Phật Học Online

CÚNG DƯỜNG MẠN ĐÀ LA

Xem hình

Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje với bình giảng khẩu thuyết của 
Beru Khyentze Rinpoche

Việt dịch: Đương Đạo

Cúng dường nói chung không phải để làm hài lòng hay đút lót cho người được cúng dường. Chúng là một biểu tượng thể hiện sự quy hướng hoàn toàn của bạn đến Giác Ngộ mà đại diện là những Guru và Tam Bảo, và được cúng để có công đức hầu đem bạn đến trạng thái của các ngài. Khi gieo những hạt giống vào một cánh đồng, không phải đất đai được lợi lạc, mà là chính bạn. Cũng thế cúng dường cho hội các Guru như là ruộng công đức đem bạn đến Giác Ngộ để bạn có thể làm lợi lạc tất cả.

Nguồn: Phật Giáo Việt Nam Net (phatgiaovnn.com)
Có nhiều loại mạn đà la. Một cách xếp đặt là những lâu đài cõi trời, nơi ở của các hóa thần thiền định. Đây là những cấu trúc ba chiều, những tầng nền được vẽ trong mạn đà la. Loại khác được dùng trong cúng dường, gồm một nền phẳng như cái dĩa, những vòng tròn, một chóp đỉnh, và gạo, hạt hoặc ngọc, tất cả tượng trưng cho vũ trụ.

Con hãy quán tưởng trước mặt con là một lâu đài mạn đà la với năm loại nhân vật bên trong. Ở trung tâm là Guru của con (như là Vajrasattva), trước ngài là những hóa thần của bổn tôn, bên phải ngài là chư Phật, bên trái ngài là chư Tăng và đàng sau là kinh điển Pháp. Đây là mạn đà là được quán tưởng trước mặt con.

Tổng quát, những lâu đài mạn đà la thì vuông với một mặt nền và cấu trúc như cái tháp. Ở giữa mỗi bức tường là một cửa, hành lang đi vào, cổng vòm, trên vòm có hai con nai và bánh xe Pháp. Kiến trúc và tỷ lệ khác nhau chút ít đối với mỗi hóa thần thiền định và có thể rất phức tạp.

Ở trung tâm của một tòa nhà trong suốt làm bằng ánh sáng như vậy, là Guru của bạn trong hình thức Vajradhara. Ngài ngồi trên một tòa ngồi có hoa sen và mặt trăng làm chỗ ngồi, do những con sư tử nâng đỡ. Ở trên ngài là tất cả dòng các bậc Guru, từ Vajradhara qua Tilopa, Naropa... cho đến Guru gốc của bạn. Xung quanh ngài là bốn nhóm nhân vật như nói ở trên, tương tự với khi quán tưởng quy y và lễ lạy. Đây là ruộng công đức để cho bạn cúng dường.

Bấy giờ hãy làm một mạn đà la khác với những ụ đống của nó và cúng dường nó với câu tụng “...một mạn đà la được xây trên một nền rực rỡ với hoa, nước màu vàng nghệ và hương...” và v.v..., cùng với phần còn lại của chất liệu cấu thành mạn đà la. Như thế con dâng cúng cả hai mạn đà la, một bằng vật chất thực sự và một do tâm thức tạo nên.

Với một mạn đà la để cúng dường đủ tiêu chuẩn, trước hết cầm mặt dĩa và chùi sạch nó trong khi tụng một lần thần chú một trăm âm để tịnh hóa những nhiễm ô phiền não. Tiếp theo nhỏ một giọt nước lên đó để bày tỏ sự phát Bồ đề tâm của bạn và sự thấm ướt của lòng bi. Rồi đặt cái vành đai đầu tiên lên mặt dĩa, đổ gạo, đậu... Thành các ụ đống theo những hướng thích hợp cho từng nơi chốn, kho tàng và thiên nữ cho đến khi tất cả những vành đai đều đầy và được hoàn thành với chót đỉnh được trang hoàng với chất liệu quý báu. Đây là sự cúng dường mạn đà la vật chất trong khi đọc tụng những câu kệ.

Mạn đà la do tâm thức tạo nên là sự quán tưởng của bạn như được diễn tả bởi những câu kệ này. Cái bạn đang cúng dường là toàn thể vũ trụ và tất cả sự giàu có của nó như đức Phật đã nói trong những giáo lý Abhidharma (A tỳ đàm). Đức Phật diễn tả vũ trụ theo nhiều cách khác nhau, bởi vì tùy theo trạng thái thanh tịnh của bạn, bạn thấy sự vật một cách khác nhau. Theo sự diễn tả riêng ở đây, có đất bằng vàng với một vành đai hay hàng rào bằng sắt làm chu vi và một đại dương nước mặn ở bên ngoài. Bên trong hàng rào, nơi mỗi hướng chính là bốn châu lục, mỗi châu có hai tiểu lục địa ở giữa châu đó với hàng rào, tất cả tách rời nhau bởi những đại dương. Trên bờ kia của những đại dương, đi dần vào trung tâm là những hàng rào lần lượt của bảy núi vàng và bảy hồ nước trong. Ở trung tâm là Núi Tu Di, vuông, hình cái tháp, với bốn tầng từ dưới đáy lên trên. Mặt phía đông của núi bằng pha lê trắng, mặt nam ngọc da trời màu xanh, mặt tây hồng ngọc màu đỏ và mặt bắc ngọc bích màu lục. Biển và trời mỗi phương có màu tương ứng. Châu phía đông và các tiểu lục địa hình bán nguyệt mặt thẳng đối diện núi Tu Di, châu phía nam hình bốn cạnh cong, với những mặt lõm, đỉnh mặt lõm dài hơn thì xa núi Tu Di và đáy mặt lồi ngắn hơn gần núi Tu Di, châu phía tây hình tròn và châu phía bắc hình vuông.

Con người ở châu phía nam (Nam Thiệm Bộ Châu), nơi những đại dương và bầu trời màu xanh. Những châu khác không nên nghĩ như những nơi chốn ở không gian bên ngoài có thể đi đến bằng phi thuyền. Bạn chỉ có thể đến đó nếu bạn tích tập đủ nghiệp cho một tái sanh ở chỗ ấy.

Câu kệ mà bạn lập lại 100.000 lần trong phần sơ bộ này là, “Hướng đến những cõi Phật sự cúng dường mạn đà la này, xây trên một nền rực rỡ bằng hoa, nước màu nghệ và hương, trang nghiêm với núi Tu Di và bốn châu lục, cũng như mặt trời mặt trăng, nguyện tất cả chúng sanh đều được sanh về các cõi Tịnh Độ.”

Do sức mạnh của những cúng dường như vậy, con tích tập hai thứ công đức và huệ quán và nhận những ban phước để khai triển những kinh nghiệm và huệ quán cao siêu. Đã cầu xin những ban phước, con quán tưởng tất cả hội các hóa thần trong mạn đà la làm ra trước mặt con tan thành ánh sáng và tan vào trong con. Theo cách đó, con làm đầy đủ hai sự tích tập.

Bằng cách cúng dường mạn đà la vật chất và vũ trụ được quán tưởng, bạn tích tập công đức. Khi làm thế, vừa thiền định về trạng thái không năng sở của tánh Không về những sự cúng dường, bạn tích tập huệ quán. Do sức mạnh của hai sự tích tập này bạn chiến thắng hai loại chướng ngại, những chướng ngại ngăn trở Giải Thoát và những chướng ngại ngăn trở Toàn Trí. Sự tích tập công đức làm cho đạt được những Sắc thân của một vị Phật, và tích tập huệ quán là những thân Trí Huệ. Những Sắc thân là Hóa thân và Báo thân. Hóa thân xuất hiện cho những chúng sanh bình thường, trong khi Báo thân chỉ các Thánh Bồ tát mới thấy được, đó là những vị với Bồ đề tâm và có tri giác trần trụi về tánh Không. Những thân Trí Huệ là Tự Tánh thân và Pháp thân. Theo bản văn này, thì Tự Tánh thân là tâm Toàn Giác của một vị Phật và tánh Không của tâm ấy, còn Pháp thân là tính bất nhị của ba thân trước. Tuy nhiên những định nghĩa của hai Tự Tánh thân và Pháp thân thường đổi ngược và đôi khi Pháp thân chỉ được như một từ chung cho cả hai. Hơn nữa, có nhiều cấp độ khác để hiểu và định nghĩa những thân khác nhau của một vị Phật.

Đây là sự thực hành sơ bộ thứ ba : cúng dường mạn đà la.
 

GURU YOGA

Sự thực hành chót của những sơ bộ đặc biệt, cũng để tích tập công đức và để được những ban phước, là Guru yoga. Để thực hành nó, bạn cần quán tưởng bản thân bạn trong hình tướng một hóa thần thiền định. Có thể theo bất cứ hóa thần nào, nhưng thường người ta chọn Vajrayogini. Ngài màu đỏ, có một mặt. Hai tay, hai chân và đứng trên một chân, với chân trái trên một hoa sen, một xác chết và một dĩa mặt trời, và chân phải gối xếp cong bàn chân hướng về đùi trái. Ngài cầm trong tay phải một cây dao ở trên đầu và trong tay trái một cái chén sọ người ở tim. Một cây giáo khatvanga dựa trên vai trái. Với bản thân bạn trong hình tướng này, hãy tiến hành những thực hành.

Con thiền định trên đỉnh đầu con là Guru gốc của con, hoặc trong thân tướng bình thường hoặc dưới hình dạng một hóa thần thiền định. Con quán tưởng tất cả dòng những Guru ngược đến Vajradhara, vị này ngồi trên đầu vị kia ở trên đầu Guru gốc hoặc chư vị vân tập chung quanh ngài. Con cầu nguyện các ngài rất mãnh liệt và thật lâu với lòng thành khẩn, tôn kính thương yêu, chân thật vô biên. Khi tâm thức của con đã biến đổi tốt hơn, hãy làm cho tâm thái đó vững chắc. Rồi tất cả chư Phật, Bồ tát, Daka, Dakini, Hộ pháp, Hộ mạng cùng với chúng hội của các vị tan vào trong Guru gốc của con. Con phải thiền định về Guru gốc như là hiện thân của tất cả các vị trên.

Như nói ở trước, có nhiều loại Guru yoga – quán tưởng Guru gốc của bạn dưới hình dạng thông thường của ngài, hoặc như Vajradhara, Marpa, Milarepa, Gampopa, Karmapa... Guru của bạn có thể nói bạn chọn Vajradhara, trong trường hợp này ngài ngồi trên một ngai sư tử nâng đỡ, hoa sen và dĩa mặt trời, bao quanh bởi bốn bộ nhân vật như trong những quán tưởng quy y và cúng dường mạn đà la. Tuy nhiên, một hình tướng của Guru của bạn bao quanh bởi dòng Guru là đủ, bởi vì Guru gốc của bạn hiện thân cho Tam Bảo.
Hãy làm sự cúng dường bên ngoài, bên trong và bí mật và cầu nguyện gồm bảy phần.

Những cúng dường bên ngoài là những vật ưa thích đối với những giác quan, hoặc vật chất do tâm thức tạo ra và sắp đặt. Những cúng dường bên trong là những vật được tịnh hóa tượng trưng cho sự chuyển hóa những mê lầm, các uẩn v.v... của bạn. Những cúng dường bí mật là những hoàn cảnh làm phát sinh tâm thức lạc phúc để cho sự chứng ngộ mạnh mẽ nhất về tánh Không.

Bảy phần cầu nguyện là : (1) lễ lạy, (2) cúng dường, 
(3) sám hối, (4) tùy hỷ công đức, (5) thỉnh chư Guru chỉ dạy, (6) thỉnh cầu các vị ở lại đời này, (7) hồi hướng công đức của bạn. Một phần thứ tám là quy y đôi khi được thêm vào giữa phần thứ hai và thứ ba.

Khởi tâm quy y mạnh mẽ, nâng cấp Động Lực Giác Ngộ và cầu nguyện với những câu kệ như : “Tất cả chúng sanh-là-mẹ nhiều như không gian hướng nguyện đến Guru như Phật Bảo. ... như Pháp thân toàn khắp, ... như Báo thân của Đại Lạc, ... như Hóa thân bi mẫn...” Và v.v...

Cầu nguyện Guru như chư Phật tôn quý nghĩa là ngài hiện thân của Tam Bảo quy y. Thân của ngài đại diện cho Tăng, ngữ của ngài cho Pháp và tâm của ngài cho chư Phật. Như thế câu kệ này hướng đến Guru như thân, ngữ, tâm của chư Phật, ngài là Tam Bảo, cũng như ngài là ba thân Phật. Câu này được lập lại 100.000 lần, hay thường hơn, sáu dòng kệ sau đây của Karmapa thứ Nhất được tụng nhiều lần cộng thêm với một triệu lần thần chú của ngài :

“Con cầu nguyện đến Guru tôn kính. Xin ban phước cho con làm tâm con trong sáng không bám nắm chấp thực các tướng. Xin ban phước cho con để khai triển trên dòng tâm thức của con huệ quán để thấy tất cả những tư tưởng thế gian đều vô ích. Xin ban phước cho con để những tư tưởng phi-Pháp dừng tắt. Xin ban phước cho con để chứng ngộ tâm là vô sanh. Xin ban phước cho con để vọng tưởng tiêu tan ngay nơi chỗ của chúng. Xin ban phước cho con để chứng ngộ mọi hình tướng xuất hiện là Pháp thân.”

Bấy giờ Guru của con tan vào trong con và con cần nghĩ rằng thân, ngữ, tâm của Guru hòa lẫn không thể tách lìa với tâm con. Làm như vậy xong, hãy an định trong một trạng thái thoát khỏi những tạo tác tâm thức.

Lúc kết thúc thời trì tụng, bạn cần quán tưởng Guru của bạn ban cho bạn bốn quán đảnh như sau. Thứ nhất ánh sáng trắng phát từ trán ngài đến trán của bạn, xóa tan những chướng ngại do những hành động xấu của thân bạn. Nó ban cho bạn quán đảnh cái bình, cho phép bạn đi vào những thực hành giai đoạn phát triển, và gieo hạt giống cho sự đạt được Hóa thân của một vị Phật.

Ánh sáng đỏ phát từ cổ họng ngài đến cổ họng bạn, xóa tan những chướng ngại do lời nói bất thiện của bạn. Nó ban cho quán đảnh bí mật, cho phép bạn thiền định về thực hành giai đoạn thành tựu bao gồm hệ thống năng lực vi tế của thân và gieo hạt giống cho Báo thân.

Ánh sáng xanh từ trái tim ngài đến trái tim bạn xóa tan những chướng ngại của ý bất thiện, ban cho quán đảnh trí huệ, cho phép bạn đi vào những thực hành của hợp nhất, và gieo hạt giống cho Pháp thân.

Cuối cùng, cả ba ánh sáng trắng, đỏ, xanh phát từ tất cả ba chỗ đồng thời đến trán, cổ họng, trái tim của bạn, xóa tan cùng lúc những chướng ngại của thân, ngữ, tâm, ban cho quán đảnh Lời, cho phép bạn thực hành Đại Ấn hay giai đoạn thành tựu không có dấu hiệu và gieo hạt giống cho Tự Tánh thân.

Sau tất cả những cái ấy, hãy quán tưởng dòng những Guru gốc của bạn và rồi ngài tan vào trong bạn. Hãy an trụ trong trạng thái không năng sở của tánh Không, sau đó hồi hướng công đức cho sự Giác Ngộ của tất cả.

Nếu con nỗ lực tu hành pháp này để có được những quán chiếu vào Đại Ấn, con sẽ nhận được những ban phước và cảm ứng của chư Guru. Đây là sự thực hành sơ bộ thứ tư : thiền định về Guru yoga.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage