Lý Quốc Sư - ngôi chùa 900 tuổi giữa phố phường đông đúc
20/05/2011 10:22 (GMT+7)


Những thăng trầm chùa cổ


Tôi đến thăm chùa Lý Quốc Sư đúng vào ngày giỗ tổ của chùa, ngày mồng 2 tháng Hai năm Canh Dần - 2011. Sự đón tiếp niềm nở không ngờ của các phật tử, bên mâm cơm chay, khiến cho một người khách lạ như tôi cảm thấy gần gũi, ấm lòng.

Lý Triều Quốc Sư là một trong những ngôi chùa xưa ở Hà Nội hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý. Cách bài trí cũng như kiến trúc tinh tế với những hoa văn chạm khắc độc đáo, những bức tượng Phật, tượng La Hán, với tiếng chuông trầm lắng và hương thơm thoang thoảng của những lẵng hoa tươi, rất gây ấn tượng.

Xưa kia, nơi đây thuộc thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương với tên gọi là đền Lý Quốc Sư hay đền Tiên Thị. Đền được xây dựng vào thời Lý, ghi danh vị Quốc sư Nguyễn Chí Thành (1066 - 1141), người làng Điềm Xá (huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Năm 11 tuổi (1077), Ngài xuất gia tu Phật, cầu đạo với Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lấy hiệu là Khổng Minh Không. Đắc đạo, Ngài về trụ trì tại chùa Giao Thủy (Nam Định).

 Ngài là bậc Đại sư thông tuệ Phật pháp, được giới tăng ni ngưỡng vọng, nhà vua kính trọng. Tháng 5/1131, đích thân vua Lý Thần Tông cho dựng nhà để Minh Không thiền sư nghỉ ngơi trong những lần về kinh chữa bệnh cho vua quan và bách tính. Đây cũng chính là vị trí của ngôi đền Tiên Thị sau này.
 
 
 
Chùa Lý Quốc Sư nhìn ra phố cùng tên
 
Đại sư Minh Không, do có công chữa khỏi bệnh nan y cho vua Lý Thần Tông, nên được phong làm Quốc sư. Sau khi Ngài viên tịch, để ghi nhớ công ơn, vua Lý Anh Tông và nhân dân đã lập đền thờ Ngải tại làng Tiên Thị (nguyên là “tịnh xá” xưa vua Lý Thần Tông khởi dựng cho Ngài).

Trải qua gần chín thế kỷ, nhân dân vẫn thờ phụng hương khói, tưởng nhớ vị Quốc sư tài đức vẹn toàn. Hiện nay, Thiền sư Minh Không còn được thờ phụng tại nhiều ngôi chùa khác như chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Địch Lộng (Ninh Bình) và chùa Cổ Lễ (Nam Định)…
 
Cùng với những biến động của lịch sử, ngôi chùa không còn giữ được dáng vẻ của buổi khởi nguyên dù đã được nhiều thế hệ tiền bối bảo quản, giữ gìn. Hiện vẫn còn dấu vết của hai lần sửa chữa lớn, đó là vào mùa xuân năm Giáp Dần (1674), các di vật tiêu biểu còn để lại là hệ thống tượng chân dung tạc bằng đá rất tinh xảo gồm: tượng Phụ mẫu Quốc sư Minh Không, tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Thiền sư Giác Hải. Đây không chỉ là những tác phẩm điêu khắc quý giá, mà còn là những sản phấm tiêu biểu trong kho tàng nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.
 
Lần trùng tu thứ hai của đền Tiên Thị vào năm 1855. Đền được xoay lại hướng đông như cũ và mở rộng quy mô kiến trúc với ba gian tiền tế, năm gian hậu cung, hai dãy giải vũ, xây thêm tam quan phía trước và sơn thếp lại tượng thờ trong đền, tạc lại tượng Quốc sư Minh Không. Trong lần trùng tu này, để ghi nhớ công lao của gia đình quan huyện Thọ Xương họ Phan - có nhiều công sức trong việc sửa chữa đền - nhân dân đã tạc tượng họ và thờ trong đền.
 
Chính điện
 
 
Tòa chính điện
 
Năm 1922, được các phật tử và người dân quanh vùng sửa chữa các hạng mục như nhà Tàng kinh, Điện Mẫu, Tổ đường…
 
Năm 1930, Hòa thượng Thích Thanh Định đến trụ trì đã tôn trí thêm tượng Phật, Bồ tát và đổi tên đền thành chùa Lý Triều Quốc Sư.

Ngày 5/6/2000, chùa chính thức khởi công trùng tu Đại hùng bảo điện. Lần trùng tu này, những đặc điểm kiến trúc, trang trí… vốn có của chùa đều được giữ nguyên.
Ngày 13/11/2000, chính quyền, nhân dân địa phương cùng nhà chùa  chính thức làm “Lễ cắt băng khánh thành Đại hùng bảo điện cùa Lý Triều Quốc Sư”. Đây là một trong những công trình được gắn biển “Công trình chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội”.
 
Vẻ đẹp chốn linh thiêng
 
Chùa Lý Triều Quốc Sư là ngôi chùa cổ tiền Phật, hậu Thánh (tức thờ Phật trước, Thánh sau) hiện do Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm trụ trì. Kiến trúc hiện tại của chùa gồm ba gian tiền đường và năm gian hậu cung. Theo hướng các tượng Phật nhìn ra thì phía trái là gian Tổ, phía phải là gian Mẫu, ở giữa là chính điện. Cổng chùa được thiết kế theo hình vòng cung, gồm cổng chính lớn nằm giữa hai cổng phụ.
 
Bước vào Tiền đường là một không gian yên tĩnh với ánh sáng vàng lung linh. Ngoài gian giữa thờ Phật, hai bên cánh phải và trái của chính điện còn thờ các vị Thánh là Thánh phụ Quốc sư, Thánh mẫu Quốc sư, Thần Già Lam (Đức Thánh đường), Đại Thánh A Nan Tôn Giả; cùng gia đình quan huyện Thọ Xương.
 
Nét cổ kính của chùa được thể hiện ở tám cột vuông bằng đá và hai hàng cột gỗ sơn son thếp vàng, trang trí hoa văn và những câu đối cổ xưa. Trong chùa còn lưu giữ tấm bia đề năm Tự Đức thứ 8 (1855) kể việc trùng tu chùa, một quả chuông "Bảo Tháp từ chung" có niên hiệu Gia Long (năm Ất Hợi 1815). Một di vật nữa có niên đại thời Hậu Lê là trụ đá trước sân chùa, trên đỉnh nóc tạc tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cùng Thiện Tài, Long Nữ.
  
Bước vào chùa, ta không chỉ cảm nhận được không gian yên tĩnh, bỏ quên những ồn ã, náo nhiệt bên ngoài mà còn được hít thở một bầu không khí thực sự thoáng đãng và trong lành. Sân chùa luôn được giữ sạch để mỗi người khách khi ghé thăm đều có được cảm giác thoải mái từ ngôi chùa cổ.
 
Lễ tụng kinh vào ngày giỗ tổ chùa
 
Lễ tụng kinh trong ngày giỗ tổ
 
Lễ tụng kinh thường nhật của chùa bắt đầu từ 17 giờ 45 phút. Ngày nào cũng vậy, hơn chục phật tử lại tới đây, cùng với nhà chùa thể hiện lòng thành kính với Đức Phật. Hằng tháng, chùa tổ chức sáu buổi giảng kinh, những người đến nghe có khi lên đến hàng trăm. Ngay từ 4 giờ 30 phút, người ta đã tới đây để lắng nghe những điều Phật dạy, lắng nghe điều hay lẽ phải trong cuộc sống, thanh lọc tâm hồn, giũ bỏ những bộn bề lo toan của cuộc sống.
Theo: dvt.vn

Các tin đã đăng: