Phật Học Online

Nhìn Vu Lan bằng đôi mắt tình yêu

Thuở nhỏ cứ mỗi lần đến rằm tháng bảy, hình ảnh tôn giả Mục- Kiền- Liên luôn hiện về trong tôi qua đoản văn Bông Hồng Cài Áo của Thầy Nhất Hạnh. Rảo bước lang thang trên những con đường heo hút. Nhiều lá vàng cũng bắt đầu rụng đầy ngõ, từng chiếc lá như một âm hưởng tiết trời vào mùa thu hiếu hạnh và vầng trăng luôn bừng sáng khắp mọi nơi như luôn có Mẹ. Vào một đêm, tôi vẫn còn nhớ ngày Vu Lan năm Bính Tý, hai người em rủ tôi ra sau nhà hái một vài bông hoa và mấy trái chanh; hương chanh thơm phức, lan tỏa khắp khu vườn. Tôi  cố gắng hỏi cho ra lẽ, các em hái mấy này để làm gì, chúng thật bí mật chẳng chịu nói cái điều mà nó sắp thực hiện.

          Bầu trời đã xuất hiện những ngôi sao lấp lánh như muốn báo hiệu niềm ước mơ gì đó sẽ xảy ra! Sân nhà bỗng sập tối, thế là hai đứa thắp đèn dầu lên, tới đây tôi mới hiểu ra ý của hai đứa muốn gì và Mẹ cũng bất ngờ khi nghe tiếng gọi Mẹ. Từ trong gian bếp Mẹ nói với ra là Mẹ đang nấu nồi khoai mót cho các con đây! Tôi chợt hỏi lại, khoai mót là gì vậy Mẹ? Mẹ cũng phải nực cười, đáp lại- khoai Mẹ đi lượm nhặt lại đó con ơi! Chắc có thể là Mẹ cũng nghĩ tối nay trăng sáng nên mới nấu khoai nóng cho tụi anh em tôi, nhưng chúng tôi thì thầm nghĩ đây là phần thưởng Mẹ muốn khích lệ trước lúc vào năm học mới. Vừa chia nhau mỗi đứa mỗi phần, sau đó khoai ai nấy bỏ gọn vào túi. Thằng nhỏ cũng biết ý, giả vờ thật thà thương Mẹ, nó cũng bày đặt lựa cho Mẹ củ to nhất trong rổ. (Nhớ tới cảnh nghèo cùng tủi thân buồn bã). Sau năm đó Ba tôi đã trở thành người quá khứ. Chỉ còn duy nhất là có Mẹ bên đời với mái nhà tranh xiêu vẹo trong những đêm khuya vắng. Chúng tôi cố cầm lại nước mắt để ngồi xích thật gần Mẹ, nắm lấy bàn tay xương gân thấm mùi sương trời và liếc mắt nhìn nét mặt khắc khổ đơn độc của Mẹ. Một bà Mẹ quê bấy lâu đã mang theo nỗi bôn ba nhọc nhằn đi khắp chặng đường đời. Ăn khoai xong, các anh em chúng tôi thay phiên nhau đọc bài thơ của Thầy Nhất Hạnh viết:

“ Năm xưa tôi còn nhỏ

Mẹ tôi đã qua đời

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận trẻ mồ côi

Quanh tôi ai cũng khóc

Im lặng tôi sầu thôi

Để dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông Chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Như mất cả bầu trời”

 

Các bạn biết không? Mẹ tôi thì vẫn ngồi im lặng lẽ nhưng từng giọt nước mắt lắng đọng của Mẹ đã tuôn dài xuống đôi gò má hốc hác. Bởi vì chúng tôi đọc những lời lẽ ấy ra đây không chỉ sợ mất thêm một người yêu qúy nữa mà vì quá thương Mẹ của mình. Bởi Ba chúng tôi vĩnh biệt ra đi từ lúc tôi lên năm tuổi (cái hôm ấy bầu trời hiền hòa, đất tự dưng rung chuyển như có tiếng sét đánh vô tri) kể từ đó thân phận trẻ mồ côi bỗng ập xuống trên những búp măng non mới lớn. Sau những ngày tháng phút kinh hoàng ấy! Mẹ chỉ biết cặm cụi và có những hôm chúng tôi cứ thức trắng bên Mẹ. Hằng ngày bà thường thui thủi một mình gồng gánh mọi việc đồng áng chợ đò, khi tuổi Mẹ vẫn chưa đủ bốn mươi. Căn nhà mục nát đầy gió và nằm heo hút cuối làng ấy, giờ trở nên quạnh quẽ hơn, chắc thiếu đi bóng dáng của Cha mình. (Những đêm thắp đèn đánh thức con học bài,với những đêm đông Ba luôn cận kề sưởi ấm cho bảy gót chân còn non mềm vào lòng).Tôi biết đó là nỗi niềm bất hạnh lớn đã xảy ra trong đời nhưng cũng đành cam chịu theo dòng thời gian ảo hóa và định luật vô thường đến rồi đi. Mà bất kể ai đang sống trên cõi đời này điều phải chấp nhận sự sống qua vô lượng kiếp phù sinh “vô khứ vô lai”. Thế là Mẹ tôi vẫn trầm ngâm lắng nghe tiếng đánh vần “cà lăm” từng con chữ, sau đó mới hết một bài thơ. Thầy mất mẹ khi tuổi Thầy còn rất trẻ giống y hệt bảy đứa chúng tôi. Có lẽ đọc vần thơ ấy xong, tôi mới thấu hiểu được sự cô đơn của Thầy, lúc Thầy mất mẹ và Thầy đã cho tôi cảm nhận được nỗi buồn tri kỷ sinh thành,  khi đời mất đi người Cha thân yêu. (trong màn sương chiều giăng giăng đầy ắp con đường hôm ấy, cả nhà phải chạnh lòng ngậm ngùi xót đau). Từ đó Mẹ tôi mang gồng gánh chạy ngược lên non, xoay lưng giữa chợ, thức khuya dậy sớm, mong sao con mình đủ bữa, có cái chữ đến trường. Bây giờ lớn lên nhớ lại cái ngày tháng cơ cực của một gia đình miền biển xa xôi, tôi không thể nào quên nỗi hình ảnh Mẹ hiền, một bà Mẹ chân quê ‘buôn gánh bán bưng’ giã gạo nuôi con từng ngày, không lời than vãn thở dài, cũng chưa bao giờ để con mình đói rách chịu thiệt thòi thua chúng bạn. Mặc dù đến tận hôm nay các con đã lớn khôn, đang có mặt khắp mọi nẻo đường mưu sinh chông gai và dần lớn lên trong sự thương yêu đùm bọc của mọi người, nhưng đôi mắt hiền hậu của Mẹ lúc nào cũng mỏi mòn vì luôn dõi theo hành trang trên bước đường tha phương của mỗi đứa con yêu…có lần Mẹ ngồi im lặng, nghẹn ngào trong giọt nước mắt khô, nhắc thằng ở Cần Thơ, đứa giờ Sài Gòn, tận Mỹ, Canada…  còn lại hai thằng có biết chúng chịu sống chung với tui hôm sớm nữa không? (Nói như vậy không phải Mẹ tự hào bầy con của bà sải bước đi xa thế đâu)

 

Ân tình ! Thầy Minh Niệm viết: Trong bản chất của tình thương chân thật phải có chất liệu của sự nâng đỡ, của hy sinh, của hiến tặng. Có lẽ vì thế mà mối liên hệ thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái không bao giờ có thể rứt ra được.

Và có một người kể rằng “…Có hôm, tôi không làm xong bổn phận, đến bữa cơm ông phạt tôi ăn cơm lạt. Nghĩa là chỉ ăn cơm không thôi, không có đồ ăn, và phải quay mặt vào tường bưng tô cơm mà ăn để sám hối về sự lười biếng của mình. Tôi vừa thút thít vừa cố nuốt muỗng cơm đầu tiên nhạt thếch. Đến muỗng thứ hai, thì, ô cái gì thế này? Dưới mặt tô cơm trắng là cả một “kho tàng”. Nào thịt kho, nào tôm rim, nào đậu hũ, được chôn giấu và “ngụy trang” cẩn thận. Tôi ngưng khóc, lấm lét vừa ăn vừa thủ tiêu tang vật. Chắc các bạn biết kẻ nào là thủ phạm của hành vi mờ ám, thông đồng với tội phạm này rồi. Quả là mẹ tôi yêu tôi, một tình mẫu tử mù quáng”.

Nam Đan còn thốt lên: …Giá mà mẹ tôi còn tại thế thì tôi đã có một người sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho cái sự đàng hoàng của tôi, tiếc thay! Nhìn lại đời mình, những khi mà tôi đàng hoàng thì chỉ có mình mẹ tôi chứng kiến mà thôi, nay bà đã qua đời thì lấy ai làm chứng bây giờ?

“Xin có mặt cho người

Bằng tất cả trong tôi

Phút giây này tỉnh thức

Với ân tình chưa vơi”

 

Như Đức Phật có dạy có bốn chữ Hiếu trong kinh: tiểu hiếu, đại hiếu, chân hiếu, cận – viễn hiếu. “Hạnh Hiếu tức Hạnh Phật ” Gốc rễ của cách làm người là ta phải biết bổn phận hiếu thảo với cha mẹ. Bởi vì cha mẹ chính là trời đất, cha mẹ là Sư trưởng, cha mẹ cũng là chư Phật. Nếu như quý vị không có cha mẹ thì quý vị sẽ không có được thân thể này, mà không có thân thể này thì quý vị sẽ không bao giờ thành Phật. Cho nên quý vị muốn thành Phật thì trước tiên phải hiếu thảo với cha mẹ.

"Dù xây chín đợt phù đồ

Không bằng hiếu thuận Mẹ Cha một ngày.”

"Một bên vai cõng Cha, một bên vai cõng Mẹ, như vậy suốt 100 năm, cũng không đủ để đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của Mẹ Cha" (Tăng Chi I, 75).

Hoặc "Này các Tỳ kheo, cái này là nhiều hơn, tức là sữa Mẹ các người đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, nhiều hơn nước bốn biển" (Tương Ưng II, 208).

Hiếu thảo với Cha Mẹ có công đức lớn như vậy, lại phù hợp với đạo lý thế gian cũng như với đạo lý nhà Phật. Không nên:

"Mẹ nuôi con như biển trời lai láng,

Con nuôi Mẹ tính tháng tính ngày.”

Chúng con được lớn lên trong vòng tay ấm áp của Mẹ và Mẹ tôi từng trãi qua cuộc sống không có chỗ dựa. Thế mà Mẹ đã gánh vác che chở cho đàn con nương tựa tới tận bây chừ! Phận làm con khi nghĩ về tình Mẹ thiêng liêng, lấy gì đền trả cho hết công đức sâu nặng như biển rộng sóng muôn năm:

 

"Đêm đêm khấn nguyện Phật Trời

Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con.”

Có một lần, tôi nắm tay một người sư em đi thiền hành, dọc theo con suối nhỏ, nước trong veo, hoa rừng ở đây thơm nức nở. Dòng nước cuốn mình về đại dương, hai bên lối đi là một màu xanh thăm thẳm của trà non Bảo Lộc. Đôi chân tôi, có lúc dừng lại để tự thưởng thức món quà Mẹ cho. Thật hạnh phúc biết bao, từng bước, như từng nấc thang đi trên cõi đời mênh mông. Sự tạo hóa... mầu nhiệm chỉ có hơi thở chánh niệm mới nhận ra lòng biết ơn vi diệu ấy thôi; huynh đệ chúng tôi khép mắt để cảm nhận nguồn năng lượng thương yêu từ con tim chảy dài xuống gót chân, có lúc Mẹ muốn chúng tôi đứng thật vững chãi, có lúc Mẹ dìu bước bên cạnh những khi giông tố khó khăn, nhưng Mẹ chỉ muốn đôi chân tự bước vào đời. Tôi hiểu được Mẹ, tôi còn thấy cả khuôn mặt Mẹ hiện về thật rõ mỗi lần Mẹ nở nụ cười thắm thiết.

Một hôm trên con phố nhỏ, lác đác  hàng ngàn cánh hoa phượng vàng rơi lả tả, tôi chợt nhận ra rằng Mẹ là tình yêu, thứ tình yêu ngọt ngào nhất trong đời, chỉ đến một lần bên ta và lòng mẹ mở ra trước mắt tôi,

Chiều nay tóc mẹ phủ bóng tuyết

Nụ cười mẹ còn trong gương nguyệt

Cánh hoa thuỷ triều dâng đâu đó

Mẹ mãi dòng Hậu Giang trôi êm.

Tấm lòng tri ân gửi về cho Mẹ mỗi năm trong mùa báo hiếu Vu Lan là một lần được minh chứng tâm trạng và sẻ chia  vào trái tim biết nói, hai tiếng Mẹ ơi! Một lần nữa, thiết nghĩ có lúc Mẹ phải giã từ chia tay anh chị em tôi nên mỗi khi tiếng kinh chiều vang lên là lúc tôi nhận lại tình yêu thương của Mẹ biểu hiện như một khung trời hiện hữu “Mẹ vẫn còn đó, nắng chiều như hơi thở”. Lời tỉnh thức gọi tôi về giữa trang kinh niệm Phật chính là thời gian tôi trân quý sự có mặt của Mẹ! Ý thức nhận ra lẽ tất nhiên của cuộc đời là vô thường, sinh diệt là tiếp nối thì tôi mới hiểu Đức Phật trong lòng tôi. Mỗi ngày giúp tôi tiếp xúc chừng ấy chất liệu thôi là đến một lúc nguồn từ bi sống dậy giữa muôn loài gần gũi bên nhau. Trong phút khoảng lặng buổi sáng, trong lúc ngồi thưởng thức chén trà độc ẩm, múc nước tưới rau, ngắm trăng lên hay bữa cơm chiều dưa muối đạm bạc. “Đó là những khi dòng suy thức hiện tại đi ngang qua thì càng cho ta cảm nhận về chân dung Mẹ, với ý niệm là mình đang có may mắn lớn và diễm phúc cho ta hơn thế nữa, có pháp môn, Tăng chúng giữa bụi hồng” tình con thương mẹ:

Đã bao kiếp mẹ làm dòng sông lặng

Để chiều về phủ kín ánh tà dương

Từng hạt nắng mẹ chắt chiu gói lại

Để đêm về sưởi ấm mái đầu xanh.

Những ngày Vu Lan sau này, có Thiền sư Tuệ Nguyên dạy về tình yêu khi còn có mẹ trong bài thơ “Tình hoa trắng” lòng tôi càng khắng khít, hiểu hơn về cuộc đời của người Mẹ, tuổi thời gian lam lũ, ôm ấp nhiều đắng cay bởi vì con. Qua nhiều cách nhìn, hóa thân của Mẹ vào đại dương, trăng ngàn hay một bông hoa ven đồi, giọt sương lam, bờ cát mịn và đôi khi Mẹ biến thành trang kinh giữa nghìn trùng vì sao:

“Áo tôi vàng em cài tình hoa trắng,

Đoá hoa xưa ngày mẹ xới đất trồng.

Giữa những ngày mưa chang và nắng quái,

Giữa biển cồn đời mẹ hóa thành bông”.

 

Với Mẹ, tôi không bao giờ nghi ngờ điều gì cả, dù điều Mẹ dạy có khác với lời cô giáo dặn, công thức hóa học để chế tạo ra vũ khí mang đi lấn chiếm đất liền. Bởi vì công thức đó ta sẽ nhanh chóng tìm ra  ở mọi cột mốc thời gian nhưng công thức tình thương của Mẹ chỉ dành riêng cho ta lúc đau ốm, lắng nghe lời vỗ về dạy bảo và tận mắt nhìn Mẹ mỉm cười. Đó chính là thứ tài sản quí báu mà bạn không thể nào tìm lại được.

‘Dù bạn có đội lưng lên non, mang mình xuống biển’ dám chắc rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra dù có phép màu hiện hữu… vô vàn kiếp sau.

… “như cuộc đời - không thể thiếu trong con

Nếu có đi một vòng quả đất tròn

Người mong con mỏi mòn

Chắc không ai ngoài Mẹ

Cái vòng tay mở ra từ tấm bé

Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên”

Thầy còn khuyên chúng ta: “Mẹ là một dòng suối ngọt ngào, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Có lúc giận dỗi, hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con, chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình mới có nghĩ: "Hình như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!"… Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên, như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ, con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa!

Vu Lan về cũng là dịp chúng ta biết sử dụng đôi mắt nhìn mẹ thật rõ ràng, một cách cung kính tràn đầy niềm biết ơn sâu sắc, quỳ xuống dưới chân mẹ, để nói lời thỏ thẻ “con cám ơn mẹ” đã sinh ra con và đó là lúc tình yêu đạo lý lên ngôi. Tôi muốn chia sẽ thêm với các bạn rằng, điều đó chính là  chiếc chìa khóa để mở cánh cửa tâm linh cho tình mẹ con luôn gần bên nhau và bạn nên tận hưởng nữa hạnh phúc còn lại giữa cuộc đời càng thêm ý nghĩa. Lấy nguồn cảm hứng, Võ Tá Hân chấp bút mấy dòng thương yêu:

“Mẹ cho ta một tình yêu thương, mẹ cho ta một mùi thanh hương, con tim mẹ truyền đạt tất cả, mẹ dạy rằng yêu thương quê hương.

Tình của mẹ vời vợi trời cao, tâm của mẹ như vầng trăng sao, đôi mắt mẹ mặt trời ánh sáng, bàn tay mẹ cứu vớt thương đau.

Mẹ là Phật đại nguyện hóa thân, mẹ là hoa, hoa đẹp tuyệt trần, mẹ là nước nước nguồn vô tận, cuộc đời mẹ chỉ biết hiến dâng.

Con chắp tay chiêm ngưỡng ơn người, con nhiếp tâm khấn chúc vạn lời, mẹ là Phật là Phật hằng hữu, cho cuộc đời con mãi thắm tươi”.

Khúc ca ấy, ngợi ca lòng Mẹ và đã mời Mẹ lên một tầm nhìn mới trong chiều sâu của đất trời. Đó là Phật hóa thân, là dòng suối mát róc rách tuôn chảy ở mọi ngóc ngách tâm hồn như Mẹ tôi sẽ sống mãi với trái tim thời gian .

Thích Pháp Bảo


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage