Phật Học Online

Chiêm ngưỡng "ngọc kỳ diệu" trong thân thể cao tăng

Thái Lan được mệnh danh là xứ sở của những nụ cười. Đến Thái Lan có nhiều thứ lạ nhưng kỳ lạ nhất vẫn là triển lãm xá lị, những siêu nông dân với thu nhập cả triệu USD/năm, là tay nghề cao siêu của bác sĩ Thái biến cái không thể thành có thể, biến nam thành nữ, nữ thành nam và những huyền diệu của đạo Phật...

Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)


 
 

Ngàn năm trôi qua, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ nhưng bí ẩn của những viên xá lị vẫn chưa một lời giải đáp. Xá lị là những hạt tinh thể với đủ màu sắc, cái long lanh như ngọc, cái óng ánh tựa kim cương, cái  tựa đá cuội, cứng đến nỗi búa đập không vỡ, lửa thiêu không cháy. Chúng được tìm thấy trong đống tro tàn sau khi hỏa thiêu của những sư tăng đã thấm đẫm cái đạo của trời đất, Phật pháp, để trường tồn ngàn năm cùng tạo hoá, rủ rỉ kể những câu chuyện phi thường.

 

Cơ hội chiêm bái xá lị rất hiếm gặp trong đời bởi vì chúng được cất giữ, thờ kính ở những nơi vô cùng bí mật. Phật tử ăn chay, niệm phật cả đời cũng khó lòng được chiêm ngưỡng xá lị là vì thế. Lần này, đến Thái Lan, anh Long - hướng dẫn viên của đoàn bảo với chúng tôi: “Nhân những ngày triển lãm xá lị phật ở chùa Yannawa (Bangkok), mọi người sẽ có một cơ hội hiếm có trong đời là chiêm ngưỡng đủ các loại xá lị của thế giới”.

 

Lòng ai cũng khấp khởi mừng. Yannawa là ngôi chùa cổ điển hình với kiến trúc đậm nét tiểu thừa, đầy huyền hoặc vàng son. Mỗi người trong đoàn mua một bó hoa lễ phật 20 bạt gồm một bông hoa sen, một bông huệ và một bó hương. Bên trong chùa không cho khách quay phim, chụp ảnh, không hút thuốc, thắp nhang... Gian trung tâm ngự bức tượng Phật Thích Ca, dưới là xá lị của ngài. Khách ai đến cũng cố chen vào trong tấm thảm dưới chân ngài, nơi đó theo tâm niệm sẽ lấy được năng lượng từ xá lị của Phật Thích Ca.

 
 

Xá lị là từ ngữ phiên âm tiếng Phạn. Nghĩa đen là “những hạt cứng”. Nguồn gốc cũng rất bí ẩn. Theo ghi chép trong lịch sử Phật giáo, khi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni viên tịch, các tín đồ đã đem xác của ngài đi hỏa táng. Sau khi lửa tàn, họ phát hiện thấy trong phần tro còn lại có lẫn rất nhiều tinh thể trong suốt, hình dạng và kích thước khác nhau, cứng như thép, lóng lánh và tỏa ra những tia sáng muôn màu, giống như những viên ngọc quý. Sững người trước sự kiện lạ, chư tăng mẩn mê đếm được cả thảy 84.000 viên. Xá lị phật, sau khi hỏa táng lưu lại, thường nhỏ như hạt vừng hoặc lớn bằng nửa hột gạo, gồm có 5 màu như: Màu đen tức tóc của ngài, gọi là phát xá lị; Màu đỏ tức máu, gọi là huyết xá lị; Màu vàng tức da, gọi là bì xá lị; Màu xanh tức gân, gọi là cân xá lị; Màu trắng tức xương, tủy, gọi là cốt xá lị.

 

Trước đây người ta không tin là có xá lị Phật tổ. Mãi đến năm 1997, ông W.C Peppé, người Pháp, khi tiến hành khảo cổ tại vùng Piprava, phía Nam Népal đã tìm thấy những viên xá lị đựng trong một chiếc hộp bằng đá. Trên hộp có khắc những văn tự Brahmi, và người ta đã đọc được nội dung của nó như sau: “Đây là xá lị của Đức Phật. Phần xá lị này do bộ tộc Sakya, nước Savatthi phụng thờ” (Phật quang từ điển). Điều kỳ lạ là trải qua hơn 25 thế kỷ, thánh tích Đức Phật vẫn còn nguyên vẹn, lấp lánh màu sắc trước ngàn vạn cặp mắt thế gian ngỡ ngàng.

 

Theo tài liệu trên mạng, có rất nhiều kỷ lục liên quan đến xá lị như: Tháng 3/1991, Phó hội trưởng Hội Phật giáo Ngũ Đài Sơn - Ủy viên thường vụ Hội Phật giáo Trung Quốc, sau khi viên tịch đã được tiến hành nghi thức hỏa táng theo tâm nguyện của ngài, trong phần tro còn lại người ta phát hiện được tới 11.000 hạt xá lị, đạt kỷ lục thế giới. Viên xá lị có thể to như quả trứng vịt, đó là trường hợp của Pháp sư Khoan Năng, vị chủ trì Tây Sơn Tẩy Thạch Am huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ngày 27/9/1989, ngài viên tịch thọ 93 tuổi. Sau khi hỏa thiêu người ta tìm thấy trong tro hài cốt 3 viên xá lị màu xanh lục, trong suốt, đường kính mỗi viên lên tới 3 - 4cm, tựa như những viên ngọc lục bảo. Lại có một số trường hợp, xá lị chính là một bộ phận nào đó của cơ thể không bị thiêu cháy.

 

Ở chùa Yannawa, chúng tôi như đi trong huyền thoại giữa trầm mặc đời thường của xá lị. Thôi thì đủ loại, đủ màu sắc, cái như hòn ngọc, cái như viên sỏi, có cái dạng gốm… đặc biệt có cả xá lị được hình thành từ óc các nhà sư.

 

Về sự hình thành của những viên xá lị, cho đến nay vẫn tồn tại nhiều cách giải thích khác nhau. Phật tử thường tin rằng khi thấm đạo, thẫm đẫm tình người về gần với cõi chết, các nhà sư không ăn, uống gì mà chỉ xếp bằng, ngồi thiền hấp thu âm dương khí của trời đất. Có hàng trăm, hàng ngàn nhà sư thiền như thế nhưng cơ duyên để thành xá lị chỉ có tỷ lệ một phần vạn, một phần triệu tuỳ theo căn tu của sư.

 

Các nhà khoa học thì cho rằng, do thói quen ăn chay, thường xuyên sử dụng một khối lượng lớn chất xơ và chất khoáng, trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ, rất dễ tạo ra các muối phosphate và carbonate, những tinh thể muối đó tích lũy dần trong các bộ phận của cơ thể và cuối cùng biến thành. Tuy nhiên, giả thuyết này không đủ sức thuyết phục. Bởi lẽ số người ăn chay trên thế giới có tới hàng trăm vạn, nhưng tại sao không phải ai khi bị hỏa táng cũng sinh xá lị. Số người theo đạo Phật cũng nhiều vô kể, thế nhưng tại sao trong cơ thể của những tín đồ bình thường lại không có xá lị?

 

Nhóm khác lại cố dùng những kiến thức về lý, hoá để cho rằng, có thể xá lị là một loại hiện tượng có tính bệnh lý, tương tự như bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật... Giả thuyết này cũng khó đứng vững. Bởi vì, sau khi đưa xác đi thiêu, trong phần tro của những người mắc các chứng bệnh kể trên, không hề phát hiện thấy có xá lị. Mặt khác, những cao tăng có xá lị thường là những người lúc sinh thời thân thể rất khỏe mạnh và tuổi thọ cũng rất cao.

 

Khoa học đưa người ta lên mặt trăng, đưa tin tức đi với tốc độ ánh sáng, gửi thông điệp cho những người ngoài hành tinh…tuy nhiên, cuối cùng thì xá lị đã được hình thành như thế nào? Thành phần của nó ra sao? Vẫn đang làm nhức đầu các nhà khoa học. Chẳng phải kim loại, chẳng phải phi kim, cũng chẳng phải kim cương, đá quý, chỉ là tro cốt còn lại của người tu hành sau khi hỏa táng, vậy mà sao đốt cũng không cháy, không cần màu vẫn sáng lấp lánh, thách thức với thời gian... 

 

Theo Dương Đình Tường/Báo Nông Nhiệp Việt Nam


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage