Phật Học Online

Phẩm phạm hạnh thứ 20 kinh Đại Bát Niết Bàn giảng giải

A.- TÓM LƯỢC 

Này Ca Diếp! Bồ Tát y theo Ðại thừa Ðại Bát Niết bàn, tu tập Phạm Hạnh phải trụ nơi bảy pháp sau đây: 

1.- Biết pháp.  
2.- Biết nghĩa.  
3.- Biết thời.  
4.- Biết đủ.  
5.- Biết mình.  
6.- Biết người.  
7.- Biết tôn ty. 

1.- Thế nào là biết pháp? 

Bồ Tát biết pháp tức là biết 12 bộ Kinh: 

a. Ðây là Tu Ða La (Sutra) "Như thị ngã văn... hoan hỷ phụng hành" (Trường Hàng Khế kinh). 

b. Ðây là Kỳ Dạ kinh (Geya: trùng tụng). Phật bảo các Tỳ kheo: "Ngày xưa ta cùng các ông ngu si không trí tuệ, không thể thấy bốn chân đế đúng như thật, nên lưu chuyển mãi trong biển khổ sanh tử. Bốn chân đế đó là Khổ đế, Tập đế, Diệt Ðế, Ðạo đế. Nói xong, vì một số chúng sanh chưa nghe nên Phật lập lại bằng bài kệ: 

Ta xưa cùng các ông,  
Chẳng thấy bốn chân đế.  
Nên phải lưu chuyển mãi,  
Trong biển khổ sanh tử.  
Nếu thấy được bốn đế,  
Thì dứt được sanh tử.  
Sanh tử đã hết rồi,  
Chẳng còn thọ thân nữa. 

Kệ tụng như vậy gọi là Kỳ Dạ kinh. 

c. Ðây là Thọ Ký kinh (Vyakarana), như có lúc Phật nói Kinh hay Luật, vì các hàng trời và người mà thọ ký như thọ ký ông A Dật Ða thành bậc chánh giác hiệu là Phật Di Lặc. 

d. Ðây là Dà Ða kinh (Gatha: Cô khởi tụng) như những bài kệ bốn câu thuộc loại sau đây: 

Chư ác mạc tác,  
Chúng thiện phụng hành  
Tự tịnh kỳ ý,  
Thị chư Phật giáo. 

e. Ðây là Ưu Ðà Na kinh (Udana: Tự thuyết) là những kinh đức Phật tự thuyết, không ai hỏi ngài. Như Phật về đêm nhập chánh định để đi giảng dạy cho chư Thiên, sáng ra xuất định, nói lại cho chư Tỳ kheo nghe.

f. Ðây là Ni Ðà Na (Nidàna). Kinh nói về nhơn duyên là loại kinh do một nhân duyên nào đó, Phật nói pháp thường lấy một thí dụ cụ thể để hiển thị. 

g. Ðây là A Ba Ðà Na kinh (Avadana: Thí dụ), như những thí dụ nói trong Luật. 

h. Ðây là Y Ðế Mục Ða Dà kinh (Irivrtaka: Bổn sự). Những gì Phật khi xuất thế giảng dạy thì gọi là Giới kinh. Danh từ này được dùng cho mỗi vị Phật, khi vị ấy ra đời dạy đạo. Ðối với Phật Câu Lưu Tôn, danh từ này là trống Cam lồ. Ðối với Phật Câu Na Hàm Mâu Nì là pháp cảnh; đối với Ca Diếp là phân biệt không. Danh từ tuy khác nhưng đồng một ý nghĩa, đó là lời Phật dạy. 

i. Ðây là Xà Ðà Ðà kinh (Jataka: Bổn sanh). Như Phật nói các giai đoạn trong tiền kiếp: Ta đã từng tu khổ hạnh, đã từng làm nai, gấu, thỏ, quốc vương, rồng, kim sí điểu v.v... 

j. Ðây là Tỳ Phật Lược kinh (Vaipulya: Phương Quảng). Như những kinh điển thuộc về Phương Ðẳng Ðại thừa, nghĩa rộng bao la như hư không. 

k. Ðây là A Phù Ðà Ðạt Ma (Adbhutadharma: Vị Tằng Hữu). Trong các kinh loại này đều có những đoạn miêu tả những hiện tượng chưa từng có, như nói Bồ Tát mới sanh tự đi bảy bước, phóng hào quang ngó khắp mười phương, lúc vào Thiên miếu làm các tượng Trời bước xuống đảnh lễ. 

l. Ðây là Ưu Bà Ðề Xá kinh (Upadesa: Luận Nghị), như lúc Phật nói kinh hoặc luận nghĩa, phân biệt, biện luận các hình tướng.  
 

2.- Thế nào là biết nghĩa? Nếu Bồ Tát biết rõ ý nghĩa của tất cả các văn tự ngữ ngôn thì gọi là biết nghĩa. 

3.- Thế nào là biết thời? Ðó là biết lúc nào cần phải làm những gì như nhập tịch tịnh, tu tập tinh tấn, xả định, cúng dường Phật, tu tập lục độ... 

4.- Thế nào là biết đủ? Ðó là biết đủ trong các nhu cầu hàng ngày như ăn uống, quần áo, nhà cửa, thuốc men và khì đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, nói, nín... 

5.- Thế nào là biết mình? Ðó là tự biết mình có đức tin, có giới luật, có đa văn, có xả, có huệ, có chánh niệm, có hạnh lành, hỏi và đáp như vậy. 

6.- Thế nào là biết người? Ðó là biết cư xử, đối đáp với tất cả giai cấp trong xả hội. 

7.- Thế nào là biết tôn ty trên dưới? Người ta có hai hạng: 

• Người có tín tâm là người lành, người không có tín tâm là người không lành.  
• Người có tín tâm lại phân làm hai hạng: người lễ bái là người lành, người không lễ bái là người không lành.  
• Người lễ bái chia làm hai hạng: hạng nghe pháp là người lành, hạng không nghe pháp là người không lành.  
• Người nghe pháp lại chia làm hai hạng: hạng chú ý lắng nghe là người lành, hạng không chú ý lắng nghe là người không lành.  
• Người hết lòng nghe pháp lại có hai hạng: hạng suy gẫm ý nghĩa kinh là người lành, hạng không suy gẫm là người không lành.  
• Người suy gẫm nghĩa kinh lại chia làm hai hạng: thực hành đúng lời dạy trong kinh là người lành, hạng không thực hành đúng là người không lành.  
• Người thực hành đúng lời dạy lại chia làm hai hạng: hạng cầu quả Thanh Văn không làm lợi ích cho chúng sanh và hạng cầu quả Bồ đề làm lợi ích cho tất cả, hồi hướng công đức đến tất cả, làm cho tất cả mọi người đều được an lạc. 

Ðại Bồ Tát y theo kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn, trụ nơi bảy pháp lành, thành tựu trọn vẹn Phạm Hạnh. Này Ca Diếp, còn có phạm hạnh được gọi là Từ, Bi, Hỷ, Xả. 

Nhưng Bồ tát Ca Diếp lại phân tích bốn tâm vô lượng này, thấy hai chữ Từ và Bi thường có những nghĩa tương tự, nên đề nghị với Phật chỉ nói một tâm thôi. 

Phật dạy: 

- Này Ca Diếp! Chư Phật vì mọi loài chúng sanh nên nói một nhân duyên tức là nói tất cả các pháp hữu vi; hoặc nói có hai thứ đó là nhân và quả; hoặc nói có ba thứ là phiền não, nghiệp và khổ; hoặc nói có bốn thứ là vô minh, hành, sanh và lão tử; hoặc nói có năm thứ là thọ, ái, thủ, hữu và vô sanh; hoặc nói có sáu thứ là nhơn quả ba đời; hoặc nói có bảy thứ là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái và thủ; hoặc nói có tám thứ là mười hai nhân duyên trừ bớt đi bốn thứ là vô minh, hành, sanh và lão tử, hoặc nói có chín thứ là mười hai nhân duyên trừ đi vô minh, hành, thức; hoặc nói có mười một thứ là mười hai nhân duyên trừ bớt sanh; có lúc nói đủ mười hai nhân duyên như tại thành Vương Xá. Từ một nhân duyên mà phân biệt thành nhiều thứ do đó đối với vô lượng tâm cũng vậy. 

Phật vì muốn điều phục chúng sanh, dùng vô lượng phương tiện như: 

- Vô thường nói là thường và ngược lại.  
- Vui nói là khổ và ngược lại.  
- Bất tịnh nói là tịnh và ngược lại.  
- Ngã nói là vô ngã và ngược lại.  
- Vô tình nói là hữu tình và ngược lại.  
- Sắc nói là phi sắc và ngược lại. 

Như đối với người tham của cải, Phật hóa thân làm vua ban phát đầy đủ vàng bạc, rồi sau giáo hóa họ. Ðối với người tham đắm ngũ dục, Phật đem ngũ dục cung cấp cho người đó, rồi sau giáo hóa họ. 

Người tu hạnh Từ có thể dứt tham dục, tu hạnh Bi có thể dứt sân nhuế, tu hạnh Hỷ có thể dứt buồn rầu, tu hạnh Xả có thể dứt tham dục và sân nhuế. Do đó nên gọi là Tứ vô lượng tâm, chứ không phải một, hai hay ba. 

- Này Ca Diếp! Ông nên biết sân có hai thứ, một là giận giết chết, hai là giận đánh đập; hoặc một là sân với chúng sanh, hai là sân với những gì không phải là chúng sanh; hoặc một là sân có nhân duyên, hai là sân không có nhân duyên; hoặc một là do tập quán quá khứ, hai là do tập quán hiện tại; hoặc một là sân thánh nhơn, hai là sân phàm phu; hoặc một là sân hạng thượng, hai là sân hạng trung. Tu hạnh Từ dứt được sự giận giết chết, sân với chúng sanh, sân có nhân duyên, sân do lậu hoặc, sân thánh nhơn và sân hạng thượng. 

Trái lại tu hạnh Bi thì dứt trừ được sự giận đánh đập, sự sân với những gì không phải là chúng sanh, sân không có nhân duyên, sân hiện tại, sân phàm phu và sân hạng trung. Do đó, ông không nên cho rằng chỉ có ba vô lượng tâm mà phải phân biệt làm bốn. Ðối với những quan niệm vô lượng cũng phân biệt làm bốn thứ: 

- Tâm vô lượng có duyên, chẳng tự tại.  
- Tâm vô lượng tự tại, chẳng phải duyên.  
- Tâm vô lượng chẳng phải duyên, chẳng tự tại.  
- Tâm vô lượng cũng duyên cũng tự tại. 

- Tâm loại 1: Duyên nơi vô lượng chúng sanh mà không đạt được chánh định tự tại; 

- Tâm loại 2: Duyên cha mẹ, anh chị em không phải là duyên vô lượng, chỉ muốn cho những người ấy được an vui. 

- Tâm loại 3: Tức là nói hàng Thanh văn, Duyên giác không có duyên rộng với vô lượng chúng sanh, cũng không tự tại. 

- Tâm loại 4: Tức là nói chư Phật và Bồ Tát. 

Ðối với chư Phật và Bồ Tát thì gọi là vô lượng vô biên, còn đối với hàng Thanh văn, Duyên giác, dù gọi là vô lượng nhưng rất ít không đáng kể. 

Phật dạy tiếp: 

- Thế nào là có tâm từ bi mà lại không phải tâm đại Từ? Trong việc đối xử với nhau, chúng sanh được chia thành ba hạng: 

a. Người thân yêu.  
b. Kẻ oán ghét.  
c. Ngườikhông thương không ghét. 

Mức độ yêu thương hay oán ghét cũng khác nhau, yêu ghét nhiều, vừa, ít. Bồ Tát đối với những người thân yêu dù là thân nhiều, vừa hay ít cũng đều bình đẳng, đều ban sự an vui tăng thượng. Còn đối với những người oán ghét, dù là ghét nhiều, vừa hay ít cũng phải tu tập làm sao để bình đẳng đối xử, ban cho họ sư an vui tối đa. 

Làm được như trên, Bồ Tát chỉ thành tự tâm Từ chứ không phải tâm đại Từ. Sở dĩ nói như vậy là vì trong vô lượng kiếp trước, các vị ấy chưa tu tập pháp lành, cho nên trong kiếp này không thể nào điều phục dễ dàng tâm mình. Trái lại, nếu Bồ Tát trụ ở địa vị Sơ địa, đối với những kẻ nhứt xiển đề, không sanh tâm phân biệt, không thấy cái lỗi của những kẻ ấy, thì gọi là đã thành tựu tâm đại Từ. 

Ðại Từ là giúp tiêu trừ những gì không lợi ích cho chúng sanh. Ðại Bi là đem lại vô lượng lợi ích, an vui cho họ. Ðại Hỷ là đối xử hết sức vui vẻ với mọi người và Ðại Xả là không thấy mình giúp đở, hộ trì ai. 

Ðại Xả còn có nghĩa là không thấy có ngã, pháp tướng, là thấy tất cả pháp đều bình đẳng không khác nhau, là từ bỏ sự an vui của mình mà đem ban cho người khác. 

Chỉ có Tứ vô lượng tâm nói trên mới có thể giúp cho Bồ Tát thành tựu được sáu pháp Ba La Mật, công hạnh khác không có hiệu năng như thế. 

Có Tứ vô lượng tâm thế gian rồi mới phát tâm vô thượng Bồ Ðề, sau đó mới được tâm vô lượng xuất thế, đó là quá trình tu tập Tâm đại vô lượng. 

Ðáp câu hỏi của Bồ Tát Ca Diếp về việc tu Tứ vô lượng tâm với mục đích đem lại sự an vui cho chúng sanh, nhưng thực tế chúng sanh vẫn bị khổ, như vậy có hư vọng không? 

Ðức Phật dạy: 

- Không phải thế. Thinh văn, Duyên giác tu tâm Từ nhưng vẫn còn hư vọng, chư Bồ Tát không hư vọng hoàn toàn chơn thật, vì lẽ Bồ Tát quán đất làm vàng, quán mặt nước thành tường đất, quán lửa thành nước, tùy ý thành tựu không hư vọng. Ðó là tư duy chơn thật. Tu tâm Từ dứt được tham dục, tu tâm Bi dứt được sân nhuế, tu tâm Hỷ dứt được ưu sầu, tâm tâm Xả dứt được tham sân và chúng sanh tướng. Nói tóm lại, Tứ vô lượng tâm của Bồ Tát là cội gốc của tất cả hạnh lành. 

Bồ Tát, do tâm Từ bố thí thức ăn vật uống, xe cộ, quần áo, hương hoa, giường ghế, nhà cửa, đèn đuốc, lòng không mong cầu phước báu, không mong người trả ơn, không thấy người thọ lãnh, không thấy mình bố thí. Làm được như thế mới gọi là Bố Thí Ba La Mật, mới có thể thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh giác. Làm ngược lại, không phải là bố thí trọn vẹn, giống như một người bị trúng tên độc được lương y cứu chữa, nhưng không chịu cho nhổ mũi tên độc ấy trước khi y được biết tất cả những gì liên quan đến mũi tên độc như: chất độc, sắt thép làm ra mũi tên, kẻ bắn mữi tên..., vì thế y phải chết trước khi y được biết những gì y muốn biết. Không biết được những gì liên quan đến mũi tên độc giống như người bố thí không trọn vẹn thì không diệt trừ hẳn tam độc tham, sân, si. 

Yếu tố thúc đẩy Bồ Tát bố thí tâm Từ bình đẳng, thương tất cả chúng sanh như con một, cử chỉ và hành động của Bồ Tát đang làm công việc bố thí giống như cử chỉ và hành động của cha mẹ đối với đứa con đang bệnh hoạn. Tâm trạng vui mừng của Bồ Tát sau khi bố thí là tâm trạng vui mừng của cha mẹ thấy con mình được lành bệnh và cuối cùng Bồ Tát không nghĩ đến việc bố thí nữa, giống như cha mẹ hết ưu tư vì con đã được lớn khôn rồi. 

Khi Bồ Tát bố thí thức ăn vật uống, xe cộ, quần áo, hương hoa, giường ghế, nhà cửa, đèn đuốc thì phải nguyện cho tất cả chúng sanh chung hưởng, khiến cho họ phát tâm Ðại thừa, tinh tấn tu tập pháp vô thượng, bất thối chuyển, chứng đắc Niết Bàn. 

Tuy ở trên Phật nói Tứ vô lượng tâm là cội gốc của tất cả pháp và hạnh lành, nhưng sự thật tâm Từ chính là nguồn gốc. Vì tu tập tâm Từ bằng cách bố thí như trên có thể sanh ra vô lượng căn lành. Do đó mới nói: 

- Tâm Từ là Ðại thừa, đạo Bồ Ðề, đại Phạm, phụ mẫu, cảnh giới vô lượng bất khả tư nghì của chư Phật, Phật tánh, đại Không, Hư không, Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, Cam lồ, Phật, Pháp, Tăng, đạo vô thượng của Bồ Tát. Tâm Từ như vậy chính là Như Lai. Nếu tâm Từ là khổ, bất định, vô ngã, vô thường, vọng tưởng, phi đàn Ba la mật, bất nhập nhất tướng, bất liễu tri các pháp, thấy pháp tướng, hữu lậu, hữu vi, tất cả tâm Từ như vậy là của hàng Thanh văn. 

Tu tập tâm Từ có thể thành tựu vô lượng vô biên công đức giống như phụng trì kinh điển Ðại thừa Ðại Niết Bàn, giống như sở hành của chư Phật. 

Tâm Từ của Bồ Tát làm lợi ích cho chúng sanh rất nhiều. Ðối với những chúng sanh thọ khổ như hạng nhất xiển đề, thì tâm Từ ấy không đem lại lợi ích gì. Do đó tâm Từ là loại tư duy chơn thật, là thần thông kỳ diệu. 

1.- Như trường hợp Ta bị voi say của vua A Xà Thế tấn công theo lời xúi dục của Ðề Bà Ðạt Ða, Ta liền nhập tâm Từ tam muội, năm đầu ngón tay của ta biến ra năm sư tử, voi say sợ quá quỳ mọp dưới chân ta. Ðó là do sức mạnh của tâm từ mà Ta đã điều phục được voi say. 

2.- Như trường hợp mới vừa rồi, Ta đi đến thành Câu Thi Na, trên đường thấy năm trăm lực sĩ đang dọn dẹp đường sá. Gặp tảng đá to quá họ khiên không nổi, nên Ta vì tâm Từ liền lấy ngón chân hất tảng đá lên, đưa tay mặt hứng lấy để bên đường, khiến họ kinh hồn và nhân dịp ấy Ta nói pháp cho họ nghe. Ðó cũng là do sức mạnh của tâm Từ sanh ra các hiện tượng như vậy. 

3.- Như trường hợp trưởng giả Lưu Chí ở thành Thu Ba La đã vun trồng cội lành từ bao nhiêu kiếp. Trong kiếp này, trưởng giả Lưu Chí theo tà phái, phụng sự bọn Ni Kiền Tử. Ta vì muốn độ trưởng giả nên đi đến thành này. Bọn Ni Kiền Tử nghe như vậy sợ mất ảnh hưởng, bèn xuí dục dân chúng trong thành chặt phá rừng cây và bỏ rác rến dơ bẩn xuống suối, ao, giếng, đồng thời đóng các cửa thành không cho Ta vào, võ trang, phòng vệ hết sức cẩn mật. 

Khi Ta đến thấy cảnh vật xơ xác, Ta liền phát tâm Từ. Sức mạnh của tâm Từ này làm cho cây cối mọc lại tươi đẹp hơn xưa, nước suối, ao, giếng trở lại sạch trong, cửa thành tự mở, vũ khí biến thành cành hoa đẹp. Ðến lúc ấy, trưởng giả Lưu Chí cùng dân chúng ra khỏi thành nghênh đón Ta. Nhơn cơ hội đó Ta thuyết pháp khiến cho tất cả nghe hiểu được pháp vô thượng liền phát tâm Bồ đề. 

4.- Như trường hợp nàng Bà Tư Tra ở thành Xá Vệ, chỉ sanh một con trai được nàng yêu thương lắm. Ðứa bé mắc bệnh chết đi, nàng quá tiếc thương, nổi cơn cuồng loạn, than khóc cùng đường. Ta nghe như vậy động lòng xót thương, do sức mạnh của lòng Từ này, nàng tưởng ta là đứa con của nàng, vội chạy đến ôm lấy ta như ôm đứa con vậy, rồi tâm trí nàng tỉnh lại như xưa. Ta giảng đạo cho nàng nghe, do đó nàng liền phát tâm vô thượng. 

5.- Như trường hợp của Ưu bà di Ma Ha Tư Na Ðạt Ða có lời nguyền dâng thuốc men cho chư Tăng. Lúc ấy trong chúng Tăng có một Tỳ kheo mang bệnh nặng, y sĩ chữa bệnh bảo phải dùng thịt tươi làm thuốc uống mới hết. Nhằm ngày cấm thịt nên không thể nào mua thịt sống. Ưu bà di ấy liền thẻo thịt bắp vế, chế nấu thuốc đem dâng cho vị Tỳ kheo uống được lành bệnh; nhưng vì vết thương, nàng rên rĩ đau đớn miệng vẫn không ngớt niệm "Nam Mô Phật". Lúc đó Ta đang ở tại thành Xá Vệ, nghe được tiếng niệm Phật, phát Từ tâm, liền đem thuốc đến băng bó vết thương khiến lành trở lại. 

6.- Như trường hợp đảng cướp 500 người bị vua Ba Tư Nặc sai quân vây bắt khoét mắt rồi thả vào rừng. Chúng đau đớn quá, niệm Phật cầu được cứu vớt. Bấy giờ Ta ở tại Kỳ Hoàn Tịnh Xá, nghe tiếng kêu cứu động lòng đại Từ thổi thuốc từ núi Hương Sơn đến lấp đấy cặp mắt họ khiến mắt họ được lành và thấy lại như xưa. Ta liền đến trước mặt họ nói pháp, bọn họ đồng thanh phát tâm vô thượng. 

7.- Vua Lưu Ly soán ngôi cha, vì oán thù xưa, bắt hai ngàn phụ nữ họ Thích, cắt tai, thẻo mũi, chặt tay chơn rồi bỏ xuống hố. Ðau đớn quá, những phụ nữ này niệm Phật kêu cứu. Lúc đó Ta đang ở tại Trúc Lâm Tịnh Xá, nghe tiếng kêu cứu phát Từ tâm. Do sức mạnh của tâm Từ, chúng thấy Ta đến thành Ca Tỳ La lấy thuốc đắp lên vết thương. Họ hết đau nhức, tay chân, mặt mũi lành lại như xưa. Ta liền nói pháp khiến họ phát tâm Bồ đề xuất gia thọ giới cụ túc. 

- Này Ca Diếp! Ðại Bồ Tát tu Từ, Bi, Hỷ được trụ ở bậc rất yêu thương, vì đại Bồ Tát ở bậc này thấy chúng sanh bị bệnh phiền não vô cùng khổ đau, nên sanh tâm rầu buồn, lo sợ thương tưởng như con một của mình. 

Bồ Tát Ca Diếp hỏi gạn lại đức Phật, vì sao Như Lai xưa kia làm vua đã giết hại dòng Bà la môn, vì sao Như Lai quở mắng Ðề Bà Ðạt Ða, trong khi đó ông Tu Bồ Ðề trụ ở bậc giải không, vì mục đích độ sanh, không muốn chúng sanh oán ghét chửi mắng ông mà phải bị đọa địa ngục, thà ông nhịn đói chứ không đi khất thực, nếu ông biết trước rằng ông sẽ bị chửi mắng. 

Phật dạy: 

- Này Ca Diếp! Ông chẳng nên gạn hỏi như thế, cũng chẳng nên nói rằng Như Lai là nguyên nhân phiền não của chúng sanh. 

Như Lai quyết không phải là nhân duyên tạo phiền não cho chúng sanh. Một việc không bao giờ xảy ra, không bao giờ có được như việc Bồ Tát ở bực Thập Trụ phạm bốn trọng tôi. Như Lai chỉ có thể làm cho chúng sanh dứt trừ phiền não chớ quyết không phải như ông nói đó. 

Ðại Bồ Tát không giết một con kiến huống chi là sát hại người Bà la môn. Ngài lúc nào cũng khuyên chúng sanh tu tập các hạnh Ba la mật, không nên để tâm phóng dật. Vì khéo biết các phương tiện, các nhân duyên, đại Bồ Tát làm lợi ích cho chúng sanh, muốn cho họ vun trồng cội lành. Khi Ta làm vua, những người Bà la môn nhứt xiển đề hủy báng Ðại thừa. Ta vì hộ trì chánh pháp đã giết chết họ, muốn cho họ chừa bỏ nghiệp ác tu tập hạnh lành. Sau khi chết, họ bị đọa vào ngục A Tỳ ăn năn hối cải và sanh lòng tin tưởng kinh điển Ðại thừa. Do đó họ được vãng sanh thế giới của Phật Cam Lồ Cổ, sống lâu mười kiếp. Ðó là Ta ban cho họ mười kiếp thọ mạng, sao gọi là Ta giết họ. Dù Ta giết hai mạng họ, nhưng Ta không có ác tâm. Ta chỉ dùng phương tiện thực hành tâm Từ mà thôi. 

Sát hại được phân chia thành ba thứ bậc: thấp, vừa và cao. Sát sanh ở bậc thấp là sát hại côn trùng, súc sanh, sẽ bị đọa nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh chịu sự khổ cấp thấp. Sát sanh ở bậc vừa là sát hại những người từ phàm phu đến bực A Na Hàm, sẽ bị đọa nơi tam cõi chịu khổ cấp trung. Sát sanh ở bực cao là sát hại cha mẹ, những bậc A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, sẽ bị đọa vào địa ngục a Tỳ chịu khổ cấp cao. 

Người giết kẻ nhứt xiển đề không bị liệt vào ba bực sát hại nói trên. 

- Này Ca Diếp! Còn về việc ông Ðề Bà Ðạt Ða bị Như Lai mắng nhiếc, ông cũng không nên nói như thế. Phải biết rằng chư Phật, nói ra lời gì đều chẳng thể nghĩ bàn. Dú là những lời lành hay dữ, nhưng nếu không đúng lúc, đúng pháp, không lợi ích cho chúng sanh, tuyệt nhiên Như Lai không nói. Chư Phật chánh đẳng chánh giác khéo biết dùng phương tiện để giáo hóa chúng sanh. 

Trước kia, có một ác quỷ tên là Khoáng Dã, mỗi ngày ăn thịt một người trong thôn xóm. Ta khuyến dụ nó, nhưng nó không chịu tuân phục trái lại còn đem quyến thuộc ra chống cự với Ta. Ta liền hóa làm Ðại Lực quỷ, bọn chúng vừa thấy run sợ ngất xỉu. Khi họ tỉnh lại, Ta nói pháp khiến họ vui lòng thọ giới bất sát. Ðó là phương tiện mà Như Lai đã xử dụng để độ sanh. 

Cũng có lúc Ta dùng cây để đánh quỷ hộ pháp, Ta xô quỷ Dương Ðầu té xuống núi. Ta xô quỷ Hộ Di Hầuté từ trên ngọn cây xuống đất; Ta làm cho voi Hộ Tài thấy năm sư tử, Ta sai thần Kim Cang khủng bố ngoại đạo Tất Gia Ni Kiền Tử, Ta lấy kim đâm quỷ Tiểu Mao. Ta làm tất cả những việc như thế không ngoài mục đích giúp họ an trụ nơi chánh pháp. 

Trước kia, Như Lai thật ra không mắng nhiếc Ðề Bà Ðạt Ða. Hơn nữa Ðề Bà Ðạt Ða cũng không bị đọa A Tỳ địa ngục, cũng không phá hoại chúng Tăng, cũng không làm thân Phật chảy máu, cũng không phạm bốn trọng tội, không hủy báng kinh điển Ðại thừa, cũng không phải Thinh văn, Bích Chi Phật. Duy chỉ có chư Phật thấy biết mà thôi. Ông không nên sanh tâm nghi ngờ đối với cảnh giới của chư Phật. 

Ðến đây, Bồ Tát Ca Diếp lại hỏi Phật vậy chớ Bồ Tát tu tâm Xả thì được trụ vào bậc nào? 

Phật dạy: 

- Này Ca Diếp! Ðại Bồ Tát tu tâm Xả thì được trụ vào bậc Bình đẳng Không như ông Tu Bồ Ðề, nghĩa là không còn thấy có cha mẹ, anh chị em, bà con quyến thuộc, kẻ thương người ghét, ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ mạng tướng và pháp tướng. Tâm của Bồ Tát như hư không. "Không" ở đây là: trong không, ngoài không, trong ngoài đều không, hữu vi, vô vi đều không, vô thỉ không, tánh không, vô sở hữu không, đệ nhất nghĩa không, không không, đại không. 

a. Trong không nghĩa là không cha mẹ, không kẻ oán người thân, không bốn tướng, tất cả đều thường, lạc, ngã, tịnh, Như Lai, Pháp, Tăng, Phật tánh. 

b. Ngoài không nghĩa là tất cả pháp giới vốn không. 

c. Trong và ngoài đều không nghĩa là Như Lai, Pháp, Tăng, Phật tánh không thuộc phạm vi hai thứ không nói trên, trái lại có tính cách thường, lạc, ngã, tịnh. 

d. Hữu vi không là các pháp hữu vi đều không. 

e. Vô vi không nghĩa là tất cả pháp vô vi đều không. Riêng Như Lai, Pháp, Tăng, Phật tánh, bốn pháp này không phải là pháp hữu vi, cũng không phải là pháp vô vi.

f. Vô thỉ không nghĩa là từ ban sơ sanh tử đều không tịch, đều là không, thường, lạc, ngã, tịnh cũng vậy, cũng là không.

g. Tánh không nghĩa là tánh của vạn pháp (hữu vi và vô vi), ấm giới nhập, vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, thường, lạc, ngã, tịnh vốn không.

h. Vô sở hữu không giống như người không có con, cho rằng nhà cửa trống không, như người bần cùng cho rằng tất cả đều không, mình không có vật sở hữu. Bồ Tát quán vô sở hữu không là quán cái quan niệm của hai loại người trên.  
i. Ðệ nhất nghĩa không, thật tánh của các pháp vốn không, tuy có nghiệp, có báo nhưng chẳng thấy tác giả, đó là đệ nhất nghĩa không. 

j. Không không Ðây là chỗ mê mờ của Thinh văn và Bích Chi Phật, vì không không có nghĩa là có, là không, là phải, là chẳng phải, gồm đầy đủ hai mặt của một vấn đề, đó là tướng và tánh. Không không ở đây không giống như không không tam muội của Thinh văn. 

k. Ðại không tức là Bát nhã Ba la mật. 

Ðại Bồ Tát trụ ở bậc bình đẳng không hay Hư không đẳng trong khi xử dụng các pháp không bị ràng buộc, không bị ngăn ngại, đối với sắc không nhiễm, không tham không giận ví như hư không bao la có thể dung chứa mọi vật. 

Ðại Bồ Tát trụ ở bậc này, đối với các pháp đều thấy đều biết như thấy nhân duyên, tâm chúng sanh, tánh tướng, lục căn, thiền định, thiện trí thức, giới cấm, vật vố thí... 

Ðại Bồ Tát trụ ở bậc này biết mà không thấy. Biết là biết các pháp ngoại đạo không bao giờ làm được nhân giải thoát. Không thấy là không thấy một người nào hành các pháp ngoại đạo mà được chánh giải thoát. 

Ðại Bồ Tát trụ ở bậc này cũng thấy cũng biết. 

1. THẤY: 

- Các chúng sanh tu tập tà pháp chắc chắn bị đọa vào địa ngục.  
- Các pháp thường, lạc, ngã, tịnh, vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh.  
- Tam nghiệp của chúng sanh tạo điều ác bị đọa vào ba cõi, chúng sanh tu nghiệp lành chết sẽ vãng sanh ở cõi Thiên, nhơn.  
- Các nghiệp ác từ ít gia tăng lên nhiều, vì người tạo nghiệp không biết ăn năn sám hối, không sanh lòng hổ thẹn.

2. BIẾT: 

- Họ sẽ sanh làm người nếu tu hạnh Ba la mật, sẽ được chánh giải thoát.  
- Như Lai rốt ráo nhập Niết bàn, thân Như Lai là Kim cang, không hôi tanh tan rã, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.  
- Chúng sanh cầu pháp Ðại thừa, người thì thuận lưu là hạng phàm phu, người thì nghịch lưu là bậc Tu Ðà Hườn, Duyên Giác, người thì chánh trụ là bậc Bồ Tát, người thì đến bờ bên kia là Phật.  
- Biết có quả báo nặng nhẹ do các nghiệp thiện ác hổ tương tác động sanh ra. 

Ðại Bồ Tát trụ ở bậc này sẽ được bốn vô ngại, đó là: [i]pháp vô ngại, nghĩa vô ngại, từ vô ngại và lạc thuyết vô ngại. 

a. Pháp vô ngại: là biết tất cả các pháp, pháp của Thinh văn, Duyên giác, Bồ Tát và Phật, danh từ các pháp. Dù biết các pháp nhưng không chấp thủ. Biết danh từ các pháp luôn luôn nhớ đến không bao giờ quên. 

b. Nghĩa vô ngại: là biết nghĩa tất cả các pháp và tùy theo danh từ mà giải nghĩa. Thừa tuy phân làm ba nhưng vẫn quy làm một không khác nhau, dù biết nghĩa nhưng không chấp, biết danh từ các pháp và biết giữ gìn, củng cố các nghĩa ấy.  
c. Từ vô ngại: là giảng luận tùy theo danh từ, theo chánh âm, về pháp cú, về thế biện, chỉ có một pháp mà có thể đặt nhiều tên, dù biết danh từ nhưng không chấp thủ, dùng nhiều danh từ để nói một nghĩa, vì nghĩa là cảnh giới của chư Phật và Bồ Tát, còn ngôn từ là cảnh giới của phàm phu.  
d. Lạc thuyết vô ngại: là khi diễn thuyết không bị chướng ngại, không bị giao động, không sợ sệt vì đã có thói quen thuyết giảng trong vô lượng kiếp, tùy thuận cho chúng sanh nghe. Dù có tài thuyết giảng như thế mà không chấp và trong vô lượng kiếp đã nói về nghĩa, về danh từ không biết bao nhiêu lần. 
 

Hàng Thanh văn, Duyên giác thật sự không có bốn vô ngại, vì họ tu tập pháp tịch diệt, không chủ trương hóa độ ai cả. Bậc đại Bồ Tát, vì độ sanh nên tu tập bốn trí vô ngại. Hàng nhị thừa vì không biết lời và nghĩa rốt ráo, không có mười trí lực và bốn vô sở úy, không có khả năng ra khỏi sông lớn mười hai nhân duyên, không khéo biết căn tánh lợi độn của chúng sanh, nên không có bốn trí vô ngại.  
 

Bồ Tát Ca Diếp hỏi lại Phật: "Nếu như vậy tại sao ngài gọi ông Xá Lợi Phất là trí huệ đệ nhất, ông Mục Kiền Liên là thần thông đệ nhứt và ông Ma Ha Câu Si La là tứ vô ngại đệ nhất?" 

Phật giải thích: 

- Này Ca Diếp! Các con sông to đều có vô lượng nước, nhưng thật ra số lượng nước của mỗi con sông không bằng nhau. Bốn vô ngại trí của hàng Thanh văn và Bồ Tát vốn không bằng nhau. Trong hàng Thanh văn, có vị được một vô ngại, có vị được hai, không có vị nào được đầy đủ bốn trí vô ngại. 

Nếu có sở đắc thì có ngăn ngại, có vô minh tất có điên đảo. Ðại Bồ Tát vì không có điên đảo, nên được vô ngại vì thế mới nói vô sở đắc. Vô sở đắc tức là huệ, là đại Niết bàn. 

Ðại Bồ Tát an trụ trong Ðại Niết Bàn không còn thấy tướng tánh của các pháp. Vô sở đắc cũng còn gọi là Ðại thừa, là kinh Phương Ðẳng, là hư không vì đại Bồ Tát đã đắc hư không tam muội nên không có chỗ thấy, là thường, lạc, ngã, tịnh, là đệ nhất nghĩa không, là vô thượng chánh đẳng chánh giác. 

Trái lại, có sở đắc là hàng Thanh văn, Bích Chi Phật, là mười một bộ kinh, là luân hồi sanh tử, là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, là năm chỗ thấy, là Thanh văn Bồ đề, Duyên giác Bồ đề, là quyến thuộc của ma. 

Ðến đây Bồ Tát Ca Diếp hỏi Phật, lúc nãy ngài nói bài kệ sau đây cho ông Thuần Ðà nghe: 

Trước có nay không,  
Trước không nay có.  
Ba đời nói pháp,  
Không có việc đó. 

Vậy kính xin Như Lai vì đại chúng giải rõ kệ trên. 

Phật dạy: 

- Này Ca Diếp! Ngày trước Ta có vô lượng phiền não, có thân hòa hiệp cha mẹ sanh, có vô thường, vô ngã, khổ, bất tịnh, có quyết tâm tu khổ hạnh của phàm phu để được giải thoát, có thân ăn tạp, có chấp thủ tất cả pháp. Khi Ta mới đắc quả vô thượng Bồ Ðề có các đệ tử Thanh văn độn căn của ta, nên Ta không nói nhất thừa chơn thật. Ta cũng nói rằng sau đây ba tháng, nơi rừng Ta La Song thọ, Ta sẽ nhập Niết Bàn, nên hiện tại Ta không nói được kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn, tất cả việc này là trước có trong bài kệ. 

Ta cũng nói trước không, nghĩa là trước không có Bát nhã Ba la mật. Thân ta không có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, trước không thấy Phật tánh, không có thường, lạc, ngã, tịnh, không có lục độ Ba la mật, không có ba mươi bảy phẩm trợ đạo, không có thực nghĩa Trung đạo, không có bậc lợi căn Nhân trung Tượng vương như Bồ Tát Ca Diếp, nên tùy nghi phương tiện khai thị ba thừa. 

- Này Ca Diếp! Như Lai vốn vì chúng sanh, dù biết rõ tất cả pháp mà nói không biết, dù thấy tất cả pháp mà nói không thấy, dù pháp có tướng mà nói không tướng, pháp không tướng mà nói có tướng, dù là thường mà nói vô thường, lạc nói khổ, ngã nói vô ngã, tịnh nói bất tịnh. Pháp tam thừa nói nhất thừa, nhất thừa nói tam thừa, tội trọng nói tội nhẹ, tội nhẹ nói tội trọng. Sở dĩ Như Lai nói như vậy là vì muốn đem lại lợi ích cho chúng sanh, dù lời nói của Như Lai bề ngoài có vẻ hư dối, nhưng đó là tùy thuận phương tiện mà nói. 

Ðối với Như Lai, tất cả thế đế là đệ nhất nghĩa đế. Chư Phật vì đệ nhất nghĩa đế mà nói thế đế. Ðệ nhất nghĩa đế cũng gọi là đạo, là Bồ đề, là Niết bàn. Ðạo có hai thứ thường và vô thường. Tướng Bồ đề cũng có hai thứ thường và vô thường. Niết bàn cũng vậy. 

Ðạo của ngoại đạo gọi là vô thường,  
Bồ đề của nhị thừa là vô thường,  
Giải thoát (Niết bàn) của ngoại đạo là vô thường. 

Trái lại: 

Ðạo của Ta gọi là thường,  
Bồ đề của Bồ Tát và Phật là thường,  
Giải thoát của Ta là thường. 

Do tu giới, định, huệ nên chúng sanh thấy đạo Bồ đề và Niết bàn là thường. Tánh tướng của đạo không sanh không diệt nên không thể nắm lấy. Dù không có hình sắc, không thể thấy được, không thể cân lường được nhưng đạo có công dụng. Tâm của chúng sanh cũng vậy, không dài ngắn, không thô tế, không buộc mở nhưng vẫn có. Ðạo, Bồ đề và Niết bàn cũng vậy, nghĩa là có và thường. Nhờ có nên Bồ Tát đều thấy biết rõ ràng. 

- Này Ca Diếp! Ðó là thấy tướng mạo và thấy rõ ràng. Thấy tướng mạo nghĩa là thấy hiện tượng bề ngoài như: 

Thấy khói đàng xa cho là thấy lửa.  
Thấy chim hạc bay trên trời cho là thấy nước.  
Thấy lá cây cho rằng thấy gốc cây.  
Thấy sừng trâu trong khuôn viên cho rằng thấy trâu.  
Thấy đàn bà có thai cho rằng thấy dục.  
Thấy mây trên trời cho rằng thấy mưa. 

Thật rõ ràng là thấy không sơ sót, thật rốt ráo, toàn diện như đại Bồ Tát thấy đạo, Bồ đề và Niết bàn rõ ràng. 

Chư Phật và Bồ tát đều biết, thấy, hiểu tất cả nhưng không nói ta biết, thấy, hiểu vì nếu còn nói tướng thấy, biết, hiểu, đó là không phải Phật, Bồ Tát. 

Tất cả thế gian không biết, không thấy, không hiểu được Phật tánh, mười hai nhân duyên, bốn điên đảo, Tứ đế, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, vô thượng Bồ đề, Ðại Niết bàn. Nếu biết, thấy, hiểu thì không phải là thế gian nên gọi là Bồ Tát. 

Thế gian cũng có chỗ biết, thấy và hiểu, chỗ đó là các cõi trời, vi trần, pháp và phi pháp, đoạn kiến, thường kiến, cho rằng từ cõi sơ thiền đến cõi phi phi tưởng là Niết bàn. Nên biết thêm rằng bọn nhất xiển đề là bọn quyến thuộc của ma, hủy báng chánh pháp, chẳng nên gọi họ là thế gian hay phi thế gian. 

Trái lại Bồ Tát là thế gian, cũng là phi thế gian vì không biết, không thấy, không hiểu là thế gian, còn biết, thấy và hiểu là phi thế gian (Bồ Tát). 

Những người mới nghe kinh Ðại Niết bàn liền phát tâm vô thượng Bồ đề gọi là thế gian Bồ Tát, vì họ còn không biết, không thấy, không hiểu. Nghe được kinh này rồi, họ hạ quyết tâm tu tập để được biết, thấy và hiểu như các bậc Bồ Tát. Do đó ở đời vị lai, họ được sanh vào chỗ giới đức thanh tịnh để có cơ hội tu trì giới đức thanh tịnh. Giới được thanh tịnh rồi, họ tu thiền định, đời đời không quên những điều cốt yếu như tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, mười hai bộ kinh, Phật tánh thường, lạc, ngã, tịnh, tất cả Bồ Tát an trụ nơi kinh Phương Ðẳng Ðại thừa. Giới và định tu tập đầy đủ rồi, họ bèn tu huệ thanh tịnh. Nhờ tu huệ thanh tịnh nên họ không chấp trước trong thân có ngã, trong ngã có thân, là thân là ngã, chẳng phải thân chẳng phải ngã. Nhờ tu huệ này họ giữ giới kiên cố không bị bốn thứ điên đảo chi phối. Ðó là chỗ thấy biết của Bồ Tát. 

Giữ giới kiên cố không lay động thì tâm không hối hận, lại được vui mừng, thỏa thích, an ổn, nhập được chánh định bất động, đắc tri kiến chơn thật, nhàm lìa sanh tử, được giải thoát, thấy rõ Phật tánh. Ðó là chỗ thấy biết của Bồ Tát. 

Giới cấm của thế gian không thanh tịnh vì lẽ giới cấm này chỉ mong cầu pháp có, thường hay bất tịnh, không rốt ráo nên không đưa đến Niết bàn giải thoát. Còn giới của đại Bồ Tát hoàn toàn thanh tịnh vì lẽ giới mà chẳng phải giới, vì không cầu pháp có, vì rốt ráo, vì chỉ nhằm lợi ích cho chúng sanh. 

Bồ Tát Ca Diếp hỏi Phật về nghĩa của vui mừng và thỏa thích. 

Phật dạy: 

- Này Ca Diếp! Vui mừng là không làm ác, quán sát sanh tử, lìa pháp thế gian. Thỏa thích là trì tịnh giới, thấy đại Niết bàn, đắc pháp bất cộng. 

Do giới thanh tịnh nên Bồ Tát không nói ác trong khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, biết đều không có tư tưởng ác. Nhờ thế tâm được an ổn nên nhập được chánh định... đi đến chỗ rốt ráo là được giải thoát và thấy rõ Phật tánh. Ðại Bồ Tát thọ trì tịnh giới phải có năm trợ pháp, tín, tàm, quý, thiện trí thức, tôn kính giới. Tâm không nghi hoặc vì đã lìa năm thứ nghi, nghi Phật, nghi Pháp, nghi Tăng, nghi giới và nghi không phóng dật. Nhờ thế Bồ Tát được ngũ căn: tín, niệm, tinh tấn, định và huệ, đắc năm thứ Niết bàn từ Sắc giải thoát đến Thức giải thoát. 

Nếu đệ tử của Ta thọ trì đọc tụng, biên chép, thuyết giảng kinh Ðại Niết Bàn mà phá giới, mong cầu pháp có, tạo các ác nghiệp mà thuyết pháp, khinh tâm mà thuyết pháp, không thỉnh mà thuyết pháp, không đúng lúc, không đúng chỗ, tự khen mình chê người mà thuyết pháp, diệt Phật pháp để xiển dương pháp thế gian mà thuyết pháp, đệ tử của ta làm như vậy là ác trí thức của chúng sanh chớ không phải là thiện trí thức, là quyến thuộc của ma. 

Vì thế, đệ tử của Ta phải giữ thân thanh tịnh khi thuyết giảng kinh này để người nghe mới có thể tin theo và phát tâm vô thượng Bồ đề. 

Phật dạy tiếp về sáu chánh niệm. Ðó là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí và niệm thiên. 

1.- Niệm Phật 

Phật là Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn, thường trụ bất biến, bậc vô năng thắng, vô kiến đảnh, vô bố úy, bất kinh động, vô sư tự ngộ, giải thoát trí, bất cộng trí, nhân trung tượng vương, nhân trung trượng phu, nhân trung Liên hoa, điều ngự nhân sư, đại thí chủ, đại pháp sư. 

a. Như Lai là gì? 

Chư Phật quá khứ nói mười hai bô kinh, sáu độ Ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười một pháp không, vì chúng sanh tùy thuận phương tiện khai thị ba thừa, được thọ mạng vô lượng, đức Phật cũng đến và làm như vậy nên gọi Phật là Như Lai. 

b. Ứng cúng là gì? 

Ứng là nên, phải. Cúng là cúng dường. Tứ ma và pháp thế gian là oan gia của Bồ Tát, phiền não cũng vậy. Chư Phật lúc làm Bồ Tát đã phải dùng trí huệ phá tan các thứ oan gia ấy, xa lìa phiền não, vì chúng sanh phải thọ khổ mà tâm lúc nào cũng thường vui. Vì nhơn, thiên nên đem lễ vật cúng dường, tất cả việc ấy gọi là ứng cúng. 

c. Chánh biến tri là gì? 

Chánh, con đường trung đạo như khi nói về điên dảo thì Phật biết cái không điên đảo (chánh) và biết trọn vẹn bốn điên đảo (biến tri), do đó biết rõ cả hai mặt đối kháng của vấn đề điên đảo là cái không điên đảo (chánh) và cái điên đảo (biến tri) để rồi chọn con đường trung đạo. Ðó mới thật là con đường rốt ráo của Phật pháp. Chánh là có thể đếm, lường, cân, tính toán cho đúng. Biến tri là không thể đếm, lường, cân và tính toán. Do đó mới gọi là chánh biến tri. 

d. Minh hạnh túc là gì? 

Theo nghĩa thường là bậc có đầy đủ trí huệ quang minh và công hạnh. Ẩn nghĩa có rất nhiều: Minh chỉ mục tiêu, đường lối; Hạnh: phương tiện; Túc: là kết quả, như nói Minh là Bồ đề vô thượng; Hạnh là giới định huệ; Túc là Ðại Niết bàn. Như nói Minh là đường lối không phóng dật; Hạnh là sáu Ba la mật; Túc là vô thượng Bồ đề. Như nói Minh là tam minh (Bồ Tát minh, chư Phật minh, vô minh minh); Hạnh là các nghiệp lành đã tu tập trong vô lượng kiếp; Túc là Phật tánh, (Vô minh minh là cái quang minh rốt ráo của người đã nhìn thấy được hai mặt đối kháng vô minh và minh của một vấn đề). 

e. Thiện thệ là gì? 

Có nghĩa là thệ nguyện hành Thiện, ẩn nghĩa cũng có rất nhiều như Thiện là cao, là vô thượng Bồ đề; Thệ là không cao. Tâm Như Lai chính là tâm cao và không cao. Thiện là thiện trí thức, là sơ phát tâm; Thệ là quả, là đại Niết bàn. Thiện là tốt, là thấy Phật tánh; Thệ là Phật vì chúng sanh còn mê mờ nên nói có Ðại Niết bàn chớ thật không có cảnh ấy. 

f. Thế gian giải là gì? 

Thế gian chỉ người, chỉ ngũ ấm; Giải là giải thích, là rõ biết. Chư Phật hiểu biết rõ ràng thế gian, vũ trụ và vạn vật, con người ngũ ấm. Ðó là thế gian giải. 

Thế gian là ngũ dục, giải là không tham đắm.  
Thế gian là phàm phu, giải là biết nghiệp quả của phàm phu.  
Thế gian là liên hoa, là Như Lai, giải là không ô nhiễm. 

g. Vô thượng sĩ là gì? 

Thượng sĩ là người bề trên; vô là không. Vô thượng sĩ là người có vị trí cao tột không ai cao hơn. Nghĩa ẩn như sau: 

- Thượng sĩ là dứt trừ, vô thượng sĩ là không có chỗ dứt trừ. Như Lai vì không có phiền não nên không có chỗ dứt trừ.  
- Thượng sĩ là tranh tụng, vô thượng sĩ là không tranh tụng, là Như Lai.  
- Thượng sĩ là phá hoại, vô thượng sĩ là không thể phá hoại như Như Lai.  
- Thượng sĩ là kẻ ngồi trên, vô thượng sĩ là không ai ngồi trên Như Lai. 

h. Ðiều ngự trượng phu là gì? 

Là bậc trượng phu biết điều phục và chế ngự. Như Lai không phải là trượng phu, cũng không phải là phi trượng phu, nhưng vì điều phục chế ngự trượng phu, nên mới gọi là trượng phu. Nếu ai hội đủ bốn pháp sau đây: gần thiện trí thức, có thể nghe pháp, suy gẫm nghĩa lý, tu đúng theo pháp thì người đó được gọi là trượng phu. Như Lai điều phục và chế ngự chúng sanh bằng bốn cách từ ít tới nhiều, như nói sanh khổ; nói bệnh tử; nói sanh lão bệnh; nói sanh lão bệnh tử, khiến chúng sanh thọ lãnh lời dạy ấy mà tu hành theo. 

i. Thiên nhơn sư là gì? 

Là bậc đại sư dạy người và trời. Chư Phật và Bồ Tát đem pháp lành dạy chúng sanh. Ðó là pháp thân, khẩu, ý thanh tịnh. Vì thế Phật là vô thượng sư, đem chỗ được đạo và kinh nghiệm tu tập phạm hạnh dạy lại chúng sanh. Phật tự phá vô minh rồi phá vô minh cho chúng sanh, tự giải thoát rồi đem pháp giải thoát giảng dạy lại, đắc vô sở úy rồi dạy lại pháp này, tự mình được quả Niết bàn rồi vì chúng sanh nói Ðại Niết bàn. 

- Thiên là trời, là ban ngày, là không sầu não, là ánh sáng có thể làm tan bóng tối, phá nghiệp ác tối tăm được quả lành sanh lên trời. 

- Nhơn là người, là biết suy nghĩ, là kiêu mạn cũng như có thể phá kiêu mạn. Trong các loài chúng sanh, chỉ có người và trời có thể phát tâm vô thượng Bồ đề, tu đắc nhiều quả vị: quả vị cuối cùng là Như Lai. Vì thế Phật được gọi là Thiên nhơn sư. 

j. Phật là gì? 

Phật là giác giả, đã tự giác rồi còn giác ngộ người khác. Ðại Bồ Tát biết rõ tất cả phiền não nhiễu hại. Phật do được giác ngộ nên không sanh, không lão, không bệnh, không tử. Phật hiệu là Bà Dà Bà. Bà Dà là phá, Bà là phiền não. Phá phiền não rồi thành tựu các pháp lành, hiểu rõ nghĩa của các pháp ấy, tạo lập vô lương công đức, vì thương chúng sanh mà bố thí tất cả. 

- Này Ca Diếp! Trên đây là nghĩa của Niệm Phật. Niệm Phật trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, đêm ngày. Niệm được như vậy thì sẽ được thấy biết Phật luôn luôn. 

Ðại Bồ Tát niệm Phật có nghĩa là trong vô lượng kiếp đại Bồ Tát đã thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, tu tập ngũ căn (tín, niệm, tinh tấn, định, huệ), thường tu tâm vô vi, tâm vô tranh, vô cấu, vô phược, vô thủ, tâm quảng đại, tâm hư không, tâm không, tâm thường định, tâm tự tại, tâm đệ nhất nghĩa, tâm bất thối. Nhờ tu tập như vậy nên Bồ Tát được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân kim cương bất hoại, mười trí lực, bốn vô sở úy, thường, lạc, ngã, tịnh. 

2.- Niệm Pháp 

Phật pháp thật vi diệu, thường hằng vì không bị thời gian chi phối, chỉ có pháp nhãn mới thấy được, nhục nhãn không thấy được.. vô vi, bất sanh, bất diệt, bất trụ, bất xuất, vô thị, vô chung (thoát khỏi những cặp đối đải), không phải sắc vì đã dứt sắc nhưng cũng là sắc; phi tướng, chẳng phải phi tướng vì dứt tất cả tướng nhưng cũng là tướng, chẳng phải phi tướng (nhận thấy chỗ diệu dụng của hiện tướng, hiện trạng, hiện hữu). Chánh pháp của Phật có thể diệt trừ tất cả phiền não, là chỗ rốt ráo của chúng sanh, là chỗ đi vào, chỗ ở của chư Phật, là thường trụ, bất biến. Ðó gọi là Bồ Tát niệm Pháp. 

3.- Niệm Tăng 

Chư Phật, Thánh, Tăng y theo pháp tu hành nên trở thành phước điền của chúng sanh. Dù là phước điền nhưng chư Phật và Thánh Tăng không thọ, không lấy, vô lậu, vô vi vô biên, bình đẳng bất nhị, thường trụ bất biến. Ðó gọi là niệm Tăng. 

4.- Niệm Giới 

Bồ Tát nhớ đến giới cấm, tinh tấn hộ trì vì giới là nhân của Ðại thừa Phương đẳng Ðại Niết Bàn. Nếu trụ nơi giới mà đắc quả Bồ đề thì sẽ vì chúng sanh thuyết giảng diệu pháp để độ sanh. 

5.- Niệm Thí 

Bố thí là nhân của vô thượng Bồ đề. Bố thí có thể phá tan phiền não, tạo được phước báu vô thượng như Niết bàn an lạc, thanh tịnh, tự tại, vô ngại, mười trí lực. 

6.- Niệm Thiên 

Các cõi Thiên đây không phải là các cõi Tứ Thiên vương, Phạm thiên... Phi phi tưởng... vì các cõi trời này đều là vô thường. Bồ Tát niệm Thiên là niệm cõi trời đệ nhất nghĩa, thường hằng bất biến. 

Kinh Ðại Niết bàn này là Tạng bí mật của chư Phật hơn tất cả các kinh. Do đó mới nói kinh này là không thể nghĩ bàn như Phật, Pháp, Tăng. Bồ Tát và Bồ đề cũng không thể nghĩ bàn. 

Bồ Tát Ca Diếp hỏi Phật vì sao nói Bồ Tát không thể nghĩ bàn? 

Phật giải thích: 

- Này Ca Diếp! Ðại Bồ Tát không được ai chỉ dẫn, tự phát tâm Bồ đề rồi tinh tấn tu hành, nguyện thà chết chớ không chịu xa lìa Phật pháp. Ðại Bồ Tát dù biết sanh tử, địa ngục là khổ, nhưng vì lợi ích của chúng sanh thà ở trong sanh tử và địa ngục để cùng chung chịu khổ chớ không sanh tâm nhàm chán. Ðại Bồ Tát nghe được kinh Ðại Niết Bàn rồi thì trọn kiếp không thối chuyển, có đủ khả năng lội qua biển lớn sanh tử. Ðại Bồ Tát trong vô lượng kiếp thường quán sát sanh tử là vô thường, vô ngã, khổ và bất tịnh, nhưng vì chúng sanh tùy thuận nói thường, lạc, ngã, tịnh. Ðại Bồ Tát dù ở trong sanh tử nhưng không bị sanh tử hại. Ðại Bồ Tát lúc nhập thai, tự biết là nhập thai, lúc ở trong thai biết là ở, lúc xuất thai biết là xuất, không lúc nào sanh tâm tham sân. 

Ðại Bồ Tát xa lìa sát, đạo, dâm gọi là xa lìa thân nghiệp, xa lìa vọng ngữ, ỷ ngôn, lưỡng thiệt, ác khẩu gọi là xa lìa khẩu nghiệp, xa lìa tham sân si gọi là xa lìa ý nghiệp, tuy vậy Ðại Bồ Tát không thấy mình đã xa lìa tam nghiệp nhưng thật ra cũng có xa lìa. 

Ðại Bồ Tát dù đã dùng trí huệ phá tan phiền não, nhưng không nghĩ rằng mình đã phá phiền não. Tất cả những việc làm ấy của Ðại Bồ Tát đều không thể nghĩ bàn. 

Bồ Tát Ca Diếp hỏi tiếp: "Bạch Thế Tôn! trong bao lâu nữa Phật pháp vô thượng sẽ tiêu diệt?" 

Phật dạy: 

- Bao lâu còn có đệ tử Phật thọ trì, đọc tụng, diễn giải kinh Ðại Niết bàn, bao lâu còn có những người cung kính thán thán năm hạnh: Thánh hạnh, Phạm hạnh, Anh nhi hạnh, Thiện hạnh và Bệnh hạnh thì biết là Phật pháp chưa diệt. Ngược lại nếu thấy kinh này không được mọi người cung kính, người thọ trì đọc tụng kinh này bị khinh chê thì là thời kỳ Phật pháp sắp diệt. Ông nên biết rằng Phật pháp có hai loại pháp: 

a. Loại có hoại diệt: 

- Thế pháp.  
- Pháp vô thường, vô ngã, khổ, bất tịnh.  
- Pháp của nhị thừa.  
- Ngoại pháp.  
- Pháp hữu vi.  
- Pháp năng đắc.  
- Cộng pháp.  
- Pháp trong loài người.  
- Mười một bộ kinh.  
b. Loại không hoại diệt: 

- Ðệ nhất nghĩa pháp.  
- Pháp thường, lạc, ngã, tịnh.  
- Pháp của Bồ Tát.  
- Nội pháp.  
- Pháp vô vi.  
- Pháp bất năng đắc.  
- Bất cộng pháp.  
- Pháp trong cõi trời.  
- Kinh Phương Ðẳng. 

- Này Ca Diếp! Kinh Ðại Niết Bàn là tạng bí mật của chư Phật. Mười một bộ kinh của chư Phật không nói đến Phật tánh, không nói đến thường, lạc, ngã, tịnh, cũng không nói rằng Phật không rốt ráo nhập Niết bàn. Kinh này là tạng bí mật của Như Lai, chỉ được đem ra nói khi những việc ác lan tràn trong nhân gian, với mục đích là tiêu trừ hoặc ngăn ngừa những ác nghiệp ấy. 

Kinh Ðại Niết Bàn này lúc nào cũng thường còn, bất biến. Ở thời kỳ Phật Ca Diếp, chúng sanh ít tham dục, nhiều trí huệ, hàng đại Bồ tát nhu hòa có oai đức tổng trì, nên dù có kinh này nhưng Phật không đem ra giảng dạy. 

- Này Ca Diếp! Chúng sanh đời nay nhiều phiền não, nhiều tham sân si, lòng tin không kiên cố, nhiều nghi ngờ, do vậy Như Lai thuyết giảng kinh này. Thật vậy, chúng sanh đời nay, đối với chơn ngã cho là vô ngã, vô ngã lại thấy có ngã; chơn thường cho là vô thường, vô thường lại thấy có thường; chơn lạc cho là khổ, khổ thấy lạc; chơn tịnh cho là bất tịnh, bất tịnh lại thấy tịnh; tội thấy phi tội, phi tội thấy tội; đạo thấy là phi đạo, phi đạo thấy đạo; thế đế thấy là đệ nhất nghĩa đế, đệ nhất nghĩa đế thấy thế đế; toàn là điên đảo cả. Do vậy Như Lai thuyết giảng kinh Dại Niết Bàn. 

- Này Ca Diếp! Có những trường hợp như sau mà chánh pháp của Phật không diệt, vẫn còn tồn tại nơi đời, dù Như Lai đã nhập Niết bàn: 

a. Hàng đệ tử của Phật thấu hiểu nghĩa đại thừa.  
b. Có những hàng cư sĩ hết lòng kính trọng Phật pháp.  
c. Hàng đệ tử thuyết pháp không ham danh lợi, chỉ mong cầu Niết bàn.  
d. Hàng đệ tử không tranh tụng nhau, hòa hợp tôn kính nhau.  
e. Hàng đệ tử không cất chứa tám món bất tịnh, không tự xưng đắc quả này quả nọ.  
f. Hàng đệ tử không lập dị thuyết.  
g. Dù trong đồ chúng của Phật lúc đó không còn một vị Tỳ kheo nào, vì họ đã phá giới thì cũng còn vô số Bồ tát khéo hộ trì pháp của Ta. 

Lúc bấy giờ, trong thành Vương Xá, vua A Xà Thế tánh tình ác độc, giết hại vua cha để soán ngôi. Sau đó, khắp mình vua sanh ra ghẻ lở hôi tanh. Vua ăn năn tự nghĩ rằng: "Nay ta phải thọ quả báo, chẳng bao lâu ta sẽ bị đọa vào địa ngục". 

Vua đem việc này ra than thở với sáu vị đại thần tên là Nguyệt Xưng, Tạng Ðức, Thiệt Ðức, Tất Tri Nghĩa, Kiến Ðắc, Vô Sở Úy, mỗi vị đều khuyên lơn, thuyết giảng đạo lý nhưng vua vẫn sầu khổ. 

Lúc đó, đại y sĩ Kỳ Bà đến vấn an vua. Vua bèn trút hết nỗi khổ đau của mình cho ông Kỳ Bà nghe, đồng thời tỏ ra vô cùng ăn năn đối với tội giết cha của mình. Kỳ Bà tâu với vua: 

- Lành thay, Ðại vương có lòng tàm quý, tàm là hổ với người, quý là thẹn với trời; tàm là tự hổ thẹn, quý là phát lộ cho người biết. Nếu Ðại vương sám hối có lòng tàm quý thì tội chướng sẽ tiêu trừ. Hạ thần nghe Phật nói tu một điều lành phá trăm điều ác, phát lồ sám hối tội lỗi thì là vô lậu, tội sẽ tiêu diệt hết. Ðạivương không nên nói chẳng có ai chữa trị bệnh của Ðại vương được. Hạ thần vẫn biết, nơi rừng Ta La Song thọ trong thành Câu Thi Na, hiện có đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang thuyết pháp cho vô lượng Bồ Tát, đại chúng nghe. Nếu Ðại vương đến đấy nghe Phật dạy về nghĩa vô tác, vô thọ thì bao nhiêu trọng tội của Ðại vương sẽ được tiêu trừ. Ðức Phật có thể diệt trừ các tướng ác như trường hợp của Thiên đế Kiều Thi Ca được ngài cứu độ, thoát khỏi năm tướng suy nhược. Như trường hợp người thanh niên Bất hại dòng Ba La môn sanh tâm ác muốn giết hại mẹ và muốn giết hại Phật. Như trường hợp của Vương tử Tu Tỳ La bị vua cha chặt cả tay chân xô xuống giếng sâu được Phật cứu, tay chân lành lặn lại như cũ liền phát tâm vô thượng Bồ đề. Như trường hợp của năm trăm ngạ quỷ vô cùng đói khát, dù họ nằm ở trên bờ sông Hằng, nước sông vẫn còn đó mà không uống được, vì họ trông thấy toàn là lửa. Họ cầu cứu với Phật và được ngài cứu độ, sau đó được vãng sanh về cõi trời. Như trường hợp của năm trăm tên cướp bị vua Ba Tư Nặc vây bắt, khoét mắt, khổ đau vô cùng, được Phật cứu chữa sáng mắt trở lại nên liền phát tâm Bồ đề. Như trường hợp con ông trưởng giả tên là A Dật Ða giết cha mẹ, giết A La Hán, giết chư Tăng, phạm tội nghịch, đến thành Vương Xá xin xuất gia với Phật, được ngài thâu nhận làm đệ tử khiến tội nghịch thành tội nhẹ. Như trường hợp của quỷ Khoáng Dã giết hại nhiều người được Phật thâu phục, sau đó phát tâm tu hành. Như trường hợp vua Long Ðức soán ngôi cha, giết hại vua cha, về sau ăn năn đến xin Phật xuất gia làm Tỳ kheo. Như trường hợp ông Ðề Bà Ðạt Ða, em họ của Phật, phạm tội nghịch được Phật cứu độ, tội nghịch thành tội nhẹ. 

Tâu Ðại vương, Như Lai là Y Vương vô thượng, có lòng đại từ đại bi, bình đẳng với mọi người, không kể kẻ oán người thân, đệ tử của mình hay người ngoại đạo. Xin Ðại vương mau đến Như Lai để nhờ ngài cứu độ. 

Vua A Xà Thế tỏ ý xấu hổ, sợ sệt không dám đi gặp Phật. Bỗng đâu từ trên không có tiếng người thúc dục phải đi ngay vì Phật sắp diệt độ, nếu không đi ngay, sau này không còn ai trị được bệnh của vua. 

Tiếng nói trên không đó tức là tiếng của vua cha Tần Bà Ta La. 

Lúc bấy giờ đức Phật ở trong rừng Song thọ xuyên qua Phật nhãn thấy vua A Xà Thế nằm ngất xỉu liền bảo tứ chúng: "Trong đại chúng đây không có ai nghĩ rằng Phật nhập Niết bàn, chỉ có vua A Xà Thế nghĩ như vậy nên ngất xỉu. Ta vì vua A Xà Thế mà không nhập Niết bàn, và cũng không vì tất cả những ai phạm tội ngũ nghịch, vì tất cả chúng sanh hữu vi, chưa thấy được Phật tánh, chưa phát tâm vô thượng Bồ đề, vì hai đệ tử của ta là Ðại Ca Diếp và A Nan chưa về tới, vì tất cả cung phi mỹ nữ của vua A Xà Thế". 

- Này Ca Diếp! A Xà là vô sanh, là Niết bàn, Thế là thế pháp, vì là không ô nhiễm được, vì A Xà Thế có nghĩa là vì các pháp thế gian không ô nhiễm được nên Ta trong vô lượng kiếp không nhập Niết bàn. 

Ðến đây, đức Phật vì A Xà Thế mà nhập Nguyệt Ái tam muội phóng ánh sáng mát mẻ đến thân vua làm cho các vết ghẻ lở lành lại, hết đau nhức. Vua hết sức kinh ngạc nên hỏi Y sĩ Kỳ Bà, ánh sáng này sao vi diệu thế, do kẻ nào phóng đến. Kỳ Bà tâu vua đó là ánh sáng của đức Phật vì xót thương vua đang oằn oại trong khổ đau của ác nghiệp nên nhập Nguyệt Ái tam muội phóng ra ánh sáng ấy nhằm dứt trừ tất cả phiền não. Vua A Xà Thế do dự không muốn đi gặp Phật vì sợ đức Phật không tiếp. Kỳ Bà khẩn thiết yêu cầu vua nên sớm ra đi, không nên chọn ngày lành giờ tốt nữa. Vua A Xà Thế nghe lời liền ra lệnh sắp đặt xa giá, sắm sửa vật thực cúng dường, cùng Hoàng hậu, quyến thuộc lên đường đi bái Phật. Vua đến nơi được đức Phật chào đón liền sanh tâm hoan hỷ, đặt trọn vẹn niềm tin nơi Phật, bậc Ðại Sư vô thượng của chúng sanh. Ðức Phật bèn nói một thời pháp cho vua nghe khiến vua cùng hoàng hậu, quyến thuộc và dân chúng đi theo vua, tất cả đều phát tâm vô thượng Bồ đề. Ðức Phật khen vua A Xà Thế, khuyên nhủ vua nên tinh tấn tu tập. Vua cùng đoàn tùy tùng từ tạ trở về cung. 

II.- LƯỢC GIẢI 

Trong bảy pháp lành được Phật đề cập trong phẩm Phạm Hạnh này, có pháp đầu là Biết Pháp cần phải giải thích cho rõ thêm. 

Biết pháp là biết mười hai bộ kinh để dễ phân biệt về sau. Biết pháp cũng còn có nghĩa là biết rành mọi pháp ở thế gian, ngay trong cõi mình đang sống, nhờ đắc Nhất thiết chủng trí. 

Ðại Bồ tát y theo kinh Ðại Bát Niết Bàn trụ nơi bảy pháp lành này (Biết pháp..., Biết tôn ty) thành tựu trọn vẹn Phạm hạnh nhưng cũng chưa đầy đủ. Phạm hạnh là một hạnh rất lớn, gồm cả Tứ vô lượng tâm. 

Pháp Tứ vô lượng tâm có công năng: 

Trừ tham dục (tu hạnh Từ), dứt sân nhuế (tu hạnh Bi) và dứt tham sân (tu hạnh Hỷ). 

• Ðại Từ còn có nghĩa là giúp tiêu trừ những gì không lợi ích cho chúng sanh.  
• Ðại Bi còn có nghĩa là đem lại vô lượng lợi ích an vui cho họ.  
• Ðại Hỷ còn có nghĩa là đối xử hết sức vui vẻ và tươi đẹp với mọi người.  
• Ðại Xả còn có nghĩa là không thấy mình giúp đỡ, hộ trì ai cả. Ðại Xả cũng còn có nghĩa là không còn thấy ngã và pháp, nghĩa là thành tựu ngã không và pháp không. 

- Tứ vô lượng tâm của Bồ tát là cội gốc của tất cả các pháp và hạnh lành, nhưng thật ra trong bốn cái tâm ấy chỉ có tâm Từ mới là nguồn gốc. 

Phật nhấn mạnh đến vô lượng công đức của tâm này. Nó chính là đạo Bồ đề, là Ðại thừa, đại phạm, phụ mẫu, Phật tánh, đại Không, hư không, thường, lạc, ngã, tịnh, Phật, Pháp, Tăng, Cam lồ. Tâm Từ chính là Như Lai. 

Phật dạy muốn phụng trì kinh điển Ðại thừa Ðại Niết Bàn thì Bồ tát phải tu tập tâm Từ, vì nó đem lại cho chúng sanh rất nhiều lợi ích. Tâm Từ là loại tư duy chân thật,là thần thông kỳ diệu 

Phật dẫn dắt nhiều câu chuyện để chứng minh lời dạy của ngài như các câu chuyện về voi say, năm trăm lực sĩ kiêu mạn, trưởng giả Lưu Chí phụng sự bọn tà phái Ni Kiền Tử, nàng Bà Tư Tra nổi cơn điên vì mất đứa con thơ yêu quý, bọn cướp năm trăm tên bị vua Ba Tư Nặc bắt khoét mắt... Chúng ta nên biết rằng những lời Phật nói ra, dù lành hay dữ đều được nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng pháp và đem lại nhiều lợi ích cho chúng sanh trên bình diện tu tập Phật pháp. 

Bồ tát tu tâm Xả được trụ vào bực bình đẳng không hay hư không đẳng và đắc ngã không, pháp không. 

Tâm của Bồ tát sẽ như hư không, không chỗ nương tựa nhưng viên dung tất cả pháp giới. Ðại Bồ tát trụ ở bực này, vì độ sanh, sẽ được bốn trí vô ngại, Ðó là pháp vô ngại, nghĩa vô ngại, từ vô ngại và lạc thuyết vô ngại. Bốn trí vô ngại này chính là chỗ vô sở đắc của đại Bồ tát, là huệ, là đại Niết bàn vậy. 

- Thế nào là năm tướng suy nhược của chư Thiên? Trong phẩm này, Phật có đề cập đến năm tướng suy nhược của Thiên đế Kiều Thi Ca. Thiên đế mà cũng không thoát khỏi luật vô thường, biến đổi của trời đất. Khi đến giai đoạn hoại diệt thì Thiên đế như chư Thiên cũng phải lãnh thọ năm tướng suy nhược. Ðó là: 

1. Ðảnh kế bị héo.  
2. Tất cả lỗ chơn lông, ở nách... có mùi hôi, nước dơ rịn chảy ra.  
3. Thân căn suy bại.  
4. Mùi hôi hám phát xuất từ thân xác.  
5. Hiện tượng già nua, yếu ớt, tóc bạc phơ, xác thân yếu đuối. 

Người tu Phạm hạnh, ngoài việc tu tập Tứ vô lượng tâm, nhứt là tu tập tâm Từ, còn phải hiểu biết đúng sáu chánh niệm để thường xuyên nhắc nhở lấy mình và suy tư cho thông suốt. Ðó là: 

- Niệm Phật (biết rõ nghĩa lý của mười danh hiệu Phật).  
- Niệm Pháp.  
- Niệm Tăng.  
- Niệm Giới.  
- Niệm Thí.  
- Niệm Thiên. 

Niệm Thiên đây không phải là nhớ đến các cõi trời vô thường, biến đổi của Tứ thiên vương, Phạm vương, Phi phi tưởng mà là luôn nhớ tưởng đến cõi trời Ðệ nhất nghĩa thường trụ, bất biến, đến cõi Ðại Bát Niết bàn. 

Nói tóm lại, tuy Phạm hạnh gồm có bảy hạnh nhưng chỉ có hai hạnh Biết pháp và Biết nghĩa là quan trọng nhất. Thật vậy, khi chúng ta hiểu biết ý nghĩa các kinh điển Phật, chúng ta mới biết chọn lựa pháp môn hợp với căn cơ của mình để tu tập, thường xuyên soi rọi lại bản tâm để rồi quyết tâm dứt trừ ngã ái, ngã si, ngã mạn, ngã kiến, dẹp bỏ những gì mình còn vướng mắc, tìm hiểu những gì mình chưa hiểu, và hành những hạnh lành mình chưa hành. Chừng đó chúng ta mới biết được căn tánh của người đời sai biệt như thế nào, tâm tư, tình cảm của họ ra sao, những chỗ vướng mắc còn lại của họ để từ đó tìm phương pháp giúp đở. 

Nhằm mục đích phân loại bảy Phạm hạnh này, chúng ta có thể chia chúng thành hai phần. Phần một gồn hai hạnh: Biết pháp và Biết nghĩa thuộc về TỰ GIÁC. Phần hai gồm năm hạnh còn lại thuộc về GIÁC THA. 

Ngoài ra việc tu tập Tứ vô lượng tâm tuy nằm trong pháp tu Phạm hạnh, nhưng có phần cao hơn do ở chỗ tu tâm Từ, có thể giúp chúng ta dứt trừ ngã và ngã sở và thành tựu được bình đẳng tâm. Hơn nữa, tu tâm Bi có thể giúp thành tựu được công đức vô lượng. Vì thế tu tâm TỪ BI, chúng ta có thể dứt trừ tham, sân, si. Còn tu tâm HỶ, chúng ta sẽ phá tan tâm đố kỵ, ganh ghét để rồi thành tựu tâm an lạc. Cuối cùng tu tâm XẢ, chúng ta có thể thành tựu được vô số tam muội. 

Nói chung tu tập TỨ VÔ LƯỢNG TÂM, chúng ta chắc chắn sẽ thành tựu được TỰ GIÁC, GIÁC THA, LỤC BA LA MẬT, chứng được Phật tánh hay Như Lai tánh.

Liên Hoa Tịnh Huệ
http://www.thuvienhoasen.org


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage