Đời
sống của chúng ta là một chuỗi dài nhân duyên được hỗn hợp, bao gồm cả
tốt lẫn xấu. Nếu chúng ta chỉ yêu thích cái tốt, ghét cái xấu, thì đời
sống tinh thần của mình sẽ trào dâng cảm xúc vui buồn mà thành ra có khổ
đau nhiều hơn là hạnh phúc.
Nếu mình có thể chấp nhận cái xấu cũng như cái tốt của thiên hạ thì
ta dễ dàng làm chủ bản thân mà không đánh mất chính mình. Tâm “không cố
chấp” sẽ là lưỡi đao bén, chém đứt những dây mơ rễ má phiền não tham
sân si. Tâm bình thì thế giới bình, đó là nguyên lý sống để ta hạnh phúc
giữa dòng đời oan trái trùng điệp khổ đau.
Người giàu có cái khổ của người giàu vì lo sợ mất mát, người nghèo có
cái khổ của kẻ nghèo vì thiếu thốn khó khăn về mọi mặt. Chúng ta hãy
can đảm quay lại chính mình, để nhìn thấy sự thật đời là một cuộc nội
chiến, dằng co dai dẳng trong tâm, giữa những được mất, hơn thua, thắng
bại, vinh nhục, tốt xấu, lo lắng sợ hãi bởi sự chấp ngã của ta…
Đời sống của chúng ta là biết an trú trong những giây phút hiện tại,
hạnh phúc đang có trong từng hơi thở, trong từng nhịp đập của con tim
khi ta biết bằng lòng với những gì mình đã có.
Chúng ta cũng đừng bao giờ chờ khi nào có thật nhiều tiền rồi, có nhà
cao cửa rộng rồi, con cái thành đạt hết rồi… lúc đó mới chịu tu hành
thì e rằng không còn kịp nữa, đừng để khát nước mới đào giếng. Để có một
đời sống hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ, chúng ta hãy tịnh hóa thân
tâm trong từng hơi thở, ta kiểm soát chặt chẽ từng ý nghĩ cho đến lời
nói và hành động của mình đừng để làm tổn hại cho ai. Đó là ta biết tu
trong mọi hoàn cảnh.
HẠNH PHÚC VÀ BA ĐIỀU SƯỚNG NHẤT CUỘC ĐỜI
Ngày xưa, có một người rất là lạc quan và yêu đời trên môi lúc nào
cũng nở nụ cười rạng rỡ, bất cứ là chuyện gì dù có xấu đến đâu, anh ta
vẫn không buồn phiền. Có người ngạc nhiên nên mới hỏi anh ta, vì sao anh
sống lạc quan như thế? Anh ta mĩm cười đáp:
Con người là vật tối linh trong trời đất, có hiểu biết, có yêu
thương, có suy nghĩ, có sáng suốt nhờ biết vận dụng vào trong đời sống
hằng ngày và tin tâm mình là Phật nên sống an lạc hạnh phúc. Ta được làm
người nên thường xuyên quay lại chính mình mà cảm nhận niềm vui không
thể nghĩ bàn. Ấy là điều sướng thứ nhất.
Chúng sinh do gieo tạo nghiệp nhân xấu ác nên có người tàn tật, đui
què, câm điếc, bệnh hoạn thiếu thốn khó khăn. Ta được lành lặn, lại biết
tu tâm sửa tính ấy là điều sướng thứ hai.
Người đời thường vì sự giàu có, danh vọng, tiền tài sắc đẹp nên phải
chìm đắm trong biển khổ sông mê không có ngày thôi dứt mà phải chịu
nhiều gian khổ, đắng cay. Ta có ăn đủ một ngày ba bữa, không phải bận
bịu kế sinh nhai, không phải lo lắng gì cả. Ấy là điều sướng thứ ba.
Phật dạy ai cũng sinh già bệnh chết là điều không ai tránh được. Ta cũng như mọi người, việc gì phải buồn lo khổ sở.
Nghĩ tới ba điều hạnh phúc, ta cảm thấy sướng cả người, nên ta lạc
quan vui vẻ là chuyện thường tình. Ai chịu thừa nhận thì khỏi cần cầu
Cực lạc tây phương.
NHỮNG CƠN GIẬN TRONG TÂM MÌNH
Một đệ tử đã kể lại cho thầy anh ta về nỗi bực tức của mình khi bị người khác nói xấu.
Sau khi nghe xong câu chuyện, người thầy liền nói: “Để thầy kể cho
con nghe chuyện này. Đôi lúc, ta cũng cảm thấy rất bực tức và ghét bỏ
những người như vậy, nhưng rồi ta cũng không buồn họ mà cảm thấy thương
họ nhiều hơn, vì họ bị vô minh mê muội chi phối.
Bởi vì sự thù hận, bực bội chỉ làm cho con mệt mỏi và đau khổ trong
lòng giống như chó đang gặm những khúc xương khô vậy. Người tu của chúng
ta dứt ái, lìa người thân để tìm cầu giác ngộ, giải thoát, con cần mở
rộng lòng từ nhiều hơn nữa nhằm vượt qua cảm xúc nóng giận này".
Chúng ta đừng nên tưới tẩm những nỗi buồn bằng lời nói và ý nghĩ của
người khác về mình, đừng ôm lòng phiền muộn mà nuôi lớn bản ngã của
mình. Chúng ta hãy cố gắng làm sao để mỗi ngày trôi qua đối với ta là
một ngày có ý nghĩa, để ta không cảm thấy hổ thẹn với tất cả mọi người
và chính bản thân mình.
BUÔNG XẢ ĐỂ SỐNG HẠNH PHÚC
"Một lần dính mắc, vướng bận tâm tư làm khổ mình người.
Trăm điều xả bỏ, thong dong tự tại bình yên cõi lòng".
Đã làm người chắc hẳn ai cũng phải tham, nhưng có người tham cho mình,
gia đình mình, đất nước mình nên tìm đủ mọi cách để vơ vét về cho riêng
mình, do đó làm khổ đau nhiều người. Ta có quyền tạo ra của cải vật chất
bằng cả đôi tay và khối óc của mình, chứ đừng bóc lột lường gạt người
khác, sống như vậy còn khả dĩ chấp nhận được. Bởi tham đắm dính mắc vào
tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn sung mặc sướng, ngủ nhiều mà ta đành
lòng làm tổn hại người khác. Xả là một phương pháp làm cho thân tâm ta
an ổn, xả ở đây là xả bỏ tâm phiền muộn khổ đau do tham đắm dính mắc,
chứ không phải xả bỏ trách nhiệm, việc làm. Muốn được như vậy chúng ta
phải biết quy hướng về Phật-đà để học hỏi và tu sửa cho thân tâm ngày
một sáng trong. Ta vẫn làm việc phục vụ, dấn thân đóng góp mà không dính
mắc vào cái ta, cái của ta, người thân yêu của ta, nhờ vậy ta ngày càng
bớt phiền muộn khổ đau.