Phật Học Online

Một Người Bạn
Hoàng Sơn Long

Người ta thường đánh dấu thời gian bằng những cái mốc: năm, mười năm hay nói một cách thi thơ: “Mười lăm năm thấm thoát có ra gì.” của Dương Khuê. Phan Khôi ba mươi năm trong “Tình Già”. Thời gian đã làm con người thay đổi, một việc rất ư tình cờ tôi đã gặp lại một người bạn sau ba mươi bảy năm xa cách. Thật tình tôi không nhận ra anh, nếu người bạn của vợ tôi không giới thiệu tên anh. Trên những nếp nhăn của khuôn mặt, tôi đã bắt gặp một nụ cười và tôi nhớ lại anh. Vào giữa thập niên 1960 tôi và anh cùng thụ huấn trong một quân trường chuyên môn, dáng dấp thư sinh của anh làm tôi cảm mến và chúng tôi chơi thân với nhau. Anh lớn hơn tôi hai tuổi, nhưng anh lõi đời, nếu nhìn bề ngoài để đánh giá con người của anh người ta sẽ nhầm lẫn, cái bề ngoài có vẻ như một thư sinh, nhưng anh thực sự là một người chững chạc, anh biết nhiều chuyện mà những người bạn cùng trang lứa khó có ai qua được anh. Bất cứ một vấn đề gì, anh cũng có những nhận xét tinh tế và sâu sắc, điều nầy cho thấy anh có nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm ở đời, nhất là vấn đề tình ái.

Anh có khuôn mặt dễ cảm, đôi môi mỏng nhưng rõ nét, miệng hơi rộng. Khoa tướng số đông phương thường bảo: “đàn ông miệng rộng thì sang”, điều nầy có thể đúng với anh. Anh có một nụ cười rạng rỡ, điểm thêm lúng đồng tiền phơi bày hai hàm răng trắng bóng. Trên khuôn mặt anh có những nét của mỹ nhân, nhưng vóc dáng của anh đầy nam tính, cao 1 mét 6 nặng gần 60 kí-lô có thể nói anh có một thân hình cân xứng, hơi dong dỏng cao. Anh ăn nói từ tốn chậm rãi, câu nào ra câu đó. Con người anh tầm thước nhưng không có bóng dáng võ biền, trái lại anh có phong thái ung dung hoãn đãi. Điểm nổi bật trên khuôn mặt anh không phải má lúng đồng tiền mà chính ở đôi mắt lúc nào cũng tinh anh, biểu lộ lòng tư tin. Một cách tổng quát anh là một thanh niên trên trung bình nếu không muốn nói anh “đẹp trai”.

Tôi chơi thân với anh một phần cũng qua vóc dáng của anh, ít ra mình cũng có người bạn bảnh trai. Thật ra con người anh có nhiều tính dễ mến, anh rất dễ chịu, luôn vui vẻ, không lỗi phải với mọi người, hết lòng với bạn bè, giao tiếp sòng phẳng. Tôi thích anh ngoài tính tình cởi mở, anh còn là một người rộng rãi và “chịu chơi”. Chính cái chơi chịu mà mọi người đều quí trọng anh. Sống trong tập thể cái không thỏa mái không phải kỷ luật quân đội, mà chính là cái tánh nịnh bợ, tâu hót với cấp trên, hoặc tỏ vẻ ta đây là một người quan trọng.

Trong khóa học, có lẽ anh là người viết thư tình nhiều nhất, những lúc vui, anh đã đưa cho tôi đọc và yêu cầu cho ý kiến. Tôi có hỏi anh sao có nhiều bạn gái viết thư vậy. Anh bảo trên mục tìm bạn chớ đâu. Anh như một con bướm bay lượn từ đóa hoa nầy sang cánh hoa khác. Chủ trương của anh là không bao giờ gắn bó với một ai lâu dài. Tôi bảo anh “đểu”. Anh trả lời dứt khoát “không”. Anh nói với tôi trước đi quen biết và đi chơi với nhau anh đã giao ước rõ ràng. Chúng ta là bạn, là nhân tình, “chứ không phải vợ chồng mà tính việc thủy chung.” Chịu thì hò hẹn chung vui bằng không thì thôi gặp nhau. Thế mới kỳ, cái đòn tâm lý nầy lại có kết quả. Các em thường cho mình đẹp, tự hào về sức quyến rũ của mình. con trai lắm kẻ lụy tình, không ngờ anh bạn tôi có nhiều đòn phép nên trên tình trường anh luôn là người chủ động.

Tài tán gái của anh thuộc vào hàng cao thủ. Trong một chuyến công tác miền Trung. Thành phố Qui Nhơn, một thị trấn miền ven biển tuy không thơ mộng bằng Nha Trang, nhưng là một thành phố đẹp và yên tịnh. Chúng tôi được chánh quyền địa phương cấp cho một phòng ngủ trong thị trấn, hai người vào một phòng. Toán chúng tôi có sáu mạng. Tôi chơi thân với anh nên chúng tôi chung phòng. Công việc của chúng tôi rất nhẹ nhàng không phải cầm súng đạn gì cả, chỉ giúp cho thị trấn tổ chức bầu cử và quan sát cuộc bầu cử. Cơm ngày hai bữa ăn xong lấy phiếu đem về cho Quận trả tiền. Tiền cà phê cà pháo tự túc. Ngang qua đường đối diện với khách sạn của chúng tôi trú ngụ là một nhà hàng tửu lầu. Để tiện việc sau giờ làm việc, chúng tôi thường sang đó dùng cơm. Nhà hàng nầy thuộc loại trung bình lại được sự giới thiệu của Quận, hơn nữa chúng tôi làm công tác chứ không phải thượng khách để nhận sự biệt đãi của chánh quyền địa phương. Vấn đề ăn ở cũng có mức độ, thời gian công tác chỉ có ba tuần lễ mà thôi.

Điểm đặc biệt của quán nầy không phải là đồ ăn ngon, mà chính là cô con gái của ông chủ quán. Chúng tôi sáu mạng đứa nào cũng thả hoa bắt bướm, rà tới rà lui, lân la làm quen. Năm ấy cô trạc mười tám, cứng cạy lắm cũng chừng hai mươi là cùng, nhan sắc đậm đà, nước da bánh mật, khuôn mặt trái xoan nổi bật trên mái tóc thề, cốt cách thanh tao lại biết ăn diện. Thân hình cân đối, sự nẩy nở của một thiếu nữ mười tám với những đường cong tuyệt mỹ mà tạo hóa đã dành cho những cô gái ở tuổi dậy thì. Cô bé tươi mát như quả táo, mòng mọng như trái nho vừa chín tới. Đôi mắt to đen lai lái, ướt rượt, cái liếc mắt của cô như mời gọi. Cô có sống mũi dọc dừa ngự trị trên đôi môi nũng nịu. Chúng tôi sáu mạng toàn là những thằng độc thân, mỗi khi gặp các cô gái thì y như là những chàng ngự lâm quân xông vào chiến trận đánh chiếm mục tiêu. Nhưng tất cả đều thất bại không ai lọt vào cắp mắt xanh của cô, ngoại trừ anh bạn của tôi. Anh chẳng những loại chúng tôi khỏi vòng chiến, mà còn đánh ngã hầu hết các chàng trai địa phương.

Tôi chơi thân và luôn đi bên cạnh anh, nhưng không hiểu anh đã dùng phương cách gì để lấy trái tim của người đẹp. Những dòng chữ trên lá thư tình ướt át, hay là lời ru dịu mật đã rót vào tai em, cũng có thể bộ gió “bô trai” của anh không chừng. Nhưng khi trở lại quân trường là anh quên cô ta ngay. Người ta thường nói: “Mèo lành không ở mả. Ả lành không ở hàng cơm” nhưng trường hợp của cô bé thì lại khác. Cô màu mè với những chàng thanh niên đến tán tỉnh cô, nhưng với anh bạn của tôi thì cô thật tình. Cô đã đánh xe đò xuôi nam vào tận quân trường để thăm anh. Đó lần cuối cùng tôi gặp lại cô. Còn anh bạn của tôi như loại bướm đa tình bồ bịp lung tung, có thể nói trái tim của anh có quá nhiều ngăn trên cả hai tâm nhỉ và tâm thất chăng?

Mãn khóa ra trường chúng tôi mỗi người một phương. Anh đi vùng II, tôi về vùng IV từ đó mãi về sau chúng tôi không còn gặp nhau, nhưng hình ảnh một người bạn vẫn in sâu vào ký ức của tôi. Chuyện gặp lại anh, tôi không thể nào ngờ được, dường như một việc đưa đẩy tình cờ mà thôi. Người mang anh đến trước của nhà tôi cũng không biết chúng tôi đã quen nhau từ trước. Tôi mời anh vào nhà và chúng tôi trao đổi với nhau những tin tức từ khi ra trường cho đến nay. Trông anh bây giờ đã khác xưa rất nhiều thời gian trôi qua đã lão hóa trên thân thể con người, tuy nhiên nhìn anh vẫn thấy một vẻ đẹp lão. Anh không có cái bụng phệ như nhiều người lớn tuổi, tướng đi vẫn còn cứng cỏi nhanh nhẹn, trên gương mặt chưa thấy những dấu chân chim

Tôi được biết anh sang Mỹ từ ngày di tản năm 75. Anh nói năm 1972 anh được đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ sáu tháng và sau đó anh về Sài-Gòn làm việc tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân cho đến ngày mất nước. Anh là một người có nhiều may mắn trong khi khói lửa chiến tranh mịt mù trên chiến trường thì anh mặc quân phục nhưng làm việc văn phòng. Bạn bè anh đứa ngồi tù cải tạo, đứa bỏ mạng ở sa trường. Bên kia nửa vòng trái đất anh nhìn về quê hương với một nỗi xót xa. Những năm đầu đến Mỹ thật vất vả và bơ vơ, anh đã làm nhiều việc như rửa chén cho nhà hàng, khuân vác lao dọn văn phòng nói chung là các công việc nặng nhọc, không có thì giờ để trau dồi học vấn. Anh cư ngụ trong vùng Đông Bắc Cali gần với thủ phủ Sacramento, mãi đến năm 1979 vùng Silicon Valley kỹ nghệ điện tử phát triển đang cần nhiều nhân công nên anh di chuyển về San Jose để xin việc làm. Một điều may mắn hiếm có trên đất nước nầy là anh làm việc cho một hãng trên 20 năm và chưa bao giờ ông chủ cho anh nghỉ việc, thành ra cái mùi vị mất việc làm anh chưa nếm được nhưng anh cũng cảm thấy chua cay lắm.

Chúng tôi trao đổi số điện thoại, anh cũng cho tôi địa chỉ nhà của anh, đồng thời mời vợ chồng chúng tôi nếu có dịp thuận tiện ghé chơi. Điều làm tôi ngạc nhiên nhà anh cách nhà tôi chỉ có sáu ngọn đèn xanh đỏ, cùng trên một con đường nhưng có hai tên khác nhau, thế mà chúng tôi chưa bao giờ có dịp nhận ra nhau. Nó không xa xôi như người ở đầu sông Tương kẻ cuối sông. Có thể chúng tôi đã gặp nhau đâu đó trong shopping hay trên những của hàng thực phẩm Á đông nhưng chưa có cơ hội đối diện, cũng như trong phim kiếm hiệp Trung Quốc thường nói: “Chưa đánh đấm nhau thì chưa có dịp làm quen”. Tôi có nhiều vấn đề để hỏi anh, nhưng có đàn bà ở đó nên không thuận tiện. Tội hẹn anh cuối tuần tôi sẽ đến thăm anh. Từ nhà tôi đến nhà anh không quá hai miles, lên xe nổ máy chưa đầy năm phút là tôi có thể đến nhà của anh ngay.

Cuối tuần hôm đó tôi gọi điện thoại báo cho biết là tôi sẽ đến thăm anh. Lần theo địa chỉ tôi tìm thấy nhà anh. Trong đầu của tôi cứ mường tượng nhà anh phải lớn rộng sang trọng bởi vì anh đã an cư lâu ngày rồi. Thực tế ít khi trùng hợp với sự tưởng tượng, nhà anh không rộng lắm chỉ có hai phòng ngủ khiêm nhường trong một khu town house. Trước của nhà anh có treo một bảng gỗ nhỏ khắc mấy chữ “Đoài Phương Trang” làm tôi hết sức ngạc nhiên, trong đầu tôi suy nghĩ thằng cha nầy sao lập dị thế, trên xứ sở nầy làm gì có trang với trại ở một cái khu nhỏ xíu và thị tứ như vầy.

Bước vào nhà anh mới thấy sự ngăn nắp và sạch sẽ, tầng dưới là phòng ăn, nhà bếp và phòng khách, trong nhà không có một chút mùi vị nấu nướng chiên xào như nhiều nhà khác trong vùng. Bên phòng khách ngoài bộ ghế salon còn có một kệ sách và hai chậu Bonsai, hai chậu lan đang trổ bông, bên phòng ăn cũng có một chậu Bonsai và một chậu hoa lan. Cách trưng bày trong nhà trông rất mỹ thuật. Đối diện với kệ sách có hai bức thư họa, trên tường nhà anh treo vài bức hình chụp từ những thắng cảnh . Anh mời tôi lên lầu, từng trên có hai phòng ngủ, một phòng lớn dành cho anh, phòng cạnh bên nhỏ hơn thường dùng cho bạn bè hay khách khứa như thông lệ, hoặc làm kinh tế thì có thể cho người khác chia phòng, nhưng anh bố trí căn phòng đó rất đặc biệt. Anh gọi là phòng tịnh tâm. Trong phòng ngoài kệ thờ không có một vật dụng gì khác, trên bàn thờ có bức tượng Phật Thích Ca nhỏ độ gang tay bằng đá, và một lọ nhỏ bằng đất nung dùng để đựng tro tàn của nhang trầm hương, bước vào phòng tôi cảm thấy một mùi vị rất thanh thoát.

Sau khi quan sát bên trong, anh dẫn tôi ra phía ngoài nhà, vì là khu town house nên sân sau không có nhiều đất, anh chỉ trồng mấy bụi sả, một ít rau thơm, rau húng và vài đóa hoa hồng. Tuy nhiên chung quanh nhà anh toàn là nhưng chậu hoa quỳnh, những chậu lan đang chờ trổ hoa. Anh đã đặt tên cho những chậu hoa nầy bằng những cái tên rất thơ mộng. Hoa lan thì tôi đã thấy nhiều, sang đây người Việt thường chơi Lan, nhưng Quỳnh thì hiếm người chơi. Hoa Quỳnh thường nở vào nữa đêm và tàn vào sáng hôm sau, nhưng ở đây có nhiều loại hoa Quỳnh vẫn giữ được vẻ đẹp trong nhiều ngày, màu sắc cũng rực rỡ, đặc biệt cánh hoa trông như vải lụa.

Trở vào phòng khách, anh mời tôi uống trà, trong khi anh đun nước để pha trà tôi có thời gian xem kệ sách của anh, sách của anh gồm một số thuộc loại nghiên cứu khoa học, sách dạy trồng cây, sách Phật học, sách về văn học v..v.. Anh pha trà một cách từ tốn và anh mời tôi uống. Nhâm nhi tách trà tôi bảo anh đã thay đổi quá nhiều, từ một con người hào hoa năng động bây giờ anh sống gần như người ẩn cư, sự thay đổi nầy bắt đầu lúc nào? Anh bảo:

- Chuyện nầy dài dòng lắm kể cho bồ nghe không hết đâu.

Anh tóm lược: năm 75 sang đây bơ vơ cô độc, chỗ anh cư ngụ không có nhiều người Việt. Anh hối tiếc ngày xưa không lấy vợ sớm, bây giờ phải chịu cảnh độc thân. Những năm đầu lo ổn định cuộc sống đâu có thì giờ đi làm quen hay tìm bạn gái. Mãi cho đến năm 1985 nghĩa là mười năm sau người Việt đến định cư trong vùng nầy ngày càng đông. Tại sở làm anh có quen một phụ nữ theo gia đình vượt biển, nhưng không may cho nàng trên đường tìm tự do, chồng và con đã chết trên biển Đông. Ngay bản thân của nàng cũng bị bọn hải tặc hành hạ. Trên đảo tị nạn nàng đã bị khủng hoảng tinh thần trong nhiều ngày tháng, nhưng nhờ vào sự khuyên giải của bà con, cũng như những các vị thầy tu, từ từ tâm thần nàng quân bình trở lại và nàng đã đến định cư ở San Jose, rồi đi làm và gặp anh. Cảm thông hoàn cảnh của nàng. Trái tim anh bắt đầu rung động thật sự. Anh có một số tiền đã dành dụm từ lâu, nên bỏ ra mua một căn nhà ba phòng gần chỗ làm và anh quyết định chung sống với nàng. Cả hai tuy không tổ chức đám cưới linh đình, nhưng có mời một số bạn bè cùng chung sở làm để chia vui.

Thời gian qua thật nhanh, sáu năm trường chúng tôi sống với nhau thật hạnh phúc, nhưng Ông Trời quả thật trớ trêu đã chia cách chúng tôi. Một chứng bệnh ngặt nghèo đến với nàng và tử thần đã cướp đi người thân yêu nhất của anh. Trong khi anh bỏ hết tâm trí, cũng như thời gian để yêu thong, để bù đắp những thiệt thòi mà nàng đã cưu mang. Cuối năm 1991 anh bán căn nhà trên có dư thêm ít tiền và mua căn nhà nầy, tuy nhỏ hơn nhưng gọn gàng cho anh. Căn nhà cũ có quá nhiều kỷ niệm anh không muốn giữ nữa. Chính biến cố trên đã làm anh thay đổi trong cách sống và cách suy nghĩ. Anh bắt đầu nghiên cứu Phập pháp, anh đọc những sách nói về Thiền. Anh thấy Thiền có khả năng hóa giải đời sống của anh vì vậy anh đã thực tập đã áp dụng Thiền trong cuộc sống hiện tại. Anh chưa muốn xuất gia, vì xuất gia phải thọ thêm ân đàn na thí chủ, trong khi anh còn khả năng làm việc để giúp ích nhân quần xã hội. Đức Phật đã dạy: “Phàm làm con người ai cũng chịu bốn điều ân lớn. Đó là ân Tổ tiên, cha mẹ, ân Đất nước, ân Tam Bảo, và ân Đồng bào, nhân loại.” Bây giờ anh đã trường trai và tiếp nhận năm giới cấm của người Phật tử. Tu ở chùa hay tu tại gia cũng giống nhau thôi, người xuất gia khác người thường ở bộ áo bên ngoài. Cứu cánh người tu hành là hai chữ “Giác Ngộ”.

Anh có một đời sống như một người tu sĩ, phong thái anh thoát trần một cách rõ rệt. Về phương diện vật chất anh không phải lo lắng, mặc dù anh đã xin thôi việc hơn năm nay theo kế hoạch cắt giảm nhân viên của hãng cho những người làm việc từ 15 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa. Hiện nay anh được lãnh 70% số lương lúc làm việc, có bảo hiểm sức khỏe đầy đủ. Số tiền nầy hãng trả cho anh đến khi anh hưu trí thật sự ở tuổi 65 như đã qui định của Bộ Lao Động. Bây giờ anh lo săn sóc đời sống tinh thần và làm một ít việc từ thiện. Anh cho tôi biết thời khóa biểu trong một ngày của anh như sau: 6 giờ sáng thức dậy làm vệ sinh cá nhân xong vào phòng tịnh tâm lễ Phật, tọa thiền. Tư 7giờ 30 đến 8 giờ điểm tâm sáng. Sau giờ điểm tâm làm việc chung quanh nhà như tưới hoa, chăm sóc cây kiểng. 10 giờ đi tập thể dục độ hơn một tiếng, 12 giờ ăn trưa. Nghỉ ngơi đọc sánh báo, buổi chiều lại chăm sóc cây và chuẩn bị cơm chiều. Anh chọn lựa thực phẩm và tự nấu ăn lấy, thường thì nấu một lần dùng cho hai ngày. Cơm chiều xong dọn dẹp lau chùi nhà của, xem tin tức trên truyền hình. 9 giờ tối lại tọa thiền độ 30 hoặc 45 phút xong vào phòng ngủ đọc vài trang sách rồi đi ngủ.

Cuộc sống của anh một cách khách quan mà nói thì quá lý tưởng, một người chỉ cần một phần nhỏ trong đời sống của anh thì đã hạnh phúc rồi. Trong chỗ thân tình anh tiết lộ một ít sở đắc của anh cho tôi biết chứ không có ý khoe khoang. Từ ngày anh tiếp xúc với Thiền, anh không thấy lo âu hay buồn rầu nữa. Anh cãm nhận đời sống nầy hết sức kỳ diệu. Hạnh phúc con người không phải là sự hưởng thụ vật chất. Quan điểm của anh là “ăn no mặc ấm” chứ không phải “ăn ngon mặc đẹp” Cái ngon cái đẹp phải ở trong tinh thần. Chính nguồn sống đạo đã thăng hoa cuộc sống, và ngay trên bản thân anh đã chiêm nghiệm được. Bất cứ không gian và thời gian nào chúng ta cũng có thể thực tập một đời sống tỉnh thức. Người ta có thể Thiền trong mọi tư thế đi, đứng, năm, hay ngồi..v.v.. Người ta có thể Thiền qua ngọn bút lông trong khi sáng tạo một bức thư họa, người ta Thiền qua cách uống trà, người ta cũng có thể thực tập Thiền qua cách chăm bón và săn sóc hoa kiểng.

Anh đã nói với tôi: “ Con người mới sinh ra không có gì hết, khi chết đi cũng không mang theo được gì. Như vậy tranh danh đoạt lợi, muốn mọi người phục tùng mình để làm cái gì? Đó không phải là lòng tham hay sao?”. Điều mong ước duy nhất của anh là một khi anh nhắm mắt lìa đời trong êm thấm, xin những cơn đau chết người đừng đến với anh. Anh là người biết chuẩn bị trước cho một việc ra đi vĩnh viễn. Phật pháp đã giúp cho anh có một cái nhìn như thật, thấy được mọi sự đều vô thường và vô ngã. Chính cái thấy nầy đã giúp anh vượt thoát mọi tham đắm.

Trong khi tiếp chuyện với anh, tôi thấy dưới bàn có nghiên mực và những cây bút lông dùng viết chữ Hán. Với óc tò mò, tôi hỏi anh:

- Ông sắm những thứ nầy để làm gì? Tính làm ông Đồ hay sao?

Anh mỉm cười và giải thích với tôi

- Tập viết Thư Pháp

Cố ý trêu anh tôi hỏi:

- Sao có tác phẩm nào chưa cho mình xem có được không?

Anh từ tốn nói:

- Đang tập luyện nên chưa có cái nào ra hồn cả.

Như gãi đúng chỗ ngứa, anh bắt đầu giải thích với tôi về bộ môn thư pháp. Thư pháp là một nghệ thuật mà người thực hiện đã thả hồn mình vào những nét chữ. Rèn luyện thư pháp là cách tốt nhất để rèn luyện nhân cách. Dấu mực tuy đơn sơ nhưng người ta có thể ẩn tàng một đạo lý sâu sắc. Anh nói với tôi về cách sử dụng cây bút lông. Rất tiếc anh đã lớn tuổi và chưa bao giờ dùng đến nó, bây giờ tập viết thật là khó khăn. Anh hỏi tôi có bao giờ nghe câu nói như thế nầy chưa: “Anh hùng khí đoản. Mã táo mao trường” Tôi lắc đầu.

Anh nói đây là lời phê bình để chỉ một bức thư pháp tầm thường. “Anh hùng khí đoản” có nghĩa là khi khởi bút thì có một chút khí thế, nhưng khi thu bút thì qua loa xong chuyện. Như vậy người ta mới gọi: “Khí bất tùng tâm” Còn “Mã táo mao trường” để chỉ công lực không đầy đủ như lúc trăng lên tròn thì không tròn, lúc phải bộc phát thì lại để xuống, ngang, ngắn, dọc dài, gút bớt mất điệu vì vậy mới gọi ngựa bệnh táo bón có lông dài.

Anh có một lối sống hoàn toàn khác với những người về hưu. Thông thường một ít người tạo dựng được chút sự nghiệp nhưng lại thích phô trương, một số người khác lo ăn chơi hưởng lạc như sợ thời gian không còn nữa. Cũng có người vì không con cháu nên gởi mình vào chốn Thiền môn hay tu viện hoặc sống âm thầm trong các nhà dưỡng lão. Tôi thật mến phục anh, lúc tuổi thanh xuân sống hào hoa phong nhã, nhưng vẫn chừng mực. Khi ở tuổi xế chiều biết tìm những thú vui thanh tao, nhìn những chậu lan, chậu quỳnh của anh xanh tươi mơn mởn, cho thấy anh đã bỏ ra biết bao nhiêu thời giờ để chăm bón, xem chúng như người bạn, đôi khi nâng niu chúng như một đứa con. Niềm hạnh phúc nho nhỏ của anh là nhìn những chậu lan, những cây quỳnh khai hoa.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage