Phật Học Online

Thiền và nghệ thuật hạnh phúc
Thaihabooks

Giới thiệu sách: “Có một con đường duy nhất đưa bạn đến hạnh phúc lâu dài. Con đường đó đơn giản chỉ là: Bạn hãy thấy hạnh phúc.”

Có lẽ bằng trải nghiệm từ chính cuộc đời của mình, Chris Prentiss muốn nhắn nhủ với mọi người rằng, dù ở bất kỳ hoàn cảnh khốn khó nào trong cuộc sống, thì bạn cũng có thể vượt qua được. Ngay từ khi còn nhỏ, Prentiss đã được mẹ ông – một người cầm đầu trong băng đản buôn bán xe hơi bị đánh cắp và buôn rượu lậu -  nuôi dạy theo cách riêng của bà: Đó là đào tạo ông trở nên giống như bà. Hàng ngày, ông luôn được mẹ dạy rằng: “Đừng bao giờ nói thật, chỉ có đứa điên khùng mới nói thật. Nói thật chỉ khiến con thiệt thân mà thôi.”  Thế rồi, Prentiss cũng trở thành một đứa trẻ ăn chuyên đi ăn cắp và lừa đảo người khác. Đến năm 25 tuổi, Prentiss mới tìm được ý nghĩa của cuộc đời và bắt đầu thay đổi con người hiện tại của mình. Và rồi ông đã làm được. Chính từ trải nghiệm cuộc đời mà Prentiss hiểu được rằng, những điều tốt đẹp có thể nảy sinh ra từ những thời kỳ gian nan khổ cực nhất nếu chúng ta duy trì được triết lý mạnh mẽ của riêng mình.

Pax, con trai của Prentiss, từ một thanh niên khoẻ mạnh vui vẻ đã trở thành người nghiện ma tuý. Anh ta đã trải qua rất nhiều những đợt cai nghiện ngắn ngày, dài ngày… rồi đến tất cả những nơi tốt cho việc cai nghiện, nhưng quá trình cai nghiện đó không thành công. Có lần, Pax suýt bị chôn sống vì đã đánh cắp heroin của một băng đản buôn bán ma tuý. Sau khi hứa sẽ trả tiền, Pax được tha và lần đó trở về, Pax vẫn thôi không ngừng hít heroin. Thời gian nghiện ngập cứ kéo dài cho đến một ngày, Pax tìm được nguyên nhân vì sao mình nghiện và từ đó, anh không còn dùng ma tuý nữa. Từ những trải nghiệm thiết thân của mình, anh đã cùng cha thành lập nên trung tâm cai nghiện Passages. Trung tâm của anh đã giúp cai nghiện thành công cho rất nhiều người. Từ những thành quả tốt đẹp đó, Pax luôn tâm niệm rằng, nếu cần 10 năm nữa để trải qua những cay đắng đó mà có được những việc làm tốt đẹp như hôm nay thì anh cũng sẵn sàng. Đó là những thời điểm tồi tệ nhất nhưng lại đem đến những điều tốt đẹp nhất.

Cuốn sách Thiền và nghệ thuật hạnh phúc tập hợp những trải nghiệm hết sức thiết thân của tác giả sẽ giúp mọi người biết cách thích nghi với những thay đổi không thể tránh khỏi trong cuộc sống, làm sao để xử lý tress một cách lành mạnh và làm thế nào để nuôi dưỡng được  hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày. Sự uyên bác nhẹ nhàng của cuốn sách sẽ chỉ cho bạn thấy làm thế noà để đưa ra những trải nghiệm đẹp đẽ vào trong cuộc sống của mình và tạo ra được một triết lý riêng giúp ta vượt qua bất cứ khó khăn nào.

Trích đoạn sách hay:

“…Hạnh phúc đến từ bên trong chúng ta. Nó là một trạng thái do tâm sinh ra. Mặc dù có những sự việc và hoàn cảnh bên ngoài có thể làm cho ta cảm thấy hạnh phúc nhưng bản thân những sự việc và hoàn cảnh đó không phải là nguyên nhân đưa đến hạnh phúc của chúng ta. Cách chúng ta nghĩ về những sự việc và hoàn cảnh đó - những gì tâm của ta nghĩ về chúng - chính là nguyên nhân làm chúng ta hạnh phúc. Hai ví dụ đơn giản sau đây sẽ giúp làm rõ quan điểm này. Ví dụ thứ nhất là một đấu trường với hàng ngàn người đang theo dõi một sự kiện thể thao. Khi trận thi đấu chấm dứt, một số người cảm thấy vui sướng và một số khác cảm thấy buồn bã, tùy thuộc vào đội thi đấu mà ta ủng hộ thắng hay thua. Vui sướng hay buồn bã trước kết quả của một trận thi đấu thể thao là một phản ứng từ bên trong ta đối với một sự kiện bên ngoài ta.

Cả hạnh phúc lẫn khổ đau đều không nằm trong chính bản thân sự việc.

Mỗi khán giả trên sân có thể có cảm tình gắn bó với một đội nào đó hoặc có thể có lợi ích về mặt tiền bạc từ kết quả trận đấu, hoặc hâm mộ một cầu thủ nào đó hoặc trung thành ủng hộ đội đại diện cho trường học hay cho thành phố của mình. Tất cả những thái độ đó đã sinh ra những phản ứng khác nhau đối với cuộc tranh tài và kết quả của nó chứ không phải là do chính bản thân sự kiện thể thao. Nếu bản thân sự kiện đó là hạnh phúc hay khổ đau thì ắt là mọi người phải có cùng cảm nhận như nhau. Như vậy, ta có thể thấy rõ điều đã quyết định ta vui sướng hay đau khổ không phải là chính bản thân của một sự kiện mà là sự kiện đó có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi chúng ta.

Tất cả những sự kiện trong cuộc đời đều như vậy cả. Chính cách bạn nhìn những sự việc và cách bạn liên hệ mình với những sự việc đó là nhân tố quyết định để bạn cảm thấy hạnh phúc hay khổ đau. Bản thân những sự việc đó không phải là nguyên nhân.

Sau đây là một ví dụ khác. Giả sử có một ngôi nhà rất lớn đang được xây cất ngay bên cạnh ngôi nhà nhỏ chúng ta đang ở. Phải nói là chúng ta rất khổ sở vì bụi bặm, tiếng ồn và vì cái viễn cảnh là cái nhà to đùng đó ngay sát cạnh nhà chúng ta sẽ che khuất nhà chúng ta. Giả sử rằng sau vài tháng chịu đựng khổ sở như vậy, cái nhà mới càng to lên và chúng ta bắt đầu mất kiên nhẫn thì bỗng nhiên ông nhà thầu đang xây cất ngôi nhà mới tìm gặp chúng ta và báo cho chúng ta biết, một người bà con giàu có của chúng ta đã thuê ông ta xây ngôi nhà đó để làm quà tặng cho chúng ta.

Cũng ngôi nhà đó, cũng bụi bặm và ồn ào như vậy nhưng sau khi nhận được thông tin mới mẻ này thì phản ứng của chúng ta đã khác hẳn. Có thể chúng ta vẫn còn khó chịu vì bụi bặm và tiếng ồn từ cái nhà đang được xây cất đó nhưng khi biết được rằng, cái nhà đó sẽ trở thành nhà của chúng ta thì sự khó chịu tạm thời đó không còn có ý nghĩa gì nữa.

Câu chuyện Thiền nổi tiếng sau đây kể chuyện hai vị sư cùng nhìn một lá phướn cho ta thấy rõ sức mạnh của tâm chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến suy nghĩ của chúng ta và khiến cho chúng ta nhìn cùng một sự việc với những cái nhìn khác biệt nhau. Một vị sư nhận xét rằng lá phướn đang lay động. Vị sư kia không đồng ý và nói rằng gió đang lay động. Vị Tổ thứ sáu của Thiền tình cờ đi ngang qua nghe được cuộc tranh cãi này, đã nói với hai vị sư: “Không phải gió, cũng không phải lá phướn đang lay động. Chính là tâm của các vị đang lay động đó.”

Nhân quả

Những suy nghĩ thiếu thận trọng của bạn có thể làm hại bạn hơn cả kẻ thù nguy hiểm nhất. Nhưng một khi đã được kìm chế, những suy nghĩ đó có thể giúp ích cho bạn nhiều hơn bất cứ
một ai khác.

- Kinh Pháp Cú

Vì hạnh phúc hay khổ đau là những trạng thái của tâm dựa trên cách ta nhìn nhận sự việc, bạn có thể thay đổi trạng thái của tâm mình bằng cách cung cấp cho nó những thông tin mới. Có thể không phải lúc nào bạn cũng có thông tin mới kiểu trực tiếp, như được người ta thông báo ngôi nhà đang xây là ngôi nhà dành cho bạn, nhưng bạn có thể cung cấp thông tin mới bằng việc chọn những cách nhìn nhận mới đối với những sự việc xảy ra trong cuộc đời mình. Khi bạn làm được như vậy, không những bạn có thể vượt qua được những lúc khó khăn nhất mà bạn còn có thể thoát ra khỏi những lúc khó khăn đó với nụ cười trên môi.

Đến đây, tôi xin nói một đôi điều về siêu hình học (metaphysics). Siêu hình học liên quan đến những điều ở ngoài và xa hơn thế giới vật lý của chúng ta. Siêu hình học là một trong những nỗ lực của con người để vươn đến những gì chúng ta không nhìn thấy, sờ mó, nếm, ngửi và nghe được - để trực cảm những gì ngoài cái thế giới tự nhiên mà chúng ta vẫn thường nhận biết được.

Thông qua siêu hình học, chúng ta khám phá ra được bản chất thật của sự vật, những điều cốt yếu và lý do cơ bản của sự hiện hữu của sự vật. Đối với tôi, siêu hình học là một thứ triết học bao gồm những quy luật Vũ trụ - là những quy luật chi phối tất cả mọi sự việc trong thế giới vật chất. Siêu hình học cũng liên quan đến những quy luật vô hình nhưng có thể cảm nhận được; những quy luật này điều hành và chi phối thế giới xa hơn thế giới vật lý của chúng ta.

Dưới đây là một quy luật siêu hình học có liên quan đến một trong những khía cạnh cơ bản và quan trọng nhất của Vũ trụ chúng ta - quy luật nhân quả. Quy luật siêu hình học này được diễn đạt một cách đơn giản như sau:

Mỗi một hành động đều tạo ra một hồi ứng và hồi ứng này hoàn toàn phù hợp với hành động đó.

Quy luật siêu hình học về nhân quả này áp dụng vào những điều tin tưởng của bạn theo cách sau đây. Mỗi điều bạn tin tưởng sẽ thể hiện theo chiều hướng hoặc là khiến bạn thực hiện một hành động nào đó hoặc ngăn bạn không thực hiện một hành động nào đó. Nếu bạn không tin rằng một chuyện gì đó có thể làm được thì bạn sẽ không thử làm chuyện đó.

Vào đầu thế kỷ thứ XX, có một cái ngưỡng được mọi người tin tưởng liên quan đến giới hạn tốc độ chạy 4 phút/dặm (1 dặm bằng 1.600 mét). Người ta nói rằng và hầu như mọi người đều tin rằng không ai có thể vượt qua cái ngưỡng ấy được nữa. Các bác sĩ vào thời đó nói rằng chức năng sinh lý của một vận động viên sẽ không chịu đựng được và vận đông viên sẽ chết trước khi đạt đến tốc độ đó. Các kỹ sư thì cho rằng đặc điểm khí động lực học của cơ thể không cho phép con người chạy nhanh hơn 4 phút/dặm.

Vào thời ấy có vẻ như sự tin tưởng như vậy là đúng vì đã có hàng ngàn người cố sức phá vỡ kỷ lục đó nhưng tất cả đều thất bại. Đó là sức mạnh của một cái ngưỡng đã được mọi người tin tưởng. Nó ảnh hưởng tai hại đến bất kỳ ai tin như vậy và nó khiến cho không thể có sự đột phá nào cả. Tuy nhiên, vào ngày 06 tháng 05 năm 1954, Roger Bannister đã chạy một dặm chỉ trong 3 phút 59,4 giây. Anh ta đã vượt qua cái ngưỡng đang tồn tại đó. Chỉ sáu tuần sau đó, một người Australia tên là John Landy đã chạy một dặm trong 3 phút 58 giây, và vào khoảng cuối năm 1957, có thêm 16 vận động viên nữa đã chạy một dặm dưới 4 phút.

Ngày nay, nhiều vận động viên thường xuyên chạy một dặm dưới 4 phút và một người tên là John Walker đã chạy hơn 100 lần như vậy. Kỷ lục thế giới hiện tại là 3 phút 43,13 giây do vận động viên người Maroc Hicham El Guerrouj thiết lập ngày 07 tháng 07 năm 1999.

Một khi ngưỡng cũ bị phá vỡ, ngưỡng mới được thiết lập thì việc chạy một dặm dưới 4 phút trở thành chuyện bình thường. Vấn đề không phải là về sau này các vận động viên nhanh hơn hay mạnh hơn mà vấn đề là họ tin tưởng họ có thể đạt được thành tích đó. Đó là điều thường xảy ra với một ngưỡng mà hệ thống niềm tin đã bị sứt mẻ. Mọi người sẽ vượt qua cái ngưỡng cũ với một cách suy nghĩ mới.

Bây giờ đã đến lúc bạn chấm dứt những ngưỡng tư duy hiện hữu của mình về ý nghĩa những sự việc trong cuộc đời mình, về cách cuộc đời đã “đối xử” với mình, hoặc là về những khả năng đưa đến hạnh phúc trong cuộc đời mình. Bạn hãy biết điều khiển cái tâm của mình và hãy tác động vào hướng cuộc đời sẽ mở ra cho mình.”

Về tác giả:

Chris Prentiss là người đồng sáng lập, đồng giám đốc của Trung tâm cai nghiện Passages ở Malibu, California và là tác giả của cuốn sách The Alcoholism and Addiction Cure: A Holistic Approach to Total Recovery (Điều trị nghiện rượu và ma túy: Một phương pháp tổng thể đem lại sự hồi phục hoàn toàn). Ông cũng đã viết hơn chục cuốn sách về triết học Trung Hoa và sự phát triển cá nhân. Ông nổi tiếng thế giới về những diễn giải của ông về Kinh Dịch; và những diễn giải của ông đã làm cho đề tài cổ và khó hiểu này trở nên dễ sử dụng và áp dụng. Ông đã hướng dẫn nhiều khóa học chuyên đề về tăng cường khả năng tự chủ của con người cá nhân ở miền Nam California. Ông sống cùng với vợ tên là Lyn ở Malibu, California.

Thông tin về cuốn sách:

Tên sách

Thiền và nghệ thuật hạnh phúc

Tác giả

Chris Prentiss

Giá

27.000đ

Số trang

165

Nhà xuất bản

Tri thức

Khổ

12 x 20

Dạng bìa

Bìa mềm

 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage