Sơ lược các dòng Thiền Việt Nam
Nguyễn Hưng
23/11/2010 04:21 (GMT+7)


1. KHƯƠNG TĂNG HỘI VÀ KHỞI NGUYÊN THIỀN HỌC VIỆT

Khương Tăng Hội theo các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo, có bố mẹ người Trung Hoa, nhưng sinh ra và lớn lên tại Giao Chỉ, sau đó sinh sống và qua lại nhiều ở Ấn Độ và Trung Quốc, trong khoảng đầu đến giữa thế kỷ 3.

Khương Tăng Hội được coi là đặt nền móng cho Thiền học Việt và góp phần phát huy Thiền học ở Trung Quốc. Theo các nhà nghiên cứu, Khương Tăng Hội đã trước tác và hành đạo tại Luy Lâu, trung tâm Phật giáo của Giao Châu.

Bộ tác phẩm quan trọng nhất được biết đến hiện nay của Khương Tăng Hội là Lục độ tập kinh. Theo Lê Mạnh Thát, Lục độ tập kinh được dịch từ tiếng Việt ra tiếng Hán, như vậy, hoạt động học thuật về Phật giáo đã có cơ sở vững chắc và có yếu tố bản địa. Theo Nguyễn Lang, Lục độ tập kinh “không phải dịch từ Phạn ngữ” và “có những đoạn hoàn toàn do Khương Tăng Hội viết”.

Ngoài Lục độ tập kinh, tác phẩm quan trọng cho thấy tư tưởng Thiền của Khương Tăng Hội là “An Ba thủ ý”, diễn giải phép hành Thiền theo ảnh hưởng sâu đậm của giáo lý “không” và “chân như” của đại thừa. Theo Nguyễn Lang, Tăng Hội đã thực sự khơi mở cho Thiền học đại thừa bằng cách nói “tâm như uyên nguyên và chân như của vạn pháp”.

2. THIỀN PHÁI TỲ NI ĐA LƯU CHI

Hành trạng Tỳ Ni Đa Lưu Chi được nói đến ở sách “Thiền uyển tập anh”, ông “gốc ở Nam Thiên Trúc, vân du qua Trung Hoa; năm Nhâm ngọ (562) niên hiệu Đại Kiến thứ sáu nhà Trần đến Trường An.

Vào năm 574 sau khi Phật giáo bị Võ Đế đàn áp, ông đi về đất Nghiệp (Hồ Nam). Hồi đó, tổ thứ ba của Thiền tông Trung Hoa là Tăng Xán đang bị nạn ở đây, ẩn tại núi Tư Không” thì Tỳ Ni Đa Lưu Chi yết kiến Tăng Xán và được Tăng Xán khuyên mau mau đì về phương Nam”, ông liền đến Quảng Châu và vào Giao Châu năm 580, ở tại Pháp Vân Tự, tức chùa Dâu thuộc Luy Lâu.

Tỳ Ni Đa Lưu Chi chọn Pháp Hiến cũng ở chùa Dâu làm đệ tử, lập nên dòng Thiền mang tên mình. Theo các nhà nghiên cứu, dòng Thiền này truyền được 19 đời, từ năm 580 đến 1213.

Tư tưởng Thiền học Tỳ Ni Đa Lưu Chi chịu ảnh hưởng của Tăng Xán, bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã, Hoa Nghiêm, trong đó có sự tiếp thu và giao thoa của các yếu tố Mật giáo Ấn Độ và coi “tâm ấn” như là một tinh hoa của giáo pháp đại thừa.

Thiền học Tỳ Ni Đa Lưu Chi bắt rễ vào mảnh đất Giao Châu như một hạnh duyên tỏ ra khá hoà đồng với tín ngưỡng bản địa, vốn là nơi dân cư đa thần giáo.

Trong khi diễn tả tư tưởng Thiền, hành pháp của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi sử dụng sấm vĩ, thuật phong thuỷ và các yếu tố bản địa khác để hoằng dương Phật pháp, khuyến khích nhập thế ít ảnh hưởng Mật giáo Trung Hoa, qua đó ý thức dân tộc được tô đậm.

Theo Nguyễn Lang, “đây là một Thiền phái rất có tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo vừa biểu lộ dược đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ”

3. THIỀN PHÁI VÔ NGÔN THÔNG

Vô Ngôn Thông người Quảng Châu, họ Trịnh, xuất gia tu học tại chùa Song Lâm ở Vũ Châu. Niên hiệu Nguyên Hòa thứ 15 đường Đường (820). Vô Ngôn Thông đến Việt Nam, ở lại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, nay thuộc Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.

Vô Ngôn Thông thường thiền tọa, xây mặt vào vách, không nói năng gì. Nhiều năm trôi qua như thế, ít ai để ý, chỉ có sư Lập Đức tiếp nhận được tông chỉ màu nhiệm của Vô Ngôn Thông, được đổi tên là Cảm Thành và được truyền cho tâm pháp. Vô Ngôn Thông tịch vào năm 826; thời gian cư trú tại chùa Kiến Sơ chỉ có 6 năm.

Thiền phái Vô Ngôn Thông truyền được 17 đời, đến đầu thế kỷ 13.

Tư tưởng Thiền của Vô Ngôn Thông ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa sâu đậm hơn Tỳ Ni Đa Lưu Chi, biểu hiện ở việc tổ chức tu viện, sử dụng thoại đầu và đặc biệt là ảnh hưởng Tịnh Độ Giáo.

Kinh điển của Thiền Vô Ngôn Thông không chỉ là bộ Bát Nhã, mà còn nhiều bộ khác như Viên Giác, Pháp Hoa, nhấn mạnh giáo pháp “vô đắc” và “đốn ngộ”.

Nói cách khác, Thiền Vô Ngôn Thông khuyến khích các biện pháp tu chứng, tự cá nhân nhận thức thế giới bằng thiền định (vô đắc), đạt ngộ thì Tâm là Phật, Pháp cũng là Phật (đốn ngộ).

Do nguyên tắc “vô đắc” và giáo pháp “đốn ngộ” mà các thiền sư Vô Ngôn Thông coi trọng thực tế, nhập thế, có ảnh hưởng lớn đến xã hội.

4. THIỀN PHÁI THẢO ĐƯỜNG

Thảo Đường vốn là một nhà sư Trung Hoa tu ở Chiêm Thành, trở thành tù binh trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành của vua Lý Thánh Tông vào năm 1069. Khi bị bắt về Đại Việt, do duyên kỳ ngộ mà Thảo Đường được vua Lý Thánh Tông phát hiện, trọng dụng, cho trụ trì chùa Khai Quốc, phong là Quốc sư, lập nên một dòng Thiền mang tên ông và chính vua Lý Thánh Tông là tổ thứ 2.

Thảo Đường là đệ tử Tuyết Đậu, một Thiền phái Trung Hoa, thuộc dòng Vân Môn. Thiền phái Tuyết Đậu có đặc điểm bác học, chuộng thi ca, dung hợp Nho giáo và Phật giáo. Do khuynh hướng đó, tư tưởng Thảo Đường tỏ ra hợp thời, khi mà thời Lý đạo Phật khá phát triển và đang có nhu cầu bắt rễ vào những Phật tử thuộc tầng lớp nho sĩ.

Theo “Thiền uyển tập anh”, có 6 thế hệ Thảo Đường, bao gồm 19 người được tôn là tổ, trong đó chỉ có 10 vị xuất gia, còn 9 vị là cư sĩ, phần lớn là vua quan.

Thảo Đường được đánh giá là dòng Thiền có khuynh hướng bác học, cầu nối quan trọng để dẫn đến sự ra đời của dòng Thiền thuần tuý Việt Nam là Trúc Lâm sau này.

5. THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

Tổ thứ nhất lập nên Thiên phát Trúc Lâm là vua Trần Nhân Tông, sau khi nhường ngôi thì lên núi Yên Tử, tu tại chùa Hoa Yên từ năm 1299.

Theo các nhà nghiên cứu, vua Trần Nhân Tông vốn được sư Huệ Tuệ trao truyền giới pháp. Huệ Tuệ là tổ thứ 5 của sơn môn Yên Tử, một dòng Thiền có tư tưởng bản địa, có ảnh hưởng của dòng Lâm Tế Trung Hoa, có những vị thiền sư nổi tiếng như vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ.

 Vua Trần Nhân Tông đã đưa sơn môn Yên Tử thành trung tâm Phật giáo, khai mở một dòng Thiền mới “thuần Việt” và trở thành người lãnh đạo “Giáo hội” đầu tiên của Việt Nam.

Tư tưởng của Trúc Lâm là hành đạo giúp đời, đưa đạo đến đời, mọi giáo pháp đều xuất phát từ khuynh hướng “nhập thế”. Do vậy, thực tại cuộc sống là một yếu tố cấu thành giáo pháp, dẫn đến việc hoằng dương Phật pháp trước tiên phải tôn trọng thực tế cuộc sống với đặc điểm dân tộc, làm cho dân tộc trường tồn.

Người được vua Trần Nhân Tông tôn là thày, chính là Tuệ Trung Thượng Sĩ, đã cho rằng hình thức xuất gia và tại gia đã trở thành không quan trọng, đó là nguyên tắc “hoà quang đồng trần”, một danh từ của Lão Giáo mà giới Phật tử đã dùng để diễn tả thái độ dấn thân và hòa mình của các vị bồ tát trong cuộc đời để phụng sự, tiếp nối tư tưởng “Phật tại Tâm” mà nhà vua Trần Thái Tông đã anh hội từ chính các vị tổ của Trúc Lâm Yên Tử.

Về phương diện lịch sử tư tưởng, Thiền phái Trúc Lâm có tầm quan trọng đặc biệt đến sự phát triển tư tưởng dân tộc Việt. Trên nền tảng tư tưởng của những Thiền phái Phật giáo đã có từ trước như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, có tiếp thu các Thiền phái Trung Hoa, đặc biệt là Lâm Tế (với biện pháp hành thiền quyết liệt), Thiền phái Trúc Lâm đã tổng hoà những tư tưởng đó, nâng cao về phương diện bác học, đưa Thiền học vào cuộc sống bằng cách coi trọng yếu tố thực tiễn Việt Nam.

Các tác phẩm cơ sở của Thiền học Trúc Lâm như Khoá hư lục, Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục đã diễn tả tư tưởng và giáo pháp đó.

Thiền sư Trúc Lâm đi thẳng vào thế giới thực chứng bằng cách tháo bỏ mọi hàng rào khái niệm, đó thực sự là biện pháp đốn ngộ mà Vô Ngôn Thông đã nhắc đến, nhưng nhấn mạnh đến yếu tố “tâm”, phá bỏ những ảo tưởng, khuyến thiện bằng cách lấy cá nhân và đời sống thực tại làm trọng. Chính vì vậy, Trúc Lâm thiền phái đã góp phần xây dựng triều đại đương thời, tổ chức xã hội, bồi đắp nhân cách Đại Việt.

Thiền phái Trúc Lâm truyền được 3 đời, sau vua Trần Nhân Tông, đến Pháp Loa, rồi đến Huyền Quang, rồi bị ngắt quãng cùng với thời kỳ Phật giáo suy vi, Nho giáo thống trị xã hội Đại Việt.

Khoảng thời Lê Trung Hưng, có phong trào phục hưng Thiền phái Trúc Lâm, do điều kiện xã hội Nho giáo suy yếu, song nền tảng cơ sở không đủ đưa Trúc Lâm trở lại những ngày rực rỡ như thời thế kỷ 14.

Đến giữa thế kỷ 20, cùng với phong trào chấn hưng Phật giáo, nhiều vị Thiền sư có ý tái lập Thiền Trúc Lâm, nhưng đây còn là vấn đề học thuật đang tranh luận.

6. MỘT SỐ DÒNG PHÁI TRONG PHONG TRÀO PHỤC HƯNG TRÚC LÂM THỜI LÊ - NGUYỄN

6.1. Thiền phái Lâm Tế đến Việt Nam và thiền sư Chuyết Chuyết Lý Thiên Tộ

Thiền sư Chuyết Chuyết tên Thiên Tộ, họ Lý, pháp danh là Hải Trừng, pháp hiệu là Viên Văn, thường được gọi là Chuyết Công, sinh năm 1590, tại quận Thanh Chương thuộc tỉnh Phúc Kiến. Năm 1630, ông rời Trung Hoa đến đất Cao Miên, qua Chiêm Thành sang Đại Việt, đến năm 1633, tới được kinh thành Thăng Long, ông và đệ tử ở lại chùa Khán Sơn và bắt đầu giảng dạy Phật pháp.

Sau khi hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và công chúa Trịnh Thị Ngọc Duyên xuất gia tại chùa Phật Tích, chúa Trịnh Tráng bắt đầu cho trùng tu lại chùa Ninh Phúc ở Bút Tháp. Khi việc trùng tu hoàn tất, Chuyết Chuyết được mời sang trụ trì chùa Ninh Phước cho đến khi viên tịch. Hiện nay pho tượng nhục thân tại chùa Phật tích được cho là của Thiền sư Chuyết Chuyết.

Ông thuộc thế hệ thứ 34, dòng Lâm Tế ở Trung Quốc, truyền bá Thiền phái này ở Đại Việt. Điều đặc biệt của dòng Lâm Tế là hành pháp theo “tứ liệu giản”; công thức phân biệt và chọn lựa từng cấp bậc nhận thức nhìn theo chủ thể và khách thể.

6.2. Các thiền sư phái Lâm Tế Đàng Trong và môn phái Liễu Quán

Sau thời kỳ Nguyễn Hoàng cai trị phương Nam, từ đầu thế kỷ 17, hình thành trung tâm Phật giáo ở Thuận Hoá. Cùng với việc hùng cứ phương Nam, chống lại ảnh hưởng ngoại lai của các giáo sĩ phương Tây, các chúa Nguyễn chú ý phát triển Phật giáo nên mời nhiều cao tăng Trung Hoa sang Đàng Trong.

Phần lớn các thiền sư thuộc phái Lâm Tế đã trụ trì nhiều chùa quanh khu vực Thuận Hoá, trong đó có Thiền sư Viên Cảnh, Viên Chiếu, Nguyên Thiều... và nhiều Thiền sư khác, dẫn tới ra đời môn phái Liễu Quán.

Liễu Quán vốn là người làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, sinh năm 1670 trong một gia đình nghèo vào chùa từ năm 12  tuổi. Năm 1697, ông học Phật tại Thuận Hoá và sau nhiều năm chiêm bái các tổ đình khác nhau, cuối cùng năm 42 tuổi được Thiền sư Tử Dung nhận làm đồ đệ và hành đạo tại nhiều đạo tràng ở Thuận Hoá và Phú Yên. Ông mất năm 1742.

Theo các nhà nghiên cứu, Liễu Quán đã có công “Việt hoá” Thiền học Lâm Tế, để nó có màu sắc Việt Nam. Trước Liễu Quán, các đạo tràng Đàng Trong nhuôm màu Quảng Đông do các Thiền sư đến từ vùng Lưỡng Quảng Trung Quốc. Sau Liễu Quán, Lâm Tế chỉ còn học thuật phần hành đạo đã hoàn toàn mang tính bản địa; lấy yêu tố Việt để hoàng dương Phật pháp.

6.3. Thiền phái Tào Động ở Việt Nam

Tào Động từ Trung Hoa du nhập vào Việt Nam theo Thiền sư Thủy Nguyệt hiệu là Tông Giác, sinh năm 1936, quê làng Thanh Triều, ở Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Sau khi du học ở Trung Hoa, ông cư trú tại chùa Vọng Lão ở núi An Sơn, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương và hoằng dương Phật pháp, có nhiều đệ tử, Phật tử.

Theo Nguyễn Lang, ở Đàng Trong Đại Việt, người đầu tiên truyền bá thiền Tào Động là thiền sư Hưng Liên, lập đạo tràng ở chùa Tam Thai Quảng Nam và được tôn làm quốc sư. Sau đó, Thiền sư Thạch Liêm từ Quảng Đông được chúa Nguyễn Phúc Trăn mời sang chùa Thiền Lâm, truyền Thiền phái Tào Động.

Tư tưởng Thiền của Thạch Liêm tiêu biểu của dòng Tào Động hành đạo Thiền Tịnh song tu, phối hợp Thiền định và Tịnh độ, đưa giáo pháp đến quảng đại quần chúng. Càng về sau, Tào Động càng đi gần với Lâm Tế ở Đàng Trong, hình thành xu hướng Lâm Tào song hợp ở các đạo tràng.

6.4 Chân Nguyên phục hưng Thiền phái Trúc Lâm ở Đàng Ngoài

Thiền sư Chân Nguyên họ Nguyễn tên Nghiêm, quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, sinh năm 1646, xuất gia năm 19 tuổi, học với thiền sư Chân Trú tại chùa Hoa Yên, được pháp danh là Tuệ Đăng.

Ông được truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm trụ trì chùa Long Động và Quỳnh Lâm. Tư tưởng Thiền của Chân Nguyên lấy cơ sở là phát xuất trực tiếp từ kinh nghiệm về tự tính.

Theo Nguyễn Lang, “về phương diện phương pháp hành đạo, Chân Nguyên chủ trương rằng chìa khóa của sư đạt đạo là nuôi sáng ý thức mình về sự hiện hữu của tự tính “trạm viên”, nguồn gốc chân thật của mình. Ý thức được như vậy thì mọi ý nghĩ, mọi hành động của ta tự nhiên đi vào con đường giác ngộ, và không cử chỉ nào của ta mà không phải là mầu nhiệm thần thông: mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nêm, thân xúc và ý nghĩ. Đó là sự “vận dụng của lục căn” trên căn bản ý thức về tự tính giác ngộ”.

Chân Nguyên tịch năm 80 tuổi. Điều đóng góp quan trọng của Chân Nguyên là cổ suý phong trào học thuật, dịch và san định nhiều bộ kinh, tác phẩm Phật học, trong đó phần lớn những tác phẩm ấy còn đến ngày nay.

6.5. Hương Hải đưa Phật pháp vào đời sống

Thiền sư Hương Hải người làng Áng Độ huyện Chân Phúc (sau đổi là Chân Lộc rồi Nghi Lộc) tỉnh Nghệ An, tổ 4 đời theo chúa Nguyễn vào Đàng Trong, đến ông thì ngụ tại Phủ Thăng Bình (Quảng Nam). Sau nhiều năm tu hành, ông được chúa Nguyễn vời vào cung, sau bị vu cáo, ông bèn trốn ra Bắc năm 1683, năm đó ông 56 tuổi, cuối đời trụ trì chùa Xích Đằng, Kim Động, nay thuộc thành phố Hưng Yên.

Tư tưởng Thiền học của Hương Hải thiền sư là nhập thế, tiếp tục chủ trương lớn của Trúc Lâm nhưng theo giáo pháp mới, trong đó nhận thức luận của ông là đưa Phật đến chúng sinh, liên hệ tâm và cảnh, mê và ngộ, thiện và ác.

Theo PTVN

Các tin đã đăng: