Phật Học Online

Lưu Đình Long
Cha mẹ biết cách sống hạnh phúc, con cái mới hạnh phúc

Sự thật là, có nhiều phụ huynh trao đi tình thương trong mong cầu rất nhiều thứ ở con. Tạo ra vô vàn áp lực cho con thực ra cũng là tạo chừng ấy mệt mỏi cho mình.

Cha mẹ nào cũng thương con. Đây là đạo lý ngàn đời và cũng là món quà cha mẹ dành cho con, xuyên suốt từ khi con vào bụng mẹ. Tất nhiên, cũng có những ngoại lệ bất thường nhưng thực sự, việc thương con cũng là sự thụ hưởng của người làm cha mẹ. Vấn đề là thương như thế nào để tình thương trở thành món quà cho con và thành sự thụ hưởng cho cha mẹ…

Hiểu và thương

Tôi từng có duyên được lắng nghe một buổi giảng pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh khi ngài về Việt Nam lần đầu tiên (năm 2005), thầy nói về tình thương và sự gắn kết của cha mẹ - con cái. Theo Thiền sư, có rất nhiều người thương mà không hiểu con nên đã tạo ra áp lực cho con của mình. 

Không hiểu bởi vì không lắng nghe con. Đa số phụ huynh hay dùng “quyền” làm bố mẹ để đặt ra quá nhiều yêu cầu cho con phải làm. Từ nhỏ, khi con mới chào đời đã “yêu cầu” con phải ăn khỏe, lớn nhanh hơn con người khác. Khi con chập chững đến trường thì để con gánh ước mơ của chính mình - phải học giỏi nhất, đều các môn và số điểm phải luôn cao. 

Khi con lớn, lại mong con có người yêu, thành gia lập thất với bạn đời như thế này, thế kia, theo chuẩn của cha mẹ, thậm chí của đại gia đình. Rồi con trai hay cháu đích tôn thì phải nối dõi tông đường, ép con mình phải gánh vác đủ thứ trách nhiệm mà đôi khi không cần biết con có khả năng, có làm nổi không.

Tôi từng nghe tâm sự của một người bạn là con-trai-một của một gia đình: “Mình sinh ra đã mang giới tính thứ 3, thuộc cộng đồng LGBT nhưng không dám sống thật với bản thân. Mình sợ ba mẹ mình buồn, và nếu bố mẹ mình biết giới tính thật của mình sẽ nghĩ đây là mối… nhục của gia đình”.

Và bạn đã sống trong nỗi sợ và áp lực ấy suốt 35 năm qua. Khi lên TP.HCM học, có công việc, bạn ngại về quê không phải vì không thương quê, nhớ ba mẹ mà vì mỗi lần về lại nghe hối thúc chuyện vợ con, lại nghe càm ràm, so sánh với thằng Tý thằng Tèo gần nhà.

Ít cha mẹ nào hỏi con mình đi học có vui không mà chỉ biết đến điểm số và luôn luôn áp lực điểm số với con. Không phải tự nhiên mà những học trò tuổi mới lớn đã chọn sống quậy phá hoặc tự tử như một giải pháp bứt mình ra khỏi những ràng buộc thái quá từ cha mẹ. 

Con học giỏi ai không vui và chắc chắn, nếu con giỏi giang thì chính các con cũng vui vì điều đó. Nhưng đó không chỉ là mong muốn và áp lực mà nó là biểu hiện, bao gồm nhiều yếu tố quyết định: năng lực tự thân, sự rèn luyện, chuyên cần theo kiểu “cần cù bù thông minh”…

Song, sự giỏi giang nào cũng phải có điểm dừng, nghĩa là, ai cũng có một giới hạn để đạt được, để chịu đựng trong một khoảng thời gian nào đó. 

So sánh con mình với người khác là cách thiếu tôn trọng con và khiến con càng mặc cảm. Khuyến khích trẻ không phải bằng cách ấy mà cần một lời động viên gợi mở: con cứ cố gắng hết sức và vui vẻ với kết quả đạt được.

Nếu thương con, lắng nghe con thì hẳn cha mẹ sẽ nhận ra con mình có xu hướng tình cảm nào để có thể chia sẻ nhẹ nhàng: con thương ai cũng được, miễn là con hạnh phúc. 

Nếu thật thương, chắc chắn cha mẹ sẽ thấy những mỏi mệt nơi việc học, khó khăn trong cuộc sống của con để có thể tỉ tê: con có chuyện chi ở trường hả/ con có gì chia sẻ với ba mẹ không…

Cha mẹ nào cũng thương con... (Ảnh minh họa: CafeF).

Sự lắng nghe sâu chính là ta có thể cảm nhận được cả những điều người kia không nói, thấy được cả những áp lực vô hình mà họ đang gánh để cùng họ ngồi xuống, tháo gỡ, giúp đỡ bằng cách thật nhẹ nhàng, như là ngồi im đó, có mặt cho họ như một bờ vai vững chãi.

Ba mẹ biết cách sống hạnh phúc, con mới hạnh phúc

Khi xem hạnh phúc là món quà thì ta sẽ luôn kiến tạo niềm vui tự thân để tặng cho người ta thương. Nếu lòng ta đầy ắp lo lắng, phiền não, mong muốn (mà không được)… thì làm sao ta có thể giúp người kia hạnh phúc?

Tình thương, nếu được xem như một sự trao đi ngọt ngào thì nó phải là chất liệu tạo nên niềm vui cho cả người trao lẫn người nhận.

Sự thật là, có nhiều phụ huynh trao đi tình thương trong mong cầu rất nhiều thứ ở con. Tạo ra vô vàn áp lực cho con thực ra cũng là tạo chừng ấy mệt mỏi cho mình.

Có người bảo, hãy làm bạn với con theo cách đặc biệt. Và, khi trở thành một người bạn thực thụ, ta sẽ không đòi hỏi con phải hồi đáp lại bất cứ thứ gì, kể cả cái ta nghĩ là tốt nhất cho con. Khi con không thể giỏi tự nhiên nhưng ta “bắt” con phải học toán, lý, hóa vì dễ thi vào những ngành nghề “hot” hiện nay - đó là thương mà không hiểu - cũng như khi người ta không thích ăn đồ ngọt mà ta ép họ ăn vì nó ngon (với ta) là một sai lầm.

Chỉ khi nào mình hiểu và chấp nhận con cái như là chính con, với tất cả những gì thuộc về con thì ta mới mang lại được niềm vui, hạnh phúc cho con. 

Thực ra, ngay khi có thể buông được những ý niệm mong cầu con mình phải thế này thế kia (tốt theo ý mình) thì ta cũng liền có hạnh phúc. Cũng ngay lúc ấy, ta tháo bỏ gánh nặng lâu nay mình đặt lên vai con trẻ. Tôi tin, khi đó, cả hai cùng mỉm cười, nhẹ nhàng đi qua tất cả những ánh mắt thiên hạ nhìn vào, bởi ta đã biết cách nhìn người thương, hiểu họ cần gì, nên như thế nào là tốt cho họ rồi.

(Lời dặn lòng của ông bố đơn thân có cậu con trai 4 tuổi)


Lưu Đình Long


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage