Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật
Giáo Việt Nam Net)
Bản
thảo được đưa vào bảo tàng
Trong gian trưng
bày đầu tiên của Bảo tàng Khảo cổ học mang tên Giáo sư, Viện sĩ Phạm Huy
Thông của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tại xã Yên Giang, huyện Yên
Hưng, tỉnh Quảng Ninh, các bạn dễ dàng nhận ra phần giới thiệu các Bản thảo công trình khảo cổ học.
Đó là một bàn hộp
màu trắng sắp đặt một số hiếm hoi những bản thảo chuyên ngành mà cán bộ
bảo tàng này cất công sưu tầm từ gần chục năm nay.
Trong đó, chiếm vị
trí quan trọng là công trình Chùa
Việt Nam của ba tác giả Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Cự và Phạm Ngọc
Long. Đây có lẽ là một trong rất ít công trình sách khảo cổ học được tái
bản nhiều lần đến như vậy.
Bản thảo cuối cùng
được trưng bày ở đây là bản thảo dành cho lần tái bản thứ 4 do NXB Thế
giới ấn hành, vừa nhận được từ nhóm tác giả vào ngày 5/6/2010, cạnh đó
còn các bản thảo lần thứ 2, thứ 3.
Tôi có may mắn quen
biết cả ba tác giả và cũng được đọc
Chùa Việt Nam từ lần ra mắt đầu tiên, năm 1993 do NXB Khoa học Xã
hội ấn hành. Các tác giả đều là những người đã từng lăn lộn gần như cả
đời người với chuyên ngành khảo cổ học mà số tuổi đời của cả ba cộng lại
cũng vượt quá con số 200 năm.
Họ đều là những
ngòi bút đã vượt qua hoặc vừa bước tới ngưỡng “thất thập”. Giáo sư Hà Văn Tấn vốn là một tên tuổi đã
quá quen biết với chúng ta. Ngoài chức danh giáo sư khảo cổ từ khi vừa
qua tuổi 40, ông còn làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam gần 20
năm trời (1988 - 2006) và ít người biết rằng ông còn đảm nhiệm công việc
của một Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Hà Nội.
Nguyễn Văn Kự bắt
đầu những nhát cuốc khảo cổ đầu tiên khi còn rất trẻ, với tư cách thành
viên của Đội Khảo cổ học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cùng với nhiếp ảnh
gia cũng là đồng tác giả đã quá cố Phạm Ngọc Long, ông cũng là người
say mê ống kính nhiếp ảnh từ khá sớm. Là một cử nhân chuyên ngành khảo
cổ, ông đã chuyển tải những góc nhìn chuyên môn rất sâu sắc và sống động
vào ống kính nhiếp ảnh của mình.
“Phủ
kín” phạm vi khảo cứu trên cả nước
Công trình Chùa Việt
Nam ra mắt lần này là sự
tiếp nối mạch đề tài hấp dẫn ở một quy mô lớn hơn nhiều lần. Nếu như ở
lần in thứ nhất năm 1993 (bằng hai thứ tiếng Việt, Anh), Chùa Việt Nam chỉ giới thiệu được 42
ngôi chùa trên 19 tỉnh (chủ yếu ở đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ),
lần in thứ hai bằng tiếng Anh ở NXB Thế giới năm 2008, các tác giả đã bổ
sung lên 53 chùa.
Đặc biệt lần ra
mắt sau đó 1 năm, năm 2009, tức lần xuất bản thứ 3 cũng do NXB Thế giới,
số chùa được khảo cứu, giới thiệu đã gần gấp đôi, với 99 chùa của 51
tỉnh, thành phố.
Để có một bứt phá
như vậy, nhóm tác giả đầu bạc này đã đầu tư một lượng công sức và tiền
của rất lớn vào cuộc điền dã các chùa miền Nam Trung bộ, đồng bằng Nam
bộ, Tây Nguyên... trong nhiều tháng ròng.
Không dừng lại ở đó,
nhận thấy Chùa Việt Nam còn
thiếu vắng ở một số tỉnh miền núi, hải đảo, nhóm tác giả lại quyết tâm
đi điền dã, lấy tư liệu để “phủ kín” phạm vi khảo cứu trên toàn bộ lãnh
thổ đất nước.
Kết quả đã tiếp
tục phát hiện, bổ sung thêm ở lần xuất bản thứ tư này 19 ngôi chùa hiếm
hoi và hẻo lánh nữa, đưa con số chùa Việt Nam được khảo cứu lên con số
118 ngôi của 61 tỉnh, thành phố (trừ hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu chưa
phát hiện được chùa).
Đó chính là một
bước tiến vượt bậc so với ba lần xuất bản trước. Các tác giả đã cố gắng
bao quát được kiến trúc Phật giáo ở phạm vi toàn quốc, cập nhật tư liệu
phát hiện mới nhất cho đến tận vào Hè năm 2010.
118 ngôi chùa trong
sách được trình bày từ “vùng lõi” Phật giáo Việt Nam (Bắc Ninh, Hà Nội)
mở ra xung quanh các tỉnh miền Bắc rồi đi vào miền Trung đến tận mũi Cà
Mau.
Ở mỗi ngôi chùa,
người đọc dễ dàng tìm thấy vị trí địa lý, lịch sử xây dựng chùa, gốc
tích thờ Phật, phân bố và ý nghĩa của các tượng thờ, bia ký, câu đối bên
trong cũng như niên đại, giá trị của các tác phẩm nghệ thuật khác trong
chùa.
Đó không phải chỉ
là những mô tả khô khan mang tính liệt kê, mà thực sự là những chỉ dẫn
sinh động, sắc gọn, kèm theo nhiều hình ảnh chi tiết, sinh động.
Để giúp độc giả dễ
tra cứu, các tác giả đã rất công phu sưu tầm các bình đồ chung nhất bố
trí tượng Phật trong chùa, xây dựng phụ lục tra cứu chùa theo tên tỉnh,
thành phố cũng như theo danh mục xếp hạng quốc gia của Bộ VH,TT&DL. Chùa Việt Nam vì thế không phải chỉ
là cuốn sách tôn giáo thuần túy dành cho tăng ni, phật tử hay những
người mến mộ đạo Phật, mà còn là sách đầu tay cho nhiều đối tượng độc
giả khác nữa, từ nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo đến những người yêu
mến kiến trúc lịch sử, yêu mến mỹ thuật cổ truyền, giáo viên, sinh viên,
học sinh...
Theo:
thethaovanhoa.vn