Nhân vật
Toàn Nhật Thiền sư - đưa tinh thần Phật giáo xuống cho triều đại Tây Sơn
Thích Phước An
17/04/2017 16:46 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Điều quan trọng không phải là sống ở thị thành hay núi rừng. Vấn đề là làm sao giác ngộ được sự thật. Đấy mấu chốt của vấn đề. Ta đã thấy sự giác ngộ có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt là chính giữa cuộc đời trần tục đầy những hệ lụy thế sự. Chính trong cuộc sống trần tục ấy mà giác ngộ được thì giá trị còn nâng lên gấp bội.

Nhưng nếu trước khi xuất gia, Toàn Nhật đã từng làm tướng rồi sau đó mới “tuốt dép lánh xa khỏi nơi doanh liễu”. Vậy thì bây giờ ta thử xem Thiền sư Toàn Nhật đã làm tướng cho triều đại nào?

Theo tác giả Toàn Nhật Quang Đài, trong những tác phẩm đã tìm lại được thì chỉ có tác phẩm Xuất gia tối lạc tỉnh thể tu hành vãn là Toàn Nhật có nhắc đến triều đại nhà Nguyễn:

Ấy triều đại cổ kim thật lục
Nối truyền qua bản quốc Nam thiên
Những vì thánh chúa tôi hiền
Tượng kinh tôn trọng chùa chiền nghiêm trang.
Nỗi riêng than có thành có quách
Nếu vui thôi thì ắt thái qua
Mừng nay minh chúa Nguyễn Gia
Trung hưng chánh pháp gần xa tôn sùng. 
Dựng tăng phòng lại trau Phật điện
Tạo trống chuông nổi tiếng vang lừng
Tăng ni thong thả tu thân
Cảnh thiền tiêu sái áng trần phiền lao.

Nhưng thời bấy giờ ở Đàng Trong có hai chúa Nguyễn, là Nguyễn Gia Long và Nguyễn Tây Sơn, vậy câu: “Mừng nay minh chúa Nguyễn Gia” của Toàn Nhật muốn nói đến Nguyễn Gia Long hay Nguyễn Tây Sơn?

Và đây là lời giải đáp của giáo sư Lê Mạnh Thát, tác giả Toàn Nhật Quang Đài:

“Đương nhiên, nó không thể là nhà Nguyễn của các chúa Nguyễn bởi vì kể từ năm 1771 trở đi, lúc Toàn Nhật mới 14 tuổi, thì toàn bộ dòng họ chúa Nguyễn đã bị đánh bật ra khỏi ngôi vị của mình, để có thể làm chuyện “trung hưng chánh Pháp”. Do vậy, chỉ có thể là nhà Nguyễn Tây Sơn hay nhà Nguyễn Gia Long mà thôi. Đối với nhà Nguyễn Gia Long, tuy Toàn Nhật sống hơn 30 năm còn lại của đời mình dưới sự thống trị của dòng họ này và đã biểu thị một thái độ hết sức đặc biệt. Ông hầu như không thừa nhận sự hiện diện của nhà Nguyễn ấy qua việc ông không bao giờ sử dụng niên hiệu của các vị vua nhà Nguyễn trong các tác phẩm để ghi lại những đơn vị thời gian cần thiết.

Chẳng hạn, trong ba bài bạt ta hiện tìm được viết cho những lần in kinh năm 1819 và 1829, thì một bài bạt không đề ngày tháng gì hết, còn hai bài bạt kia, ta chỉ thấy ghi “tuế thứ Kỷ Mão” và “tuế thứ Kỷ Sửu”. Việc ghi niên đại kiểu này, trong khi đất nước đang có chủ quyền, là một biểu thị khinh nhờn cực kỳ nghiêm trọng đối với nhà đương quyền. Nói trắng ra, Thiền sư Toàn Nhật không thừa nhận nhà Nguyễn Gia Long là chính thống, do thế đã không sử dụng niên hiệu của Gia Long và Minh Mạng ngay cả lúc cần thiết
trong tác phẩm Lược sử Phật giáo và các chùa Phú Yên, hai tác giả Nguyễn Đình Chúc và Huệ Nguyễn khi viết về Thiền sư Diệu Nghiêm và chùa Từ Quang cũng xác nhận rằng: “Đệ tử thành đạt của tổ sư có đến 28 vị thành danh, trong đó có Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài nguyên là mưu thần của vua Quang Trung về sau xuất gia và làm trụ trì chùa Viên Quang”.[2]

Nhưng tại sao Toàn Nhật đã gặp được “Chúa thánh tôi hiền” để phục vụ lại phải vội vã từ giả khi mới có 30 tuổi đầu? Chắc chắn phải có một biến cố đau lòng nào đó? Tác giả Toàn Nhật Quang Đài cho rằng:

“Lý do cho sự từ quan có thể xuất phát từ cuộc tranh chấp nào đó, mà ngày nay vì thiếu tư liệu, chúng ta không thể nào xác định được một cách rõ ràng. Trong Từ Quang Tự sa môn Pháp chuyên Luật truyền Diệu Nghiêm Thiền sư xuất thế nhân do sự tích, dù được viết vào năm Gia Long thứ 3 (1805) nhà Tây Sơn xung đột với nhau bằng từ ngữ “thủ túc tương tranh”. Ta biết việc kéo quân vào Quy Nhơn vây Nguyễn Nhạc xảy ra vào khoảng tháng 9 năm 1786 sau khi đã rút quân khỏi Thăng Long vào tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), và Nguyễn Nhạc đã than khóc với Nguyễn Huệ về việc nồi da xáo thịt. Như vậy khi Toàn Nhật nói mình xuất gia vào năm 30 tuổi, và ông lại sinh vào năm Đinh Sửu (1757), thì năm Bính Ngọ ông đúng 30 tuổi theo cách tính của người Việt Nam. Việc rũ áo từ quan đi xuất gia của Toàn Nhật do thế phải chăng đã liên hệ với sự kiện anh em Tây Sơn xung đột vừa nói?[3]

Trong suốt 2 tác phẩm Tham thiền vãn và Thiền cơ yếu ngữ vãn, ta nghe thấy một nỗi buồn nào đó với con đường lợi danh mà Toàn Nhật vừa rũ bỏ để ra đi.

Quyết một bề trèo non đào giếng
Kẻo lời phàm đeo tiếng thị phi
(Tham Thiền vãn)

Không phải chỉ buồn thôi mà còn có một cái gì đó vừa chua chát vừa đắng cay:

Danh lợi đã đề nên tiếng sĩ
Đâu ở mình xử kỷ chẳng toan
Súng kia nhắm dạng dè làn
Thiên cơ dễ biết ngộ duyên quân thần
Đã cầm cân non già từng nhắc
Dai hay sao tráo trác đấu đong
(Tham Thiền vãn)

Nhưng không sao, vì Toàn Nhật có đủ nghị lực cũng như ý chí để vượt qua những phong ba bão táp của cuộc đời, vì ông đã tự nhắc nhở cho chính mình:

Miễn là neo nọc cho bền
Gió lồng mặc gió, vững thuyền thì thôi
(Tham Thiền vãn)

hoặc là:
Lời thị phi khen chê mặc thế
Hơi nào mà cấm chợ ngăn sông?

Và nếu Toàn Nhật đã từng theo Chúa Nguyễn Tây Sơn, thì nhất định triều đại Tậy Sơn phải là một triều đại tôn sùng Phật giáo như Thiền sư Toàn Nhật đã hết lòng ca ngợi:

Mừng nay minh chúa Nguyễn Gia
Trung hưng chánh Pháp gần xa tôn sùng
Dựng tăng phòng lại trau Phật điện
Tạo trống chuông nổi tiếng vang lừng
Tăng ni thong thả tu thân
Cảnh thiền tiêu sái áng trần phiền lao

Tác giả Lê Mạnh Thát đã khẳng định như thế này: “Lịch sử và dã sử cũng như truyền thuyết đều xác nhận nhà nước Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ, đã có những chính sách cải cách Phật giáo thực to lớn. Điều này cũng không có gì lạ khi ta nhớ rằng trong ba anh em nhà Nguyễn Tây Sơn, có người đã ở chùa làm sư rồi sau đó mới ra làm tướng, làm vua.

Có thuyết nói rằng người đã từng làm sư ấy là Nguyễn Lữ, nhưng thuyết đáng tin cậy hơn lại nói người đó chính là Nguyễn Huệ. Ngày nay, tại chùa Trúc Lâm ở Huế còn giữ một tấm gấm thêu kinh Kim Cang bằng chỉ đỏ do Ngọc Hân Công chúa thực hiện vào năm Cảnh Thịnh thứ 2. Và văn tế vua Quang Trung do Ngọc Hân viết cũng nói đến cái chết của vua Quang Trung như “miền cực lạc xe mây vùn vụt”. Vua Quang Trung phải là người như thế nào về phương diện tôn giáo, thì Công chúa Ngọc Hân mới nới tới miền cực lạc. Cũng thế, thái độ tôn giáo của triều đình Tây Sơn Quang Trung như thế nào, thì Ngọc Hân mới thêu kinh Kim Canh Bát Nhã lên gấm”.[4]

Nguyễn Xuân Nhân, trong tác phẩm Văn học dân gian Tây Sơn cũng xác nhận như thế này đối với thông tin trên:

“Trước khi dấy nghĩa, Nguyễn Lữ cùng theo hai anh học văn học võ với thầy giáo Hiến. Sau đó có một thời gian xuất gia nên ông còn được gọi là thầy Tư Lữ. Mấy năm làm nhà sư, ông có dịp trao đổi võ thuật với các nhà sư Trung Quốc vốn là những người mang tư tưởng “Phục Minh Kháng Thanh” trú ngụ ở An Thái (Bình Định). Ông muốn cho bộ môn võ thuật nước nhà thích hợp với thể chất của người mình nên cùng các chiến hữu tìm hiểu kỹ các thế đánh của đôi gà chọi nhau, rồi sáng tạo nên nhiều thế đánh mới hợp thành một thể thống nhất gọi là Hùng Kê Quyền”.[5]

Nếu những điều trên có thể làm cho ta bán tín bán nghi vì nửa là lịch sử và nửa là dã sử thì những bằng chứng sau đây cũng của tác giả Toàn Nhật Quang Đài chắc chắn là sự khẳng định rõ ràng của lịch sử:

“Không những thế, triều đình nhà Tây Sơn, cụ thể là triều đình vua Quang Trung, gồm những người cốt cán lại là những phật tử. Ta có Hải Lượng đại Thiền sư, tức Binh Bộ Thượng Thư Ngô Thời Nhiệm (1746-1803) cùng những người trong Trúc Lâm Thiền viện của ông như Hương Lĩnh Bá Nguyễn Đăng Sở, Phan Huy Ích, Vũ Trinh… Ngoài ra vị quân sư của Nguyễn Huệ là Trần Văn Kỷ, lại có con đi xuất gia có hiệu là Đạo Minh Trung Hậu Hòa thượng. Triều đình nhà Tây Sơn do thế là một triều đình Phật giáo”.[6]

“Ngoài ra, từ Quang tự sa môn Pháp chuyên Luật truyền Diệu Nghiêm Thiền sư xuất thế nhân do tích chí có cho ta biết về việc thầy của Toàn Nhật là thiền sư Pháp chuyên luật truyền Diệu Nghiêm đã được vua quan nhà Tây Sơn ủng hộ. Chẳng hạn, vào năm Bính Thìn (1796) tại tỉnh Phú Yên, Pháp chuyên đã tổ chức một giới đàn để thọ giới cho hơn 200 tăng ni, thì đã được chủ trấn là Đoàn Luyện quận công của nhà Tây Sơn ủng hộ.

Rồi đến năm Mậu Ngọ (1798) Thiền sư Diệu Nghiêm lại được Hoàng Thái hậu nhà Tây Sơn mời ra Huế để chứng minh việc đúc Đại Hồng Chung và được ban cà sa màu tím. Ta biết những năm 1796 cho đến 1798, quân Nguyễn Ánh chưa lấy được Phú Yên và Thuận Hóa”.[7]

Và như vậy, tác giả Toàn Nhật Quy đài kết luận:

“Trên cơ sở những phân tích vừa thấy “minh chúa Nguyễn Gia”, tất không thể ai hơn là vua Quang Trung. Từ đó, nếu trước khi xuất gia, Toàn Nhật đã làm quan và làm tướng thì ông đã làm quan làm tướng với nhà Tây Sơn”.[8]

Bởi vậy nên mặc dù đã rời bỏ hàng ngũ của phong trào Tây Sơn để đi xuất gia, nhưng Toàn Nhật vẫn tích cực hỗ trợ cuộc cách mạng của Tây Sơn. Chính vì sự hỗ trợ này nên khi nhà Tây Sơn sụp đỗ và Nguyễn Gia Long chiếm được chính quyền thì Toàn Nhật lại phải sống lao đao cùng với vận nước nổi trôi, như chính Toàn Nhật đã ghi lại trong một bài phú:

Ở không nơi; về không chốn
Than rằng biển khổ rất mênh mông
Lênh đênh chẳng khác thuyền trôi
Biết đâu dừng đỗ. 
Lãng đãng cũng như bèo nổi
Theo đó hợp tan
Công đã đi tu
Phận muối dưa lại không an phận. 
Lòng toan học đạo,
Thân bả bô chẳng đặng dung thân
Ở không nơi, phải tạm ở đình
Đình vốn rộng trống sau trống trước. 
Quán cũng lạ không vào ngụ quán
Quán tuy nhiều, khó mượn khó toan
Đặng gặp nơi nào
Cũng nhờ chốn ấy.
(Thơ Bà Vãi)

Nhưng tại sao một người như Toàn Nhật lại hết lòng ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn? Vì Tây Sơn đã đánh đuổi chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đã xóa tên hai tập đoàn phong kiến là chúa Trịnh và vua Lê ở Đàng Ngoài, đặc biệt là đã oanh liệt đánh tan tành hai cuộc xâm lăng của nhà Thanh ở phương Bắc và Xiêm La ở phương Nam chăng?

Nếu chỉ hùng mạnh về quân sự không thì chưa đủ để thuyết phục một nhà trí thức lỗi lạc như Toàn Nhật, để Toàn Nhật có thể ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn. Vì sao? Vì lý do đơn giản là xưa nay lịch sử đã từng chứng minh rằng, một chế độ chỉ biết đề cao võ trị thì chế độ đó luôn luôn chuyên quyền và độc đoán và nạn nhân thê thảm cho sự chuyên quyền và độc đoán này chính là người dân vô tội chứ không ai khác.

Vậy chắc chắn triều đại Tây Sơn ngoài sức mạnh về quân sự ra thì phải còn có những chính sách nào đó rất phù hợp với lòng dân nên một trí thức như Toàn Nhật mới ủng hộ một cách tích cực như vậy chăng?
 
Cố học giả Trần Trọng Kim, đã nhận định về con người của Quang Trung Nguyễn Huệ như thế này:

“Vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn là ông vua anh dũng, lấy võ lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ lượng, rất am hiểu việc trị nước, biết trọng những người hiền tài văn học. Khi ngài ra lấy Bắc Hà, những người như Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, đều được trọng dụng và nhất là đối với một người xử sĩ như Nguyễn Thiếp thì thật là khác thường.

Nguyễn Thiếp, tức là Khải Chuyên hiệu là Nguyệt Úc, biệt hiệu là Hạnh Am. Ông làm nhà ở Lục Niên thành, thuộc huyện La Sơn, Hà Tĩnh bây giờ, cho nên người ta gọi là Lục Niên tiên sinh hay là La Sơn Phu tử.

Vua Quang Trung từ khi đem quân ra đánh Bắc Hà, biết tiếng Nguyễn Thiếp, đã mấy lần cho người đem lễ vật mời ông ra giúp, ông không nhận lễ và cũng từ chối không ra. Đến khi ngài đăng cực, lại mấy lần cho người đến mời ông, ông có đến bái yết và khuyên vua nên lấy nhân nghĩa mà trị dân trị nước, rồi lại xin về. Vua Quang Trung tuy không dùng được ông, nhưng bao giờ cũng tôn kính ông như bậc thầy, và việc chính trị trong nước thường theo ý mà Nguyễn Thiếp đã trình bày”.[9]

Đó là chính sách của nhà nước Tây Sơn đối với giới trí thức, còn đối với người dân thì sao? Người dân nước ta ở nửa cuối thế kỷ 18 thì hầu hết đều sống bằng nghề nông, lao động suốt ngày nhưng vẫn nghèo khổ. Vậy chính sách của nhà nước Tây Sơn đối với những người nghèo khổ này thì sao? Những người Tây phương có mặt từ những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nói rằng, khẩu hiệu của nghĩa quân là “hãy tước đoạt của ngưởi giàu chia cho người nghèo”.

“Bọn Nguyễn Nhạc muốn đem ánh sáng công lý soi tới chúng dân và giải thoát khỏi gông cùm của nhà vua, các quan và các cố vấn. Bọn chúng tuyên truyền tính bình đẳng trong mọi địa hạt. Trung thành với thuyết tân xã hội, bọn Nguyễn Nhạc tước đoạt tài sản của các quan thống trị giàu có và đem chia cho dân cùng đinh khố rách”[10].

Như vậy, chắc chắn những tác phẩm của Toàn Nhật, đặc biệt là Hứa sử truyện vãn đã được Toàn Nhật viết ra để hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa do chính những người từ giới nông dân nghèo khổ ấy cầm đầu. Bởi thế, theo tác giả Toàn Nhật Quang Đài thì: “Thể hiện rõ nét bản lĩnh tư duy của nhân dân ta trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Chúng không phải là những luận đề cũ rích vay mượn từ những sách vở Trung Quốc, không có một liên quan thiết yếu đến đời sống dân tộc.

Trái lại, chúng là những vấn đề nóng bỏng của thời đại tác giả sống, đòi hỏi phải có những giải đáp thích đáng. Cho nên, chúng không cần phải bao bọc trong những câu thơ óng chuốt, trưởng giả, đầy những điển cố chữ nghĩa, sự tích xuất phát từ dòng văn hoá bác học và ít nhiều mang tính ngoại lai.

Thay vào đó, chúng được trình bày một cách thẳng thắn, cố nhiên là dưới hình thức truyện vãn, qua những lời thơ bình dị, trong sáng đến nỗi giống như lời nói hằng ngày của nhân dân. Do thế, trên toàn bộ, Hứa sử truyện vãn đã thể hiện sức sống dạt dào đang cuồn cuộn dâng lên của dân tộc ta trong thời kỳ nổ ra cuộc cách mạng Tây Sơn do nhà anh hùng áo vải Nguyễn Huệ lãnh đạo lần đầu tiên đánh thắng hai thế lực quân chủ lực kỳ phản động trong nước và thế lực xâm lược ngoại bang”.[11]

Nhưng với Toàn Nhật, một người được nuôi dưỡng từ truyền thống tư tưởng của Phật giáo, thì chỉ công bằng trên bình diện xã hội không chưa đủ mà còn phải bình đẳng và công bằng ngay cả trên phương diện nhân phẩm của mỗi cá nhân con người nữa. Như vấn đề gọi là chính thống và ngụy triều sau đây chẳng hạn:

“Những người làm quốc sư nước Tàu và nước ta thường chia những nhà làm vua ra chính thống và ngụy triều. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng tạo ra cơ nghiệp, hai là được kế truyền phân minh, thần dân đều phục, ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất Trung Nguyên, thì cho là chính thống. Nhà nào, một là làm tôi cướp ngôi vua, là sự thoán đạt không thành, hai là xưng đế, xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên địa, ba là những người ngoại chủng vào chiến nước làm vua thì cũng cho là ngụy triều”.[12]

Như vậy, nhà Tây Sơn được xem là kẻ ở rừng núi, ở biên địa, là ngoại chủng vào cướp nước làm vua nên sử nhà Nguyễn đã gọi là Ngụy Tây Sơn.

Thế nào là chính thống và thế nào là ngụy triều? Và ai là kẻ có thẩm quyền đứng ra để bảo rằng triều đại này là chính thống và triều đại kia là ngụy triều là không chính thống? Và có cái gì để bảo chứng rằng những người được sinh ra từ giới thống trị, sanh ra ở vùng trung nguyên là hơn kẻ sanh ra ở vùng biên địa hay thôn dã quê mùa?

“Sự sanh trưởng không làm cho con người được liệt vào giai cấp Bà la môn hay bị loại ra khỏi giai cấp này. Chính nếp sống hàng ngày tạo ra người nông dân, thương gia hay nô bộc. Nếp sống hàng ngày tạo ra hạng trộm cắp, binh sĩ, tu sĩ hay vua chúa.

Và thông điệp này cứ được nhắc đi nhắc lại mãi trong giáo pháp của đức Phật:

“Là cung đình không phải do sanh trưởng là Bà la môn không phải do sanh trưởng do hành động, người này là cung đình do hành động người này là Bà la môn (Sutta Nipàta –Vasalasutta).

Từ lời khẳng định này của Phật giáo ta mới thấy rằng cái gọi là chính thống cũng như không chính thống, gọi là ngụy triều hay chính triều chỉ là trò bày đặt của giai cấp thống trị mà thôi chứ chẳng có bất cứ một giá trị đích thực nào cả.
 
Vậy bây giờ ta thử xem Thiền sư Toàn Nhật đã phải làm gì để đập tan cái lý luận bất công này mà hỗ trợ cho cuộc cách mạng Tây Sơn? Những người được sanh ra từ nơi thôn dã quê mùa?

Tác giả Lê Mạnh Thát viết: “Thế thì Hứa sử truyện vãn có thể được Toàn Nhật “san bổ” trước những năm 1798. Phải chăng nó ra đời nhằm đáp ứng những yêu cầu lý luận chính trị phục vụ cho sự nghiệp xưng đế và chống ngoại xâm của Quang Trung?

Với lý thuyết chống tôn quân, phải chăng nó đã gián tiếp biện minh cho việc Quang Trung xưng đế không thừa nhận quyền uy chính thống của Vua Lê? Thậm chí, nếu “Vãn Hứa sử”, tiền thân của Hứa sử truyện vãn lưu hành trước Toàn Nhật đã có nội dung chống tôn quân khi Hứa sử truyện vãn, thế phải chăng tiền thân ấy đã cung ứng phần nào lý luận cho việc lên ngôi của Nguyễn Nhạc, chứ không phải chỉ đợi đến Quang Trung?”

Cũng theo giáo sư Lê Mạnh Thát thì Hứa sử truyện vãn, ngoài những vấn đề về tư tưởng Phật giáo ra, thì nổi bật nhất có ba chủ đề chính, nhưng giáo sư cho rằng luận đề thứ nhất mới là luận đề quan trọng nhất vì nó đã “tiến công đập tan chủ nghĩa tôn quân chuyên chế và cực đoan, phá vỡ cái trật tự phong kiến quân – sư – phụ hàng ngàn năm đè nặng lên đầu lên cổ nhân dân. Đó là thầy quan trọng hơn cả vua và cha mẹ. Dưới hình thức lời phán của Diêm vương, Hứa sử truyện vãn đã nêu câu hỏi:

Tội ai bằng Hoàng tử Anh
Giết cha rồi lại tung hoành hung hăng
Xét mình nghịch ác chẳng an
Quy y niệm Phật ba đàng thoát qua. 
Xà vương giết hại vua cha
Quy y niệm Phật đặng tha tội đày
Có một sự tội phụ thầy
Phật không cứu đặng, ta rầy khó bênh

Hứa sử đứng lên xin hỏi: Thế thì thực sự thầy quan trọng hơn vua và cha mẹ sao?

Và như quân phụ sư ân
Trong đời đạo thiệt bằng cân cao dày
Làm tôi buông thói thẳng ngay
Làm con không thảo giết đày vua cha
Lẽ thời tội ấy không tha. 
Quy y sao lại thoát ra tội dày
Đệ tử nếu phụ ân thầy
Phật không cứu đặng, lịnh này chẳng tha
Vậy thời thầy hơn vua cha
Tôi nghe lẽ ấy lòng mà chưa thông.

Để trả lời câu hỏi của Hứa sử, một lần nữa dưới hình thức lời phán của Diêm vương, Hứa sử truyện vãn đã đưa ra lý lẽ sau:

Trong đời muôn việc không thầy
Thế gian thường nói đố mày làm nên
Tớ đương nghĩa trả ơn đền
Nếu mà phụ bạc tội dường hằng sa
Tớ thầy, tôi chúa, con cha
Trong đời ba ấy rất là trọng thay
Sanh con bằng chẳng có thầy
Lấy ai giáo hóa cho rầy nên thân
Chẳng noi đạo đức nghĩa nhân
Làm đường nghịch ác vong thân làm gì
Ví như tẩu nhục hành thi
Làm chi nên chuyện kể thì là con
Cho hay khắc chấn gia môn
Chói danh hai họ tiếng đồn muôn thu
Cũng là tiết nghĩa phò vua
Trạc dân trí chúa cơ đồ đặng yên
Vua cùng cha mẹ rõ ràng
Các điều thành tựu nhờ ơn có thầy.

Rõ ràng xuất phát từ quan điểm dân chủ tự phát của nhân dân, Toàn Nhật đã tiếp thu những yếu tố dân chủ tự phát đó và triển khai chúng thành một lý tưởng dân chủ có cơ sở lý luận, tiến công trực diện vào lập trường tôn quân chuyên chế và cực đoan do các thế lực phong kiến suy tàn cố dựng lên.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên và có lẽ duy nhất trong lịch sử chế độ phong kiến nước ta, một tác phẩm văn học dám nêu lên một lý thuyết dân chủ, dám thẳng thừng tuyên bố không úp mở: “Vậy thời thầy hơn vua, cha”. Vua là thiên tử, là con trời: “Khắp dưới gầm trời, không đâu không là đất của vua, dân ở khắp đất không ai không là bề tôi của vua”. Tuyên ngôn phong kiến đã dõng dạc xác định quyền uy tối thượng và bất khả xâm phạm của thiên tử là thế, của vua là thế.

Cho nên, nói rằng có một lớp người nào đó hơn cả vua nữa là phạm thượng, là xúc phạm đến chính cốt lõi, đến chính điểm huyệt sống chết của vấn đề, cần phải loại trừ không chút khoan nhượng, Toàn Nhật đã mạnh mẽ lên tiếng minh định cái trật tự phong kiến quân – sư – phụ bất di bất dịch có thể bị đả đảo, để sư quan trọng, thiết yếu hơn quân và phụ, bởi vì:

Trong đời muôn việc không thầy
Thế gian thường nói đố mày làm nên.

Và tiếng nói đả đảo đó không phải xuất phát từ những truyền thống tư tưởng ngoại lai, từ lý thuyết Khổng Mạnh. Trái lại, nó nổi lên từ kho tàng trí tuệ tích luỹ những kinh nghiệm và nhận thức của dân tộc và nhân dân.

Trên cơ sở nhận thức “Không thầy đố mày làm nên”, với nội dung tất yếu giới hạn của nó, Toàn Nhật đã phát triển thành một luận đề bẽ gãy cái trật tự quân – sư – phụ, để đẩy lùi cái bóng ma gian ác của trật tự ấy, mà vào thời Toàn Nhật đã trở thành rữa nát và cực kỳ phản động, đang cản trở bước tiến của dân tộc, phủ lên cuộc sống của nhân dân một màn đau thương thống khổ.
 
Hãy tưởng tượng lại cái thời kỳ mà vua chúa còn hoàn toàn nắm trong tay quyền sinh sát đối với mọi người dân, và khi mọi người mặc nhiên nhìn nhận sự kiện ấy như một tất yếu không phải bàn cãi, ta mới thấy hết tính vĩ đại hùng tráng của một tiếng nói Toàn Nhật.

Cũng hãy tưởng tượng lại cái thời kỳ khi ý thức hệ và nền giáo dục chính thống chỉ tập trung nhồi sọ cho người ta cái chủ thuyết tôn quân cực đoan, ta mới thấy hết bản lĩnh dám nghĩ dám làm của dân tộc ta, thể hiện qua những con người như Toàn Nhật. Mà Toàn Nhật có được cái tầm vóc tư tưởng vĩ đại ấy, có được cái bản lĩnh dám nghĩ dám làm ấy, đó là ông đã biết bám vào nhân dân, lấy cuộc sống, kinh nghiệm, nhận thức và tình cảm của dân tộc, của nhân dân là chủ để thể hiện của mình, mà giải quyết những vấn đề do thời đại đặt ra.

Ông đã tập tan cái trật tự phong kiến quân – sư – phụ hàng ngàn năm đè nặng lên ý thức của nhân dân, không bằng những viện dẫn từ sách vở ngoại lai, trái lại bằng chính những tri thức, kinh nghiệm và tình cảm của dân tộc, của nhân dân kết tinh trong những câu ca dao tục ngữ. Dựa vào và khai thác một cách có chọn lọc kho tàng quý giá vô tận ấy, Toàn Nhật đã làm nổi bật thêm cái chân lý sáng ngời là đứng trong hàng ngũ nhân dân, người ta càng trở nên to lớn theo kích thước vĩ đại của nhân dân trong lịch sử, càng trở nên tin tường vào trí tuệ tuyệt vời, vào tình cảm trong sáng và vào sức mạnh vô địch của họ”.

(…) Do thế, tư tưởng dân chủ của Toàn Nhật là một điểm son trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Lần đầu tiên nhân dân ta dám công khai nghĩ tới và tuyên bố rằng vua không phải là vị tối thượng của nước, có quyền uy tuyệt đối với mọi người.[13]

Nếu đã gần hai thế kỷ qua, những người làm công tác nghiên cứu văn học ở nước ta đã “không một lần tên Toàn Nhật được nhắc tới, không bất kỳ một dòng nào dành cho tác phẩm của ông” thì những lời đánh giá trên của giáo sư Lê Mạnh Thát theo tôi, là đã đủ để chuộc lại phần nào lỗi lầm của chúng ta, những thế hệ sau đối với Toàn Nhật vậy.

Nhưng nếu quả đúng là Toàn Nhật viết Hứa sử truyện vãn là để “nhằm đáp ứng những yêu cầu lý luận chính trị phục vụ cho sự nghiệp xưng đế và chống ngoại xâm của Quang  Trung? Với lý thuyết chống tôn quân, phải chăng nó đã gián tiếp biện minh cho việc Quang Trung xưng đế và không cần thừa nhận quyền uy của vua Lê” như sự nhận định của tác giả Toàn Nhật Quang Đài thì theo tôi không chỉ những người phật tử Việt Nam hiện tại mà cả mai sau nữa, phải học lấy bài học mà Toàn Nhật, với tư cách là một thiền sư đã ủng hộ cuộc cách mạng Tây Sơn như thế nào? Nghĩa là Toàn Nhật không hề xưng tụng hay tôn sùng cá nhân của Thái Đức Nguyễn Nhạc hay Quang Trung Nguyễn Huệ mà Toàn Nhật chỉ ủng hộ chính sách đúng đắn  có lợi cho dân cho nước mà cuộc cách mạng Tây Sơn đã đề ra mà thôi.

Khi một cá nhân hay một tổ chức chính trị nào đó đề ra được một chính sách phù hợp với lòng dân thì nhất định cá nhân ấy, tổ chức ấy đương nhiên xứng đáng đứng ra đại diện cho đất nước chứ không nhất định là họ đã được sanh ra từ giai cấp nào, họ đang ở trung nguyên hay nơi quê mùa thôn dã.

Trong bối cảnh chính trị và xã hội vào thời của Toàn Nhật ở nửa cuối thế kỷ 18 thì người đó nhất định không phải là Lê Chiêu Thống, mặc dù ông này được xem là “chính thống” theo quan điểm của cái gọi là “quốc sử” của mốt số nhà sử học nước ta cũng như của Trung Quốc, mà người có đủ điều kiện đứng ra đại diện cho đất nước lúc đó đương nhiên là Quang Trung Nguyễn Huệ, dù Nguyễn Huệ không phải “chính thống” cũng như không sanh ra ở Trung nguyên mà lại sanh ra tại một nơi xa xôi hẻo lánh ở tận nơi núi rừng Tây Sơn.

Nhưng con người được sinh ra tại nơi quê mùa ấy lại được một sử gia viết là: “… còn như Nguyễn Huệ là vua Thái tổ của nhà Nguyễn Tây Sơn, thì trước giúp anh bốn lần vào đánh đất Gia Định đều được toàn thắng, phá hai vạn quân hùm beo của Xiêm La, chỉ còn được mấy trăm người lủi thủi chạy về nước; sau lại ra Bắc Hà, dứt họ Trịnh, tôn vua Lê, đem lại mối cương thường cho rõ ràng. Ấy là có đủ sức mạnh mà lại biết làm việc nghĩa.

Nhưng vì nhà Lê nhu nhược, triều thần lúc bấy giờ không ai có tài kinh luân, lại để cho Trịnh Bồng và Nguyễn Hữu Chỉnh nối nhau mà chuyên quyền cho đến nỗi thành ra tán loạn. Dẫu thế măc lòng, khi Nguyễn Huệ giết Vũ Văn Nhậm rồi, không nỡ dứt nhà Lê, đặt giám quốc để giữ tông miếu tiền triều; như thế thì cách ở với nhà Lê không lấy gì làm bạc.

Sau vua Lê Chiêu Thống và Hoàng Thái Hậu đi sang kêu cứu bên Tàu, vua nhà Thanh nhân dịp ấy mượn tiếng cứu nhà Lê, để lấy nước Nam, bèn sai binh tướng sang giữ thành Thăng Long. Bấy giờ cứ theo mật dụ của vua nhà Thanh, thì nước Nam ta, bề ngoài tuy chưa mất hẳn, nhưng kỳ thật đã vào tay người Tàu rồi.

Vậy nước mất, thì phải lấy nước lại, ông Nguyễn Huệ mới lên ngôi Hoàng đế, truyền hịch đi các nơi, đường đường chính chính đem quân ra đánh một trận phá 20 vạn quân Tàu, tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cá ấn tín mà chạy, làm cho vua tôi nước Tàu khiếp sợ, tướng nhà Thanh phải thất đảm. Tưởng từ xưa đến nay nước ta chưa có võ công nào lẫm liệt như vậy.

Và đánh đuổi người Tàu đi rồi lấy nước lại mà làm vua thì có điều gì mà trái đạo? Vậy lẽ gì mà gọi là nguỵ triều?”[14]
 
Nhưng Toàn Nhật biết rằng triều đại nào rồi cũng sẽ qua đi, kể cả những triều đại được ca tụng nhất trong lịch sử của loài người xưa nay:

Lợi danh tợ bọt nước xao
Hán Đường Triệu Tống thì nào thấy đâu?
(Xuất gia vãn)

Triều đại Tây Sơn dù được ca ngợi là “Bách chiến bách thắng” là “vô địch” thì cũng chỉ tồn không đầy nửa thế kỷ, nghĩa là không triều đại nào là “muôn năm” hết.

Bởi vậy, là một tư tưởng gia của Phật giáo, nên Toàn Nhật ý thức được rằng con đường đi của Phật giáo là: “Phật giáo Việt Nam không gắn bó tuyệt đối với triều đại nào, dù triều đại đó do Phật giáo dựng lên hay lãnh đạo. Phật giáo chỉ gắn bó và trung thành với quyền lợi dân tộc, quyền lợi của dân chúng mà thôi”.[15]

Chính đó là lý do vì sao Toàn Nhật ủng hộ cho cuộc cách mạng Tây Sơn mà không hề ca tụng bất cứ một cá nhân nào trong phong trào ấy, dù đó là cá nhân của Nguyễn Nhạc hay Nguyễn Huệ.

Dù không trực tiếp nhắc gì đến cuộc cách mạng Pháp 1789, nhưng khi đề cập đến tiểu luận Sa di oai nghi tăng chú giảo ngụy tự tiểu thiên của Toàn Nhật, Lê Mạnh Thát có viết rằng:

“Phải chăng nó đáp ứng lại xu thế chung của lịch sử thế giới thời bây giờ, thể hiện một xu thế đi tìm ánh sáng, đi tìm chân lý, dựa trên khả năng hiểu biết và tìm kiếm của con người, chứ không còn tin tưởng một cách mù quáng vào những gì do truyền thống hay những quyền uy khác truyền lại”.[16]

Từ những nhận định trên của tác giả Toàn Nhật Quang Đài, ta thử làm một chút so sánh thì sẽ thấy có một sự trùng hợp lạ lùng giữa cuộc cách mạng Pháp 1789 và tình hình chính trị cũng như xã hội ở nước ta vào nửa cuối thế kỷ 18.

Nếu các vua Louis 14 và 15 đã giam hãm xã hội Pháp trong 4 vách tường đến vua Louis 16 thì người dân của nước Pháp không thể nào chịu đựng sự giam hãm và kiềm kẹp này được nữa, nên vào ngày 14 tháng 7 năm 1789 đã đồng loạt kéo đến đập phá tan tành nhà ngục Bastille, nhà ngục này trong nhiều thế kỷ đã là nơi giam giữ những người yêu nước dám lên tiếng chống đối chế độ, và là tiêu biểu cho chính sách chuyên chế và hà khắc của chế độ phong kiến Pháp.

Cũng xấp xỉ vào khoảng thời gian đó, Lê Mạnh Thát viết:

“…Nước ta vào thời Toàn Nhật cũng đang đứng trước một tình thế hết sức hiểm nguy. Bên trong thì các thế lực phong kiến phản động đang suy tàn cấu xé tiêu diệt lẫn nhau một cách tàn nhẫn trên thống khổ tuyệt vọng của nhân dân. Bên ngoài thì các thế lực ngoại bang đang lăm le và thực sư lợi dụng tình hình đó của dân tộc để thực hiện những mưu đồ xâm lược nham hiểm của chúng. Chính trong tình thế đó của đất nước, mà hàng ngày đã xảy ra những cảnh:

Non chen ngù  giáo đỏ cây
Mác hoa đường tuyết, tên bay mát trời
Thảm thương chật đất phơi thây
Đỏ hoe máu rắc đòi nơi dầm dề.
Chúng dân lìa bỏ xóm giềng
Chằm non trốn núp của tiền đoái chi
Mắc cơn lửa dữ một kỳ
Đá kia ngọc nọ đều thì cháy leo
(Hứa sử truyện vãn)

Xảy ra nhan nhản khắp nơi. Nếu không có một cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại dưới sự lãnh đạo thiên tài của Nguyễn Huệ bùng nổ, thì đất nước tưởng chừng như không còn có cơ sống sót. Nhưng làm sao một sự việc như thế có thể quan niệm được, khi mà những người như Toàn Nhật xuất thân từ nhân dân đã nêu cao ngọn cờ chủ nghĩa nhân đạo chiến đấu, đã nêu cao lý tưởng đạo đức lao động, kiên quyết đứng về phía những người bị áp bức, nói lên tâm tình và nguyện vọng giải phóng của họ. Do thế, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn sau khi giành chính quyền trong cả nước về tay nông dân, đã cùng một lúc đánh bại được hai thế lực phong kiến phản động trong nước và phong kiến ngoại bang xâm lược, tạo nên một khí thế hào hùng, đưa dân tộc lên một đỉnh cao của thời đại mới”.[17]

Nhưng đằng sau bất cứ một cuộc cách mạng nào cũng đều được dưỡng bồi bởi một sức mạnh tư tưởng trầm lặng nào đó. Nếu đỉnh cao của cuộc cách mạng Pháp là việc nhân dân nổi dậy phá ngục Bastille vào năm 1789 thì trước đó người dân cũng đã thấm nhuần những tư tưởng về tự do, về dân chủ và nhân quyền của các tư tưởng gia  như Voltare, Rousseau, Montesquieu… Cùng thế, đỉnh cao của cuộc cách mạng Tây Sơn là cuộc đánh bại đoàn quân xâm lược khổng lồ của phong kiến phương Bắc cũng vào năm 1789 cũng không ra ngoài thông lệ đó, nghĩa là cũng được nuôi dưỡng bởi một sức mạnh tư tưởng trầm lặng từ truyền thống của dân tộc Việt:

“Trong vòng hơn 300 năm trở lại đây, Cư Trần lạc đạo Phú và Đắc thú lâm truyền thành đạo ca đã được in lại nhiều lần. Điều này chứng tỏ tư tưởng Cư Trần lạc đạo vẫn tiếp tục được học tập và truyền bá dù Phật giáo cũng như đất nước đang chuyển mình qua một giai đoạn mới. Giá trị lý luận của Cư Trần lạc đạo từ đó vẫn còn có sức hấp dẫn mạnh mẽ, đặc biệt là vào cuối thế kỷ 18 với những chiến công Ngọc Hồi, Đống Đa oanh liệt của quân và dân Tây Sơn. Trong đó nổi bật những khuôn mặt phật tử nhận mình là người kế thừa truyền thống Trúc Lâm như binh bộ Thượng thư Tỉnh Phái Hầu Ngô Thời Nhiệm là Hải Lượng Thiền sư, Hương Lĩnh Bá tiến sĩ Nguyễn Đăng Sĩ là Thiền sư Hải Âu…”[18].

Lời dặn dò sau đây của Quang Trung Nguyễn Huệ với Ngô Thời Nhiệm dưới chân núi Tam Điệp càng chứng tỏ sự nhận định trên của giáo sư Lê Mạnh Thát là hoàn toàn có cơ sở:

“Vua Quang Trung cuời mà nói rằng: “Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi. Ta ra Bắc chuyến này đích thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 lần nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì chỉ đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ làm thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Ngô Thời Nhiệm dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến tranh, Đợi mười năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa”.[19]

Và ta vẫn còn nhớ là ngày 28 tháng 10 năm Mậu Thân (1789) khi đại quân của Thanh triều dưới sự chỉ huy của Tổng đốc lưỡng quản là Tôn Sĩ Nghị vượt ải Nam Quan tiến  về Thăng Long thì tất cả tướng lãnh Tây Sơn ở Bắc Hà bây giờ đều chủ trương đem quân chặn đánh với lý do suy diễn của họ là “lấy quân nghỉ ngơi mà đánh quân mệt nhọc” nhưng ý kiến của Ngô Thời Nhiệm thì lại khác “Toàn quân rút lui, không nên mất một mũi tên, cho nó ngủ trọ một đêm rồi mai lại đuổi chúng nó đi” và ý kiến của Ngô Thời Nhiệm đã được Ngô Văn Sở và các tướng lãnh Tây Sơn chấp thuận. Nhờ ý kiến đó mà đại quân của Tây Sơn đã rút lui một cách an toàn về núi Tam Điệp, để tạo điều kiện cho Quang Trung Nguyễn Huệ thần tốc tiến quân ra giải phóng Thăng Long chưa đầy 10 ngày.

Như vậy là ảnh hưởng của Thiền phái Trúc Lâm ở đời Trần qua Hải Lượng Thiền sư Ngô Thời Nhiệm đối với chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa của triều đình Tây Sơn là hiển nhiên, không cần phải bàn cãi gì thêm nữa.

Nhưng sau chiến thắng oanh liệt này thì lịch sử của dân tộc một lần nữa lại bị dang dở bởi sự ra đi đột ngột của Quang Trung Nguyễn Huệ. Tác giả Toàn Nhật Quang Đài nói lên sự luyến tiếc cho đất nước cũng như cho giới trí thức như Toàn Nhật đã lỡ mất cơ hội để đưa dân tộc tiến lên cùng với thế kỷ của ánh sáng:

“Với phong cách và tinh thần làm việc đó, đúng ra bước sang thế kỷ 19 dân tộc ta phải bước lên vũ đài khoa học thế giới. Thế mà, với sự ngóc đầu dậy của một hệ ý thức phong kiến cực kỳ phản động, phong cách và tinh thần làm việc của Toàn Nhật không có cơ hội phát triển và kế thừa, để cuối cùng đất nước ta đã rơi vào tay bọn xâm lược”.
 
Một nhà thơ hàng đầu của Việt Nam ở nửa thế kỷ 20 cũng chia sẻ nỗi luyến tiếc này đối với cái chết của Quang Trung Nguyễn Huệ và sự dở dang của lịch sử dân tộc:

Thôi xin người đừng nức nở
Nếu sau này đường dang dở
Những ai về
Ôm mãi mộng người đi.
(Nguyễn Huệ – Mưa nguồn)

Toàn Nhật còn viết một câu chuyện tình tên là Tống Vương truyện. Nội dung kể lại câu chuyện tình giữa chàng thái tử nước Tống đem lòng yêu một người con gái, con của một ngư ông nghèo khổ bên bờ sông Vị Thuỷ. Nhưng trước khi đến được với người con gái chài lưới ở dòng sông Vị Thủy đó, thì chàng thái tử đa tình này đã phải từ chối biết bao nhiêu là công chúa xinh đẹp ở các nước láng giềng muốn chiếm được trái tim của chàng:

Nước Tần nước Tấn
Nước Sở nước Tề
Toàn những tiên phi
Cùng nàng công chúa
Nước Lương nước Sở
Nước Trịnh nước Tuỳ
Toàn những tiên phi
Cùng nàng quế liễu
Nước Trần nước Triệu
Nước Hán nước Đường

Nhưng mà:
Thái tử chẳng ngó
Mặt ủ dàu dàu
Triều đình xem ai nấy lắc đầu
Ghê mặt thấy đều thì mất vía.

Ở trần gian không có người con gái nào vừa lòng thái tử, nên cuối cùng vua cha phải cầu cứu Ngọc Hoàng:

Tống Vương rằng rầy con đã kén chê
Cha cũng phải cầu tiên thượng giới.

Nhưng sau khi:
Bước lên lầu rồng
Xem năm tiên nữ
Xem rồi tự sự
Bèn trở vào đền
Tâu vua cha duyên chẳng xứng duyên
Xin cha chớ ép con sự ấy

Nhưng rồi một hôm:
Ngày giao sự ước chơi vị thuỷ
Thì trời xui xảy gặp ngư ông
Chèo thuyền đánh cá giữa dòng
Thái tử  lại gần thuyền ngư phủ.

Sau khi gặp người con gái của người chài lưới nghèo khổ thì trái tim thái tử đã thực sự rung động:

Mới trở về nhà
Tưởng nàng Thụy nữ
Ta muốn cùng thưa vương phụ
Lại sợ có triều đình
Lo lượng một mình
Sợ người quở phạt.

Khi nghe tin thái tử đem lòng yêu thương người con gái của người chài lưới nghèo khổ, nhà vua tức giận mà than thở:

Nhà sinh con vô phúc
Nên rối sửa số căn
Con chư hầu các nước thì chê
Mà khiến lấy con nhà thuyền rớ.

Nhưng lòng chàng thái tử đã quyết cùng với sự thương con của hoàng hậu, nên cuối cùng nhà vua cũng phải miễn cưỡng đồng ý.

Rồi sau khi Thái tử và Thụy nữ, người con gái của người chài lưới đẹp duyên cùng nhau thi vua cha thoái vị và nhường ngôi cho Thái tử:

Sửa sang chính sự
Ta nay Thái tử
Nối nghiệp trị ngôi
Nội ngoại tề gia
Cùng là ngư phụ
Quốc lão nội triều
Cha đà tác cao
Trước xe sau gía
Hồi đầu Phật Tổ
Thế phát tu hành.

Từ đó:
Con nối ngôi truyền đã tạo thanh
Muôn đời để lưu danh thiên hạ.

Vậy là để đến được với nàng con gái mình yêu thái tử đã phải đấu tranh quyết liệt mới có thể vượt qua những công ước giả tạo của xã hội như giàu nghèo, tiện dân hay quý tộc v.v… Nhưng tác giá Toàn Nhật Quang Đài với cái nhìn của một sử gia đã nhận xét vì sao Toàn Nhật đã viết Tống vương truyện:

“Vì vậy, viết Tống vương truyện ca ngợi mối tình đẹp đẽ giữa chàng thái tử quyền quý với một nàng con gái con nhà chài lưới, thực sự là ngợi ca những nét đẹp của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, giải phóng những người bị áp bức, tạo cơ hội cho họ lập nên những chiến công hiển hách, những thành quả văn hoá xã hội rực rỡ. Từ chỗ áp bức mà đứng lên, họ đã dành cho bản thân một địa vị xứng đáng trong lịch sử dân tộc. Cũng như loài người. Tả lại: một chàng thái tử đi tìm một cô gái chài lưới, chính là khắc họa việc kết hợp giữa lực lượng nông dân với xu thế của thời đại để làm nên cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vĩ đại”.[20]

Nhưng nếu một người cầm bút mà chỉ biết có ca ngợi các thủ lãnh nhà nước đương quyền, dù là nhà nước đó có được lòng dân đi nữa, thì sự ca ngợi đó cũng chẳng có ý nghĩa gì hết, nếu người cầm bút không vạch ra được một lý thuyết, một hướng đi có lợi cho dân cho nước. Toàn Nhật với tư cách là một nhà văn, nhà thơ nhà tư tưởng của cuộc cách mạng Tây Sơn và đồng thời cũng là một Thiền sư của Phật giáo Việt Nam, Toàn Nhật biết mình phải làm gì để hỗ trợ cho nhà nước Tây Sơn.

“Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, ngoài Lý Trần thì chỉ ở thời Tây Sơn những người Phật giáo mới một lần nữa đề cao quan niệm sống thoát ly để nhập cuộc một cách mạnh mẽ và hào hùng. Điều đó cũng không có gì lạ bởi thời đại Tây Sơn đã có những con người điển hình như Ngô Thời Nhiệm và Toàn Nhật”.[21]
 
Quan điểm sống thoát ly để rồi nhập cuộc một cách mạnh mẽ và hào hùng đó, nếu ở đời Lý chỉ mới khởi đầu, phải đợi đến thời Trần thì quan điểm sống đó mới được áp dụng một cách triệt để:

“Cách sống đó bắt buộc người ta phải vào đời nhưng phải vượt lên cõi đời, vào đạo nhưng phải xuyên qua đời. Những nhân vật chính trong các tác phẩm của Toàn Nhật như Hứa sử truyện vãn, Tống vương truyện đều thể hiện quan niệm sống đó của ông. Họ làm vua rồi họ đi tu, họ đi tu rồi họ đứng ra làm tướng. Phải chăng Toàn Nhật muốn tìm về nếp sống của các vua nhà Trần Việt Nam”.[22]

Bây giờ người ta xem thử Toàn Nhật của thời Tây Sơn đã “muốn tìm về nếp sống của các vua đời Trần” như thế nào trong các tác phầm của ông trước hết là kinh Kim Cang.

Trong lời tựa cho Thiền Tông chỉ Nam, Trần Thái Tông, vị vua khai sáng ra triều đại nhà Trần có viết rằng: “Đến các kinh điển của đại giáo thì không kinh nào là không nghiên cứu. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu “ủng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” vừa gấp sách lại ngâm nga bỗng nhiên giác ngộ…” thì lập tức sau đó kinh Kim Cang đã trở thành quyển kinh căn bản nhất của Phật giáo đời Trần. Điều đó ta có thể dễ dàng nhận thấy khi đọc Cư Trần Lạc đạo phú của vua Trần Nhân Tông hay bài phú vịnh chùa Hoa Yên của Thiền sư Huyền Quang.

Toàn Nhật ở thời Tây Sơn cũng thế, không những đã viết riêng một tác phẩm có tên là Bát nhã ngộ đạo văn, trong đó có những câu vô cùng hoành tráng, hoành tráng chẳng khác gì tiếng sấm chẻ:

Cõi Nam đà mở rộng cửa lầu
Đèn trí tuệ hào quang chói chói
Thuyền Bát nhã nghênh ngang bốn cõi
Nước ma ha rữa sạch ba lòng.

Hoặc là:
Cửa Bát nhã vào ra thong thả
Trống đại hùng đà thu ý mã
Chuông Linh sơn hãy tỏa tâm viên
Ngọc mâu ni há dễ khinh tuyền
Kinh Bạch tự dám đâm vọng tiết.

Những câu sau đây trong Tham Thiền vãn của Toàn Nhật:

Bạn thuyền Bát nhã hôm mai
Xem hoa lập cảnh dồi mài Kim Cang.

Hay:
Một nồi hương huệ đất xông
Ba biến kinh lòng thường niệm hôm mai.

Khiến ta nhớ đến những câu:
Khuya sớm sáng chong đèn Bát nhã
Hôm mai rửa sạch nước ma ha.

của Huyền Quang Thiền sư ở đời Trần ở thế kỷ 13.

Và cũng như vua Trần Thái Tông nhờ đọc kinh Kim Cang mà giác ngộ thì Toàn Nhật chắc cũng như vậy, nghĩa là cũng nhờ thấy lẽ sắc không của Bát nhã mà ngộ đạo, như Toàn Nhật đã ghi lại trong một bài thơ bằng chữ Hán:

Trần duyên đoạn hậu tự tiêu dung
Thanh tịnh phương tư sắc thị không
Phật tức tâm hề tâm tức Phật
Thanh Son chỉ tại bạch vân trung
(Trung niên xuất gia)

Lê Mạnh Thát dịch:
Duyên đời đã dứt tự thong dong
Thanh tịnh phương tri sắc thị không
Phật tức lòng chừ lòng tức Phật
Ngay trong mây trắng núi xanh rờn.

Và mặc dù chỉ là viết lại hành trang của Lục Tổ Huệ Năng, nhưng chúng ta phải hiểu rằng Toàn Nhật cũng xem kinh Kim Cang là quyển kinh căn bản nhất để đưa con người đến chân trời giác ngộ như vua Trần Thái Tông của đời Trần:

Bây giờ cảm động thiết tình
Nghe câu sở tục tâm truyền Kim Cang
Trực liền ngộ đặng linh quang
Diệu xưa Phật Tổ thấy toàn chân như.

Quan điểm ấy càng rõ ràng hơn nữa khi trong Bát Nhã Ngộ Đạo văn Toàn Nhật lặp lại:

Giảng cho thông tứ cú Kim Cang
Thì mới thấy bổn lai diện mục.

Dưới ảnh hưởng của những nhà trí thức lỗi lạc của thời đại như Ngô Thời Nhiệm và Toàn Nhật thì rõ ràng kinh Kim Cang cũng trở thành quyển kinh được triều đình Tây Sơn xem như quyển kinh quan trọng nhằm vạch ra một hướng đi tinh thần cho dân tộc Việt, điều đó được thể hiện qua việc Ngọc Hân Công chúa tức Bắc cung Hoàng hậu của triều đình Tây Sơn chủ trì việc thêu kinh Kim Cang Bát Nhã lên gấm. Hiện chùa Trúc Lâm ở Huế vẫn còn giữ gìn tấm thêu bằng gấm này.

Bởi vậy, xin được lập lại câu hỏi rất có ý nghĩa của tác giả Toàn Nhật Quang Đài “Thái độ tôn giáo của triều đình Quang Trung như thế nào, thì Ngọc Hân Công chúa mới thêu Kinh Kim Cang Bát Nhã lên gấm chứ!”

Hỏi tức là đã trả lời vậy.

Nhưng ảnh hưởng mãnh liệt nhất tinh thần Phật giáo đời Trần đối với Toàn Nhật vẫn là trong Hứa sử truyện vãn. Tôi có cảm tưởng là khi viết tác phẩm này mục đích của Toàn Nhật không gì khác hơn là nhằm giải thích hai tác phẩm quan trọng nhất của đời Trần là bài tựa Thiền Tông chỉ Nam của vua Trần Thái Tông và Cư Trần Lạc Đạo phú của vua Trần Nhân Tông.

Trong Thiền Tông chỉ Nam, vua Trần Thái Tông đã nói lên nỗi day dứt cũng như đau khổ và dằn vặt của mình đối với công danh sự nghiệp: “Lại nghĩ sự nghiệp đế vương thời trước, hưng phế bất thường, cho nên tìm đến núi này chỉ muốn cầu làm Phật, chứ không cầu gì khác”.

Nhưng Quốc sư Trúc Lâm đã khuyên vua Trần Thái Tông rằng:

“Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lặng lẽ mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu bệ hạ giác ngộ tâm đó thì lập tức thành Phật, không nhọc tìm bên ngoài”

Nhưng sau câu nói ấy, Quốc sư Trúc Lâm thấy nhà vua vẫn phân vân lưỡng lự chưa chịu xuống núi, nên Quốc sư mới nói tiếp:

“Phàm đã là bậc nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được! Duy chỉ có việc nghiên cứu nội điển thì xin bệ hạ đừng chút xao lòng mà thôi”.

Chính vì đời Trần đã “lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình” một cách triệt để, nên không có gì lạ trong hơn một thế kỷ tồn tại, vương triều Trần không chỉ một lần mà cả đến ba lần đánh bại đội quân xâm lược hung hãn mà thời bấy giờ chỉ mới nghe nhắc đến Tartar (Thát Đát) thôi thì đã lên cơn sốt rồi. Nhưng không chỉ mạnh về mặt quân sự, mà trên mặt văn học tư tưởng cũng thế, nghĩa là cũng “lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình” nên nền văn học đời Trần đã phát triển rực rỡ. 
 
Dù bị kẻ ngoại xâm cũng như thiên tai địch họa phá hủy rất nhiều, nhưng những gì còn lại của nền văn học ấy vẫn tiếp tục nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc cho đến ngày hôm nay. Bởi thế ta chẳng lấy gì làm lạ, vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20, một phần của nhân loại đã nhận ra rằng, những ý thức hệ ngoại lai mà bấy lâu nay họ tôn thờ thực sự chẳng giúp ích gì cho sự phát triển của quốc gia họ cả, mà còn gây ra không biết bao là thống khổ và hận thù cho dân tộc họ nữa.

Bởi vậy, hơn bao giờ hết, cái hình bóng cô đơn heo hút của “một lão Tăng sống trên núi hoang, xương gầy mặt võ, ăn rau đắng, nếm hạt dẻ, chơi cảnh rừng, uống nước suối, lòng như mây nổi” trên núi Yên Tử cách đây bảy thế kỷ căn dặn nhà lãnh đạo của dân tộc Việt “phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình” đã trở thành một bức thông điệp khẩn thiết hơn bao giờ hết đối với dân tộc Việt Nam trong lúc này.

Trong Hứa sử truyện vãn của Thiền sư Toàn Nhật của thời Tây Sơn, Đồng Vân, một vị quan bách chiến bách thắng đang trấn giữ miền biên giới của nước Trung Quốc Việt Vương cùng ám ảnh nỗi sầu muôn thuở ấy của kiếp người như Trần Thái Tông của đời Trần:

Đời tham cả lộc cao ngôi
Ví như lá vược hớp mồi mắc câu
Tuổi xanh khiến sớm bạc đầu
Phút đau lại chết khổ sầu mà thôi.

Và Đồng Vân cũng đã vứt bỏ cả lộc cao ngôi vua bỏ vợ con lên chùa xuất gia với Thiền sư Mật Hạnh. Khi nghe tin Đồng Vân đã xuất gia thì Triệu Tân bên nước láng giềng liền ráo riết chuẩn bị xâm lăng:

Lệnh truyền tướng tá các nha
Chỉnh tu binh mã can qua sẵn sàng
Triệu Tân mới cất binh sang
Ngựa ăn chật nội quân hàn dãy non.

Chỉ mới có giao tranh trận đầu quân của nước Trung Quốc Việt vương đã thảm bại vì:

Triệu Tân tài mạnh tột đời
Tướng việt sa thế, rã rời chạy đi
Triệu Tân sách mà huy kỳ
Trống sáu reo đuổi ầm ỷ vang rân
Quân việt rã chạy rần rần
Triệu Tân chém tướng tưng bừng Đông Tây.

Không còn cách nào hơn, vua Việt vương đành phải cùng các quan xa giá đến chùa để xin Đỗng Vân cứu nguy xã tắc. Cũng như Trần Thái Độ đã cùng với các quan trong triều lên tận núi Yên Tử để xin vua Trần Thái Tông hãy vì xã tắc mà xuống núi.

Trong Thiền Tông chữ Nam, Trần Thái Độ đã thưa với Trần Thái Tông:

“Vả Thái Tổ bỏ thần mà đi, nắm đất trên mồ chưa khô, lời trăn trối bên tai còn đó. Thế mà bệ hạ lại lánh gót ẩn cư nơi núi rừng, để theo đuổi cái chí riêng của mình. Như thần nghĩ, bệ hạ tính kế tự tu đã vậy, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao?”

Trong Hứa sử truyện vãn, vua Việt Vương cũng đã nói với quan Đỗng Vân những lời tương tự:

Vả ông dũng lược ân oai
Triệu Tân ni đã sợ tài xưa nay
Xin ông phương tiện ra tay
Chống đàn xã tắc khỏi ngày khuynh nguy
Đạo là cứu độ từ bi
Nước nghèo dân chết bỏ đi  nỡ nào
Kìa lời tục ngữ thường rao
Liền giết một mèo, cứu chuột muôn con
Xin ông đoái tưởng cựu ân
Ra tay giúp nước cứu dân phen này.

Sau đó Thiền sư Mật Hạnh, thầy của Đỗng Vân đã phải giải thích mọi thắc mắc trong lòng của Đỗng Vân, vì Đỗng Vân đang phân vân lưỡng lự là có nên tránh xa xã hội loạn lạc đau khổ để đi tìm hạnh phúc riêng cho mình không?

Mật Hạnh lời mới tỏ phân
Chúng ta vì tưởng bốn ân tu hành
Gặp cơn ác Đảng tung hoành
Dễ ta đâu khá nỡ đành ngồi coi
Huống thêm nghĩa cũ vua tôi
Mình vàng hiểm trở xa xôi tìm vời
Phải chi vũ lực tột đời
Cũng ra giúp người thầy chẳng tiếc công
Vả chăng quyền xảo thích trung
Bồ Tát đa hạnh thiệt trong đạo này
Làm sao mà đặng lợi người
Giúp nước cứu đời cũng một việc tu.

Như vậy là Thiền sư Mật Hạnh đã bảo cho Đỗng Vân, đệ tử của mình biết rằng “giúp dân cứu nước” mới là việc quan trọng nhất của người xuất gia.

Một sự thắc mắc nữa cũng không kém phần quan trọng là giới sát. Nếu một người đã xuất gia mà tham dự chiến tranh thì có phạm giới sát không?

Hãy còn ngại việc sát sanh
Thôi lại quỳ gối  thưa trình bổn sư
Thầy phân tôi đã hiệp cơ
Nhưng mà còn ngại, hãy chưa yên tĩnh
Vả như một sự sát sinh
Đầu trong các giới, chẳng khinh thiệt thà
Dầu kẽ tại gia xuất gia
Chẳng dám trái phạm ấy là phép chung
Nhẫn loài nhỏ nhít côn trùng
Cũng chẳng nên giết huống đồng loại ta
Nay tôi chấn động can qua
Sao cho khỏi hại người ta bây giờ

Thiền sư Mật Hạnh đáp rằng:
Giả như cố ‎ý bất nhân
Buông lòng sát hại tội dường hằng sa
Vốn nay vì sự nước nhà
Cứu dân giúp nước, sao mà chẳng nên
Luật rằng phương tiện xảo quyền
Tùy cơ lội vật, pháp trần xưa nay
Đỗ Trường Ấn phong hai thầy
Ở trong quân trận ngày ngày ngăn binh
Qui Tôn giết rắn làm lành
Việc xưa tỏ chép đành rằng đến nay.

Sau khi dẫn chứng truyện xưa, Thiền sư Mật Hạnh nói cho Đỗng Vân biết chuyện của ngày hôm nay, nghĩa là ngày hôm nay muôn dân cũng đang rên siết dưới sự bạo tàn của kẻ xâm lược:

Vả như luận sự giặc này
Triệu Tân một đứa, tai đầy muôn dân
Buông lòng tham ngược bất nhân
Vạn thặng căm hờn, thiên hạ nghiến răng
Lòng trời ắt cũng chẳng ưng
Để vầy quen nó lung lăng quấy thì
Kinh rằng đại lực đại bi
Hay ông tới đó mặc khi máy dùng
Trước ra văn đức vỗ lòng
Bằng nó cứng cổ sẽ dùng gia binh
Ông hãy cứ việc thi hành
Diêm vương bắt tội thầy đành chịu thay.

Vậy là kể từ khi lý tưởng Bồ tát được Lục Độ Tập kinh công bố: “Bồ Tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ, xông vào chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than” thì tuyên ngôn ấy đến nửa cuối thế kỷ 18 lại được những con người đang nuôi dưỡng lý tưởng Bồ tát khẳng định mạnh mẽ hơn nữa:

Trước ra văn đức vỗ lòng
Bằng nó cứng cổ sẽ dùng gia binh
Ông hãy cứ việc thi hành
Diêm vương bắt tội thầy đành chịu thay.

Lý do có lẽ cũng không có gì khó hiểu cho lắm. Nếu như những thế kỷ trước đó, dân tộc ta chỉ có một kẻ thù ở phương Bắc, thì đến nữa cuối thế kỷ 18, phong trào Tây Sơn không những chỉ đối đầu với ba tập đoàn phong kiến bên trong (Trịnh Lê Nguyễn) mà còn phải đối đầu với phương Bắc và Xiêm La ở phương Nam và đặc biệt một kẻ thù mới còn nguy hiểm hơn, đó là việc các tàu chiến của các nước Tây phương đang cấu kết với tay sai trong nước ngày đêm lãng vãng ngoài bờ biển của phía Nam tổ quốc với mục đích là đưa tôn giáo mới vào nhằm thay thế những tôn giáo đã được dân tộc tiếp thu từ những ngày đầu mới lập quốc. Trong Bát Nhã Ngộ đạo văn Toàn Nhật đã đau lòng thốt lên:

Sao chẳng nhớ câu chân giả
Mà học thói Tây phương!

Và cũng như Trần Thái Tông nghe lời khuyên của Quốc sư Trúc Lâm mà xuống núi, thì Đổng vân trong Hứa sử truyện vãn của Toàn Nhật ở thời Tây Sơn cũng phải rời chùa Huệ Lâm, để ra tay cứu vớt muôn dân đang sống trong cảnh lầm than. Toàn Nhật tả lại cảnh Đỗng vân xuống núi xuất quân như sau:

Một mai trận thượng cất ra
Giặc ấy chẳng đánh nó mà cũng tan
Ví dầu nó có chống ngang
Nghe ta đóng lịnh, giao thương hãy dùng
Dụ thôi mới bát tiên phương
Tả chi, Hữu dực, Trung quân ân cần
Hậu tiếp đốc binh Đỗng vân
Bát rồi rắt rắt rần rần kéo qua
Chư quân đều niệm Di Đà
Trước sau nổi tiếng nghe hòa vang rân
Khắp trong quận huyện quan dân
Dựng cờ ứng nghĩa rần rần kéo ra
Con thề đánh trả thù cha
Em nguyện liều  thác, báo hòa thù anh.

Vậy là dù ý muốn của Trần Thái Tông là ở lại với núi Yên Tử để tìm sự giải thoát riêng cho mình, nhưng cuối cùng theo lời dạy của Quốc sư Trúc Lâm “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình”, mà ý muốn của thiên hạ là phải xuống núi, nên Trần Thái Tông phải xuống núi trở lại và Đỗng Vân trong Hứa sử truyện vãn của Toàn Nhật cũng thế, nghĩa là cũng muốn ở lại chùa để tìm sự an lạc riêng cho mình, nhưng theo lời khuyên của Thiền sư Mật Hạnh cũng phải rời chùa để cứu muôn dân ra khỏi chốn nô lệ lầm than.
 
Trong Tống vương truyện, sau khi thái tử nước Tống lấy con gái của một người chài lưới nghèo khổ, thì nhà vua nhường ngôi cho con để “hồi đầu phật tử, thế phát tu hành”, còn trong Hứa sử truyện vãn, vị quan Đỗng Vân sau khi dẹp xong quân ngoại xâm thì vua nước này là Việt vương cũng đã “tuổi cao tỉnh ngộ, hỏi dò Phật gia” để rồi cuối cùng:

Cởi quăng ngọc toã kim già
Cao xương huệ kiếm, diệt tà vô minh.
Đều hay lánh chốn trần lao
Vượt ra ma võng, thẳng vào Phật môn.

Dường như vì hình bóng của các vua Trần ở thế kỷ 13 nhất là Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông, những ông vua có thể nói là minh triết nhất trong lịch sử dân tộc ta, sau khi đánh bại ngoại xâm, đất nước thái bình thịnh trị thì cũng đều nhường ngôi lại cho con mà xuất gia học đạo. Phải chăng những ông vua đó vẫn luôn luôn là hình bóng “lý tưởng” mà Toàn Nhật muốn triều đại Tây Sơn cũng phải có những ông vua như đời Trần oanh liệt?

Không biết khởi đầu từ bao giờ nhưng có phần chắc là kể từ khi Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ ngôi vua vào rừng sâu để tìm đạo, kể từ khi Lão Tử cỡi trâu đi biệt tăm sau khi đã giao bản thảo đạo đức kinh cho Doãn Hỷ thì có lẽ vấn đề mới được đặt ra là: Nếu muốn thành tựu con đường sống đạo thì nên vào rừng ở ẩn hay là cứ ở lại chốn phồn hoa đô hội mà vẫn làm chủ được tâm mình không hề bị đời sống phồn hoa cám dỗ. Đó chính là vấn đề được hai tác giả lớn của đời Trần đề cập. Từ câu nói lừng danh của vị Quốc sư Trúc Lâm trên núi Yên Tử ở thế kỷ 13: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng” đến hai câu mở đầu bài phú Cư Trần lạc đạo của Trần Nhân Tông:

Mình ngồi thành thị
Nết dụng Sơn Lâm.

Trong Hứa Sử truyện vãn của Thiền sư Toàn Nhật, Hứa Sử cùng đặt vấn đề ấy với Việt Vương:

Thị thành lại với lâm tuyền
Tu hành công đức hai đường đâu hơn?

Việt Vương trả lời:
Nay thầy lời đã hỏi ta
Lấy trong sự lý phân ra cho tường
Lâm truyền thanh cảnh náu nương
Đặng phần tịch mịch, khỏi đường huyên hoa
Song thời cũng ở lòng ta
Lòng ta thanh tĩnh, cảnh hoà cùng thanh
Dẫu mà ở chốn non xanh
Lòng còn loạn động thị thành khác chi
Thị thành xao xuyến nhiều bề
Lòng ta thanh tĩnh khác gì Sơn Lâm
Tu hành yếu vốn tại tâm
Nếu nệ nơi cảnh, mắc lầm hoà hai.

Ta phải hiểu thế nào về quan điểm trên của Toàn Nhật, có phải Toàn Nhật muốn nói như thế này chăng:

“Điều quan trọng không phải là sống ở thị thành hay núi rừng. Vấn đề là làm sao giác ngộ được sự thật. Đấy mấu chốt của vấn đề. Ta đã thấy sự giác ngộ có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt là chính giữa cuộc đời trần tục đầy những hệ lụy thế sự. Chính trong cuộc sống trần tục ấy mà giác ngộ được thì giá trị còn nâng lên gấp bội”.[23]

Còn một vấn đề quan trọng nữa mà tôi nghĩ rằng có lẽ Toàn Nhật cũng muốn triều đại Tây Sơn phải tiếp tục con đường mà đời Trần đã vạch ra, đó là vấn đề sử dụng chữ quốc âm. Khi đọc những bài thơ chữ Hán của Toàn Nhật, tác giả Toàn Nhật Quang Đài nhận xét rằng:

“… Qua những bai thơ chữ Hán, chứng tỏ khả năng sử dụng chữ Hán văn rất điêu luyện và thành thục của Toàn Nhật. Điều hãy còn cho ta thấy là việc phần lớn tác phẩm Toàn Nhật viết bằng tiếng quốc âm không có nghĩa là ông không thể sử dụng chữ Hán. Ngược lại, dù là một người rất giỏi chữ Hán nhưng ông đã tìm về với tiếng nói của dân tộc để chuyển tải những gì mình muốn nói với nhân dân. Ý muốn xây dựng một nền văn học quốc âm, không chỉ dân tộc mà còn cho Phật giáo, đã đặt Toàn Nhật không những vào những nhà thơ lớn của dân tộc mà còn của Phật giáo. Thứ đến, với những bài thơ đó nền văn học quốc âm của dân tộc ta vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 chứng tỏ sự đa dạng và phong phú với những tình tự và nhận thức của những con người khác nhau”.[24]

Tiếng quốc âm của dân tộc ta chắc chắn đã có từ rất lâu, có thể từ các triều đại vua Hùng trước Tây lịch, nhưng “chỉ đến thời vua Trần Nhân Tông, với hai tác phẩm của mình là Cư Trần lạc đạo phú và đắc thú lâm truyền thành đạo ca cùng Vịnh Vân Yên tự phú của Thiền sư Huyền Quang (1234-1334) và giáo tử phú của Mạc Đĩnh Chi (1284-1361), thì nền văn học tiếng việt mới có những tác phẩm đầu tiên hoàn chỉnh của mình còn được bảo tồn đến ngày nay. Vị trí văn học của vua Trần Nhân Tông do thế đối với dân tộc ta rất là vĩ đại”.[25]

Cố học giả Trần Trọng Kim trong phần viết về việc học hành và thi cử đời Tây Sơn có nói rằng: “việc cai trị thường hay dùng chữ Nôm. Nhà vua muốn nói rằng người Việt Nam thì phải dùng tiếng Việt Nam, để gây thành cái tinh thần của nước nhà, và cái văn chương đặc biệt, không phải đi mượn tiếng mượn chữ của nước Tàu. Vậy nên khi thi cử thường bắt quan ra bài chữ Nôm và bắt sĩ tử làm bài bằng chữ Nôm. Thời bây giờ nhiều người không hiểu rõ cái ý nghĩa sâu xa ấy, cho là nhà Tây Sơn dùng hà chính mà ức hiếp nhân dân”.[26] 

Bằng chứng hùng hồn về lòng tự hào đối với tiếng nói của dân tộc mình, đó là việc vua Quang Trung đã dõng dạc đọc bản tuyên ngôn độc lập bằng tiếng Nôm trước ba quân trước khi xuất quân đi đánh đuổi quân Tàu:

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để răng đen
Đánh cho nó chích luôn bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho nó sử tư Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ.

Nếu quả đúng Toàn Nhật là tướng của Tây Sơn hay quan trọng hơn nữa là mưu thần của vua như hai tác giả Nguyễn Đình Chúc và Huệ Nguyễn đã xác nhận trong tác phẩm biên khảo Lịch sử Phật giáo và các chùa ở Phúc Yên thì chắc hẳn việc sử dụng tiếng Nôm như tiếng chính thức trong hành chánh công như trong thi cử của triều đình Tây Sơn Quang Trung thì tất nhiên phải có sự đóng góp công sức lớn lao của Toàn Nhật, vị thiền sư đã hết lòng yêu thương tiếng nói của dân tộc mình, và mặc dù rất giỏi chữ Hán nhưng đã để lại gần hai mươi tác phẩm bằng chữ Nôm.

Và không còn hồ nghi gì nữa, một người biết trân trọng tiếng Nôm mà còn là một thiền sư của Phật giáo Việt Nam thì qua hai tác phẩm Cư Trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm truyền thành đạo ca, Toàn Nhật đã ý thức một cách triệt để rằng “Tiếng Việt như một ngôn ngữ có thể phát biểu những tư tưởng trừu tượng tương đối khó nắm bắt một cách khéo léo và dễ hiểu. Từ đó Tiếng Việt đã từ thành một ngôn ngữ đủ khả năng chuyển tải bất cứ nội dung tư tưởng khác nhau nào và có vẻ đẹp riêng của nó”.[27]

Lời kết:

Chúng ta, những người phật tử Việt Nam nên nhìn sự hưng thịnh cũng như suy vong như thế nào của lịch sử Phật giáo Việt Nam qua các thời đại? Và có phải chỉ có các triều đại Đinh Lê và nhất là Lý Trần thì mới đựơc xem là thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo Việt Nam chăng?

“Chẳng hạn, các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần thay đổi khác nhau, hết triều đại này tới triều đại kia, nhưng Phật giáo vẫn vươn lên phát triển và có những đóng góp to lớn cho dân tộc. Điều này chứng tỏ bên ngoài sự thay đổi của các triều đại, dân tộc vẫn phát triển theo tính quy luật của nó, bất chấp ý chí chủ quan của một triều đại. Có vẻ như dân tộc có một sức sống của riêng nó, và Phật giáo biết bám vào sức sống này của dân tộc để cùng dân tộc đi lên. Các triều đại thay đổi và chúng đã không đáp ứng được yêu cầu của sức sống dân tộc, nên đã bị loại bỏ”.[28]

Giả như không có trường hợp của Toàn Nhật thì quan điểm trên về lịch sử Phật giáo Việt Nam của giáo sư Lê Mạnh Thát khó có thể chấp nhận đối với nhiều người, vì ai cũng có thói quen nghĩ rằng, chỉ có Đinh, Lê và đặc biệt là Lý, Trần mới là thời cực thịnh của Phật giáo Việt Nam, còn sau đó thì Phật giáo suy tàn và Nho giáo đã thay thế chỗ đứng của Phật giáo. Nhưng vì có trường hợp của Thiền sư Toàn Nhật nên theo tôi quan điểm lịch sử ấy hoàn toàn chính xác, nghĩa là Toàn Nhật đã tham gia cuộc cách mạng của Tây Sơn, vì theo quan điểm của Toàn Nhật cuộc cách mạng ấy phù hợp với lòng dân nhưng khi cuộc cách mạng Tây Sơn tan rã, triều đại khác lên thay, Toàn Nhật nhận thấy triều đại ấy không đáp ứng được yêu cầu của sức sống dân tộc thì vị thiền sư của chúng ta chỉ còn “biết bám vào sức sống của dân tộc”.

Kết quả là, ngày nay chúng ta có được gần 20 tác phẩm bằng tiếng quốc âm, mà theo giáo sư Lê Mạnh Thát thì: “Kho tàng văn học cổ điển Việt Nam chưa bao giờ có một nhà thơ nhà văn để lại một lượng lớn tác phẩm bằng tiếng quốc âm như Toàn Nhật. Chỉ với số lượng đó thôi, nó đã biển thị không những sức sống dạt dào của dân tộc đang lên thể hiện qua tiếng nói nhân dân”.[29]

Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất trong quan điểm đó là chúng ta, những người Phật giáo Việt nam hiện tại cũng như mai sau nên “bám vào sức sống của dân tộc để đi lên” thay vì chỉ biết bám vào các triều đại hay các nhà nước, vì “các triều đại sẽ phải thay đổi khi không còn đáp ứng được yêu cầu của sức sống dân tộc”.

Vậy là, chỉ có “bám vào sức sống của dân tộc” thì Phật giáo Việt nam mới có thể tồn tại mãi trong lòng của dân tộc mà thôi.

Có phải đó là bài học lịch sử lớn lao mà Thiền sư Toàn Nhật ở nửa cuối thế kỷ 18 đã để lại cho chúng ta, những người Phật giáo Việt Nam hôm nay chăng?



Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch