Phật Học Online

(Minh Duyên)
Trải nghiệm khóa thiền Vipasssana

Như Thiền sư Goenka từng nói, Vipassana không phải là giáo phái. Không cần phải tuyên truyền, vận động làm cho giáo phái này lớn mạnh. Tôi viết bài này chỉ muốn nhằm chia sẻ về một nghệ thuật sống mà tôi tin có thể hoá giải những vấn nạn mà xã hội đang gặp phải, mang lại hạnh phúc thật sự.


Tôi có duyên may biết đến pháp thiền Vipassana từ một người bạn đang du học tại Ấn Độ. Sinh ra trong gia đình truyền thống Phật giáo, tôi đã được nghe đến pháp Thiền này. Đến khi sang Ấn Độ, tôi được biết có trung tâm thiền Vipassana và thế là không suy nghĩ nhiều, tôi đăng ký tham dự.

Tôi xin chia sẻ về kinh nghiệm dự khóa Thiền 10 ngày ở Trung tâm Dhammabodhi, cách Thánh địa Bồ đề Đạo tràng khoảng 6km. Trung tâm này do Thiền sư Goenka sáng lập. Thiền sư Goenka (1924-2013) sinh ra tại Miến Điện trong một gia đình Hindu gốc Ấn. Ông thọ giáo thiền Vipassana với Thiền sư U Ba Khin. Sau đó, ông đến Ấn Độ thành lập trung tâm Thiền đầu tiên vào năm 1976. Đến nay, có hơn 170 trung tâm Thiền trên khắp thế giới và hơn 1300 Giáo thọ sư.
Điều đầu tiên là Thiền sinh phải chấp nhận các quy định của trung tâm. Trong đó, có việc tạm dừng việc thực hành tín ngưỡng, tôn giáo hay các phương pháp Thiền khác nếu Thiền sinh đã học. Điều này không nhằm chê bai, hạ thấp những truyền thống khác, mà chỉ nhằm thực hành pháp thiền Vipassana một cách khách quan, công bằng. Nếu bạn thấy hiệu quả thì hãy tiếp tục. Sau 10 ngày, Thiền sinh có thể tự do thực hành theo truyền thống của mình khi rời trung tâm.

Ngày đầu tiên của khoá Thiền, Thiền sinh được yêu cầu phát nguyện giữ sự “im lặng thánh thiện” (noble silence), tức là im lặng trong suốt 10 ngày. Thiền sinh chỉ được phép trao đổi với Ban Quản trị và vị Giáo thọ. Tiếp theo Thiền sinh được hướng dẫn quy y Tam bảo và thọ trì Ngũ giới. Quy y Tam bảo là trở về nương tựa Phật – Pháp – Tăng. Goenka giải thích đây không phải là một nghi thức tôn giáo mà là sự nương tựa vào trí tuệ giác ngộ và chân lý. Còn Ngũ giới tức là năm điều đạo đức: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Năm điều này phải được tuân thủ trong suốt khoá Thiền.

Một người nghe người khác kể về một món ăn. Rồi suy nghĩ về món ăn rất ngon, sinh tâm thèm thuồng. Nhưng nếu người đó không tự ăn thì sẽ không hiểu món đó ngon thế nào. Cũng vậy, chỉ khi bạn hành Thiền thì mới biết được vị ngọt của Thiền.

Một điều hữu ích là các bài giảng của Thiền sư Goenka được ghi âm và dịch ra nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.

Bài tập đầu tiên là thiền Anapana, tạm dịch là Quán niệm hơi thở. Thiền sinh được dạy chú tâm vào hơi thở, sự xúc chạm của hơi thở với môi trên, cửa mũi, cánh mũi, ống mũi. Chỉ chú tâm quan sát tự nhiên, không cố tình điều tiết hơi thở. Chỉ quan sát, cảm nhận mà thôi. Đến đây chắc chắn bạn sẽ hỏi nếu tâm tán loạn thì sao. Đây là vấn đề phổ biến nhất của tất cả người tập Thiền. Thiền sinh được dạy không phản ứng lại các tạp niệm đó mà cứ tiếp tục trở về quan sát hơi thở. Xem đấy như điều bình thường. Vì các phản ứng chỉ gây thêm khổ não mà thôi.

Ngày hôm sau, khóa Thiền 10 ngày mới chính thức bắt đầu. Với lời dạy trước đó về Anapana, Thiền sinh tiếp tục hành trì Quán niệm hơi thở. Từ 4h, những người công quả rung chuông báo thức. Đến 4h30, các Thiền sinh vân tập về Thiền đường để Toạ thiền. Đến 6 giờ, trung tâm sẽ bật những bài tụng kinh của Thiền sư Goenka. Lời kinh trầm bổng, du dương trong không gian tĩnh lặng, hoà cùng tiếng chim hót buổi bình minh giúp Thiền sinh lắng đọng tâm tư trở về với hơi thở chánh niệm. Khoảng 6h30 là giờ điểm tâm, Thiền sinh tập trung xếp hàng lấy thức ăn ở trai đường. Mỗi người nhận một khay ăn và muỗng, nĩa. Tất cả thức ăn ở trung tâm Thiền đều là đồ chay thanh đạm, chế biến theo khẩu vị Ấn Độ. Sau khi dùng điểm tâm, Thiền sinh trở về phòng nghỉ. Đến 8h, giờ hành thiền lại đến, kéo dài 1 tiếng. Sau đó là buổi tham vấn. Vị Giáo thọ sẽ gọi tên từng người và hỏi về tiến trình thực tập. Không có sự đồng nhất trong trải nghiệm của các Thiền sinh. Có những vấn đề phát sinh trong việc tu tập mà vị Giáo thọ sẽ gợi ý những giải pháp đối trị. Sau buổi tham vấn, các Thiền sinh tiếp tục tự thực hành.

Đúng 11h là giờ ăn trưa. Đây là bữa ăn cuối cùng trong ngày. Vì buổi chiều, Thiền sinh mới được phép uống sữa và ăn nhẹ, còn Thiền sinh cũ chỉ được dùng nước chanh. Sau giờ nghỉ trưa, Thiền sinh sẽ bắt đầu Hành thiền từ 13h30 đến hết buổi chiều. Xen lẫn các buổi Hành thiền là bài hướng dẫn ngắn để Thiền sinh ôn lại phương pháp.

Ngày đầu tiên là ngày khó khăn nhất vì Thiền sinh phải từ bỏ rất nhiều thói quen hằng ngày như lướt điện thoại, xem TV, tán gẫu, ăn vặt, ăn chiều, ngủ quá giấc… Rồi kể đến phải tập ăn chay, bỏ hút thuốc, bỏ rượu. Tuy nhiên, thử thách đó không bằng cái cảm giác đau nhức trong lúc Hành thiền. Cái đau khủng khiếp tới mức người ta muốn bỏ chạy. Chính tôi khi ấy đã tự hỏi tại sao mình đến đây để chịu đựng cơn đau. Vì tôi cứ nghĩ Thiền là mang đến hỷ lạc trong tâm. Khi tôi trình bày với vị Giáo thọ, thầy ấy chỉ bảo đó là bình thường, cứ tiếp tục chăm chỉ thực tập. Rồi tôi hiểu rằng, chúng tôi, những Thiền sinh, như con ngựa hoang vùng vẫy khi bị thuần phục. Bình thường, chúng tôi đã quen với cái tâm tán loạn, suy nghĩ liên hồi, tạp niệm không dứt. Giờ đây khi Hành thiền tức là muốn cái tâm đó an trụ, thì nó lập tức phản đối gây ra những cơn đau dữ dội. Thiền sư Goenka so sánh khoá Thiền như cuộc phẫu thuật. Ngày đầu tiên bệnh nhân đau đớn khi vết cắt bắt đầu. Nhưng dần dần cơn đau sẽ dịu đi. Cho nên Thiền sinh hãy kiên nhẫn, vì quả ngọt của Hành thiền sẽ đến nếu bạn thực hành chăm chỉ.

Đến 19h là giờ pháp thoại. Các Thiền sinh sẽ nghe bài giảng được ghi âm của Thiền sư Goenka khoảng một tiếng. Nội dung bài giảng xoay quanh phương pháp Hành thiền, luôn gắn kết với tiến trình tu tập, giáo lý của Phật giáo và những câu chuyện về Đức Phật được giảng với tính cách phi tôn giáo. Thiền sư Goenka chủ trương chỉ giảng về Dhamma (pháp) tức là chân lý. Chân lý thì có giá trị phổ quát, là định luật tự nhiên, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, giai cấp. Thực sự thì thiền Vipassana do Đức Phật giảng dạy nhưng không có nghĩa là chỉ dành cho người Phật tử. Người theo các truyền thống khác có thể đến thọ học mà không cần lo lắng về việc cải đạo. Hãy cứ giữ tôn giáo của mình và thực hành pháp Thiền một cách khách quan, bạn sẽ nhận được lợi ích.

Thiền sư Goenka gọi Vipassana là con đường dẫn đến trí tuệ. Con đường này gồm ba phần Giới – Định – Tuệ (Sila – Samadhi – Panna). Giới hạnh (Sila) là nền tảng đầu tiên của sự tu tập. Năm giới mà Thiền sinh đã phát nguyện giữ gìn trước khi khoá Thiền bắt đầu là bước đầu tiên của đạo lộ. Căn bản càng vững chắc thì sự tiến bước càng hiệu quả. Thiền sư Goenka giải thích Thiền sinh không thể định tâm khi mà đời sống đạo đức còn ô nhiễm. Hãy thử nghĩ một người hiếu sát, trộm cắp, tà hạnh, lừa dối và say xỉn thì cả thân và tâm luôn bất an lo sợ, thần trí bất minh. Ngay điểm đó ta thấy họ không thể tiếp bước Hành thiền. Bạn đừng nghĩ, năm giới là những điều răn tôn giáo mà là sự bảo hộ cho đời sống tinh thần của chúng ta. Chỉ cần tuân thủ năm giới là ta đã có rất nhiều lợi lạc.

Khi đã có Giới, thì Thiền sinh tiếp tục thực hành Định (Samadhi). Định là sự an trú tâm. Thiền Anapana hay Quán niệm hơi thở là cách để đạt được Định. Theo Thiền sư Goenka, việc chuyên chú quan sát hơi thở đưa Thiền sinh trở về tiếp xúc với sự thật tối hậu (ultimate truth). Chúng ta luôn luôn thở nhưng hầu như quên mất hơi thở. Khi ta cảm nhận hơi thở, tâm ta sẽ nhạy bén hơn. Sánh ví như tập thể dục, thực hành Thiền định đưa cái tâm đờ đẫn trở thành cái tâm minh mẫn. Pháp thiền dạy ta không can thiệp vào hơi thở, chỉ quan sát mà thôi, hãy để cho nó tự nhiên. Dần dần ta tập được tính khách quan, không phản ứng. Ngày đầu tiên, Thiền sinh chỉ làm việc ở khu vực cửa mũi. Sang ngày 2 và ngày 3, Thiền sinh sẽ mở rộng phạm vi quan sát là vùng tam giác trên gương mặt với môi trên, cả vùng mũi. Càng ngày tâm sẽ trở nên vi tế và bén nhạy hơn.

Ngày thứ tư là ngày quan trọng nhất. Thiền Vipassana chính thức được giảng dạy. Từ đây Thiền sinh sẽ bước vào lĩnh vực của Tuệ (Panna). Phương pháp thiền Anapana trong những ngày đầu chính là nền tảng để thực hành Vipassana. Từ đây Thiền sinh sẽ được hướng dẫn quán cảm thọ theo thứ tự từ đỉnh đầu, xuống mặt, sau gáy, hai cánh tay và khắp toàn bộ cơ thể cho đến các ngón chân. Cảm thọ là bất cứ cái gì ta cảm giác được. Nóng, lạnh, ngứa ngáy, cái xúc chạm của da với quần áo, tiếng mạch đập nghĩa là bất cứ cảm giác nào có được. Thiền sinh không cần định danh loại cảm thọ mà chỉ cần cảm nhận. Cảm nhận không bỏ sót phần nào của cơ thể. Cảm nhận khách quan không phản ứng. Có hai loại phản ứng với cảm thọ như khuôn mẫu thói quen của bất kỳ ai là tham đắm sự dễ chịu và ghét bỏ sự khó chịu. Không phản ứng với cảm thọ là hết sức khó khăn. Thiền sinh cần ngồi một tiếng không đổi tư thế, trải nghiệm những đau nhức bực bội. Bản chất của vạn vật là vô thường (anicca) và vô ngã (anatta). Cảm thọ cũng vậy, nó luôn biến đổi và là giả hợp. Hãy quan sát cái đau và không phản ứng lại. Khi Hành thiền, Thiền sinh sẽ trải nghiệm sự vô thường vô ngã trên chính cơ cấu thân xác chứ không chỉ là lý luận triết học.

Thiền sư Goenka cảnh giác Thiền sinh không được tham đắm cảm giác hỷ lạc khi Thiền định vì bản chất nó cũng vô thường. Chính sự tham đắm là nguồn gốc của đau khổ. Ví như một người nghiện rượu, thực ra người đó thèm cái cảm giác rượu mang lại. Rồi người đó bằng cách này hay cách khác đi tìm rượu để thoả mãn cơn thèm. Tu thiền là để vượt ra khỏi cái tham đắm. Khi Thiền sinh thoả mãn với cảm giác hỷ lạc trong Thiền định, rồi cảm giác đó biến mất, Thiền sinh lại tìm kiếm cảm giác đó. Nói cách khác là tâm đã mất thăng bằng, tạo thêm khổ não.

Thước đo của Hành giả Vipassana, theo Thiền sư Goenka, không phải là kinh nghiệm cảm giác nào mà là giữ tâm thăng bằng định tĩnh khi đối diện với bất kỳ loại cảm giác. “Anicca” (vô thường) là từ được lặp đi lặp lại nhiều nhất. Nhằm nhắc nhở Thiền sinh về thuộc tính sinh diệt, biến hoại của cảm thọ. Do đó, Thiền sư cũng nói rõ những ai đến khoá Thiền để tìm kiếm cảm giác sẽ không gặt hái kết quả. Căn cơ của Thiền sinh không đồng, mỗi người sẽ có lộ trình tu tập khác nhau, kinh nghiệm các cảm giác khác nhau. Không thể so sánh người này với người khác.

Những ngày sau đó, Thiền sinh tiếp tục thực hành Vipassana một cách chăm chỉ. Tâm đã trở nên bén nhạy hơn, ghi nhận cảm giác rõ ràng và vi tế hơn. Theo Thiền sư Goenka, cảm giác có khắp nơi trên thân nhưng vì bình thường tâm ta quá thô thiển nên không nhận ra. Những giờ Hành thiền buổi sáng thật tuyệt vời. Tâm an trú dễ dàng và đạt được niềm an lạc vi tế. Tuy nhiên, những giờ sau đó không dễ chịu chút nào. Tôi thường kinh nghiệm cảm giác ô trược, đau nhức cộng với mệt mỏi. Cái tâm hoang dại đang được thuần hoá. Thói quen phản ứng mà tôi đã tích lũy bao nhiêu năm bao nhiêu kiếp nay đang dần thay đổi. Đương nhiên không thể thành tựu chỉ trong một khoá thiền. Kiên nhẫn và bền bỉ là chìa khoá để thành công.

Sẽ có những chướng ngại trong sự hành trì. Ngoài hai phản ứng thông thường là tham đắm và sân hận, một chướng ngại rất thường thấy là hôn trầm tức buồn ngủ. Có nhiều nguyên nhân, nếu bạn thiếu ngủ thì hãy ngủ đủ giấc. Nếu do ăn quá no thì hãy ăn ít lại. Khi Thiền sinh không thể gượng lại cơn buồn ngủ khi ngồi Thiền thì có thể thử phương pháp Thiền hành. Tức là đi bộ từng bước, theo dõi cử động của bàn chân, sự xúc chạm của bàn chân với mặt đất. Đây là phương pháp hữu hiệu đối trị cơn buồn ngủ vì người ta không thể vừa đi vừa ngủ. Kế đó là sự so sánh với truyền thống mà chúng ta đang thực hành. Bản thân tôi là người tu tập theo các pháp môn khác của Phật giáo. Khi tiếp xúc với thiền Vipassana có những lý luận, pháp hành không giống như pháp môn mà tôi đang theo. Nhưng với tinh thần cầu thị, tôi tạm gác một bên những tri thức trước đây, tập pháp Thiền này nghiêm chỉnh theo đúng phương pháp được dạy.

Tôi biết có bạn không theo Phật giáo, khi nghe các khái niệm trong Phật giáo, có thể thấy khó chịu. Thiền sư Goenka sánh ví với một bữa ăn, có một vài món không thích. Bạn có thể không ăn món đó, chỉ ăn những món mình thích. Nhưng với tôi, bạn nên thực hành nghiêm túc, vì tất cả đều hữu ích. Tôi nghĩ đây là một nghệ thuật sống (art of living) tích cực và mang lại hạnh phúc. Một chướng ngại nữa là những ngộ nhận về Thiền mà xưa nay chúng ta đã mắc phải. Thiền là sự thư giãn? Thiền là tiếp xúc với đấng thiêng liêng? Thiền sẽ giúp ta khai mở luân xa? Tu thiền sẽ đạt được thần thông diệu kỳ? Thiền giúp ta chữa bệnh nan y? Rồi khi đến khoá Thiền, thực tập theo dõi hơi thở, chịu đau đớn dữ dội, ta bắt đầu hoài nghi về ý nghĩa của pháp Thiền. Sự nghi ngờ sẽ cản trở ta trên bước đường tu tập. Do đó đừng nghi ngại mà hãy hành trì pháp Thiền thật đúng đắn.

Thiền sư Goenka kể câu chuyện về chính cuộc đời mình. Ông vốn là một doanh nhân thành đạt ở Miến Điện. Nhưng chẳng may mắc bệnh đau đầu. Ông bỏ rất nhiều tiền, đi đến các bệnh viện nổi tiếng ở Âu Mỹ hòng tìm phương chữa trị. Nhưng cuối cùng các bác sĩ bảo ông bệnh này không thể trị hết, chỉ có cách sống chung với nó. Thất vọng và đau khổ. Nhưng duyên lành cho ông biết đến Thiền sư U Ba Khin đang giảng dạy thiền Vipassana ở chính quê nhà Miến Điện. Goenka hy vọng pháp Thiền này có thể giúp ông vượt qua cơn đau đầu. Nhưng khi biết mục đích này, ban đầu thầy U Ba Khin đã từ chối. Rằng mục đích chính của Vipassana không phải là trị đau đầu, mà là đưa đến giác ngộ giải thoát. Với mục đích đó, Goenka đã hạ thấp giá trị của Thiền. Cuối cùng, thầy U Ba Khin cũng cho phép Goenka học Thiền. Sự kiện này đã mở bước ngoặt thay đổi cuộc đời Goenka, cơn đau đầu chấm dứt một cách kỳ diệu. Nhưng chính Goenka về sau thừa nhận, kết quả chữa đau đầu không thể so sánh với sự an lạc mà thiền Vipassana mang lại.

Ngày cuối cùng, thời gian Hành thiền giảm bớt. Bên cạnh đó, Thiền sinh sẽ học pháp Thiền cuối cùng là Thiền từ bi (metta meditation). Thiền từ bi là sự ban rải tâm yêu thương đến mọi người, mọi loài, mong ai cũng được giải thoát khổ đau, sống trong hạnh phúc hoà hợp. Khác với tâm tham ái thông thường, từ bi không đòi hỏi sự đáp trả. Sau những ngày Hành thiền chăm chỉ, giờ đây tâm Thiền sinh đã an tịnh. Đến lúc chia sẻ niềm hạnh phúc này đến cho mọi người, mọi loài. Cả Thiền đường sẽ ngập tràn năng lượng của tình thương. Thiền sư Goenka ví dụ như cuộc giải phẫu đã kết thúc, cần một liều thuốc xoa dịu vết mổ. Thì Thiền từ bi chính là liều thuốc đó. Đến đây lời nguyện giữ im lặng thánh thiện đã chấm dứt, Thiền sinh có thể tự do nói chuyện. Theo Thiền sư Goenka, sau những ngày Hành thiền, giờ đây Thiền sinh chuẩn bị trở về với cuộc sống bình thường. Cho nên sự im lặng được dỡ bỏ để Thiền sinh khỏi bỡ ngỡ sau khi ra khỏi trung tâm. Đến lúc này Thiền sinh có thể thực hành Danna. Danna tiếng Việt dịch là bố thí. Bố thí không phải sự ban phát mà là chia sẻ. Toàn bộ trung tâm Thiền vận hành phi thương mại, tất cả dựa vào sự đóng góp của các Thiền sinh. Trong khoá Thiền, mọi chi phí của Thiền sinh đều do sự đóng góp của những Thiền sinh trước. Nếu Thiền sinh cảm thấy lợi ích, thì có để thực hành Danna tùy theo khả năng.

Sáng hôm sau, Thiền sinh được nghe một bài giảng của Thiền sư Goenka. Sau đó, khóa Thiền chính thức hoàn mãn. Đến đây có thể bạn sẽ hỏi tôi cảm nhận như thế nào. Rất khó trả lời. Những trải nghiệm về tâm không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả. Một người nghe người khác kể về một món ăn. Rồi suy nghĩ về món ăn rất ngon, sinh tâm thèm thuồng. Nhưng nếu người đó không tự ăn thì sẽ không hiểu món đó ngon thế nào. Cũng vậy, chỉ khi bạn Hành thiền thì mới biết được vị ngọt của Thiền.

Như Thiền sư Goenka từng nói, Vipassana không phải là giáo phái. Không cần phải tuyên truyền, vận động làm cho giáo phái này lớn mạnh. Tôi viết bài này chỉ muốn nhằm chia sẻ về một nghệ thuật sống mà tôi tin có thể hoá giải những vấn nạn mà xã hội đang gặp phải, mang lại hạnh phúc thật sự.



© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage