Nét tôn nghiêm của Việt Nam Quốc Tự
28/12/2014 16:28 (GMT+7)


Trong các bài phỏng vấn trước đối với chư vị tôn đức giáo phẩm, bạn đọc chúng ta đã đọc những ý kiến nói về nhu cầu mặt bằng xây dựng, để đưa Việt Nam Quốc Tự trong tương lai trở thành một trung tâm tín ngưỡng tâm linh, hoằng pháp, tu học, giáo dục, văn hóa, y tế, sinh hoạt cộng đồng…

Một số ý tưởng phác thảo về tương lai, cũng như ghi nhận trong thực tế hoạt động trước đây tại Việt Nam Quốc Tự, đã được phân tích khá chi tiết.

Trong bài phỏng vấn này, Thượng tọa Thích Chơn Không sẽ nói về một khía cạnh khác, nhưng cũng là cơ sở của đề xuất xây dựng Việt Nam Quốc Tự thành một cao ốc, hơn nữa lại là cơ sở hết sức quan trọng, vì nó là lý do tâm linh. Đó là vấn đề tôn nghiêm, xét trong bối cảnh mặt bằng độ cao chung của kiến trúc thành phố.

Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Bạch Thượng tọa, trong một bài trả lời phỏng vấn trước, TT có nhắc đến chỉ đạo của hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN/TPHCM xây dựng Việt Nam Quốc Tự thành một trung tâm về tâm linh Phật giáo. Vì vậy, ở đây con xin tạm dừng các đề tài khác như văn hóa, từ thiện xã hội, hướng dẫn Phật tử để tập trung vào vấn đề tâm linh này. Thưa, thượng tọa nêu ý tưởng đặt Việt Nam Quốc Tự trên đỉnh một cao ốc có thể là 10 tầng hoặc là cao hơn thế nữa. Việc này có liên quan gì đến vấn đề tâm linh không? Nếu có thì liên quan như thế nào?

Thượng tọa Thích Chơn Không (TT TCK): Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng mà lẽ ra chúng ta nên nói đến trước tiên và nói tập trung hơn so với những vấn đề khác.

Dù là Việt Nam Quốc Tự đã được khởi công xây dựng, nhưng vẫn có thể điều chỉnh thiết kế. Và dù có thể là không có chuyện điều chỉnh thiết kế, nhưng những ý kiến của chúng ta vẫn sẽ được ghi nhận trong tương lai không xa. Mai hậu, nếu Phật giáo Việt Nam có gặp phải những vấn đề do thiếu thốn mặt bằng sử dụng, thì có lẽ, chư Tôn đức Tăng Ni Phật tử sẽ nghĩ lại đến những ý kiến của chúng ta. Hơn nữa, nhu cầu về diện tích xây dựng ở khu trung tâm đối với Phật giáo Việt Nam đã có ngay bây giờ, mà không đợi đến 50 năm sau. Nhu cầu đó không chỉ là về diện tích mặt bằng, mà còn là độ cao kiến trúc ngôi chùa. Đó là nhu cầu vì sự tôn nghiêm, là một lý do về mặt tâm linh. Vì vậy, đối với Việt Nam Quốc Tự, hoặc là đưa chính diện lên thật cao trên đỉnh ngôi chùa cao tầng, hoặc là chấp nhận việc mất tôn nghiêm, khi bị các tòa cao ốc vây bủa.

CS MT: Bạch TT, đây quả là vấn đề hệ trọng, vì thiết kế Việt Nam Quốc Tự đã được quý tôn đức thông qua, chỉ có chừng ấy tầng?

TT TCK: Việc thông qua tuy rất quan trọng, nhưng vẫn còn điều chỉnh kịp. Điều quan trọng là các Ngài có muốn xây cao tầng hay không? Riêng tôi thì xây cao tầng là điều  hết sức cần thiết, vì có xây cao tầng thì hình thức kiến trúc, độ cao của ngôi chùa, mới thể hiện được tính thời đại, tính lịch sử kết hợp với bản sắc văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc và nhu cầu sử dụng lâu dài. Việc xây dựng Việt Nam Quốc Tự thành một trung tâm của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo TPHCM. Trong đó, vai trò ý nghĩa tâm linh được đặc biệt nhấn mạnh. Sự thống nhất đó là cơ bản, thầy mong muốn ngôi Quốc Tự này có được 11 tầng, tiêu biểu cho 11 tổ chức giáo phái tham gia Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, chiều cao 63m, để kỷ niệm Pháp nạn năm 1963. Nếu chúng ta không sử dụng các con số lịch sự đáng nhớ ấy vào việc kiến trúc ngôi Quốc Tự, là điều thiếu sót đáng tiếc. Về căn bản, về mục tiêu, ý tưởng nêu trên, thầy trộm nghĩ sẽ được chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Thành phố xem xét.

Phối cảnh tổng thể Việt Nam Quốc Tự - ảnh Hải Đạt - GNO.

CS MT: Bạch TT, nhà cửa ở đô thị cái cao, cái thấp là chuyện bình thường. Nó có liên hệ gì đến chuyện tâm linh ở đây?

TT TCK: Trung tâm tâm linh (chính điện) phải là một kiến trúc cao hơn hoặc tương đương, không thể là một kiến trúc thấp trong khu vực. Trong bối cảnh đô thị có xu hướng kiến trúc cao, thế thì đạo hữu muốn chùa là kiến trúc cao hay thấp, chánh điện thờ Phật được đặt trên cao hay thấp?

CS MT: Bạch TT, dạ con muốn thờ Phật ở nơi cao nhất, chùa là kiến trúc cao nhất. Con chắc chắn rằng không một vị tôn đức hay Tăng Ni Phật tử nào muốn xây chùa thấp trong tổng thể không gian đô thị nhà cao nhà thấp xen kẽ, nhất là ở TPHCM nơi đang xây dựng cao ốc với tốc độ phi mã! Nhưng con cũng thấy chùa khác nhà thờ ở chỗ, chùa thường chỉ xây thấp còn nhà thờ thì thường xây cao, thậm chí rất cao. Như vậy, thưa xây chùa cao có mâu thuẫn với truyền thống kiến trúc tự viện Phật giáo?

TT TCK: Từ câu hỏi của đạo hữu thầy thấy có mấy ý cần làm rõ, nói đúng hơn là đính chính. Đạo hữu đã sai lầm khi nghĩ rằng hễ xây nhà thờ thì phải xây cao, còn xây chùa thì chỉ phải xây thấp. Về mặt tâm linh, thì đối tượng tín ngưỡng tôn quý luôn luôn được người tín đồ thờ phụng ở nơi cao nhất. Những vị thần được thờ dưới thấp thường là: Thần tài, ông Địa, Thổ thần, còn thờ Phật, thờ Chúa,… thì đều phải thờ trên cao. Do đó, không có chuyện xây nhà thờ thì cần xây cao, còn xây chùa chỉ cần xây thấp. Đạo hữu nếu quan niệm như vậy thì đã tự hạ thấp vị trí tín ngưỡng của mình.

Tuy nhiên, do nhu cầu phục vụ sinh hoạt tu học tín ngưỡng trước đây ít và đơn giản, nên chùa chỉ xây tầng trệt hoặc thêm 1,2 tầng lầu là đủ, tuy nhiên bên cạnh chính điện còn có ngôi bảo tháp cao tầng, để tôn vinh Tam bảo, như tháp chùa: Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm (Q3), Linh Sơn, Vạn Thọ (Q1), Ấn Quang (Q10), TX Trung Tâm (QBT), hoặc các ngôi tháp cổ kính lâu đời, như: tháp Phước Duyên – chùa Thiên Mụ, Tp.Huế, tháp Phổ Minh - Nam Định, tháp Báo Nghiêm cũng gọi là Bút tháp – chùa Ninh Phúc, Bắc Ninh, v.v…

Tóm lại, trong một không gian đã có nhiều cao ốc thì chùa phải là cao ốc cao nhất, mới giữ được vẻ tôn nghiêm. Nếu chùa xây thấp hơn các cao ốc trên đường phố đó, khu vực đó, thì tình trạng mất tôn nghiêm chắc chắn là không tránh khỏi, và không tránh được nhiều hệ lụy đáng tiếc. Ví dụ như chùa PM, Q.5 bên cạnh một tòa cao ốc là ký túc xá, thường xuyên bị các sinh viên ném rác qua cửa sổ rơi xuống nóc chùa, quần áo phơi bên cửa sổ cũng rớt xuống nóc chùa, làm dơ bẫn mái chùa, nghẹt máng xối, nước mưa chảy lênh láng trong chùa. nên chùa phải làm việc với Ban Quản lý ký túc xá nhiều lần, rồi nhờ đến chính quyền địa phương can thiệp,….Việt Nam Quốc Tự, tuy có không gian cách biệt với xung quanh, không lo chuyện bị ném rác như chùa PM, Q5, nhưng Việt Nam Quốc Tự cần có uy thế tôn nghiêm đúng nghĩa là một ngôi Quốc Tự.

CS MT: Bạch TT, con đã đến tận nơi quan sát, thì thấy trước đây từ ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Thị Minh Khai, hoặc từ ngả tư Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Trọng Tuyễn đã thấy ngôi tháp của chùa Vĩnh Nghiêm cao vòi vọi. Còn bây giờ, thì phải đến gần mới thấy ngôi tháp và những cao ốc gần đó, nhiều bảng hiệu thương mại, quảng cáo đã che khuất ngọn  tháp, làm mất vẻ tôn nghiêm. Ở những nhà có ban công gần đó, người ta đứng ngồi ở độ cao xấp xỉ với ngôi chính điện, vốn là nơi thờ phượng tôn nghiêm, con trông rất khó chịu?

TT TCK: Như vậy, tự đạo hữu đã trả lời cho câu hỏi. Đạo hữu có thấy những cao ốc đang che khuất nhà thờ Đức Bà không?

CS MT: Dạ có, báo chí đã làm rùm beng việc này, rất khác với trường hợp chùa Vĩnh Nghiêm ta, hầu như chẳng ai nói gì về việc “xóa” tháp thờ Phật bằng các kiến trúc có độ cao lớn ở gần tháp chùa Vĩnh Nghiêm.

TT TCK: Rồi kết quả ra sao mà thầy vẫn thấy một vài cao ốc xây dựng phía trước đó?

CS MT: Các cao ốc được cấp phép có địa chỉ trên những con đường gần đó, còn các địa chỉ nằm trên Quảng trường Công xã Pari thì chưa có cao ốc nào. Nghe nói cũng có khiếu nại về các cao ốc gần đó, nên họ phải lắp kính màu xanh da trời để xóa đi đường nét nặng nề của các cao ốc, nhưng lại rất chóa mắt. Thế là báo chí lại gọi đó là ô nhiễm ánh sáng không gian tâm linh của thành phố. Nhưng cũng may là nhà thờ Đức Bà có 2 ngọn tháp cao đến 60,50m. Với 6 quả chuông đồng, trong đó có quả chuông nặng tới 8.785 kg.

TT TCK: 60,50m của năm 1863, so với kiến trúc thời bấy giờ thật là tuyệt, nhưng so với các cao ốc đã xây phía trước thì…thì…, nhưng nhờ không gian bốn mặt đường và hoa viên trước nhà thờ rộng lớn, nên vẫn còn giữ được vị thế của thời hiện đại. Theo thầy, là ngôi Quốc Tự phải cao hơn so với kiến trúc chung quanh ít nhất vài mươi mét thì mới giữ được vẻ đẹp thanh nhã, tôn nghiêm lâu dài của ngôi Quốc Tự.

CS MT: Bạch TT, hy vọng là người ta làm cao ốc văn phòng, còn nếu xây chung cư quanh  chùa  thì người ta có thể đứng cởi trần,  mặc quần đùi nhìn xuống chính điện thì rất khó coi.

TT TCK: Vì vậy, không nên mong gì ở người ta, nếu có đất xây chùa thì phải xây cao thôi, nếu muốn giữ sự tôn nghiêm.

CS MT: Bạch TT, nhưng lân cận Việt Nam Quốc Tự còn có nhiều đất trống và kiến trúc Nhà hát Hòa Bình cũng đâu cao mấy?

TT TCK: Rạp hát Thăng Long gần đó chỉ xây trước Nhà hát Hòa Bình mấy năm, rất sang trọng tiện nghi, là nơi thường xuyên tổ chức chiếu phim chiêu đãi ngoại giao đoàn, cũng đã bị tháo dỡ xây cao ốc rồi. Có sẵn kiến trúc mới xây dựng thì còn như thế, huống chi là đất trống ở khu vực vàng nơi trung tâm. Vấn đề mà chúng ta đang tìm hiểu đây đã bắt đầu ngay từ lúc này, mà đúng ra đã bắt đầu cách đây 5-10 năm, khi thành phố bắt đầu cao ốc hóa. Cho nên chùa phải xây cao tầng, không có cách gì khác, nếu muốn giữ được sự tôn nghiêm tối thiểu.

CS MT: Bạch TT, TT dùng cụm từ cao ốc hóa, rất đúng, vì đó là quá trình gia tăng độ cao của kiến trúc thành phố, và trong sự gia tăng độ cao đó, thì mọi việc phải thích nghi theo, nhất là trên lãnh vực tâm linh, nơi thờ cúng không thể ở dưới thấp.

TT TCK: Các bài phỏng vấn của đạo hữu đã nói đến việc cao ốc hóa các trường đại học. Nhưng trong câu chuyện này, chúng ta chỉ giới hạn ở vấn đề chiều cao, nên không đề cập đến cao ốc hóa do nhu cầu mặt bằng. Đạo hữu còn thí dụ nào không?

CS MT: Dạ có, liên quan trực tiếp đến con là sau khi 2 cao ốc xây cạnh nhà con, thì một công ty điện thoại di động không thuê mặt bằng sân thượng nhà con nữa, mà họ dời sang sân thượng một cao ốc khác, cao hơn 2 cao ốc sát nhà con. Sau đó, lại có cao ốc xây cao hơn, trạm phát sóng bị rơi vào vùng lõm, họ lại dời lên một cao ốc cao hơn nữa… Cao ốc và trạm điện thoại di động cứ chạy đuổi lẫn nhau.

Trước đây, con làm việc trong ngành truyền hình, do cao ốc hóa, được biết Đài truyền hình TPHCM phải dỡ bỏ tháp truyền hình cũ cao 120 mét, phát sóng không còn tốt cho một thành phố với nhiều cao ốc và thay bằng tháp truyền hình mới cao khoảng gấp đôi.

TT TCK: Có chuyện như vậy sao? Đó cũng là những ví dụ về những trường hợp hoặc là đưa lên cao, hoặc là mất tác dụng. Thầy tưởng là chỉ riêng ở lãnh vực tâm linh mới cần độ cao trong sự so sánh với độ cao tổng thể của bối cảnh.

CS MT: Bạch TT, nhưng con thấy trong chung cư, thì các hộ dưới thấp vẫn thờ Phật được.

TT TCK: Nếu đạo hữu đã so sánh mà hỏi thầy thì chúng ta cần phải xét tới nhiều yếu tố:

-         Đó là trường hợp bất đắc dĩ, vì không gian của ta có bấy nhiêu thôi. Còn nếu có nhà phố, biệt thự thì phòng thờ Phật đương nhiên phải ở nơi cao nhất trong nhà.

-         Ngoài ra, cũng phải xét đến bối cảnh, vì nếu nhìn từ một điểm nào đó từ bên ngoài, mà lại thấy bàn thờ Phật dưới ban công một tầng cao hơn, nơi người ta có thể phơi quần áo hay đứng chơi, ngồi nghỉ… thì phải dời bàn thờ Phật đi chỗ khác, hoặc dùng màn che chắn bàn thờ Phật lại, chỉ mở màn khi thắp hương, lễ bái, tụng niệm. Tức là dù có thờ Phật ở tầng bên dưới trong chung cư, nhưng không để người đứng phía trên cao hơn bàn thờ Phật nhìn xuống.

CS MT: Bạch TT, nhưng con thấy ở nhiều chùa hiện nay, khi nhìn lên tượng Phật lộ thiên thì thấy ở bối cảnh không xa có những chung cư cao ốc.

TT TCK: Đó là điều mà thầy lo nghĩ đối với Việt Nam Quốc Tự, vì khi đã xác định Việt Nam Quốc Tự là một trung tâm tâm linh Phật giáo ở trong thành phố cao ốc hóa như hiện nay, thì phải xây dựng chính điện ở trên đỉnh ngôi chùa cao tầng. Chẳng những thế, ngôi chùa đó phải có chiều cao tối đa, để phía sau mái chánh điện, hay tượng Phật lộ thiên phải là trời mây bao la, chứ không phải là một cái gì khác.

CS MT: Xin cảm ơn TT đã dành cho cuộc phỏng vấn. Kính chào thượng tọa.

MT

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt, xin gởi về: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.

Các tin đã đăng: