Phật Học Online

Người hạnh phúc nhất thế giới chia sẻ về hạnh phúc

 "Nếu bạn có thể học được cách đi xe đạp thì bạn có thể học được cách để được hạnh phúc", vị sư Phật giáo ngoại lục tuần và là người được các nhà thần kinh học gọi là “Người hạnh phúc nhất thế giới”, Matthieu Ricard nói.

matthieu.jpg

Người hạnh phúc nhất thế giới, thầy Matthieu Ricard

Thầy Matthieu Ricard lớn lên giữa các tầng lớp trí thức tinh anh ở Paris khi thầy là con trai của nhà triết học theo chủ nghĩa tự do dân chủ Pháp, Jean-Francois Revel, và họa sĩ màu nước trừu tượng, Yahne Le Toumelin.

Vào lúc thầy nhận bằng tiến sĩ về tế bào di truyền học từ Viện Pasteur ở Paris vào năm 1972, Matthieu Ricard thất vọng với các cuộc tranh luận trong bữa tiệc tối và bắt đầu cuộc hành trình đến Darjeeling ở Ấn Độ trong kỳ nghỉ của mình.

Tránh né các mối quan hệ thân mật và từ bỏ sự nghiệp đầy hứa hẹn mà nhiều người mơ ước, Matthieu Ricard đến Ấn Độ để nghiên cứu Phật giáo, thực tập thiền định; và 26 năm sau đó thầy xuất hiện như là một người nổi tiếng với tư cách là một Tăng sĩ và là một triết gia, nhà khoa học, thầy đã viết cùng với cha mình về cuộc đối thoại xoay quanh ý nghĩa của cuộc sống.

Một trong những cuốn sách của thầy (được thực hiện dưới dạng đối thoại với nhà thiên văn học gốc Việt, Trịnh Xuân Thuận) được bạn đọc Việt Nam biết đến là cuốn Hoa sen và lượng tử - một cuộc đối thoại giữa Phật giáo và khoa học.

Khi còn là một đứa trẻ, nhà thơ Andre Breton, nhà làm phim Louis Buñuel và nhà soạn nhạc Igor Stravinsky là những vị khách thường xuyên đến nhà của cha mẹ Ricard, triết gia người Paris. Tuy nhiên, khi thấy tài năng của những người bạn của cha mẹ dường như không làm cho họ hạnh phúc hơn, thầy đã bắt đầu chuyến đi đến Hy Mã Lạp Sơn (từ bỏ công việc của mình là sự nghiệp khoa học đầy hứa hẹn về một tương lai tại Viện Pasteur, Pháp) và thay đổi cuộc đời của mình thông qua thiền định.

Dưới đây là những bài học về hạnh phúc của đời thầy:


Bất cứ ai cũng có thể là người hạnh phúc nhất trên thế giới nếu họ tìm kiếm hạnh phúc ở đúng nơi. Vấn đề là chúng ta không có xu hướng đó mà thôi.

Hạnh phúc không phải là việc theo đuổi những trải nghiệm liên tục vô tận. Đó là một công thức sự mệt mỏi nhiều hơn là hạnh phúc. Hạnh phúc là một hiện hữu. Vấn đề là hãy để cho hiện hữu vượt qua tất cả các trạng thái cảm xúc khác.

Không giống như niềm vui, sẽ tự cạn kiệt khi bạn trải nghiệm nó, hạnh phúc là một kỹ năng và được huân tập. Tất cả chúng ta đều có khả năng làm điều đó. Bạn phải xem xét những gì góp phần vào sự giàu có trong cuộc sống của bạn. Trong Phật giáo, chúng ta nói nguyên nhân gốc rễ của bất hạnh là sự thiếu hiểu biết.

Hạnh phúc là nâng cao cái “cơ bản” của bạn. Đó không phải là việc tìm kiếm những màn pháo hoa bất ngờ hoặc những trải nghiệm khoái cảm. Bước đầu tiên để làm điều đó là nhận ra rằng bạn muốn cải thiện - rằng thế giới không phải là một danh mục đặt hàng qua thư cho những tưởng tượng và mong muốn của chúng ta, chúng ta có một sự kiểm soát tương đối hạn chế đối với những điều kiện ảo tưởng thoáng qua.

Để thực sự hạnh phúc, chúng ta phải loại bỏ các độc tố tinh thần như thù hận, nỗi ám ảnh, kiêu ngạo, ganh tị, tham lam và niềm tự hào. Điểm chủ yếu của việc đào luyện tâm hay thiền định là để thoát khỏi những điều đó và trau dồi phẩm chất tích cực như lòng vị tha.

Bạn có thể tranh luận rằng nóng tính hoặc một chút tiêu cực có thể xác định tính cách của một người vì vậy nó không nhất thiết phải là xấu. Có thể như là - tất cả chúng ta có một sự kết hợp giữa ánh sáng và bóng tối - nhưng chúng ta có nên đưa nó vào trong quan điểm và nghĩ rằng điều đó là tối ưu? Bạn sẽ không nói “bản chất tự nhiên của con người là bệnh và chết thì tại sao phải đi đến bác sĩ” phải không?

Cách mà tâm giải thích thế giới là một yếu tố quan trọng trong việc xác định chất lượng của mỗi khoảnh khắc trôi qua mà chúng ta ít chú ý đến điều kiện bên trong chúng ta. Chúng ta phải học cách nhận ra rằng có những trạng thái tinh thần hoặc cảm xúc có lợi cho sự phát triển và một vài trong số đó là tiêu cực. Tôi gọi nó là việc đào luyện thuốc giải độc.

Thông thường khi chúng ta có một tia giận dữ, thì theo sau đó là một khoảng thời gian nóng giận; lúc bấy giờ ta thậm chí không thể thừa nhận những mặt tích cực của những người mà chúng ta tức giận. Không ai toàn hảo, và chúng ta cũng như vậy. Giận dữ là một độc tố và chúng ta cần có cách để giải độc. Khi mang những ý niệm thiện lành hoặc vị tha vào tâm trí, thì ngay lúc ấy đầu óc chúng ta càng có ít không gian hơn cho điều tiêu cực. Đây là chính là cách để giải độc.

Với nhận thức sự tức giận không có tự thể, đừng đổ thêm dầu vào lửa mà để cho nó nguôi ngoai từ từ. Bạn chỉ đơn giản để cho những cảm xúc phiền não tan biến mà không cần ôm ấp chúng bên trong mình giống như một quả bom hẹn giờ.

Tất nhiên tôi cũng bị kích động. Nhưng tôi thường mỉm cười vào các kích động, bởi vì nó rất ngớ ngẩn.

Tất cả mọi người sẽ được giúp đỡ nhờ hành thiền khoảng nửa tiếng đồng hồ một ngày. Thiền định là một thuật ngữ rất mơ hồ và đôi khi có rất nhiều lời sáo rỗng - như làm rỗng rang tâm trí của bạn và thư giãn và tất cả những thứ đại loại như thế. Nhưng nó thực sự là một phương tiện cần trau dồi và làm quen, từ đó chúng ta có sự hiểu biết tốt hơn về cách vận hành của tâm thức. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiền kết hợp với liệu pháp nhận thức có thể giúp những người bị trầm cảm nặng và giảm nguy cơ tái phát lên đến 40%.

Để được hoàn toàn tự tại, bạn không thể cùng một lúc có một mối quan tâm trách nhiệm đối với những người phụ thuộc vào bạn. Làm thế nào tôi có thể hạnh phúc khi tôi đã sống độc thân trong 30 năm qua? Nếu tôi có một gia đình, tôi sẽ gây ra rất nhiều đau khổ vì vậy nó không khả thi. Điều đó không có nghĩa là bạn không có người bạn tuyệt vời và mối quan hệ với một nửa của nhân loại. Một khía cạnh có thể thiếu nhưng không thể không có những khía cạnh khác.

Văn Công Hưng lược dịch (theo Esquire)


Theo GiacNgo


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage