Nhân vật
Về nhân vật Huyền Quang trong văn xuôi tự sự thời trung đại
24/03/2011 01:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Huyền Quang (1254 - 1334) là một trong những nhân vật tiêu biểu của văn hóa Việt Nam thời trung đại. Ông là vị tổ thứ ba của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời là nhà thơ khá tiêu biểu của văn học đời Trần (tác giả của Ngọc Tiên tập, Vịnh Hoa Yên tự phú...). Những câu chuyện, giai thoại về thiền sư đã trở thành đề tài, cảm hứng của nhiều sáng tác văn chương trung đại, đặc biệt là văn xuôi tự sự.

Huyền Quang xuất hiện đầu tiên trong chuyện Tổ gia thực lục (thuộc thiên thứ nhất sách Tam tổ thực lục). Tác phẩm lưu hành rộng rãi trong giới tu hành vào khoảng nửa sau thế kỷ XIV, hiện còn tồn nghi về tác giả. Thoạt nhìn, Tổ gia thực lục có vẻ vẫn thuộc loại hình văn học chức năng. Điều này thể hiện ở tiêu đề, xây dựng cấu trúc tác phẩm, đặc biệt là phương thức huyền thoại hóa trong cách miêu tả nhân vật khiến tác phẩm lộ rõ ý đồ “khuyến giáo”. Ở phương diện này có thể nhận ra mối liên quan ít nhiều giữa Tổ gia thực lục với các tác phẩm có cùng nội dung tôn giáo mà điển hình là sách Thiền uyển tập anh ngữ lục (nửa đầu thế kỷ XIV). Trên thực tế thì các sách trên cũng đã lưu hành khá lâu trong nhà chùa trước khi đến với người đọc với tư cách là tác phẩm văn học. Tuy nhiên so với các tiểu truyện trong tập Thiền uyển tập anh ngữ lục thì Tổ gia thực lục đã thể hiện những phẩm chất của nghệ thuật tự sự. Bên cạnh những chi tiết kỳ ảo, hoang đường thường thấy của loại truyện này, tác giả đã bổ sung thêm nhiều chi tiết đậm chất thế tục xoay quanh cuộc đời của thiền sư khiến cho câu chuyện có thêm sự sinh động, tươi mới. Chi tiết vua Trần sai cung nữ Điểm Bích dùng kế mỹ nhân thử giới hạnh của Huyền Quang là một ví dụ. Với một lai lịch và hành trạng “tuyệt đối trong sạch”, Huyền Quang đã không vi phạm giới luật dù nàng Điểm Bích là người có nhan sắc tuyệt trần. Câu chuyện trên có thể là một chi tiết có thực, hoặc cũng có thể chỉ là một giai thoại, song việc người viết lựa chọn, rồi sắp đặt, dắt dẫn nó để tạo nên một cốt truyện hấp dẫn mà vẫn hài hòa với các tình tiết khác của câu chuyện đã thể khả năng hư cấu nghệ thuật của tác giả. Tổ gia thực lục nhờ thế đã nhạt bớt tính chất chức năng mà đậm đà yếu tố nghệ thuật.

Khoảng gần 4 thế kỷ sau (nửa đầu thế kỷ XVIII), xuất hiện một tác phẩm văn xuôi khá thú vị có tên là Sơn cư tạp thuật. Tác phẩm được coi là của Đan Sơn (chưa rõ tên thực, sinh vào khoảng 1737-1740), người Hoằng Hóa (Thanh Hóa), tác giả của Tham khảo tạp ký, Đan Sơn thi tậpSơn cư tạp thuật.

Trong 6 thiên của Sơn cư tạp thuật có một thiên (tác giả cho đó là một trong hai truyện sưu tập thêm của Truyền kỳ mạn lục nên còn gọi là phụ truyền kỳ) có tên là Sư chùa núi Yên Tử. Toàn bộ cốt truyện vẫn chủ yếu xoay quanh mối quan hệ tình cảm giữa cung nữ Điểm Bích và thiền sư Huyền Quang từng được đề cập trong Tổ gia thực lục, song tác giả đã lược bỏ gần như hoàn toàn các chi tiết về nguồn gốc, lai lịch, hành trạng Huyền Quang. Đặc biệt kết cục bất ngờ của câu chuyện đã khiến nhân vật Huyền Quang không còn là kiểu nhân vật chức năng, minh họa cho giáo lý nhà Phật mà trở thành một hình tượng nghệ thuật nhằm truyền tải thông điệp về đời sống của tác giả. Ở truyện này, chỉ sau vài lần Điểm Bích “quần lụa trễ xuống gần nửa, để lộ thịt da tuyết trắng” thì Huyền Quang đã lòng thiền xao động, lửa dục bùng lên dữ dội, “chàng bèn lấy cả số vàng được nhà vua ban tặng đưa ra cho Thị Bích rồi thông dâm cùng nàng”. Khi vua Trần triệu về kinh đô, thấy đàn tràng căng toàn lụa vàng với ý mỉa mai, Huyền Quang đã ứng khẩu một bài thơ tứ tuyệt như để bày tỏ tình cảnh trớ trêu của mình, đồng thời bộc lộ một tâm hồn mâu thuẫn của con người tu đạo mà vẫn chưa dứt tình đời:

Ba sáu bản kinh làu làu thuộc
Sự tình này nên khóc hay cười?
Ba điều khó tránh ở đời
Rượu ngon, gái đẹp, thịt tươi béo giòn.

 

Nếu chỉ căn cứ vào nội dung bài thơ trên cùng lời đàm tiếu của người đời ở phần kết truyện thì có thể nhận ra sự tương đồng giữa câu chuyện này với một số truyện kể dân gian ở mô típ sư tu hành nhưng chưa đắc đạo. Mỗi câu chuyện như vậy tựa như một bài học đạo lý, vừa phê phán, vừa ngụ ý răn dạy con người về tính kiên trì và lòng thành tâm hướng Phật. Tuy nhiên, màu sắc trào phúng kết hợp với tính trữ tình của bài thơ “trần tình” đã hé mở thế giới nội tâm nhân vật với nhiều mâu thuẫn trái ngược nhau trong cùng một con người. Với ý nghĩa đó tác phẩm truyền tải một khám phá của tác giả về con người cũng như về đời sống nhân sinh, trong đó có phần đề cao những ham muốn tự nhiên, trần thế. Câu chuyện phản ánh sự thắng thế của dục vọng trần tục trước những lý tưởng cao siêu mà xa vời, của phần đời với phần đạo. Sự thừa nhận nguyên nhân “thất bại” của Huyền Quang là cách để con người cá nhân Huyền Quang lên tiếng như một đối chọi với con người Thiền. Cảm hứng bao trùm của câu chuyện, vì thế, là cảm hứng ngợi ca những niềm vui trần thế, là tiếng cười sảng khoái của tác giả khi phát hiện ra “gót chân Asin” của một thần tượng tôn giáo với ý niệm cảm thông hơn là phê phán. Ở bình diện tư duy nghệ thuật, thay vì nguyên tắc miêu tả nhân vật theo lối thần thánh hóa con người là nguyên tắc trần tục hóa thần thánh, một kiểu giải huyền thoại nhằm giải thiêng các hiện tượng, câu chuyện, nhân vật thần bí, lý tưởng, từ đó khám phá đời sống ở những chiều kích mới chân thật, sinh động hơn. Điều này minh chứng cho xu thế vận động, phát triển của văn học trung đại nói chung, của văn xuôi tự sự nói riêng qua gần 4 thế kỷ. Đó là quá trình dịch chuyển từ văn học chức năng, coi trọng mục đích truyền đạo, giáo huấn hướng tới sáng tạo nghệ thuật đích thực, coi trọng việc miêu tả, khám phá và tái hiện một cách chân thực bức tranh về đời sống, về con người.

Theo Thạc sĩ  Đỗ Thu Thủy - QĐND

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch