Ứng dụng kinh Điềm Lành – xây dựng hạnh phúc lý tưởng
31/12/2021 09:43 (GMT+7)


“Chúng sinh cầu an lạc
Không dùng trượng hại người
Để tìm lạc cho mình
Đời sau được hưởng lạc.”[1]

Trong đời sống này tất cả ai ai cũng đều hướng đến hạnh phúc, hướng đến những điều may mắn, an lạc. Cuộc sống trên thế giới ngày càng bị đe dọa bởi nhiều bất an như nạn đói kém, dịch bệnh, chiến tranh,…

Vì vậy con người hiện nay muốn hướng đến những giá trị tinh thần, đang tìm hạnh phúc đích thực của kiếp nhân sinh. Bấy lâu nay họ mãi hướng ra ngoài, tìm cầu hạnh phúc, nhưng sự thực là chỉ chuốc thêm đau khổ, nhận được sự phản bội và giả dối. Nhận thấy được tầm quan trọng và tính cấp thiết về khái niệm hạnh phúc. Chúng ta hãy nhìn vào cách tổ chức và vận hành cuộc sống của một người xem người đó có một đời sống hạnh phúc, có may mắn hay không? Hãy nhìn qua những điềm lành sau khi quán chiếu theo lời Phật dạy.

Giới thiệu sơ lược bài Kinh

Bài Kinh Maṅgala (Kinh Điềm Lành) được đức Phật giảng tại Jetavana, cho một vị thiên nữ thưa hỏi về điềm lành tối thượng của loài người và chư Thiên. Bài Kinh Điềm Lành nói về nếp sống học pháp và hành pháp của người con Phật. Đức Phật dạy những ai muốn nhận ra điềm lành tối thượng là người đó biết cân nhắc chọn lựa giữa thiện và bất thiện, một nếp sống cung kính, khiêm tốn biết làm tròn các bổn phận; và một nếp sống biết điều phục tâm hướng đến đời sống tịch tĩnh, Niết bàn (Nirvana).

Nếp sống này chỉ người nào chọn Pháp và sống với Pháp người ấy được an lạc. Vì Như Lai là người chỉ đường, còn việc sống và làm theo hay không là do tự mỗi người thực hiện và thọ nhận. Trong Kinh Pháp Cú, Thế Tôn dạy: “Nếu Người theo đường này/Đau khổ được đoạn tận/Ta dạy Người con đường/Với trí, gai chướng diệt/Người hãy nhiệt tình làm/Như Lai chỉ thuyết dạy/Người hành trì thiền định/Thoát trói buộc Ác ma.”[2]

Những điềm lành căn bản

Thế nào là điềm lành? Maṅgala tiếng Anh là Discourse of good omen, Auspices hay good fortune. Tiếng Phạn là Maṅgalasūtra[3]. Như vậy, điềm lành là điều mong ước không chỉ ở loài người mà còn cả chư Thiên. Để có một đời sống an lành, an toàn mà ai ai cũng mong ước nên đức Phật dạy điều đầu tiên là thận trọng trong giao tiếp.

Không nên gần gũi kẻ ngu, nên gần gũi bậc trí, kính lễ bậc đáng kính, là điềm lành tối thượng “Asevanā ca bālānaṃ, paṇḍitānañca sevanā; Pūjā ca pūjanīyānaṃ, etaṃ maṅgalam’uttamaṃ”[4]. Sevanā là gần, asevanā là không gần, bālānaṃ là người ngu, người ác, người có tham sân si. Paṇḍitānañca là người hiền, người trí tuệ. Như người gần nhang thì thơm trầm, gần gũi người trí thì được mát mẻ. Nên Kinh Pháp Cú dạy rằng: “Sống chung với người ngu/Lâu dài bị lo buồn/Khổ thay thân người ngu/Như thường sống kẻ thù/Vui thay gần người trí/Như chúng sống bà con.”[5]

Người ngu là người như thế nào? “Kẻ ngu tiêu biểu là tà pháp, ác hạnh, phi đạo đức, do đó cần xa lánh, không nên gần gũi.”[6] Vậy nên cần phải có ba pháp sau đây sẽ làm cho người tu tập có hạnh phúc đó là: “Thân cận thiện hữu/Tai nghe pháp âm/Thành tựu pháp và tùy pháp.”[7]

Trong tạng Nikāya, việc lựa chọn bạn bè để thân cận, học hỏi, kết giao đã được đức Phật tuyên giảng trong nhiều bài kinh. Trong Kinh Tăng Chi, đức Phật đã dạy rằng: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sinh được sinh khởi, và các pháp bất thiện đã sinh đoạn tận. Với người làm bạn với thiện, này các Tỳ kheo, các pháp thiện chưa sinh được sinh khởi và các pháp bất thiện đã sinh được đoạn tận.” [8]

Môi trường xung quanh, đặc biệt thận cận những người hiền trí sẽ giúp đạo hạnh của chúng ta thăng tiến mỗi ngày. “Trên đời vốn chẳng có đường, người ta đi mãi thành đường đó thôi.” [9] Ngạn ngữ Anh có câu rằng: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ cho anh biết, anh là người như thế nào.”[10] Trong môi trường xấu, chúng ta dễ bị nhiễm những cái xấu. Còn môi trường tốt chúng ta sẽ bắt chước, học tập được những điều tốt đẹp. Xưa Thánh tăng Angulimala vì gặp phải người thầy tà kiến, hướng dẫn phương pháp sai lạc nên Ngài đã đi theo con đường tà kiến, lầm lỗi. Nhờ gặp được đức Phật, bậc thiên tri thức chỉ đường, khai ngộ mà Ngài từ một tên sát nhân khét tiếng trở thành một bậc A La Hán. Nên Kinh Pháp Cú đức Phật dạy: “Chớ thân với bạn ác/Chớ thân kẻ tiểu nhân/Hãy thân với người lành/Hãy thân bậc thượng nhân.”[11]

Chơi với người xấu sẽ làm vùi lấp các hạt giống thiện lành trong ta, có thể làm ta vướng vào vòng luân lí tội lỗi. Phật dạy người có trí là người phải biết tránh xa con đường nguy hại. Chơi với người xấu, ác thì theo cơ chế lây lan, bắc chước, những bất thiện sẽ là chất liệu hình thành nên tính cách, tâm tư, tình cảm của ta. Như những hạt sương dần dần sẽ thấm lần vào áo, không tránh được tai họa phải chịu.

Người bạn thiện sẽ giúp ta từ bỏ những bất thiện, làm lành lánh dữ. Kinh Tăng Chi đức Phật dạy những lợi ích khi thân gần một bậc thiện hữu: “Này các Tỳ kheo, với Tỳ kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, thời được chờ đợi như sau: sẽ giữ giới, sẽ sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn Patimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các pháp.” [12]

Đa số chúng ta đều bị ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường xung quanh, nhất là những người bạn thường gần gũi. Vì vậy nếu không tìm được những người bạn hiền thiện, thì nên sống độc cư một mình, nỗ lực trở thành người bạn tốt của chính mình trước.

Kinh Pháp Cú dạy rằng, “Tìm không được bạn đường, Tốt hơn hay bằng mình, Thà quyết sống một mình, Không làm bạn kẻ ngu.”[13] Cùng quan điểm này Kinh Tương Ưng đức Thế Tôn dạy: “Hãy thân với người lành/Hãy gần gũi người thiện/Biết diệu pháp người hiền/Giải thoát mọi khổ đau.”[14]

Nên người đủ thông minh sẽ làm cho cuộc sống của mình được an ổn và không bao giờ bỏ qua một cơ hội tốt khi được thân cận bậc có trí, làm mát dịu thân tâm chúng ta. Ngỡ rằng chỉ hạt sương mai/Sẽ tan trong gió chẳng hoài công chi/Nào ngờ sương thấm một khi/Hạt tâm nở đóa từ bi thơm lừng. Từ “thấm sương” trên để nói về sự ảnh hưởng, tác động của ngoại cảnh đến tâm lí của con người. Từ đó chúng ta có thể hiểu một phần nào của cuộc sống, nếu giao du với những người xấu, ta sẽ bị tiêm nhiễm những thói đời xấu đó, còn nếu ta gần gũi với những bậc thiện đức, quan hệ với những người tốt thì chắc chắn ta sẽ học hỏi được những điều tốt đẹp để phát triển và hoàn thiện những nhân cách, đạo đức của bản thân.

Dựa vào những gì xảy ra trong thực tế cuộc sống, ta thấy câu tục ngữ hoàn toàn đúng giữa mối quan hệ xã hội và việc hình thành nên tính cách, nhân cách con người. Triết lí sống người Việt có câu: “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.”[15] Do vậy chúng ta phải biết lựa chọn cho mình những bậc thiện hữu để thân gần, để cùng nhau hướng đến đời sống an vui trong hiện tại và mai sau. Thân gần những bậc thiện hữu chẳng khác nào một trận mưa xuân nhẹ, tưới vào các hạt giống thiện lành sẵn có trong mỗi người, từ đó phát triển thành bồ đề xanh um tỏa mát. “Mưa xuân nhẹ tưới đất tâm ướt, Hạt đậu năm xưa miệng mỉm cười.”[16]

Trên đây là điềm lành thứ nhất mở ra một nếp sống thiện lành với sự gần gũi của người trí một biểu hiện của một năng lượng tươi mát của sự tu tập. Một điềm lành khác mà người tu tập cần phải nhận biết và rèn luyện đó là, “học nhiều nghề nghiệp giỏi, tự khéo rèn đạo đức, nói những lời khéo nói, là điềm lành tối thượng”[17].

Thật vậy, để xây dựng một đời sống hạnh phúc cần phải nỗ lực học tập, học hỏi, rồi áp dụng vô nghề nghiệp cho thành thạo như người Việt có câu: “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, nghĩa là làm việc gì phải tập trung hết tâm lực vào thì thành công. Học tốt, làm tốt, nâng cao trình độ nhận thức tay nghề, thì người ấy còn biểu hiện ra lời nói dễ thương dễ nghe không làm cho người nghe khó chịu hay tổn thương. Những người thành công phần lớn họ có nhiều mối quan hệ tốt đẹp bởi họ biết cách vận dụng điều lành này vào trong cuộc sống. Hơn nữa, khi một người nói ra điều gì là biểu hiện một phần nào đó của nội tâm đang chứa đựng, nên nhìn cách họ trình bày là biết họ có phước báu, có điềm lành, có hạnh phúc hay không.

Điềm lành tiếp theo là: “phụng dưỡng cha và mẹ, đối xử tốt vợ con, việc làm luôn chân chính, là điềm lành tối thượng” [18] Đây là nói về trách nhiệm và bổn phận của một người tại gia, phải chăm lo đời sống cho các thành viên trong gia đình, điều này là vô cùng cần thiết của một người phật tử. Vì gia đình có hạnh phúc hay không sẽ tùy thuộc vào mỗi thành viên trong gia đình có làm tốt trách nhiệm và bổn phận của mình đối với gia đình hay không. Một người biết hiếu thuận cha mẹ, lo chăm sóc dạy dỗ con cái, thành con ngoan trò giỏi trong xã hội là một điềm lành trong đời.

Một điềm lành nữa là: “bố thí sống đúng pháp, đối xử tốt quyến thuộc, việc làm không lầm lỗi, là điềm lành tối thượng.”[19]

Một người sống ở trong đời cần phải có được nghề nghiệp ổn định, tạo ra được của cải vật chất một cách chân chính. Sau đó, làm các việc giúp đỡ bà con, bố thí cúng dường để tạo nên những phước báo thù thắng. Như Kinh ghi: “cúng dường đúng pháp sẽ được mười điều lợi: Người sao chép, cung kính kinh này, cả nhà luôn được yên ổn, tự tại, đủ mọi vật dụng, …”[20] Không dừng lại đó đức Phật còn dạy chế ngự các điều ác: “từ bỏ các điều ác, chế ngự các chất say, theo pháp không phóng dật, là điềm lành tối thượng”[21]. Đây là điềm lành cho tự thân mỗi hành giả tu tập, một nếp sống an toàn cho những ai tránh xa được các điều ác bất thiện pháp như sát sinh, trộm cắp, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, tránh xa các chất say, rượu chè cờ bạc. “Nếu người làm điều ác/Chớ tiếp tục làm thêm/Chớ ước muốn điều ác/Chứa ác tất chịu khổ/Nếu người làm điều thiện/Nên tiếp tục làm thêm/Hãy ước muốn điều thiện/Chứa thiện được an lạc.”[22]

Ngoài ra, khi quan sát thấy một người có thái độ sống cung kính khiêm nhường, biết đủ, biết ơn là người ấy có thêm điềm lành: “kính lễ và hạ mình, biết đủ và biết ơn, hợp thời nghe diệu pháp, là điềm lành tối thượng”[23]. Như đức Phật thường dạy khó thay được làm người, khó thay nghe diệu pháp. “Khó sinh ra làm người/Khó sống trọn kiếp người/Khó được nghe diệu pháp/Khó thay Phật ra đời.” [24]

Một điềm lành của người cư sĩ cần được nhận biết là, “Nhẫn nại và vâng lời, thân cận bậc Sa môn, hợp thời đàm luận pháp, là điềm lành tối thượng” [25]. Người phật tử là người hành trì pháp, tôn trọng pháp, mới thấy được sự quý báu của Pháp, sống tùy thuận pháp và hành trì pháp, từ đó pháp sẽ bảo hộ chúng ta có một đời sống an toàn, an vui, hạnh phúc bền vững. Vì vậy điềm lành này của người Phật tử là luôn có những bậc Sa-môn có tuệ có giới đức hướng dẫn nên phải thương thân cận, yết kiến để mở mang tâm thức, để vượt qua những cám dỗ, sức hấp dẫn của các dục một cách tinh vi làm cho đời sống chúng ta sa đọa. Thấy được sự thật của lòng dục, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly các dục.

Hạnh phúc cho mình và người

Những người có hiểu biết và lòng thương yêu họ sẽ biết cách làm cho mình và những người thương của mình hạnh phúc. Bằng cách sống trọn vẹn với pháp (dhamma). Nên Kinh Tăng Chi, ghi lại như sau:

“Thành tựu năm pháp Tỳ kheo đem lại hạnh phúc cho mình, và hạnh phúc cho người. Thế nào là năm? Vị Tỳ kheo tự mình đầy đủ giới hạnh và khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh, tự mình đầy đủ Thiền định và khuyến khích người khác đầy đủ Thiền định, tự mình đầy đủ trí tuệ và khuyến khích người khác đầy đủ trí tuệ, tự mình đầy đủ giải thoát và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát, tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Đầy đủ năm pháp này,… Tỳ kheo đem lại hạnh phúc cho mình và cho người (Tăng Chi II, 20)”.[26]

Hạnh phúc là điều mà con người đều muốn có được, ngày nay trên thế giới người ta đã thấy được tầm quan trọng này nên họ đã chọn “ngày Quốc tế Hạnh phúc hay là Ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness) là ngày 20 tháng 3 hàng năm.”[27] Vì theo họ ngày này là ngày cân bằng giữa âm và dương, ngày mà cân bằng về tất cả mọi mặt, như ngày và đêm,… Như vậy hiện nay con người cho rằng cái gì quân bình là điều hạnh phúc.

Lời dạy trên cho thấy tuệ giác được đức Thế Tôn giảng dạy nhằm xây dựng giới hạnh của con người, sống có phẩm chất đạo đức, có giới hạnh thanh tịnh để trở thành một con người thánh thiện giữa cuộc đời. Trí tuệ và đức hạnh như con chim có hai cái cánh để bay lên bầu trời cao rộng, được đức Phật khen ngợi. “Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời.”[28] Vì người nhận ra điềm lành như gần bậc trí, người thiện, làm việc thiện lời nói thiện, sẽ tạo nên một đời sống an yên giữa nhân gian đầy cạm bẫy, biến động, đổi thay.

Tóm lại, chính giáo pháp của Như Lai luôn có đủ sáu đặc tính, đó là: pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng (svākkhāto bhagavatā dhammo), thiết thực hiện tại (sandiṭṭhiko), vượt thời gian (akāliko), đến để thấy (ehipassiko), hướng thượng (opanayiko) và được người trí tự chứng (paccattaṃ veditabbo viññūhi). Vì thế, chúng ta phải luôn tinh tấn, nỗ lực tu tập, thực hành chính pháp qua bài Kinh Maṅgala đã giúp loài người và cả chư Thiên hướng đến một nếp sống an lạc, thiện lành không chỉ hôm qua mà cho cả hôm nay và mai sau.

Đây là một thiện duyên tốt lành để người tu tập mỗi lần học hỏi, thực tập sẽ làm cho đời sống an toàn, an lành, giàu có về vật chất cũng như tinh thần.

Thích Nữ Huệ Cảnh – Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

—————–

CHÚ THÍCH:
[1] Chánh văn: “Sukhakāmāni bhūtāni yo daṇḍena na hiṃsati, attano sukhamesāno pecca so labhate sukhaṃ”. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr.58.
[2]Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 86.
[3] Tham khảo https://viethungnguyen.com/2020/04/27/bai-chu-giai-kinh-Maṅgala-sutta/.
[4] Sđd. nt
[5] Thích Minh Châu, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 73.
[6] Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo & Hạnh Phúc Con Người, Kinh điềm lành tối thượng, Tôn Giáo, Hà Nội, 2002, tr. 270.
[7]Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 1 – Bộ A- Hàm I – Kinh Trường A- Hàm Số 1, 11. Kinh Tăng Nhất, Nxb Taiwan, 2000, tr. 270.
[8] Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ 2015 – Tập I, VIII. Phẩm Làm Bạn Với Thiện, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr. 47. ‘‘Nāhaṃ, bhikkhave, aññaṃ ekadhammampi samanupassāmi yena anuppannā vā kusalā dhammā uppajjanti uppannā vā akusalā dhammā parihāyanti yathayidaṃ, bhikkhave, kalyāṇamittatā. Kalyāṇamittassa, bhikkhave, anuppannā ceva kusalā dhammā uppajjanti uppannā ca akusalā dhammā parihāyantī’ ti. Paṭhamaṃ.”
[9] Lỗ Tấn. <https://daihoclongan.edu.vn/tin-tuc-su-kien/cuu-sinh-vien/1433-tren-doi-nay-lam-gi-co-duong-nguoi-ta-di-mai-cung-thanh-duong-thoi.htm>l. Truy cập 06/07/2021.
[10] Tham khảo trực tuyến:< https://www.chuahoangphap.com.vn/tin-tuc/chi-tiet-chon-ban-4487/>. Truy cập 06/07/2021.
[11] Thích Minh Châu, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr.47.
[12] Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ 2015 – Tập II, Chương Chín: Chín Pháp – I. Phẩm Chánh Giác, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr.438. ‘‘Kalyāṇamittassetaṃ, bhikkhave, bhikkhuno pāṭikaṅkhaṃ kalyāṇasahāyassa kalyāṇasampavaṅkassa – āraddhavīriyo viharissati akusalānaṃ dhammānaṃ pahānāya, kusalānaṃ dhammānaṃ upasampadāya, thāmavā daḷhaparakkamo anikkhittadhuro kusalesu dhammesu”
[13] Thích Thiện Siêu, Lời Phật Dạy, V. Phẩm Ngu, Tôn Giáo, Hà Nội, 2000, tr.31.
[14] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương I Tương Ưng Chư Thiên IV. Phẩm Quần Tiên, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.45.
[15] Tục ngữ Việt Nam.
[16] Thích Nhất Hạnh, Thơ Từng Ôm Và Mặt Trời Từng Hạt, Nxb Lá Bối 2000, tr.21.
[17] Chánh văn: “Bāhusaccañca sippañca, vinayo ca susikkhito; Subhāsitā ca yā vācā, etaṃ maṅgalam’uttamaṃ”.
[18] Chánh văn: “Mātāpitu upaṭṭhānaṃ, puttadārassa saṅgaho; Anākulā ca kammantā, etaṃ maṅgalamuttamaṃ”.
[19] Chánh văn: “Dānañca dhammacariyā ca, ñātakānañca saṅgaho; Anavajjāni kammāni, etaṁ maṅgalamuttamaṁ”.
[20] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 50- Bộ Đại Tập I- Số 397 (Quyển 1- 48), Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập, Quyển 45, Phẩm 14: Nhật Tạng, Phần 13: Bảo Vệ Tháp, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr.840
[21] Chánh văn: “Āratī viratī pāpā, majjapānā ca saṁyamo; Appamādo ca dhammesu, etaṁ maṅgalamuttamaṁ”.
[22]Thích Minh Châu, Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Nếp Sống Đạo Hạnh Và Trí Tuệ Trong Kinh Pháp Cú. A.- Giới ( Sìla), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr.71.
[23] Chánh văn: “Gāravo ca nivāto ca, santuṭṭhi ca kataññutā; Kālena dhammassavanaṁ, etaṁ maṅgalamuttamaṁ”.
[24] “Hard the winning of a human birth.
Hard the life of mortals.
Hard the chance to hear the true Dhamma.
Hard the arising of Awakened Ones.”
(Buddhavagga: Awakened 182, Thanissaro Bhikkhu dịch từ Pali)
[25] Maṅgalasutta — Mahāsaṅgīti Tipiṭaka Buddhavasse 2500. Trực tuyến: <https://suttacentral.net/kp5/pli/ms>. Truy cập 13/04/2021. “Khantī ca sovacassatā, samaṇānañca dassanaṁ; Kālena dhammasākacchā,etaṁ maṅgalamuttamaṁ”.
[26] Thích Minh Châu, Chánh Pháp Và Hạnh Phúc, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2001, tr.66.
[27] Tham khảo trực tuyến: Ngày quốc tế hạnh phúc, <https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%A0y_Qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF_H%E1%BA%A1nh_ph%C3%BA>. Truy cập 06/07/2021.
[28] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, tập 1, Kinh Chủng Đức-Soṇadaṇḍasuttaṃ số 4 Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2018, tr.120.

Các tin đã đăng: