Tịnh độ
Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm, Bảo Đảm Vãng Sinh
Thích Minh Tuệ Phật Lịch 2554 - 2010
19/05/2011 02:38 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHẦN II

TƯ LƯƠNG TỊNH ĐỘ

Muốn thành tựu tịnh nghiệp, vãng sanh Cực Lạc hành giả phải có đủ ba món tư lương là: Tín, Nguyện và Hạnh.

1.- TÍN

Tín là lòng tin. Tín những gì? Có sáu thứ tín: tín tự, tín tha, tín nhân, tín quả, tín sự, và tín lý.

Tín tự là tin mình có Phật tánh, mình có khả năng thành Phật.

Tín tha là tin Phật Thích Ca không nói dối, tin Phật A Di Đà không nguyện suông.

Tín nhân là tin sâu tiếng niệm Phật là hạt giống, là cái nhân để thành Phật.

Tín quả là tin những vị thượng thiện nhân đang tụ hội ở Cực Lạc là nhờ niệm Phật mà được đến đó, giống như người trồng nhân dưa được quả dưa, trồng nhân đậu được quả đậu. Cũng giống như bóng phải theo hình, âm vang phải theo tiếng. Quyết không nghi ngờ gì cả.

Tín sự là tin hễ có cái này là có cái kia. Có nước Việt nam thì có nước Mỹ, nước Pháp. Có thế giới Ta Bà thì có thế giới Cực Lạc.

Tín lý là tin rằng: "Nhứt thiết duy tâm tạo" tâm đã tạo ra Ta Bà thì tâm cũng tạo ra Cực Lạc.

Liên tông thập Tổ Hành Sách Đại Sư dạy: "Người niệm Phật phải đầy đủ ba lòng tin sau đây:

- Phải tin Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai biệt. Ta là Phật chưa thành. A Di Đà là Phật đã thành.

Tánh giác không hai: Tâm giác là Phật, Tâm mê là chúng sanh.

- Phải tin ta là Phật lý tánh, Phật danh tự. A Di Đà là Phật cứu cánh.

Tánh tuy không hai nhưng ngôi vị cách xa như trời với vực. Nếu không chuyên niệm đức Phật ấy cầu sanh về cõi Tịnh, ắt nghiệp lưu chuyển chịu khổ vô cùng.

- Phải tin ta dù nghiệp sâu chướng nặng, sống lâu trong cảnh khổ, ta vẫn là chúng sanh trong tâm Phật A Di Đà. Phật A Di Đà tuy muôn đức trang nghiêm ở xa ngoài mười muôn ức cõi Phật, cũng là đức Phật trong tâm chúng ta. Đã là tâm tánh không hai nên tự nhiên cảm ứng. Sự thiết tha của ta ắt có thể cảm lòng từ bi của Phật, ắt có thể ứng, như đá nam châm hút sắt, việc này không thể nghi ngờ".

Ưu Đàm đại sư(5) dạy: "Tin nghĩa là tin theo, như trong kinh nói:

- Tin niệm Phật nhứt định vãng sanh Tịnh độ.
- Tin niệm Phật nhứt định diệt trừ mọi tội lỗi.
- Tin niệm Phật nhứt định được Phật hộ trì.
- Tin niệm Phật nhứt định được Phật chứng minh.
- Tin niệm Phật, đến lúc mạng chung, nhứt định được Phật tiếp dẫn.
- Tin niệm Phật, bất luận là chúng sanh nào, hễ có cùng lòng tin đều được vãng sanh.
- Tin niệm Phật vãng sanh Tịnh độ nhứt định được vào bất thối chuyển.
- Tin vãng sanh Tịnh độ nhứt định không còn rơi vào ba đường Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh".

Phải tin sâu: giá như tất cả chúng sanh trong mười phương thành bậc A La Hán, thành Bồ Tát đồng khuyên ta bỏ Tịnh Độ, thậm chí Đức Phật Thích Ca hiện thân bảo ta bỏ pháp môn niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, để quý Ngài chỉ dạy ta pháp khác vi diệu hơn, ta vẫn bái lạy quý Ngài mà thưa rằng: "Bạch đức Thế Tôn, Bạch quý Ngài từ trước đến nay con vẫn tin lời dạy trước đây của Thế tôn, niệm Phật A Di Đà cầu nguyện vãng sanh Cực Lạc, nay con không thể trái lại với bản nguyện này".

2.- NGUYỆN

Nguyện là nguyền, là thề, là nói lên lòng khát khao ao ước của mình, muốn sanh về Tịnh Độ, muốn thấy Phật A Di Đà.

Từ Chiếu Đại Sư nói: "Luôn luôn phát nguyện ưa thích vãng sanh, ngày ngày nguyện cầu chớ cho thối thất. Nếu không có tâm phát nguyện thì căn lành chìm mất". Kinh Hoa Nghiêm nói: "Không phát đại nguyện, đó là việc làm của ma".

Muốn có nguyện thiết tha, chúng ta hãy tự quán xét lại chính mình, tìm đối tượng mình nhàm chán ghét bỏ, hoặc mình đang tha thiết mong muốn sự gì, việc gì, khía cạnh nào đó, bất như ý, ở Ta Bà này không thực hiện được mà ở Cực Lạc được ưa thích, thỏa mãn được lòng mong muốn ấy, thì lấy đối tượng, sự việc ấy làm động cơ thúc đẩy ta, thiết tha phát nguyện vãng sanh.

Thí dụ:

- Thật sự nhàm chán, ghét bỏ sự hiểm nguy của sanh tử luân hồi.
- Nhận rõ, ghê sợ nỗi khổ đau của ba đường ác.
- Người mắc bịnh nan y, chờ chết. Cực Lạc thì không bịnh, không già, không chết, sống lâu vô hạn.
- Người có con ngỗ nghịch, xì ke ma túy... mình khuyên lơn, nhắc nhở không được, sợ họ bị sa địa ngục cần cứu độ.
- Hoặc cần báo đáp tứ trọng ân v.v...

Nếu ta còn ở Ta Bà sẽ bị đau khổ dài dài, phải bó tay, không cứu độ được mọi người như ý, vậy thì chỉ còn cách vãng sanh Cực Lạc để tránh khổ đau, được an vui, hoặc để rồi trở về Ta Bà cứu độ thân nhân. Tuy mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi vấn đề, mỗi đối tượng khác nhau, có ý nguyện khác nhau, lấy đó làm động cơ thúc đẩy ta phát nguyện, lời phát nguyện này xuất phát tận đáy lòng thiết tha mong muốn, ao ước thì lời phát nguyện mới thật sự thiết tha được.

Chư Tổ dạy: "Nguyện bất thiết bất sanh Cực Lạc".

Tổ thứ chín, Ngẫu Ích Đại Sư dạy: "Vãng sanh hay không là do có Tín, Nguyện hay không? Còn phẩm vị cao hay thấp là do công phu sâu hay cạn". Lời nguyện phải chân thật, chí thành khẩn thiết, không phải trả bài thuộc lòng, càng không phải là việc làm lấy lệ.

3.- HẠNH

Tổ dạy: "Thật sự vì sanh tử, phát lòng Bồ Đề, lấy Tín Nguyện sâu, trì danh hiệu Phật". Lòng Bồ Đề là lòng trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh (Thượng Cầu Hạ Hoá).

Kinh dạy:

Chúng sanh vô biện thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Ngài Từ Chiếu Đại Sư sợ mọi người vướng mắc vào sự không rõ lý, nên mới nói:

Tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ,
Tự tánh phiền não thệ nguyện đoạn,
Tự tánh pháp môn thệ nguyện học,
Tự tánh Phật đạo thệ nguyện thành.

Bốn câu nầy nói lên lý chân thật rõ ràng, để khiến cho tất cả mọi người độ hết thẩy chúng sanh (vọng niệm) ở trong tự tâm. Nghĩa là do những tâm niệm tà mê, tạp tưởng, tham lam, si mê, tật đố, sân hận, ác độc nên khiến họ phát thệ nguyện lớn tự tánh tự độ.

Lại ở trong tự tánh đoạn trừ tất cả phiền não là tư tưởng tà, ý niệm tà, trần lao nghiệp thức, như mây mù che lấp tự tánh nên ánh sáng chẳng hiện. Vì thế khiến họ phát nguyện lớn, tự đoạn trừ khiến chúng mãi mãi không dậy khởi.

Lại ở trong tự tánh tu học tất cả các pháp môn, nghĩa là Niệm Phật Tam Muội, bi trí, hạnh nguyện, vô lượng pháp môn. Cho nên khiến họ phát thệ nguyện lớn, tự ngộ tự tu, thường không thối thất, tiến thẳng đến Bồ Đề, chẳng để họ đuợc chút ít mà cho là đầy đủ.

Lại ở trong tự tánh tin có Phật, phát thệ nguyện lớn, thường tự soi xét, tự nguyện thành tựu đạo giác ngộ của Phật.

Phải có tâm nhàm chán Ta Bà, ưa thích Cực Lạc.

Phật dạy: "Ta Bà là cõi khổ". Cái khổ có vô lượng. Tạm chia có Tam khổ và Bát khổ.

Tam khổ: là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Khổ khổ là khổ chồng thêm khổ, như các thứ bịnh tật đói khát... liên tiếp nối nhau làm ta khổ mãi. Hoại khổ các pháp vô thường hủy hoại nên khổ. Hành khổ là các pháp dời đổi vô thường mà sinh khổ não.

Bát khổ: là sinh khổ, lão khổ, bịnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, Oán tặng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Ái biệt ly khổ là thương yêu xa lìa nên khổ. Cầu bất đắc khổ là mong muốn mà không được nên khổ. Oán tặng hội khổ là những người ta oán ghét mà gặp gỡ nên khổ. Ngũ ấm xí thạnh khổ là năm ấm vận hành lẫy lừng nên khổ.

Cõi Cực Lạc từ khổ còn không có, làm sao có cảnh khổ. Cõi này toàn là những sự an vui, hạnh phúc cùng cực. Ăn, mặc, ở đều được như ý, muốn gì được nấy (tùy tâm sở hiện), chung sống với thượng thiện nhơn, làm bạn với Bồ Tát (Bồ Tát vi bạn lữ), gần Phật A Di Đà, ngày đêm được nghe diệu pháp, không già, không bịnh, không chết sống mãi (vô lượng thọ) cho đến khi thành Phật.

Bậc cao đức ngày xưa vì thấy chúng sanh mãi mê lầm, không thấu suốt nguyên nhân có đau khổ và an vui, nên mới so sánh Ta Bà và Cực Lạc như sau:

- Ở cõi Ta Bà loài người bẩm thọ thân hình máu thịt, có sinh là có khổ, cõi Cực Lạc chúng hữu tình đều hóa sanh nơi hoa sen, không có sự khổ về sinh.

- Ở cõi Ta Bà thời tiết đổi dời, con người lần lần đi vào cảnh già yếu, cõi Cực Lạc không có sự thay đổi nóng lạnh, chúng sanh không bị khổ suy già.

- Ở cõi Ta Bà con người mang thân hữu lậu sinh nhiều bịnh hoạn, cõi Cực Lạc chúng sanh thân thể phước báo thanh tịnh, không có sự khổ về đau yếu.

- Ở cõi Ta Bà ít ai sống đến bảy mươi tuổi, cơn vô thường mau chóng, cõi Cực Lạc chúng sanh mạng sống đến kiếp vô lượng vô biên, không có sự khổ về chết.

- Ở cõi Ta Bà con người bị sợi dây thân tình, ái luyến ràng buộc, chịu nỗi khổ chia lìa, cõi Cực Lạc chúng sanh đều là quyến thuộc Bồ Đề, nên không bị khổ về ân tình chia cách.

- Ở cõi Ta Bà có nhiều sự ganh ghét oán thù nên khi gặp gỡ tất phải chịu nhiều nỗi phiền não khổ đau, cõi Cực Lạc toàn bậc thượng thiện nhân nên không có sự khổ về oan gia hội ngộ.

- Ở cõi Ta Bà con người phần nhiều nghèo khổ, thiếu kém tham cầu không thấy đủ, cõi Cực Lạc sự thọ dụng về ăn, mặc, ở, các thứ trân báu đều được hóa hiện tự nhiên theo ý muốn.

- Ở cõi Ta Bà con người hình thể xấu xa, các căn không đủ, cõi Cực Lạc chúng sanh tướng hảo trang nghiêm, thân thể có ánh sáng xinh đẹp.

- Ở cõi Ta Bà chúng sanh xoay vần trong vòng sanh tử luân hồi, cõi Cực Lạc bậc thượng thiện nhân đều chứng vô sanh pháp nhẫn (lý thể chân như thật tướng xa lìa sanh diệt).

- Ở cõi Ta Bà tu hành khó thành đạo quả, cõi Cực Lạc mọi người tiến lên ngôi Bất thoái chuyển dễ dàng.

- Ở cõi Ta Bà nhiều gò nỗng hang hố, rừng rậm chông gai, đầy dẫy các thứ nhơ ác, cõi Cực Lạc vàng ròng làm đất, cây báu ngút trời, lầu chói trân châu, hoa khoe bốn sắc.

- Ở cõi Ta Bà rừng Ta La Song Thọ đã khuất bóng đức Phật, hội Long Hoa của Bồ Tát Di Lạc còn xa diệu vợi, cõi Cực Lạc, Di Đà Thế Tôn hiện đang thuyết pháp.

- Ở cõi Ta Bà chỉ mến danh lành của Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, cõi Cực Lạc chúng sanh thường làm bạn với các Ngài.

- Ở cõi Ta Bà bọn ma cùng ngoại đạo làm não loạn người tu hành chân chánh, cõi Cực Lạc chỉ thuần là sự giáo hóa của Phật, tà ma không còn dấu vết.

- Ở cõi Ta Bà tài sắc, âm thanh, danh lợi khiến người tu mê hoặc, cõi Cực Lạc có Y Báo và Chánh Báo thanh tịnh, hoàn toàn không có bóng người nữ.

- Ở cõi Ta Bà ác thú, ma quái, gào thét rùng rợn, cõi Cực Lạc chim nước, cây rừng thường nói Pháp mầu.

So sánh hai cõi, cảnh duyên hơn kém nhau rất xa. Sự thù thắng của cõi Cực Lạc thật không sao kể hết.

Có thật sự nhàm chán cảnh khổ đau cùng cực ở Ta Bà, ham thích cảnh vui tột bực miền Cực Lạc, mới dõng mãnh phát tâm niệm Phật, thiết tha cầu vãng sanh Cực Lạc.

Hạnh chính là phần hành trì thực tế để làm sao đạt được sự nhập tâm (buớc đầu của Bất Niệm Tự Niệm). Đó cũng chính là trọng tâm của khóa giảng, của sự họp mặt của chúng ta trong lần kiết thất này.

GHI CHÚ:

(5) Ưu đàm Đại Sư: Người đời Nguyên, họ Tương, quê ở Đơn Dương, gia thế thường thờ Phật. Mười lăm tuổi Ngài xuất gia nơi chùa Đông Lâm ở Lô Sơn tỉnh Giang Tây. Đời Nguyên lại có một hội tên Bạch Liên Hội làm tất cả các việc tà đạo làm rối loạn nước nhà. Đứng trước tình thế này, năm đầu tiên hiệu Đại Đức (1305) đời vua Nguyên Thanh Tông, Đại Sư Ưu Đàm đem hết tâm tư soạn thuật mười quyển Liên Tông Bảo Giám, làm rõ giáo nghĩa chân thật của Liên Tông, do Ngài Từ Chiếu đề xướng, đồng thời phá dẹp tà thuyết, tà hạnh của Bạch Liên Hội đương thời. Năm đầu niên hiệu Chi Đại (1308), do Bạch Liên Đạo Nhân thuộc Bạch Liên Dương ở tỉnh Phước Kiến làm việc sai quấy, vua lại xuống chiếu bãi bỏ Liên Tông. Đại sư Ưu Đàm đích thân đến kinh đô dâng sách lên Hoàng đế Nhân Tôn, cầu xin phục hưng giáo pháp Tịnh Độ. Vua xem xong bèn chuẩn y và cho phép in ấn lưu hành, dạy Ngài làm giáo chủ, ban cho hiệu Hồ Khê Tôn Giả. Năm đầu tiên niên hiệu Thuận Hoá (1330) Đại sư ẩn tướng ngồi niệm Phật vãng sanh.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch