Tại một gia đình nọ, có một ông cha già, một đứa con trai. Vợ ông không may qua đời sau một trận chữa bệnh phép thuật mê tín, bùa ngải, đánh người bằng roi để hồn xuất. Thực trạng vợ ông xuất trần để nhập địa, để lại mình ông cô đơn và đứa con trai yêu quý. Ông ôm mối hận mất vợ, kêu ông địa cũng làm ngơ, cáo thần tài cũng không trả lời trả vốn. Mỗi ngày ông lang thang ngoài đường làng, ai thấy cũng đau lòng.
Một chiều nọ, ông ra mộ thăm vợ, ông ngồi xuống bên mộ vợ mà thì thầm:
- Bà hãy nói cho tôi biết vì sao bà chết? Tiền bạc tôi lo theo ý bà mà bà lại ra đây!
Hồn rằng:
- Đi lầm đường, uống nhầm thuốc. Chuyện đã rồi, tôi khuyên ông đừng nói nữa, bọn mê tín nghe được sẽ cho ông theo tôi. Hơn nữa, thời buổi đất cát đắt đỏ, tôi đến trước, sợ sau nầy không có chỗ chen. Thôi ông về cố gắng nuôi con và nói bà con làng xóm rằng: “Mê tín là hàng độc, ai dùng sẽ hại thân và tâm. Tôi nhắn thêm: Thời đại văn minh mà ai còn mê tín sẽ chuốc lấy quả thảm hại”.
Ông nghe hồn nói, ông bớt sầu. Ông quyết tâm nuôi con nên người hữu dụng.
Sau khi thăm mộ vợ về, ông gọi đứa con trai yêu quý lên, nói:
- Mẹ con do chất độc mê tín hại. Ba đã hỏi mấy ông bầu làm nghề mê tín, không ông nào mở miệng giải thích mà chỉ nói “Dại ráng chịu”.
- Bây giờ còn hai cha con heo hút quá! Con đã lớn, nên lập gia đình để Ba có cháu nội cho vui nhà vui cửa.
Đứa con trai thưa:
- Mẹ mất không những ba đau buồn mà con cũng vậy. Con muốn ở vậy phụng dưỡng Ba suốt đời. Con sợ gặp người vợ thiếu hiếu kính với ba, con đau lòng lắm.
Qua bao nhiêu lần khuyên giải của người cha, chàng trai ngã lòng, chìu theo ý cha mình.
Anh lấy vợ và sinh được một bé trai lên tám lên mười, Ông già cưng cháu hết mực. Mỗi chiều, ông nội đứng cửa trông cháu về để được ẵm, nựng cháu.
Thời gian thắm thoát trôi qua, ông ngày già thêm và sức càng yếu, ông lâm trọng bệnh, bệnh một căn bệnh lao quái ác mà không ai dám đến gần vì sợ lây nhiễm. Biết cha chồng bệnh nguy hiểm, người vợ nói với chồng:
- Nên cho ông già ở riêng, ăn riêng.
Ruột đau, lòng thắt, nhưng anh con trai đành để cha mình ở riêng nơi hiên nhà phía sau. Không những thế mà còn giới hạn tối đa thằng cháu nội lên xuống với ông nội.
Trong mỗi bữa ăn của mình, ông già chỉ được dùng chén gáo dừa, không được dùng loại chén sứ vì sợ lây nhiễm và rớt bể. Đứa cháu nội rất thương ông, sau mỗi ngày đi học về thường trốn ra chơi với ông nội và thấy ông nội ăn cơm bằng chén gáo dừa, thằng bé để ý nhưng không hỏi gì. Một hôm trên đường đi học về, thằng bé tình cờ lượm được một cái gáo dừa và bỏ vào cặp táp của mình.
Hôm nọ vào ngày nghỉ, thằng bé đem gáo dừa ra mài gọt. Cha thằng bé thấy vậy hỏi:
- Con làm chén gáo dừa này để làm chi vậy?
- Dạ! khi nào ba già như ông nội ba dùng cho khỏi bể.
Anh chàng chạy lại ôm con mà khóc. Đau lòng quá, anh chạy sang hiên nhà thì hỡi ôi người cha đã ra đi từ lúc nào! Anh chàng chỉ biết ôm xác cha vào lòng, hối hận ăn năn nhưng đã quá muộn.
Lời bàn: Nhân Quả là quy luật. Quy luật nầy không đặc ân cho ai. Ai chạy theo mê tín thì sẽ vào đường thảm hại, không giàu đẹp. Vì bản chất mê tín là loại hình làm con người mất khả năng thông minh, không phát triển sự nghiệp chân chánh. Mê tín là nuôi mầm đần độn ngu si và sống trong sáng sẽ phú quý thông đạt, là cơ sở con giòng cháu nối sẽ thông minh.
Và câu chuyện của chàng trai kia đau lòng khi nuôi cha như vậy, hậu quả là đứa con của anh cũng sẽ đối xử với anh như vậy khi về già.
Nhân là mảnh đất, ta gieo hạt nào thì ra cây nấy (gieo nhân tốt thì gặp quả tốt còn nếu gieo nhân xấu thì hậu quả khó lường). Chăm sóc có nghệ thuật thì sẽ cho hoa trái tốt.
Quả là biểu thị nơi nhân, là vị trí kết thúc của vấn đề. Cho nên, Đức Phật dạy:
“Phàm làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó”.