Phật Học Online

Thoát Khỏi Sự Bất Mãn
Lama Yeshe Dịch giả: Lục Thạch

Xem
hình

Những điều kiện tiên quyết để thực hành Mật giáo gồm ba phương tiện chính yếu của kinh tiểu thừa là xả ly, bồ đề tâm, và tri kiến về tính không. Việc trưởng dưỡng ba trạng thái tâm này sẽ tạo không gian nơi cuộc chuyển hóa diễn ra. Chương này nói về xả ly, tâm thoát khỏi những cảm xúc và ý nghĩ giới hạnh, tầm thường, chú ý tới tiềm năng tự tại vâ giới hạn của mình.  Nguồn: Phật Giáo Việt Nam Net (phatgiaovnn.com)

 Xả Ly Là Gì?

Một số phương pháp sơ khởi để tạo không gian bên trong tâm đã được nói tới ở những phần trên. Thí dụ, việc thực hành Mật giáo chỉ có kết quả khi chúng ta từ bỏ thói quen ái dục. Chúng ta phải hiểu rõ rằng bám giữ vào những dục vọng không bao giờ dẫn tới thỏa mãn mà chỉ có đau khổ và bất mãn. Nếu không thấy rằng chấp thủ ái dục chỉ ràng buộc chúng ta vào luân hồi thì khi thực hành Mật giáo chúng ta cũng sẽ phạm những lỗi mà mình đã mắc phải khi theo đưổi hạnh phúc thông thường. Trong tu tập, khi đạt được một cảm giác hoan lạc nào đó, chúng ta sẽ bám giữ nó như một cái gì tự hữu, có khả năng ban cho mình lạc thú vô tận. Giống như con nhện rình mồi, chúng ta sẽ tóm lấy bất cứ kinh nghiệm thú vị nào mình gặp. Tìm lạc thú loại này là hoàn toàn sai lầm và nếu còn sự chấp thụ này chúng ta sẽ không thể biết sự thỏa mãn thực sự. Mật giáo sẽ chỉ là một hành trình vòng quanh giống như những hành trình thông thường khác.

Vậy, trước hết chúng ta phải thực hành một chút hạnh xả ly . Xả ly thường bị lầm lẫn với tâm trạng e sợ, chối bỏ mà tôi đã nói tới ở phần trên, nhưng thật ra thì không phải như vậy. Khi gặp một tình trạng khó khăn, chúng ta chối bỏ nó hay trốn tránh nó, nhưng sự chối bỏ này không giống sự chối bỏ luân hồi. Khi xung khắc với một người bạn, chúng ta có thể di chuyển tới một thành phố khác để tránh rắc rối, việc này cũng không phải là xả ly. Hay chúng ta có thể chạy vào rừng núi rồi tuyên bố "Tôi chối bỏ hoàn toàn đời sống trần tục". Xa rời xã-hội văn minh để sống như loài thú hoang là một sự xả ly nào đó nhưng vẫn không phải là xả ly thực sự.

Chúng ta có thể nghĩ rằng xả ly liên quan tới nghi thức tôn giáo, người xả ly thực thụ là người học giáo lý và thực hành thiền quán. Nhưng không nhất thiết như vậy vì nếu có người nào đó phê bình việc ngồi thiền của mình, chúng ta có thể nổi giận và như vậy chúng ta đã không phát triển được hạnh xả ly một chút nào cả, mà chỉ chấp thủ việc làm của mình giống như bám giữ một món đồ quý. Vì còn tính chấp thủ, chúng ta đã biến việc tu tập thành một hình thức bám giữ tầm thường nữa.

Phát triển hạnh xả ly thực sự nghĩa là không còn dựa vào lạc thú giác quan đề tìm hạnh phúc tối hậu; chúng ta thấy rõ vật chất vô thường và giới hạn không thể làm cho mình thỏa mãn lâu dài. Xả ly không có nghĩa là buông bỏ lạc thú hay chối bỏ hạnh phúc. Xả ly là không trông cậy vào những lạc thú thông thường. Nương tựa vào lạc thú là nguyên nhân biến lạc thú thành đau khổ. Lạc thú không có gì là xấu, chĩ có thái độ chấp thủ, phóng đại, bóp mép và làm bẩn lạc thú của chúng ta là phải được dẹp bỏ.

Phát Triển Tâm Xả Ly

Xả ly là quyết định sâu xa, dứt khoát thoát khỏi phiền não và bất mãn của đời sống thông thường. Khi cảm thấy hoàn toàn chán ngán với những vấn đề liên tiếp của đời sống, chúng ta thôi không bám giữ vào sự vật và bắt đầu tìm cách nào khác để làm cho cuộc đời của mình đáng thỏa mãn và có ý nghĩa; như vậy là xả ly. Lập hạnh xả ly, hay buông bỏ để thoát, bao gồm việc từ bỏ thói quen chấp thủ vốn cản trở chú ng ta kinh nghiệm tiềm năng con người trọn vẹn nhất của mình.

Có đôi lúc các giác quan của chúng ta tự động rút khỏi đối tượng của chúng và chúng ta kinh nghiệm một sự xả ly tự nhiên. Trong những lúc đó không có gì để cho chúng ta ham muồn nắm giữ ngay cả những đối tượng hấp dẫn nhất cũng không thể làm cho tâm chúng ta xao động. Nhưng thông thường thì chúng ta không thể xả ly với những đối tượng của kinh nghiệm sống. Chúng ta tiếp tục bị thu hút và thôi miên bởi một dòng bất tận những ấn tượng cảm giác và luôn luôn tìm kiếm cái gì mới lạ. Nếu chúng ta có một cái xe thì như vậy không đủ, cần phải có hai cái. Khi đã có hai cái, cũng vẫn chưa đủ, phải có một cái thuyền máy. Cái thuyền máy hơi nhỏ, cần phải có một cái du thuyền cỡ lớn. Sự việc cứ tiếp diễn như vậy cho tới vô tận và đó là sự bất mãn, trái ngược với tâm xả ly, hay buông bỏ để giải thoát.

Dù sao chúng ta cũng phải học cách xa rời một cách tự nhiên khỏi những đối tượng vật chất, khỏi sự vọng cầu cái này, cái nọ. Tôi không nói như vậy vì là một người Tây Tạng lạc hậu, tôi ganh tị với ngưòi Tây phương giàu có. Tôi cũng khộng nói là họ xấu vì họ giầu trong khi người khác nghèo. Tôi chỉ cố gắng trả lời câu hỏi :"Tại sao chúng ta không thỏa mãn?"

Lúc nào chúng ta cũng có thể tìm ra nguyên nhân của sự bất mãn này ở bên ngoài. Chúng ta có thể cho rằng mình chưa có đủ nhu cầu, nhưng đây không bao giờ là nguyên nhân thật của sự bất an và không thỏa mãn. Sự thiếu thốn của chúng ta nằm ở bên trong và đây là điều mà tất cả mọi người cần phải nhận biết. Sự thỏa mãn không tùy thuộc vào vật chất, mà phát xuất từ sự đơn sơ nội tâm.

Khi nói về xả ly, tôi muốn nói tới sự thoải mái hơn, đơn sơ hơn. Xả ly không có nghĩa là chối bỏ tất cả, mà là không bám giữ vào sự vật hay để cho tâm chịu sự lôi cuốn của những sự vật hấp dẫn. Trên đời này, có rất nhiều lạc thú, nhưng khi bạn quá chặt chẽ, lo sợ nắm giữ tiền của thì sự giầu có chỉ làm cho bạn càng ngày càng khốn khổ. Nếu không biết làm cho thân tâm của mình thoải mái, và thỏa mãn với những gì mình có, nếu không biết thưởng thức vẻ đẹp tự-nhiên của thế giới chung quanh, nếu không biết trở thành người đơn giản thì dù có sở hữu tất cả của cải thế gian bạn vẫn không hạnh phúc.

Vậy, xả ly không có nghĩa là từ bỏ mọi lạc thú. Triết lý của Phật giáo nói chung và của Mật giáo nói riêng là như những con người với tiềm năng hầu như vô giới hạn, chúng ta nên nhắm tới lạc thú cao nhất mà mình có thể đạt được. Những lạc thú thông thường của chúng ta chỉ là hạng nhì, đây là điều cần phải biết để làm nền tảng cho tâm xả ly thực sự. Lạc thú thế gian không thể so sánh với hoan lạc dị thường phát sinh từ sự đánh thức các năng lực tiềm ẩn bên trong chúng ta và sự thực hiện tiềm năng sâu xa nhất của mình.

Do bám giữ các lạc thú tầm thường, chúng ta không thể kinh nghiệm hạnh phúc siêu đẳng của sự tự thực hiện trọn vẹn. Tính chấp thủ vào của cải vật chất là chất men say làm cùn nhụt sự trong sáng tự nhiên cùa chúng ta. Mỗi lúc chúng ta mỗi vướng sâu thêm vào thế giới sắc tướng thông thường và xa dần chân tính. Phát triển tâm xả ly nghĩa là hiểu rằng sự lệ thuộc vào lạc thú ngăn cản chúng ta nếm mùi hạnh phúc trọn vẹn hơn, cao cả hơn.

Với tâm xả ly, chúng ta phá thói quen lệ thuộc vào các lạc thú cảm giác. Càng hiểu rằng những lạc thú này không thể cho mình hạnh phúc lâu dài như mong ước, chúng ta càng bớt vọng cầu và trở nên thực tế hơn. Chúng ta không tốn tâm lực để theo đuổi lạc thú hay chối bỏ lạc thú với mặc cảm tội lỗi, do đó cảm thấy dễ chịu hơn, mà những hoàn cảnh xấu cũng không làm chúng ta phiền lòng nhiều nữa. Khi kinh nghiệm một điều thú vị nào đó, chúng ta chầp nhận nó một cách dễ chịu, hưởng niềm vui mà nó dành cho mình, không đòi hỏi nó điều gì hơn. Chúng ta có thể có thái độ thoải mái như vậy vì hiều rằng những lạc thú đó là vô thường và hơn nữa, vì chúng ta đã nhắm tới một hình thức hạnh phúc cao cả hơn, đó là sự thực hiện chân tính. Với mục tiêu cao cả này, chúng ta không bị những lạc thú mà mình thọ hưởng lôi cuốn, mà cũng không buồn khi sự việc không tốt đối với mình. Nói cách khác, thay vì nương tựa các đối tượng của các giác quan như giải pháp để đạt thỏa mãn, chúng ta đặt niềm tin vào tiềm năng nội tại của mình.

Buông Bỏ Sự Quy Y Lạc Thú

Cũng như quy y Phật, quy y Pháp, và quy y Tăng, khi quy y những lạc thú phù du vô thường, lúc nào chúng ta cũng có thái độ cuồng nhiệt gần như có tính cách tôn giáo, với niềm tin như tin vào một tín ngưỡng. Thí dụ một hôm nào đó cảm thấy buồn, chúng ta đi ra biển, nhẩy xuống nước, đùa giỡn như cá, rồi nằm trên cát để nướng mình trong ánh sáng mặt trời. Khi đã thấy chán, chúng ta lại nghĩ tới ăn uống. Chúng ta nhồi nhét thật nhiều những món ăn vặt, tìm thú vui trong bắp rang, kem, nước ngọt, và sô-cô-la. Chúng ta an trú trong những thứ đó như một cách để thoát khỏi buồn chán, để rồi mập thêm và cháy nắng.

Khi nói tới quy y, Phật giáo nhấn mạnh tới điểm quan trọng là phải thoát khỏi cuộc đi tìm sự thỏa mãn tuyệt vọng này. Quy y thực sự nghĩa là thay đổi thái độ của mình vì đã trông thấy sự vô gía trị của các hiện tượng phù du mà chúng ta thường ham mê. Khi thấy rỏ tính chất không đáng thỏa mãn của những vật mà mình đang theo đuổi, chúng ta sẽ bớt ham mê chúng và lực bám giữ sẽ giảm. Chúng ta không còn xao động với những thăng trầm của cuộc đời và tìm được không gian để bắt đầu khai thác tìềm lực nội tâm của mình.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage