? Thị giác sướng, thính
giác sướng, khứu giác sướng, vị giác sướng, xúc giác sướng hay cấu hợp tri thức
sướng ? Sướng là một sự diễn đạt thuộc chức năng của uẩn thứ tư (samskara) trong ngũ uẩn, và sự diễn đạt
của uẩn thứ tư ấy chính là sự tạo nghiệp.
Phía sau cái sướng đó có một "cái tôi" thật to lớn ẩn nấp để bám víu.
Chính tri thức thứ bảy đã tạo dựng ra "cái tôi" ấy để buộc chặt một cá
thể vào chu kỳ luân hồi.
Tóm lại cứu cánh của Phật giáo thật
ra không khổ mà cũng chẳng sướng, không thuộc phương Tây mà cũng chẳng phải ở
phương Đông. Một cách đơn giản bởi vì :
Phía
sau sự tu tập không có người tu tập ; Phía
sau phép thiền định không có người hành thiền ; Phía
sau lòng từ bi không có người bồ-tát ; Phía
sau sự Giác ngộ không có người giác ngộ.
Dòng sông tuy vẫn chảy thế nhưng trên
mặt sông và bên trong dòng nước, trên thượng nguồn hay dưới hạ lưu, bản chất của
nước chỉ là một, không một mảy may khác biệt, tương tợ như nước không chảy, như
một dòng sông yên lặng. Đấy là hình ảnh của sự "ngưng nghỉ" hay sự "đình
chỉ" (nirodha) của một tâm
thức không tạo nghiệp. Tuy đình
chỉ thế nhưng tâm thức ấy vẫn lưu chuyển như một dòng sông. Nghiệp phát
sinh từ một tâm thức vọng động sẽ tạo ra thế giới, nghiệp phát sinh từ một tâm
thức vắng lặng sẽ làm hiển hiện ra niết bàn.