Phật Học Online

Sự nguy hiểm của các vị ngọt

Gần đây, trên các phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện những bài báo viết về “lối sống của nhà sư ăn chơi khét tiếng Thái Lan”, khiến cho quần chúng phẫn nộ và những người tịnh tín Tam bảo cảm thấy đau đớn “như nghìn mũi nhọn cắm vào cơ thể”.

Theo đó, chỉ cần gõ từ khóa “sư Thái Lan”, ngay lập tức trên các phương tiện tìm kiếm internet cho ra những cụm từ gợi ý: sư Thái Lan “bị bắt”, “tham ô”, “tham nhũng”, “thác loạn”..., đa phần là những từ mang nghĩa hết sức tiêu cực. 

buddha-2521737_960_720.jpg
Đời sống tu sĩ giản đơn - Ảnh minh họa

Lối sống của nhà sư này được cho là quá vương giả, ngay cả người đời cũng khó bì kịp, lại “tự xưng có khả năng nhìn thấu quá khứ”, “đi khắp nơi giảng đạo và lợi dụng danh tiếng để lạm dụng trẻ em, lừa đảo”.

Đành rằng đó chỉ là hiện tượng cá biệt, song cũng là dấu hiệu cảnh báo cho những người tu Phật tự nhìn lại mình, cảnh giác với những “vị ngọt” của thế gian dễ khiến hư hỏng thánh hạnh, thụt lùi trên con đường giác ngộ, giải thoát.

Vị ngọt hẳn là những thứ “đường mật” mà người đời ai cũng mê đắm. Đó là vị ngọt của dục, của sắc pháp và của cảm thọ. Rộng ra, ngũ dục - gồm: tài, sắc, danh, thực, thùy - đều là những món dục dễ nếm nhưng khó bỏ, khiến chúng sinh vui ít, khổ nhiều, như kinh Tứ thập nhị chương  ví dụ “giống nhu đứa trẻ tham một chút mật ngọt trên luỡi dao bén, dù chua đủ một bữa an ngon nhung lại bị cái họa đứt luỡi”.

Người xuất gia rời bỏ thế tục, học hạnh viễn ly, đối với các món dục của thế gian xem như rắn độc, lửa dữ, giặc thù. Tuy vậy, đối trước sự cung kính của tín đồ, nếu thiếu chánh niệm và nền tảng giới luật không vững chắc, chưa có một đời sống tâm linh vững chãi, người tu lại dễ rơi vào cạm bẫy của danh tiếng và lợi dưỡng.

Thời Đức Phật còn tại thế, lợi dưỡng của người xuất gia thường chỉ giới hạn trong những phẩm vật hiến cúng như y áo, ẩm thực. Ngày nay, những thứ lợi dưỡng ấy đa dạng và phức tạp hơn nhiều, từ những phương tiện đi lại “cao cấp” cho đến những phương tiện “xa xỉ”, thậm chí tài khoản “kếch xù”.

Cần mở ngoặc thêm rằng, những “lợi dưỡng” ấy không phải người xuất gia nào cũng có, mà chúng thường chỉ đến với số ít những vị có danh tiếng, những vị lợi căn, lợi khẩu, thậm chí có ít nhiều “sở đắc”. Còn lại, người xuất gia xưa cũng như nay đều là những người thanh bần, thô sơ áo vải.

Trong kinh Trùng phẩn - Tương ưng bộ, Đức Phật cảnh báo: “Khổ lụy, này các Tỳ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng, thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp để chứng đắc vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách”. Khốc liệt hơn, Ngài ví những thứ mà chúng ta thường xem là “vị ngọt” đó như sau: “Ví như, này các Tỳ-kheo, một con trùng phẩn, ăn phân, đầy những phân, tràn ngập những phân, và trước mặt có một đống phân lớn. Nó khinh miệt các con trùng phẩn khác và nói: Ta ăn phân, đầy những phân, tràn ngập những phân, và trước mặt ta, có đống phân lớn này”.

Lợi dưỡng, theo đó, dễ khiến cho một người sinh tâm kiêu ngạo. Song, Phật dạy: “Các thầy Tỳ-kheo, hãy tự xoa đầu mình, đã bỏ sự trang sức và đồ tốt đẹp, mình mặc áo hoại sắc, tay cầm đồ thích ứng, khất thực để sống, tự thấy như vậy mà kiêu ngạo còn nổi lên thì phải cấp tốc tỏa chiết”.

Đối với các “vị ngọt” của thế gian, người con Phật luôn học hạnh ít ham muốn, biết vừa đủ, ưa hạnh viễn ly, tinh tấn thực tập chánh niệm, tỉnh giác, thành tựu công đức trí tuệ…, bởi đó mới chính là “gia sản” mà Đức Phật đã để lại.

Đăng Tâm

Giacngo.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage