Phật Học Online

Phải chăng “Họa Vô Đơn Chí” là số phận?
Thích Nhật Từ

Hỏi: Cách đây không lâu, con trai tôi bị tai nạn khi đến chơi nhà bà ngoại. Tai nạn đã cướp đi của cháu một cánh tay. Suốt những tháng qua, bố mẹ chồng và hàng xóm thường xuyên lời ra tiếng vào rằng vì bà ngoại sơ ý nên cháu mới bị như vậy. Bố mẹ đẻ của tôi rất đau buồn vì chuyện này. Bố tôi vốn bị tiểu đường biến chứng sau khi cháu bị tai nạn đã ốm liệt giường. Mẹ tôi thì suy sụp về tinh thần, lúc nào cũng khóc. Tôi rất thương bố mẹ, chuyện cháu bị như vậy âu cũng là số phận, tôi không thể cấm bố mẹ chồng hay hàng xóm xì xào, trách móc, vậy tôi nên an ủi bố mẹ tôi thế nào để các cụ bớt mặc cảm? Hoàng Lan Chi, Bắc Ninh

blank

Trả lời:

Chị Lan Chi và quý quyến kính mến! Cần phải thấy rõ rằng nỗi đau không thể nào bù đắp được trong câu chuyện thương tâm của gia đình chị là sự “mất đi cánh tay" của con trai chị do tai nạn. Do không khéo xử lí cảm xúc trong đau thương, cha chị “ốm liệt giường", mẹ chị “suy sụp tinh thần" và “lúc nào cũng khóc". Bố mẹ chồng của chị cùng với người hàng xóm không thông cảm về chuyện đã rồi nên có khuynh hướng “lời ra tiếng vào", khiến chị, người mẹ đau khổ, lại càng buồn tủi và tiếc nuối nhiều hơn. Để “giải phóng” nỗi bất hạnh trên một cách an toàn, tôi nghĩ chị nên nhìn tổng thể vấn đề nhằm nỗ lực chuyển hoá “nỗi đau chung”, thay vì chỉ tập trung trợ giúp cha mẹ ruột vượt qua sự day dứt và mặc cảm. Việc trị liệu và hàn gắn này phải “dần dà” và vô cùng tế nhị, khéo léo; từng bước tạo sự nguôi ngoai ở từng người, gia tăng sự đồng cảm của các thành viên và các bên trong cuộc:

  1. Đối với cha mẹ chồng, chị nên nhờ chồng chị khéo giải thích với ông bà nội của cháu rằng: Tai nạn có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở đâu, lúc nào. Dù đi đến “nhà nội” hay “nhà ngoại” chỉ cần một bất cẩn nhỏ thì tai nạn vẫn xảy ra như một quy luật. Tai nạn là nỗi đau chung. Trong câu chuyện này, không ai có lỗi cả. Chồng chị nên phân tích và giải thích cặn kẽ để tìm sự cảm thông, anh ấy cũng dễ thuyết phục ông bà nội cháu hơn là chị, vốn có thể bị hiểu lầm là bênh vực cha mẹ ruột của mình. Trong tình huống nỗi đau do tai nạn, đổ lỗi cho nhau không phải là giải pháp, lại càng làm vết thương lòng ở mỗi bên bị lở loét thêm. Đừng để cho tai nạn “mất cánh tay” của con chị tạo ra thêm nỗi đau “mất tình thân” ở xui gia là điều không nên.
  2. Đối với cha mẹ ruột, chị nên phân tích về tai nạn như đã nhờ chồng nói với ông bà nội cháu. Chị có thể gợi lại những hình ảnh thân thương, cảm động đầy trách nhiệm của ông bà đối với cháu nói chung và con trai chị nói riêng. Sự phân tích rõ ràng về tính rủi ro của tai nạn, cùng với sự khẳng định tình cảm tốt đẹp, trách nhiệm của ông bà với con chị sẽ góp phần giúp cha mẹ chị buông bỏ được mặc cảm tội lỗi, mặc dù trên thực tế theo nhân quả và luật pháp, hai ông bà không có tội lỗi gì cả. Ngay cả trong tình huống, cha mẹ ruột của chị có lỗi đi nữa cũng không nên tự dày vò bản thân, vì cách ứng xử tiêu cực này sẽ làm cho mẹ chị suy sụp tinh thần trong khi cha chị sẽ bị ốm nặng hơn. Thậm chí có thể tạo ra thêm nhiều bất hạnh khác nữa. Vấn đề là tìm giải pháp, giúp cháu sớm vượt qua nỗi đau mất tay, chứ không phải là sự trừng phạt cảm xúc lẫn nhau.
  3. Đối với con trai, chị nên khéo an ủi để cậu ấy có bản lĩnh vượt qua cơn đau đớn mất tay và mặc cảm khuyết tật. Chị có thể trích dẫn câu: “Có tật có tài” để khích lệ con chị biết đau thương này thành hành động vượt khó và thành công, như anh Nick Vujicic ở Can­ada cụt hai tay, chỉ có một khúc chân ngắn chưa đầy 3 tấc, đã trở thành nhà hùng biện nổi tiếng thế giới, lại còn biết chơi rành rẽ vài loại thể thao dành cho người khuyết tật. Hoặc chị có thể an ủi, động viên con chị rằng “mất một cánh tay” vẫn còn phước và may mắn hơn là mất hai cánh tay, hai chân và thậm chí cả mạng sống quý giá này. Nỗi đau và giọt sầu muộn không làm cho cánh tay bị mất lành lặn trở lại. Mất tay không phải là mất tất cả. Còn ý chí là còn có khả năng vươn lên trong thành công và hạnh phúc. Chân lý đơn giản này đôi lúc lại khó nhận ra.
  4. Đối với bản thân chị nên bình tĩnh, sáng suốt và có bản lĩnh chịu đựng hơn bao giờ hết, để giúp con chị và gia đình hai bên vượt qua khó khăn. Nếu chị buồn khóc thì mẹ ruột chị sẽ càng bị suy sụp tinh thần nhiều hơn. Nếu chị than vãn, cha ruột chị sẽ ốm bệnh nhiều hơn, mà lẽ ra ông nên an lòng, nghỉ dưỡng. Nếu chị trách móc, cha mẹ chồng sẽ có cớ, tiếp tục bàn ra tán vào, hờn trách cha mẹ ruột của chị.
  5. Đối với chồng, chị cần gần gũi, chia sẻ với anh để đón nhận sự được cảm thông và ủng hộ tinh thần từ anh, nhất là trong việc giúp cho cha mẹ chồng không còn giận dỗi bên xui gia nữa. Đây là thời gian vợ chồng chị cần gắn bó nhiều hơn, nhờ đó, hạnh phúc gia đình trở nên bền vững hơn.
Bằng những nỗ lực sáng suốt như trên, tôi tin chắc rằng chị và gia đình sẽ sớm vẫy tay chào vĩnh viễn với nỗi đau khó tả này. Chúc chị thành công trong nỗ lực hàn gắn và trị liệu.

thuvienhoasen.org


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage