Trong các ghi chép về sự kiện này, có lẽ nội dung đoạn văn trong kinh
Dirghagama (Trường A Hàm) là đáng chú ý nhất: Thái tử Sakyamuni
Gautama, khi vừa sinh ra đã đi bảy bước về mỗi phía trong bốn phương và
chỉ tay phải lên trời, tay trái xuống đất, tuyên bố: “Thiên thượng thiên
hạ, duy ngã độc tôn”. Dưới mỗi bước chân của thái tử, đất nẻ ra, mọc
lên một đoá sen… Ở đây có hai biểu trưng cần xem xét trước tiên: hoa sen
và con số 7.
Sen và các biểu trưng của sen
1. Sen (Nelumbo Nucifera) là một loại thực vật thuộc họ “túc căn
thảo” (loại cây nảy mầm từ rễ củ), màu sắc đẹp đẽ, nở vào mùa Hạ, mọc từ
bùn lầy mà tinh khiết, thơm tho. Do đó, sen được mọi người, mọi dân tộc
ưa chuộng, kể cả người Việt:
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhuỵ
vàng.
Nhuỵ vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi
tanh mùi bùn.
Rõ ràng, sắc tướng toàn mỹ trội bật “trong đầm gì đẹp bằng sen” là
hiệu quả trực quan khiến sen chiếm được mỹ cảm của thế nhân, nhưng chính
tính vô nhiễm “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” đã làm sen trở thành
loài hoa đệ nhất hạng. Sen mọc từ bùn nước nở thành đoá hoa xinh đẹp cực
kỳ: những sức mạnh của sự sống có thể biến đổi bùn lầy của tồn tại vật
chất ấy thành Cực lạc, Niết bàn. Hoa sen – Phật Thích Ca Mâu Ni ngự trên
đó – là bản thể Đức Phật, không bị bùn lầy samsàra tác động.
Chính Phật là Bậc Tự Tại (Svayambhu) nên đài toạ hoa sen biểu thị sự
thiêng liêng tôn kính này. Nhiếp Thừa Luận Thích, 15, có giảng rằng: Hoa
sen có 4 đức: hương (thơm), tịnh (sạch), nhu nhuyễn (mềm mại) và khả ái
(đáng yêu). Đó là bốn đức Chân như, biểu trưng của Thường, Lạc, Ngã,
Tịnh. Lại nữa, Hoa Nghiêm thám huyền ký, quyển 1, chỉ rõ các ý nghĩa
tượng trưng của hoa sen: 1/ Vi diệu nghĩa (chỉ Đức Phật rời khỏi tầm
thường nên nói hoa là nghiêm); 2/ Khai phu nghĩa (chỉ hạnh mở giác bày
thù thắng); 3/ Đoan chính nghĩa (chỉ tướng viên mãn); 4/ Phân hình nghĩa
(chỉ đức thơm tho, tự phát lộ thơm ngát); 5/ Thích duyệt nghĩa (chỉ cái
đức thắng vượt tạo nên niềm hoan lạc không dứt); 6/ Xảo thành nghĩa
(chỉ đức tướng đã tu thành rất khéo đẹp); 7/ Quang tịnh nghĩa (chỉ việc
dứt lìa chướng nghiệp mà được thanh tịnh); 8/ Trang sức nghĩa (tuỳ theo
bản tánh mà làm tăng vẻ đẹp); 9/ Dẫu quả nghĩa (chỉ việc sinh ra nhân để
tạo quả của Phật); và 10/ Bất nhiễm nghĩa (chỉ việc ở trần thế mà không
bị tiêm nhiễm như sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”).
2. Ngoài ý nghĩa biểu trưng bản thể Đức Phật, sen cũng biểu thị tầng
ngữ nghĩa phổ quát hơn. Xuất hiện từ bùn nước của sen, chính sự hiển
hách trong bối cảnh đó, sen biểu hiện sự sống xuất hiện đầu tiên trong
khoảng mênh mang không rõ sắc màu của những vùng nước khởi nguyên; đó là
biểu trưng sự sinh tạo, tái sinh, phục sinh… Như vậy, hoa sen, trước
hết là bộ phận sinh tạo, bảo đảm cho các cuộc sinh thành và tái sinh
truyền lưu mãi mãi (I, 800).
Ý nghĩa biểu trưng này thấy trong truyền thống Ấn Độ cổ đại, sen được
coi là sinh ra từ bóng tối và bừng nở ngoài ánh sáng, biểu thị sự thăng
hoa tinh thần. Ở đó, nước là trạng thái bất phân nguyên sơ, sen biểu
thị sự hiển hiện phát ra từ đó, sen nở trên bề mặt như một quả trứng thế
giới: Nụ hoa biểu trưng quả trứng, hoa nở chỉ cho trứng nở; nó thực
hiện khả năng hàm tàng mầm mống ban đầu. Một minh dụ cụ thể là thần
thoại khai sinh vũ trụ Hindu, được thể hiện trong khoa tranh tượng Ấn
giáo: Vishnu ngự trên mặt đại dương nhân quả và từ rốn của Vishnu nhô
lên một đoá sen nở chứa đựng thần Sáng tạo Brahma, khởi nguyên xu hướng
khai mở (rajas). Ở đây, hoa sen (mọc từ rún Vishnu) biểu thị ngọc châu
Mani – của đất và mặt khác cũng biểu trưng cho nước và sự sáng tạo
(II,2). Thần thoại thiên địa khai tịch Hindu nói trên của phái Vishnu
đưa ra một cảnh giới có mối tương đồng với thế giới trang nghiêm thanh
tịnh “Liên hoa tạng” của Đại Tỳ Lô Giá Na trong kinh Hoa Nghiêm và thế
giới “Liên hoa hải tạng” ở kinh Phạm Võng.
Hoa sen không những có vai trò quan trọng trong điện thờ Hindu mà cả
trong Phật giáo. Nó biểu trưng cho sự tự thân sáng tạo. Điều này giải
thích tại sao thần Brahma của đạo Hindu ngồi trên hoa sen và chư Phật,
Bồ tát đều lấy hoa sen làm đài toạ. Các Phật A Đề (Adi Buddha) đều tự
xuất khởi từ ngọn lửa phát lên từ hoa sen.
Việc hoa sen biểu thị như quả trứng thế giới (với nụ / búp là trứng;
hoa khai là trứng nở, khai mở) đã nêu trên đây có thể thấy trong các
biểu dụ của tông Tịnh Độ: 1) Thai cung: Nơi vãng sinh của các bậc hạ
phẩm hạ sinh. Hành giả tu các công đức với tâm nghi hoặc, tuy vãng sinh
về Tịnh độ Di Đà, nhưng lại ở trong búp sen chứ không được ra, trong 500
năm không được thấy Phật, nghe pháp, xa lìa tất cả thiện căn thù thắng.
Giống như nằm trong thai mẹ tối tăm, nhưng hành giả vẫn cho là nằm
trong cung điện nên gọi là Thai cung. Hội vô lượng thọ / kinh Đại Bảo
Tích, 18: “Các chúng sinh ấy ở trong búp sen…” (III7546); 2) Liên thai:
Người niệm Phật vãng sinh Tịnh độ đều từ hoa sen hoá sinh như trong thai
mẹ nên gọi là liên thai. Liên tông bảo giám: “Khi vãng sinh Tịnh độ,
vào liên thai kia, thọ hưởng các sự sung sướng” (III,3717). Nói rộng
hơn, hoa sen biểu thị cho nguyên lý nữ tính, điều này Kim Cang thừa
trình bày những biểu trưng của hoa sen cụ thể và chi tiết hơn (II,2).
Bảy bước đi sen nở
1. Cũng như bộ năm (ngũ) truyền thống Trung Quốc (bắt nguồn từ việc
quy toàn bộ mọi thứ vào Ngũ hành: Ngũ kim, ngũ vị, ngũ tạng, ngũ cốc,
ngũ luân…), bộ bảy (thất) là biểu trưng cho một tổng thể hoàn chỉnh. Bộ
bảy / con số 7 xuất hiện phổ biến trong hầu hết các nền văn hoá, các tôn
giáo: từ đạo Cơ Đốc (7 xuất hiện 40 lần trong Khải huyền, 77 lần trong
Cựu ước và Phúc âm: 7 tuần lễ, 7 phép lạ, 7 xác nhận của Chúa Kitô…
[I,71-72] đến đạo Hồi (7 tầng trời, 7 tầng đất, 7 biển, 7 ngàn địa ngục,
7 cửa, đi 7 vòng quanh K’aba là nghi lễ bắt buộc của tín đồ hành hương
đến La Mecque… [I, 72]), đạo Vệ đà, thuật Yoga (Ấn Độ)… Đối với Phật
giáo, bộ bảy cực kỳ phong phú: thất bảo (thất bảo chúc [7 loại cháo cúng
Phật], thất bảo hoa, thất bảo tháp, thất bảo ngục…), thất bất khả tị (7
điều không tránh được), thất bất thiện luật nghi (7 ác giới), thất cảnh
giới, thất cấu, thất cú đáp, thất chân như, thất chi, thất chi luận
pháp, thất chúng, thất chủng biện, thất chuyển thức, thất tri (7 thiện
pháp), thất uế hạnh, thất xứ thuyết, thất xứ trưng tâm v.v…
Bộ bảy biểu trưng cho một tổng thể hoàn chỉnh, không chỉ giới hạn ở
việc định lượng một tập hợp tối đa mà còn có nghĩa là một chu kỳ toàn
hảo, viên mãn, một sự hoàn thiện năng động… Trạng thái quá độ sau khi
chết kéo dài 49 ngày (7x7) mà chúng ta thấy trong kinh Địa Tạng là một
chu kỳ “trọn vẹn của thời gian” chuyển đổi từ cái này đến cái khác: một
sự đổi mới. Ví dụ khác: Mỗi kỳ mặt trăng kéo dài 7 ngày và 4 kỳ trăng
khép lại một chu kỳ (7x4=28). Ở đó, số 7 chỉ chiều hướng của một sự thay
đổi sau một chu kỳ đã hoàn thành và của chu kỳ mới; các chu kỳ kế tiếp
chuyển đổi / miên viễn. Theo Tom Chetwynd: “Giống như mười hai (3x4),
bảy (3+4) là đơn vị thời gian cơ bản và thời gian là chiều kích của tinh
thần và là thành phần chính yếu cần thiết cho sự thay đổi hay biến đổi.
Vì vậy nó là biểu trưng cho năng lượng và sự vận động, đối lập với vật
chất và vật liệu; hay nói rộng hơn, đây là kết hợp thể của hình vuông (4
góc) của thực tại tĩnh và nguyên lý động của tam giác (3 góc), hệt như
lửa làm chuyển hoá các nguyên tố khác (giống như Ngọc châu trong đoá sen
– Om Mani Padme hum – là vũ trụ chứa đựng pháp / dharma đoạn trừ ảo ảnh
Màya để chuyển thành Niết bàn – HNT). Số bảy thường là bước/ chặng cuối
cùng trước khi hoàn thành, từ không đến vô tận” (IV, 287-288). Những dữ
liệu nêu trên ít nhiều đã cung cấp cho chúng ta những căn cứ để hiểu
một khía cạnh của bảy bước đi sen nở.
2. Trong Kinh tạng, hoa sen với nhiều dạng thứ đặc dị xuất hiện khá
nhiều, tích hợp thêm các tinh nghĩa phong phú. Kinh Đại bát nhã có nhắc
đến “Thiên diệp liên hoa” (hoa sen nghìn cánh), luận Đại trí độ lại phân
làm 3 loại hoa sen: Nhân hoa (hơn 10 cánh), Thiên hoa (100 cánh), Bồ
tát hoa (1.000 cánh); lại nữa, trong kinh Đại thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán
đề cập đến các thần Phật ngồi trên hoa sen trăm cánh giảng bách pháp
minh môn, ngồi trên sen ngàn cánh giảng thiên pháp minh môn, ngồi trên
sen vạn cánh giảng vạn pháp minh môn cho các hạng Bồ tát. Còn đài sen mà
Phật Lô Xá Na ngồi (kinh Phạm Võng), chung quanh có ngàn cánh thị hiện
hàng ngàn Đức Thích Ca, ngồi dưới cội bồ đề, cùng lúc thành đạo…
Trong các dạng thức của hoa sen, chúng ta cần lưu ý đến dạng hoa sen
phổ biến nhất là sen tám cánh (bát diệp) mà Phật ngồi ở chính giữa
(trung toà) trong đồ hình gọi là Cửu tự mạn đà la. Ở đây, tám cánh hoa
biểu thị không gian tám hướng và sen, như vậy, còn là biểu tượng cho sự
hài hoà vũ trụ. Ý nghĩa này thể hiện trong các đồ hình Mạn đà la cũng
như các Yantra. Tám hướng biểu thị cho tổng thể không gian. Tám ở đây là
4 phương chính và 4 phương bàng; giản lược lại, bốn phương chính cũng
đủ để biểu thị cho tổng thể không gian. Đó là điều mà đoạn trích dẫn
trong kinh Trường A Hàm nêu ở đầu bài viết đã chỉ rõ: Thái tử Sakyamuni
Gautama, khi vừa sinh ra, đã đi 7 bước về mỗi phía trong bốn phương.
3. Ở chiều kích khác, số bảy biểu thị 6 hướng không gian cộng với 1
trung tâm. Một thần thoại Hindu giáo gắn cho Mặt trời 7 tia sáng, ứng
với sáu hướng không gian, tia sáng thứ 7 ở trung tâm. Tương tự cầu vồng
không có 7 sắc mà chỉ có 6: màu thứ 7 là màu trắng, tổng hợp của 6 màu
kia. Cũng vậy, vũ trụ luận Ấn Độ cổ đại mà Phật giáo đã thừa kế cũng cho
rằng trong lớp biển mặn Hàm hải, mỗi châu (lục địa: divìpa) nằm giữa 7
lớp núi vàng (luân vi) là một đại thiết vi. Lại nữa, ngọn núi trung tâm
của vũ trụ luận Phật giáo là Tu Di sơn (Someru) có “thất bảo giai đạo”,
hai đường giai đạo có 7 lớp tường báu, 7 lớp lan can, 7 lớp mành lưới, 7
lớp hàng cây… (III, 6913-6914). Điều này chỉ ra con số bảy là biểu thị
cho một tổng thể không gian toàn hảo, một tối đa không còn gì hơn được
về lượng lẫn chất.
Trở lại sự kiện “bảy bước về bốn hướng và dưới mỗi bước nở một đoá
sen”, chúng ta thấy 7 là tổng số 6+1. Đây là biểu tượng cho sáu hướng
không gian và một trung tâm (duy ngã độc tôn); 6 hướng ở đây là 4 phương
(Đông Tây Nam Bắc) và hai hướng của trục vũ trụ thẳng đứng (thiên
thượng: tay phải chỉ trời và thiên hạ: tay trái chỉ đất). Đó là toàn bộ
vũ trụ, hiểu theo nghĩa: “Bốn phương trên dưới là vũ, xưa qua nay lại là
trụ” [Đào Duy Anh: Hán Việt từ điển giản yếu, Trường Thi xb, S.1957,
tr.567]. Như vậy, nói rộng hơn 6+1 biểu thị cho một tổng thể không gian
và tổng thể thời gian. Ở đó, biểu lộ cái bí mật của con số 7: sự trở về
với trung tâm, với bản nguyên với kết cục của bộ sáu, hoàn thành ở bộ
bảy. Đến đây, chúng ta thấy rõ sự tương hợp giữa sự kiện “đi 7 bước sen
nở” về 4 hướng và tư thế/ cử chỉ của Phật đản sinh tạo thành một biểu
tượng tổng hợp đa nghĩa mà chúng ta còn phải tiếp tục truy tìm.
Huỳnh Ngọc Trảng
(Giác Ngộ số Phật đản PL2551)