Phật Học Online

Thở và thiền

Câu hỏi đặt ra là tại sao quan sát hơi thở? Quan sát hơi thở có gì hay? Tại sao không chọn các đối tượng khác để quan sát? Thật ra quan sát cái gì cũng được, nhưng quan sát hơi thở có lợi thế hơn. Tim đập lúc nhanh lúc chậm, khó theo dõi, hoàn toàn ngoài ý thức, khó can thiệp. Dạ dày làm việc âm thầm, khó quan sát.

Dù gọi là “thiền” (tiếng Việt), “chan” (tiếng Hoa) hay “zen” (tiếng Nhật)… thì cũng đều có nguồn gốc từ “dhyana” (tiếng Sanskrit) hay “jhanas” (Pali). Theo ngữ nguyên, “jha” là nhìn, quan sát (tự nhìn lại bản thân), theo dõi, “ana” là thở, hơi thở, khí. “Jhanas” hay “dhyana” là quan sát hơi thở, nhận thức, ý thức rõ, cảm nhận được việc thở! Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực ra không giản đơn chút nào! Vấn đề là tại sao và làm cách nào để chỉ từ một việc có vẻ rất đơn giản là quan sát hơi thở lại có thể dẫn tới tuệ giác, một sự chuyển hóa từ “khí” thành “trí”?


Quan sát hơi thở

Câu hỏi đặt ra là tại sao quan sát hơi thở? Quan sát hơi thở có gì hay? Tại sao không chọn các đối tượng khác để quan sát? Thật ra quan sát cái gì cũng được, nhưng quan sát hơi thở có lợi thế hơn. Tim đập lúc nhanh lúc chậm, khó theo dõi, hoàn toàn ngoài ý thức, khó can thiệp. Dạ dày làm việc âm thầm, khó quan sát. Các bộ phận khác cũng vậy. Trừ hơi thở! Hơi thở dễ quan sát nhất vì nằm ngay trước mũi, ngay dưới mắt mình! Lúc nào cũng phải thở. Ở đâu cũng phải thở. Quan sát hơi thở thì không ai nhìn thấy, chỉ một mình mình biết!

Mỗi phút phải thở cả chục lần. Lúc nhanh lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, lúc phì phò lúc êm dịu. Hơi thở lại rất nhạy với cảm xúc. Trước một cảnh đẹp, ta nín thở. Lúc lo âu, ta thở hổn hển. Lúc sảng khoái, ta thở lâng lâng. Lúc sợ hãi, hồi hộp, ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình vạn trạng. Nhờ đó mà ta quan sát được cái tâm của mình.

Thở cũng gắn với các hoạt động cơ bắp. Khi mệt, ta thở bở hơi tai, mệt đứt hơi, mệt hết hơi. Khi khỏe, ta thở nhẹ nhàng, sảng khoái! Nhờ đó mà ta quan sát được cái thân của mình. Rõ ràng chỉ có hơi thở mới là sợi dây nhạy cảm buộc thân vào tâm, là cầu nối giữa thân và tâm. Không những thế, thở vừa là ý thức, vừa là vô thức, như không cần ta, như ở ngoài ta, như không có ta. Quan sát hơi thở, ta còn có dịp đào sâu xuống… vô thức. Ta thấy thở gắn với sự sống chết của kiếp người. Còn sống là còn thở, chết là hết thở, là tắt thở, là ngừng thở. Để ý một chút sẽ thấy đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! Khi chào đời, em bé khóc một tiếng thật to để hít mạnh không khí vào buồng phổi để rồi khi lìa đời, cụ già lại thở hắt ra một cái, trả lại cho đời tất cả những gì mình đã vay mượn! Giữa hai lần hít vào thở ra đó là những đợt thở… lăn tăn như những gợn sóng nhỏ, nối kết lại với nhau, ta có cuộc “rong chơi trong cõi Ta bà”!

Mỗi hơi thở vào ra trung bình khoảng 5-10 giây. Mỗi giây, trong cơ thể con người đã có hàng trăm triệu hồng cầu bị hủy diệt và hàng trăm triệu hồng cầu khác được sản sinh. Do đó, quan sát hơi thở giúp ta thấy được sự sinh diệt. Thở có thể làm chuyển biến tâm trạng, chuyển hóa cảm xúc và cả hành vi của mình. Đang giận sôi người mà kịp nhớ lại, quan sát hơi thở của mình thì sẽ quên giận, hơi thở được điều hòa trở lại lúc nào không hay, do điểm hưng phấn trên vỏ não đã bị dịch chuyển! Nói khác đi, ta có thể dùng việc quan sát hơi thở để kiểm soát cảm xúc và hành vi. Quan sát hơi thở cũng lôi kéo ta trở về hiện tại tức khắc, không còn đắm mình trong dĩ vãng hay tương lai!

Thiền định

Sự hô hấp thật sự không phải xảy ra ở phổi mà ở trong từng tế bào. Do vậy, khi có cách điều chỉnh được lượng khí ra vào, hiệu ứng sẽ tác động đến từng tế bào riêng lẻ. Não bộ, với trọng lượng rất nhỏ, chỉ khoảng 2% thể trọng, đã tiêu dùng đến 30% lượng ôxy đưa vào cơ thể. Khi giận dữ, lo âu, sợ hãi, cơ thể tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Cho nên những lúc đó ta luôn cảm thấy kiệt sức, rã rời! Ngủ là một cách giảm tiêu hao năng lượng, nhưng vẫn còn bị co cơ, vẫn còn chiêm bao. Một đêm nằm ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc! Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, còn hơn cả giấc ngủ. Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy thấy nhẹ nhàng, sảng khoái.

Phổi như một máy bơm đưa khí vào ra nhờ áp suất thay đổi. Khi áp suất trong phổi và các phế nang âm thì khí bên ngoài tự động tràn vào lấp đầy phổi và các phế nang, đến khi lượng khí bên trong đầy thì chuyển sang áp suất dương, phổi sẽ đẩy khí ra. Trong quá trình đó, có một thời điểm áp suất cân bằng nhau, tức áp suất bằng không, thì khí bên trong cơ thể và bên ngoài vũ trụ chan hòa thành một, không phân biệt. Đó chính là quãng lặng. Quãng lặng đó ở cuối thì thở ra - trước khi hít vào trở lại - thường kéo dài, thong dong, nhẹ nhàng, yên tịnh, vì không hề tốn năng lượng. Như cánh chim lượn bay, không phải vỗ cánh, như xe ngon trớn ở số không, không tốn nhiên liệu! Đó chính là giai đoạn “prana”. “Pra” là trước “ana” là hít vào (cũng có nghĩa là sau thì thở ra). Trong yoga có pranayama, kiểm soát hơi thở. Trong thiền định, không còn phải là vấn đề kiểm soát hơi thở nữa mà hơi thở tự kiểm soát! Đến một lúc nào đó hành giả không cảm nhận mình thở nữa. An tịnh. Hòa tan. Tan biến. Có thể nói đến một phương pháp thiền tập - tạm gọi là “Pranasati”, tức là đặt niệm vào quãng lặng - ở đây chăng? Những hành giả giàu kinh nghiệm (thiện xảo) cho biết họ có thể vào định ngay hơi thở đầu tiên có lẽ nhờ rèn luyện mà quãng lặng của họ ngày càng dài ra, mênh mông như không còn biên giới, như hòa tan vào hư không, lắng đọng, thanh thoát. Lúc đó họ không còn ý niệm về không gian, thời gian, về ta, về người… Tiến trình hô hấp vẫn diễn ra sâu trong các tế bào (thâm hô hấp), nhưng ở mức thấp nhất, nhẹ nhàng nhất, tiêu thụ năng lượng tối thiểu và do vậy nhu cầu cung cấp năng lượng không còn đòi hỏi cao nữa!

Khi nói đến thiền, ta thường nghĩ ngay đến việc ngồi thiền. Thiền thực ra không nhất thiết phải ngồi, không nhất thiết phải kiết già, bán già. Đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền được vì đi đứng nằm ngồi gì đều phải… thở! Người Nhật, người Tây Tạng đều có cách “ngồi” thiền riêng của mình, người phương Tây còn khác hơn nữa, miễn sao có một tư thế thoải mái, dễ chịu, buông xả toàn thân là được. Thế nhưng cách ngồi tréo chân (kiết già, bán già) lại có lợi thế hơn cả. Tại sao? Vì khi ta đứng, ta đi, các bắp cơ phía trước của hai chân co lại để nâng đỡ thân mình, trong khi các bắp cơ phía sau thì duỗi ra. Lúc ngồi tréo chân, ta đã làm cho các bắp cơ đổi chiều, một thứ “đối chứng trị liệu” hiệu quả nhanh.

Giữ lưng thẳng đứng cũng là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong thiền. Ta dễ có khuynh hướng chiều theo độ cong tự nhiên của cột sống dưới sức nặng của cơ thể do trọng lực, và nhất là tuổi tác, do đó dễ dẫn đến cong vẹo cột sống hoặc đau cột sống cổ, đau thắt lưng. Ở tuổi trung niên, nhiều người đã bị những cơn đau dữ dội đến phát khóc. Nguồn gốc sâu xa là do cách sống căng thẳng, chịu đựng, dồn nén lâu ngày. Cơn đau là tiếng chuông báo động để ta “tỉnh ngộ”! Giữ lưng thẳng đứng trong lúc ngồi thiền là điều cần thiết. Kết hợp với tập thể dục cho phần bụng, nghĩa là tập cho thắt lưng được dẻo dai, cũng sẽ làm chậm quá trình lão hóa.

Trong thiền, một yếu tố quyết định nữa là sự thả lỏng toàn thân,“buông xả” toàn thân. Tiếng Việt có một từ rất hay là xả hơi! Khi quá mệt, quá căng thẳng thì nghỉ xả hơi! Khi đó, không một bộ phận nào của cơ thể còn phải căng, phải gồng nữa, kể cả vỏ não. Tiêu hao năng lượng cho trương lực cơ và hoạt động của vỏ não sẽ giảm thấp nhất có thể được. Y học đã chứng minh việc tiêu hao năng lượng trong thiền rất thấp, dưới mức chuyển hóa cơ bản, thấp hơn cả khi ngủ, nhờ vậy mà năng lượng được tích lũy tốt hơn.

Cơ thể ta có hơn 10.000 tỉ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một cái túi, một loại “sinh vật” háo ăn, háo làm, háo tiêu thụ ôxy - kết hợp với thức ăn qua những phản ứng oxy hóa - để tạo ra năng lượng. Nhưng oxy hóa càng mạnh thì càng tạo thêm các gốc tự do và các chất… bã, làm cho cơ thể mau mệt mỏi, già nua! Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể, cũng sẽ thấy bớt cần thiết phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn. Ăn ít đi mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc, tinh thần sẽ sảng khoái. Các nghiên cứu gần đây cho thấy những sinh vật bị cho nhịn đói vừa phải thì sẽ sống lâu hơn và trẻ hơn.

Bầu khí quyển chúng ta thở hôm nay so với cách đây 700 triệu năm (khi có những sinh vật đơn bào đầu tiên trên trái đất) cũng chẳng có sự khác biệt! So với người “anh em” đơn bào đó, ta cũng đang cùng hít chung một bầu khí, cùng bú chung một “núm vú” vũ trụ, cùng với muôn loài khác nữa! Các sinh vật cùng chia sẻ một cách… bình đẳng, không phân biệt. Ta hít lấy ôxy của không khí, lại tạo ra carbonic, trong khi cây cỏ hút carbonic, tạo ra ôxy. Bầu khí quyển vẫn không thay đổi, không thêm bớt. Nhưng con người có thể làm hại môi trường sống của mình mà không hay nếu cứ theo đà hủy diệt sự sống của thiên nhiên và muôn loài trên hành tinh xanh này!

Đừng tìm đâu cho mất công. Hãy quay về nương tựa chính mình. Bởi xét cho cùng, ai có thể “thở” giùm ai? Ai có thể “thiền” giùm ai?

Theo BS Đỗ Hồng Ngọc (*) - SGTT


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage