Phật Học Online

Để những lời cầu nguyện đầu năm thành hiện thực...

Tiễn năm cũ đi, đón năm mới tới, tôi nghĩ, ai trong chúng ta cũng mong sẽ đón được những điều tốt lành, trông những điều may mắn, hanh thông sẽ tới với mình và người thân... Đó là ước muốn muôn đời, chủ quan của bất kỳ người nào, bởi vì chúng ta luôn hy vọng và luôn muốn những điều tốt đẹp hơn với mình.

Phat tu di chua.jpg
Phật tử và người dân đi chùa đầu năm. 
Ảnh chụp ngày mùng 1 Tết Ất Mùi 2015, tại Việt Nam Quốc Tự 
- Ảnh: Vũ Giang

Song, muốn và mong là chuyện của tương lai, chuyện như đã nói - thuộc về chủ quan - còn việc điều gì sẽ đến và đến lúc nào, ra sao là do chúng ta quyết định thông qua những điều mình đã làm và sẽ tạo trong hiện tại, tương lai. Trong nhà Phật gọi đó là những nhân và duyên - vì vậy nói rằng: cuộc đời mỗi người do chúng ta tạo lấy, do chính mình xây nên chứ không phải do ai đó ban cho.

Đồng thời, sự khá lên hay sự suy sụp của chúng ta là do chính cách ta sống, bao gồm cả ba phương diện tạo nên, gồm ý-khẩu-thân (nhà Phật gọi là ba nghiệp) chứ không phụ thuộc vào điều ta mong, ta muốn và cầu xin, gửi gắm tới một bậc thánh thần nào đó, kể cả Phật và Bồ-tát.

Tất nhiên, điều ta mong-muốn đó có thể sẽ thành hiện thực nếu mình có sẵn nhân tương ứng và tiếp tục tạo duyên phù hợp để thúc đẩy ước nguyện của bản thành thành hiện thực. Tức là, khi mong muốn ấy được bước vào cuộc sống của mình bằng một sự cố gắng hướng về nó (với những điều kiện cần và đủ) thì chúng ta có khả năng đạt được ước mơ, chạm tay vào những dự định mà mình vạch ra trong kế hoạch cuộc đời hoặc hoạch định của năm mới.

Ngược lại, nếu chỉ gửi gắm lòng mong cầu (đôi khi vô độ theo tâm ý tham lam thái quá) thì không những ước nguyện không thành mà còn sanh ra đau khổ, mê muội trong sự ỷ lại vào việc gia hộ-độ trì của thánh thần, chư Phật, chư Bồ-tát... mà mình hướng về để lạy lục, van xin, nhất là trong dịp đầu năm mới.

Theo đó, nếu ta mong rằng ta sẽ đỗ đại học thì mình phải gia tâm học hành, chọn trường, chọn ngành phù hợp với khả năng, đúng sở nguyện.

Nếu ta muốn có một mái gia đình êm ấm thì tự thân phải biết giữ gìn, thủ hộ ý-khẩu-thân, không phóng túng và biết kiềm chế, học chữ nhẫn, chữ nhường, chữ nhịn, chữ bao dung, tha thứ... để đối với nhau. Tránh ứng dụng chữ sòng phẳng hay theo lập trình "ông ăn chả, bà ăn nem" mà phải quyết theo phương châm "ông ăn chả, bà ăn... chay", rồi nhớ "cơm sôi nhỏ lửa" chứ không thì khét lẹt hết...

Vân... vân... Nhiều ước muốn thực tế khác trong tâm tưởng cần được soi chiếu và bước vào thực hiện trên cơ sở thấy rõ nhân-duyên-quả của vấn đề; còn nếu chỉ có nghĩ và mong ước mông mênh thì sự đợi chờ chắc chắn trong vô vọng, khó thành, trở nên mông lung.

Vậy, năm mới, tôi nghĩ chúng ta hãy cứ ước-mong và nguyện cầu điều lành, nhưng kèm theo đó là ta sẽ nghĩ tới việc đi tới những điều đó như thế nào, bằng tâm thành và sự trong sáng, bằng niềm tin và sự cố gắng (nhưng đừng cố chấp và bất chấp) - để kết quả thế nào cũng sẽ là điều mà ta biết rõ và tin chắc - đó là điều tốt nhất ta có thể đạt được trong lúc này, ở hoàn cảnh cụ thể như vậy - rồi cứ thế mà an lòng, bước tiếp con đường, tức tiếp tục cố gắng giữ gìn, cố gắng làm lành lánh dữ...

Kính chúc tất cả mọi người, mọi loài đều hưởng trọn mùa xuân an lành trong ánh sáng của tình thương và sự hiểu biết...

Lưu Đình Long

giacngo.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage