Phật Học Online

Lễ hội Quan Âm Nam Hải tại Bạc Liêu
GHPGVN

Vào lúc 8giờ 30 phút sáng ngày 23 tháng 3 năm Canh Dần, tại phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu long trọng tổ chức Lễ hội Quan Âm Nam Hải. Đến tham dự có HT. Lý Samouth - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Ban thường trực BTS Phật giáo tỉnh Bạc Liêu; ĐĐ. Thích Minh Lành - Phó Ban thường trực BTS Phật giáo tỉnh Bạc Liêu; chư Tôn giáo phẩm Ban Trị sự, các huyện, thị, chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các Tự viện trong tỉnh và hàng chục vạn đồng bào Phật các nơi về tham dự.

Buổi lể hân hạnh đón tiếp ông Quản Trọng Ninh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bạc Liêu; ông Tạ Hoàng Nhiệm - Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu; bà Lê Hồng Thu - Phó chủ tịch UBND thị xã Bạc Liêu; quý ông, bà đại diện các ban, ngành tỉnh Bạc Liêu, thị xã Bạc Liêu. Được biết, Thánh tượng Bồ Tát Quán Thế Âm được xây dựng từ năm 1973 và hoàn thành vào đầu năm 1975. Tượng cao 11m, mặt hướng ra biển Đông. Quán Âm Phật Đài được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng nhân dân, của ngư dân vùng biển Bạc Liêu, đồng bào Phật tử tại khu vực đồng bằng sông Cửu long và nhiều tỉnh, thành khác tại phía Nam. Từ đó, hằng năm vào ngày 22 – 24/3 âm lịch có hàng chục vạn đồng bào Phật tử đến tham quan, chiêm bái Thánh tượng Quan Âm. Quan Âm Phật đài là một trong những điểm đến du lịch tâm linh, tham quan của Bạc liêu như Lễ hội Dạ Cổ Hoài Lang, lễ hội Đồng Nọc Nạng, lễ hội Nghinh Ông.

Bên cạnh Lễ hội Quán Âm Nam Hải mang ý nghĩa tâm linh tôn giáo, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu còn tổ chức nhiều sự kiện khác diễn ra trong 3 ngày như: Lễ cầu quốc thái dân an; cầu siêu bạt độ anh hùng liệt sĩ, đồng bào hy sinh vì độc lập tự, do của Tổ quốc; thuyết pháp; văn nghệ... Lễ hội Quán Âm Nam Hải là lễ hội mang màu sắc văn hóa Phật giáo, là một trong những lễ hội văn hóa tâm linh nổi bật ở Bạc Liêu. Ngoài việc đến với lễ hội, mọi người có thể du ngoạn để chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng của Bạc Liêu.

Tỉnh Bạc Liêu được thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1899 do tách từ tỉnh Hà Tiên ra, gồm 7 tổng: Long Thủy, Quản Xuyên, Quản Long, Quản An, Thạnh Hòa, Thạnh Hưng, Long Thới. Địa bàn tỉnh Bạc Liêu khi đó bao gồm cả tỉnh Cà Mau hiện nay. Trước năm 1975, chính quyền Sài Gòn chia tỉnh Bạc Liêu thành hai tỉnh Bạc Liêu và An Xuyên (Cà Mau hiện nay). Sau khi hòa bình lập lại năm 1975, hai tỉnh Bạc Liêu và An Xuyên hợp nhất lại thành tỉnh Minh Hải, đến ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Minh Hải được chia thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Theo sử liệu, Bạc Liêu được hình thành cách đây hơn 300 năm, được thiên nhiên ưu đãi nên nhiều cư dân đến đây để sinh cơ lập nghiệp. Từ đó đã tạo cho Bạc Liêu là một vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo; tạo nên cá tính người dân Nam bộ nói chung và Bạc Liêu nói riêng là tư duy phóng khoáng, ít câu nệ hình thức, trọng nghĩa tình, mọi người đều là bạn bè, nhưng cũng rất rành mạch giữa thiện và ác. Trong ký ức mọi người, khi nói đến Bạc Liêu là nói đến sự giàu có, những huyền thoại về Công tử Bạc Liêu, hay huyền thoại về cuộc khởi nghĩa Đồng Nọc Nạng, hay huyền thoại về bài Dạ Cổ hoài lang của Nhạc sĩ Cao Văn Lầu v.v… Điều đặc biệt hơn, hôm nay khi mọi người đến Bạc Liêu không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy tại một tỉnh giáp với vùng đất cực Nam của Tổ quốc lại có dãy nhà cất theo kiểu Pháp sang trọng, không thua kém với những biệt thự Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt. Điều này cho thấy, Bạc Liêu có một thời kỳ phát triển cực thịnh như cách nói của quần chúng “tiền rừng bạc bể”.

Năm 2004, được sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh Bạc Liêu, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng lại khuôn viên Quán Âm Phật Đài với diện tích 25.000m2, nhiều hạng mục được đầu tư xây dựng như điện Địa Tạng, 32 tượng hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, tượng Tiêu Diện đại sĩ và núi Phổ Đà và nhiều hạn mục khác đang được đầu tư xây dựng, kinh phí đầu tư trên 5 tỷ đồng. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu và các nghệ nhân đã nghiên cứu công hạnh của Bồ Tát Quan Thế Âm để tạo nơi đây là một trong những công trình Thánh tượng Quan Âm Bồ tát lộ thiên lớn nhất cả nước.

Đến với Lễ hội Quan Âm Nam Hải tại Bạc Liêu, bên cạnh thực hiện các nghi lễ tôn giáo, khách thập phương được Ban Tổ chức lễ hội giới thiệu khái quát về sự tích của Bồ tát Quan Thế Âm để tạo nên niềm tin vững chắc đối với Phật pháp.

Theo Đại đức Thích Minh Lành – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội, Bồ tát Quan Thế Âm có sự tích như sau:

Bồ tát Quan Thế Âm, khi chưa xuất gia tu hành, có một kiếp Ngài làm con đầu lòng của vua Vô Tránh Niệm, tên là Bất Huyến Thái Tử. Trong thời kỳ đó, chỉ có Đức Phật tên là Bảo Tạng trụ thế nơi đời.

Vua Vô Tránh Niệm thấy nhơn tâm theo sự giáo hóa của Phật càng ngày càng đông, bèn suy nghĩ rằng: “Nếu Đạo Phật không phải chơn chánh, thì đâu có lẻ người ta sùng bái khắp xứ như vậy!”Nên vua mới phát tâm sắm đủ lễ vật đến cúng dường Phật và chúng Tăng trong ba tháng, và khuyên các vị vương tử, đại thần trong cung cũng làm như vậy. Khi ấy Thái Tử Bất Huyến vâng lời Phụ vương, hết lòng tin kính, sắm đủ các đồ trân quý để cúng dường Phật và Tăng trong ba tháng.

Quan Đại thần Bảo Hải là phụ thân của Phật Bảo Tạng, thấy vậy khuyên rằng: “Điện hạ đã sẳn lòng tu phước mà cúng dường Phật và Tăng, vậy Điện hạ hãy đem công đức đó mà hồi hướng về đạo vô thượng giải thoát, thành tựu Phật quả để cứu độ chúng sanh, lợi mình lợi người đều vuông tròn, chớ nên cầu sự phước báu nhơn thiên.

Thái Tử Bất Huyến nghe Đại thần Bảo Hải khuyên như vậy, bèn đáp rằng: “Ta xem xét cả thảy chúng sanh trong sáu đường chịu sự khổ cực, cõi người cõi trời vẫn bị sanh tử luân hồi.

Thái Tử Bất Huyến suy nghĩ: “Bởi chúng sanh ở trong đời không gặp đặng những người hiền nhơn quân tử, khuyên việc lánh dữ làm lành mà dìu dắt lên con đường giải thoát, chỉ gặp những kẻ tàn ác tiểu nhơn cùng nhau kết bạn bè, thường xúi dục nhau những điều bất thiện, và lại phá hư Chánh Pháp, khinh Pháp Đại Thừa, làm cho mất cả căn lành, thêm điều tà kiến, vì vậy mới che lấp tâm tánh, không biết đạo đức là gì, nên phải chịu nổi đày đọa”.

Thái Tử Bất Huyến đối trước Đức Phật Bảo Tạng: “ Nay con đối trước mặt Phật và đại chúng mà tỏ lời như vầy: Con nguyện đem tất cả các món công đức mà con đã từng cúng dường Tam Bảo và các món công đức mà con đã từng tu tập xin hồi hướng về đạo Vô thượng Bồ đề.

Con nguyện trong khi tu những công hạnh Bồ Tát, làm những việc lợi ích cho chúng sanh, nếu con xem có kẻ bị sự khốn khổ hiểm nghèo ở trong hoàn cảnh ám muội, không biết cậy nhờ ai, không biết nương dựa đâu, mà xưng niệm danh hiệu con, tức thời con dùng phép Thiên nhỉ mà lóng nghe và dùng phép Thiên nhãn mà quan sát coi kẻ bị nạn ấy ở chỗ nào, cầu khẩn việc gì, liền hiện đến mà cứu độ cho họ khỏi khổ và đặng vui . Nếu chẳng đặng như lời thề đó thì con không thành Phật”.

Đức Phật Bảo Tạng nghe mấy lời nguyện ấy, liền thọ ký Bất Huyến Thái Tử rằng: “Ngươi xem xét chúng sanh trong cõi tam thiên và trong ba nẽo sáu đường nếu bị những điều đau khổ, mà sanh lòng đại bi, và làm cho cả thảy đều đặng hưởng sự an vui. Vì người có lòng đại bi, quán xét những mong cầu của loài hữu tình trong thế gian mà cứu khổ như vậy, nên nay Ta ban cho Người hiệu là: Quan Thế Âm. Trong khi ngươi tu hạnh Bồ Tát, thì giáo hóa cả vô lượng chúng sanh cho thoát khỏi sự khổ não và làm đủ mọi việc Phật sự. Khi công đức viên mãn, nơi cõi “Nhứt Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu”, dưới cội cây Bồ đề, Ngươi sẽ thành Phật hiệu là “Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sang Vương Như Lai”.

Như thế, qua sự tích của Bồ tát Quan Thế Âm, với nhĩ căn viên thông, 32 hóa thân, thì mọi người khi gặp khổ nạn nếu thành tâm niệm danh hiệu của Bồ tát Quan Thế Âm mọi việc đều được như ý nguyện. Và Lễ hội Quan Âm Nam Hải là một trong những Lễ hội mang giá trị văn hóa, tâm linh của người dân Bạc Liêu cũng như người dân trong khu vực Nam bộ.

Chư tôn giáo phẩm chứng minh và quý quan khách

Đoàn lân - sư - rồng tỉnh bạc liêu múa mừng khai mạc lễ hội

ĐĐ. Thích Minh Lành phát biểu khai mạc lễ hội

Bà Lê Hồng Thu tặng hoa chúc mừng

Bà Lê Hồng Thu phát biểu

HT. Lý Samouth và ĐĐ. Thích Minh Lành tặng quà lưu niệm

Tin và ảnh: Cộng tác viên tại Bạc Liêu


Source: GHPGVN


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage