Phật Học Online

Chấn hưng Phật giáo: Vẫn là yêu cầu hết sức cấp thiết
Minh Thạnh

Chấn hưng Phật giáo vẫn là một yêu cầu cấp thiết đối với Phật giáo Việt Nam hiện nay.


Đây là bài viết giới thiệu quyển sách Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 - 1954), tác giả Lê Tâm Đắc. Qua việc điểm qua một số vấn đề mà quyển sách nêu ra, bài viết đi tới một kết luận, như nội dung quyển sách thể hiện, là chấn hưng Phật giáo vẫn là một yêu cầu cấp thiết đối với Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Giới thiệu sách Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 - 1954), tác giả Lê Tâm Đắc.

Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 - 1954) là một công trình nghiên cứu giá trị về lịch sử Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Tác giả quyển sách, nhà nghiên cứu Lê Tâm Đắc, là một cây bút biên khảo được nhiều người biết đến, thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Một công trình nghiên cứu khác mới xuất bản gần đây của ông là quyển Mấy vấn đề Phật giáo trong lịch sử Việt Nam, viết chung với tác giả Nguyễn Đức Sự, cũng có một số phát hiện đáng chú ý.

Sách Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 - 1954) do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2011, dày 340 trang, có thể coi là một trong những công trình nghiên cứu chi tiết về phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam tại một địa phương, trải qua 30 năm. Sách không chỉ tập họp nhiều tư liệu quý, trình bày có hệ thống, mà còn đưa ra nhiều kiến giải quan trọng. Chương 1 của quyển sách: Sự ra đời phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc (1924 – 1954) đã đi từ việc tìm hiểu bối cảnh quốc tế với những chuyển biến quan trọng của Phật giáo đầu thế kỷ XX, những nhân vật tiêu biểu trong phong trào Chấn hưng Phật giáo thế giới, như các ông Henry Steel Olcott (1832 - 1907), Pháp sư Anagarika Dharmapala (1864 - 1933), Thái Hư đại sư (1890 - 1947)… đến việc phân tích những nguyên nhân chính trị, xã hội và tôn giáo trong nước, với tên tuổi các bậc cao tăng như Tổ Vĩnh Nghiêm – Hòa thượng Thích Thanh Hanh (1840 - 1936), Tổ Trung Hậu – Hòa thượng Thích Thanh Ất (1861 - 1940), Hòa thượng Thích Tố Liên (1903- 1977)… đến các vị cư sĩ như cụ Nguyễn Năng Quốc (1870 - 1951), cụ Lệ thần Trần Trọng Kim (1882 - 1953), cụ Đồ Nam tử Nguyễn Trọng Thuật (1883 - 1940)… Cuộc vận động chấn hưng Phật giáo miền Bắc từ được nghiên cứu như một quá trình lịch sử, với việc xâu chuỗi các sự kiện lịch sử theo trình tự thời gian, đến đi sâu nghiên cứu việc chấn hưng theo từng khía cạnh: giáo lý, phương pháp tu tập sinh hoạt tăng già, tổ chức giáo hội, công tác giáo dục, hoạt động nghi lễ và nơi thờ tự.

Các hoạt động cụ thể, từ nguồn tư liệu phong phú, vừa được ghi nhận, được lý giải, soi rọi vừa bởi chính những nhận định rút ra từ tư liệu lịch sử và vừa từ lời bình luận của chính tác giả công trình nghiên cứu. Tiến trình chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam đã được tái hiện cụ thể, sinh động trong một cái nhìn sắc sảo, tinh tế.

Sau khi ghi nhận, khảo sát những nội dung cơ bản của phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc (chương II), quyển sách đã có riêng một chương bàn về đặc điểm và vai trò của phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc. Tác giả đã có những đánh giá xác đáng về những thành tựu cũng như những vấn đề của phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam nói chung, ở miền Bắc nói riêng.

Vì những thành tựu là hiển nhiên, cho nên đóng góp của việc nghiên cứu thể hiện ở chỗ bình luận những vấn đề chưa thực hiện được. Đáng chú ý là mục “sự thiếu triệt để trong nội dung hoạt động của phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc”.

Tác giả đã đi sâu phân tích những nguyên nhân của vấn đề, đem lại cho người đọc những gợi ý cho việc suy tư về lịch sử Phật giáo Việt Nam cho đến những bài học kinh nghiệm có thể rút ra để vận dụng vào hoạt động hoằng dương chính pháp hiện nay.

Chấn hưng Phật giáo vẫn là một yêu cầu cấp thiết.

Đây là điều mà người đọc có thể rút ra sau khi đọc quyển Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 - 1954).

Biết xưa vì nay là một trong những mục tiêu nghiên cứu của tác giả quyển sách, được nói đến ở ngay lời nói đầu:

Những thành công và hạn chế của phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX là những bài học quý báu đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay trong việc giải quyết những thách thức đã và đang đặt ra cho Giáo hội như sự đổi mới về phương thức tu tập và hành trì của các tu sĩ phù hợp với sự phát triển và biến đổi của xã hội, sự phối hợp giữa hàng tu sĩ và hàng cư sĩ trong việc hình thành một đội ngũ tăng già cốt cán đủ mạnh để dẫn dắt Phật giáo Việt Nam, vấn đề Việt ngữ kinh điển Phật giáo, việc đề cao tư tưởng “Nhân gian Phật giáo”, vấn đề chương trình đào tạo tăng tài có sự kết hợp hài hòa giữa nội điển và ngoại điển, giữa Phật học và thế học, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyên sâu, chú trọng đến việc hướng tăng ni học tập các nghề nghiệp xã hội v.v…”.

Đó là mục tiêu của tác giả, nhưng đi sâu vào chuyên luận, người đọc sẽ thấy vấn đề còn hơn  như thế. Chấn hưng Phật giáo không chỉ là chuyện của quá khứ, mà nó vẫn còn là yêu cầu của Phật giáo Việt Nam hiện tại. Phần nội dung “Nguyên nhân chính trị - xã hội và tôn giáo trong nước” đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo và phần “Nguyên nhân nội tại của phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc” của tác phẩm nghiên cứu cho người đọc thấy rõ điều đó.

Phật giáo hưng thịnh thì đất nước cũng hưng thịnh”. Đó là một định đề bất di bất dịch. Lời của cụ Phan Chu Trinh được quyển sách dẫn lại đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo. Tôn giáo luyện cho ta đức hy sinh, coi nhẹ tính mạng, phá sản vì đạo. Không có tinh thần tôn giáo, chúng ta không biết cương thường, xả thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lối riêng của mình. Nay bà con thử xét, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy. Quân Nguyên thắng cả Á Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì lại bại tẩu, nào bị cướp giáo ở Chương Dương độ, nào bị  bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải nhờ đạo Phật thời đó rất hưng thịnh ư? Nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?” (trang 36).

Nhu cầu chấn hưng Phật giáo được coi là thống nhất trong giới trí thức, sĩ phu yêu nước, không phải chỉ vì lợi ích của Phật giáo, mà trên hết là vì lợi ích của đất nước, của dân tộc:

Các bài viết của Huỳnh Thúc Kháng trên báo Viên Âm của Phan Khôi trên báo Tràng An đầu những năm 1930 cũng có ý kiến tương tự với quan điểm của Phan Chu Trinh khi cho rằng chấn hưng Phật giáo là một việc làm có lợi ích cho quốc dân.

Như vậy, việc chấn hưng Phật giáo đã nhận được sự tán đồng của nhiều chí sĩ yêu nước đầu thế kỷ XX. Bởi vì, chỉ có Phật giáo mới đại diện cho cái “tinh thần tôn giáo” mà Phan Chu Trinh đã nêu. Các tôn giáo lớn khác ở Việt Nam đương thời đều bị cho là không hề làm được việc này vì Nho giáo thì đang suy tàn, còn Công giáo lại càng không, bởi nó bị coi là tôn giáo câu kết với quân xâm lược” (trang 37).

Phật giáo thịnh thì đất nước thịnh, lợi ích của Phật giáo gắn liền với lợi ích dân tộc. Do vậy, chấn hưng Phật giáo chính là góp phần xây dựng đất nước. Thế thì thời nào cũng vậy, để xây dựng đất nước hưng thịnh, vững mạnh, thì không thể không chấn hưng Phật giáo. Chấn hưng Phật giáo là yêu cầu gắn liền với xây dựng đất nước. Chấn hưng Phật giáo là không có thời hạn, không có điểm dừng.

Xét chấn hưng Phật giáo trong mối liên hệ với việc xây dựng đất nước là như thế, còn hiện nay, những nguyên nhân nội tại trong chính Phật giáo đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo ra sao. Những hiện tượng được ghi nhận trong sách Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 - 1954) đến nay đối với chúng ta không phải đã là chuyện dĩ vãng. Ở giới tu sĩ Phật giáo thì: “Nhiều nhà sư đã trở thành người thầy cúng độ nhật qua ngày, quên đi vị trí dẫn dắt tâm linh trí tuệ của mình. Chúng ta có thể thấy rõ hiện trạng này qua sự phản ánh của nhiều người tâm huyết đối với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.

Trong bài Hiện trạng Phật giáo ở xứ ta, Thanh Quang đau buồn trước hiện trạng Phật giáo nước nhà. Ông viết: “Đau đớn thay ở xứ ta những hạng người xuất gia vào chùa, phần nhiều chỉ học đặng vài bộ kinh, lo nhịp hơi cho hay tập nhịp tán cho già, nay lãnh đám này, mai lãnh đám khác, cũng tràng hạt, cũng cà sa, thử lật mặt trái mà xem thì có khác nào người trần tục ở trong Phật giáo, họ tưởng học thế là đủ rồi, nói bậy nói càn quên mất giá trị, hoặc có người hỏi đến Phật pháp là gì, ôi tuyệt nhiên không biết. Thật là một điều tai hại rất lớn trong Phật giáo vậy”” (trang 41).

Sách Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 - 1954) cũng dẫn lại lời Dương Bá Trạc (báo Đuốc Tuệ, số 101, 1939): “Các vị đại đức, các vị trưởng lão cũng chẳng có pháp lực gì đối với sư bác, sư ông. Người có học lực, có giới hạnh với người không giới hạnh cũng chẳng hơn kém gì nhau miễn ai khéo luồn lỏi, xu phụ thì được địa vị tốt, bổng lộc nhiều, mà ai vụng luồn cạnh chiều lòng thì phải địa vị xấu, bổng lộc kém. Chữ thánh hiền chúng vùi sâu xuống đất, nghĩa lục hòa lại biến ra tro, thậm đến nỗi giành chùa giành chỗ, ghen ghét cùng nhau, khích bác cùng nhau, oán phẫn cùng nhau. Người lớn không thương yêu người nhỏ, người dưới không kính nể người trên, người có không giúp đỡ người không, người khôn không bảo ban người dại, người đắc thời đắc vị không bênh vực người cô cùng hèn yếu, người lão thành tôn trưởng không trông nom người nhỏ bé thơ ngây, đối đãi với nhau cũng bỉ thử nhân ngã quá kẻ Việt người Tần, gặp sự khốn ách hoạn nạn của nhau cũng cái lối làng xóm cháy nhà bằng chân như vại. Những xú kịch, thảm kịch đáng thương, đáng bỉ xảy ra thường thường, không sao kể xiết…”.

Cùng với ý kiến của Dương Bá Trạc, quyển sách cũng trích dẫn nhân định của Thiều Chửu: “… Chính vì vậy, một hệ quả tất yếu là xuất hiện những nhà sư chất lượng kém, vi phạm giới luật. Họ lảng tránh việc hoằng dương chính pháp, hoằng pháp lợi sinh, chủ yếu kiếm sống bằng việc thực hiện những nghi lễ tôn giáo mang nặng tính chất mê tín, buôn Thần bán Phật, khiến dân chúng phê bình Phật giáo là “Miệng Phật tâm xà”, “Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”. Thực tế này khiến cho thế gian không mộ Phật, không kính Tăng”.

Trình trạng được ghi nhận ở trên, đến nay, sau gần một thế kỷ, rất tiếc vẫn chưa phải là chuyện khó tìm, nhất là ở các chùa quê. Một bộ phận không nhỏ Phật giáo Việt Nam vẫn mang nặng màu sắc mê tín, cúng bái, lễ lạy, người Tăng sĩ vẫn là thầy tụng đám.

Điều đó khiến chúng ta thấy rằng, hôm nay nếu đặt lại vấn đề chấn hưng Phật giáo, thì không phải là chuyện lạc điệu. Phật giáo vẫn còn phải tiếp tục chấn hưng, chấn hưng Phật giáo vẫn là một yêu cầu cấp thiết.

Những kết quả mà sự nghiệp chấn hưng Phật giáo từ đầu thế kỷ XX là rõ ràng, nhưng đó chưa phải là thành quả hoàn toàn. Kết quả đạt được chỉ mới là ở một mức nhất định, còn nhiều giới hạn, tính vững chắc chưa cao, thậm chí có thể xuống cấp, đảo ngược.

Xác định chấn hưng Phật giáo vẫn là một yêu cầu cấp thiết qua việc điểm một quyển sách về chấn hưng Phật giáo, mong rằng quý Tăng Ni Phật tử không bao giờ lơi lỏng với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, phải thấy là Phật giáo Việt Nam luôn luôn đứng trước đòi hỏi phải chấn hưng, chấn hưng liên tục và mạnh mẽ, không phút ngưng nghỉ. Chúng ta chấn hưng Phật giáo vì trách nhiệm đối với Phật giáo và cũng vì trách nhiệm đối với dân tộc. Một đạo Phật mạnh mới có thể góp phần vì một nước Việt Nam mạnh.

MT


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage