Phật Học Online

Giáo dục Thanh Thiếu niên Phật tử thời hội nhập
Ban Hướng dẫn Phật tử Trà Vinh

“Trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI con người phải tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa, kinh tế, chính trị, khoa học… từ bên ngoài vào, bao giờ cũng thế, ngọn gió nào cũng mang theo thanh phong và độc tố, gây cho con người những thứ bệnh sinh lý, tâm lí trầm kha”


Thế hệ thanh thiếu niên là những người tiếp cận với xã hội văn minh nhiều nhất. Tuổi trẻ năng động dễ hành động theo bản năng thích hợp cho những kế hoạch mới hơn là lo cho những công việc an bài, họ lao vào mục đích mà không biết xét phương tiện thích nghi.

Mỗi ngày họ tiếp xúc những hiện tượng tiêu cực và lung lạc theo thói hư tật xấu, mãi mê thái quá với những nhu cầu vật chất hiện đại. Cuộc sống hiện đại hóa ngày càng dẫn dắt lớp trẻ đi vào con đường sai lạc, trái nhân tính đạo đức, gây ảnh hưởng không nhỏ cho gia đình, xã hội, tiêu biểu là những vấn nạn: hút chích, tình dục, bạo lực… nhất là HIV sẽ cướp đi ước mơ tương lai của biết bao thế hệ trẻ.

Đóm lửa nhỏ cháy thành biển lớn
Con rắn con, lờn hóa đại xà.
Hoàng tử bé, thành quân vương đại đế
Tỳ kheo trẻ đắc đạo không xa.


Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, là mầm non, là chồi xanh của cuộc sống, thanh thiếu niên là thế hệ cây non của khu rừng già, nếu những cây non có sức sống và tiềm năng phát triển lớn mạnh thì khu rừng sinh thái sẽ được tồn tại. Những thanh thiếu niên có tiềm năng đạo đức và trí tuệ thì tương lai đất nước sẽ phát triển và ngày càng hưng thạnh.

Chính vì vậy, xây dựng một nền giáo dục và đào tạo cho thế hệ thanh thiếu niên trở thành con người Chn- thiện- my là bổn phận của những ai quan tâm đến tiền đồ của đạo pháp và dân tộc. Cần thực hiện cuộc cách mạng nội tâm với giới trẻ, giáo dục họ tránh xa những sa đọa đạo đức, xây dựng giá trị nhan bản trên tinh thần Văn- Tư- Tu, tạo điều kiện cho họ xem lại nếp sống của mình bằng lễ nghi.

Xây dựng đội ngũ thanh thiếu niên kiện toàn “Tài- Đức”, để đại diện cho Phật giáo đem chánh pháp vào cuộc đời xua tan màng đem vô minh đau khổ, và điều cần yếu là chúng ta giúp giới trẻ có sự nghiệp chân thật bằng trí huệ, chỉ có “Duy Tuệ Thị Nghiệp” mới đưa con người đến giác ngộ và giải thoát. Rousseau nhà cải cách giáo dục đã nói “Con người tự nhiên tốt, chính xã hội làm ung thối con người, sự tiến bộ góp phần làm cho con người đau khổ. Cần xây dựng lại nhân cách con người bằng giáo dục”. Vậy chúng ta sẽ giáo dục những gì cho những thanh thiếu niên trong thời hội nhập ? Xin trình bày một vài ý kiến như sau:

1. Thiết Lập Niềm Tin

Nguyên tắc truyền giáo của đạo Phật là luôn luôn cúi xuống từng số phận, ân cần chăm sóc từng chồi nụ tâm linh làm cho người Phật tử có lòng tin với chân lý. Tin phải hiểu, hiểu giúp cho tin thêm sáng mạnh, dạy cho giới trẻ khi tiếp thu giáo pháp phải biết phối kết Văn- Tư- Tu, sẳn sàng chờ đón, khát khao chánh pháp như “Đất khô hạn chờ cơn mưa trút xuống, như đóng rơm khô chỉ chờ một diêm quẹt phực phăng vào là bốc cháy” Luận Đại Trí Độ nói rằng: “Biển Phật Pháp bao la, nhưng có lòng tin là vào được”. Phật Pháp nhiều bao nhiêu cũng chỉ nói chân lý là thuyết minh Chánh Tri Kiến về mọi hiện tượng, về thãm trạng luân hồi, về khổ, hệ thống phiền não.v.v… tất cả phải nhận ra chỗ đầu mối đưa đến cái hiểu biết chân chính, cao cả. Thiết lập cho thanh thiếu niên tin vào Phật, Pháp, Tăng, tin khả năng giác ngộ của mình, tin vào Phật tánh hằng có trong chính mình, để có cách sống tốt thánh thiện đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Ở đời này lòng tin
Là tài sản tối thắng
Chánh pháp khéo tu tập
Đem lại chơn an lạc.


2. Sống với thực tiễn thực tại

Dạy cho các em biết sống với hiện tại, biết được hành động mình đang làm để được kết quả tốt trong tương lai là điều thiết thực nhất. Than thở tiếc nuối quá khứ hay mơ ước tương lai chẳng những để mình rơi vào chỗ phi thực, còn để mình vướng mắc vào rối loạn tâm lí. Nếu sống trong tư duy và mộng tưởng sai lầm, thì những bất như ý sẽ làm cho mình thêm phiền muộn.

Đạo Phật không hứa hẹn một thiên đàng xa xôi siêu thế, chỉ cần chúng ta nhìn thẳng vào thực tại, tìm ra những nguyên nhân đã gây cho ta bất hạnh và đau khổ, giúp trẻ có phương pháp thiết thực quán sát tự thân tự tâm bằng con đường tu tập thiền định, có những việc làm thánh thiện để được lợi mình lợi người.

Hiện tại là cái sống động mới mẽ đầy sáng tạo, là hòn đảo an toàn cho con người nương tựa để khỏi bị rơi vào trong đại dương phiền muộn của vọng tưởng.

3. Nhìn lại chính mình

Lối thường những thanh thiếu niên là những người có tính hiếu thắng và bản ngã rất lớn, các em chỉ nhìn thấy lỗi người xung quanh, mà không nhìn nhận ra những khuyết điểm mình đang có, chê bai nói xấu bạn bè mà quên đi những tính xấu đang hiện hữu trong mình.

Nhìn nhận lỗi lầm và sữa chữa khuyết điểm của các em vốn không khó nếu ta biết phương pháp thiết thực. Hãy luôn đề cao vị trí của các em và dạy các em tự làm chủ lấy mình, không có một bàn tay ngoại tại nào chi phối và sắp đặt cho chính mình. Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, tập cho các em biết bắt đầu từ sự quán sát và phân tích về tự thân mình đang hiện hữu ở đâu và làm gì.

Trong trường hợp sự giác tĩnh của một người có mặt, hay không đủ mạnh trong cái nhìn sự vật của người ấy, đặc biệt là cái nhìn vào nội phần của năm thủ uẩn, thì tà kiến và tư duy, hiểu như là nghiệp lực, khởi lên trong tâm người ấy và dẫn dắt người ấy đến tà nghiệp và phiền não. Đây là lúc mà người ấy trở nên bất mãn với chính mình: cơ thể của mình, dòng họ của mình, kiến thức hay vị trí xã hội của mình v.v… như thế để ngăn chặn sự sinh khởi của tà tư duy và tà nghiệp trong trường hợp đó, ngưới ấy cần phải biết chấp nhận mình.

Tinh thần tự nhìn nhận mình là chấp nhận thân ngũ uẩn, do nghiệp tạo ra, và ý thức mình phụ thuộc vào nghiệp lực của mình mà nổ lực chuyển hoá thân tâm chính mình. Đây chính là tinh thần tự nhìn nhận mình để vươn lên trong đạo Phật.

4. Thực tập Thiền

Tinh thần thiền định là sắc thái giáo dục đặc biệt của Phật giáo. Ngoài giờ học giáo lý cần cho các em tập hành thiền nhằm làm lắng dịu đi những xao động của tâm thức, những tạp niệm lăng xăng trong cuộc sống hằng ngày. Giúp trẻ tập trung vào một đề mục để quán niệm, là giúp trẻ có định hướng vào tương lai một cách chuẩn xác mà không bị rối loạn về tâm sinh lý.

Như vậy, giáo dục về thiền định, là con đường để hiểu biết, phát triển và tu tập tâm. Không có thiền định, người ta sẽ không hiểu được mình là ai, và không thể giải quyết các vấn đề tâm lý vì sự thanh tịnh và hạnh phúc trong hiện tại, Thiền có công năng chế ngự các dục lạc và giúp thanh lọc tâm tư và cảm thọ đạt đến chỗ thuần tịnh, trong sáng. Ngoài ra, thiền mở đường cho trí tuệ giải thoát và thánh quả giác ngộ.

5. Xây dựng các mối quan hệ

Các thanh thiếu niên sống trong thế giới văn minh vật chất càng cao thì đạo đức ngày càng suy yếu. Các em ít được sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, không được học lễ nghi, cách cư xử với cộng đồng xung quanh sao cho tốt. Bổn phận của người hướng đạo là dạy các em biết cách cư xử với tất cả mọi người theo đúng các mối quan hệ mà trong kinh Thiện Sanh Đức Phật đã dạy:

Bổn phận của con đối với cha mẹ: Giữ gìn tài sản, thừa kế gia nghiệp, xác lập phổ hệ, sinh sản con cháu, thờ phụng tổ tiên.

Bổn phận trò đối với Thầy: khi thấy thầy phải đứng dậy, phải gần gũi thầy luôn, chăm trú nghe lời thầy nói, tôn trọng thầy, không quên những điều thầy dạy.

Bổn phận chủ đối với tớ: tùy theo khả năng mà sai khiến, cho ăn mặc đầy đủ, lúc ốm đau phải lo thuốc thang, phải an ủi khi tớ có điều buồn phiền, phải cho thì giờ nghỉ ngơi.

Bổn phận tớ đối với chủ: thức dậy trước chủ, đi ngủ sau, chỉ lấy cái gì chủ cho, cố gắng làm việc, không nói xấu chủ.

Bổn phận bạn bè với nhau: giúp cho tiền của, dùng lời thân mến, làm lợi cho bạn, hòa đồng với bạn, không nói xấu bạn. Giữ gìn không để bạn bị cám dỗ, bạn đã bị cám dỗ phải vì bạn mà giữ gìn tài sãn cho bạn, phải che chở khi bạn bị đe dọa, giúp sức cho bạn khi gặp rủi ro, thương yêu con cháu của bạn.

Bổn phận phật tử đối với tu sĩ: hầu hạ cung cấp điều cần, kính lễ cúng dường, tôn trọng quý mến thầy, thầy dạy bảo không trái nghịch, thầy dạy bảo nhớ kỷ không quên.

6. Nhân cách cá nhân

a. Bài học đạo đức

Hướng dẫn nếp sống đạo đức cho thanh thiếu niên thông qua Ngũ giới và Thập thiện nghiệp. Nền luân lý đạo đức của Phật giáo là những nguyên tắc hướng dẫn con người hướng thiện. Qua giáo lý nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, nền đạo đức nhân bản được thiết lập và đã đi vào đời sống, quyện vào nếp nghĩ, nếp sinh hoạt và văn hóa của xã hội.

Giáo lý nhân quả xác định: “Ở hiền gặp lành” làm con người ý thức tầm quan trọng trong hành vi của mình để tránh hậu quả xấu. Cuộc sống đau khổ hay hạnh phúc tùy thuộc hành vi tạo tác của mình. Lý nhân quả, nghiệp báo nói lên tính công bằng của cuộc sống, không ai có thể chạy trốn tội ác mà mình đã làm. Nó có tác dụng giáo dục đạo đức xây dựng xã hội cao. Ngoài ra người hướng đạo nên hướng dẫn các em về giá trị đạo đức con người phải được xây dựng trên nguyên tắc hòa hợp của Phật giáo khi các em tiếp xúc với môi trường xã hội:

- Chung sống hòa hợp, đoàn kết để xây dựng và duy trì một xã hội tiến bộ văn minh.

- Không tranh chấp, tôn trọng tự do ngôn luận.

- Ý chí kiên quyết, hòa hợp để duy trì truyền thống tốt đẹp, bảo vệ những thành quả và sự sống còn của xã hội, sự tồn tại của mọi người

- Luật pháp và giới luật phải cùng tự giác chấp hành nghiêm chỉnh, trong tinh thần thượng tôn hiến pháp, luật lệ của nhà nước, thực học và hành trì theo lời Phật dạy để cuộc sống có kỷ cương, tôn giáo có tổ chức nề nếp.

- Ý kiến hòa hợp, để trao đổi, giải quyết các vấn nạn xã hội: tham nhũng, ma túy, mại dâm, cờ bạc, trộm cướp, rượu chè chác tán và biến chất

- Quyền lợi và hạnh phúc phải sẽ chia hòa hợp, bình đẳng trên nguyên tắc kinh tế bình đẳng.

b. Khiêm hạ - Dung hòa

Dạy các em bỏ đi thái độ độc tôn và thãm kịch chia rẽ, lập bè kết phái, đừng cho rằng mình là cao, là hay rồi bác bỏ những người chung quanh, không nghe theo lời chỉ dẫn tốt. Luôn luôn và bất cứ lúc nào cũng phải biết cúi xuống tùy nơi tùy lúc, sẳn sàng tiếp thu những ý kiến hay để hoàn thiện chính mình, mở lòng ra đón nhận tất cả mọi thành phần trong xã hội, xem người lớn như ông bà cha mẹ, bậc kế như cô bác cậu dì, anh chị em trong gia đình, giúp đỡ người cơ nhở hoạn nạn theo khả năng mình có thể “Tuổi trẻ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.

Cây liễu ta thấy lúc nào cành lá của nó cũng luôn rũ xuống, cúi xuống không phải là thấp hèn mà liễu rũ xuống để tạo nên hình ảnh đẹp và thướt tha quyến rũ lòng người. Dạy các em nhìn cuộc đời qua cặp mắt trong xanh để thấy được màu hồng của lẽ sống, cuộc sống này vốn đẹp và đáng chân trọng biết bao, hãy sống trong tình đoàn kết, để bảo tồn đạo pháp và xây dựng dân tộc giàu mạnh.

Bởi vì mắt thấy màu xanh,
Cho nên mắt cũng long lanh màu trời.
Bởi vì mắt thấy biển khơi,
Cho nên mắt cũng xa vời đại dương.

c. B i- Trí - Dũng

Dạy giới trẻ mở rộng lòng thương không ngăn ngại, tôn trọng sự sống còn không ngớt đối với mọi loài, đó là tinh thần Bi của người con Phật.

Nhận định tinh thần của mình, người Phật tử phải lo trau dồi trí huệ, kiến thức của mình để thấy rõ sự thật của vạn pháp là vô thường, khổ không, vô ngã, tôn trọng sự thật mới biết được nhân quả thiện ác, việc làm giả thật, họa phúc là do mình tạo tác, biết để khỏi lầm lạc trong nhận định đạt đến sự an lạc nội tâm và ngoại thân.

Lòng thương đã có, trí huệ đã thành nhưng nếu thiếu ý chí tinh cần, thì chẳng khác nào có học, có hiểu mà không thực hành. Người Phật tử khi chúc nhau tinh tấn, tức là cốt để nhắn nhủ nhau hãy kiên cố giữ cái lòng thương và trí huệ chân chính đã có, đồng thời cũng nhắn nhủ phải thực hiện, phải làm, phải dẫn chứng rõ ràng cái lòng thương và trí huệ mà chúng ta tu học được, đó là cái Dũng của người con Phật.

“Hoa sen không mọc trong bình vàng lọ ngọc, mà chỉ phát sinh ở bãi bùn sình”. Thì thanh thiếu niên Phật tử trong mọi cuộc sống khổ não của trần đời, luôn luôn tự nguyện làm thứ hương thanh thoát dịu dàng tung rãi khắp đều để xóa át các mùi vị tạp uế cho đời được thơm tho, tập trang sức cho khổ cảnh thành tươi vui tốt đẹp trên tinh thần Bi- Trí- Dũng của Phật giáo.

d. Sống lạc quan

Để tuổi trẻ có cuộc sống lạc quan yêu đời, ngoài việc giảng dạy giáo lý là thềm thang trở thành người đạo đức mẫu mực cho gia đình, quốc gia, xã hội.

Chúng ta cần tạo cho các em có sân chơi lành mạnh, môi trường sinh hoạt thoải mái như: tổ chức dã ngoại, du lịch, cấm trại, văn nghệ.v.v… đây là điều kiện thuận lợi giúp các em có dịp tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội và học hỏi nhiều điều có ích, từ đó rút ra được nhiều kinh nghiệm tốt để thực hành ứng dụng vào cuộc sống, đồng thời đây cũng là dịp để các em gần gũi qúy thầy cô mà bộc bạch những tâm tư nguyện vọng của mình khi có thể.

Ở những dịp này các em sẽ có những nụ cười sảng khoái mà không phải bó buộc vào qui luật học đường, các em có dịp bộc lộ khả năng vốn có của mình qua các cuộc thi, đời sống các em sẽ tươi vui hơn và sống lạc quan hơn.

TÓM LẠI


“Tâm chúng sinh như cỏ dại mọc bên đồng ruộng. Các bất thiện pháp dễ dàng sinh sôi nảy nở mà các thiện pháp như lúa, phải chăm sóc giữ gìn mới có thể tăng trưởng để đơm hoa kết quả”.

Thanh thiếu niên là mầm non của đạo pháp, là tương lai của đất nước, cần được chăm sóc và vun bồi để chuẩn bị cho tương lai, tuổi trẻ là đối tượng cần được quan tâm hơn bao giờ hết, đây là thành phần hạt nhân kết nối sự yêu thương trong gia đình.

Các em cũng là người kế thừa gánh vác việc gia tộc, ngoài xã hội là chủ nhân ông xây dựng đất nước. Là Phật tử các em là người hộ trì chánh pháp, thạm chí có thể trở thành người xuất gia học đạo, hành đạo đem lại sự lợi ích cho đời sau này.

Cho nên cần có mục đích giáo dục các em, hoàn thiện nhân cách cho các em, xây dựng đời sống thánh thiện, bỏ ác làm lành, thiện của Phật giáo được thực hiện theo hướng ly tham, ly sân, ly si, không ganh ghét, không đố kỵ, không gây tổn hại. Trên cơ bản đó các yêu cầu xã hội như công bằng nhân đạo, chí công vô tư, Liêm- Chánh- Cần- Kiệm được phát triển tốt đẹp. Dạy cho người Phật tử biết về khổ, nguyên nhân của khổ, và con đường diệt khổ thông qua Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế.

Từ đây họ có thêm bài học kinh nghiệm về hạnh phúc, ngoài hạnh phúc của “Thủ” còn có hạnh phúc của “Xả” cao hơn qua ngõ đường bố thí. Sống vì hạnh phúc của người khác là một lối sống cao thượng và cũng rất hạnh phúc cho chính mình “Hãy đem thân mình làm tấm vãi che đi những vết thương đau của xã hội”.

Cuộc sống hôm nay từng bước chuyển đổi trong xu hướng hội nhập với các cường quốc bạn, đời sống sinh hoạt của nhân dân ta đã ấm no đầy đủ, sự quan tâm đối với tuổi trẻ càng được chú trọng hơn. Nhà nước và các tổ chức cộng đồng trong đó có Phật giáo đã thực thi chú trọng giảng dạy các em học pháp và hành pháp trong sự hình thành nhân cách con người Phật tử. Đây chính là chủ thể và cội nguồn cho Phật Giáo Việt Nam phát triển lâu dài và có kế thừa liên tục.

Vì vậy, trách nhiệm của vị thầy hướng đạo đối với việc giáo dục thanh thiếu niên Phật tử trực tiếp hay gián tiếp với một chương trình vạch định là điều cần thiết. Với công cuộc giáo dục, hướng dẫn Phật tử thành những con người “Thành nhân chi mỹ” là chúng ta đã chung sức xây dựng Phật Giáo Việt Nam trở thành thực thể vững mạnh, tồn tại hòa điệu nhịp nhàng trong mạch sống dân tộc.

Theo: GHPGVN


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage