Phật Học Online

Chùa Tảo Sách và kho tư liệu Hán Nôm quý giá

Chùa Tảo Sách (hay còn gọi là Tào Sách, Linh Sơn tự) ở số 386, đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, nằm trong quần thể chùa, đình, phủ, miếu nổi tiếng nhìn ra Hồ Tây và cũng là một trong số ít những ngôi cổ tự ở Hà Nội còn giữ được vẻ cổ kính, u tịch, trang nghiêm của không gian Phật đài, nhưng lại rất đẹp, cảnh sắc tốt tươi, thu hút nhiều du khách và cả sỹ tử đến vãn cảnh và đọc sách.

Nói như một nhà sử học, Nhật Tân là quê hương của hoa đào, hoa sen, trên đào dưới sen quả là cảnh tiên đất Phật. Câu đối ở Thiên trụ trước chùa có từ xa xưa đã mô tả cảnh đẹp chốn thiền môn“Tào Sách thanh phong thiên cổ danh lam quang hữu vĩnh/Tây Hồ minh nguyệt tứ thời cảnh chí ánh vô biên” (Có nghĩa: Gió mát Tào Sách danh lam nghìn xưa ánh sáng còn mãi/Trăng chiếu Hồ Tây bốn mùa cảnh sắc tươi sáng vô cùng) hay “Tú thủy kì sơn Tào Sách trường lưu thiên cổ tích/Xuân đài thọ vực thiền lâm biệt chiếm nhất hồ thiên” (Có nghĩa: Núi thiêng sông gấm chùa Tào Sách mãi là trang cổ tích/Đài xuân vực thọ rừng thiền riêng chiếm một hồ thiên)...

Tương truyền chùa Tảo Sách có liên quan đến dấu tích của hoàng tử Uy Linh Lang, con trai thứ bảy của vua Trần Nhân Tông. Thuở nhỏ, hoàng tử Linh Lang sống với mẹ là Chiêu Minh phu nhân ở phường Nhật Chiêu (nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ), nhiều lần xin xuất gia nhưng không được cha mẹ chấp thuận. Hoàng tử lập một nhà nhỏ ven hồ làm nơi đọc sách, cùng bạn bè rèn văn, luyện võ. Khi Chiêu Minh phu nhân mất, nhà vua cho lập đền thờ, gọi là “Chiêu thánh điện”. Năm 1285, khi nhà Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 3, hoàng tử Linh Lang dựng cờ, chiêu mộ dân binh, xin vua cho xuất chinh dẹp giặc và đã lập được nhiều chiến công. Khi thắng trận trở về, hoàng tử không nhận ban thưởng mà lui về tu thiền ở chùa Vân Hồ. Vua luận công, phong là Dâm Đàm Đại Vương. Khi Dâm Đàm Đại Vương mất, nhân dân rước bài vị vào Chiêu thánh điện, thờ làm chính Thần Hoàng cùng sáu người bạn của ngài. Còn trên nền nhà đọc sách ven hồ, dân làng dựng một thảo am để ghi nhớ dấu tích của Linh Lang hoàng tử. Đến đầu đời Lê (thế kỷ XV), nhân dân đã dựng ngôi chùa thay cho am cỏ, gọi là Tảo Sách tự (nghĩa là đọc sách dưới ánh ban mai). Một thời gian dài chùa bị lãng quên, không có người tụng kinh gõ mã. Đến cuối triều Bảo Đại (năm 1941) chùa mới được xây dựng lại theo quy mô như hiện nay. Chùa Tảo Sách cũng là một trong số ít ngồi chùa thờ Phật theo phái Tào Động, khởi nguồn từ Thiền sư Thủy Nguyệt, Trưởng môn phái Tào Động truyền thụ đệ tử trụ trì các chùa quanh Hồ Tây. Năm 1994, chùa được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia

Ngoài việc thờ Phật, chùa Tảo Sách còn là cơ sở sinh hoạt của hội Hoa Nghiêm, bao gồm những thiện nan tín nữ của Nhật Tân và thập phương cùng chung thiện tâm thiện hành là “Tụng kinh Hoa Nghiêm, làm điều thiện, tích đức”. Chùa có đủ nhà thờ Tổ, trai phòng, nhà thờ Mẫu, điện thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát..., đặc biệt là gác chuông, tam quan đã được dựng lại đậm nét kiến trúc dân gian, hài hoà cảnh trí. Trong chùa còn lưu giữ được rất nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị và những di vật mang tính nghệ thuật cao như chùa có 42 câu đối (39 câu đối chữ Hán, 3 câu đối chữ Nôm), 23 bức đại tự, 2 quả chuông, trong đó một quả đúc năm Minh Mệnh tam niên (1822), 29 văn bia, trong đó có đến 12 bia được lập vào năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941) như Linh Sơn tự kỉ niệm bi kí (Bia ghi về kỉ niệm của chùa Linh Sơn), Cựu Tào Sách Hoa Nghiêm hội bi kí (bia ghi về hội Hoa Nghiêm của chùa Tào Sách cũ) và Linh Sơn tự Hoa Nghiêm hội bi kí (bia ghi về hội Hoa Nghiêm chùa Linh Sơn) và hơn 40 pho tượng tròn...

Tấm bia “Linh Sơn tự kỉ niệm bi kí” được bảo quản khá tốt, các nét chữ đều rất rõ ràng, nội dung ghi lại các việc như Chùa Tào Sách xã Nhật Tân được xây dựng từ xa xưa vào thời tiền Lê; quay lưng hướng Cấn, quay mặt hướng Khôn. Chùa có cảnh đẹp mê hồn, bên trái tiếp với sông Nhị, bên phải nối liền Long Đỗ, non xanh nước biếc một trời cảnh sắc luôn mới; Nhân kiệt địa linh, vạn phúc trang nghiêm đầy đủ mọi điều tốt đẹp, thực là thắng cảnh vậy. Nhưng trải qua thời gian phong cảnh biến đổi đi, cảm khái trước cảnh mưa sa bão táp dập vùi, hương đài kém sắc. Thế là đồng ấp cùng suy nghĩ để mong khôi phục lại chùa như xưa. Vào năm Canh Ngọ (đồng ấp) mời tổ trường tổ sư ở chùa Quảng Bá là Quang Lâm đến, thấy cảnh chùa như vậy (tổ sư) đổi tên chùa là: Linh Sơn, chuyển hướng quay lưng về Tân quay mặt về Ất, lại cử đệ tử là Trương Quang Anh thay mệnh trụ trì. Năm Giáp Tuất trang hoàng tượng Phật và đúc 2 quả chuông, năm Bính Tí hưng duyên tác phúc tân tạo một tòa tổ đường tráng lệ…

Ngôi chùa 600 năm tuổi này dù đã được sửa chữa, tu bổ nhiều lần nhưng vẫn không tránh được sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh, nên nhiều hạng mục đã xuống cấp rất cần được sửa chữa. Hiện chùa được tu bổ cổng Tam Quan quay ra Hồ Tây và tòa Tam Bảo. Việc tu bổ tòa Tam Bảo trên cơ sở tôn trọng kiến trúc nguyên bản, hỏng chỗ nào, sửa chỗ đó để tránh làm mất giá trị di tích. Việc tôn tạo hoàn thành, đây sẽ là một điểm nhấn giúp cho việc quảng bá và phát huy giá trị của hệ thống di tích ven hồ.

Tuyết Lê

Theo www.ktdt.com.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage