Phật Học Online

Nghệ nhân Lê Văn Kinh người thêu bài thơ “Cáo tật thị chúng” bằng 14 thứ tiếng

Sau hơn 10 năm thực hiện, nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh đã hoàn thành bộ tranh thêu tay bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư bằng 14 thứ tiếng. Bài thơ được thêu trên chất liệu lụa tơ tằm với 14 thứ tiếng như: Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Ý, Đan Mạch... và nhiều ngôn ngữ của các quốc gia Phật giáo khác.

Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Nghệ nhân Lê Văn Kinh dự định trong năm 2011, ông tiếp tục thêu thêm 6 bức tranh bằng 6 thứ tiếng khác và sẽ hoàn tất bộ tranh thêu bài thơ “Cáo tật thị chúng” bằng 20 thứ tiếng nước ngoài.

Ông cũng mong muốn mang bộ tranh thêu này tham gia Festival nghề truyền thống Huế vào năm 2011 và giới thiệu nó tại các cuộc triển lãm khác ở trong và ngoài nước.

Nhiều năm qua, với mong muốn giới thiệu cảnh đẹp của xứ Huế đến mọi người, nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh đã thêu hàng ngàn bức tranh về những thắng cảnh của Huế như cảnh Sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ...

Nghệ nhân Lê Văn Kinh, đang sống ở Huế và cả đời gắn bó với cảnh sắc và con người nơi đây để làm nên những bức tranh thêu tuyệt đẹp.

Ở  cố đô Huế, nghệ nhân Lê Văn Kinh rất có tiếng về những bức tranh xuân xứ Huế. Riêng 14 bức tranh chữ về bài thơ “Cáo tật thị chúng”, ông Kinh chứng tỏ cảm quan của mình trước vẻ đẹp của đất trời, của tâm hồn và nhân sinh thế sự. Sự hình thành 14 bức tranh với 14 thứ tiếng thật tình cờ.

Trong một lần tham quan du lịch Huế, một du khách người Đức ghé vào thăm cơ sở thêu của ông, hỏi: “Tôi nghe nói ở Việt Nam có nhiều bài thơ hay, ông có bài nào thêu bằng tiếng Việt Nam không?”. Từ đấy, ông đã nảy ra ý định thêu những bài thơ cổ bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, nhằm đem giá trị văn hóa Việt, quảng bá rộng rãi. Ông chọn bài thơ “Cáo tật thị chúng”, trực tiếp thêu tay bằng 14 ngôn ngữ. Ai hỏi, ông đều nói mình rất yêu bài thơ này.

Ông giải thích: “Đó không chỉ là một bài kệ, mà còn là một bài thơ, một thi phẩm thể hiện sự xao động của nhà thơ trước “cái thần” của sự sống. Là một tuyên ngôn triết học ẩn ngữ dưới hình thức nghệ thuật văn chương. Bài thơ mượn cảnh thị tình, lấy tình “trực chỉ chân tâm” nhằm khai phóng nhân sinh. Tôi nghĩ sẽ có nhiều người thích, nên quyết định làm theo ý tưởng:

    Xuân đi trăm hoa rụng
    Xuân đến trăm hoa cười
    Trước mắt việc đi mãi
    Trên đầu già đến rồi
    Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
    Đêm qua sân trước một nhành mai.

Chất liệu dùng thêu toàn bằng lụa tơ tằm, với 14 thứ tiếng đó là Trung Quốc, Việt Nam, Anh, Pháp, Đức, Nga, Đan Mạch,  Nhật Bản, Lào, Campuchia, Thái Lan và các quốc gia Phật giáo khác trên thế giới.

Công đoạn khó nhất đó là từ việc dịch nghĩa cho sát, cho hay, thể hiện được hết cái ý tứ trong thơ. Rồi còn phải giúp người đọc mỗi quốc gia có thể hiểu được nỗi lòng của từng câu chữ trong đó. Mỗi bức thêu lấy đi của ông hai tháng trời.

Tổng cộng là 28 tháng trời cần mẫn, không ngơi không nghỉ. Với nét chỉ phóng khoáng, tự nhiên, nghệ nhân Lê Văn Kinh đã tạo ra sự mềm mại uyển chuyển linh hoạt kéo dài cho mỗi tác phẩm của mình. Hiện ông Kinh đang bắt tay vào thêu những bài thơ nổi tiếng của các thi nhân trong nước như: Bà Huyện Thanh Quan, Hàn Mạc Tử, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du…

http://phatgiaovnn.com/upload1/phatgiaovnncom/NGHE1907-400.jpg
Nghệ nhân Lê Văn Kinh bên bức tranh thơ.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh năm nay đã 82 tuổi, trong ngôi nhà của ông chật ních những bức tranh thêu với đủ loại kích cỡ. Ông Kinh vẫn không ngừng làm giàu ngôi nhà tranh của mình bằng đôi bàn tay tài hoa và một tâm hồn giàu cảm xúc, nhiều nhiệt huyết với Huế.

Qua câu chuyện, tôi được biết ông nội của ông Lê Văn Kinh là một thợ thêu ở Quất Động (Thường Tín, Hà Nội), được triều Nguyễn triệu về kinh đô Phú Xuân để thêu các trang phục của hoàng triều và các vật dụng trang trí nội thất cung điện. Cụ đã lập nên hiệu thêu Đức Thành trên đường Gia Long (đường Phan Đăng Lưu ngày nay).

Là con nhà nòi, ngay từ nhỏ cậu bé Lê Văn Kinh đã được thừa hưởng đôi bàn tay tài khéo của ông nội và cha. 10 tuổi, Kinh đã có cả chục bức thêu khiến nhiều người thán phục. Một tác phẩm thêu “Tùng hạc” bằng chất liệu tơ tằm bị lỗi nên được Kinh giữ lại làm kỷ niệm cho đến bây giờ. Mấy chục năm qua, nhiều người đã trả giá cao để được sở hữu bức tranh thêu đó nhưng ông Kinh không bán.

Hiện nay, khi đã cao tuổi, lão nghệ nhân Lê Văn Kinh làm chủ cửa hiệu thêu Đức Thành ở 82 Phan Đăng Lưu, làm nhiệm vụ vẽ cảnh đẹp Huế bằng tranh thêu. Cửa hiệu của ông hiện có hàng ngàn mẫu tranh thêu về Huế như cảnh sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ, Đại Nội, hay hình ảnh một con đò, bến nước, đêm trăng Vĩ Dạ…

“Thưa ông, để làm được những bức tranh này, hẳn ông phải rất yêu và hiểu Huế?” – Tôi hỏi, ông Kinh nói: “Đúng quá rồi, tôi thuộc Huế như lòng bàn tay. Còn yêu Huế thì khỏi phải nói, phải yêu cái hồn cốt của Huế thì khi thêu tranh, tranh mới có hồn, mới đặc trưng và đúng chất Huế. Ai cũng biết Huế đẹp và thơ, thơ và nhạc và họa có cả ngàn tác phẩm rồi. Vì vậy khi thêu cũng phải hoạt, phải đưa được chất thơ lên đó”.

Đến nay, nghề thêu của gia đình ông Kinh đã truyền được 4 đời và đời nào cũng sáng danh. Cô con gái ông, chị Lê Khánh Hà đã tiếp nối nghề cha. Hiện chị có cửa hiệu tranh thêu ở đường Lê Lợi (Huế). Sổ vàng gia đình ông đầy ắp những dòng lưu bút, có người ví ông như báu vật nhân văn sống, người có bàn tay vàng, người vẽ bằng đường chỉ, mũi kim, nét Huế trong tranh thêu.

Người xưa quan niệm: một thợ thêu không chỉ có cầm kim, làm chỉ mà phải biết vẽ như họa sĩ, biết may, chưa kể phải làm công việc của một thợ mã dán từng mảng màu lên nền cho chính xác đến từng nét chỉ để thêu chồng theo đó. Ông Kinh cũng tạo cho mình một cách thêu riêng mà từ trước đến nay chưa từng ai biết đến. Đó là thêu tranh bằng một loại chỉ kim tuyến, tạo ra được một bức tranh với cách thể hiện đa chiều, có độ tương phản đậm nhạt của ánh sáng.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh là người thợ thêu duy nhất được phong danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, danh hiệu cao quý nhất của một nghệ nhân, do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng. Tâm nguyện cuối cùng của nghệ nhân là chỉ mong sao giữ và phát triển được nghề thêu truyền thống, gìn giữ và nâng nó lên thành một “môn nghệ thuật” cho các thế hệ sau./.
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

STN Tổng Hợp (phatgiaovnn.com)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage