Phật Học Online

Thiền Là Gì?
Thích Thông Huệ Nhà Xuất Bản Phương Đông

 

images-2011-quy1-26_thien_la_gi_300_220177366.jpg

MỤC LỤC


Lời nói đầu

Chương I: Thiền Là Gì?

I. Dẫn Nhập

II. Những Nét Khái Quát Về Thiền

III. Những Điều Cần Cho Một Hành Giả Tu Thiền

IV. Kết Luận

Chương II: Như Huyễn

I. Khái lược

II. Nội dung

III. Ý nghĩa trong sự tu hành

Chương III: Tri Vọng

I. Khái Niệm Về Vọng

II. Pháp Tri Vọng

A. Biết Vọng Liền Buông

B. Biết Vọng Không Theo

III. Tánh Biết Vọng

IV. Một Số Ngộ Nhận Về Thiền Pháp Tri Vọng

Chương IV: Thuật Tác Động Thẳng

I. Chỉ Thẳng Tâm Người

II. Thấy Tánh Thành Phật

III. Một Số Thủ Thuật Khai Tâm 

Chương V: Vô Sư Trí

I. Trí Tuệ Hữu Sư Và Vô Sư

II. Những Vấn Đề Quan Trọng Liên Quan Đến Vô Sư Trí

Chương VI: Tâm Thiền

I. Từ Một Câu Chuyện

II…Đến Ý Nghĩa Tâm Thiền

III. Con Đường Thể Nhập Tâm Thiền

Kết Luận 


 

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

 

Nền văn minh nhân loại đang ở trên một tầng cao mới, khi nhiều bước tiến có tính đột phá của khoa học kỹ thuật và công nghệ đã liên tiếp hình thành. Con người đã có những hiểu biết rộng rãi về vũ trụ, về thế giới và về cấu tạo cơ thể của chính mình, từ tầng bao quát vĩ mô đến những góc độ vi mô nhất. Con người cũng có tham vọng chinh phục thiên nhiên, biến thiên nhiên làm công cụ phục vụ cho nhu cầu tồn tại và phát triển của nhân loại.

Thế nhưng, trong quá trình vận động và tiến bộ với vận tốc ngày càng lớn, thế giới đang đứng trước những xu hướng đối nghịch nhau: hữu nghị và thù địch, hợp tác và đối đầu, thống nhất và phân rã. Và vượt lên tất cả, đó là sự đối lập giữa một bên là giá trị tinh thần, đưa con người xích lại gần nhau, hòa đồng cùng toàn thể vũ trụ; với bên kia là văn minh vật chất, là lối sống buông thả hưởng thụ, là nhịp điệu quay cuồng hối hả chạy đua với thời gian, gây ra những hệ lụy khó lường.

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Khoa học không lương tâm chỉ là sự hủy hoại linh hồn”.

Tổng thư ký UNESCO Frederico Mayer nói: “Nên để khoa học và lương tâm bước song hành”. Phương Tây được xem là một nền văn minh lớn, một dòng chảy lớn có tính thời đại, nhưng thật ra, đây không phải là phương thuốc vạn năng cho nhân loại trên đường phát triển và tìm được hạnh phúc đích thực. Những thế kỷ qua, nhân loại đã chịu nhiều mất mát kinh hoàng, nhiều tuyệt vọng khổ đau do chiến tranh và bạo lực; số phận toàn thế giới đôi lúc trở nên hết sức mong manh trước sức mạnh hũy diệt của chính con người. Vì thế, con người đã nhìn về cội nguồn phương Đông, nơi luôn rạt rào sức sống văn hóa, sức sống tinh thần và sức sống tâm linh, hy vọng tìm được bình an phúc lạc. Từ đó, THIỀN đi vào cuộc đời như một phương tiện chữa bệnh, một phương thức an tâm; và cao hơn, là một phương pháp khai phát trí tuệ, tăng khả năng hoạt động và tư duy, để phục vụ cho cuộc sống đời thường. Và cũng từ đó, Thiền được khảo sát, minh chứng và nhận định như một đối tượng nghiên cứu. Rồi tùy theo phương pháp nghiên cứu và góc độ tư duy, Thiền đã bị mang nhiều bộ mặt, nhiều màu sắc mà nó chưa bao giờ có. Cuối cùng, càng phân tích lý luận về Thiền, người ta càng không hiểu gì về nó cả!

Thiền không phải được hiểu bằng những định nghĩa thông thường, bằng kiến thức và tri thức để lý giải, bằng ý thức để suy luận phân tích. Thiền phải được thể nhập khi hành giả tự mình đi sâu vào tận cùng bản thể của vạn pháp, khi tự thân chứng nghiệm vào mảnh đất tâm của chính mình. Bởi vì Thiền là sống - sống đúng và sống thật sự theo ý nghĩa sâu xa của sự sống. Sự sống ấy luân chuyển trong cơ thể mỗi người và hòa nhập với hiện hữu vô cùng của vũ trụ. Sự sống ấy chỉ có trong thực tại, biểu hiện qua từng hơi thở, từng động tác, từng lời nói, từng oai nghi. Khi tất cả những cử chỉ hành động của chúng ta đều hiển lộ một trạng thái siêu việt của nội tâm, không còn dấu vết của mọi vọng tưởng đảo điên, mọi ý niệm lăng xăng phân biệt, thì mới biết, Thiền thật bất khả tư nghì!

Trong quyển sách này, chúng tôi không nói về Thiền như phương pháp hồi phục và phát triển khả năng hoạt động thể chất và tinh thần. Chúng tôi cũng không đề cập đến Thiền như một cách thức để thi triển thần thông hay khai mở một quyền năng tâm linh bí hiểm nào đó. Thiền ở đây được đặt vào vị trí tôn quý vốn có của nó, là cốt tủy của đạo Phật, là bản hoài của chư Phật Bồ-tát, và là cứu cánh của một đời tu. Với ý nghĩa đó, Thiền không thể được diễn đạt bằng lời mà phải được thể nhập trong trạng thái vô ngôn. Vì thế, những lời lẽ dài dòng trong sách mà quý vị sẽ xem qua sau đây, cũng chỉ nói được phần nào kiến giải của chúng tôi, vốn dĩ còn rất nhiều hạn chế; càng không thể trình bày ý nghĩa uyên áo huyền nhiệm của Thiền. Chỉ mong quý độc giả được ý quên lời, có được phần nào lợi lạc, để quyển sách này có thể làm vai trò một hạt cát xây dựng tòa nhà chánh pháp. Nếu ở đây có điều nào khả dĩ phù hợp với tâm Phật ý Tổ, đó là nhờ sức gia bị linh diệu của các Ngài. Còn nếu có gì sai lạc khiếm khuyết, đó là vì sở học và năng lực tu trì của chúng tôi còn yếu kém. Chúng tôi xin thành tâm sám hối những sai sót phạm phải trong quyển sách này, và kính xin các bậc tôn túc cao minh vui lòng chỉ dạy. 

 Thiền Thất Viên Giác

 Nha Trang, Mùa An Cư, Tân Tỵ (2001)

 THÍCH THÔNG HUỆ

(daophatngaynay.com)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage