PG & Đời sống
Phật tử trẻ tìm lại “Cái đẹp thuở ban đầu” trong đạo Phật
24/02/2014 16:36 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đây là nội dung của chương trình Pháp thoại do Đại đức Thích Viên Ngộ, tác giả của cuốn sách “Hạnh Phúc Tùy Cách Nhìn” đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ, những người đang tìm hiểu và yêu thích đạo Phật trong thời gian gần đây.

Chủ đề “Cái đẹp thuở ban đầu” cũng là một chương trong tập truyện đã được Thầy Viên Ngộ trích lược và phân tích dưới góc nhìn Phật pháp ứng dụng vào đời sống hiện tại một cách khéo léo nhằm truyền tải tới các bạn phật tử trẻ Hà Nội tại Phòng Thiền & Pháp thoại, Nhà hàng Chay Hanoi Vegan vào tối 22 - 02 – 2014 vừa qua.
 ĐĐ.Thích Viên Ngộ
Trong cuộc sống, mỗi người đều có cơ hội tiếp xúc với những cái đẹp, dễ thương, hồn nhiên và thơ mộng. Những yếu tố mới mẻ ban đầu ấy, dù là đối với vật chất hay tinh thần đều để cho chúng ta lưu tâm và trân quý. Mong ước được làm quen và yêu thương với một người nào đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất cuộc đời.
 
Và khi khát vọng ấy được thành tựu thì những cái tốt đẹp, thiện lành, niềm tin và sức sống trong ta hiện hữu, dâng trào. Có lẽ khoảng khắc sinh động đó là chất liệu ngọt ngào để xây dựng hạnh phúc lứa đôi, cho nên thi sĩ Thế Lữ mới nói rằng: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”. Nhà thơ khẳng định rằng, giây phút đẹp tuyệt vời ở buổi ban đầu ấy có thể kéo dài đến cả ngàn năm cũng chẳng ai quên được.

Và sự thật cho thấy, khi người con trai hoặc người con gái lớn lên ở độ tuổi lập gia đình, họ thường biểu lộ các tính cách dễ thương nhằm tạo ấn tượng đẹp đẽ để người khác phái cảm tình và thương mến! Khi chàng trai nhìn thấy tính cách nhẹ nhàng, duyên dáng và lễ độ của cô gái thì đem lòng cảm mến, quý trọng. Đối với người thiếu nữ cũng thế, mỗi khi tiếp chuyện với chàng thanh niên có tính tình điềm đạm, hiền hòa, có phong cách và tài năng thì cô ta nghĩ rằng, đây là người mà mình có thể gởi gắm thương yêu và nương tựa suốt cả cuộc đời. Do đó, họ đem hết cả tâm tư tình cảm dành trọn cho nhau, tạo niềm tin vững chắc để xây đắp duyên nợ trăm năm.
 
Tuy nhiên, sự thật của cuộc sống thì lại khác. Không ít người dễ dàng quên đi kỷ niệm đẹp đẽ ở thuở ban đầu và xem thường những gì họ đang có trong hiện tại, để rồi cứ mãi trông ngóng, chờ đợi và ảo tưởng đến một ngày mai. 

Thực tế cho thấy có những cặp vợ chồng đã sớm chia tay vì không biết nuôi dưỡng, chăm sóc hạnh phúc mà trước đó họ cho là đẹp nhất trần gian. 

Mặc dù trong quá khứ đôi nam nữ ấy đã từng tìm hiểu kỹ càng về lối sống của nhau và có khá nhiều kỷ niệm vàng son đẹp đẽ. Ấy thế mà sau khi thành thân rồi thì họ lại chẳng biết trân quý và giữ gìn. 

Có phải chăng, khi người kia chưa thuộc về mình thì đem lòng ao ước và mong đợi, đến khi “no xôi, chán chè” rồi ta lại tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt và xem thường? Có lẽ vì thế nên trong cuộc sống hàng ngày, họ ứng xử với nhau thiếu vắng chất liệu tươi mát, nhẹ nhàng và quý mến. Từ đó, sự nhàm chán ngày càng lớn dần lên và cuối cùng mỗi người phải tự đi tìm cho mình một phương trời mới lạ, hấp dẫn hơn.

Giá như cái đẹp ở thuở ban đầu ấy cứ duy trì mãi cho đến một ngàn năm như thi sĩ nói, thì chắc chắn chúng ta sẽ có được hạnh phúc trăm năm rồi. Nhưng thực chất chẳng bao giờ được như vậy cả, vì tất cả các sự vật hiện tượng trong đời sống này luôn luôn thay đổi, không có gì thực sự cố định. Do đó, chúng ta an vui hạnh phúc hay bất hạnh  khổ đau là tùy thuộc vào thái độ sống của chính mình ngay trong mỗi phút giây hiện tại.
 
Có lẽ khi yêu thương một ai đó, ta quá tưởng tượng, vẽ vời người ấy với nhiều đức tính tốt đẹp như một vị Thánh, đến lúc về chung sống với nhau không giống như mình mong muốn thì trở nên thất vọng và khổ đau. 

Nếu như chúng ta biết rằng, người ấy trong tương lai sẽ đổi thay, có thể tốt hơn hoặc xấu hơn, thì sau này lỡ có xảy ra điều không vừa ý ta không quá ngỡ ngàng hoặc oán trách ai cả. Đằng này ta lại yêu thương một con người trong trí tưởng tượng hơn là con người thực của chính anh ấy (hoặc cô ấy), cho nên thất vọng và khổ đau trong ta mới hình thành.

Thực ra, việc đổ vỡ hạnh phúc gia đình chủ yếu là do thiếu hiểu biết của cả hai phía. Khi chúng ta thiếu khả năng lắng nghe, thiếu sự định tĩnh và ít khi nhìn lại chính mình, thì tình thương dễ bị dục vọng thuộc bản bản năng điều động và sai sử hơn là tình thương chân thực. Do đó, muốn thiết lập hạnh phúc lâu dài thì đòi hỏi cả hai người phải biết chấp nhận nhau và cùng nhìn về một hướng.

Đề cập đến vấn đề nền tảng của hạnh phúc lâu dài, Thế Tôn dạy: “Này các gia chủ, khi cả hai vợ chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này và cũng muốn thấy mặt nhau trong những đời sau nữa, cả hai người cùng có niềm tin, cùng giữ giới, cùng bố thí, cùng tu tập trí tuệ thì trong đời hiện tại được thấy mặt nhau, và trong các đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau” (Kinh Tăng Chi Bộ I). Chất liệu để gắn bó tình nghĩa vợ chồng sống đầm ấm bên nhau, đó chính là niềm tin.

Niềm tin kiên cố là một trong những điều kiện căn bản để gắn kết hạnh phúc gia đình. Có rất nhiều cặp vợ chồng đã sớm chia tay vì không biết tin tưởng lẫn nhau. Chồng nghi ngờ vợ quan hệ bất chính với kẻ khác, và ngược lại người vợ ăn không ngon ngủ cũng không yên khi thấy chồng mình cứ đi làm về trễ hơn ngoài giờ quy định. Những nghi ngờ không thực tế ấy tạo ra mối lo âu, sầu khổ cho cả hai phía làm tổn thương nghiêm trọng đến tình nghĩa vợ chồng. Thế nên, khi hai người cùng đặt hết niềm tin chân thật về nhau là nhịp cầu vững chắc để kết nối tình thương yêu và xây dựng hạnh phúc lâu dài.

Để xác lập niềm tin kiên cố, đòi hỏi chúng ta phải sống đúng với các chuẩn mực đạo đức mà mỗi quốc gia, xã hội đã quy định. Cao hơn một chút nữa là phát tâm quy hướng Tam Bảo và thọ trì năm giới. 

Năm giới là nền tảng căn bản đạo đức, giúp cho chúng mở rộng lòng thương, trân quý sự sống. Và điều kiện tất yếu để việc làm của mình mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người, đó chính là sự tu tập để phát huy tuệ giác. Nhờ có trí tuệ mà mọi hành động, nói năng và suy nghĩ của mình trở nên chân thật, hữu ích, tạo niềm tin vững chắc cho người khác nương tựa, học hỏi và hướng thiện. 

Vì mỗi lời nói, cử chỉ của chúng ta biểu hiện trong đời sống hàng ngày đều là bài pháp thoại thực  tiễn không lời, tỏa chiếu lòng thương yêu, khiến cho những ai có cơ duyên tiếp xúc cũng đều rơi rụng các phiền muộn lo âu. Do đó, đối với người có sự hiểu biết thâm sâu sẽ tạo ra tình thương yêu cao đẹp, chân thật mà không phải là thứ tình “thương hại”. Thương mà không hiểu thì sẽ hại mình và hại cho kẻ khác.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, nếu chúng ta muốn thấy rõ mặt nhau, quý mến nhau ở trong hiện tại và mãi mãi về sau, không gì hơn là tu tập trí tuệ. Vì, cho dù một ai đó giàu sang quyền quý đến mấy chăng nữa, nhưng không biết cách tu tập để chuyển hóa tham dục, sân hận, ích kỷ, buồn chán… thì con người ấy sẽ thiếu vắng niềm tin yêu và hạnh phúc. 

Chỉ có tu tập trí tuệ mới phá vỡ khối u mê tham dục sâu dày trong ta, giúp tâm hồn vượt thoát mọi buộc ràng của bản ngã tham sân si, xây dựng tình thương yêu đích thực. Vì thế, mỗi khi tâm hồn bình thản và sáng suốt thật sự thì chúng ta trở nên bén nhạy, linh động trong việc ứng xử, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của cuộc sống. Đồng thời chúng ta dễ dàng hiểu rõ tâm trạng, tình cảm sâu kín của những người xung quanh, để thông cảm và chia sẻ những nỗi khổ niềm đau mà họ đang mắc phải.

Như vậy, việc gìn giữ và phát huy cái đẹp ở thuở ban đầu nhằm tạo dựng đời sống hạnh phúc ngay trong hiện tại và mãi mãi về sau không gì hơn là thực hành bố thí, trì giới, tu tập trí tuệ và chánh tín. 

Hay nói cách khác đơn giản hơn, bạn nên thường trực quan sát thân tâm mình và rõ biết những gì đang xảy ra ở phút giây hiện tại. Việc gì đến bạn căn cứ vào hiện thực ấy để giải quyết, xong rồi thì xả buông, thân tâm nhẹ nhàng và thanh thản. Được như thế, cuộc sống của bạn sẽ tràn đầy niềm an vui, tự tại ngay trong đời này và mãi mãi về sau.

Tâm An

Theo Phatgiao.org

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch