Phật Học Online

Tác giả: Thích Nữ Tịnh Trí Học viên Cao học K5 – Học viện PGVN tại Tp.HCM
Quan điểm của đạo Phật về chủ nghĩa bình đẳng

Từ xưa đến nay nhiều học giả cho rằng đức Phật là người tiên phong trong cuộc cải cách xã hội tại Ấn Độ cổ đại nói riêng và thế giới nói chung. Bởi vì, Ấn Độ là nước có sự bất bình đẳng về giai cấp, kì thị chủng tộc vô cùng khắc nghiệt. Đức Phật với giáo lý từ bi, bình đẳng, Ngài không công nhận những sự phân biệt, giữa con người với nhau như một mặc định tất yếu đã được an bài của ai đó từ trước. Ngài cho rằng biện pháp xác nhận giá trị, hay sự cao quí của con người không phải ở đẳng cấp xã hội, chủng tộc. Ngài khẳng định giá trị của một con người được xác định qua hành vi đạo đức của người đó. Với giáo lý Duyên Khởi – Vô thường – Vô ngã, Ngài đã giác ngộ và giảng bày cho tất cả mọi người, để mọi chúng sinh đều cảm nhận được sự an lạc nếu như thực hành lời dạy ấy. Một giáo lý mang tính triết học, gần gũi và không bao giờ xa rời dân chúng.



Nội dung

A. DẪN NHẬP

Từ xưa đến nay nhiều học giả cho rằng đức Phật là người tiên phong trong cuộc cải cách xã hội tại Ấn Độ cổ đại nói riêng và thế giới nói chung. Bởi vì, Ấn Độ là nước có sự bất bình đẳng về giai cấp, kì thị chủng tộc vô cùng khắc nghiệt. Đức Phật với giáo lý từ bi, bình đẳng, Ngài không công nhận những sự phân biệt, giữa con người với nhau như một mặc định tất yếu đã được an bài của ai đó từ trước. Ngài cho rằng biện pháp xác nhận giá trị, hay sự cao quí của con người không phải ở đẳng cấp xã hội, chủng tộc. Ngài khẳng định giá trị của một con người được xác định qua hành vi đạo đức của người đó. Với giáo lý Duyên Khởi – Vô thường – Vô ngã, Ngài đã giác ngộ và giảng bày cho tất cả mọi người, để mọi chúng sinh đều cảm nhận được sự an lạc nếu như thực hành lời dạy ấy. Một giáo lý mang tính triết học, gần gũi và không bao giờ xa rời dân chúng.

Khi đề cập đến bình đẳng, nhân đạo thì Phật giáo mang tinh thần nhân đạo, cũng như bình đẳng tuyệt đối. Tất cả chúng sinh, dù ở địa vị giai cấp nào mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về tất cả những hành vi của mình đã tạo qua thân, khẩu, ý. Định luật vô thường hay nghiệp chi phối toàn bộ chúng hữu tình. Cho dù người đó ở địa vị nào trong xã hội cũng không thể tránh được quy luật sinh tử của cuộc đời, chỉ có tiếng nói đạo đức bên trong dưới sự điều khiển của luật nhân quả mới có năng lực ấy mà thôi! Con người sống trên cuộc đời với muôn hình muôn vẻ, người giàu sang kẻ nghèo hèn, đẹp xấu, thông minh, khờ khạo… khi chết đi chỉ hai bàn tay trắng cùng nghiệp thức duy nhất theo mình để kiến tạo một đời sống kế tiếp. Đặc biệt đạo Phật lấy sự tu đạo làm thước đo chuẩn mực cao nhất của sự bình đẳng: “Sự sang, hèn của con người là do nhân cách chứ không phải do giòng họ mà có; đối với việc tu đạo, giòng dõi tuyệt đối không có một ý nghĩa nào cả, mà chỉ khác nhau ở chỗ có hăng hái hay không trong việc tiến tu mà thôi: đó là chủ trương cốt tủy của Phật và các đệ tử”[1] .Đức Phật cũng dạy: mọi dòng sông khi đổ về biển cả có chung vị mặn cũng như giáo pháp của Ngài chỉ có một vị giải thoát mà thôi. Tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tính và có thể thành Phật, đó là sự bình đẳng tuyệt đối.

Chúng ta cần phân tích, chia chẻ vấn đề này ở nhiều khía cạnh khác nhau theo sự logic của triết học, mới thấy được giá trị bình đẳng nằm ở sự phân biệt. Tại sao cùng là người từ bụng mẹ sinh ra trên cuộc đời mà lại có người giàu kẻ nghèo, người đẹp kẻ xấu mỗi người mỗi số phận khác nhau? Tại sao cùng làm trong một công ty nhưng lương anh cao còn lương tôi lại thấp? Đó có phải là sự bất bình đẳng? Sự bình đẳng có thể xóa tan được những kỳ thị giai cấp, chủng tộc trong xã hội không? Nó có thể được đo lường bằng trọng lượng, bằng hình thức bên ngoài? Để trả lời những câu hỏi trên và muốn tìm hiểu thêm về sự bình đẳng trong đạo Phật, người viết đi vào khảo cứu vấn đề: “Quan niệm của Đạo Phật về chủ nghĩa bình đẳng”.

B. NỘI DUNG

1. Học thuyết bình đẳng qua lăng kính Triết học Phật giáo

1.1 Khái niệm về chủ nghĩa bình đẳng

Khái niệm bình đẳng trong đạo Phật rất nhiều. Tuy nhiên, trên tinh thần triết học, bình đẳng được coi như một học thuyết hay nói cách khác là chủ nghĩa bình đẳng.

Theo “Từ Điển Triết Học” cho rằng: “Bình đẳng là khái niệm nói lên vị trí như nhau của con người trong xã hội, nhưng lại có một nội dung khác nhau trong những thời đại lịch sử khác nhau và ở những giai cấp khác nhau…Sự bình đẳng hoàn toàn chỉ được tạo ra dưới chủ nghĩa cộng sản. Nhưng sự bình đẳng của cộng sản chủ nghĩa không có nghĩa là một sự san bằng nào đó đối với tất cả mọi người, mà ngược lại, nó mở ra những khả năng vô hạn cho mỗi người tự do phát triển những năng lực và nhu cầu của mình, tương xứng với những phẩm chất và năng khiếu cá nhân”[2] Aristotes đã diễn tả một cách chí lý quan niệm bình đẳng là công bình như sau: “Bất công là bất bình đẳng và công bình là bình đẳng”. “Những người không bằng nhau được đãi ngộ tùy theo sự khác biệt của họ”.

Khái niệm về bình đẳng theo triết học bắt nguồn từ một thuật ngữ gốc Pháp – Egalitaire (Egal có nghĩa là ngang bằng hoặc bằng nhau) chủ nghĩa bình đẳng (Egalitarianism) đã trở thành nghĩa “học thuyết bình đẳng giữa loài người” và nội dung của nó chủ yếu liên hệ đến xã hội – xuất phát từ cuộc cách mạng công nghiệp ở phương Tây. Điều quan trọng là vấn đề bình đẳng đã và đang bị hạn chế trong phạm vi ứng dụng thực tế – phán đoán “mọi người đều bình đẳng” dường như là một phán đoán mệnh lệnh hơn là phán đoán, vì không thể giữa xã hội loài người có vị trí bằng nhau đồng nhất.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 3.2021 Dao duc Phat giao qua Tu vo luong tam 4

1.2 Lý luận nhận thức bình đẳng của Phật giáo

Phật giáo trước nhất nhìn vấn đề bình đẳng căn bản giữa con người trong phương diện bản chất thật của con người. Mặc dù, Phật giáo chủ yếu để ý đến đạo đức tôn giáo, đều được gọi là “sự khác nhau giữa cá thể” (puggala-vematatta) bắt nguồn từ những thân phận con ngươi sâu xa , dẫn đến “bất bình đẳng về bẩm sinh cá nhân”[3].

Có thể nói rằng “Nghiệp” là một học thuyết hầu hết các tôn giáo đều có chủ trương, nhưng mỗi giáo phái có những nhận định về nghiệp khác nhau. Như có giáo phái cho rằng con người không cần phải tu tập ép xác, khổ hạnh, không có gì phải lo về chuyện tâm linh, tâm lý, ngoài việc thọ hưởng dục lạc, vì sau khi chết sẽ không còn bất cứ thứ gì. Giao lý nghiệp của Phật giáo hoàn toàn khác với những khuynh hướng trên. Nghiệp (P. Kamma; S. Karma) theo Phật giáo có nghĩa là hành động có tác ý, có ước muốn (P.cetana: Anh ngữ dịch là intentional action : volitional action). Những hành động mà không có tác ý, không ước muốn thì hành động đó không phải nghiệp. Đạo Phật không chấp nhận chủ trương: “người nào làm nghiệp (hành động) như thế nào thì người ấy cảm thọ quả báo như vậy”; chủ trương nghiệp của Phật giáo là: “người nào làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, thì người ấy cảm thọ quả báo dị thục như vậy”[4] .Trong kinh Tăng Chi: “Con người chính là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm thiện hay ác, người ta sẽ thừa tự kết quả của nghiệp ấy” [5] mà không phải là ai khác.

Chính tinh thần nhân quả nghiệp báo của Phật giáo đã giải thoát con người ra khỏi sự quản lý của một đấng siêu nhiên nào đó, phá nát hệ tư tưởng của Bà La Môn về phân chia giai cấp, màu da hay chủng tộc. Bởi vì, không phải một người sinh ra đã trở thành quý tộc hay kẻ bần hàn, mà chính do hành động, đạo đức của người đó đưa đến sự cao quý hay hạ tiện[6]. Mặc dù trên bản chất thì con người là giống nhau nhưng trên giáo lý luân hồi, nhân quả, nghiệp báo có khác nhau. Vì vậy, khi con người sinh ra đã có những điểm khác nhau và chính sự khác nhau đó tạo nên con người không có sự đồng nhất và sự phân tầng xã hội cũng sẽ khác nhau.

Theo xã hội học, nếu có phân biệt giai cấp trong xã hội loài người là không tuyệt đối thì nó cũng chưa bao giờ phổ quát “Con người tạo nên mọi thứ, tất cả những buồn đau và bất hạnh cũng như hạnh phúc và thành công của mình. Những người khác có thể sử dụng ảnh hưởng vì cuộc sống của họ, nhưng chính con người ấy nay tạo ra nghiệp của mình. Cho nên người ấy chịu trách nhiệm về những hậu quả”[7]. Kinh Assalàyana thuộc Trung Bộ (Majjhima Nikàya) minh họa rất rõ điều này. Giai cấp, địa vị, giàu nghèo không phải là cố định cho kiếp sống của một con người mà điều tiên quyết phụ thuộc vào sự nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân. Ngoài ra, trong Trung A Hàm còn các kinh như Phạm Chí A Nhiếp Hòa 151, Kinh Uất Sấu Ca La 150, Kinh Đầu Na 158… đều đề cập đến vấn đề giai cấp, địa vị này.

Như chúng ta biết, trên thực tế trong bài kinh Madhura số 84 thuộc Trung Bộ Kinh đã bác bỏ bốn giai cấp của Bà La Môn giáo. Nội dung kinh này đề cập đến việc một người Bà La Môn mà không có tiền và quyền thì vẫn có thể đi làm thuê cho những người thuộc giai cấp Sát Đế Lợi. Ở đây bốn giai cấp không phải được quy định theo bộ luật Manu, hoàn toàn không có chứng cứ nào về pháp lí. Ngoài ra, trong đó còn mô tả một tên ăn cướp vẫn mãi là tên ăn cướp không thay đổi, ngụ ý muốn nói là nếu như giai cấp Bà La Môn phạm tội trộm cướp thì người ta cũng gọi là người ăn cướp. Bốn giai cấp này đều chịu chung quy luật sinh, già, bệnh, chết. Mỗi cá nhân cũng có thể làm chủ vận mệnh và tự tạo hạnh phúc cho chính mình, không một năng lực hay đấng siêu nhiên nào có quyền ban phước, giáng họa. Con người vẫn có thể dùng tiền và quyền lực để chạy tội thoát ra khỏi luật pháp, nên luật pháp đối với đạo Phật được coi là điều không tuyệt đối, theo Phật giáo vấn đề điều phục tâm con người mới là chính yếu.

2. Nền tảng bình đẳng theo tư tưởng Phật giáo

Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Phật giáo đã xác nhận và tuyên bố: “Quyền bình đẳng căn bản của nhân loại như là một cộng đồng với ý nghĩa rằng những bản chất căn bản của con người là giống nhau, cho dù có thể có sự khác nhau do di truyền, môi trường hay những yếu tố nghiệp.”[8]

Phật dạy: “Bần tiện không vì sinh. Phạm chí không vì sinh. Do nghiệp thành bần tiện. Do nghiệp thành Phạm chí” (Kinh Tập, Sutta Nipata, 142). Phật giáo đã trả lại đúng vị trí, quyền hạn và trách nhiệm cho mỗi con người. Chính con người chứ không phải ai khác có thể quyết định hạnh phúc hay khổ đau của chính mình.

“Chỉ có ta làm điều tội lỗi,
Chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm,
Chỉ có ta tránh điều tội lỗi,
Chỉ có ta làm cho ta thanh tịnh,
Trong sạch hay nhiễm ô là tự nơi ta,
Không ai có thể làm cho kẻ khác trở nên trong sạch”[9]

Nền tảng của Phật giáo phải được bàn luận dựa trên nền tảng con người, có sự giống và khác. Sự khác nhau chắc chắn là do di truyền, môi trường, hoàn cảnh sống của mỗi cá nhân hay do sự giáo dục, huân tập những yếu tố nghiệp của tự thân. Cho nên, bình đẳng được bàn luận trong Phật giáo rất phổ biến không mang tính triết lí và đấu tranh, nó chỉ đưa ra những luận điểm giúp con người có những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp hơn, giúp cho xã hội trở nên hài hòa chứ không mang tư tưởng đấu tranh như các phong trào cách mạng khác. Trên nền tảng của Phật giáo, con người cơ bản là giống nhau, những yếu tố khác nhau người viết đã trình bày phía trên, nhưng trên thật tế mỗi con người đều có những đặc điểm giống nhau cố định được trình bày trên hai phương diện của Phật giáo: Bình đẳng về nhân quả và bình đẳng trong sự tu chứng.

2.1 Bình đẳng về nhân quả theo giáo lý nhà Phật

Tất cả con người sinh ra đều phải tuân theo định luật Duyên Khởi. Theo quan điểm của đạo Phật về ý nghĩa bình đẳng được phân tích một cách tuyệt đối, mỗi người đều phải chấp nhận quy luật của luân hồi như nhau. Tiến trình sinh tử này chính là nền tảng cho các vấn đề khác của cuộc sống được diễn tả qua những trải nghiệm về những thách thức khó khăn đau khổ của đời người. Đây chính là phạm trù chân lí đầu tiên mà trong bài Kinh Tứ Thánh Đế Đức Phật đã tuyên bố tất cả con người đều có những khổ đau nhất định. Dù giàu hay nghèo đều phải thừa tự nghiệp khác nhau và đã ở trong luân hồi thì phải chịu sinh, già, bệnh, chết. Trong Kinh Pháp Hoa đức Phật đã dạy: “Cũng giống như các loại cây tuy cùng đất mẹ mà sinh ra nhưng hình dáng, màu sắc, lớn nhỏ khác nhau, là bởi vì được sinh từ hạt giống khác nhau. Chúng sinh tuy đều từ Viên giác diệu tâm sinh ra, nhưng vì nhiều đời nhiều kiếp gieo nhân không giống nhau, nên mới thọ quả báo không giống nhau”[10].

Đoạn trích dẫn trên đã xác định một sự thật con người dù giàu sang hay nghèo hèn, dù thông minh hay ngu dốt v.v.. đều cũng phải chết, đó mà một định luật của thế gian, không cần phải bàn cãi hay trốn tránh được.

“Thông minh tài trí anh hùng
Si mê dại dột cũng chung một gò”

Đây là yếu tố đẻ xác định căn bản cho chúng ta thấy được đã là con người thì tất cả đều phải giống nhau về sự luân hồi, nhân quả.

2.2 Bình đẳng trong sự tu chứng

Phật giáo cho rằng tất cả mọi loài chúng sinh, từ con người cho đến các sinh vật nhỏ bé đều có ẩn tàng một khả năng thành Phật, hay còn gọi là Phật tính. Tuy nhiên, do các đặc tính cố hữu trong mỗi loài mà việc triển khai khả năng ấy nhanh hay chậm có khác nhau và đó cũng là nền tảng để hình thành nên đức tính bình đẳng triệt để vô phân biệt. Như vậy, con người cũng có đủ khả năng vượt qua những vấn đề luân hồi bằng cách tu tập để chứng đạt tâm linh và đạo đức cao nhất. Trên lập trường bình đẳng thì ai sinh ra làm con người đều bị khổ đau và bị vô thường chi phối, nhưng bên trong mỗi con người đều tìm ẩn một năng lực giải thoát. Trong kinh Pháp Hoa đức Phật dã dạy: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính và có khả năng giác ngộ”,“Đức Phật là Phật đã thành và chúng sinh là Phật sẽ thành”, nhưng nhanh hay chậm là tùy vào ý chí phấn đấu tu tập của mỗi cá nhân người đó quyết định. Như chúng ta đã biết trong đạo Phật có những giá trị nhất định. Đức Phật không phải nhà cách mạng, cũng không phải là người khởi xướng các phong trào đòi hỏi những quyền chính trị xã hội trong sự tiến hóa của con người. Nhưng những lời dạy về đạo đức của Ngài đã giúp con người nhận thức đúng hơn về quyền bình đẳng và giúp chuyển biến theo một hướng tích cực và tốt đẹp hơn.

Ung dung tinh than binh dang giao duc Phat giao 2

Người phụ nữ có khả năng chứng đắc quả vị giải thoát điều này không còn nghi ngờ gì nữa. Bao lâu nay theo quan niệm cổ truyền, mọi người trong xã hội Ấn đều nghĩ rằng phương diện tinh thần và đạo đức người phụ nữ thấp kém hơn người nam, thì nay Phật giáo cho mọi người thấy nữ tính không phải là trở ngại cho việc tiến bộ. Chính đức Phật đã xác định điều này khi ngài A Nan hỏi Phật: ‘Không biết nữ nhân sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình … có thể chứng được quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất lai hay quả A la hán không?’:‘Này Ananda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A la hán quả’[11]. Rõ ràng chỉ điểm qua một vài câu kinh, chúng ta đã có thể thấy cụ thể địa vị người phụ nữ trong giáo lý đạo Phật. Giáo lý nhà Phật cho mọi người thấy rằng: người phụ nữ xứng đáng có một chỗ đứng danh dự ngang hàng với nam gìới về phương diện khả năng và thành đạt mục tiêu Niết bàn, và trên nấc thang thành tựu của nhân loại, người nữ cũng có khả năng trèo đến mức tột đỉnh mà người nam có thể đến.

3. Giá trị thực tiễn của học thuyết bình đẳng trong đạo Phật

3.1 Bản chất và ý nghĩa của Tăng đoàn Phật giáo.

Lịch sử cho biết rằng năm 528 đến năm 484 trước Tây lịch là khoảng thời gian 45 năm Đức Phật đã đi hết miền Tây bắc nước Ấn Độ, qua các vương quốc Kosala và Magadha cùng nhiều tiểu quốc khác dọc sông Ganges và sông Gandak để tuyên giảng giáo pháp. Đó cũng chính là giai đoạn Ngài khai sinh và xây dựng Tăng đoàn, từng người một, từng ngày một, để đặt nền móng nhưng đồng thời cũng thiết kế và hoàn thiện một công cụ thiện xảo với chức năng, thay Ngài sau này, duy trì bánh xe Chính pháp được quay đều, và quay bền vững, trong không gian vô tận và thời gian vô cùng.

Tăng đoàn Phật giáo là một tổ chức tu hành mang tính hòa hợp, các Tăng sĩ đều là những người từ bỏ gia đình cùng chung sống với nhau, chia sẽ và tương trợ lẫn nhau trong giáo pháp của Đức Phật trong sự hòa hợp và thanh tịnh. Một vấn đề được nhắc nhiều lần trong kinh điển đã trở thành một minh chứng hùng hồn cho sự bình đẳng, đó là tất cả những sự phân biệt về giai cấp hay nghề nghiệp đều bị xóa bỏ khi gia nhập vào hàng ngũ Tăng già. Nếu có khác biệt thì đó là sự khác nhau về hạ lạp và một số vấn đề khác là rất ít và không đáng kể, tất cả các Tỳ kheo đều có vai trò bình đẳng như nhau trong buổi lễ Tự tứ. Sỡ dĩ có sự phân chia hạ lạp là để cho có sự tôn ti trật tự trong Tăng chúng cho nên mới phân định trước sau, nhưng về phương diện bình đẳng thì hạ lạp không nói lên sự phân biệt trong đó, không khẳng định được sự giải thoát chứng đắc của một vị Tỳ kheo. Cho nên nếu một vị Trưởng lão phạm lỗi đều bị cử tội đúng theo luật định chứ không phải như các Tôn giáo khác không được xét lỗi vị Thầy của mình. Đây là minh chứng về sự bình đẳng trong Tăng đoàn một cách tuyệt đối.

Như trong kinh Bộ Tăng Chi có đoạn nói về tính chất bình đẳng của Tăng chúng không hề thiên vị một ai, dù sang hèn, giàu nghèo, đẹp xấu; dù sinh trong giai cấp nào, hoặc dù nam hay nữ, … sau khi xuất gia sống đời Phạm hạnh cũng đều là Sa môn đệ tử Phật bình đẳng không phân biệt như trăm sông đổ về biển: “Ví như, này Paharada, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà. sông Aciravatì, sông Sarabhù, sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Pahàràda, có bốn giai cấp này: Sát đế lyﬠBà la môn, Phệ xá, Thủ đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong pháp và luật được Như Lai tuyên bố này, chúng từ bỏ tên và họ của chúng từ trước, và chúng trở thành những Sa môn Thích tử”[12].

Tăng đoàn có vai trò gìn giữ Chính pháp và phổ biến Chính pháp rộng rải khắp nhân gian, giúp mọi người thông hiểu Phật pháp và sống đúng Chính pháp, vì chỉ có Chính pháp mới có đầy đủ năng lực cảm hóa và cải thiện con người trở về chân thiện mỹ. Xây dựng nếp sống Tăng đoàn chính là bồi dưỡng phẩm chất cho từng tỳ kheo. Vì phẩm chất của mỗi tỳ kheo quyết định sự hưng suy của Tăng đoàn, quyết định sự tồn tại của Phật pháp. Cho nên, những lời giáo huấn về hành vi thái độ của từng tỳ kheo luôn được Thế Tôn nhắc nhở. Những lời ấy xuyên suốt Luật tạng và Kinh tạng Pàli. Ngay những ngày tháng cuối cùng, Đức Thế Tôn cũng không ngừng quan tâm, huấn luyện chư Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni nỗ lực đoạn trừ tham ái. Đồng thời, Ngài đúc kết lại những điều cốt lõi nhất trong giáo pháp và tha thiết dặn dò các đệ tử phải ghi nhớ thực hành nhằm xây dựng và củng cố nếp sống thanh tịnh của Tăng đoàn, chư vị tỳ kheo phải hành trì để làm cho Tăng đoàn trở nên hưng thịnh.

3.2 Sự thành lập Ni đoàn và một số vấn đề dẫn đến hiểu sai về địa vị người phụ nữ trong giao lí Phật giáo

Theo học giả E.J.Thomas, vào năm thứ năm sau ngày thành đạo, đức Phật đã trở về quê hương thăm vua cha Tịnh Phạn đang lâm bệnh và hóa độ cho ông đắc quả A La Hán trước lúc lâm chung. Sau khi lo tang lễ của đức vua xong, di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề (Maha Pajapati) ngỏ lời cầu xin Đức Phật cho phái nữ được xuất gia, nhưng sau ba lần bị từ chối. Vẫn không thối chí, Di Mẫu cùng với năm trăm người nữ khác tự xuống tóc, đắp y, đi bộ đến tìm Phật. Đến nơi, cả đoàn gặp được tôn giả A Nan và được tôn giả ba lần vào xin đức Phật cho phép nữ giới xuất gia nhưng đều bị ngài từ chối. Tôn giả hỏi Phật nếu một người nữ xuất gia sống trong Pháp và Luật của Đức Phật có được chứng đắc Tứ quả Sa Môn hay không? Đức Phật trả lời là người nữ có khả năng chứng Tứ quả Sa Môn. Cuối cùng, với lời thỉnh cầu tha thiết của Tôn Gỉa , Đức Phật chấp nhận cho nữ giới gia nhập Tăng đoàn với điều kiện Tỳ-kheo-ni phải tuân thủ và thực hành Bát Kỉnh Pháp.

Nhiều nhà học giả cho rằng Đức Phật Thích Ca là người tiên phong trong cuộc cách mạng tư tưởng xã hội. Lý do chính của kết luận trên có thể đặt nền tảng từ lời dạy sau:

“Không phải do sinh ra người ta trở thành Bà La Môn.
Không phải do sang ra người ta trở thành kẻ hạ tiện.
Do hành động (nghiệp) người ta trở thành Bà La Môn
Do hành động (nghiệp) người ta trở thành kẻ hạ tiện.”[13]

Lời tuyên bố trên có thể xem như là một tuyên ngôn của cuộc cách mạng tư tưởng xã hội, giải phóng nạn phân biệt giai cấp, chủng tộc. Như chúng ta đã biết, tư tưởng phân biệt đẳng cấp và kì thị chủng tộc là một bài học lịch sử vô cùng đau thương của xã hội loài người. Đạo Phật đã ra đời như vầng thái dương soi sáng khắp nẻo vô minh tăm tối, giải thoát con người ra khỏi ngục tù của cuộc sống. Cũng như nước của trăm dòng sông khi đổ ra biển cả đều có chung một vị mặn. Không ít người xuất thân từ các giai cấp thấp kém,[14] nhưng sau khi giác ngộ đã trở thành những nhân vật đáng được tôn trọng và kính ngưỡng trong Phật giáo, như tôn giả Angulimala trước khi xuất gia vốn là một tên cướp khét tiếng, hay Sunita là người quét dọn vệ sinh, Upali- người thợ hớt tóc, Ambapali là kỷ nữ hạng sang v.v.., nhưng các vị này đều là những hình ảnh phản ánh chân thật nhất cho tinh thần bình đẳng giai cấp trong Phật giáo.

Tuy nhiên, có thể từ khi Đức Thế Tôn chấp thuận cho nữ giới gia nhập Tăng đoàn đã làm gợi lên một làn sóng đấu tranh trong xã hội. Bởi vì, xã hội Ấn Độ xưa coi phụ nữ đều lệ thuộc vào nam giới, trang điểm và phục vụ, sinh con… nhưng mà không được chống đối. Một người phụ nữ lý tưởng phải là một nô lệ trung thành, biết tuân thủ và phục vụ mọi ý muốn của chồng, thậm chí bị tước đoạt quyền sống khi người chồng qua đời. Mặc dù, những tư tưởng sai lệch này đã được thay đổi từ khi Phật giáo ra đời, địa vị của phụ nữ được tôn trọng và có quyền bình đẳng, Phật giáo đã trả lại đúng vai trò của phụ nữ trong gia đình, nhưng đến hiện nay, tại xã hội Ấn Độ hiện đại vẫn còn phần đông đặt nặng vấn đề giai cấp.

Từ khi đức Phật đưa vị trí người phụ nữ lên một tầm cao mới, từ đó bổn phận và quyền lợi của họ đã được thay đổi. Trong kinh Giao Thọ Thi-Ca-La-Việt (Singalavada)18 đức Phật đã phân tích rõ của sáu mối tương quan trong xã hội. Trong tổ chức Tăng đoàn Phật giáo, địa vị của phụ nữ cũng nổi bậc như vai trò của nam giới, nếu bên Tăng có các vị đại đệ tử như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, bên Ni cũng có những bậc xuất chúng như Dhmamadani, Kisa Gotami… Trong sinh hoạt xã hội nếu nam giới có quyền sử dụng tài sản của mình để bố thí cúng dường điển hình như Cư sĩ Cấp-cô-độc (Anathapindika), nữ giới cũng có quyền sở hữu và sử dụng tài sản của mình theo ý muốn, như hình ảnh nữ đại thí chủ Visakha Migaramata và Ambapali.

Một ảnh hưởng mạnh mẽ của Tăng đoàn đối với xã hội Ấn Độ xưa là cuộc cách mạng giới tính. Bình đẳng giữa nam và nữ vốn không phải là tư tưởng mới của thời nay, nhưng nó là một vấn đề nan giải của nhân loại và đã được nhiều nhà triết học đem ra bàn luận. Thực tế cho thấy, trong tất cả giai đoạn nào của xã hội, thì những tranh luận về vấn đề “nam nữ bình quyền” vẫn là sự kiện nóng bỏng của con người. Mặc dù, không thể xác định phong trào giải phóng phụ nữ và bình đẳng giới tính được hình thành trong khoảng thời gian nào của lịch sử nhân loại, nhưng phần lớn các sử liệu đều ghi lại rằng kể từ khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni chấp nhận cho nữ giới xuất gia và cho phép thành lập Ni đoàn.

Do vậy, có thể kết luận rằng Tăng đoàn Phật giáo là tổ chức đầu tiên đặt nền móng cho triết lí bình đẳng giới tính trong xã hội. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là trên thực tế người nữ xuất gia vẫn phải đối mặt với những thử thách khó khăn như bị đức Phật từ chối ba lần, và khi đức Phật chấp thuận thì điều kiện đưa ra là chư Ni suốt đời phải vâng giữ và thực hành Bát Kỉnh Pháp. Chính những sự kiện này khiến cho nhiều người ngộ nhận và kết tội đức Phật cũng chủ trương trọng nam khinh nữ, phân biệt giới tính. Nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận rõ vấn đề, đã là một bậc Giác ngộ toàn tri, có tầm nhìn sâu rộng thì phàm làm việc gì cũng có nguyên do. Sở dĩ Ngài phải ba lần từ chối phụ nữ giất gia vì trong một bối cảnh kì thị giai cấp giới tính vô cùng khắc nghiệt thời bấy giờ, Ngài phải thăm dò phản ứng của xã hội để tìm ra giải pháp tối ưu nhất tiếp độ nữ giới. Nếu như chấp nhận cho nữ giới gia nhập Tăng đoàn nhưng điều đó không được xã hội công nhận và tán thành thì chắc chắn sẽ có những phản ứng trái chiều và làm khó cho Tăng đoàn mới vừa thành lập, như trong đoạn kinh Trường Bộ đã chứng minh như sau:

“Này Ananda, một thời Ta tại Uruvela…khi Ta mới thành đạo. Này Ananda, lúc bấy giờ, Ác ma đến tại chỗ Ta ở; khi đến xong, liền đứng một bên…nói với Ta: Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ! Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ!’ này Ananda, khi được nói như vậy, Ta nói với Ác ma: ‘Này Ác Ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỳ kheo của Ta chưa thành những đệ tử chân chính…những Tỳ kheo ni của Ta chưa thành những đệ tử chân chính…những nam cư sĩ của Ta chưa thành những đệ tử chân chính…những nữ cư sĩ của Ta chưa thành những đệ tử chân chính…Này Ác Ma, Ta không diệt độ khi nào phạm hạnh mà Ta giảng dạy chưa được thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa là được khéo giảng dạy cho loài người.”[15]

Trong đoạn trích dẫn ghi rõ lời dạy của đức Thế Tôn “Này Ác Ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỳ kheo của Ta chưa thành những đệ tử chân chính…những Tỳ kheo ni của Ta chưa thành những đệ tử chân chính…những nam cư sĩ của Ta chưa thành những đệ tử chân chính…những nữ cư sĩ của Ta chưa thành những đệ tử chân chính” đã xác nhận Ngài sẽ thành lập Ni đoàn và cho Nữ giới xuất gia và trở thành những đệ tử chân chính trước khi Ngài nhập Niết Bàn. Qua đó cho thấy, ba lần từ chối của đức Phật không cho Nữ giới xuất gia là có nguyên do, mục đích là Ngài mong muốn xã hội lên tiếng và đồng ý.

Để cho mọi việc được thuận lợi, Ngài đã rất khéo léo trong việc chế định Bát Kỉnh Pháp, có thể hiểu tám pháp này chỉ là giải pháp tránh né bớt đi sự chống đối của xã hội và Tăng đoan. Chúng ta cũng biết, vào thời ấy, xã hội Ấn Độ đang ở trong thời kỳ bán khai, người xuất gia phải rời bỏ gia đình, sống không gia đình trong rừng rú. Người nam tu sĩ có thể tự vệ chống bọn cướp, thú dữ, rắn rết …, nhưng người tu nữ hoàn toàn không thể tự bảo vệ được mình, nên Phật đã dạy: ‘Tỳ kheo ni không thể an cư tại chỗ không có Tỳ kheo’. Và một lý do sâu xa khác của việc chế Bát kỉnh pháp là đức Phật muốn có sự cách biệt trong hòa khí giữa Tăng bộ và Ni bộ. Nữ giới hay thiên về sự quá đà; hoặc quá thân mật thì mất sự cung kỉnh và dễ lờn, hoặc quá sơ thì dễ đi đến chỗ kiêu căng tự phụ cho rằng ta đây có thể tự lập không cần ai dắt dẫn. Do đó một điều cung kỉnh khác trong tám pháp cung kính bắt buộc Ni chúng phải thỉnh thoảng đi đến Tỳ kheo tăng để xin chỉ giáo, để luôn luôn nhớ đến địa vị khất sĩ của mình, nghĩa là phải tầm cầu Chính pháp. Chúng ta được biết thêm, cũng chính trong kinh Tăng Chi Bộ này đức Thế Tôn đã giải thích lý do tại sao Ngài ban hành Bát kỉnh pháp: ‘Ví như, này Ànanda, một người vì nghĩ đến tương lai xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua, cũng vậy, này Ànanda, vì nghĩ đến tương lai, Ta mới ban hành tám kính pháp này cho các Tỳ kheo ni cho đến trọn đời, không được vượt qua’[16].

Ngày nay trên cương vị của một người đi tìm Tuyệt đối ‘phàm xuất gia giả, phát túc siêu phương’, chúng ta cũng có thể nhận thấy Bát kỉnh pháp không có gì là quá đáng, và còn phải được lãnh hội một cách sâu xa hơn, ấy là: chúng ta phải kính trọng tất cả, vì điều trở ngại lớn nhất cho người tìm Đạo chính là thói kiêu mạn. Hơn nữa là người tu học giáo lý Vô ngã, thì những vị nữ tu sĩ nào thực tình muốn xóa bỏ ngã chấp không có lý do gì để mặc cảm về Bát kỉnh pháp, và vị nam tu sĩ nào thực tình là một con người đi tìm tuyệt đối cũng không có lý do gì để tự hào. Tuy nhiên trên lĩnh vực giải thoát, sự phân biệt này hoàn toàn không có giá trị gì bởi vì không có bất cứ sự khác biệt nào trong bốn quả vị thánh được dành riêng cho nam hay nữ. Qua đó, có thể kiểm tra được nghị lực, ý chí , sức chịu đựng và lòng kham nhẫn của họ. Quan trọng hơn nữa đây chính là đang tạo cơ hội cho chúng Ni dễ dàng đoạn trừ tâm chấp ngã, kiêu căng ngạo mạng để có thể dễ dàng tiến đến con đường giải thoát. Có thể nói tất cả những gì đức Phật chế định không hề có sự kì thị hay bất công cho người nữ, đó là vì lòng thương xót đối với nữ giới. Từ đó, tạo mọi cơ hội để giúp người nữ có thể giải thoát nhanh hơn và thăng tiến hơn trên con đường tâm linh.

Bây giờ ta khảo sát một câu nói khác trong kinh đã khiến cho nhiều người nghĩ rằng đức Phật bi quan với thân thế người nữ: ‘Này Ananda, nếu nữ nhân không được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, thời này Ananda, phạm hạnh được an trú lâu dài và diệu pháp được tồn tại đến một ngàn năm. Vì rằng này Ananda, nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, nay này Ananda, diệu pháp sẽ được tồn tại năm trăm năm’[17]. Ở đây, ta nên tìm hiểu nguyên nhân phát sinh vấn đề lời tuyên bố phạm hạnh sẽ không tồn tại lâu dài khi nữ giới xuất gia. Rõ ràng nếu chỉ trích ra một đoạn kinh văn nói về vấn đề nay, thì chúng ta khó mà hiểu hết ý Phật. Nên biết, câu kinh trên cùng nằm trong kinh Gotamì nói về việc thành lập ni đoàn và Phật đã từng đắn đo với những lý do đã được giải thích ở phần Bát kỉnh pháp. Câu kinh này không phải đứng riêng lẻ, mà ngay tiếp theo là ví dụ của đức Phật: ‘Ví như, này Ànanda, những gia đình nào có nhiều phụ nữ ít đàn ông, thời những gia đình ấy rất dễ bị đạo tặc, trộm nghè não hại. Cũng vậy, này Ànanda, vì rằng nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, nên Phạm hạnh không được an trú lâu dài…’[18].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2020 Ung dung triet ly Phat giao vao giao duc 2

Ngay trong trường hợp này ta có thể khẳng định: câu kinh trên chỉ nhằm giải thích thêm cho sự quyết định chế ra tám điều cung kính cho phù hợp với căn cơ của người phụ nữ và như vậy sẽ không có một sự bất bình đẳng hay mâu thuẫn nào trong giáo lý Phật giáo. Vì rằng, cũng chính trong kinh Tăng Chi Bộ, khi giải thích cho Tôn giả Kimbila nguyên nhân khiến cho diệu pháp không còn tồn tại lâu dài sau khi Như Lai nhập diệt: ‘Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ không cung kính, không tùy thuận bậc Đạo sư, sống không cung kính, không tùy thuận Pháp, sống không cung kính, không tùy thuộc chúng Tăng, sống không cung kính, không tùy thuận học pháp, sống không cung kính, không tùy thuận, sống phóng dật, sống không cung kính, không tùy thuận tiếp đón. Này Kimbila, đây là nhân, đây là duyên, khiến khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp không tồn tại lâu dài[19]’. Và đến đây đức Phật cũng cho biết thêm nguyên nhân dẫn đến Chính pháp tồn tại sau khi đức Phật nhập Niết bàn: ‘Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính tùy thuận đức Đạo sư, sống cung kính tùy thuận Pháp, sống cung kính tùy thuộc chúng Tăng, sống cung kính tùy thuận học pháp, sống cung kính tùy thuận không phóng dật, sống cung kính tùy thuận tiếp đón. Này Kimbila, đây là nhân, đây là duyên, khiến khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp được tồn tại lâu dài[20]’.

Đến đây, chúng ta có thể xác định Chính pháp có tồn tại lâu dài hay không tồn tại lâu dài, không nhất thiết là do có nữ giới xuất gia, mà điều này phụ thuộc vào việc tứ chúng đệ tử Phật có tu theo chính pháp hay không. Vì dù cho người nữ không xuất gia trong Pháp và Luật của Phật, nhưng nếu nam giới sống không cung kính, không tùy thuận Phật, Pháp, Tăng, đồng thời sống buông lung theo cảnh trần, thân, khẩu, ý tạo ra những nghiệp bất chính, … thì liệu rằng Chính pháp có được cửu trụ tại thế gian hay không?.

C. KẾT LUẬN

Trên thực tế tất cả mọi người đều cho rằng đạo Phật là đạo bình đẳng, vị tha. Ngài đã giải phóng tất cả mọi giai cấp bất công trong xã hội, đem tinh thần bình đẳng gieo rắc khắp mọi nơi trên thế giới. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nhưng giáo lý cao thượng của Ngài đã mang lại cho con người rất nhiều lợi lạc. Đặc biệt, Ngài đã khai mở cho Nữ giới một con đường giải phóng không những ra khỏi thân phận đen tối thấp hèn, lệ thuộc vào người nam và đặc biệt cao cả hơn người nữ có thể vượt thoát ra khỏi ngục tù bản ngã nhỏ hẹp để vươn đến con đường giải thoát giác ngộ như tất cả những bậc nam giới trong xã hội. Trong khi đó có một số ý kiến trái chiều cho rằng Đức Phật vẫn còn chút gì đó áp đặt quyền thống trị của nam giới lên trên người nữ khi chế định ra Bát Kỉnh Pháp và quy định điều luật thứ hai đó là: “Tỳ Kheo Ni không được an cư nơi không có Tì Kheo Tăng”. Với quy định này nếu so với thời nay có thể xem là bị áp đặt, ràng buộc quyền tự do nặng nề nhưng chúng ta thử đặt mình vào hoàn cảnh đất nước Ấn Độ đầy phức tạp và nhiễu nhương thời ấy, nạn bắt cóc cưỡng hiếp phụ nữ vẫn xảy ra ngang nhiên trên các thành phố lớn của Ấn Độ. Hơn nữa, trú xứ của Ni chúng thường là ở những nơi hoan vắng ít người qua lại thì đó lại càng tạo cơ hội cho những kẻ dã tâm. Là một người lãnh đạo Tăng đoàn, một người cha vô cùng thương yêu và lo lắng cho con cái, Ngài luôn trăn trở làm thế nào để chư Ni, những người con gái của Ngài có thể tự vệ bảo tồn sự trinh tiết thanh tịnh của mình. Cho nên nếu không có sự hiện diện can thiệp của chư Tăng thì trú xứ của Ni giới rất dễ trở thành mục tiêu cho những ý đồ dục vọng xấu xa của những kẻ dã tâm. Có thể nói Bát Kỉnh Pháp được đặt ra là để bảo vệ chư Ni, Ngài đã âm thầm giao trọng trách bảo vệ Ni giới cho Tì Kheo Tăng, đây chính là sự quan tâm yêu thương vô cùng sâu sắc của một người Thầy đối với sự an nguy trong đời sống của những đứa con của mình.

Đạo Phật là đạo bình đẳng, đức Phật ra đời đã mang ánh sáng chân lí soi sáng khắp nẻo nhân gian, mang thông điệp yêu thương không phân biệt màu da chủng tộc bởi “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”, ai sinh ra trên đời cũng mong muốn được sống và được hạnh phúc. Tôn chỉ của giáo lý Đạo Phật là hướng dẫn con người tu tập đạt đến cứu cánh giải thoát, nếu mỗi chúng sinh đều phát tâm hành trì và nỗ lực thì đều đạt kết quả như nhau.

Phật giáo không liệt kê những khổ đau tưởng tượng, không đưa ra những nguyên nhân phi thực, cũng không đề ra con đường giải quyết khổ đau bằng hành khổ, bằng cầu xin như những quan điểm của tôn giáo khác. Đức Phật chủ trương giải thoát khổ đau có mặt trên đời này chính do sự nổ lực tu tập của tự thân, mỗi người chính là chủ nhân, tự chịu trách nhiệm với hạnh phúc hay khổ đau của chính cuộc đời mình. Chúng sinh do nghiệp thức dẫn dắt mà sinh ra trên đời này, lại chịu sự chi phối của nhân quả nên có sự khác biệt. Tuy nhiên vì Phật tính trong họ là như nhau nên năng lực giải thoát là bình đẳng. Ai chịu tiếp nhận giáo pháp để tu tập thì đều được giải thoát, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, cao quý hay hạ tiện. Trong Kinh Pháp Hoa lấy hình ảnh cơn mưa để ví dụ cho thấy tâm bình đẳng của đức Phật, không phân biệt căn cơ chủng tính, chỉ cần người có tâm cầu giải thoát thì đều được bình đẳng đón nhận và đều có thể chứng quả giải thoát giác ngộ như nhau.

Trong Phật học Khái Luận ngài Thích Chơn Thiện đã viết “Phật giáo dạy con người đi vào giải thoát, có nghĩa là đi ra khỏi mọi trói buộc mọi ách nô lệ. Nô lệ lớn nhất của hiện tượng giới là nô lệ chính dục vọng của mình”. Đức Phật dạy: “Ta là Phật đã thành tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành” hay “nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính, nhất thiết chúng sinh giai kham tác Phật”. Bản thể chân như vốn sẵn có trong mỗi người, chúng sinh có thể khác nhau về mọi thứ nhưng Phật tính chắc chắn không khác. Ngài Huệ Năng dạy: “Con người có Nam Bắc nhưng Phật tính thì không phân biệt Nam Bắc.”

Mỗi con người sinh ra đều có quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc, chính tự thân mỗi người hoàn toàn chịu trách nhiệm về những nỗi đau và hạnh phúc của riêng mình, thừa hưởng quá khứ và làm chủ tương lai. Một vườn hoa có nhiều chủng loại, mỗi loài có những nét đẹp xấu khác nhau nhưng chúng đều có quyền nở hoa và tỏa hương theo cách của mình. Cũng vậy, con người có quyền thừa hưởng tất cả những gì họ tạo bằng công sức trí tuệ của mình. Và quan trọng hơn cả cần nhìn nhận một cách chuẩn xác là giai cấp cao quý không phải là Bà La Môn hay Sát Đế Lợi…. mà nó được đánh giá ở phẩm hạnh đạo đức bên trong của mỗi con người, vì vậy muốn trở thành đẳng cấp chúng ta hãy tự thăng hoa nhân cách của chính mình, sống một đời hiền thiện thanh cao, điều này chỉ có tự thân mang lại cho chính mình mà thôi. Đức Phật đã khẳng định rõ “không cha mẹ, trời đất hay ai làm cho ta cao thượng hay thấp hèn, chỉ có hành động của ta làm cho ta cao thượng hay thấp hèn mà thôi; không phải ai khác làm cho ta ô nhiễm hay trong sạch, mà chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm hay trong sạch mà thôi”[22].

Trong kinh Tạp A Hàm, kinh số 1146, đức Phật dạy về bốn hạng người:

Có những người sinh ra từ bóng tối, đi vào bóng tối
Có những người sinh ra từ bóng tối, đi ra ánh sáng
Có những người sinh ra từ ánh sáng, đi vào bóng tối
Có những người sinh ra từ ánh sáng, đi ra ánh sáng.

Chọn sống như thế nào là do tự thân của mỗi người phấn đấu, hoàn thiện bằng chính sự nỗ lực của tự thân thông qua việc đoạn trừ mọi tham ái, dục vọng,.. của con người. Điều này nói lên tính chất rất là nhân bản, rất thực tế và rất thiết thực hiện tại. Con người là gốc của khổ đau và cũng là sự giải thoát nơi chính mình.

Tác giả: Thích Nữ Tịnh Trí
Học viên Cao học K5 – Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Chú thích

1. Kimura Taiken, HT. Thích Quảng Độ dịch, “Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận”, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 231.
2. Từ điển Triết học, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va (bản dịch ra tiếng Việt của Nxb Tiến bộ và Nxb Sự thật),1986
3. Quan niệm của Đạo Phật về chủ nghĩa bình đẳng, trích dịch: TN Hằng Liên ( WWW .daophatngaynay. com)
4. puggalavemattatà, xin tham khảo majjhima-nikàya, i, tr. 494; samyutta-nikàya, ii, tr. 21 trở đi
5. Samyutta-nikàya,v, tr. 200
6. ĐTKVN, Tăng Chi Bộ Kinh, tập I
7. ĐTKVN, Tăng Chi Bộ Kinh, tập II
8. Xem “ ĐTKVN, Tiểu Bộ Kinh, Sutta-nipana” (Kinh tập).
9. K.N. Jayatillake, The principle of internaltional law in Buddhist doctrine, tóm tắt từ “the recueil des cours,” vol.ii, 1967, (private circulation only), leiden, tr. 518
10. Tỷ-kheo Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, Phẩm Tự Ngã, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2006, tr.48.
11. HT. Thích Trí Tịnh dịch, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, “Phẩm Dược Thảo Dụ”, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
12. Phẩm Gotamì, Kinh Bộ Tăng Chi III, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, p.114
13. Kinh A Tu La Pahàràda, phẩm Lớn, Kinh Tăng Chi Bộ II, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, p.57
14. Sutta – nipana ( Kinh Tập )
15. ĐTKVN, Kinh Trường Bộ, tập II, tr. 529.
16. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, “Kinh Đại Bát Niết Bàn”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 2018, Trang 307-308.
17. Phẩm Gotamì, Kinh Tăng Chi Bộ III, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, p.117
18. Phẩm Gotamì, Kinh Tăng Chi Bộ III, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, p.116
19. Phẩm Gotamì, Kinh Tăng Chi Bộ III, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, p.116
20. Phẩm Chư Thiên, Kinh Tăng Chi Bộ II, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, p.333
21. Ibid.,… p.333
22. Thích Quang Nhuận, Phật Học Khái Luận, tập 2. Hà Nội: NXB Tôn Giao, 2005, tr 148.

Tài Liệu Tham Khảo
1. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Nxb. Tôn Giáo, TP.HCM, 2017
2. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trường Bộ”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, Nxb. Tôn Giáo, TP.HCM, 2018
3. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, Nxb. Tôn Giáo, TP.HCM, 2016
4. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tiểu Bộ”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, Nxb. Tôn Giáo, TP.HCM, 2016.
5. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung A Hàm, VNCPHVN ấn hành, 1992.
6. HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, Phẩm Tự Ngã, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2006.
7. Kimura Taiken, HT. Thích Quảng Độ dịch, “Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận”, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 231
8. Từ điển Triết học, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va (bản dịch ra tiếng Việt của Nxb Tiến bộ và Nxb Sự thật),1986.
9. Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, NXB. Tp Hồ Chí Minh, 1999.
10. Thích Quang Nhuận, Phật Học Khái Luận, Hà Nội: NXB Tôn Giao, 2005.
11. Thích Viên Trí, Ân Độ Phật Giao Sử Luận,NXB Phương Đông, 2014.
12. Quan niệm của Đạo Phật về chủ nghĩa bình đẳng, trích dịch: TN Hằng Liên (WWW .daophatngaynay. com)
13. L.C. Dunn, ‘RACE AND BIOLOGY’ in The Race Question in Modern science.
14. HT. Thích Trí Tịnh dịch, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Dược Thảo Dụ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage