Phật Học Online

Hạt Giống Bồ Đề- Nguyên Nhân và Mục Đích Xuất Gia
Tác giả: Thích Chân Tính

Vài lời đầu sách

Một người khi sinh ra đời, không phải ngẫu nhiên mà họ trở thành người tốt hay kẻ xấu. Chính sự tiếp xúc và tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ gia đình, người thân hay bạn bè xung quanh có ảnh hưởng rất lớn đối với người ấy. Việc hình thành nền tảng nhân cách đạo đức cũng như tâm tính của người này phụ thuộc phần nhiều vào các yếu tố khách quan tồn tại. Nói khác đi, chính hoàn cảnh sống và môi trường cộng trú chung đã phôi thai gần như toàn bộ nhận thức, tâm tư và tình cảm của họ. Sau này, họ có chững chạc, trưởng thành và tốt đẹp hay không, có bị xấu xa, lầm lỗi, tai tiếng hay không, môi trường tiếp xúc xung quanh ít nhiều vẫn là nguyên nhân quyết định.

   Môi trường xuất gia là một môi trường tốt, có thể nói là nơi giáo dục nhân cách, đào tạo con người tốt đẹp và tuyệt vời. Đó là cách nhìn nhận và thẩm quyết chung. Bởi giản đơn, đời sống xuất gia bao giờ cũng thanh thoát, nhẹ nhàng, hạnh phúc và an lạc hơn người thế tục. Không phải người thế tục không có hạnh phúc, bình an, song dường như những điều này chỉ thoáng qua trong ngắn ngủi, tạm thời, còn lại là chuỗi ngày dài của bao âu lo, khổ đau lúc nào vẫn cứ như song hành, tiếp bước. Rất hiếm khi hạnh phúc đến với người ta miên viễn trọn đời, đa phần là ngược lại. Riêng người xuất gia không hẳn hoàn toàn khác xa với người thế tục, nghĩa là họ cũng có những lúc buồn khổ, âu lo. Nhưng những khi rơi vào trạng huống như thế, người xuất gia biết khôn ngoan tỉnh táo, chánh niệm và bình tâm để nhận diện, chuyển hóa não phiền. Do vậy, khổ đau kia sẽ vơi đi rất chóng. Ngay đây, sự an tĩnh nội tâm kịp thời được thiết lập, khả năng cân bằng trạng thái được củng cố, người xuất gia sẽ tìm lại sự bình an, thanh thản cho thân tâm.

   Có nhiều nguyên nhân để khiến người ta phải xuất gia, từ bỏ gia đình để sống một đời không buộc ràng, vướng bận. Dù người ấy nhỏ tuổi hay lớn khôn, đã thành đạt huy hoàng hay chưa có danh vọng, địa vị gì trong xã hội; dù là người thuộc mọi giai tầng, thứ bậc nào hay dù người ấy có là gì đi chăng nữa; dẫu rất khác xa nhau trên tất cả phương diện, nhưng trong họ vẫn tồn tại ở một điểm chung: họ đã thẩm thấu, giác ngộ được một sự thật, một chân lý đích thực gì đó của cuộc đời. Sự thật, chân lý đó có thể là một yếu tố khổ đau, có thể là những nghĩ suy về sự phù du, tạm bợ của kiếp người, hay cũng có thể là một thoáng vô thường mong manh nơi cõi thế. Từ đó, trong họ chợt nảy nở tình thương. Tự nhiên, họ biết thương cho những đau khổ của bản thân, biết thương và bắt đầu biết quan tâm đến sự khổ đau của nhiều người xung quanh họ. Bởi có thương nên họ muốn làm một điều gì đó để đánh thức, kêu gọi yêu thương, hầu xoa dịu phần nào những đau khổ dẫy đầy mà con người đang ngày đêm đối mặt. Họ biết chỉ có xuất gia là con đường duy nhất giúp họ có cơ hội ấy, để họ có thể bước lên trên đỉnh yêu thương, có thể mở rộng vòng tay để sẵn sàng hiến dâng, ban tặng. Tình thương ấy, vì thế, thật vô cùng thanh cao và đẹp đẽ; tâm như thế, quả là những nhân tố đầu tiên của hạt giống Bồ-đề.

   Ai xuất gia cũng có hạt giống Bồ-đề. Bởi hạt giống Bồ-đề là hạt giống của thương yêu và hiểu biết. Do thấu hiểu con người và cuộc đời đau khổ, trong tâm người ấy mới phát khởi tình thương. Hun đúc lớn mạnh tình thương, người xuất gia khao khát và trông mong chính mình sẽ trực tiếp hoặc trung gian giúp con người và cuộc đời vơi đi đau khổ. Hạt giống Bồ-đề do đó, rất cần thiết phải được thường xuyên vun bồi, tưới tẩm; phải biết chăm sóc làm sao để mỗi ngày đi qua, hạt giống Bồ-đề trong tâm người xuất gia phải mỗi ngày thêm lớn. Đến một lúc, hạt giống Bồ-đề ấy sẽ đâm chồi nảy lộc, phát triển thành cây và dâng hoa trái cho đời.

   Mỗi người xuất gia được ví như một hạt giống Bồ-đề. Trong họ luôn tồn tại chất liệu của yêu thương và hiểu biết. Nếu người làm vườn chỉ đơn thuần gieo hạt mà không biết chăm sóc, tưới nước, bón phân v.v… thì sớm muộn gì, hạt giống kia sẽ héo khô, tàn úa. Không thể nói rằng chỉ gieo hạt vào lòng đất lạnh, cứ để tự nhiên hạt giống sẽ phát triển, nảy mầm. Người làm vườn không thể bỏ mặc cho hạt trơ trọi một mình, càng không thể phó thác hoàn toàn vào các yếu tố xung quanh tác động! Hạt giống Bồ-đề của người xuất gia cũng vậy, phải được sự yểm trợ, soi sáng và dìu dắt của đoàn thể chúng tăng!

   Chúng ta có suy nghĩ gì không khi ai đó nói rằng, thực trạng hạt giống Bồ-đề ngày nay của người xuất gia đang dần bị tiêu mòn và thoái hóa? Người xuất gia sống trong một môi trường mà nơi đó, sự tu tập cũng như tình thương yêu của đại chúng không được những vị lãnh đạo có trách nhiệm nhắc nhở, bảo bọc, quan tâm. Họ sống trong chùa mà cứ như một quán trọ ở tạm, dừng chân, thoạt đến thoạt đi không cần phải oai nghi, phép tắc. Ngày mới thế phát xuất gia, người ấy luôn ấp ủ trong tim một hoài bão lớn, một tình thương yêu rộng mở vô bờ. Họ khao khát và tự ý thức cần phải có trách nhiệm hướng tới bờ giác ngộ xa kia, nơi chân trời của những khổ đau vắng bóng. Họ hăm hở như một chiến sĩ ra sa trường diệt giặc, sẵn sàng đối mặt và đương đầu với bao thử thách, gian nguy. Bởi trong họ có tình thương. Yếu tố này như chất xúc tác có hiệu năng giúp họ thực thi được nhiều lý tưởng. Và họ đã xuất gia. Song, thực tế từ khi xuất gia, chính vì không được tu học trong một môi trường tốt đẹp; không được thầy thương, bạn mến; sự tương thân tương ái quá yếu, ai ai cũng biết lo cho mình; không được sự chỉ dạy, nhắc nhở v.v… nói chung là những năng lượng bảo bọc của tăng đoàn, yếu tố sơ tâm hay hạt giống Bồ-đề trước kia sẽ không chuyển mình phát triển được. Bao hoài bão xanh trong của buổi ban sơ đã trôi theo sự giận hờn, vị kỉ. Rồi họ sẽ nhanh chóng quên bẵng đi họ là một vị xuất gia, quên đi trách nhiệm lớn lao mà những người thân, bè bạn cũng như tất cả mọi người đang tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng. Trong trường hợp này, vị ấy đã dần chết lịm, cũng như người làm vườn kia không biết chăm sóc hạt, cứ gieo mầm trên những mảnh đất cằn khô.

   Nhưng có đúng không khi chúng ta quy kết mọi trách nhiệm và lỗi lầm lên người lãnh đạo, hay người lãnh đạo trách cứ ngược lại các vị xuất gia? Và có đúng không khi ai đó lại nói rằng, tất cả sự việc trên đều do môi trường và hoàn cảnh sống xung quanh tác động? Nếu vậy, cần thiết chăng chúng ta phải cải tạo môi trường sống ngay từ bây giờ? Cũng có rất nhiều vị thầy thương yêu, chăm lo cho đệ tử, thầm lặng một đời hy sinh cho đồ chúng rất nhiều. Nhưng những người đệ tử ấy lại vô phép, bướng bỉnh, coi sự quan tâm này như là một rào cản buộc ràng. Thế nên, vị đệ tử ấy nhanh chóng tìm cách thoát ra, sống riêng mình trong một thất nhỏ, một am tranh để được tự do, thoải mái. Rơi rớt đối với người xuất gia này, ngang đây có thể thấy được. Bởi người xuất gia ấy ở riêng, không còn nhận được năng lượng tiếp trợ và soi đường của toàn thể đại chúng, không chóng thì chầy, hạt giống Bồ-đề của vị ấy sẽ tàn phai, biết mất, tình thương yêu sẽ xóa dấu trong tâm. Khi đó, sức mạnh thế gian và sự quyến rũ của dục trần sẽ dễ dàng kéo lôi vị ấy quay về cuộc đời thế tục.

   Vậy nên, trước khi xuất gia, người ấy phải sáng suốt khôn ngoan, tìm hiểu và lựa chọn cho mình một bậc minh sư để nương tựa trọn đời, một môi trường tốt, một đại chúng an hòa, trang nghiêm thanh tịnh. Chính điều này là những yếu tố tương quan căn bản, giúp hạt giống Bồ-đề trong tâm vị ấy nảy nở và lớn mạnh thêm lên. Vị ấy rồi sẽ tìm được hạnh phúc, an vui; lý tưởng và hoài bão xuất gia của vị này sẽ dựa vào nền tảng trên làm bệ phóng vững chắc. Họ sẽ sống đích thực với đời sống của một vị xuất gia, sẽ nói và làm với tư cách của một bậc xuất trần thượng sĩ.

   Tập sách “Hạt giống Bồ-đề” này được hình thành xuất phát từ bao lý tưởng, khao khát, trông mong của những người xuất gia, nhất là những người xuất gia trẻ. Tập sách là một tập hợp vỏn vẹn chỉ có mười hai bài viết của mười hai sư chú còn rất thơ, rất trẻ. Mỗi bài viết như một trang màu chưa hoen ố, trên ấy hằn in những hoàn cảnh, nỗi niềm, tâm sự khác nhau. Có sư chú đi xuất gia để bệnh được mau lành, có sư chú xuất gia vì muốn gia đình không còn theo nghiệp sát; cũng có sư chú xuất gia bởi từ nhỏ đã được sinh hoạt, học tập theo Gia đình Phật tử, và cũng có sư chú xuất gia vì cảm thấy cuộc đời có một điều gì thật ngắn ngủi, vô thường. Lời lẽ mỗi bài dù rất bình dị, mộc mạc, đơn sơ, nhưng bàng bạc trong đó chất trẻ trung, trong sáng, chân thành và rất hồn nhiên dễ làm cho người xem cảm thông và đồng điệu. Làm sao không thể đồng điệu và cảm thông khi qua mỗi bài, mỗi sư chú đều nói lên tiếng nói trung thực xuất phát từ tận nguyện vọng, tâm tư cũng như nguyên nhân và mục đích xuất gia của mình! Tất cả đều có cùng một điểm chung: nguyện xuất gia để giúp mình, giúp người thêm vui, bớt khổ.

   Chúng ta trân trọng và thương quý biết bao trước những tâm hồn trong sáng, tinh khôi, hiền lành của những người xuất gia trẻ ấy. Bởi chúng ta tin nhờ vào môi trường tốt đẹp, hạt giống Bồ-đề trong tâm những vị ấy sẽ mau chóng nảy mầm. Chúng ta cũng tin tưởng những hạt giống Bồ-đề này sẽ nhận được nhiều và thật nhiều hơn sự yểm trợ, dắt dìu từ bạn, từ thầy để mỗi ngày đi qua, hạt giống Bồ-đề sẽ được vun bồi, trưởng dưỡng. Chúng ta biết chắc rồi đây, sẽ có một sớm bình minh kia, những hạt giống Bồ-đề này sẽ vươn thân đâm nhánh, tỏa bóng bình yên che mát cho chúng sinh.

   Xin trân trọng kính ghi vài dòng cho tập sách này như một lời chúc phúc tốt lành, nguyện cầu đạo tâm tôi luôn vững bền, kiên cố, cũng như hướng nguyện điều này đến mười hai hạt giống Bồ-đề huynh đệ của chúng tôi!

   Cầu chúc cho những ai có duyên đọc được tập sách nhỏ bé này, nếu đã xuất gia, sẽ tưới tẩm mạnh hơn hạt giống Bồ-đề; còn chưa xuất gia, sẽ phát khởi Bồ-đề tâm xuất gia tu học!
 
                                                                    Thay mặt Ban Văn hóa chùa Hoằng Pháp
                                                                  Sa-di Tâm Chánh kính ghi

Nguồn: chuahoangphap.com.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage