Phật Học Online

Niệm A Di Đà Phật "siêu độ" hương linh

Theo Kinh điển Phật giáo, thông thường, người ngay sau khi chết phải trải qua giai đoạn thân trung ấm trong vòng 49 ngày. Trong giai đoạn này thân trung ấm luôn chờ đợi cơ duyên thành tựu để chuyển sanh vào một trong sáu đường

Theo Kinh điển Phật giáo, thông thường, người ngay sau khi chết phải trải qua giai đoạn thân trung ấm trong vòng 49 ngày. Trong giai đoạn này thân trung ấm luôn chờ đợi cơ duyên thành tựu để chuyển sanh vào một trong sáu đường

Niệm Phật chân thành hồi hướng cho những hương linh là một trong những cách thức ‘siêu độ’ vi diệu nhất, đây là một trong nhiều công đức thù thắng của Thánh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, như Pháp Nhiên Thượng Nhân trong quyển “Niệm Phật Tông Yếu’ thuyết, “Vì người chết mà niệm Phật hồi hướng cho họ thì Phật A DI ĐÀ phóng quang minh soi chiếu địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Kẻ bị chìm trong ba đường dữ chịu khổ sẽ hết khổ, người chết sau khi lâm chung được giải thoát.” (Trang 34)

Ngài Pháp Nhiên thuyết rất có căn cứ vì y theo Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ ở phẩm 12 ghi, “…Quang Minh của Phật A DI ĐÀ chiếu khắp mười phương, nếu chúng sinh nào chạm quang minh này, cấu diệt thiện sinh, thân ý nhu nhuyến, nếu trong tam đồ, chỗ vô cùng khổ, thấy Quang minh này, đều được dừng dứt, đến khi mạng chung đều đặng giải thoát.” (trang 39).

Ấn Quang Đại Sư năm xưa khi còn sống cũng dùng cách niệm Phật hồi hướng cho hương linh. Phật tử yêu cầu siêu độ tồ tiên, thân bằng quyến thuộc thì Ngài Ấn Quang đều để bài vị ở Niệm Phật đường rồi lấy công đức niệm Phật của đại chúng ở Niệm Phật Đường hồi hướng cho họ. Theo Ngài Tịnh Không, cách này rất đáng được học tập và nhân rộng.

Vì thế, quý vị an tâm niệm Phật chân thành để ‘siêu độ’ cho người thân quá cố của mình. Bài viết mở rộng dưới đây về việc siêu độ cho hương linh trong vòng 49 ngày sau khi chết và sau 49 ngày hoặc thời gian dài sau đó nhằm giúp quý vị hiểu rõ quan điểm siêu độ của Phật giáo và các vị Thánh tăng.

1. Siêu độ cho hương linh trong vòng 49 ngày sau khi chết

Người học Phật cần phải biết đối tượng giáo hóa của đức Phật Thích Ca Mâu Nilà người sống chứ không phải là người chết. Nếu vì hương linh siêu độ đó chỉ là biện pháp thứ yếu chứ không phải là sứ mạng căn bản của Phật giáo. 

Vấn đề này được Pháp sư Thánh Nghiêm, một vị cao tăng uy tín của Phật Giáo Đài Loan nói riêng và của Thế giới nói chung, sáng lập dòng thiền Phật Giáo Pháp Cổ Sơn (Dharma Drum Mountain.) thuyết giảng trong bài viết “Vì sao làm phật sự” đăng trên trang mạng điện tử Thư viện Hoa Sen ngày 7/7/2011. Thế nhưng, ngày nay một số chùa chuyên làm ‘phật sự’ cúng bái, siêu độ cho người chết trong khi đó độ cho người sống là thứ yếu, vì thế  Pháp sư Tịnh Không  thuyết rằng “‘phật sự’ – hai chữ này là dạy học hiện nay đã biến chất rồi. Biến thành cái gì vậy? Siêu độ cho người chết gọi là phật sự, điều này ở trong Phật giáo không có, trong kinh điển không có. Phật sự là dạy học, chính là giáo dục. Chỉ một việc này.” 
 
Những xác quyết của quý ngài đều đúng như pháp vì sao vậy?  

Y theo Kinh Địa Tạng, người thân vì người chết trong vòng bảy thất (49 ngày), làm ‘phật sự’ một cách thành khẩn như là ăn chay, phóng sinh, cúng dường Tam Bảo, tạc tượng Phật, giữ giới, tụng kinh, niệm Phật vv... rồi lấy công đức này hồi hướng cho người mất. 

Trong vòng 49 ngày người sống rốt ráo làm phật sự như vậy, thì trong bảy phần công đức, người chết chỉ nhận được một phần mà thôi. Vì thế khi còn thân người, thì chúng ta nên tu tập là tốt nhất. Ai tu nấy hưởng. 

Tuy nhiên,  những người thân của người quá cố chí tâm tu hành như Pháp thì dù chỉ một phần công đức cho người chết nhưng họ sẽ được siêu thoát vào cõi lành (thiên, nhân) hoặc có thể về Cực Lạc Quốc của Đức Phật A DI ĐÀ. Việc này cũng được Pháp sư Thánh Nghiêm xác quyết “Người chết trong thời gian bảy tuần gia đình nên vì họ mà làm các phật sự, sẽ có công dụng rất lớn đối với người chết. Gia đình nên đem các tài vật mà người chết khi sanh tiền yêu thích để cúng dường Tam Bảo, bố thí kẻ nghèo khổ, và hồi hướng công đức này cho người chết, người chết sẽ nương nhờ công đức đó mà được tái sanh về các cảnh giới an lành.” 

Vì sao vậy?

Y theo Kinh Địa Tạng, hình ảnh thánh nữ Ba la môn siêu độ cho mẹ bằng chính sự tu tập của bản thân sau khi được vị cao tăng cho biết mẹ của cô đang chịu cực hình ở địa ngục. Quý vị thấy rằng trong Kinh, cô không mời pháp sư, không mời thầy cúng đến tụng kinh. Thay vào đó, cô quay đầu, quyết tâm đoạn ác tu thiện một cách nghiêm túc và chí thành. Suy ngẫm kỹ, chúng ta thấy việc đọa vào địa ngục của thân mẫu là động lực thúc đẩy cho cô quyết chí tu tập. Khi đã được chứng quả, công đức này đã gây cảm ứng cho thân mẫu và từ đó mẹ cô liền được sinh thiên. Hình ảnh này cũng được Pháp sư Tịnh Không thuyết giảng trong bài “Phât sự….” như một lời nhắn nhũ rằng điều tốt nhất để siêu độ cho người chết là chính bản thân người thân của hương linh phải đoạn ác tu thiện một cách chí thành không những trong vòng 49 ngày mà hơn thế nữa. 

Tụng kinh siêu độ cho người chết tuy là thứ yếu nhưng cũng mang lại lợi lạc cho người quá cố. Tại sao vậy?

Y theo Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Vấn Đức Thế Tôn có đoạn:

“Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật: Như người ở trên đời không có trai giới mà hay làm phước huệ cho đời. Sau khi chết rồi có con hiếu thuận hoặc trai hay gái thỉnh thầy tụng kinh đại thừa, làm thủy lục hoặc trai đàn lớn cầu siêu độ vong linh, không biết vong linh có thể siêu độ không?

Đức Phật nói: …

“Còn như thỉnh thầy uống rượu ăn thịt chẳng đặng trong sạch, tụng kinh lấy bạc tiền. Thiên thần chẳng giáng lâm, Phật thánh không đến trợ, lại vong linh ấy càng thêm tội lỗi.”

Bằng như có con hiếu thuận chân chánh, cha mẹ chết rồi, trong mỗi tuần bảy ngày làm chay bảy thất, hoặc trong ba năm cả nhà ăn chay giữ giới, xuất tiền của trong sạch, cầu thỉnh thầy tu hành đức hạnh, trai giới tinh nghiêm, tụng kinh đại thừa, hoặc làm chay thủy lục thiết lập nghiêm trang, thắp hương rãi hoa y theo pháp cúng dường, có lòng thành kính thay thế cho vong hồn khỏi tội đặng phước. Nếu cầu siêu bố thí bạc tiền như vậy, vong linh mới đặng sanh lên cõi trời, người sống cũng đặng phước, kẻ còn người mất đều an vui, người vui mừng thần thánh cũng vui mừng, như vậy mới thật là con cháu hiếu thuận.”

Quan điểm này cũng được Pháp sư Thánh Nghiêm đề cập trong bài viết ‘Vì sao làm phật sự’sẽ được trình bày dưới đây.

2. Siêu độ cho hương linh sau 49 ngày

Theo Kinh điển Phật giáo, thông thường, người ngay sau khi chết phải trải qua giai đoạn thân trung ấm trong vòng 49 ngày. Trong giai đoạn này thân trung ấm luôn chờ đợi cơ duyên thành tựu để chuyển sanh vào một trong sáu đường: thiên, nhân, a tu la, ngạ quỹ, súc sanh và địa ngục. Tuy nhiên, có hai loại người sau khi chết không trải qua giai đoạn thân trung ấm này đó là những người khi còn sống tu tạo những công đức lành (như niệm Phật, tu thập thiện) liền được thoát sinh lên Tây Phương Cực Lạc hoặc cõi thiên. Hoặc là những người khi còn sống tạo ác nghiệp, trọng nghiệp lập tức đọa vào địa ngục. Vì thế, như đã đề cập ở trên, trong vòng bảy thất này, hương linh rất cần sự giúp đỡ đầy thành tâm của gia đình thì mới mong được chuyển sinh vào cõi lành.  Vấn đề này cũng được Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche vấn đáp trong quyển “Death and Rebirth” “trong bảy tuần lễ đầu sau khi chết là thời gian rất quan trọng để cho người sống làm mọi việc có thể giúp sức tái sinh cho người chết.” Tuy nhiên sau 49 ngày, chuyện gì xảy ra với hương linh và việc siêu độ họ như thế nào? Có hai khả năng xảy ra.

2.1 Khả năng thứ nhất 

Sau 49 ngày người mất đã có chỗ thoát sinh, một trong sáu đường tùy theo nghiệp lực khi còn sống và tùy thuộc vào công tác “Phật sự’ của người thân trong vòng 49 ngày. Khi họ đã có chỗ ‘an sinh’, thì việc làm công tác ‘phật sự’ hồi hướng cho họ chỉ làm tăng thêm phước phần cho họ mà thôi. Sau đây là đoạn trích bài thuyết Pháp của Pháp sư Thánh Nghiêm trong bài “Vì sao làm phật sự" cũng đã xác minh quan điểm này:

“Phật Giáo chủ trương siêu độ vong linh tốt nhất là trong khoảng thời gian sau khi chết bốn mươi chín ngày. Nếu như qua bốn mươi chín ngày mà làm Phật sự hồi hướng, đương nhiên cũng có tác dụng nhưng lúc này chỉ tăng thêm phước phần cho họ chứ không thể cải biến được cảnh giới họ đã chuyển sanh. Giả sử một người khi sanh tiền đã tạo các điều ác, định sẵn đời sau họ phải đọa làm thân trâu bò hay mèo chó, ngay sau khi họ chết trong vòng bốn mươi chín ngày nếu gia đình vì họ mà làm các phật sự đồng thời tạo cơ duyên cho họ đang ở trong giai đoạn thân trung ấm mà nghe được người xuất gia tụng kinh, nhân đó biết được một số đạo lý Phật pháp, ngay đó họ sẽ sanh tâm hối cải lập chí hướng thiện, nhờ đó có thể tránh được làm thân súc sanh mà tái sanh làm người.

Nếu như qua bốn mươi chín ngày họ đã tái sanh làm thân trâu bò, mèo chó, lúc này gia đình vì họ mà làm các phật sự thì chỉ cải thiện được hoàn cảnh sanh hoạt của trâu bò, mèo chó như làm cho họ được ăn uống đầy đủ, không bị cày bừa lao nhọc, được mọi người yêu mến cho đến tránh được cái kiếp phải bị dao đâm. Còn bằng người chết đã sanh làm người liền có được thân thể khỏe mạnh, sự nghiệp thuận lợi, bà con thương yêu bảo bọc. Nếu như họ đã vãng sanh cũng khiến cho phẩm vị Liên hoa của họ được tăng cao sớm được thành Phật.”

Lời sau cùng trong Kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni có trích một câu chuyện kể về sự linh ứng khi trì chú Đà ra ni này cho thấy Thánh Nghiêm Đại sư xác tín phước phần tăng thêm cho thân bằng quyến thuộc sau khi có chỗ thọ sinh là có căn cứ. Sau đây là đoạn trích nguyên văn mẩu chuyện này từ trong Kinh.

“Trong niên hiệu Khai Nguyên, có vị cư sĩ tinh tu ở non Ngũ Đài, người thường gọi là Vương Sơn Nhơn, cũng trì tụng chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni này. Sau vì cầu siêu cho cha, ông tụng chú đến vài mươi muôn biến, cầu xin được biết nghiệp báo lành dữ và chỗ sanh của phụ thân. Nhưng kết cuộc không thấy chi, ông thối tâm muốn ra khỏi núi. Bỗng gặp một lão nhơn đón lại, bảo: "Hiền giả tụng trì thật là cần mẫn, nhưng vì cách Phật lâu xa, văn cú thất lạc, thiếu sót nhiều. Nên không mau được ứng nghiệm. Nay gặp nhau đây, tôi xin truyền lại toàn bản của thần chú". Vương Sơn Nhơn mời về đảnh lễ và thọ pháp. Lão nhơn dạy: "Hiền giả tụng chú bản này độ một ngàn biến sẽ thấy hiệu lực". 

Cư sĩ trì niệm y theo lời. Vài hôm sau lúc ban đêm, bỗng nghe tiếng ngọc hoàn bội khua thanh thao, giọng tiêu cầm dìu dặt, lần lần giáng xuống trước sân nhà, cư sĩ kinh lạ bước ra xem, thấy mấy mươi thiên nhơn vây quanh ủng hộ một vị thiên tiên tướng mạo siêu phàm đi đến. Vị thiên tiên hỏi: "Người biết ta chăng?" Cư sĩ thưa: "Kẻ dung phàm này mới được hân hạnh diện kiến". Thiên tiên nói: "Ta là phụ thân của người, năm rồi người trì tụng Tôn Thắng Đà Ra Ni, ta được nhờ phước lực sanh lên cõi trời. Mấy hôm nay, y phước lại tăng gấp bội hơn trước, ta được làm vua trong hàng thiên tiên. Bản chú ngươi vừa trì tụng công hiệu thật không thể nghĩ bàn!". Nói xong, tất cả đồng bay về thượng giới, cư sĩ vui mừng, cúi lạy tiễn đưa. Từ đó về sau càng thêm tinh tấn.” (trang 48-49)

2.2 Khả năng thứ hai

Theo Kim Cang Thừa, Trong giai đoạn 49 ngày của thân trung ấm, đa số thần thức đều được đầu thai một trong sáu đường (lục đạo). Tuy nhiên có một số trường hợp, thần thức bị kẹt ở trạng thái thân trung ấm này một khoảng thời gian như Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche vấn đáp “có một số người khác cứ vất vưởng trong thế giới trung ấm này một thời gian rất lâu, có lúc đến bảy năm mới đi tái sinh. Nếu trường hợp họ bị kẹt lại trong thế giới trung gian này, họ sẽ trở thành ma quỷ.”

Trong Kim Cương Thừa dạy rằng khi bị kẹt trong trạng thái trung ấm, chúng sinh phải chịu đựng rất nhiều khổ đau, lang thang khắp nơi trong sợ hãi, đói khát, buồn khổ, tham chấp, sân hận và hối tiếc về những kiếp sống đã trôi qua. Họ phải trải qua rất nhiều khó khăn, uất hận và đau đớn khổ sở.” Vì thế họ rất cần sự giúp đỡ của một vị cao tăng ‘siêu độ’ cho họ. Tác giả Vô úy trong bài viết “Ý nghĩa lễ Quán đỉnh Changwa” viết, “Thông qua các pháp tu Bản tôn A Di Đà Phật, Bất Động Phật, Bản tôn Quán Âm trong Kim Cương thừa, nương nhờ hồng ân Tam Bảo, nương theo giáo pháp chân thực và năng lực quán tưởng chư Phật Bản tôn, một bậc Thượng sư đã thực chứng Đại định A Di Đà hoặc thành tựu bất kỳ pháp môn nào khác, trong khi nhập đại định, Ngài có khả năng dẫn dắt thần thức của những vong linh đang phải gánh chịu khổ đau trong trạng thái trung ấm tới trước mặt mình và ban dạy giáo pháp về vô thường, khai thị cho họ biết chính tâm tham chấp của họ với kiếp sống trước đây khiến họ bị kẹt trong trung ấm không thể siêu thoát.  Nhờ đó vong linh sẽ lợi lạc vô vàn và tức thời được siêu thoát.”

Trong trường hợp này, gia đình có thể thỉnh cao tăng Tịnh độ về khai thị, Quy y Tam Bảo và ban pháp niệm Phật vãng sanh cho hương linh. Trong khi đó mọi người trong gia đình đều thành tâm niệm Phật, đọc Thần Chú Vãng sanh, làm những ‘Phật sự’ khác  và hồi hướng công đức này cho họ thì họ mới có cơ may siêu thoát vào cõi lành. 

Nguyện đem công đức này

Hướng về tất cả chúng sanh khắp pháp giới

Đồng sanh cõi An Lạc

Tâm Tịnh sưu tập
--------------------------
Nguồn tham khảo:
1) Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh – Nguyên Hán bản: Ngài Hạ Liên Cư hội tập – Tâm Tịnh chuyển ngữ; Viện nghiên cứu Phật học Phước Huệ hiệu đính và ấn hành; Phật Lịch 2546 -2002
2) Đại Thừa Kim Cang Luận – Thích Viên Giác; PL.2543 –TL. 2000
3) Kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni – Hòa Thượng Thích Thiền Tâm dịch; Phật Lịch 2550 –TL: 2006
4) Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân – Nguyễn Văn Nhàn dịch; Nhà Xuất Bản Phương Đông; Phật Lịch 2555 – TL. 2011
5) Khai Thị Pháp Môn Niệm Phật- Hòa Thượng Tịnh Không; PL.2553 – TL, 2010
6) Death & Rebirth – Chết & Tái Sinh – Thích Nguyên Trạng, Melourne, Úc châu: PL. 2545 – TL. 2002
7) Vì sao làm Phật sự - Pháp sư Thánh Nghiêm: Hội Bông Sen, 2011
8) Từ Điển Phật học online. Quangduc.com.

Theo Phatgiao.org


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage