Tịnh độ
Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm, Bảo Đảm Vãng Sinh
Thích Minh Tuệ Phật Lịch 2554 - 2010
19/05/2011 02:38 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHẦN III

TIÊU CHUẨN VÃNG SANH

1.- ĐIỀU KIỆN VÃNG SANH

Kinh A Di Đà dạy: "Xá Lợi Phất này! Nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhân mà được nghe nói Phật A Di Đà, rồi nhớ ngay danh hiệu của Ngài, niệm trong một ngày, hay là hai ngày, hay là ba ngày, hay là bốn ngày, hay là năm ngày, hay là sáu ngày, hay là bảy ngày, niệm kỳ cho thành người nhứt tâm, không còn loạn tưởng, thế là người ấy khi nào lâm chung, Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng hiện ra trước mặt, người ấy lúc chết, tâm không điên đảo, tức là được sanh sang nước Cực Lạc của Phật A Di Đà".

Niệm Phật bảy ngày được một lòng không loạn (nhứt tâm bất loạn) là nói với bậc thượng căn thượng trí được vãng sanh thượng phẩm. Hàng phàm phu sát đất như chúng ta "Nhập Tâm" còn chưa có phần. Được Bất Niệm Tự Niệm tức là đuợc bảo đảm vãng sanh là quý lắm rồi.

Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ dạy: "Lại này Xá Lợi Tử! Nếu có các thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân lòng tin trong sạch đuợc nghe danh hiệu vô lượng vô biên công đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ và thế giới Cực Lạc công đức trang nghiêm như vậy, nghe xong tư duy: hoặc một ngày một đêm, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, hoặc năm, hoặc sáu, hoặc bảy ngày, hệ niệm chẳng loạn thì các thiện nam tử, hoặc thiện nữ nhân đó lúc lâm chung Vô Lượng thọ Phật và vô lượng Thanh Văn đệ tử, Bồ Tát chúng của Ngài vây quanh trước sau, đến đứng trước mặt, từ bi gia hựu(6) khiến tâm chẳng loạn. Xả mạng xong theo Phật chúng hội vào thế giới Cực Lạc, cõi Phật thanh tịnh của Vô Lượng Thọ Phật".

Kinh Vô Lượng Thọ, Nguyện thứ mười tám: "Lúc tôi thành Phật, chúng sanh nghe danh hiệu tôi, chí tâm tin ưa, tất cả thiện căn tâm tâm hồi hướng nguyện sanh cõi tôi dẫu chỉ mười niệm, nếu chẳng được sanh thì chẳng lấy chánh giác, chỉ trừ kể ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp".

Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: "Bậc trí thức lại bảo phải chắp tay niệm: Nam Mô A Di Đà Phật, do đương nhơn thành tâm xưng danh hiệu Phật, nên tiêu trừ tội trọng tám mươi ức kiếp sanh tử". Ngay lúc ấy Đức Vô Lượng Thọ Như Lai cảm biết, liền sai Hóa Phật, Hóa Quan Âm và Hóa Thế Chí hiện đến trước hành giả khen rằng: "Lành thay thiện nhơn! Người đã xưng danh hiệu Phật, nên các tội tiêu diệt, ta đến đây để rước ngươi".

Nói gọn, chỉ cần niệm Phật một câu cũng được Phật tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc.

Kinh Pháp Cổ còn nói một cách đơn giản hơn: chỉ cần khởi lên ý muốn vãng sanh Cực Lạc là được Phật tiếp dẫn về Cực Lạc.

Quán Kinh nói: "Vô Lượng Thọ Như Lai có tám muôn bốn ngàn tướng, mỗi tướng có tám muôn bốn ngàn vẻ đẹp tùy hình, mỗi vẻ đẹp tùy hình lại có tám muôn bốn ngàn tia sáng. Những tia sáng ấy soi khắp các cõi ở mười phương, thâu nhiếp tất cả chúng sanh niệm Phật".

Khi chúng ta niệm Phật (miệng niệm hay ý niệm) từ nơi ta phát ra Tâm thanh (âm thanh phát xuất từ tâm). Mà A Di Đà Phật Pháp thân ở khắp mọi nơi, Phật quang (như đã nói ở trên) chiếu thấu mọi nơi. Lúc đó, Tâm thanh hòa nhập với Phật quang, Phật quang lại nhập vào Tâm thanh, Phật quang và Tâm thanh dung thông nhau. Đó chính là cách thức Phật nhận ra người niệm Phật và tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc.

2.- LÝ DO KHÔNG VÃNG SANH

Mới nghe qua tưởng chừng việc vãng sanh rất dễ. Nhưng thực tế muốn vãng sanh phải đạt được điều kiện tối thiểu của việc nầy.

Ngài Lý Bỉnh Nam (Thầy của Hòa thượng Tịnh Không) nói: "Qua hai mươi chín năm hướng dẫn Phật thất, Ngài được biết có khoảng hai ngàn người chết. Thế mà có triệu chứng vãng sanh chỉ khoảng mười người thôi".

Vậy là vãng sanh chỉ có năm phần ngàn (5/1000). Nên người xưa nói rằng người niệm Phật cầu vãng sanh nhiều như bông xoài, trứng cá, lông trâu mà người được vãng sanh ít như sừng lân. Tại sao vậy? Vì chúng ta không đạt được tiêu chuẩn (điều kiện) vãng sanh.

Vì sao không đạt được? Sau đây là một số lý do:

a.- Ý thức:

- Hôn mê, bất tỉnh (stroke, coma) truớc khi chết, lúc ấy ý thức không còn hoạt động nữa lấy ai chỉ đạo niệm Phật hay khởi ý muốn vãng sanh, do vậy mất phần vãng sanh.
- Cuồng loạn mất trí (điên) nên không thể chú tâm tưởng niệm.
- Trúng phong cứng họng không thể xưng danh hiệu Phật.
- Bị thú dữ, cọp, sói, giặc cướp làm kinh hoàng, hốt hoảng.
- Bất đắc kỳ tử (hoạnh tử), chết đột ngột như chiến sĩ ở chiến trường, các tai nạn như xe đụng, máy bay rớt, tàu chìm, bom đạn, lửa cháy, nước trôi v.v... tinh thần hốt hoảng, tán loạn, ý thức đâu kịp niệm Phật hay muốn vãng sanh.
- Bệnh khổ bức bách thân thể như ung thư gan v.v... hoặc vì tứ đại phân ly. Sự đau nhức cùng cực như con cua bị bỏ vào nước sôi, hay con rùa bị lột mai vậy.
- Tham sống sợ chết, luyến ái gia đình vợ chồng con cháu, thân bằng quyến thuộc, tài sản v.v...
- Không gặp bạn lành khai thị và trợ niệm mà gặp bạn ác phá hoại lòng tin.

Chư tổ dạy: "Tâm vô nhị dụng" nghĩa là tâm không thể làm hai việc cùng một lúc. Ba trường hợp sau ở trên, tâm thần rối loạn, điên đảo, luyến ái đủ thứ, tâm quá bận rộn nên ý thức không thể nhớ mà niệm Phật hay khởi ý muốn vãng sanh được, nên mất phần vãng sanh.

b.- Không tương ưng và nghi:

Mặt khác, hành giả không rơi vào những trường hợp trên, nhưng như đại sư Tĩnh Thế dạy: "Hàng ngày hành giả niệm Phật rơi vào ba loại không tương ưng sau:

- Tâm tánh không thuần, lúc còn lúc mất, khi niệm Phật lờ mờ, tâm có khi trụ, có khi không trụ, không dùng hết sức mình do đó không cảm ứng.

- Tâm tánh chẳng chuyên nhất, không quyết định. Niệm Phật không có tâm quyết định, cũng chẳng được cảm ứng.

- Tâm tánh chẳng tiếp nối (tương tục). Khi niệm Phật chẳng thể tiếp nối, niệm Phật giây lát, giây lát lại làm việc khác, cũng không được cảm ứng.

Ba điều lần lượt tạo nên, do tâm tánh chẳng thuần nên không có tâm quyết định, do tâm không quyết định nên tâm tánh chẳng tiếp nối. Ba việc nầy trái với Phật. Do đó niệm Phật chẳng được cảm ứng.

Tóm lại, niệm Phật còn bị xen tạp và bị gián đoạn, nên chẳng được tương ưng.

Trong Tịnh Độ Thập Môn, Tông Chủ Từ Chiếu dạy rằng: "Người niệm Phật lúc sắp lâm chung nếu có nghi ngờ ba điều thì không được vãng sanh Tịnh độ.

- Nghi từ lúc sinh ra đến giờ tạo nghiệp rất nặng, còn việc tu hành lại rất ít, e không được vãng sanh.

- Nghi tôi còn thiếu nợ người, hoặc có tâm nguyện chưa làm xong; tham, sân, si chưa dứt, e không được vãng sanh.

- Nghi tuy niệm A Di Đà, nhưng lúc lâm chung e Phật không đến tiếp dẫn.

Có ba điều nghi nầy, do vì nghi ngờ nên tự tạo thành chướng ngại, làm mất chánh niệm không được vãng sanh".

c.- Nói chung:

Nói chung người tu Tịnh độ còn có mười (10) điều làm chướng ngại không vãng sanh.

- Tin không hết lòng
- Làm không hết sức.
- Phát nguyện không tha thiết.
- Niệm không đúng cách.
- Tâm còn duyên quá nhiều việc đời.
- Chẳng nhàm chán Ta Bà, chẳng ưa thích Tịnh Độ.
- Ham học rộng hiểu nhiều về đời và đạo.
- Thích ngâm nga phân tâm (thích ca nhạc, ngâm thơ).
- Tán ngẫu nói chuyện phím (thị phi).
- Không chuyên tu (không được nhất tâm).

GHI CHÚ:

(6) Gia hựu: Gia là tăng thêm, hựu là sự giúp đỡ đầy ân phước của bậc thánh minh. Gia hựu nghĩa rộng hơn gia hộ, vì ngoài ý nghĩa gia hộ, Đức Phật A Di Đà còn vận lòng từ bi, dùng quả đức trang nghiêm, phước đức vô tận của mình để gìn giữ tâm chánh niệm cho hành giả, dẹp yên ma ngoại, phiền não, chướng duyên khởi lên lúc lâm chung.

LỜI PHẬT DẠY:

- Kinh Hoa Nghiêm dạy: "Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng Như Lai nhưng vì bị vọng tưởng, phân biệt, chấp trước che lấp nên Phật tánh không thể hiện bày".

- Kinh Viên Giác nói: "Dứt vọng hoàn chơn"

- Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy:

Ít nói một câu chuyện,
Nhiều niệm một câu Phật.
Giết chết hết vọng niệm,
Pháp thân ngươi hiển lộ.

- Bát Tổ Liên Trì đại sư dạy:

"Vọng niệm là bệnh, niệm Phật là thuốc"

- Vì vậy nên chư Tổ nói:

"Niệm một câu Phật dẹp trừ muôn tạp niệm
thành Phật còn có dư".

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch