Đừng dung túng cho hủ tục
16/03/2018 21:51 (GMT+7)



TƯGH đề nghị loại bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo - Ảnh: T.L

Trong lịch sử của Phật giáo Việt Nam nói riêng cũng như Phật giáo các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nói chung, luôn diễn ra các cuộc chấn hưng, nhằm chấn chỉnh quy củ thiền môn, loại trừ sự pha tạp, những hiện tượng tín ngưỡng “tầm gửi” lên thân đại thọ bồ-đề. 

Đầu thế kỷ XX, một làn sóng chấn hưng Phật giáo đã dậy cả ba miền Bắc, Trung, Nam, với chủ trương lập hội Phật giáo, mở trường đào tạo người xuất gia, dịch kinh điển ra chữ Quốc ngữ và xuất bản báo chí để cổ xúy cho cái hay cái đẹp đích thực của đạo Phật. 

Giở lại các báo chí Phật giáo thời bấy giờ, chúng ta không khỏi bùi ngùi vì những khó khăn ban đầu mà chư vị tôn đức, cư sĩ trí thức đã gặp phải. Khó khăn không chỉ đến từ bên ngoài, khi nước ta rơi vào hoàn cảnh mất sự độc lập hoàn toàn, mà còn đến từ bên trong nội bộ, vì những quyền lợi thực dụng của một số người, họ cấu kết với nhau nhân danh truyền thống cũng như những giá trị nhân văn khác. 

Tuy nhiên, chính sự dõng mãnh và cương quyết không thỏa hiệp của chư tôn đức cũng như các vị cư sĩ trí thức đã tạo nên sự cộng hưởng, đồng thuận của xã hội. Dưới ánh sáng trí tuệ và tinh thần vô úy, một số hủ tục ký sinh trên cơ thể đạo Phật cũng đã được nhận diện và tách bạch dần ra khỏi thiết chế tín ngưỡng Phật giáo, trong chùa chiền, tự viện. 

Về phương diện thừa kế, hình ảnh Phật giáo tốt đẹp mà chúng ta đang có chính là được thừa hưởng từ những nỗ lực không ngừng của tiền nhân, trực tiếp là từ công cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX đầy gian nan mà chư vị tôn túc đã thực hiện. 

Vừa qua, TƯGH đã ban hành Công văn số 031/CV-HĐTS nhằm tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo trước thềm Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Mậu Tuất (2018). Theo đó, nội dung công văn gồm 3 điểm, yêu cầu các Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố thuộc hệ thống của GHPGVN: 

1. Hướng dẫn cho Tăng Ni, Phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo; 

2. Đề nghị chư tôn đức Tăng Ni hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam; 

3. Chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn trong nội dung các bài thuyết giảng cho tín đồ, Phật tử. 

Nội dung công văn này lập tức được dư luận quan tâm, đặc biệt là trong những ngày đầu tháng Giêng với sự tái phát theo thống kê có dấu hiệu ngày càng mạnh hơn các hiện tượng mê tín dị đoan, một số hủ tục mệnh danh truyền thống, tâm linh xen tạp vào cả sinh hoạt tín ngưỡng trong tự viện ở một số nơi. 

Việc TƯGH ra công văn là tín hiệu đáng mừng, dẫu rằng đây không phải là chuyện mới, mà đã được các vị tôn đức nhận định rõ ràng, thực hiện một cách cương quyết trong nhiều đợt chấn chỉnh Phật giáo trong lịch sử xa và gần. Việc làm đó đã đem lại kết quả cụ thể qua việc xua tan những đám mây mê tín dị đoan làm cho bầu trời văn hóa Phật giáo Việt Nam trở nên quang rạng, củng cố niềm tin của tín đồ theo tinh thần duyên sinh và đạo đức trên cơ sở quy luật nhân quả nghiệp báo, chứ không phải trông chờ vào sự ban phát nhờ cầu đảo. 

Mong rằng Công văn 031 của Giáo hội không chỉ dừng lại ở mức độ “đề nghị” mà cần có những biện pháp cụ thể và cương quyết, có chủ trương hướng dẫn tín ngưỡng phù hợp với chánh tín đạo Phật, để tránh tình trạng công văn thì cứ ban hành, nhưng thực tế thì vẫn mạnh ai nấy làm, viện lý “đáp ứng yêu cầu về tín ngưỡng của người dân”, vô tình dung túng cho những việc làm mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng tới vai trò của Giáo hội trong hướng dẫn sinh hoạt tín ngưỡng ở nước ta.

Hoàng Độ

Theo giacngo.vn

Các tin đã đăng: