Phật Học Online

Lời người còn ghi lại
Tác giả: Thích Chân Tính

Mọi vật tồn tại trên cuộc đời này, dù hữu hình hay vô hình, hữu biên hay vô biên, tất cả đều phải bị lớp bụi thời gian phủ mờ, bị dòng chảy vô thường của tháng năm cuốn trôi vào dĩ vãng. Cho dù đó là một kiệt tác vĩ đại, một công trình kiên cố mang tầm vóc thế kỷ hay một giá trị cao vời nào đi chăng nữa, rốt cuộc rồi cũng chẳng thể tồn tại mãi mãi mà sẽ chóng phôi phai. Nó thoáng qua như ánh chớp đêm đông, mau tan như giọt sương trong nắng sớm, như bóng hoàng hôn cuối trời chiều còn sót lại, le lói trước ngày tàn.

 

Song, cũng có những giá trị, những con người rất lạ. Họ gần như hoàn toàn không hề bị ảnh hưởng bởi một mảy may thời gian nào chi phối. Mà ngược lại, họ vẫn song hành, vẫn còn mãi, vẫn từng bước tinh khôi và tỏa sáng với thời gian.

 

Vâng, chúng tôi trân trọng muốn ví điều này với bậc Sư Tổ muôn vàn tôn kính của chúng tôi, người mà suốt cả cuộc đời chỉ biết quên mình để dấn thân hy sinh phụng sự đạo pháp và con người - cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử!

 

Theo lời kể lại của Thầy chúng tôi cũng như căn cứ trên một vài sử liệu khan hiếm ghi chép về Ngài, cuộc đời của Ngài quả thật là một chuỗi ngày dài rất có ý nghĩa và đạo tình đặc biệt, đáng làm tấm gương sáng chói và là một mực thước mô phạm cho hậu sinh noi theo. Không chỉ riêng cho bản thân chúng tôi, mà tin chắc mọi người trong tất cả chúng ta, nếu một lần có dịp được biết hay nghe qua đơn sơ chỉ vài nét chính về con người cũng như nếp sống giản dị, thanh đạm của Ngài, có thể ai ai cũng sẽ ngạc nhiên và vô cùng khâm phục. Không như nhiều giai thoại phi thường khác nói về sự xuất hiện hy hữu của những con người cũng rất phi thường mà truyền sử nhà Phật còn ghi lại, Hòa thượng Sư Tổ của chúng tôi ra đời chỉ là một con người rất bình thường như bao con người bình thường đương thời khác, nhưng thông qua cách sống, Ngài thật sự đã lưu dấu trong tâm tưởng của mọi người một ấn tượng khó phai.

 

Gia đình Ngài có năm anh em. Ngài là anh cả trong số ba trai, hai gái. Bởi gia đình song thân có truyền thống Nho giáo lâu đời, do vậy, từ thuở thiếu thời, Ngài đã may mắn sớm hấp thu những tư tưởng uyên nguyên thâm trầm của Nho học, trong ý niệm mong mỏi sẽ tìm ra giữa cuộc đời một vài chân lý tối hậu. Theo đuổi điều đó một thời gian, mọi nỗ lực miệt mài của Ngài dường như vẫn chưa thỏa mãn. Sau này, khi lớn lên, đủ duyên lành thọ nhận sự hướng dẫn của Sư Tổ Quang Huy, Ngài lại chuyển sang nghiên cứu Phật học. Nhờ túc căn sẵn có nên không bao lâu, Ngài đã nhanh chóng thấm nhuần Thánh điển nhà Phật. Khi ấy, những tối tăm mê lầm bấy lâu giờ như bùng vỡ, bao thắc mắc bâng khuâng trong lòng đã được giải khuây; nẻo sáng đã tìm ra, vầng mặt trời hồng vừa mới rạng: Ngài đã nhận thấy một cách sâu xa và thông hiểu thật sâu sắc về cuộc thế vô thường, nhân sinh thống khổ!

 

Từ đó, Ngài dốc lòng hướng về đạo giải thoát, quyết tâm truy cầu Thánh pháp xuất gia. Sau một thời gian miệt mài học tìm chân lý nhiều nơi, ngày kia, Ngài đã hội ngộ được Tôn Sư Hư Không Tử thường du hóa tha phương theo hạnh Độc giác. Và với dung mạo oai nghiêm đức độ, Tôn Sư Hư Không Tử đã nhanh chóng cảm hóa được Ngài. Ngài đã thọ lãnh quy giới từ đây với pháp danh Ngộ Chân Tử. Bấy giờ là năm Kỷ Mùi 1919, vào ngày mùng 08 tháng 02.

 

Tiếp sau, từ năm 1927 đến năm 1929, 1932, Ngài đã trùng tu các chùa, như chùa làng tại Cao Mại, Kiến Xương, Thái Bình; chùa Quan Âm tỉnh Kiến An; chùa làng Úc Gián huyện Kiến Thụy; chùa Văn Đẩu huyện An Lão; chùa Kiền Bái, chùa Côn Sơn, chùa Đỗ Xá huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương; chùa Phù Cốc, chùa Khánh Vân tỉnh Thái Bình.

 

Năm 1935, Ngài thành lập chùa Hoằng Pháp tại Kiến An.

 

Năm 1938, Ngài xây Viện Dục Anh tại tỉnh Kiến An, thu nhận các trẻ em lang thang không nơi nương tựa hay bơ vơ đói khổ lạc loài mang về nuôi nấng, giáo dưỡng thành tài. Ngoài ra, Ngài còn mở thêm cơ sở tiểu thủ công nghiệp hầu giúp đỡ những người nghèo khó có phương tiện sinh sống.

Từ những năm 1945 đến 1965, Ngài lại tiếp tục không mệt mỏi trong các công tác từ thiện xã hội khác, như vận động các cơ quan, các nhà hảo tâm tiếp sức với Ngài cứu đói cho đồng bào miền Bắc trong nạn đói 1945; lập Viện Dưỡng Lão nơi Tùng Lâm Tu Viện để giúp đỡ người già có nơi an dưỡng tu niệm; xây khu định cư gồm 55 căn nhà tường vách mái tôn với hơn 361 nhân khẩu trong lúc đồng bào ta bị chiến tranh tàn phá tại Đồng Xoài.

 

Từ những năm 1968 đến 1975, Ngài lại vẫn tiếp tục với công hạnh ích đạo lợi đời, Ngài đã thành lập Giáo Hội Đạo Tràng Thiền Học nhằm phổ biến giáo lý Phật giáo; lại xây tiếp Viện Dục Anh tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn để nuôi dạy các em nhỏ tha phương đói khổ; hiến 45 mẫu đất tại ấp Phú Đức, xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh cho Ban Quản trị khu kinh tế mới sử dụng sau ngày đất nước giải phóng dù trước đó, Ngài dự định sẽ dùng số đất này để xây dựng một làng cô nhi Việt Nam và một đền thờ quốc Tổ vua Hùng.

 

Hành trình xuyên suốt và dọc theo cuộc đời cũng như những đóng góp to lớn và tích cực của Ngài thì thấy, Ngài đến với cuộc đời này gần như là để hy sinh và phụng sự cho tất cả, mấy mươi năm có mặt trên cõi đời là mấy mươi năm miệt mài trong sứ mệnh chan trải tình thương và chia sẻ mọi thứ đến với tha nhân. Ngài có thọ dụng gì cho bản thân đâu. Mặc thì áo thô, ăn thì cơm đạm. Suốt tháng quanh năm chỉ ở lều tranh vách đất, vậy mà canh cánh trong lòng cũng chỉ một tâm niệm lợi lạc cuộc đời. Có những lúc thấy cảnh dân tình đói khổ, dù thức ăn vốn dĩ đã đơn sơ, song Ngài vẫn nhịn bớt phần mình và bảo đồ chúng cũng phải thật tiết kiệm để có thể giúp đỡ những người nghèo khổ.

 

Chúng tôi là đàn hậu tấn, thâm tâm luôn tự ý thức và phải có bổn phận, trách nhiệm đối với những bậc tiền nhân, những người đã dầy công khai sơn tạo tự. Bởi những gì hôm nay chúng tôi thừa hưởng được, tất cả đều bắt nguồn từ nền tảng của những bậc đã vất vả khổ công gầy dựng buổi ban đầu. Nhất là Hòa thượng Sư Tổ của chúng tôi, chúng tôi lại càng kính cẩn tri ân Ngài vô lượng. Chúng tôi không có duyên lành được gần gũi Hòa thượng trong những ngày Ngài còn tại thế, mà chỉ biết Ngài qua lời kể lại của Thầy tôi. Mỗi chiều hay mỗi khuya lên chánh điện công phu, chúng tôi chỉ còn thấy Ngài qua dung ảnh trên bàn thờ với khói hương nghi ngút. Nơi hậu Tổ, những khi chắp tay tác lễ, trong cảm quan đơn điệu, Ngài toát lên một phong thái thật uy nghiêm, sâu lắng và trầm hùng. Nhất là đôi mắt của Ngài, trông thật thanh thoát hiền từ, song vẫn cứ như chứa chan một điều gì còn đang trở trăn, thao thức. Có lẽ, không ai hiểu được điều này ngoài Thầy bổn sư của chúng tôi. Và giờ đây, Thầy chúng tôi đang thực hiện. Dường như Thầy đã, đang và sẽ tiếp tục nối gót làm theo những tâm hạnh ích đạo lợi đời của Sư Tổ, cụ thể nhất là thông qua rất nhiều việc làm thật tích cực mang lại lợi lạc thiết thực cho cả ngàn người mà thiết nghĩ không cần phải nói ra, bởi giờ đây, khắp nơi ai ai cũng đều biết. Hiểu được vậy, chúng tôi thấy mình cần phải làm tròn bổn phận mà Thầy giao phó. Nhất là lần này, không đợi Thầy phải chỉ dạy, chúng tôi tự biết mình phải làm công việc này thay thế cho Thầy. Vả lại, được đọc, được ghi và được tìm hiểu phần nào về cuộc đời của Sư Tổ, chúng tôi xem đó như một cơ hội quý báu giúp chúng tôi có dịp tiếp cận và truyền trông phần nào với Sư Tổ, cũng như được một lần tìm về với cội với nguồn.

 

Tập sách Lời người còn ghi lại này ra đời là một nỗ lực nho nhỏ của chúng tôi trong hân niệm tri ân về Sư Tổ của chúng tôi nhân ngày lễ giỗ. Những văn liệu liên quan về cuộc đời cũng như sự nghiệp hoằng hóa độ sinh của Ngài thật quá ít. Chúng tôi chỉ tiếp cận và ghi lại được một vài thông tin còn lại từ Thầy chúng tôi cung cấp, phần lớn có lẽ đã bị thất lạc với thời gian. Sử liệu dù rất hiếm hoi, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tôn trọng và tuân giữ gần như nguyên vẹn những lời của Tổ, nhất là những điều Tổ dạy, những văn kệ khuyến tu của Ngài. Cũng như chính tên gọi của nó, tập sách là một tập hợp trình tự những bài viết hoặc dài hoặc ngắn của Ngài trong nội dung nhắc nhở, bảo ban với mọi người phải nhận chân đâu là giá trị thật hư trước thực trạng của cuộc đời, để tìm ra cho riêng mình một phương châm sống tốt đời đẹp đạo. Những lời dạy ấy là quá trình đúc kết, chắt chiu trong suốt cả một đời lặn lội, bôn ba hành đạo và trải nghiệm của Ngài. Giờ đây, dù Ngài đã mãi mãi đi xa, nhưng bàng bạc suốt theo chiều dài hơn một trăm trang viết trong tập sách nhỏ, mỗi chữ mỗi câu dù rất giản đơn, gãy gọn, nhưng đấy lại là cả một tấm lòng, một tình thương lớn mà Sư Tổ muốn ân cần khích lệ và dành tặng cho chúng ta, thể như Ngài đang còn rất gần đâu đó.

 

Dù người viết đã cố gắng giữ nguyên văn phong của Tổ, nhưng có một vài đoạn trong tình thế bắt buộc phải có sự chỉnh sửa đôi chút về từ ngữ và câu cú để người đọc thời nay dễ dàng lãnh hội và thông hiểu được. Về điều này, xin cho phép chúng con được quỳ kính sám hối lên trên Sư Tổ, và với cả Thầy bổn sư của chúng con.

 

Dẫu đã cố gắng rất nhiều trong việc ghi chép hay chỉnh đọc bản thảo, chúng tôi vẫn biết tập sách chắc chắn cũng còn nhiều sơ sót, sai lầm. Kính mong người đọc lượng thứ!

 

Viết xong vào cuối chiều gần ngày giỗ Tổ.

                                    

    Ban Văn hóa chùa Hoằng Pháp

Nguồn: chuahoangphap.com.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage